Giao ban với HTV

02:57 CH @ Thứ Năm - 27 Tháng Mười, 2011
Ở các tòa soạn báo, hay có những cuộc họp định kỳ (hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày, thậm chí hàng buổi như ở Ban Thời sự - Đài Truyền hình), gọi là “giao ban”.

Tại đó, ban biên tập, thư ký tòa soạn, những người phụ trách khối nội dung… hay nói chung là lãnh đạo, sẽ nhận xét những tin bài nổi bật trong tháng/tuần/ngày/buổi vừa qua, cho ý kiến đánh giá - chỉ đạo, nêu ra các lỗi nghiệp vụ, thưởng và phạt các phóng viên tương ứng.

Ðặt giả thiết, nếu người viết những dòng này là lãnh đạo (của Đài Truyền hình Hà Nội - HTV), tại cuộc họp giao ban sau bản tin thời sự tối 21/8 về “một nhóm người tụ tập biểu tình, gây rối”, tôi sẽ nhận xét “quân” của mình sao nhỉ?

Hình ảnh và lời bình khớp nhau như thế nào?

Trong phóng sự truyền hình, phim tài liệu, hình ảnh và lời bình phải gắn bó với nhau một cách hài hòa. Tốt nhất là “lời bình hơi vượt ra ngoài hình ảnh một chút”, tức là nói những điều hình ảnh không truyền tải/ minh họa hết được.

Có hai dạng lỗi lớn như sau:

- Hình ảnh và lời bình chồng chéo, trùng lặp. Ví dụ kinh điển là, sẽ không gì tẻ nhạt hơn là trên khuôn hình hiện một cánh đồng lúa vàng, lời bình kèm theo: “Đồng lúa”; “Đây là cánh đồng lúa vàng”; “Các bạn đang ngắm một cánh đồng lúa vàng”…

- Hình ảnh và lời bình không khớp nhau, hình một đằng, lời một nẻo. Ví dụ thế này: Biên tập viên truyền hình (tạm gọi là “phóng viên” - PV) đưa tin về vụ chị N.T.H. chết vì giải phẫu nâng ngực ở cơ sở thẩm mỹ A. Khi phóng viên đến hiện trường, chủ cơ sở đã bỏ đi, nhà khóa cửa. PV bèn xử lý phóng sự như sau:

Hình ảnh: Toàn cảnh cơ sở thẩm mỹ A, nhìn từ bên ngoài. Hai cánh cửa sắt đóng kín, phía trên là tấm biển: “Thẩm mỹ viện A”. (Lời bình: “… Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ…”).

Chuyển cảnh. Toàn cảnh: Quán cóc bên kia đường, đối diện cơ sở thẩm mỹ A. Một toán thanh niên ngồi uống trà đá, hút thuốc. (Lời bình nối tiếp câu trên: “… Ngày càng có nhiều người có nhu cầu làm đẹp…”).

Cách xử lý hình ảnh và lời bình như thế sẽ khiến khán giả mặc nhiên nghĩ rằng toán thanh niên ngồi trà đá trong quán nước kia là những người có nhu cầu làm đẹp.

Ví dụ khác: Phóng viên đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Mỹ.

Hình ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rảo bước cùng các cán bộ, vệ sĩ… trên sân bay, chuẩn bị lên máy bay. (Lời bình: “Cùng đi với Thủ tướng là đoàn các quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước. Trong chuyến đi này, Thủ tướng sẽ có cuộc gặp với…”).

Chuyển cảnh. Trung cảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng trước cửa máy bay, cười, vẫy tay chào những người ra tiễn đứng dưới đường băng. (Lời bình nối tiếp câu trên: “… (sẽ có cuộc gặp với) một số doanh nghiệp cá tra, cá basa của Mỹ, để bàn về…”).

Cách dựng hình này khiến khán giả mặc nhiên nghĩ rằng ê-kíp truyền hình coi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một doanh nhân mua bán cá tra, cá basa, hoặc ít nhất cũng nhầm như thế.

*

Trở lại với phóng sự của HTV1:

Hình ảnh những người biểu tình, trong đó có một số người mà công luận đã biết mặt như Nguyễn Văn Phương (lúc đó là nhân viên công ty Việt Long), GS. Huệ Chi, TS. Nguyễn Văn Khải (“ông già Ozone”), nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Thạch (tác giả sáng kiến “Tủ sách dòng họ”)…

Lời bình của HTV1: “… Việc tham gia biểu tình lại trở thành tấm bia che chắn cho các thế lực thù địch phản động đằng sau đang ráo riết chia rẽ khối đại đoàn kết, kích động tư tưởng hằn thù dân tộc…”, “Lợi dụng vỏ bọc yêu nước, một nhóm người bị các thế lực phản động trong nước và nước ngoài kích động đã tụ tập biểu tình, hòng lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin không nắm bắt thông tin đầy đủ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, cản trở và chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.” …


Ðưa những hình ảnh này khi bình luận, HTV đã thể hiện đúng điều họ muốn khẳng định... - Ảnh chụp màn hình

Tuyệt! Lời bình khớp với hình ảnh một cách không thể hài hòa hơn, để thể hiện chính xác ý đồ của (các) tác giả phóng sự – cho rằng tất cả những người xuất hiện trên hình đều hoặc là phản động đi lợi dụng kẻ khác, hoặc là người nhẹ dạ cả tin bị phản động lợi dụng.

Ở đây xin mở ngoặc đơn nói thêm: khi “Nhà đài” bị một số trí thức đâm đơn kiện, Tòa án Đống Đa xả thân bênh HTV, cho rằng: “Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đưa tin về sự việc có hình ảnh các ông nhưng không nêu đích danh cụ thể ai, không xuyên tạc, cũng không có lời bình, nhận xét có nội dung vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và gây thiệt hại đến cá nhân nào”.

Đến đây thì vấn đề nằm ở chỗ Tòa án phải xác định được những từ “tấm bia che chắn”, “thế lực thù địch phản động”, “ráo riết chia rẽ khối đại đoàn kết”, “kích động tư tưởng hằn thù dân tộc”, “lợi dụng vỏ bọc yêu nước”, “hòng lôi kéo”, “nhẹ dạ cả tin”, “không nắm bắt thông tin đầy đủ”, “gây ảnh hưởng xấu”… có phải là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” hay không.

Nếu câu trả lời là “không” thì chúng ta có thể yên tâm rằng “phản động” là yêu nước.

Cái nước mình nó khác!

Một trong những nguyên tắc của đạo đức nhà báo là trung thực và khách quan. Nếu một bài báo, một tác phẩm truyền hình đưa tin “phản ánh chính xác thực tế” mà chỉ nêu thực tế của một bên, thì vẫn sẽ là không trung thực, không khách quan.

Do đó, điều mà nhà báo nào cũng phải ý thức nằm lòng, là khi tác nghiệp, không được phép hùa vào theo ai đó, không được dùng từ ngữ gay gắt và ngoa ngoắt, không được ủng hộ lộ liễu một tổ chức nào, v.v… Nếu đưa tin cho rằng một nhóm người là “phản động” hoặc bị “phản động lợi dụng”, nhà báo bắt buộc phải lấy ý kiến của ít nhất một người trong số đó hay nói cách khác, phải để các bên có cơ hội lên tiếng bình đẳng.

Một nguyên tắc khác là: “Nếu sai, phải nhận!”. Nhà báo cũng như tờ báo phải có thái độ và cách hành xử đó. Đã sai là nhận trách nhiệm, nhận lỗi, và xin lỗi, bồi thường. Không có chuyện sử dụng uyển ngữ, nói tránh đi thành “nói lại cho rõ” chẳng hạn.

Ðương nhiên, đây là nguyên tắc đạo đức nhà báo theo chuẩn mực của Phương Tây và ở một phần đáng kể trên thế giới. Còn ở Việt Nam mình, có lẽ vẫn phải mượn ý nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến: báo chí nó khác, khác ghê lắm!
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thư gửi một nhà báo tương lai

    24/06/2018Lê HoàngXã hội không phải thiếu các “nhà”. Nào nhà văn, nhà thơ, nhà tạo mẫu, nhà triết học và nhà thầu. Nhưng nhà báo vẫn có một giá trị riêng...
  • Sự thật với nhà báo

    20/06/2018Ngòi bút viết ngược sự thật, dù với mục đích nào, cũng đều không thể biện minh trước lương tri của người cầm bút và niềm tin của người đọc. Bởi ngòi bút viết ngược sự thật sẽ như con dao đâm ngược vào niềm tin và cả kỳ vọng mà người đọc dành cho báo chí và người cầm bút...
  • Báo động đỏ về sự dối trá

    31/03/2017Nguyễn Khắc PhêVấn đề đáng”báo động đỏ” trước hết của xã hội hiện nay (chứ không chỉ đối với ngành giáo dục) là phải bằng mọi biện pháp chống lại sự giả dối, gian trá, đề cao tính trung thực như là tiêu chuẩn đầu tiên để xem xét một con người...
  • Nhà báo - nhà văn, viết văn - viết báo

    21/06/2016Văn GiáMấy năm gần đây, thỉnh thoảng trong báo giới và văn giới của ta lại thấy vẩn lên câu chuyện: Nhà báo viết văn và nhà văn viết báo. Vế thứ nhất gần như mặc nhiên và được xem là thuận chiều, không có gì cần bàn lắm. Chủ yếu là ở về thứ hai. Có một số nhà văn tuyên bố ra miệng rằng: viết báo đối với họ chẳng qua là nghề tay trái, là “lấy ngắn nuôi dài”, là lo cái chuyện độ nhật... mà thôi.
  • Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân dân

    01/07/2015Hữu ThọNgày 25/5/1987 là ngày mở đầu chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân của tác giả N.V.L. Nghiên cứu bối cảnh ra đời của chuyên mục nổi tiếng này, để hiểu rõ hơn ý định của tác giả...
  • Phản biện bài báo của Hoàng Công Minh đăng trên Vietnamnet

    26/06/2011Hoa HòeDưới đây là 21 phát đại bác mà bác Hoe Hòe (hình như là cựu chiến binh) đã bắn vào VietNamnet và tác giả Hoàng Công Minh viết bài báo: "Cần nhìn lại giá trị phim Lý Công Uẩn". Bác Hoa Hòe đăng tải ở phần comments, nhưng Nguyễn Xuân Diện thấy nó dài tới hơn 3000 chữ, lại trình bày rất nhiều vấn đề, vậy nên tách ra thành một bài...
  • Báo chí và… quyền được sai

    21/06/2011Đoan TrangHội thảo khoa học quốc tế về “chống xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, đăng tin sai sự thật trên các phương tiện truyền thông” (ngày 10-3, tại Hà Nội) đã mở ra vấn đề cần phải cân phân giữa quyền của báo chí và quyền của công dân. Tiếp nội dung hội thảo, một khía cạnh khác được khơi lên: Báo chí được đưa thông tin tới ngưỡng nào?
  • Trao cho báo chí

    17/05/2011Trần Dĩ HạThưa các vị đại biểu. Tình hình tham nhũng đã đến lúc báo động hết cấp. Nếu chúng ta không tích cực chống tham nhũng thì nước ta sẽ rơi vào tình trạng thắng trong chiến tranh, thua trong hòa bình, quá khứ hào hùng nhưng tương lai thì tụt hậu...
  • Tự do báo chí bất ngờ ở Tunisia

    24/01/2011Ulrike PutzTruyền thông Tunisian đã chứng kiến một thay đổi bất ngờ và sửng sốt: Sau nhiều năm kiểm duyệt ngột ngạt, tất cả các hạn chế bỗng dưng biến mất. các báo được tường thuật tự do, các nhà báo làm việc thâu đêm - và dường như mọi người dân Tunisa đều muốn nói chuyện chính trị...
  • Cảnh báo sự xuống cấp đạo đức, lối sống trong giới trẻ

    30/11/2010Trần TuấnNhư Báo CAND đã đưa tin,ngày 24/10/2009, tại khu vực trước cổng Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) xảy ra một vụ đâm chém nhau giữa 2 nhóm thanh niên, hậu quả khiến một sinh viên bị tử vong trên đường đi cấp cứu. Điều đáng nói trong vụ án này chính là việc các đối tượng có liên quan đến vụ án chiếm đa phần là các học sinh THPT có độ tuổi 9X. Vụ việc thêm một lần nữa cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức, lối sống của một bộ phận trẻ vị thành niên, học sinh hiện nay…..
  • Kỳ vọng ở báo chí: Báo chí phải nhìn lại mình

    15/08/2009Dương Bình Nguyên thực hiệnGiáo sư Tương Lai có thể làm chuyên gia trong nhiều lĩnh vực bởi ông là một kho tri thức sống quý giá. Hơn thế, ông là người luôn nóng lòng phản biện trên báo chí trước những vấn đề lớn của xã hội. Và từ đó, góc nhìn của Giáo sư Tương Lai với báo chí cũng là góc nhìn đầy thực tế và mang tính xây dựng cao...
  • xem toàn bộ