Cuốn sách "Ma Chiến Hữu" và cách nhìn của Mạc Ngôn về cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung

10:34 SA @ Thứ Bảy - 19 Tháng Hai, 2022

Hôm nay là ngày 17.2. Vân post lại 1 bài viết cũ. Bài này viết đã rất lâu, khi mà cuốn sách này in ở Việt Nam và làm dấy lên một làn sóng phản đối, trong đó đa phần là... người chưa đọc cuốn sách!

Trong gần hai mươi năm trở lại đây, những tác phẩm của nhà văn Mạc Ngôn được dịch ra nhiều ở Việt Nam và được đông đảo độc giả Việt Nam thích văn chương biết đến, tất nhiên là phải kể đến công PR rầm rộ của báo chí Việt Nam, (với những tác phẩm như “Cao lương đỏ”, “Đàn hương hình”, “Báu vật của đời”, “Cây tỏi nổi giận”...) và vầng hào quang giải Nobel văn chương. Dù bản thân Mạc Ngôn được giới phê bình văn học Trung Quốc đánh giá cao, nhưng ý kiến riêng của tôi thì không thích lối viết của Mạc Ngôn cho lắm. Bởi lẽ cũng như nhiều nhà văn Trung Quốc khác (có thể đây cũng là một truyền thống của văn học Trung Quốc), Mạc Ngôn khi viết văn cũng mắc một căn bệnh cố hữu: đó là bệnh “đại ngôn”. Đọc một vài tác phẩm của ông thì khi đọc những tác phẩm khác cũng do ông viết, sẽ không còn hứng thú nữa. Chi tiết đáng chú ý trong cuộc đời Mạc Ngôn là ông vào lính năm 1976, năm 1984 chuyển sang viết văn chuyên nghiệp và cho đến nay, theo cách nói của Việt Nam thì ông vẫn là một nhà văn quân đội, có biên chế trong quân đội Trung Quốc.

Về dịch giả thì tiến sĩ Trần Trung Hỷ là một dịch giả tốt, song theo tôi người dịch Mạc Ngôn thành công nhất là dịch giả Trần Đình Hiến.

Mặc dù NXB Văn học là nơi xuất bản cuốn sách, nhưng công ty văn hóa Phương Nam mới là nơi mà cuốn sách ra đời. Tình hình xuất bản ở Việt Nam hiện nay có thể nói là phụ thuộc khá nhiều vào các công ty văn hóa truyền thông, mà Nhã Nam ở Hà Nội hay Phương Nam ở thành phố HCM là những ví dụ điển hình. Công ty Phương Nam là một công ty kinh doanh khá tốt thị trường sách. Cách đây nhiều năm họ cũng đã từng đi tiên phong trong việc mua bản quyền và dịch tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung và một số tác giả khác.

Tác phẩm Ma Chiến Hữu bản dịch tiếng Việt

Nhưng cũng trong thời gian gần đây, thị trường sách Việt Nam có hiện tượng tràn ngập sách ngôn tình của Trung Quốc. Lướt qua trên mấy forum công cộng, những cuốn sách được mang ra bàn luận vẫn là những chuyện tiên hiệp của Trung Quốc, những câu chuyện tình yêu mang màu sắc giải trí nhiều hơn là những tác phẩm có nội dung văn học đích thực.

Trở lại với tác phẩm “Ma chiến hữu”, tôi đã đọc rất kỹ tác phẩm này với sự tò mò xem một tác giả Trung Quốc có tiếng như Mạc Ngôn thì sẽ viết về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 với điểm nhìn của người bên kia như thế nào. Không rõ bản tiếng Việt có bị cắt xén gì so với nguyên bản gốc hay không, nên chỉ nói ý kiến của tôi căn cứ vào bản tiếng Việt đã được xuất bản và phổ biến công khai.
Mạc Ngôn viết về thân phận của những người lính Trung Quốc đã đánh nhau ở biên giới Việt - Trung. Phải nói thẳng đó là những số phận không hề tốt đẹp. Họ đều là những thanh niên nông thôn nghèo như Tiền Anh Hào, Khương Bảo Châu, La Nhị Hổ, Triệu Kim… Họ vào lính để mong được đỡ một miệng cơm ở nhà. Nếu có chết trận thì gia đình cũng sẽ được hưởng ít tiền tử tuất. Họ bị nhồi sọ đến mù quáng. Và họ chết trận không hề vẻ vang. Ngay ở lần đầu ra trận, La Nhị Hổ vì quá sợ hãi nên đã nằm nhô cao mông, bị phát hiện mục tiêu. “Pháo cao xạ mà bắn ngang là sáng tạo của những người ở phía bên kia chiến tuyến. La Nhị Hổ chưa kịp thụt mông xuống thì đã toi mạng. Còn cậu – Tiền Anh Hào, chưa kịp bắn viên đạn nào thì đã nhắm mắt, hy sinh”. Những người còn sống sót thì số phận cũng chẳng vinh hoa phú quý gì. Họ về làng, sống lặng lẽ âm thầm trong đói khổ, kẻ thì không có vợ con, người thì phạm pháp đi tù, người may mắn lắm thì được làm cán bộ địa phương quèn như Quách Kim Khố. Mười mấy năm sau, chính quyền và nhân dân Trung Quốc hầu như đã lãng quên họ, lãng quên một thế hệ đã sống và thậm chí đã chết vì những tham vọng của giới cầm quyền. Chỉ có những kẻ đút lót để không phải ra chiến trường là vẫn vinh thân phì gia.

Đọc xong tác phẩm này, đọng lại trong tôi là hình ảnh hồn ma anh lính Hoa Trung Quang đã khóc lóc vật vã cả ngày trong ngôi mộ của mình vì đọc thấy tin trên báo là Trung Quốc và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ và thốt lên rằng:“Tôi cảm thấy mình chết thật là oan uổng”. Lời an ủi của hồn ma tiểu đoàn trưởng La Nhị Hổ cũng cay đắng không kém: “Trên thế giới này không hề có một tình bạn vĩnh viễn, cũng không hề có một kẻ thù vĩnh viễn. Quan hệ giữa con người và con người là như vậy, quan hệ giữa nước này và nước khác cũng như vậy”. Hình ảnh của một nông thôn Trung Quốc nghèo xác xơ, đói rách cùng cực trong những năm tháng chiến tranh cũng là một hình ảnh gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

Nhà văn Mạc Ngôn, tác giả "Báu vật của đời" trở thành nhà văn gốc Trung Quốc thứ hai và là tác giả châu Á thứ sáu giành được giải thưởng uy tín bậc nhất thế giới Nobel Văn học năm 2012. Ủy ban Nobel Văn học ca ngợi Mạc Ngôn là tác giả "kết hợp được chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với truyện kể dân gian, lịch sử và cuộc sống đương đại" trong các trang văn của mình.

Tác phẩm hoàn toàn không nói gì về những người lính Việt Nam, cũng không có những đoạn miêu tả cảnh đánh nhau. Đoạn miêu tả cảnh chiến trường duy nhất là cái chết vô nghĩa của La Nhị Hổ và Tiền Anh Hào như đã nói ở trên. Tác phẩm không nói xấu về Việt Nam, tác phẩm chỉ tập trung miêu tả sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh với điểm nhìn của một người Trung Quốc. Có những chi tiết như lính Trung Quốc chúc tụng nhau lập chiến công, giết được nhiều quân địch, nhưng thật ra đó chỉ những hành động do sự nhồi sọ mù quáng. Lời trấn an của hồn ma viên chính ủy với những hồn ma khác trong mộ cũng chỉ lời bào chữa vụng về cho cuộc chiến: “Chúng ta là quân nhân, thiên chức của chúng ta là phụ tùng mệnh lệnh, cấp trên bảo chúng ta đánh tới đâu, chúng ta phải xông lên tới đó. Tình hình thế giới không ngừng thay đổi, quan hệ giữa các nước với nhau không ngừng thay đổi. Ngày ấy chúng ta và họ dùng súng đạn nói chuyện với nhau, qua đó mà mới có được hòa bình hôm nay. Nhân dân không có oán thù gì với nhau, chiến tranh và hòa bình đều là biểu hiện của tình hình chính trị. Chúng ta hy sinh là vinh quang, quá khứ của chúng ta là vinh quang, lúc này cũng vinh quang, tương lai cũng vẫn cứ vinh quang. Bất cứ sự hoài nghi nào về sự vinh quang của chúng ta đều là những sai lầm, những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng!” Nhưng đáp lại lời diễn thuyết hùng hồn ấy, không có tiếng vỗ tay mà chỉ có những tiếng khóc quái dị của những hồn ma.

Tóm lại, đây là một cuốn sách mang tính thần phản chiến rất rõ ràng, cho thấy quan điểm của tác giả xem cuộc chiến tranh này là vô nghĩa, chỉ phục vụ cho tham vọng của giới cầm quyền. Kẻ chịu đau thương, thiệt thòi nhiều nhất cuối cùng vẫn chỉ là những người lính Trung Quốc nghèo khổ, dốt nát và mù quáng. Nhưng không phải ai cũng đọc và đọc kỹ để hiểu ra dụng ý của Mạc Ngôn. Ngôn từ của văn chương, diễn biến của nội dung cốt truyện cũng đòi hỏi phải có sự hiểu biết nhất định, bởi vì xét cho cùng, văn chương là “ý tại ngôn ngoại” mà.

Chúng ta có thể xem những cuốn sách, bộ phim của Pháp, Mỹ nói về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ với điểm nhìn của người bên kia chiến tuyến, để biết thêm thông tin, biết thêm những cách nhìn khác nhau, thì chúng ta cũng có thể xem cuốn sách này của Mạc Ngôn với tinh thần như vậy. Miễn là những cuốn sách hay phim ảnh ấy không tô vẽ hay xuyên tạc sự thật thì tâm lý người Việt Nam đều có thể chấp nhận được. “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh cũng đã được dịch và in ở Mỹ đó thôi. Lẽ ra cuốn sách này nên có một lời giới thiệu phù hợp, thỏa đáng ở đầu tác phẩm, có tác dụng giải thích cho người đọc về những gì Mạc Ngôn viết.

Thêm một điều nữa, tôi vẫn ước ao rằng khi chúng ta có thể dịch và in sách của một nhà văn Trung Quốc viết về cuộc chiến tranh năm 1979, thì chúng ta cũng nên in nhiều thêm những tác phẩm của nhà văn Việt Nam viết về cuộc chiến tranh này.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan