"Gameshow" công sở

10:14 SA @ Thứ Tư - 28 Tháng Bảy, 2010
Điều muôn thuở khiến dân văn phòng lo ngại là gì? Chắc không phải tai nạn lao động, vì nghề văn phòng là nghề an toàn nhất trên đời. Nhìn quanh một lúc, hóa ra chúng ta ngại nhau. Quan hệ đồng nghiệp từ trước đến giờ có những khía cạnh ngoại giao như lớp đường phủ trên chiếc bánh văn phòng. Còn nhân của nó, ăn vào mới biết mùi vị thực sự.

Về mặt lý thuyết

Làm việc theo nhóm hay tinh thần tập thể là điều các nhà tuyển dụng đòi hỏi ở các ứng viên xin việc. Chúng ta gắn với nhau trên nền tảng kết ước công việc, để hòa hợp với nhau, tính cách của chúng ta phải xếp thứ yếu so với trật tự chung. Dẫu khó lòng đòi hỏi đồng nghiệp yêu thương nhau như tứ hải giai huynh đệ, nhưng cũng dễ tạo ra bối cảnh thân mật cùng chia sẻ thú vui thể thao bóng đá hay mua sắm, hay những việc có tính hỗ trợ nhau trong đời sống.

Ấy vậy mà một ngày xấu trời, đồng nghiệp của ta phản đối bản đề xuất của ta. Dù đã dày dạn kinh nghiệm nhưng ta vẫn choáng váng như thấy là phiếu phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với tiến trình tiêu hủy vũ khí hạt nhân. Đồng minh hay kẻ thù? Ngay lập tức, với sự giận dữ của mình, ta vạch ngay chiến tuyến giữa ta và địch. Chưa hết, đồng nghiệp xấu bụng còn ngang nhiên hoặc lén lút hạ bệ ta đằng sau lưng, và dĩ nhiên người được hướng đến chính là các sếp, những người mà ta đã dày công vun đắp quan hệ cũng như gây ảnh hưởng tốt đẹp bấy lâu nay.


Trong cuộc sống đầy tính cạnh tranh, ngay chốn văn phòng bề ngoài lờ đờ
vô hại, nhưng cũng dễ là nơi có mầm độc của thói ganh ghét đố kị
(Ảnh minh họa)


Cái hành vi "kỳ đà cản muĩ" này thấy nó quen lắm. Nó dường như nhan nhản khắp nơi. Câu chuyện nào mà chồng hay vợ kể về cơ quan trong bữa cơm tối cũng phải có ít nhất một vài thông tin về đồng nghiệp không hợp cạ hoặc tự nhiên cái thằng khốn nạn ấy chuyên trị phá đám, làm cho miếng ngon đang ăn bỗng đầy sạn. Bất hợp tác ấy là còn nhẹ, lắm khi ta còn phải uất ức vì một đồng nghiệp xấu chơi hủy hoại cả niêu cơm tương lai nữa. Nào có ai bắt phải yêu nhau đâu, nhưng làm thế nào mà người ta lại ghét ta đến mức cứ nhè ta mà phá hoại thế nhỉ?

Đầu tiên, ta tự rà soát lại hành trạng của mình thời gian qua. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, gắng khách quan mà suy xét thì ta cũng thấy vô số điều ta đã sai. Sai từ cách ta hớn hở với thành công trong công việc mà không biết nín nhịn, sai ở chỗ vui vẻ quá đáng trong khi chỉ tiêu của đồng nghiệp giảm sút, sai đến nỗi mờ mắt không thấy có người từ chỗ không có mâu thuẫn gì với ta đâm nhìn ta mà thấy ghét muốn xúc đất đổ đi. Ta đâm buồn nản với việc cứ phải hãm cái sự sung sướng lại, hóa ra phút bùng nổ của ta lại là điểm khởi đầu cho một loạt những hành vi phá hoại của người cùng làm với ta. Ta biết tin ai bây giờ?

Trong cuộc sống đầy tính cạnh tranh, ngay chốn văn phòng bề ngoài lờ đờ vô hại, nhưng cũng dễ là nơi có mầm độc của thói ganh ghét đố kị. Chúng ta chỉ muốn dứt điểm công việc nhưng lại gặp những ách tắc từ một vị kế toán không chịu giải ngân, hay một anh giám sát kỹ thuật nhận định chưa đạt khiến sếp bắt cả đám làm lại. Họ cũng chưa hẳn đã làm sai nguyên tắc, nhưng ta nóng mặt lắm rồi. Ta ghét gã đó vì thấy nó cứ nhơn nhơn ra. Hay cô gái kia bị các chị lâu năm bực dọc nỗi đưa chuyện tối ngày, buôn dưa lê xuyên văn phòng. Có gì ẩn chứa sau thái độ không đáng mến của họ - những kẻ bị ta coi là đồ thọc gậy bánh xe?

Đầu tiên thì ta phải chấp nhận sự thật là ta không phải mẹ Teresa để ai cũng yêu mến. Nếu mà chân ta dài, thể nào ta cũng bị đặt vào tâm điểm chú ý: Con bé này có làm được việc gì không? Nếu ta chẳng xinh đẹp: Cá sấu Công viên Thủ Lệ mới mất một con hôm qua đấy. Nếu ta hoàn thành công việc và được sếp tuyên dương trước toàn thể công ty: Ơ hay, bọn mình sắp phải cấp tráp đi học người tiên tiến rồi đây. Nhưng đó là những cách cạnh khoé nặng tính báo động hơn là tấn công vỗ mặt. Có những cách ngáng trở đáng sợ hơn mà không mất lời nói xấu nào. Họp nhóm, ta đưa ra ý tưởng.

Rồi một hôm ý tưởng ấy lột xác dưới tên một chủ nhân khác, đồng nghiệp thản nhiên chấp nhận giải pháp mới mà quên ngay người đề xuất ban đầu. Người ta không còn lạ chuyện sắp được đề bạt thì phải giữ gìn kiêng khem, bất thình lình có lá đơn tố cáo.. mà mọi lá đơn tố cáo ở cơ quan dĩ nhiên là của đồng nghiệp. Ta tức lồi mắt nhưng ai cũng biết văn phòng không hề là nơi chỉ có hoa thơm và nắng hồng. Cuộc đời còn có cả những cạnh tranh và đâm thọc sau lưng, chứ không phải có cả những nụ hôn như lời bài hát nọ.

Ta tức họ, nhưng ta không ngạc nhiên đến mức không thể ngờ được. Bởi vì ta phần nào cũng chia sẻ cái logic tâm lý của những người đố kỵ. Ban đầu, có thể họ cũng cư xử tử tế, cũng một vừa hai phải. Song những thất bại hay là những trục trặc công việc làm trỗi dậy trong họ một cảm giác thù hận, và đối tượng để họ trút vào chính là những kẻ đang hơn hớn vì thành công như ta. Có thể họ gây hại cho ta chưa chắc để có được một lợi ích rõ ràng nào, chủ yếu là làm việc gần nhau phát sinh mâu thuẫn.

Trên thế thượng phong của mình, bạn lại dễ dàng không để ý những mầm mống ấy hoặc cho là mình cây ngay không sợ chết đứng. Nhưng bạn cũng rành ruột họ như ruột mình, bụng dạ dân văn phòng thế nào, bạn cũng sẽ nhếch mép mà nghĩ mày chơi tao thì tao chơi lại. Hằng ngày, các cán bộ văn phòng cùng làm, cùng ăn trưa, thậm chí cùng mua sắm giải trí này nọ, thậm chí vẫn ôm chầm lấy nhau cùng chia sẻ niềm vui chiến thắng của đội bóng cơ quan. Nhìn vào, không ai biết có một cuộc chiến tranh ngầm đang xảy ra. Ngây thơ, cả tin bị dẹp đi. Lòng đa nghi, sự láu cá lên ngôi. Đối thủ không bao giờ thua hoàn toàn, và dường như tính xấu nằm ở một góc khuất nào đó, chỉ chờ cơ hội là được đánh thức.

Chấp nhận thực tế là chuyện trắc trở về quan hệ đồng nghiệp nằm trong hệ thống rủi ro, ta cũng không nên sa vào cái bẫy ganh ghét. Xét cho cùng, đấm người ta một quả thì mình cũng nhận lại một cú đáp trả. Có thể cú đáp trả không xảy ra ngay, mà sẽ nện vào mặt ta lúc khác, lúc ta đang sơ hở và không đề phòng gì. Cuộc sống văn phòng hoá ra cũng không mấy lạ lùng so với chốn vỉa hè, nơi mỗi con người tranh nhau một chỗ đứng dưới mặt trời. Song chuyện đấu nhau ở văn phòng có gì đặc biệt hơn là ở nó có kiểu cách đặc biệt dưới cái vỏ lịch sự của văn phòng máy lạnh. Không chơi nhau kiểu chợ búa, mà có khi là sát thủ giấu mặt nên lại đau hơn. Đâm, chọc, thọc, nghéo...dường như là đặc sản của văn phòng. Lắm khi chúng ta lại nhấm nháp sự ngoằn ngoèo hóc hiểm ấy như một thú vui kỳ quái. Chúng ta hận nhau và chơi nhau như những màn kịch melo rất ý nhị. Chúng ta cười với nhau, nói những câu càng ngọt song lại gắng ném một thông điệp đe dọa phía sau đó. Cuộc sống văn phòng lúc này có gì giống trò giả đố ô chữ, chắp nối các dữ kiện hàng ngang hàng dọc để rút ra chìa khoá. Có mâu thuẫn là có đấu tranh, vấn đề là ta xử sự ra sao, chơi lại bằng cấp độ hay lấy nhu thắng cương, tỉnh táo lui về mà hoàn thiện võ của mình. Chất lượng công việc và uy tín của ta nằm ở kết quả cuối cùng ta trưng ra, đó cũng mới là điều ta được ghi nhận.

Không bao giờ hết được chuyện không vừa ý ở cơ quan, bởi bản chất công việc đã tạo ra sự cạnh tranh, và mỗi chúng ta thấy quyền lợi nằm trong sự cạnh tranh đó. Chúng ta cần một chút cạnh tranh để tiến hoá, song không sếp nào quy định cạnh tranh theo cách nào mới là hợp lệ. Chúng ta có thể bớt được thói xấu kiểu làng xã ghét nhau nhà có con gà mới ăn không đánh tiếng cho hàng xóm biết, up-to-date hơn thì nay là chuyện cái laptop 3000 đô la của nó trông thật chướng mắt, chúng ta nín nhịn cái cảm xúc đó bằng cách lấy công việc và nguyên tắc làm trọng.

Thường thì khi có mâu thuẫn công việc, ta dễ đồng hóa cá tính con người và lối sống của nhau vào với sự mâu thuẫn ấy. Ghét ai ghét cả đường đi, ta mang nỗi bực dọc vì bị tay đồng nghiệp thụi quả đau điếng trong dự án mà quy kết cho cái lối sống thác loạn của hắn: sa đọa đến mức đi hát karaoke hai lần một tuần, khốn nạn đến mức lăng nhăng với cả tá con gái cơ quan, bần tiện đến mức chưa bao giờ khao anh em được bữa nhậu nào...

Những đặc tính tày trời đó, tỉnh táo mà nhớ lại thì hoá ra cũng là của ta. Quan hệ công sở cho đến văn phòng giống gameshow hay đấu trường là do ta đặt mình vào tư thế người đá bóng hay kẻ cầm dao. Một khi ta đã dùng phương tiện gì, ắt đối phương cũng đáp trả bằng phương tiện ấy thôi.



Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tản mạn đời văn phòng

    17/03/2016Nguyễn Trương QuýThế thì đời viên chức khác gì một cái cốc mỳ ăn liền, loại người ta gọi là mỳ tôm có sẵn hộp cho nước nóng vào 5 phút là ăn được hay một hộp cơm vuông vức, ô này to để cơm, ô kia bé để thịt rau cá, tí gia vị cho khỏi nhạt mồm? Tròn vành vạnh hay vuông chằn chặn và có vẻ đủ thứ để xuôi cái bụng. Nhưng ai không muốn ổn định, muốn thành thục việc cần làm, dù rằng tất cả chỉ đến những cái đích mà ở đấy, lại lặp lại một chu kỳ quen thuộc đến phát ngấy?
  • Cán bộ là công bộc của dân

    06/11/2010Sưu tầmĐúng nửa tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lậpkhai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 17-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư với tư cách "một đồng chí già" gửi "các đồng chí tỉnh nhà", quê hương của mình...
  • Công chức bỏ việc - tín hiệu tốt của xã hội dân sự

    01/10/2009Nguyễn Trần BạtCán bộ là một danh hiệu hết sức quan trọng. Những người làm cán bộ ngày xưa ở các phường, xã được miễn dịch nhiều thứ, không bị săm soi, không bị phân loại và không bị quản lý. Nhưng từ khi chúng ta thay từ cán bộ thành công chức thì dường như chúng ta cũng thay đổi luôn các quan điểm rất truyền thống của khái niệm cán bộ...
  • Thái độ làm việc hoàn hảo nhất là coi trọng công việc của mình

    25/08/2009Nguyễn Quang TháiCùng với sự cạnh tranh về trí tuệ và năng lực của những nhân viên trong công ty là sự cạnh tranh về thái độ làm việc. Thái độ làm việc trực tiếp quyết định hành vi một con người, quyết định sự tận tâm làm việc hay chỉ ứng phó với công việc, bằng lòng với những gì mình đang có hay có chí tiến thủ muốn vươn xa hơn.
  • Công chức

    23/08/2009Chim SẻHôm ăn cơm trưa ở quán 123 - Phố Huế, Hà Nội, tình cờ thấy chồng N., tên H. Lạ một cái anh này không đi với vợ mà đi cùng một em, nhìn qua thì giống sinh viên, nhìn kỹ thì lại không giống...
  • Chẩn bệnh người trẻ trong công việc

    16/06/2009TS. Loan Lê6 căn bệnh người trẻ thường mắc phải khi đi làm dưới mắt một chuyên gia đào tạo nhân sự.
  • Công chức trẻ và bệnh quan trọng

    04/06/2009Nguyễn Trương QuýTính từ mẫn cán từng được gắn chặt với danh xưng công chức, đã mang một nghĩa châm biếm khi ai cũng chỉ quan tâm làm sao cho việc chốn công môn trót lọt. Đến nỗi khi “có khó khăn” thì ai cũng nghĩ ngay đến sự bôi trơn hay đi đường tắt, gây ô nhiễm đến mức ai cũng lo lắng khi đến “cửa quan”. Thực tế chẳng có ông quan nào ngồi đấy, mà chỉ có những ông quan sẵn có trong người những công chức mà thôi.
  • Văn hóa đọc của giới công chức văn hóa

    16/05/2008Lưu AnSẽ nhiều khả năng rơi vào sự cực đoan nếu nói rằng người Việt - Nam hiện nay không có (hoặc đã đánh mất) thói quen đọc sách. Cần phải có những thống kê hết sức cụ thể thì mới có thể đưa ra những phán đoán chắc nịch theo kiểu như vậy. Tuy thế, đây là điều bất khả.
  • Văn phòng tứ bảo

    26/03/2008Nguyễn Trương QuýNghiên mực, bút, gác bút và giấy? Xưa rồi. Hiểu theo tinh thần văn phòng đương đại, nghiên là cái trữ vốn, bút là cái để hành sự, gác bút là cái để dựa dẫm khi sa cơ và giấy là bằng chứng về hậu quả của phút thăng hoa, phi tang lúc nào cũng được. Nói xa xôi mà làm gì, quân tử phòng thân, ta không phải quân tử giữa chợ thì làm đại nhân văn phòng, lúc nào cũng sẵn những thiết chế tứ bảo ấy...
  • Văn hóa e-mail công sở

    11/03/2008Nguyễn Phúc Hạo NhiênCông sở là nơi mà (đa số) người ta ngồi nhiều hơn đứng, gõ nhiều hơn nói suốt 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, và e-mail là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho giao tiếp, cả trong công việc cũng như ngoài công việc, đặc biệt là buôn chuyện...
  • Sức cám dỗ của tình yêu công sở

    07/01/2008Trịnh Trung HòaTại sao cô gái trẻ tuổi xinh đẹp này lại phải lòng một ông già hơn cô đến vài chục tuổi? Tại sao người đàn ông có vợ trẻ đẹp như thế lại đi ngoại tình với một bà nhan sắc đã phai tàn? Thế nhưng những chuyện tương tự đầy bí ẩn của tình yêu vẫn thường xảy ra trong cuộc sống mà không sao lý giải được, khiến người ta đành tặc lưỡi: Tình yêu mà...
  • Công việc là niềm hạnh phúc

    24/10/2007Giáng NgọcTrong căn phòng làm việc được bài trí một cách giản dị, ông đang cặm cụi nghiện cứu bên một kho sách vở tài liệu ngổn ngang. Ngay lần gặp đầu tiên, ông đã gieo vào lòng người đối thoại ấn tượng khó quên bằng một câu nói chân thành"Hạnh phúc là được vùi mình vào công việc"...
  • Thiếu tác phong công nghiệp

    23/09/2007Khái niệm “tác phong công nghiệp” dường như vẫn xa lạ với số đông người Việt. Sự chậm chạp và lề mề trong công việc vốn đã trở thành vết hằn ăn sâu vào máu thịt của từng người...
  • Nghề thư ký văn phòng

    30/01/2007B.N
  • 5 bí quyết để thành công tại công sở

    29/04/2006Thu HươngBạn cần bình tĩnh, không được mất tinh thần nêu muốn được mọi người kính trọng, khâm phục và trao cho bạn những cơ hội thăng tiến hơn...
  • Stress trong công việc và Văn hóa nơi công sở

    09/04/2006Việc điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa nơi công sở hay văn hóa công ty là một bước quan trọng trong việc giải tỏa stress mà có liên quan tới bất cứ nghề nghiệp hay sự thay đổi công việc nào. ...
  • Đừng "đánh đu" với tình yêu văn phòng

    11/12/2005Văn phòng, công sở là nơi dễ dàng nảy sinh tình cảm nhất. Các bạn có thể đến với nhau bởi một tình yêu đẹp, thân ái và giúp đỡ nhau trong công việc. Nhưng ở đó cũng là nơi nhiều lời gièm pha, chuyện phiếm, những cái bẫy lừa gạt, ganh ghét và chơi xấu nếu không có môi trường làm việc tốt
  • xem toàn bộ