Đêm Núm Sen: Những cái êm rất xóc!
Chỉ có thể nói về tác phẩm vừa được xuất bản của Trần Dần, Đêm núm sen1, bằng cách mượn từ bảng từ vựng mênh mông, luôn luôn độc sáng của ông: đọc tiểu thuyết này, như những lần Trần Dần tái xuất hiện trước đó, đều bắt gặp những “cái êm rất xóc!”2. Dưới vẻ lãng mạn của câu chuyện tình, Đêm núm sen ẩn giấu nhiều sự kiện, tâm thái của một thời đoạn với những sôi nổi, nhiệt huyết, vụng về, mơ mộng, ngây thơ. Nhưng, trước tiên, hãy đừng quên: Đêm núm sen là câu chuyện thấp thoáng kiểu truyện đồng thoại, ngụ ngôn của thế giới người-kiến.
Đêm núm sen có 22 bức minh họa đính kèm như là cách để độc giả có thể “nhìn thấy” những sự kiện, nhân vật, phố xá, chiến trận trong câu chuyện của kiến Gầy. Các bản minh họa này do họa sĩ Tạ Huy Long thực hiện suốt hơn một năm, trong đó, riêng bức ở bìa hai (trong ảnh) có dựa theo tạo hình của chính Trần Dần.
Ngoái nhìn một thời điểm
Ngay trước Đêm núm sen, Trần Dần vẫn đau đáu chủ yếu cho thơ. Ghi Nhật ký 1954, ở tuổi 28, Trần Dần thực sự dao động: “lúc tôi muốn một thứ Thơ dễ dãi. Lúc một thứ Thơ như một hạt ngọc. Lúc một thứ Thơ kể chuyện […] Tôi thích Thơ thời sự, theo sát cái hồi hộp, lo lắng của Đảng tôi, dân tôi […] Tôi cũng thích Thơ không thời sự, Thơ bao trùm đất nước và thời gian, Thơ ăn lấn sang mọi thế kỉ, và Thơ nhập cả vào cái biện chứng bao la của sự vật”3. Bản thân dao động và nung nấu này có thể là nguyên cớ để thúc đẩy các thử nghiệm thi ca “trái ngược với sự đòi hỏi về Thơ của xung quanh, cấp trên và bạn bè”4. Nhưng hơi thở gấp gáp, nóng hổi của đời sống cách mạng, của dân tộc đang không ngừng xáo trộn lúc đó không làm Trần Dần bỏ qua những bảng màu hiện thực đời thường. Ông biết cách thu nhận nó, dĩ nhiên, theo phương thức ngẫm ngợi và mô tả sâu, để cô đặc hóa mọi thứ, làm cho chúng trở nên đúng nhất, chính xác nhất. Nếu trong chiến tranh, như Trần Dần quan sát, “người ta không có thì giờ hút một điếu thuốc cho xong. Khói chưa tan, óc người ta đòi bận ngay việc khác. Thật là một cuộc sống hớt hải. Trong chiến tranh người ta như là người đi trong Bão” nên bản thân giới văn nghệ, rất nhiều người chỉ “cố tìm ra nhiều hình thức gọi là đột kích, kịp thời”, thì giờ đây, nghĩa là sau 1954 hòa bình lập lại, ông cần đến và thực hành những cách viết mang đúng nghĩa “sáng tác”5. Khi thơ chưa đáp ứng tuyệt đích, Trần Dần bước vào văn xuôi. Sau nhịp thử Người người lớp lớp(1954), Đêm núm sen chính là pha cất cánh ngoạn mục, không phải đi thẳng vào văn đàn, mà chỉ để mở màn một kiểu chân trời Trần Dần: những bản-thảo-nằm, những chiến lược cách tân quốc ngữ không chịu nhiễm xạ mọi kiểu văn chương đương thời.
Minh họa Tạ Huy Long
Năm 1961 “đỉnh cao muôn trượng” ấy, Đêm núm sen được hoàn thành. Và kế tiếp là những Jờ Joạcx (thơ-tiểu thuyết-một bè đệm, 1963), Mùa sạch (thơ, 1964), Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết, 1964), Một ngày Cẩm Phả (tiểu tuyết, 1965), Con trắng(thơ-hồi kí, 1967), 177 cảnh (hùng ca lụa), Động đất tâm thần (nhật ký–thơ, 1974), Thơ không lời (thử nghiệm thơ thị giác, 1976), Thơ không lời - mây không lời (thơ - họa),Thiên thanh -77- ngày ngày (1979), 36 thở dài-Tư Mã dâng sao (1980), Thơ mini(1987)… Số ít trong số này, phải hơn ba mươi năm sau mới bắt đầu lộ diện. Riêng Đêm núm sen thì chịu “nằm” đến những 56 năm.
1961, rõ ràng, chưa nguôi ngoai dư vang buổi đầu chống Pháp. “Niên ký” Trần Dần quãng 1946-1949 cho thấy ông toàn tâm toàn ý nhập mình vào kháng chiến, kể từ thời điểm bùng nổ (12/1946), cho đến khi gia nhập Vệ quốc Đoàn, chiến đấu ở Thượng Lào và biên giới Tây Bắc, rồi sau đó, phụ trách văn công ở trung đoàn Sơn La (1948-1949). Đạo diễn, NSND Trần Vũ nhớ lại: “[...] anh Dần luôn luôn đi các mặt trận, qua những nơi địch đóng đồn bốt, kêu gọi những anh em binh lính người Việt đi cùng quân đội Pháp, tuyên truyền cho họ hiểu rõ những cái chính nghĩa của cuộc chiến đấu của Việt Nam. Phải nói công việc này đòi hỏi nhiều linh hoạt, tinh tế, hiểu biết và đặc biệt là lòng dũng cảm”6. Những phẩm chất như thế, được tôi luyện từ kháng chiến, của một người trực tiếp có mặt trên chiến trường, sẽ ào ạt trở lại trong nhân vật kiến Gầy của Đêm núm sen. Đương nhiên, tôi không vội vàng quy cuộc chiến đấu gian khó và bi tráng của nhân-dân-kiến làng Mận chống lại đạo quân kiến Đầu Beo tàn bạo trong tiểu thuyết là ảnh xạ của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng nhất thiết phải nhấn mạnh rằng, Đêm núm sen sẽ khó thành nếu Trần Dần không là chứng nhân, là người lính vệ quốc trong những năm tháng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ phải đối mặt cuộc tái xâm lược qui mô lớn của thực dân Pháp. Trần Dần sớm hồi cố bản hùng ca ấy theo đúng cá tính và văn cách của ông: sôi nổi, mơ mộng, táo tợn và đẹp nhất có thể.
Hội họa và sắp đặt
Đêm núm sen không dễ nắm bắt nếu bỏ qua những trường đoạn giàu chất hội họa của tiểu thuyết. Tính chất màu hóa, nhất là đỏ hóa không gian và đặc tả thân thể nhân vật, với các nhịp ngắn, nhanh nhờ cách ngắt câu và chuyển pha đối thoại, hoàn toàn có thể coi như thao tác của điện ảnh mà ở đó, thay vì kể chuyện, người viết lại tạo hình, mở rộng tối đa sự “nhìn thấy” cho độc giả. Điển hình là những ấn tượng của kiến Gầy về hình thể Sứa, người yêu rồi là vợ của kiến Gầy. Sau khoảnh khắc giáp mặt ở biệt thự Đá Đỏ, lần đầu nhìn thấy Sứa “đi rất nhanh trên quyền lực bộ đùi dài”, toàn bộ những thu nhận, mô tả của kiến Gầy về Sứa đều được lọc qua và hiển thị bằng màu sắc, hình khối, đường nét: “những tia chớp cặp đùi trắng!”; “một pho tượng ngà trong suốt”; “một đôi-mắt-sáng-trăng”; “những đường cong gọn ghẽ”; “đôi môi hàm tiếu”… Đặc biệt, ở trường đoạn kiến Gầy và Sứa trở thành “đôi vợ chồng son”, những sắc màu đối lập liên tục xuất hiện, chồng lấn, đan xen như một bản phim nhiều góc máy: “Sứa ngồi trắng muốt trong chiếc ghế bành gạch cua. Gian buồng đỏ […] Bộ áo lụa mỏng. Phin nõn của phin nõn. […] Giường đỏ màu đỏ cánh sen, nệm trắng, cái chăn bằng gấm đỏ […] Gian buồng đỏ, ngọn đèn giữa buồng, ngon như quả táo […] Ngực Sứa bềnh lên hai cái đọt non [...]. Thân thể áp ghì. Sự lủng củng rùng rợn của đùi, vế, bắp thịt, núm thịt, búp thịt…”. Chưa vội bàn đến những nhục cảm thân thể được cất tiếng đến mức tối đa, một điều khác thường so với bối cảnh thập niên 1960, chỉ riêng việc dụng công màu sắc, ánh sáng ở đây cũng đã tiết lộ một Trần Dần chú trọng và ưa thích sự phối kết các nghệ thuật hiện đại trong văn bản văn chương.
“Tôi không có thì giờ mà tham quan cái Tháp Đồng!” (tr. 316).
Ở không gian ngoại cảnh là phố, đại lộ và chiến trường, một lần nữa, các lớp màu sắc, hình khối được chủ ý sắp xếp trên phông nền tất tả, náo nhiệt, lãng mạn của thời chiến. Việc miêu tả trận đánh, xung đột đôi bên không phải là mục đích chính. Những chuyển đổi không gian và chuỗi cảm giác đa chiều, đa sắc thoát ra từ nó, theo một trục quay thời gian gấp gáp cực hạn “chưa giập bã trầu”, mới là trọng tâm của các thông tin, sự kiện. Xóm La Tinh “những căn nhà móm mém. Những ngõ ruột mèo”; ngõ Mễ Tây Cơ hẹp, “một khúc ruột mèo kéo thẳng đuỗn ra”; phố Cổng Bắc “hàng ngàn hạt đèn tím lắc rắc”; quãng trường Sáng Trăng “pha một màu sữa […] Một nạm ngũ sắc, thiên về trắng. Một thứ trắng nuốt, nuột, trinh tuyết, mát”; phố Bồ Đào “xanh mát, tím phớt, vàng ngà, hồng nhạt, màu nhòe với màu, cứ một hòa âm dịu mà đằm”… Đối ngược phố, mặt trời luôn là “cái cam nhông lửa”; bãi Cổ Loa thì luôn “đỏ lòm”, căn buồng của kiến Gầy là “căn buồng đất thó”; hoàng hôn xuống “đỏ lừ đồng cỏ”; “một vũng mây đỏ lòm”… Phòng tuyến Chèm, lũy mưa, hào mưa, Tháp Đồng, dù mang máng nét nghĩa quân sự nhưng có lẽ là phép liên tưởng, đẩy các khung hình chiến trường vào một không gian có tính sắp đặt, mềm mại, uyển chuyển nhưng cũng náo động, va xiết và cận kề sinh tử.
Đêm núm sen, như vậy, là một khả thể dựng hình từ lời; một đề nghị họa từ văn. Bản thân lời, hay đúng hơn là ngôn từ văn chương luôn gặp giới hạn trong việc hiển thị hình, sắc của không gian nhưng Trần Dần dường như đang cố gắng tìm kiếm các chỉ dẫn thị giác trên từng câu văn. Chính ông cũng thử nghiệm một lối “thơ họa”, thơ “không lời” để tác phẩm rơi vào thế đa nghĩa, chờ đợi những giải mã tự do và tự thân nhất. Do đó, kinh nghiệm đọc Trần Dần thường không thể dắt lưng làm vốn nếu không cho mình sự phóng chiếu đa thể loại một cách cởi mở.
Giữa thế giới kiến-người
Kể câu chuyện là kiến Gầy nên Đêm núm sen thấp thoáng kiểu truyện đồng thoại, ngụ ngôn. Trong câu chuyện mà loài vật nhỏ bé này là trung tâm, tuổi trẻ và tình yêu, lao động và chiến đấu, đau khổ và hoan lạc, dũng cảm và hèn nhát, trong sáng và thực dụng, mộng tưởng và tuyệt vọng… đều xuyên ghép vào nhau, vừa tự nhiên vừa có tính biểu tượng, nên mặc nhiên phải thừa nhận rằng, bất luận kiến-người, người-kiến hay nhân loại nói chung, chừng ấy vấn đề vẫn luôn tồn tại, sống động và vĩnh cửu.
Hành trình của kiến Gầy từ khi lọt lòng ở làng Mận đến một chiến binh chỉ huy kháng chiến bảo vệ chính cộng đồng của mình, thực chất, vẫn mang âm điệu sử thi, hùng ca. Những huyền thoại về cội gốc (cộng đồng kiến “bắt đầu từ hạt trứng”; lớn lên “trong một ngôi làng cổ”; trải qua nhiều biến cố, thăng trầm trong “cuộc đại di cư”), về liên minh liên kết đánh giặc (“Hiệp ước liên minh quân sự ba mươi chín làng”), về sức mạnh và tài trí của người hùng (từ cụ Mây lập ra làng Mận đến thế hệ kiến Gầy “lớn lên trong đe dọa đổ máu”)..., dù chỉ lướt qua với không ít tiếng cười trào lộng, vẫn nằm trọn trong khung cảm hứng ngợi ca, xiển dương tinh thần vị nghĩa lớn. Ngọn cờ kháng chiến, kiến quốc mà làng Mận tiên phong giương cao đã thổi bùng khí thế xả thân, lập công, sẵn sàng lao đi trên “những ki lô mét nhiệm vụ”. Ở điểm đem lòng ngưỡng mộ và tha thiết với mỗi nỗ lực dù nhỏ nhất của quần chúng, Đêm núm sen không thật xa với chủ lưu văn học cách mạng đề cao công nông binh. Song, tài hoa của Trần Dần nằm ở chỗ ông đã xóa mờ các đường viền tuyên truyền, cổ vũ cồng kềnh, lên gân, để nạm vào đó tâm trạng run rẩy, âu lo, mê đắm của những “số phận be bé” mà các bộ sử chính biên không mấy khi chép lại.
Mô tả chiến trận không có nghĩa là tán đồng chiến tranh. Chiến tranh, như kiến Gầy nhìn lại, khiến “cả một xã hội bị thương” và không có gì đáng sợ hơn “cái bóng đanh ác và tiều tụy” của nó. Đêm núm sen phản chiến, phản lại áp lực nhiệm vụ đè nặng cá nhân bằng cách nán rất lâu trước vô số thời khắc, hành vi tự do, tự tiện nhất trong tình yêu, tình bạn. Những chiến binh ngoài mặt trận cũng đồng thời là những tay chơi, tụ bạ, bốc đồng; là những kẻ si tình, dại tình, khốn khổ và hạnh phúc vì tình. Tất cả trở nên đáng nhớ, ấn tượng không chỉ vì biết đột kích trại địch, khoan, dũi, đánh thọc sâu mà còn vì nấn ná, đau đớn khi buộc phải phá những khu phố “đẹp như tranh thủy mặc”; những cây cầu Dải Yếm “kỷ niệm rụng như lá”. Kiểu anh hùng có tim này đã tạo một độ lệch chuẩn nhất định, để cái tục và cái cao cả, vẻ mĩ miều và chất thô ráp không loại trừ mà bổ sung cho nhau. Đây cũng là nghĩa lí và lẽ sống chừng nào thế giới còn được xây lên từ đổ vỡ, được tô điểm từ lam lũ mà trữ tình.
Trữ tình hóa, Trần Dần không ngại dựng một thiên nhiên diễm lệ, tinh khiết bao bọc thế hệ kiến Gầy từ ngoài mặt trận đến tận buồng ngủ. Phải chăng vì khung cảnh thiên nhiên tuyệt mĩ như thế nên hồi ức của kiến Gầy là sự cứu chuộc ngầm với mọi mệt mỏi, cô đơn, buồn phiền trên mặt đất? Và, cũng để tương xứng với thiên nhiên, thế hệ kiến Gầy không cho phép mình nhạt nhẽo, xoàng xĩnh, cũ kĩ? Quan hệ song trùng ấy chỉ có thể mở ra, dù trong thầm lặng, khi mỗi bên nhìn thấu nhau, cả ở khía cạnh kỳ vĩ lẫn nhỏ bé. Tôi tin Trần Dần, không chỉ ở Đêm núm sen, đã thỏa mãn phần nào nhu cầu nội tâm và ý hướng sáng tạo của mình, nhờ đặt trọng tâm vào sự nhìn, đối thoại và thông hiểu thiên nhiên.
------
Chú thích:
1Trần Dần (2017), Đêm núm sen, NXB Hội nhà văn và Nhã Nam, Hà Nội.
2“Cái êm rất xóc” là một quan niệm thơ của Trần Dần: “Nó nhịp nhàng, nhưng đó là một cái nhịp nhàng tạo nên bằng những cái gồ ghề, khúc khuỷu, chối tai, rức óc”. Có thể hiểu trong cái viết của Trần Dần, vẻ trữ tình không làm mất đi những gai góc, dữ dội, phức tạp trong các suy tưởng, liên tưởng. Đêm núm sen, tuy là văn xuôi, nhưng vẫn đi theo mạch viết lai pha hai đối cực này. Xem thêm: Trần Dần (2009), Đi! Đây Việt Bắc!, NXB Hội nhà văn và Nhã Nam, tr.6.
3 Trần Dần (2009), Đi! Đây Việt Bắc!, Sđd, tr.5-9.
4 Trần Dần (2001), Ghi 1954-1960, Phạm Thị Hoài biên tập, nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=1526&rb=0401
5 Trần Dần (2001), Ghi 1954-1960, Tlđd
6 Thụy Khuê (1997), Tưởng niệm Trần Dần với Vũ Hoàng Địch, Trần Vũ, Hữu Mai, Dương Tường, Hoàng Cầm và Lê Đạt, nguồn: http://thuykhue.free.fr/mucluc/trandan.html
.
Mời bạn đọc một số đoạn trích dẫn từ tác phẩm :
“Ban tối, Cổng Bắc càng đẹp. Hàng ngàn hạt đèn tím lắc rắc trong lòng phố dài những tia nhỏ như mứt tím non, tím đặc, tím than, tím hoa cà… Cả một sự man mác thần tiên của tím đậm nhạt, màu chồng màu. Chúng tôi tìm tới nhà cụ kiến Mây. Chúng tôi nghe chuyện cổ tích. Gió lá lào xào ngoài phố, với các tia sao.”
“Trăng sáng một nghìn bạch lạp: hai cái bóng của chúng tôi ngả dài mặt đường… Tôi đi thoai thoải. Tôi xích cái bóng của tôi lại. Cô ta nhìn thấy. Cô né ra… Chúng tôi ngồi ở một ghế đá, dưới cây xà cừ. Vầng trăng bị mắc trong vòm lá đen. Cả một vầng trăng, nõn như thịt sò. Quanh tôi là mông-mênh-quảng-trường. Một thứ mông mênh bù dục. Chúng tôi thành một bộ phận của im lặng đêm trăng.”
“Ba giờ đêm, dưới phố, lại lào xào một cuộc hành binh dài dặc, về làng… Tôi tỉnh giấc. Sứa nằm thiêm thiếp bên vai tôi. Tôi nghe tiếng Sứa thở. Tôi vuốt nhẹ, dọc cái lưng trần. Vuốt nhẹ. Tôi nhớ cặp đùi. Khi nãy, nó giãy. Nó giãy cuống quýt. Tôi đưa tay vuốt. Sứa vẫn thiêm thiếp. Tôi vuốt. Căn buồng đỏ mênh mông. Tôi vuốt sự ngây thơ rơm rớm. Con nai nằm nghiêng đùi hơi co. Tôi vuốt… Dưới phố, những ki lô mét hành quân… Tôi vuốt. Sứa tỉnh dậy. Sứa thẹn. Sứa co người lại. Tôi vuốt. Con nai ngây thơ của tôi ơi! Tôi vuốt con nai bị thương của tôi. Rơm rớm… Rơm rớm…”
Trần Dần mất ngày 17 tháng 1 năm 1997 tại Hà Nội. Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015