Đi tới ba trụ cột trong các xã hội tiến bộ

05:58 CH @ Thứ Tư - 24 Tháng Hai, 2016

Câu chuyện đầu xuân của Người Đô Thị với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng thư ký và Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ những bài học đáng quý của thế hệ lãnh đạo đất nước thời kỳ đầu Đổi mới đã dẫn dắt sang sự cần thiết xác lập rõ quan hệ nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự: ba trụ cột trong các xã hội tiến bộ...

Hỏi: Đã 30 năm trôi qua kể từ khi công cuộc Đổi mới bắt đầu, vào năm 1986. Được tạo động lực từ các chính sách “cởi trói”, kinh tế đã phát triển làm thay đổi bộ mặt đất nước. Theo bà, nhìn lại tinh thần đổi mới 30 năm trước, điều gì vẫn còn giá trị cho sự phát triển của hôm nay và sắp tới?

Tôi cảm thấy rất thán phục các vị lãnh đạo thời đó. Tuy còn nhiều thứ không hài lòng về chính sách nhưng có thể hiểu được, vì quá trình tiếp thu và vận hành cái mới không đơn giản, tất nhiên có lúng túng. Đơn cử, khái niệm “kinh tế thị trường” được đưa ra rất muộn, đến đại hội Đảng VIII mới dám khẳng định. Lúc đầu chỉ dám nói “xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước”. Nhưng chúng ta đều hiểu rõ, các vị lãnh đạo thời đó đi qua hai cuộc chiến tranh rất dài, rất ác liệt, ngoài lý tưởng xã hội chủ nghĩa (XHCN) chưa hề biết đến khái niệm và chưa bao giờ trải qua “nền kinh tế thị trường”. Vả lại, thời điểm đó còn Liên Xô, còn hệ thống các nước XHCN như một chỗ dựa lớn.


Bà Phạm Chi Lan

Trong tình thế “chân tường, bờ vực” của nền kinh tế, các vị lãnh đạo thời đó đã dám thay đổi, dám chấp nhận cải cách, dám rời bỏ các nguyên tắc rất cơ bản của mô hình kinh tế XHCN, đặt lợi ích đất nước lên trên lý tưởng mà thế hệ ấy theo đuổi. Đó là một quyết định dũng cảm, thể hiện tinh thần vì dân vì nước, chỉ với một động lực lớn nhất là dẫn dắt đất nước thoát khỏi khủng hoảng, cho người dân đỡ khổ. Đó là giá trị còn mãi cho bây giờ và cho giai đoạn cải cách sắp tới.

Một giá trị lớn nữa của giai đoạn khởi đầu Đổi mới lần thứ nhất cần được kế thừa hiện nay là tinh thần gần dân, dựa vào dân và lấy lợi ích của người dân làm trọng. Trường hợp Tổng bí thư Trường Chinh là một ví dụ. Buổi đầu thử nghiệm hình thức khoán trong nông nghiệp ở Vĩnh Phúc, ông phản ứng rất gay gắt, thậm chí yêu cầu kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Nhưng khi đã thấy tận mắt người nông dân hồ hởi thế nào về lợi ích đem lại từ phương pháp cải cách của ông Kim Ngọc thì ông Trường Chinh sẵn sàng thay đổi. Chính tinh thần vì dân, gần dân, và coi cuộc sống người dân cao hơn lý luận mà mình được trang bị và theo đuổi đã giúp Tổng bí thư Trường Chinh quyết định thay đổi văn kiện đại hội VI theo hướng đổi mới.

Hiện nay thì đã hoàn toàn khác về bối cảnh. Cả hệ thống XHCN chỉ còn Bắc Triều Tiên, Cu Ba cũng đã thay đổi, còn Trung Quốc thì “xanh vỏ đỏ lòng”. Còn ở nước ta, ai cũng thấy sự phát triển của xã hội 30 năm qua chủ yếu là do định hướng của “kinh tế thị trường”.

Cuộc sống hiện tại đang đặt ra tình huống: từ người dân bình thường đến các chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước đều thể hiện rất rõ nguyện vọng, mong mỏi, khuyến nghị đầy tâm huyết mong muốn tiếp tục cải cách. Nói cách khác: Đổi mới lần thứ hai.

Do đó, theo tôi cái cần của cải cách lần hai là phải học tinh thần của đổi mới lần thứ nhất, với hai điều cốt lõi là đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và vượt qua được những vấn đề về lý luận đến nay chưa được giải đáp rõ ràng, chưa được chứng minh từ thực tế để tìm con đường đi tốt nhất cho đất nước.

Ba mươi năm qua, có thể nhìn thấy một số chức năng của nhà nước đã được điều chỉnh. Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường vẫn chưa bắt kịp đòi hỏi phát triển. Thưa bà, để đẩy nhanh tiến trình cải cách thì cần bắt đầu từ đâu?

Quan trọng nhất là cần cải cách thể chế kinh tế song song với thể chế chính trị. Cần xác lập rõ quan hệ giữa ba trụ cột nhà nước, thị trường và xã hội. Ở các xã hội tiến bộ, ba trụ cột quan trọng là nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự. Ba mảng đó phải hình thành và phân vai rõ ràng. Cái gì xã hội làm được thì để xã hội làm, nhà nước chỉ đề ra các quy định. Không nhà nước nào buông quản lý nền kinh tế cả, nhưng điều đó không có nghĩa phải đưa câu “kinh tế nhà nước làm chủ đạo” vào hiến pháp hay luật. Kinh tế thị trường không có thành phần nào là “chủ đạo”. Vai trò của nhà nước là quản trị toàn bộ nền kinh tế, tạo ra môi trường, hệ thống luật pháp, khuôn khổ pháp lý, chính sách thúc đẩy kinh tế phát triển. Và, một điều quan trọng là nhà nước cần chấp nhận vai trò giám sát của xã hội đối với các hoạt động của mình và của thị trường. Nhà nước còn có vai trò khắc phục hoặc hạn chế những khiếm khuyết của thị trường, vì bản chất thị trường là cạnh tranh, là chạy theo lợi nhuận. Và trong tự do cạnh tranh thế nào cũng nổi lên những người giỏi hơn và họ có xu hướng thiết lập tình trạng độc quyền. Nhà nước phải xem tình trạng kiểm soát độc quyền đó là bất lợi và bất bình đẳng cho xã hội, để có trách nhiệm khắc phục. Nhưng với cách vận hành của nhà nước hiện nay, tôi vẫn thường nói, khiếm khuyết của nhà nước nhiều lúc còn tệ hại hơn khiếm khuyết của thị trường!

Thành ra, vấn đề chính trong cải cách thể chế hiện nay là phải làm rõ vai trò của nhà nước, thị trường và xã hội, phân định rõ vai trò của từng khu vực, trong đó nhà nước giữ vai trò kiến tạo sự phát triển.

Nếu ở giai đoạn trước, đổi mới là tự do hóa, thì theo tôi thông điệp về cải cách hiện nay phải là kiến tạo phát triển, tạo môi trường cho doanh nghiệp làm ăn...

Những năm qua, xu hướng chuyển đổi trong việc thực thi vai trò của Nhà nước cũng đã được thể hiện qua quá trình xây dựng pháp luật, điều hành thị trường. Bà đánh giá thế nào về những thành quả ấy?

Bắt đầu thực hiện đàm phán tham gia WTO được xem là cột mốc mà nhà nước bắt đầu sửa đổi hệ thống luật pháp. Từ năm 2002 trở đi quy trình làm luật bắt đầu thay đổi, học theo quy trình WTO, nghĩa là khi soạn thảo các dự luật phải tham vấn các đối tượng chịu tác động và nghe đóng góp ý kiến. Điều ấy chúng ta đã làm khá tốt cho đến khi được gia nhập WTO. Sau đó, lẽ ra chúng ta cần phát huy điều ấy nhưng trong thực tế thì không như mong muốn. Về mặt danh nghĩa, thì luật Ban hành qui phạm pháp luật nhà nước được thông qua năm 2008. Theo đó, khi làm luật phải có đánh giá tác động và tham vấn. Hai vấn đề này có đưa ra, nhưng trên thực tế thì không thực hiện tốt.


Ba đột phá do Đại hội XI đưa ra cho chiến lược mười năm là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. ẢnhTL

Sắp tới đây, khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực thì có thể sức ép đối với Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn. Bởi sẽ có 11 nước tập trung giám sát Việt Nam, trong khi Việt Nam là nước duy nhất chưa có kinh tế thị trường đầy đủ.

Do đó với TPP, tôi lo nhất là liệu khu vực nhà nước có thực hiện được hay không những cam kết. Nói cho cùng, nền kinh tế có thành công được không là ở khả năng cạnh tranh, mà nếu cạnh tranh ở môi trường hiện tại thì doanh nghiệp trong nước khó lòng cạnh tranh được với các nước khác!

Theo bà, những điều gì đang cản trở môi trường kinh doanh và điều cần cải cách là gì?

Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Về danh nghĩa, thời gian qua số lượng DNNN cổ phần hóa (CPH) tăng lên, nhưng tổng số vốn CPH không nhiều. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, bình quân, nhà nước vẫn nắm 95% vốn tại các doanh nghiệp đã CPH, như vậy thì cơ bản các doanh nghiệp ấy vẫn là DNNN! Cần đẩy mạnh cải cách DNNN vì nhóm lợi ích xoay quanh khu vực này. Cải cách DNNN sẽ dẹp dần kiểu làm ăn thân hữu, phân bổ nguồn lực quốc gia theo kiểu thiên vị, làm méo mó thị trường, cạnh tranh không thực sự. Các doanh nghiệp vì vậy không có động lực cạnh tranh đổi mới.
Song hành với đổi mới DNNN là khuyến khích doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển. Có ba điểm nút nhằm tháo gỡ cho kinh tế tư nhân phát triển, trước hết quyền sở hữu tài sản phải được công nhận và bảo vệ. Trên thực tế, tư nhân bỏ tiền ra mua đất rồi thuê lại chính mảnh đất ấy từ nhà nước! Khi đang thuê, nhà nước vẫn có thể thu hồi cho các mục đích khác.

Nút thắt thứ hai cần tháo gỡ, là cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không được cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, vì những chính sách ưu đãi không công bằng, hay ngay cả các doanh nghiệp tư nhân có mối quan hệ thân hữu cũng tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng.

Thứ ba là tiếp cận các nguồn lực chủ yếu: đất đai, tín dụng.

Thưa bà, việc cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào vai trò lãnh đạo của Đảng?

Đảng đã khởi động và dẫn dắt công cuộc đổi mới. Hiện nay, công cuộc cải cách và hội nhập cũng đang do Đảng lãnh đạo. Đảng cũng thể hiện vai trò quyết định trong chỉ đạo và quyết tâm tham gia vào các hiệp định khó đàm phán như TPP. Khi mà hội nhập đòi hỏi thị trường nhiều hơn, tự do hóa nhiều hơn, gắn với những cam kết hội nhập nhiều hơn, cũng chính Đảng đề ra định hướng về cải cách: ba đột phá do Đại hội XI đưa ra cho chiến lược mười năm là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế cũng được thông qua bằng nghị quyết của Đảng. Không có lý gì Đảng - với ngọn cờ cải cách, hội nhập trong tay lại không thể tiếp tục dẫn dắt công cuộc cải cách một lần nữa, đưa đất nước tiếp tục đi tới phát triển. Những nhân tố cản trở Đảng thực thi mạnh mẽ hơn nữa vai trò lãnh đạo của mình chính là sự hoành hành của nhóm lợi ích và tệ trạng tham nhũng. Thấy được là khắc phục được. Sự nghiệp cải cách không thành công mới chính là nguy cơ đe dọa vị trí lãnh đạo của Đảng.

Nội dung liên quan

  • Những thực tế phổ biến

    16/11/2019Nguyễn Trần BạtCó một thực tế rất phổ biến trên thế giới hiện nay, đó là trạng thái thiếu tự do ở một bộ phận lớn của thế giới - các nước chậm phát triển. Đại bộ phận của thế giới đang ở trong trạng thái các năng lực của con người không đáp ứng được các đòi hỏi của thời đại mà nó tồn tại, tức là con người ở trạng thái thiếu tự do. Con người ở trạng thái thiếu tự do bởi vì nó không có tự do hoặc là nó bị kìm hãm không được quyền tiếp cận với tự do, cũng như nó được giáo dục để không hiểu hết các giới hạn mới của tự do...
  • Văn hóa và Tăng trưởng

    25/11/2016Nguyễn Trần BạtỞ đâu con người có năng lực nhận thức tốt hơn, có năng lực và điều kiện hưởng thụ tốt hơn, có điều kiện để tư duy một cách tự do và sáng tạo hơn, có sức cạnh tranh tốt hơn, tóm lại, ở đâu con người cảm thấy hạnh phúc thì ở đó có sự phát triển....
  • Vô cảm và bất lực

    12/05/2016Vương Trí NhànHàng ngày các tin tức thuộc loại tiêu cực đã quá nhiều. Nhiều tới mức câu chuyện “người Việt thuộc loại chuộng dùng hàng ngoại nhất châu Á” do một tổ chức nghiên cứu quốc tế nêu lên, và vài tờ báo trong nước đăng lại... chẳng khiến mấy ai bận tâm.
  • Việt Nam! Mong ước hùng cường

    03/05/2016Thiện ĐạoCó lẽ Nhân dân Việt Nam về khát vọng, tính lãng mạn , thông minh và sự cần lao không thua kém bất cứ các Dân tộc nào khác trên Thế giới ! Đất nước Việt tươi đẹp hơn nhiều nơi khác trên Địa Cầu ! Lịch sử của chúng ta cùng nền văn hiến thuộc loại dài và dày nhất ...những gần 4000 năm.... Nhưng chưa bao giờ chúng ta trăn trở mạnh mẽ như hôm nay : bao giờ Quốc gia Việt Nam hùng cường ???!!!
  • Xã hội Việt Nam đương đại trong những giá trị thực - ảo

    24/02/2016Thanh TùngỞ các nước phương Tây, hàng trăm năm đô thị hóa cũng là hàng trăm năm chuyển đổi từ đời sống nông nghiệp sang lối sống công nghiệp. Ở Việt Nam, hiện đại hóa trở thành một trong những mục tiêu của chính sách phát triển, quá trình chuyển đổi được đẩy lên với một tốc độ chóng mặt. Vì vậy, một số bước chuyển tiếp mà các xã hội hiện đại trải qua, và cần phải trải qua...
  • Sống sao cho giá trị?

    12/09/2015Kim Yến thực hiệnĐây là diễn đàn hàng tuần bàn về giá trị sống của nhân vật được chọn của Báo Sài Gòn Tiếp Thị, đồng thời chia sẻ cách nhận diện những giá trị ảo đang ngày càng xâm thực dữ dội vào môi trường sống...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: thiếu tận tâm, tôn trọng, chờ may rủi

    17/08/2015Vương Trí NhànCó những kẻ chiếm đường quan, phá hoại cầu cống, phá trường học, công sở, đồ đạc trong thư viện, đèn điện trên hè phố, bẻ hoa ở công viên và vi phạm quy ước chung. Nơi du hí hội trường nhà hát họ cũng tranh giành nhau làm ồn ào náo động. Phàm những kẻ mưu tiện lợi cho mình mà bất tiện cho số đồng đều không thể tha thứ được...
  • Chiếc xe hơi giá 1 triệu USD ở Việt Nam và Matsushita Konosuke ở Nhật

    05/08/2015GS. Trần Văn TrọngTrong năm 2006 có sự kiện chiếc xe hơi đắt giá nhất thế giới Maybach 62 được nhập khẩu vào VN cho một giám đốc doanh nghiệp dùng. Kể cả tiền thuế và các phí tổn nhập khẩu khác, chiếc xe trị giá lên tới 1 triệu USD...
  • Những ý tưởng vĩ đại

    01/12/2014Nguyễn Tất ThịnhDưới đây tôi đề cập đến ba dòng ý tưởng vĩ đại, quan trọng nhất, xuyên suốt lịch sử tiến hóa của Nhân Loại….Có ý nghĩa cơ bản nhất từ đó nảy sinh ra những ‘giá trị thứ phát’…
  • Cần cuộc cách mạng Khai Sáng của người Việt

    27/09/2010Bùi Quang MinhĐể ý nhiều bạn trẻ, trung niên, và cả bậc cao niên lảng tránh bàn luận việc lớn nhỏ của đất nước, dân tộc hay của chính họ, tôi nhận thấy nguyên nhân chung họ đưa ra là: “Ôi dào, rách việc, nghĩ nhiều thì cũng đến thế, việc khó để người khác lo”. Có phải họ lười suy nghĩ, hay là họ ích kỷ cá nhân, họ chưa đủ khả năng nhận thức đầy đủ về dân quyền và việc quốc gia hay là họ đang thờ ơ với vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình chăng? Họ chưa trưởng thành dù cho cơ thể và địa vị xã hội của họ đã lớn...
  • xem toàn bộ