Thiếu tác phong công nghiệp

08:33 SA @ Chủ Nhật - 23 Tháng Chín, 2007

Khái niệm “tác phong công nghiệp” dường như vẫn xa lạ với số đông người Việt. Sự chậm chạp và lề mề trong công việc vốn đã trở thành vết hằn ăn sâu vào máu thịt của từng người...

Với các nước phát triển, tuân thủ giờ giấc theo đúng luật định là một trong những nguyên tắc cơ bản, tiên quyết để đưa doanh nghiệp đi đến thành công, và nếu ở phương diện cá nhân thì đó là yếu tố đầu tiên để nhà tuyển dụng chọn lựa.

Không đảm bảo yếu tố này coi như tự loại mình ra khỏi vòng xoáy nghiệt ngã của thời đại công nghiệp.

Việt Nam đặt mục tiêu năm 2020 sẽ là một nước công nghiệp, nhưng điều này đang bị coi nhẹ, thậm chí trong tiềm thức ấu trĩ của nhiều người, đó đã là một căn bệnh trầm kha, vô hình trung tạo nên “giờ cao su” rất không đáng có, nếu không nói rằng sẽ tạo nên một cái nhìn phản cảm trong con mắt của bạn bè quốc tế.

Khái niệm “tác phong công nghiệp” dường như vẫn xa lạ với số đông người Việt. Sự chậm chạp và lề mề trong công việc vốn đã trở thành vết hằn ăn sâu vào máu thịt của từng người và chính vì thế, ở mọi lứa tuổi, mọi cấp bậc, địa vị trong xã hội lúc này hay lúc khác, sự trễ nải, lỡ hẹn là không tránh khỏi.

Đôi khi không vì một lý do gì thực sự chính đáng cả, mà xuất phát từ suy nghĩ đơn giản “muộn tí không sao”, đã làm lãng phí một khoảng thời gian khổng lồ trong quỹ làm việc hữu hạn của đời người.

Ở khắp mọi tỉnh, thành hàng ngày người ta đều có thể mục sở thị cảnh cán bộ, công nhân viên chức ở cơ quan, doanh nghiệp nhà nước (và nhiều khi cả tư nhân) đầu giờ làm việc buổi sáng đủng đa đủng đỉnh gọi đồng nghiệp, bạn bè đi ăn sáng, uống cafe rồi mới vào cơ quan làm việc. Rồi hình ảnh về những buổi hội nghị người này chờ đợi người kia, ban này đổ lỗi cho ban nọ...làm cho tính kỉ luật bị phá vỡ.

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện về tỉ phú người Mỹ Bill Gates khi làm rơi tờ 1 đô la đã không cúi xuống nhặt vì trong khoảng thời gian đó, ông có thể làm ra số tiền gấp nhiều lần thì mới biết người phương Tây họ quý trọng thời gian nhường nào.

Tác phong công nghiệp là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để định giá một con người, thông qua đó để biết năng lực của một cơ quan và hơn bao giờ hết là để hiểu về con người và cả một đất nước. Hãy biết quí trọng thời gian khi chúng ta còn có thể và điều đó cũng chính là thể hiện sự tôn trọng mọi người.

Nguyễn Thiên Thảo
11, ngõ 4, Nguyễn Văn Trỗi, Vinh, Nghệ An

Nguồn:Tiền Phong
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Học nói cho chuyên nghiệp

    11/11/2012Để làm giàu có muôn ngàn phương cách. Làm giàu cho cá nhân, làm giàu cho gia đình, làm giàu cho đất nước... - dù nói ra bằng từ ngữ nào thì mục đích cuối cùng vẫn là làm giàu. Nhưng làm giàu bằng cách nào mới là điều quan trọng nhất. Người ta vẫn cho rằng: nói ít làm nhiều. Nhưng có thật nói ít sẽ tốt hơn?
  • Những người trẻ nói về "làm việc chuyên nghiệp"

    04/02/2006Nguyễn Ngọc LinhChỉ cần đi bộ với người nước ngoài, cũng có thể biết là chúng ta vẫn còn chậm lắm” - Một cô gái 8X, đang làm việc trong ngành PR - đã nói như thế về “làm việc chuyên nghiệp” ở Việt Nam...
  • Thiếu tính chuyên nghiệp

    06/07/2005Cả nước chưa hết xôn xao chuyện huấn luyện viên ngoại sau vụ liểng xiểng Tiger Cup. Người chê, người bênh, người bịt mũi, người giẩu miệng, người nhún vai, người xoa tay dàn hoà. Nhưng mấy ai biết nhìn nhận như sau: dân Brazil là những nghệ sĩ đá bóng tuyệt vời của hành tinh này, nhưng ưu điểm của người cầu thủ không tất yếu biến họ thành thầy dạy nghề bóng đá. Nhìn xa hơn sẽ thấy một ông trọng tài Italia gầy gò, mắt trố, lý lịch trích ngang là chuyên viên tài chính-ngân hàng, sút bóng nhất định không bằng lũ trẻ Brazil và Italia, thế nhưng ông ta là thầy giáo trong làng bóng đá...