Lại bàn về những giá trị sống

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
05:55 CH @ Thứ Năm - 19 Tháng Sáu, 2014

Ông Nguyễn Trần Bạt (NTB): Sáng nay tôi có buổi nói chuyện tại một trung tâm đào tạo các nhà quản trị kinh doanh gồm toàn tổng giám đốc và phó tổng giám đốc các tập đoàn hoặc công ty lớn. Khi nghe họ hỏi thì tôi bỗng nhiên thấy nhớ các sinh viên trường Kinh tế Quốc dân, vì phải nói rằng, các nhà điều hành của chúng ta sau khi được đào tạo rồi mà không thể có câu hỏi giống như sinh viên trường kinh tế được. Nhân việc phát hiện ra khía cạnh ấy, tôi xin chào mừng các cháu.

Tôi vẫn giữ một thói quen là cố gắng giữ bản thân mình để không trở thành một người giảng chuyên nghiệp. Chúng ta thấy là mấy trăm năm sau người ta mới gọi Socrates là một người giảng chuyên nghiệp. Bởi cái hay nhất của con người khi giao lưu với nhau, trao đổi với nhau là trạng thái không chuyên nghiệp. Còn khi biến giao lưu trở thành một nghề thì nó lại tra tấn, nó lại có những nỗi đau khổ mà các thầy cô giáo của các cháu vẫn buộc phải làm. Cho nên các cháu cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời. Tôi vẫn tiếp tục nhường quyền điều khiển diễn đàn cho các thày cô. Bởi vì các cháu sinh viên trong khi đi đánh trận phải có tướng, mà tôi thì không thay ngựa giữa dòng, không thay vai trò tướng lĩnh của các thầy cô. Mặc dù buổi nói chuyện được tổ chức trong ngôi nhà của tôi, trong cơ quan của tôi, nhưng người đem quân đến không phải là tôi, tôi chỉ là kẻ ứng phó hay một người góp ý cho đoàn quân, còn tướng lĩnh dẫn đầu trận vẫn là các thầy cô, cũng giống Bonaparte đưa quân qua dãy Pyrénées hoặc Alexandros Đại đế đưa quân qua vùng Alexandria. Xin mời các thày cô.

Cô Phan Thùy Chi (Cô Chi): Trước hết, chúng tôi hết sức cảm ơn anh và các anh chị ở trong công ty đã thu xếp thời gian để đón tiếp các sinh viên của chúng tôi. Ở trong nhà trường, chúng tôi rất muốn trang bị cho các em những kiến thức, những kỹ năng và cách tiếp cận. Chúng tôi rất mong muốn các em được tiếp xúc với những người như anh để hun đúc tinh thần doanh nhân đúng nghĩa. Anh vẫn nói với sinh viên là làm doanh nhân có nghĩa là tạo ra những giá trị cho xã hội, và thành công của mình sẽ là do xã hội trả lại từ những giá trị mà mình tạo ra. Anh là một mẫu mực, giống như cách anh nói, anh muốn đi tìm hiểu đời sống tinh thần của những người thành đạt, những người nổi tiếng để hiểu thêm họ như một cái gì đó để hướng theo. Do đó, chúng tôi rất mong sinh viên của khoa có dịp được tiếp xúc với anh. Thực ra các bạn sinh viên đã được tiếp xúc với anh trong trường rồi, nhưng chúng tôi muốn cho các bạn có thêm những cơ hội mới ở những phạm vi khác nhau, ở những khía cạnh khác nhau. Anh vẫn nói là không muốn trở thành một người giảng dạy chuyên nghiệp, nhưng đối với tôi và đối với những giáo viên ở khoa chúng tôi cũng như các sinh viên ở đây thì anh vẫn là một người thầy.

NTB: Cách đây hơn 20 năm, đại sứ liên hiệp vương quốc Anh, ngài Empris David là một nhà quý tộc Anh hỏi tôi rằng "Ông Bạt, theo ông một nhà ngoại giao tốt là một nhà ngoại giao như thế nào?". Tôi trả lời "Thưa ông, một nhà ngoại tốt là một nhà ngoại giao mà khi không làm ngoại giao nữa thì có thể quay về đời sống thông thường được". Một doanh nhân tốt cũng như vậy. Một doanh nhân thông thường theo định nghĩa thì phải đem lại lợi ích, phải tạo ra giá trị gia tăng, nhưng là một doanh nhân tốt còn phải hơn thế, nghĩa là khi không làm doanh nhân nữa thì có thể làm bất kỳ cái gì còn lại trong cuộc sống. Do đó, tôi không thích rất nhiều sáng kiến từ phía các nhà quản lý xã hội là xây dựng một đội ngũ doanh nhân, xây dựng một đội ngũ trí thức, xây dựng đội ngũ nọ, đội ngũ kia.

Tôi cho rằng chúng ta cần phải thay thế việc xây dựng những đội ngũ ấy bằng việc xây dựng con người. Nếu không dựa trên nền tảng những định nghĩa hoặc một hệ thống các giá trị để xác định một đơn vị con người hoàn chỉnh và phát triển phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống và đòi hỏi của nhân loại thì mọi đội ngũ đều thất bại hết. Tôi không chối bỏ tôi là một doanh nhân, và nói cho cùng thì tôi là một doanh nhân thành công. Một doanh nhân thành công nghĩa là gì? Một doanh nhân thành công là một người tìm ra được những lợi ích mà không thấy rằng những lợi ích tương tự mất tích trong túi của những người mà mình trông thấy, mình quan hệ. Tức là chúng ta không lấy trộm lợi ích của người khác để bỏ vào túi mình và gọi đó là lợi ích. Nếu theo định nghĩa chặt chẽ như vậy thì tôi là một doanh nhân thành công, tôi không lấy của người khác để bỏ vào túi tôi. Tôi trao đổi loại dịch vụ hay loại sản phẩm mà tôi có và tạo ra lợi ích của người khác, tạo ra giá trị phát triển cho người khác và do đó tạo ra giá trị phát triển cho xã hội, và lợi ích của tôi là một tỷ lệ hợp lý trong đấy. Tức là người đã sử dụng dịch vụ của tôi thêm được 10 đồng thì tôi thêm được 1 - 5% trong số lợi ích mà tôi có thể giúp họ. Đấy chính là một doanh nhân thành đạt. Một doanh nhân thành đạt là một doanh nhân mà những người cộng tác với mình không nghèo đi, không già đi, không ngu dốt đi trong sự hợp tác với mình. Nếu chúng ta sử dụng một giai đoạn cuộc đời của mình để làm kinh doanh theo định nghĩa như thế thì sau khi kinh doanh chúng ta mới quay lại để làm những việc khác và làm người được.

Sau một thời kỳ kinh doanh, tôi trở thành một nhà nghiên cứu và phải nói rằng, tôi cũng tạo ra được giá trị gia tăng trong những hoạt động nghiên cứu như vậy. Tôi chứng minh được một chân lý rằng, nếu anh làm một doanh nhân hay làm bất kỳ cái gì nghiêm túc thì sau đó anh mới có thể làm những cái khác nghiêm túc được. Nếu anh không bắt đầu làm được một cái nghiêm túc thì sau đó anh rất khó để làm nghiêm túc những cái khác được, bởi vì anh đã đốt cháy nhân cách của anh trong quá trình làm cái thứ nhất. Các cháu trẻ như thế này, đẹp như thế này, có những khuôn mặt thông thái như thế này, các cháu đừng tự đốt cháy mình vì bất kỳ cái gì, kể cả tiền bạc, đấy là lời khuyên của tôi. Kinh doanh không phải là cách thức duy nhất để làm ra tiền, và tiền không phải là cách duy nhất để tạo ra sự sáng sủa, tạo ra hạnh phúc của các cháu. Chúng ta không làm chủ được thì chúng ta làm thuê, chúng ta làm thuê một cách thông thái, chúng ta vẫn sống được. Chỉ có điều chúng ta phải đủ thông thái để đi làm thuê cho những người thông thái khác, những người biết sử dụng lao động của các cháu vào những công việc tạo ra giá trị gia tăng bằng một phương pháp thông minh nhất để từ đấy nó tạo ra một thứ lao động không khổ sai. Lao động tạo ra các yếu tố phát triển nằm trong bản thân các cháu. Đấy là một thí nghiệm tôi làm ở trong cuộc đời. Tôi luôn luôn có những thể nghiệm và tôi đã thể nghiệm trên các đồng nghiệp của mình. Tôi có một số cán bộ luôn luôn cảm thấy mình vĩ đại, cảm thấy mình thông minh lắm, và cuối cùng thì tôi đành phải cho nghỉ. Sáng nay, trong cuộc trao đổi với các doanh nhân, có người hỏi tôi "Thưa anh, chúng tôi là công ty bé, làm sao mà chúng tôi có thể nuôi được những người có bộ óc lớn, bộ óc khổng lồ, những người vĩ đại ở trong công ty của chúng tôi được?". Tôi trả lời rằng "Thưa anh, trước cửa cơ quan của anh phải để một khẩu súng tiểu liên, bất kỳ ai đến định xông vào và tự xưng mình là một kẻ thông thái thì phải bắn ngay từ ngõ". Những người tạo ra các sự nghiệp vĩ đại không bao giờ tự nhận mình là kẻ thông thái. Khi nào người ta bỗng nhiên thấy mình thông thái thì coi như họ xong rồi. Tôi có nói ở đâu đó trước cử tọa rất đông rằng, nhiều người đã chuẩn bị sự thông thái của mình, chuẩn bị tô vẽ sự thông thái của mình ngay khi mình chưa làm được gì cả. Toàn bộ nền kinh tế của chúng ta, toàn bộ xã hội của chúng ta đang được hình thành bởi những thứ rất thông thái, và bây giờ chúng ta rơi vào ngõ cụt như thế này. Cho nên, tôi luôn muốn thế hệ trẻ các cháu hãy sống cho hồn nhiên, sống tự nhiên, sống như một người tưởng rằng mình không có tài năng, tưởng rằng mình là một người không có ấn tượng, nhưng bên trong chất chứa những tài năng, những khả năng mà bản thân người sở hữu nó không ý thức được. Còn đi bán bản thân mình mà tự nhận mình là một tài năng thì vô cùng nguy hiểm. Bởi vì thành tựu mà một con người tạo ra không phải là sản phẩm riêng của người ấy, nó là kết quả của sự hợp tác chung giữa một khả năng cá thể nào đó với thể chế, với trình độ phát triển xã hội, với những đồng nghiệp, với các cộng đồng lao động cụ thể. Mà tất cả những điều kiện như vậy thì chúng ta không làm chủ được, cho nên, những ai nói rằng tôi dứt khoát thành công vì tôi có tài thì người đó là chủ quan, là ảo tưởng. Kẻ ảo tưởng và chủ quan không bao giờ có sự nghiệp, họ chỉ đánh cắp được sự nghiệp mà không có nó. Rất nhiều kẻ đánh cắp được các sự nghiệp mà không có nó. Càng đi vào các trường đại học tôi bỗng nhiên càng nhận ra rằng các trường đại học là nơi sạch nhất hiện nay mà xã hội chúng ta có. Tuy rằng mọi người vẫn kêu, nhưng kêu vậy thôi chứ nó vẫn sạch nhất trong các đơn vị xã hội hiện nay, bởi vì ở đấy đầy rẫy những người khiêm tốn, còn ở những chỗ khác không có những người như vậy. Tôi mở đầu để nói về một khái niệm, một vấn đề, và nói về ấn tượng của tôi đối với trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Các anh chị cứ yên tâm và các anh chị có thể tự hào. Tôi không thích những người chỉ trích quá nhiều, bắn phá một cách không thương tiếc vào hệ thống trường học và hệ thống giáo dục. Hệ thống giáo dục của chúng ta đành rằng không phải xuất chúng nhưng nó không tệ như người ta nói. Với ngần ấy khả năng, với ngần ấy tiền vốn, với ngần ấy điều kiện mà giữ mình được đến thế để không thành những kẻ ăn cắp chuyên nghiệp đã là cố gắng khổng lồ rồi.

Sinh viên: Để trở thành người thành đạt, chú có kinh nghiệm như thế nào trong việc cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống riêng của mình?

NTB: Tôi không có sự nghiệp nào bên ngoài cuộc sống riêng của tôi mà phải cân bằng. Sự nghiệp của mỗi con người là bộ phận của cá nhân ấy, nó phản ánh đúng cá nhân ấy và nó sống chung với các thành tố còn lại của cá nhân ấy. Sự nghiệp không phải là một công việc đốt cháy cái này để làm nở ra cái kia. Rất nhiều người tưởng rằng sự nghiệp là một sự đánh đổi, chúng ta hy sinh vì cái này, vì cái kia, chúng ta đút đầu vào lỗ châu mai vì sự nghiệp nọ, sự nghiệp kia. Tất cả những việc ấy là công việc của những nhà tuyên huấn, những người tuyên truyền, họ nói là việc của họ, còn nghe là việc của mình. Các cháu phải tin rằng không có sự nghiệp nào nằm bên ngoài con người. Sự nghiệp của cá nhân chính là sản phẩm mọc lên từ cá nhân ấy, và con người tự nhiên không có mâu thuẫn. Có thể có những mâu thuẫn lặt vặt. Chẳng hạn, mình đi nhiều quá thì bà vợ kêu, mình chú ý tới việc này, việc kia quá thì con nó kêu, và người ta tưởng rằng đó là mâu thuẫn nhưng không phải. Nếu không thành đạt thì những thứ mà cháu gọi là mâu thuẫn ấy nó vẫn tồn tại. Có những người cả đời chẳng có sự nghiệp nào vẫn bị vợ kêu "chồng người đánh giặc sông Lô, chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần". Bản chất của cuộc sống bao giờ cũng như thế, và chúng ta gán cho mâu thuẫn ấy có nguồn gốc từ sự nghiệp. Không phải thế. Bà vợ nào có một ông chồng thành đạt, ra đường có người chào thì bà ấy cũng phổng mũi, nhưng thấy một người đàn bà kém mình mươi tuổi, trẻ hơn, rực rỡ hơn một tí mà chào chồng mình thì bắt đầu cảnh giác một tí. Tất cả những tâm lý ấy là thông thường. Không phải đánh đổi gì. Tuyệt đối không bao giờ nên nghĩ rằng chúng ta phải đánh đổi cái này lấy cái kia. Xưa nay các cháu vẫn được nghe nhiều người nói rằng, muốn có sự nghiệp thì phải hy sinh cái này, phải hy sinh cái kia.

Tôi xin nói lại, chúng ta phải tẩy rửa tất cả những di chứng của những chất độc được cấy vào trong tiềm thức của chúng ta bởi những kinh nghiệm sai như vậy. Những thành đạt chân chính, những thành đạt thuộc về con người luôn luôn gắn bó với con người, luôn luôn từ con người mà ra, và nó không hề mâu thuẫn. Nó không đem lại hạnh phúc dạng này thì nó sẽ đem lại hạnh phúc dạng khác. Tôi lấy ví dụ, có những người phụ nữ rất thích chồng ở bên cạnh, lúc nào nóng thì anh quạt cho em, lúc nào đói thì anh mua phở cho em. Đấy là một loại hạnh phúc. Nhưng bỗng nhiên một ngày đẹp trời người ta lại thấy rằng, không phải thế, ra đường mà ông chồng mình nổi tiếng thì mình được nhiều người để ý hơn, tức là người ta lại đòi hỏi hạnh phúc theo kiểu khác. Cho nên chỉ có những nhu cầu về hạnh phúc chuyển đổi từ dạng nọ sang dạng kia trong những người hưởng thụ sự thành đạt của một sự nghiệp. Còn sự thành đạt trong sự nghiệp của một con người không mâu thuẫn với chính nó, và khi nào nó mâu thuẫn với chính nó thì phải cảnh giác, bởi vì đấy là sự bắt đầu của sai trái.

Sinh viên: Cháu có theo dõi một bài trả lời phỏng vấn của bác, bác có nói rằng sự thành đạt của bác không phải là tạo ra một công ty mà là tạo ra một nghề. Cháu băn khoăn là trong khi lập công ty thì bác đặt lên trước hết mục đích về lợi nhuận hay mục đích tạo ra giá trị của xã hội?

NTB: Tôi không nghĩ gì đến việc tạo ra cái gì cho xã hội cả. Tôi không phải là một kẻ anh hùng chủ nghĩa xông ra đường và bảo ta là anh hùng đây. Tôi không có bất kỳ một ý nghĩ nào là làm cái này để giúp ích cho xã hội. Giúp ích cho xã hội tự thân nó có trong mỗi một hành vi, mỗi một hoạt động lương thiện và sáng suốt. Lợi ích cho xã hội không phải là một chủ đích. Gần đây trong một nghiên cứu, người ta nói rằng ham muốn một cách chủ động đôi khi không phải là bản chất của mọi hành động, mà hành động chủ yếu được kêu gọi bởi dục vọng. Tôi không định giúp ích gì cho xã hội cả, tôi thấy vợ tôi khổ, con tôi khổ, nhiều người xung quanh tôi nghèo khổ, tôi tập hợp những người mình chấp nhận được và thích được tạo ra một tổ chức. Còn tạo ra một nghề nghiệp, tạo ra một ý đồ nghề nghiệp thì đấy là sản phẩm riêng của tôi. Tôi rất sợ tất cả các bạn trẻ được huấn luyện, được dạy dỗ phải hy sinh cho sự nghiệp vĩ đại nào đó. Giá trị xã hội của một con người được chiết ra từ chất lượng hành động của nó, chất lượng hoạt động của nó chứ không phải từ ý định của nó. Chất lượng nhân văn trong ý nghĩ, trong hành vi, trong hoạt động tự nó đã có ích cho xã hội rồi, nó không phải là ý định. Và nếu ai đó nói có ý định thì đấy là nói để chơi thôi, bởi vì vào lúc anh mới bắt đầu, anh làm gì có kinh nghiệm để tồn tại mà đã đòi đóng góp. Để sống sót được, để thể nghiệm được ý định của mình thì đã là ghê gớm lắm rồi, còn để đóng góp nữa thì đấy là nói dối hoặc là liều mạng.

Sinh viên: Ước mơ, ý tưởng của bác xuất phát từ khi nào và từ khi nào bác định hướng cho nghề nghiệp của mình?

NTB: Câu hỏi ấy hay, hay ở chỗ là lúc nào. Lúc nào có ham muốn làm ăn là một chuyện, lúc nào có ham muốn làm ăn bằng phương pháp cụ thể nào lại là một chuyện khác, còn lúc nào khẳng định được ý tưởng của mình là đúng đắn thì lại là chuyện hoàn toàn khác nữa. Bao giờ cuộc đời của con người cũng đi từng bước một để thực thi một cái mà sau này người ta gọi là sự nghiệp. Kẻ nào sống đủ dài, kéo dài được hành động theo những ý đồ của mình đến một mức nào đó thì người ta gọi là sự nghiệp, còn ý đồ đó đem lại một số thành công nào đó thì gọi là sự thành đạt. Kinh nghiệm của tôi là như thế này:

Tôi làm nhiều nghề lắm, tôi đã từng đi làm ca sĩ. Năm 1963 khi tôi ở bộ đội, tôi đã trở thành diễn viên của một đơn vị văn công không chuyên của một sư đoàn. Đoàn văn công ấy vẫn còn một nhân chứng sống ở đây, làm việc tại văn phòng Hội Nhà văn là nhà văn Tô Đức Chiêu. Ông ấy có thể không còn nhớ tôi nữa, nhưng tôi thì vẫn nhớ như in. Tôi được nhạc sĩ Ánh Dương, người sáng tác bài "Chào em cô gái Lam Hồng" là nhạc sĩ của đoàn ca múa quân khu IV, nhạc sĩ Vĩnh An là đoàn trưởng của đoàn ca múa quân khu IV dạy thanh nhạc. Tôi rất ham muốn trở thành một diễn viên, một ca sĩ. Đến khi về Hà Nội, đi học đại học, sau 4 năm mà ca sĩ Trần Hiếu còn lên Hương Canh, nơi tôi sơ tán để thuyết phục giáo sư Đặng Hữu (sau này là bộ trưởng bộ Khoa học Công nghệ) rằng, hãy cho tôi thôi học ở đấy để về học thanh nhạc, sau đó làm ca sĩ ở Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương. Ông Trần Hiếu nói một cách thẳng thắn rằng kỹ sư thì đào tạo ai chẳng được, còn ca sĩ thì thỉnh thoảng mới có một người. Tôi đã từng ham muốn trở thành ca sĩ, tôi đã từng ham muốn trở thành một họa sĩ. Nói cho cùng, một người có kinh nghiệm là một người cố gắng theo đuổi nhiều khả năng mà mình lơ mơ nhận thấy mình có để tìm cách phát hiện ra khả năng thật của mình là gì. Và đôi khi những người thành đạt bao giờ cũng chậm hơn những người theo được sự chỉ bảo của các bậc phụ huynh. Những người tuân theo mọi sự lãnh đạo hoặc mọi sự chỉ bảo thường cuộc đời người ta thuận hơn, và họ có thể có rất nhiều chức vụ, nhưng họ không có sự nghiệp. Còn những người ương bướng, những người theo đuổi mục tiêu của mình thì có sự nghiệp, nhưng có thể không có chức vụ. Tùy tình yêu của các cháu đối với chức vụ hoặc sự nghiệp mà các cháu chọn một trong hai cách tiếp cận với cuộc sống.

Sinh viên: Khi bác bắt đầu có ý tưởng về sự nghiệp của mình, bác đánh giá khả năng của mình lúc đó như thế nào, bác chuẩn bị kế hoạch tương lai như thế nào?

NTB: Tôi không đánh giá khả năng của tôi mà tôi đánh giá tính hiện thực của những ý nghĩ của tôi, và tôi luôn luôn dự phòng hai trường hợp khác nhau. Nếu tôi làm được theo ý đồ của tôi thì tôi là người lao động theo ý đồ của tôi, còn nếu tôi không có khả năng lao động theo ý đồ của tôi thì tôi biết chọn ai để lao động theo ý đồ ấy. Người lao động được theo ý đồ của mình thì người đó trở thành một chuyên gia, còn người biết tập hợp người khác để lao động theo ý đồ của mình thì người đó trở thành một ông chủ. Tức là ngay cả trong một ý nghĩ của mình cũng có hai tình huống, tình huống mình triển khai được chính nó, mình vừa là người nghĩ được, vừa là người thiết kế, vừa là người triển khai thì mình là một chuyên gia, nhưng mình không phải là ông chủ, (vì không có một kẻ nào làm một mình mà trở thành ông chủ, ông chủ ít nhất là phải có một người làm cho mình). Còn mình thấy rằng ý tưởng của mình cao hơn khả năng tác nghiệp cá nhân của mình thì phải biết tập hợp. Với tư cách là một nhà kinh tế thì cháu phải dự phòng cả hai khả năng này, khả năng trở thành một chuyên gia và khả năng trở thành một người huy động, tập hợp các chuyên gia.

Cô Chi: Đây là một khía cạnh mà tôi thấy rất thú vị, nhất là đối với các em, ngay cả khi các em chọn ngành cũng thế. Trong đào tạo kinh doanh ở khoa chúng tôi có ba hướng là marketting, tài chính và quản lý chung. Các em cần chú ý vấn đề này, tất nhiên ban đầu có thể là một chuyên gia sau đó lại trở thành một ông chủ.

NTB: Hoàn toàn có thể, nhưng cách tập hợp trí tuệ để làm ông chủ và cách tập hợp trí tuệ để làm chuyên gia là hai cách hoàn toàn khác nhau. Cách tập hợp trí tuệ để làm chuyên gia có những lối thoát vinh quang của nó, có sự nghiệp của nó. Tôi lấy ví dụ, sau khi cháu trở thành một chuyên gia của một ngân hàng chẳng hạn thì cháu rất dễ dàng để trở thành một giảng viên đại học chuyên ngành ngân hàng, cháu có thể trở thành giáo sư hoặc một giảng viên thỉnh giảng của một trường đại học. Cháu đi tìm kiếm vinh quang cá nhân của cháu bằng tài năng, bằng chất lượng chuyên gia của cháu. Đấy là một lối thoát. Nhưng còn có một lối thoát khác là tiếp xúc với các quan hệ xã hội, tập hợp lực lượng xã hội, điều phối các lực lượng xã hội để làm ra công việc của mình, làm ra tiền của mình. Đấy chính là năng lực làm ông chủ. Như vậy thì khả năng chuyên gia của cháu có ích gì trong quá trình định làm ông chủ? Đấy là năng lực cảm thông và đánh giá tài năng của những người sẽ làm việc với mình hoặc cho mình. Ví dụ Bill Gates là người bỏ học, nhưng ông ấy bỏ học chứ không phải là không học. Không có một kẻ vô học nào có thể thành đạt được, nhưng ông ta bỏ học vì tìm thấy một lối thoát to hơn việc trở thành một cử nhân, một thạc sĩ hay tiến sĩ. Nhưng việc có học ban đầu ấy là rất quan trọng. Rất nhiều người làm quan to hẳn hoi, khi làm lý lịch thì khai là học ở chỗ nọ, chỗ kia, nhưng nghe những phát biểu của họ là tôi hiểu ra rằng người này không học thật. Bởi vì cái tối thiểu của một người có học là không nói sai chính tả.

Cô Chi: Chính vì thế mà ngay từ khi tuyển sinh vào, chúng tôi đã cho các em viết bài luận nhập học.

NTB: Viết là một việc vô cùng quan trọng, bởi vì viết là lúc anh điểm binh. Viết bài là thể hiện chữ lên trên giấy, nó cũng giống việc sắp xếp binh mã của một viên tướng. Khi anh điểm binh mã ở trên giấy thì bỗng nhiên anh thấy rằng hàm răng của mình thiếu đến 3, 4 cái. Chúng ta sẽ có một bộ răng hoặc khấp khiểng bởi có nhiều cái trong đó không phải của mình, hoặc thiếu vài cái lỗ chỗ, và có những người thiếu những cái răng cửa chẳng hạn. Cho nên phải viết, viết như một cách để kiểm soát sự thiếu hụt trí tuệ của mình vào từng thời điểm một, chứ không phải chỉ lúc bắt đầu vào trường.

Cô Chi: Chúng tôi cũng nhận thấy điều ấy, cho nên từ khi các em sinh viên bắt đầu dự tuyển sinh và trong quá trình học, chúng tôi luôn khuyến khích các em viết. Tôi thấy rằng viết là việc có tính tổng hợp nhất, vừa phải có tư duy, vừa phải có kỹ năng.

NTB: Viết là tập hợp lực lượng, là điểm binh mã của mình. Viết xong rồi mới thấy rằng đầu tiên là mình thiếu chữ, thứ hai là có nhiều khái niệm mình không biết, có nhiều khái niệm mình nghe thấy mà không biết nội dung. Toàn bộ sự phát triển trí tuệ loài người tưởng là phức tạp lắm, nhưng thực ra nó nằm ở hai thuật ngữ cơ bản là khái niệm và logic. Khái niệm là tên gọi của những vùng, những hiện tượng hoặc những thứ có trong cuộc đời. Còn logic chính là hệ thống dẫn, hệ thống kết nối những khái niệm lại. Và sự kết nối các khái niệm tạo ra khoa học.

Sinh viên: Câu châm ngôn trong suốt cuộc đời của bác là gì?

NTB: Thứ mà tôi theo đuổi một cách âm thầm là lao động không ngưng nghỉ. Đối với tôi có lẽ chấm dứt lao động của tôi là cái chết, chắc chắn là như thế. Năm nay tôi 65 tuổi, nhưng tôi cảm thấy còn quá nhiều việc mà tôi đang muốn làm, thậm chí có nhiều việc đã lên kế hoạch để làm. Cho nên cái mà tôi sợ bây giờ là sợ không đủ thời gian. Cách đây mấy hôm tôi có đến thăm nhà văn Tô Hoài, năm nay ông cụ 90 tuổi. Tôi có nói với cụ Tô Hoài rằng "Thưa bác, nước chúng ta có vài ba con khủng long, và do sự khiêm tốn mà tôi đã để lỡ cơ hội đến gặp gỡ các con khủng long trước đây. Bây giờ còn lại mỗi con khủng long cuối cùng là Tô Hoài thì tôi không khiêm tốn nữa, tôi phải đến gặp bằng được bác, nếu không thì tôi lại lỡ nốt cơ hội để gặp con khủng long cuối cùng". Nghe câu ấy ông cụ cười.

Tôi bao giờ cũng cố gắng tiếp xúc để nói và để tìm kiếm các nụ cười ở những đối tượng tưởng như không thể cười được nữa. Các cháu cứ quan sát con người mà xem, trong rất nhiều thứ mà các cháu có thể quan sát, các cháu hãy quan sát nụ cười. Một người nếu có sự nghiệp và sau này sẽ có sự nghiệp thì nụ cười của anh ta hấp dẫn lắm, nó không phô trương, nó không làm duyên. "Con chim làm duyên phải nhờ giọng hót, bông hoa làm duyên phải lụy hương bay", con người không có nhu cầu làm duyên là con người sống một cách chặt chẽ với các quan hệ, với các trật tự tự nhiên. Cái hấp dẫn nhất là hấp dẫn của một ai đó không chủ động làm duyên. Không có một bông hoa nào chủ động làm duyên cả mà chúng ta cứ mê mẩn nó suốt. Các cháu phải sống như thế nào để không phải cố gắng lên gân lên cốt bao giờ cả.

Sinh viên: Có nhiều người nói với cháu rằng nếu mình có tự tin là mình đã chiến thắng 50% trong công việc mình làm. Nhưng vừa rồi bác chia sẻ với chúng cháu rằng, một người không nên quá tự kiêu tự đại cho rằng mình là một chuyên gia. Bác nghĩ thế nào?

NTB: Tôi nghĩ rằng tự tin là phẩm hạnh phải có của bất kỳ ai. Tự tin khác với tự kiêu tự đại về chất. Tôi tự tin như là một con người thông thường, tôi chỉ có vậy thôi. Một cô gái có thể tự tin mà nói rằng "em cao có 1,60m, nếu anh thích người cao 1,65m thì anh đi tìm người khác, hoặc em có vậy thôi, mũi em hơi hếch là do mẹ em đẻ em đã thế". Chúng ta hãy tự tin rằng chúa cho mình cái gì thì mình sống với cái ấy. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều người nói chúng ta phải phấn đấu để có đại học đẳng cấp quốc tế, phải có thế nọ thế kia. Chúng ta phấn đấu để làm con người, để làm cộng đồng con người thông thường như bao nhiêu cộng đồng con người khác. Chúng ta sống theo tự nhiên, nếu chúng ta chưa có như vậy thì chúng ta cố gắng làm. Chúng ta không cần phải đuổi theo cái gì cả, bởi vì sự đuổi theo do người khác hô để chạy nó khác so với sự đuổi theo trong tâm hồn của mình. Trong tâm hồn của mình, mình đuổi theo cái gì đó là việc của mình, còn nếu mình chạy theo tiếng hô của ai đấy thì đó lại là việc của người khác. Suy ra cho cùng, nếu chúng ta làm theo sự thúc bách bên trong của tâm hồn thì chúng ta chắn chắn sẽ có sự nghiệp của mình. Còn nếu chúng ta chạy nhanh trong quá trình hô của người khác thì chắc chắn chúng ta chỉ có chỗ đứng trong sự nghiệp của người khác.

Sinh viên: Bác có thể cho bọn cháu nghe về những con khủng long mà bác nói không?

NTB: Nhiều lắm, tôi có viết một bài trong tạp chí Văn Việt có tên là "Chúng ta chưa có con ngựa văn hoá để cưỡi". Trong lĩnh vực văn học chúng ta có rất nhiều con khủng long, Nam Cao là một con khủng long, bởi vì trên thế giới này không có ai xây dựng một nhân vật độc đáo hơn Chí Phèo. Không có một người đàn bà nào có một hình ảnh xấu xí trong văn học như Thị Nở, nhưng không ai bỏ qua Thị Nở được. Tôi nghĩ rằng chúng ta có nhiều lắm, họ sống ở Miền Bắc, họ sống ở Miền Nam. Vì nền giáo dục của chúng ta chỉ dạy một số tác giả có công với cuộc cách mạng của chúng ta mà không nhắc đến những nhân vật chỉ có công với nền văn học Việt Nam mà không có công với sự nghiệp cách mạng. Cho nên, không nên xem những người có công với sự nghiệp cách mạng như là những người có công duy nhất với sự nghiệp văn học. Chúng ta có rất nhiều người như thế và cái đó là sự công bằng của khoa học. Đôi khi các nhà quản lý không ý thức được nếu đánh mất sự công bằng về mặt khoa học thì giá trị của sự phân loại của mình sẽ kém đi trong đánh giá của nhân loại. Chúng ta có nhiều con khủng long lắm. Bác Nguyên Hồng cũng là một con khủng long. Nhưng ở thời bác Nguyên Hồng 16 tuổi bác ấy viết được Bỉ Vỏ, còn như bây giờ thì bác ấy không viết được nữa bởi vì Năm Sài Gòn và Tám Bính, những nhân vật của Bỉ Vỏ, chỉ là những đứa trẻ trong hệ thống tham nhũng mà chúng ta đang có hiện nay. Nhiều lắm cháu ạ. Nếu chú nói với cháu thì cháu sẽ biết một vài cái tên và sau khi trao đổi thì cháu cũng chỉ biết tên một vài con khủng long cụ thể. Nhưng khi chú gợi ý với cháu một khái niệm là chúng ta có các con khủng long như vậy trong nền văn học của chúng ta thì cháu phải đi tìm kiếm nó. Trong khi cháu đi tìm kiếm danh sách những con khủng long như vậy, cháu sẽ biết họ là ai, họ có những tác phẩm nào và tự nhiên trong tiềm thức của cháu, trong trí tuệ của cháu có hiểu biết về văn học sử, từ đó kiến thức của cháu mới thực sự có giá trị, và đừng bao giờ xem đó là những kiến thức phụ. Khi học kinh tế tức là các cháu đang chuẩn bị những khả năng tác nghiệp hay các kỹ năng, nhưng những kỹ năng ấy như những cái răng, nếu không lắp cụ thể vào hàm một con người thì nó không thể trở thành sản phẩm. Kiến thức học được ở các trường chỉ là các công cụ, công cụ ấy phải được tác nghiệp bằng con người cụ thể và trên những đối tượng con người cụ thể thì nó mới tạo ra thành tựu và sự nghiệp. Ngoài những cái nhà trường dạy cho các cháu, các cháu phải học cách sử dụng các công cụ, biết đặt nó vào tay một con người là mình, biết tác động nó lên những người khác là khách hàng hoặc các công ty v.v. Các cháu chính là nhân sự nối giữa cái mình học và sự nghiệp của mình.

Sinh viên: Lúc đầu bác có nói khả năng phải được phát triển tự nhiên, nhưng nếu không cố gắng thì làm sao biết được khả năng của mình như thế nào, mình phù hợp với cái gì?

NTB: Đúng. Đấy là một cách lựa chọn mà cách lựa chọn này có màu sắc triết học. Bởi vì cháu tìm thì thế nào cháu cũng thấy, nhưng cái cháu thấy chưa chắc đã phải là khả năng thật của cháu và cháu phải tự thuyết phục mình đấy là khả năng của mình. Đi tìm và tìm bằng được là hai khái niệm khác nhau. Đi tìm nó trong sự thăm dò, trong sự hành động của mình để tự nhiên phát hiện ra nó thì đấy là quá trình tìm kiếm hợp với tự nhiên. Còn đi tìm bằng được các khả năng thì không phải là tự nhiên nữa, cháu sẽ có hình ảnh giả của khả năng của cháu, chưa chắc đã là khả năng thật. Ví dụ, cháu phát hiện ra khả năng A của cháu, có thể nó là thật, nhưng cháu phát hiện vào thời điểm không thuận lợi để yếu tố ấy tạo ra thành công thì tức là cháu đem thể nghiệm khả năng của mình vào thời điểm không thuận lợi với nó. Cho nên, cần để cho những khả năng phù hợp với các điều kiện xuất hiện một cách tự nhiên. Tức là do sự thúc đẩy của môi trường mà cháu tự phát hiện ra khả năng của cháu thì tự nhiên cháu gắn được, đến gần được hay cảm thấy được sự sắp đặt một cách tự nhiên sự xuất hiện của một khả năng với sự đòi hỏi của cuộc sống. Đây là một cách lựa chọn triết học, tức là phải cố gắng không chủ quan. Nếu cháu cố gắng đi tìm thì thế nào cháu cũng tìm được, nhưng cháu không thể chỉ ôm khư khư một khả năng để ru ngủ nó mà phải mang nó ra dùng, và cháu dùng không đúng thời điểm là cháu làm mất đi uy tín cái khả năng ấy. Tôi không giấu gì, ông nội tôi là một nhà kinh doanh, ông ngoại cũng là nhà kinh doanh và bố mẹ tôi cũng vậy, họ là những nhà kinh doanh mà như bà Trịnh Văn Bô nói "chúng tôi là nhà buôn chứ không phải con buôn". Nhưng cho đến năm 44 tuổi tôi mới bắt đầu kinh doanh. 44 năm ấy tôi không cố gắng để làm kinh doanh vì môi trường không tạo cho tôi những điều kiện thuận lợi. Nếu tôi thử kinh doanh để làm vua lốp hay vua nhựa thì tôi thể nghiệm khả năng của mình bằng những việc không thích hợp và tôi làm mất uy tín của khả năng ấy với chính bản thân mình. Hãy để tự nhiên làm xuất hiện khả năng. Cái đấy nghe chừng rất bị động, nhưng cháu cứ làm, cứ sống rồi sẽ thấy nó đúng, chứ còn thuyết phục cháu để cháu đồng ý rằng tôi đúng thì tôi cũng không làm. Tôi biết chắc chắn rằng đến lúc nào đó cháu sẽ rút ra kết luận là tôi đúng.

Sinh viên: Khi phát hiện ra khả năng của mình không phù hợp với một công việc mà mình đã chót cống hiến rồi và mình bỏ đi thì sẽ rất tiếc. Theo chú làm thế nào để khắc phục được điều đó?

NTB: Tự do. Cháu không phải đặt cọc vào bất kỳ doanh nghiệp nào cả. Cháu có quyền đến và có quyền đi. Cái giá trị đạo đức mà cháu có chính là làm việc hết lòng trong giai đoạn mà cháu làm cho doanh nghiệp ấy chứ không phải trói buộc vào nó. Cháu đừng xem việc rời bỏ một công ty tức là mình phản bội nó. Cháu có thể có suy nghĩ rằng công ty này ưu ái mình quá, trả lương mình rất cao mà bỗng nhiên mình bỏ đi thì áy náy quá. Tôi là người truyền bá một khái niệm nguy hiểm cho chính tôi với tư cách là một chủ công ty, đấy là tự do của nhân viên. Tôi không giữ bất kỳ ai, kể cả phó chủ tịch công ty. Thậm chí tôi biết có những người nếu tiếp tục ở lại công ty thì họ sẽ thành "em chã", tôi phải kích động cái tự ái của họ để họ bỏ đi, bởi vì nếu họ không thoát ra khỏi cái bóng của tôi thì họ sẽ đánh mất mình. Khi nào chúng ta yêu con người thật thì chúng ta sẽ dám làm những việc mà có thể họ sẽ giận mình lúc đó, nhưng sau này may ra nếu họ thông minh thì họ sẽ nhận ra sự tinh tế trong ứng xử của mình. Không nên trói buộc mình vào cái gì cả. Không bao giờ nên để sự áy náy của mình quyết định hành vi chính xác của mình. Áy náy là tình cảm tự nhiên, áy náy là dấu hiệu con người của cháu. Nếu không có cái áy náy ấy thì cháu không có dấu hiệu con người, nhưng những dấu hiệu con người không được phép giết chết tương lai chủ động của con người. Các cháu đang đặt ra những câu hỏi cực kỳ tinh tế và có chất lượng triết học để thảo thuận.

Cô Chi: Cách đây mấy tuần có một hội thảo khá lớn của những người làm nhân sự, họ cũng bàn nhiều khía cạnh, trong đó có khía cạnh làm thế nào để không tranh người của nhau. Trong thực tế bây giờ có một hiện tượng là lớp trẻ thích nhảy việc từ chỗ này sang chỗ khác. Anh thấy gì từ hiện tượng này?

NTB: Tôi cho rằng đấy là quyền tự nhiên của con người. Việc các công ty cử những giám đốc nhân sự của nó, tức là những người săn đầu người, thảo luận với nhau để bàn một chiến lược ngăn chặn sự lưu chuyển tự nhiên của lực lượng lao động là một việc đi ngược với tự nhiên. Tôi không thích những việc như vậy bởi đấy là tờ rớt hóa việc buôn bán nhân lực. Tôi luôn luôn tôn trọng quyền di chuyển của con người và chỉ có sự di chuyển như vậy mới tạo ra sự tự sắp xếp một cách hợp lý của cộng đồng lao động. Không phải ai cũng chọn một lần là đúng ngay địa vị hay chỗ làm thích hợp của mình, vì thế cho nên người ta có quyền đi tìm địa vị hợp lý, chỗ đứng hợp lý, cái chỗ đứng mà mình cảm thấy hạnh phúc. Tùy mục tiêu khác nhau của từng người một mà họ xem chỗ đứng là chỗ để phát huy khả năng hay là chỗ tìm kiếm hạnh phúc của mình. Việc liên minh các xí nghiệp tạo ra một hàng rào đề dồn đàn vịt vào đó theo đúng ý đồ của họ là việc không lành mạnh, đấy là ngăn chặn quyền con người một cách có tổ chức. Cái mà chúng ta cần nghĩ không phải là cái đó mà là suy nghĩ xem có nên biến nhảy việc thành một công nghệ sống của cá nhân mình không. Nếu chúng ta muốn tác động một cách tích cực đến sự lưu chuyển lực lượng lao động như vậy thì chúng ta mới là người nghiêm túc. Chúng ta cần phải giảng dạy thành một giáo trình hẳn hoi về qui trình đi tìm những chỗ đứng hợp lý. Tối ưu hóa quá trình dịch chuyển ấy để hạn chế nó bằng con đường khoa học thì tôi ủng hộ, nhưng xây dựng một cách có tổ chức để lùa đàn vịt theo ý đồ của mình thì đấy là vi phạm nhân quyền.

Cô Chi: Tôi cũng dự hội thảo ấy, thực ra cũng không ai dám đặt vấn đề như vậy.

NTB: Không ai dám đặt vấn đề ấy công khai, nhưng cách diễn đạt ấy đã mách bảo nhiều thứ, đã cho thấy cái ý định ấy. Đã có người đề nghị tôi nói về vấn đề ấy. Trong cuộc nói chuyện với các doanh nhân sáng nay, cũng có người hỏi tôi về chuyện này. Tôi nói rằng lao động là một dòng chảy, không nên biến lao động thành một ao tù. Có người phàn nàn "bây giờ tôi đầu tư vào cô này cậu kia thành một tài năng lớn hơn, nhưng khi họ bắt đầu chín là họ biến, làm thế nào giữ được họ?". Tôi nói rằng "Tại sao phải giữ? Trong khi chị đầu tư cho một người lao động thì chị nhận được một điều tối thiểu và rất quan trọng là chị hấp dẫn với người lao động, mà đã hấp dẫn với người lao động thì không hấp dẫn được người này sẽ hấp dẫn người khác. Làm thế nào để khi người ta đi khỏi doanh nghiệp của chị người ta vẫn chào chị một cách kính trọng, sinh nhật của công ty hoặc của cá nhân chị người ta vẫn đến. Nhưng biến quá trình đầu tư đào tạo trở thành quá trình mặc cả là không nên". Khi chúng ta tự do trong chuyện ấy thì nó là rủi ro của tất cả các xí nghiệp, chứ không phải của một xí nghiệp. Còn nếu anh đầu tư mà họ vẫn đi hết thì anh khẳng định là anh không đáng mặt để đứng đầu một công ty. Mà đã không đáng mặt để đứng đầu một công ty, tức là đứng đầu một tổ hợp những người lao động thì anh không điều hành được công ty. Cái đấy là phải dứt khoát, quan niệm ấy không cải lương được. Các cháu phải giữ lấy quyền tự do của mình. Nếu các cháu là người lao động của công ty tôi thì tôi cũng vẫn nói như vậy. Khi bàn với các nhà lãnh đạo công ty về giải pháp ứng phó với hiện tượng ấy thì tôi nói rằng bao giờ cũng phải bố trí nhân sự như thế nào để không có ai ra đi mà đem lại rủi ro cho làm ăn cả. Đấy là giải pháp để đối phó với tính chất tự nhiên của dòng dịch chuyển lao động và nó rất có thể trở thành một giáo trình về kinh tế học lao động.

Sinh viên: Nói ở một cái tầm lớn hơn là những người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài, tức là hiện tượng chảy máu chất xám không phải do lỗi của những người điều hành nền kinh tế?

NTB: Tôi chúc mừng cô Chi vì có những sinh viên có thể đặt ra câu hỏi phát triển ý nghĩ đến mức như vậy. Đấy là một sự kéo dài mạch logic rất thông minh. Đây là vấn đề quốc gia đại sự. Một quốc gia không có một nền giáo dục tốt để tạo ra lực lượng lao động đủ hùng hậu, có một khối lượng thỏa mãn dòng chảy của sự dịch chuyển lao động thì quốc gia ấy không thể tồn tại được. Anh không hấp dẫn thì người ta không đến, anh không hấp dẫn thì người ta sẽ đi, càng đào tạo tốt người ta càng đi. Vậy trong khi chờ đợi chúng ta trở nên hấp dẫn với người đến thì chúng ta phải đào tạo một số lượng lớn hơn nhu cầu để trong một dòng chảy dài như vậy, người này đi thì người khác sẽ kế tiếp. Trong khi anh chưa phát triển đến mức hấp dẫn bên ngoài thì anh hãy tạo ra trạng thái sung mãn của lao động để thay thế trong quá trình dịch chuyển lao động quốc tế. Khi đã đạt đến mức hấp dẫn rồi thì anh sẽ được bổ sung bằng lực lượng lao động từ các quốc gia khác. Tôi lấy ví dụ, cách đây mấy tháng có hiện tượng người ta phê phán, chỉ trích việc người lao động Trung Quốc đến Việt Nam một cách không thương tiếc. Phải nói thật là tôi rất ngạc nhiên. Đấy là hiện tượng tất yếu của quá trình toàn cầu. Cái mà chúng ta cần chống lại chính là việc vượt qua pháp luật Việt Nam để xâm nhập vào đất Việt Nam một cách phi pháp. Cái mà chúng ta cần chống lại là sự móc ngoặc để tạo ra sự tập hợp một cách thiếu tự nhiên một lực lượng lao động mà chúng ta không cần. Chúng ta không thảo luận những vấn đề cần thảo luận mà lên án, chỉ trích bằng định kiến chủng tộc. Một dân tộc văn minh không thể hiện thái độ của mình đối với sự xâm nhập của các lực lượng lao động quốc tế theo kiểu như thế.

Sinh viên: Vừa nãy chú có nói về văn hóa viết, bây giờ cháu muốn hỏi về văn hóa đọc. Trước đây cháu có đọc một bài nghiên cứu trong đó người ta thống kê là ở Việt Nam một năm mỗi người đọc không quá một đầu sách. Cháu nghĩ rằng có lẽ cũng không ít đến thế. Những người đi làm như bố mẹ cháu do bận rộn nên có khi một năm cũng chỉ đọc một quyển sách, nhưng người ta có rất nhiều lý do chính đáng. Ví dụ, có nhiều người nói rằng trên mạng bây giờ có rất nhiều thông tin mới, nếu chỉ đọc sách cũ thì không cập nhật được thông tin và nó không giúp ích cho cuộc sống của người ta. Xin chú phân tích khía cạnh này?

NTB: Ý cháu nói thông minh, nhưng không đúng. Bây giờ người ta sản xuất ra rất nhiều loại phân bón để kích thích lá mọc nhưng không kích thích rễ. Khi lá trên cây nhiều quá mà rễ không đủ thì đấy là cơ thể sống nhân tạo chứ không phải là cơ thể tự nhiên nữa. Đọc các sách xưa là để nuôi bộ rễ, còn đọc sách mới là để nuôi bộ lá, và phải cân bằng giữa lá và rễ, đấy chính là phù hợp với tự nhiên. Thông tin hàng ngày cũng giống như cái áo rẻ tiền của người Trung Quốc, mặc xong là vứt, đọc xong là vứt, và như thế nó không tạo ra cái cây, không tạo ra cơ thể, tức là không tạo ra một chỉnh thể về mặt trí tuệ. Cho nên người đã đạt đến trình độ có văn hóa đọc thì phải thiết kế một tỉ lệ hợp lý giữa đọc sách và đọc thông tin với những kiến thức kỹ thuật hoặc văn học để nuôi cái cơ thể thông tin của mình. Tôi có nói rằng trước đây theo Marx "con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội", tôi muốn sửa lại câu của Marx cho phù hợp với thời đại của chúng ta rằng "con người là tổng hòa của thông tin, cần phải xác lập tính giới hạn hay tính hợp lý của sự tổng hòa thông tin mới tạo ra con người hiện đại'. Cái đấy có thể trở thành một kết luận có chất lượng lý luận. Tính cân đối của thông tin đối với sự hình thành con người là một đề tài có thể dùng để làm một luận văn thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Hãy về nói với bố mẹ các cháu rằng, bận gì thì bận cũng không được quên nuôi bộ rễ.

Sinh viên: Chú có nói rằng những người sử dụng lao động phải làm thế nào để hấp dẫn, thu hút người lao động. Cách đây hai mươi năm khi thành lập ra công ty này cái hấp dẫn nhất của chú là gì để thu hút người tài về phía mình?

NTB: Tôi không thu hút người tài, tôi chỉ thu hút con người thôi và dần dần tài năng của tôi lớn lên thì chất lượng của người tài đến với tôi cũng tốt hơn, nhưng nó cũng chỉ đến một mức nào đó thôi, bởi vì nếu tôi giành hết người tài của thiên hạ thì tôi sống với ai mà phát triển? Tại sao lại có ODA? ODA là những hạt giống mà những quốc gia phát triển gieo lên trên những cánh đồng mà họ sẽ đến gặt. Không nên tước bỏ các yếu tố phát triển ở các bộ phận khác để tập trung vào mình. Đấy chính là tầm nhìn. Nếu xung quanh chết hết rồi thì mình bán dịch vụ cho ai? Cho nên tôi nghĩ rằng trong sử dụng con người phải có một thái độ rất kinh tế học, đó là tiết kiệm tài năng của con người. Không nên hấp dẫn bằng mọi giá, không nên lôi kéo một cách ngu ngốc những người tài về phía mình mà lôi kéo người tài một cách hợp lý để phù hợp với qui mô phát triển của mình. Bây giờ mà lôi kéo hết người tài làm cho xung quanh mình trống huếch, trống hoác toàn người kém thì mình thảo luận với ai? Hơn nữa, mỗi một hoạt động thực tiễn là một cơ sở giáo dục, một cơ sở đào tạo, chúng ta phải biết thông qua sự sáng chói của bộ máy điều hành để nâng cấp người lao động tại chỗ. Và nếu nâng cấp một cách thông minh thì sẽ không tốn tiền. Ví dụ, đội bóng Chelsea, đội Real Madrid mua bằng mọi giá để có các ngôi sao, nhưng tính hiệu quả của nó cũng đâu đấy thôi, nếu so với các đội bóng nuôi gà chiếp như Arsenal, hoặc sự động viên tinh thần vì địa phương, vì màu cờ sắc áo của các đội bóng ít tiền khác.

Con người có hàng trăm, hàng nghìn cách để tiếp cận đến sự tích cực, không nhất thiết phải theo một cách, và đấy chính là sự đa dạng của phương thức nâng cấp đời sống lao động. Có một người phụ nữ khá nổi tiếng ở Việt Nam là cô Đinh Thị Hoa, con gái của bác Đinh Nho Liêm có đến chơi với tôi và bảo rằng "Anh Bạt ạ, cách anh dùng người giống hệt cách dùng người của bố em". Tôi hỏi "Thế bố cô dùng người như thế nào?". Cô ấy bảo "Bố em bảo tài dùng người là dùng những người dốt". Tôi không lôi kéo nhân tài. Đã là nhân tài mà muốn sống công bằng với họ thì phải trả lương rất cao, mà lương cao thì thu nhập phải lớn, mà thu nhập đôi khi không phụ thuộc vào người tài, vì cái anh biết và cái anh dùng là hai cái khác nhau. Người ta đánh giá người tài bằng cái đại lượng nó có, còn nó có dùng được cái nó có hay không thì còn tùy thuộc vào môi trường. Không một giám đốc nào làm chủ được môi trường kinh doanh cả, vì thế cho nên tập hợp người tài một cách hợp lý là cách tốt nhất để tiếp cận chiến lược sử dụng lao động. Người Việt rất thông minh, tôi đi khắp nơi và thấy người Việt đem so với người nào ở khu vực này cũng thông minh hơn, kể cả người Trung Quốc. Nhưng người Việt không khá được vì người Việt thông minh quá. Khi nói chuyện ở Nghệ An tôi có nói rằng ở một tỉnh mà một cặp xe ôm nói chuyện chính trị còn hay hơn báo cáo viên cao cấp ở ngoài Hà Nội thì không dễ lãnh đạo. Có người hỏi tôi là nếu ông làm bí thư tỉnh ủy Nghệ An thì ông sẽ làm thế nào. Tôi trả lời rằng "Nghệ An là một con hổ khó cưỡi bởi vì nhân dân của nó thông minh quá. Một nhân dân thông minh như vậy thì làm lãnh đạo họ cực kỳ khó. Tập hợp những người tài lại để mình vất vả, toát mồ hôi trong việc cai trị họ thì đấy là tự sát. Chúng ta chỉ lôi kéo những người tài phù hợp với khả năng, sức lực và mục tiêu của mình. Đấy là bài toán tối ưu hóa trong quá trình sử dụng lao động.

Sinh viên: Quay lại câu trả lời của chú lúc đầu. Chú nói rằng lúc đầu khi lập ra cái nghề này chú không nghĩ đến mục tiêu tạo ra giá trị cho xã hội, bởi vì tự thân các hành động lương thiện đã tạo ra giá trị ấy rồi. Nhưng cháu nghĩ rằng mình làm cái gì đấy để tạo ra các giá trị có mục đích hẳn hoi thì vẫn tốt hơn chứ?

NTB: Tôi không nghĩ thế. Chúng ta đã có kinh nghiệm về việc tạo ra một xã hội duy ý chí. Chúng ta có một nền văn hóa dạy con người có thể chủ động được trong mọi trường hợp, con người có thể cải tạo tất, cải tạo cả núi sông lẫn thượng đế. Chúng ta phải coi chừng sự quá tả của khía cạnh ấy. Cái gì ngăn cản chúng ta trở thành kẻ duy ý chí? Tinh thần trách nhiệm. Bởi vì cháu không thể nào trả lời được câu hỏi cái khát vọng mà mình muốn làm một cách chủ động như vậy liệu có an toàn cho con người không, có an toàn cho gia đình mình không? Khi nào con người có trách nhiệm về hậu quả của tất cả những việc mình làm thì con người sẽ bớt chủ quan, bớt duy ý chí đi. Tôi rất ngạc nhiên vì chúng ta có nhiều nhà lý luận khi tiếp xúc thì thấy họ cũng hiền lành dễ mến, dễ gần nhưng quan điểm của họ bảo thủ không thể tưởng tượng được. Nếu như tôi thân với các bác ấy thì tôi sẽ đặt câu hỏi "liệu bác có dám đem đòi hỏi và lý thuyết của bác dùng cho con cháu bác không?" Khi nào chúng ta có đủ tinh thần trách nhiệm thì chúng ta sẽ thấy rằng việc làm theo ý mình bằng mọi giá sẽ trở thành tai họa.

Chúng ta phải lựa theo tự nhiên. Có thể nhiều người cho đó là cải lương, là cơ hội, nhưng về bản chất, con người bé nhỏ trước tự nhiên, trước xã hội, con người phải khiêm tốn, trước hết với Chúa đã. Liệu Chúa có ủng hộ, có hỗ trợ cháu làm không? Cháu có đủ sức cải tạo xã hội này để làm theo ý mình không? Cháu có đủ tiền phân phát cho tất cả mọi người trong xã hội để họ tán thành việc cháu làm không? Nếu chúng ta đủ tri thức, đủ tinh thần trách nhiệm thì chúng ta sẽ thấy mình phải khiêm tốn. Chúng ta khiêm tốn thì chúng ta vẫn có thể sai, nhưng sự khiêm tốn ấy hạn chế bớt sai lầm, mà sai lầm lớn nhất là chủ quan. Không bao giờ được chủ quan. Khi tôi mở công ty, tôi biết rằng có thể làm ăn được mà cũng có thể chết. Do làm ăn tích lũy từ trước tôi cất giữ được một số của cải với mục đích rất rõ ràng là số của cải ấy để chống rủi ro cho vợ con mình. Tôi đưa cho vợ tôi mấy chục cây và bảo "mẹ nó bán đi lấy tiền gửi tiết kiệm". Vào những năm đó do khủng hoảng, lãi suất tiết kiệm rất cao, đến 12% một tháng. Tôi bảo vợ tôi dùng tiền này cho vay lấy lãi để sống và quên tôi đi vài ba năm xem tôi làm ăn có được không. Kết quả là gia đình tôi không phải chịu cái rủi ro mà tôi tạo ra. Và sự thành công của tôi làm cho vợ tôi không còn phải quan tâm đến lợi nhuận gửi tiết kiệm 12% nữa. Chúng ta phải lựa theo các qui luật tự nhiên, tôn trọng qui luật tự nhiên để hành động, tuyệt đối không được duy ý chí. Nếu chúng ta tiếp tục duy ý chí thì khi thất bại chúng ta sẽ rất đau khổ. Thay vì thất bại là số phận thì chúng ta lại biến nó thành nguyên nhân trực tiếp của những căn bệnh tinh thần của chúng ta, và sau khi thất bại chúng ta sẽ mất ý chí. Sự mất ý chí của con người do quá chủ quan làm người ta mất đi cái nghị lực tiến thủ, tức là rủi ro ấy không chỉ ảnh hưởng đến người khác mà còn ảnh hưởng đến chính bản thân cháu nữa. Đây là lời khuyên sống còn của một người 65 tuổi với các cháu.

Sinh viên: Nghe bác nói, cháu hiểu là mình cứ lựa theo tự nhiên mà đi rồi nó muốn đến đâu thì đến. Nhưng mình cũng phải có một mục tiêu nhất định nào đó chứ?

NTB: Khi cháu đã lên ô tô và lái xe đi thì tức là cháu muốn đi đến một địa điểm nhất định. Con người không duy ý chí chứ không phải là không có mục tiêu. Mục tiêu luôn luôn phải có, mục đích của cuộc đời phải có, nhưng chúng ta không đi đến nó bằng mọi giá, không bất chấp mọi thứ để đi đến nó. Cái khác nhau chỉ ở chỗ ấy. Nhưng chính cái khác nhau ấy đã tạo ra những chế độ chính trị khác nhau. Chỗ đấy là chỗ tưởng là nhỏ nên chúng ta lướt đi, chúng ta bỏ qua không nói, nhưng chính nó là khúc ngoặt tạo ra nhiều chế độ chính trị khác nhau.

Tôi lấy ví dụ, trước khi bác Võ Văn Kiệt mất khoảng hai tuần, tôi có ngồi nói chuyện với bác ấy, bác ấy hỏi tôi "Theo anh hiện tượng động đất ở Tứ Xuyên có phải là hiện tượng nóng lên toàn cầu không?". Tôi trả lời rằng đấy không phải hiện tượng nóng lên toàn cầu mà là hiện tượng chất tải quá nặng lên trên các vết nứt kiến tạo của trái đất. Trái đất là một quả trứng bị rạn sẵn do các quá trình vận hành để tạo ra nó, và làm đập Tam Hiệp với những hồ chứa nước hàng tỷ mét khối là chất tải quá nặng lên trên các vết nứt. Cho nên hiện tượng động đất ở Tứ Xuyên là hiện tượng kích động nhân tạo đến các nguồn gốc tai họa của vùng chứ không phải là hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tôi muốn nói với bác ấy như vậy vì chính bác ấy là người ủng hộ mực nước cao nhất trong việc thiết kế nhà máy thủy điện Sơn La. Đấy là một người yêu nước, một nhà chính trị một thủ tướng rất tài hoa, một con người rất dễ thương và tôi yêu mến ông nên tôi không thể nói với ông là "bác sai rồi", mà tôi chỉ rỉ rả để nói với ông rằng "trước đây hình như bác sai". Nếu trì triết, đay nghiến bà vợ là bà ham đánh bài quá, thua mấy chục triệu rồi, còn mấy chục trong tủ mang đánh nốt đi, thì chỉ có nước bỏ nhau thôi. Nhưng nếu bảo như thế này "chết thật, nếu không còn số tiền dự trữ còn lại thì sang năm thằng bé đi học là không có tiền" thì tức là nhắc khéo bà ấy đừng đánh bạc nữa. Chúng ta phải tìm cách tiếp cận với khuyết tật của mọi người tham gia vào cuộc sống của mình một cách tinh tế, một cách duyên dáng và quyết liệt. Nhưng quyết liệt chứ không phải hằn học, không phải đao to búa lớn, không phải sỉ nhục.

Cô Chi: Tôi xin phép trao đổi thêm chỗ này. Lúc nãy anh có nói về chuyện lái ô tô, tôi thấy rằng khi lái xe trên đường thì mọi người đều muốn đi nhanh, trong lúc mọi thứ còn lộn xộn thì người ta có thể vượt đèn xanh, đèn đỏ mà không bị sao cả và kết quả là trong chặng đường nào đó người ta đã nhanh hơn. Trong những giai đoạn ấy thì có thể như thế là tốt hơn, nhưng nếu nhìn rộng hơn, nếu cứ đi như thế thì đến một lúc nào đó anh sẽ gặp tai họa.

NTB: Anh đạt được một thành tích là đi nhanh hơn so với người khác, nhưng anh góp phần tạo ra một cuộc sống xấu hơn cuộc sống có thể có. Vậy thì chúng ta phải cân nhắc giữa cái việc hơn của mình với cái xấu đi một cách đáng kể của cuộc sống. Những người học đến bậc đại học như các cháu rồi thì phải xem mình như một trí thức, phải có trách nhiệm với những vấn đề bên ngoài mình, những vấn đề có chất lượng vĩ mô. Chúng ta không thể tham gia vào việc cấu tạo ra một xã hội xấu được, vì thế chúng ta phải cân nhắc, có thua thiệt cũng phải cân nhắc trước việc tận dụng một cách vô trách nhiệm tất cả các cơ hội mà mình gặp trong cuộc sống.

Cô Chi: Đây là chỗ mà tôi muốn anh phân tích kỹ, vì trong câu hỏi của bạn vừa nãy chính là một ý như vậy, tức là khi làm chúng ta nhìn rộng hơn để thấy được, mà như bạn ấy nói là có mục đích.

NTB: Khi làm xong rồi chúng ta nghĩ rộng hơn một chút, còn trước khi làm mà nghĩ rộng hơn thì khó. Một ngày, bao giờ tôi cũng dành ra một giờ để nghĩ và kiểm điểm những việc tôi làm trong ngày xem nó đúng, sai ở chỗ nào, và cân đối đời sống tâm hồn của mình lại một chút để ngày hôm sau không hành động theo những nhịp điệu đã tạo ra tai họa của ngày hôm trước. Đấy là kỷ luật bất di bất dịch của cá nhân tôi. Nếu không làm như vậy chúng ta vẫn có thể kiếm được dăm triệu đồng, thậm chí một tỷ đồng trong một ngày, nhưng chúng ta sẽ có một xã hội xấu hơn. Cái tai họa là gì? Chúng ta không dạy con người phải sống cho ra người nên mỗi người trong khi làm tốt công việc của mình thì góp phần tạo ra một xã hội xấu hơn. Đấy là một vấn đề lớn.

Giáo viên: Đây cũng chính là vấn đề mà tôi cũng muốn hỏi anh. Đôi lúc tôi băn khoăn rằng liệu định hướng của mình cho sinh viên có trong sáng quá không, khi đặt ra những giá trị rất gốc rễ, chẳng hạn như giá trị đầu tiên là trung thực. Chúng tôi nói với các em rằng không phải vì trung thực là điều tốt mà đấy là điều cần phải có. Nếu trong một kỳ thi mà em gian dối thì em sẽ đánh mất cơ hội nhìn thấy mình đang ở đâu, mình đang thiếu cái gì và mình phải làm gì.

NTB: Tôi nghĩ rằng có một cái sai trong lập luận của chị, đó là chị cho rằng những điều mình dạy sinh viên là cái vốn duy nhất để các em bước vào đời. Chị không phải chịu trách nhiệm về chuyện ấy. Sự trang bị của chị là một phần, có thể là rất quan trọng, nhưng không phải tất cả vốn liếng để các sinh viên của chị bước vào đời. Họ phải chịu trách nhiệm về việc họ có vốn liếng gì chứ các thày cô không phải chịu trách nhiệm về việc họ sai hay họ đúng. Chúng ta dạy các em thông thái đến mấy đi nữa thì các em vẫn là người phải chịu trách nhiệm duy nhất về mình. Các thày cô nói về những điều trong sáng là nói cái ý của các thày cô, và các thày cô chỉ chịu trách nhiệm về cái phần mình nói thôi. Và tôi xin nói lại là đòi hỏi trong sáng không phải là yếu tố giáo dục mà đòi hỏi trong sáng là đòi hỏi phổ quát thuộc về con người. Hệ thống giáo dục phải tuân thủ tiêu chuẩn ấy chứ không phải chỉ là người phát hiện ra yếu tố ấy. Nhà trường buộc phải khẳng định địa vị của sự trung thực, sự trong sáng. Nhà trường là một cơ quan có chất lượng hợp pháp để khẳng định địa vị trong hệ thống giá trị tinh thần của yếu tố trung thực. Trung thực là yêu cầu không thể thay thế được. Tất nhiên, con người không thể trung thực như Chúa hay đức Thích Ca được, nhưng con người không thể chống lại loài người bằng sự không trung thực của mình. Tùy thuộc vào nền tảng đạo đức, nền tảng giáo dục, tùy thuộc vào nghị lực của từng con người mà người ta trung thực ở mức nào trong cái thang giá trị của sự trung thực và người ta phải chịu trách nhiệm.

Tôi khuyên các cháu đừng bao giờ tính toán đến sự thua thiệt của mình nếu mình trung thực. Rất nhiều người trong các trường đại học, rất nhiều thày giáo và cô giáo khi nói về sự trung thực thì nói với một thái độ không tự tin lắm, bởi vì họ sống trong một môi trường mà sự trung thực đem lại thiệt thòi nhiều hơn là thành tựu. Người ta đi xe nhanh hơn mình bằng sự thiếu trung thực, người ta tiến nhanh hơn mình bằng sự thiếu trung thực, người ta làm quan nhanh hơn mình bằng sự thiếu trung thực, nhưng chúng ta không vì thế mà để những sự thiếu trung thực ấy trở thành vốn liếng ban đầu của mỗi sinh viên ra trường. Nhà trường chỉ có địa vị để khẳng định giá trị đạo đức, giá trị hợp pháp của sự trung thực thôi, còn chịu trách nhiệm về độ trung thực của cá nhân mình là việc của các em sinh viên. Các thày cô không nên đau khổ rằng mình dạy các em như thế mà các em vẫn gian dối. Không sao cả. Các em sẽ được cuộc đời dạy những bài học. Tôi lấy ví dụ, có những người tiến rất xa, lên rất nhanh nhưng con cái họ chơi bời, hư hỏng. Trong dân gian có câu "Họa vô đơn chí". Tai họa đến theo qui luật nhân quả và đến từ mọi ngõ ngách của cuộc sống. Nếu từ trong lòng mình, mình có tinh thần trách nhiệm, nếu mình nghĩ đến con cháu mình, nghĩ đến danh dự gia đình mình thì con người sẽ hành động một cách hợp lý. Đành rằng không máy móc đến mức trung thực như Chúa, nhưng càng ngày càng trung thực thì nên.

Cô Chi: Chúng tôi cũng xác định với sinh viên như thế. Chúng tôi nói với các em rằng việc mọi người nói là để giúp các em làm đúng cái cần phải làm. Còn các em không muốn làm thì đấy là sự lựa chọn của các em và đến đấy thì các thày cô hết trách nhiệm.

NTB: Thày cô không hết trách nhiệm được. Một người đã có tinh thần trách nhiệm thì không hết trách nhiệm được. Bởi vì chị sẽ đau khổ vì các em không nghe, chị sẽ dằn vặt về sai lầm của các em, và với những sinh viên mà chị yêu quí thì chị sẽ dõi theo các em cho đến lúc các em thành giám đốc, thành bộ trưởng v.v. Chị sẽ không thoát được. Chị đã là một con người như thế rồi thì đấy là số phận của chị. Số phận của chị là luôn luôn phải theo dõi, phải đau khổ về những sản phẩm của mình thì chị cứ đau khổ. Sự đau khổ ấy là một trong những nội dung cuộc sống của chị. Có những người không có nỗi đau khổ ấy tức là không có nội dung sống. Trong một bài viết của Thủ tướng Chu Dung Cơ về tâm sự của người già, có một câu như thế này: "Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp." Nhưng Thủ tướng Chu Dung Cơ quên mất nói một vế nữa là đến lượt con nó thì nó cũng thế. "Nước mắt chảy xuôi", đấy là qui luật của cuộc sống.

Sinh viên: Cháu muốn hỏi thêm bác về sự duy ý chí mà bác nói lúc nãy. Cháu và một số sinh viên trong khoa có tham gia một dự án tình nguyện. Mục tiêu của dự án là tập trung tất cả trẻ con ở bãi giữa sông Hồng, trẻ con xóm chài để dạy các em học. Lúc đầu dự án thuê nhà và đầu tư rất nhiều tiền và mời cả giáo viên nước ngoài đến dạy các em học tiếng Anh. Theo suy nghĩ duy ý chí thì các em sẽ được học hành, các em sẽ có công ăn việc làm tử tế. Nhưng trong quá trình thực hiện dự án, chúng cháu thấy rằng các em không có khả năng. Có em 3 năm mới lên được một lớp, thậm chí có em 5 năm mới lên một lớp. Nếu mình duy ý chí thì mình thấy đổ vào đấy rất nhiều tiền, công sức bỏ ra rất nhiều mà hiệu quả chẳng đáng bao nhiêu. Bác có lời khuyên gì cho trường hợp này?

NTB: Tôi nghĩ rằng con người không nên lý tưởng hóa các ý đồ của mình. Dạy trẻ con thì cứ dạy, nhưng kỳ vọng thì không. Đừng bỏ nhiều tiền quá vào một chương trình, nhưng cũng đừng cắt nó đi để làm việc khác. Nếu các cháu không làm việc đó từ đầu thì không sao, còn bây giờ nếu cắt đi tức là đưa ra một thông điệp khẳng định rằng lũ trẻ ấy không thể đào tạo được. Tuyên bố với con người về tính bất khả đào tạo là một tuyên bố có chất lượng tội ác. Đôi khi phải lặng lẽ làm những việc vô ích. Chúng ta có thể thay đổi kỳ vọng của chúng ta, thay vì biến chúng thành những đứa trẻ tài năng thì chúng ta hãy biến chúng thành những đứa trẻ không thiểu năng vậy. Đấy là cách tiếp cận khôn ngoan nhất đối với những vấn đề xã hội. Hiện nay hệ thống lãnh đạo của chúng ta đang phải xây dựng những con người mới. Con người càng ngày càng cũ, thôi chuyện có con người mới thì chúng ta có ngay những con người cũ. Họ lên đồng, cúng bái còn cũ hơn cả ngày xưa. Đấy là những hiện tượng của cuộc sống. Cho nên lúc nãy tôi nói với các cháu không được chủ quan, không được duy ý chí là như thế. Chúng ta không đủ sức để theo đuổi bằng mọi giá một công việc đâu. Chúng ta không thể gán cho những đứa trẻ ở bãi giữa sông Hồng những khát vọng mà cháu hay các bạn của cháu có được đâu. Chúng ta hỗ trợ chúng để chúng sống như những người bình thường đã và tiền ít thì phải biết tác động vào khâu nào, tác động vào những đứa trẻ hay tác động vào bố mẹ chúng nó. Đối tượng nào có khả năng tiếp nhận sự hỗ trợ của mình tốt nhất thì mình tác động. Hy vọng rằng nhiều thế hệ sau chúng ta mới có được sự dịch chuyển lạc quan ở khu vực chậm phát triển như vậy của xã hội. Nếu không xác định được như thế thì các cháu sẽ nản. Đây chính là một ví dụ về sự mất ý chí. Sau một chặng duy ý chí triệt để thì cháu sẽ đánh mất ý chí. Ngay cả trong tình yêu cũng thế thôi, đừng yêu quá, bởi vì sự yêu quá ấy sẽ biến cháu thành kẻ ích kỷ. Đừng tưởng tượng nhiều quá, đừng tưởng tượng đối tác của cháu là thần Apollo hay thần Zeus. Chúng ta hãy sống một cách bình thường, sống một cách bình tĩnh trong tất cả các khía cạnh của đời sống. Đức Phật cũng nói phải diệt dục. Tất nhiên, ai cũng có dục vọng mà giết hết dục vọng thì chết, nhưng giới hạn dục vọng thì tốt.

Sinh viên: Bác có thể cho biết làm thế nào để giới hạn được dục vọng?

NTB: Tinh thần trách nhiệm.

Sinh viên: Cháu hiểu là phải dồn hết tâm sức vào một việc gì đấy có đúng không?

NTB: Dồn hết tâm sức vào một việc không phải là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm với ai? Với con người. Con người tồn tại bởi nhiều yếu tố, bởi nhiều khía cạnh, bởi nhiều lực lượng. Nếu mình có tinh thần trách nhiệm với sự tồn tại của con người thì mình sẽ hành động không thái quá trên một khía cạnh. Tinh thần trách nhiệm chính là phương thức tốt nhất để cân đối cường độ hành động của mình trong các khía cạnh, trong các sự việc khác nhau của cuộc sống. Nếu hiểu rằng có tinh thần trách nhiệm là dồn hết sức lực vào một việc là hiểu sai. Bây giờ có những người phụ nữ thấy rằng mũi cao là đẹp, thế là kiếm tiền để độn mũi và làm cho khuôn mặt của mình thiếu tự nhiên một cách khủng khiếp. Không nên phá vỡ các trật tự cân bằng mà tự nhiên đã tạo ra. Tôi lấy ví dụ, chúng ta bảo là chúng ta thiếu điện, thế là bao nhiêu rừng núi chúng ta cạo sạch, vì nếu không cạo sạch thì nước không chảy về các hồ chứa được. Và chúng ta đang phải trả giá, cả xã hội của chúng ta đang phải trả giá cho những khát vọng thái quá. Vậy chúng ta dừng ở đâu? Dừng ở việc tôn trọng tự nhiên. Không có lối thoát nào khác cả, phải tôn trọng các quy luật tự nhiên. Các quy luật xã hội cũng là quy luật tự nhiên. Ví dụ, hiện nay trong xã hội đang có một cuộc tranh cãi rất quyết liệt về các tập đoàn kinh tế. Tôi có viết một bài về tập đoàn kinh tế mà vừa rồi một sinh viên cũ của trường này là Phan Thế Hải dùng ý tưởng của tôi để viết lại, trong đó tôi nói rằng các tập đoàn kinh tế tồn tại như những con khủng long trong một môi trường kinh tế hạn hẹp, và các công ty vừa và nhỏ, các công ty tư nhân chỉ ăn những đám cỏ còn sót lại sau sự liếm láp vô tội vạ của các con khủng long, đấy là trái tự nhiên. Việt Nam chưa có tập đoàn kinh tế được thì tại sao lại cố dựng lên nó? Tôi trả lời một tờ báo rằng, các tập đoàn kinh tế là những sinh vật nhân tạo, cho nên nó không tồn tại một cách tự nhiên trong đời sống kinh tế được. Đấy là duy ý chí. Từ việc bé đến việc lớn, từ dự án bãi giữa sông Hồng của cháu đến tập đoàn kinh tế nó cùng một logic, và nó sẽ thất bại theo cùng một logic, đó là logic của sự cường điệu, của sự lộng hành của các khái niệm. Không để bất kỳ khái niệm nào lộng hành trong miền tư duy của mình cả, đấy chính là sự cân đối của đời sống tinh thần.

Sinh viên: Cháu có một câu hỏi nhỏ muốn hỏi bác. Những người phải lựa chọn khi quyết định một điều gì đó, đôi khi là lý trí bảo mình làm thế này là đúng, làm thế là hợp tự nhiên, là tốt, nhưng tình cảm của mình lại không muốn làm điều ấy. Nếu bác đứng giữa sự lựa chọn ấy thì bác lựa chọn theo lý trí hay theo tình cảm?

NTB: Thế mà cháu bảo là câu hỏi nhỏ. Bây giờ trong đời sống chính trị chúng ta đang thảo luận mỗi vấn đề ấy thôi. Chúng ta đang bàn là nên để chủ nghĩa Marx- Lenin hay chủ nghĩa Marx không thôi, nên đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa hay chủ nghĩa xã hội dân chủ. Tôi định viết một bài có tên là "Xã hội phân vân", câu hỏi của cháu phản ánh đúng trạng thái ấy, phân vân nên theo lý trí hay theo tình cảm. Khi lý trí không dứt khoát được, tức là nó không thắng một cách trông thấy được thì hãy nhường chỗ cho tình cảm, vì trong trường hợp này, thường tình cảm chính xác hơn lý trí. Bởi vì tình cảm là kết quả của sự tích luỹ, của sự tác động nhiều mối quan hệ có chiều dài lịch sử lên trên tiềm thức của mình. Cho nên tình cảm trong trường hợp ấy chứa đựng nhiều thông tin hơn lý trí. Lý trí là sự đột biến của hiện tại, còn tình cảm là sự bức xúc của quá khứ. Tất nhiên, chúng ta không triệt tiêu lý trí, bởi tình cảm cũng là sự tích luỹ kinh nghiệm mà lý trí đã từng có trong quá khứ. Hay nói cách khác, tình cảm chính là một vùng, một nấc cao của quá khứ, nó trộn lẫn cả tình cảm lẫn lý trí của quá khứ.

Cho nên một khi chúng ta không giải quyết được bằng lý trí thì chúng ta phải chọn lối thoát bằng tình cảm, bằng linh cảm. Tôi xin kể câu chuyện, nguyên soái Zhukov là người chỉ huy một trận phản công ở Stalingrad. Trong thời điểm ông ta phản công, có một hiệu lệnh là khi nào người Đức bắt đầu bắn pháo vào Stalingrad thì mới nổ súng và phá vây, nhưng chờ 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ mà vẫn không thấy người Đức bắn. Trong phim tôi thấy lúc đó ông ấy mồ hôi nhễ nhại, cuối cùng ông ấy để cho tình cảm quyết định và ông ấy thắng. Tất nhiên tình cảm có năng lực để quyết định thay lý trí ấy phải là một thứ tình cảm rất nghiêm túc. Tình cảm ấy phải là sản phẩm của một con người đã sống nghiêm túc bằng lý trí trong một chiều dài đủ dài của lịch sử hình thành cá nhân của mình. Chứ còn tình cảm là cái xuất hiện hôm qua, còn lý trí thì xuất hiện hôm nay, mà đem cái tình cảm hôm qua thay cái lý trí hôm nay thì hỏng. Để quyết định toàn bộ những tình huống của cuộc đời thì lý trí vẫn là yếu tố quyết định, chỉ khi không thể quyết định bằng lý trí được thì hãy để thả cho tự nhiên. Vì nếu thua thì cháu sẽ đỡ đau khổ nhất. Tức là trong trường hợp đấy cháu đã tính là 5 ăn 5 thua và cháu có đối tượng để đổ trách nhiệm, có lối thoát tinh thần rồi. Cái lối thoát tinh thần ấy không phải là cách để cháu trốn trách nhiệm, mà là cách để cháu cứu vớt bản thân mình để không đắm đuối vào thất bại, để tìm kiếm những giai đoạn khác của tương lai của cháu.

Sinh viên: Nếu có một lời khuyên chân thành nhất của bác dành cho thế hệ trẻ, nhất là cho sinh viên thì bác sẽ khuyên gì?

NTB: Tích cực và lương thiện. Hãy tích cực, không lùi bước trước gì cả. Không nản chí, không mất hy vọng, không mất lòng tin vào cuộc sống, và giữ bằng được sự lương thiện của mình. Không có lợi ích nào, không có chức vụ nào, không có quyền hạn nào có thể đánh đổi được sự lương thiện của con người cả, đấy là lời khuyên thật lòng của tôi với tư cách là một người hiểu rõ về con người. Người nào đánh đổi sự lương thiện để lấy quyền lợi người đó sẽ đau khổ vào lúc người đó không còn khả năng để sống tiếp nữa. Bởi vì kẻ háo thắng thì luôn luôn muốn thắng và đau khổ một cách cay đắng vào lúc thất bại. Con người hay nhất, con người tốt nhất là con người được chết trong hạnh phúc. Phải giữ gìn để đến khi ra đi, mình chào tất cả mọi người bằng niềm hạnh phúc tràn ngập trong tâm hồn của mình, vì mình tổng kết cuộc đời của mình là cuộc đời của một kẻ lương thiện. Tôi khuyên các cháu như vậy bởi các cháu tuy còn quá trẻ để không nghĩ đến cái chết, nhưng các cháu lại quá thông minh để phải nghĩ đến nó.

Lương thiện và chính trực là những phẩm hạnh mà con người không có nó thì không ngẩng mặt với ai được. Tất cả sự nâng mặt lên chỉ là động tác giả thôi, Các cháu biết rất rõ một kẻ xấu mặt nó cũng vênh vênh, các cháu thử chọc vào cái vênh vênh của nó mà xem, nó sẽ giẫy như đỉa phải vôi, bởi vì nó không tin vào sự vênh váo của nó. Các cháu sẽ không ngẩng mặt được một cách thật lòng, một cách duyên dáng nếu các cháu không lương thiện. Không ai đeo đồ trang sức ăn trộm để đi dự vũ hội đầu đời của mình cả, không ai mặc một bộ quần áo ăn trộm để đến gặp người bạn trai hay bạn gái của mình cả. Các cháu phải giữ bằng mọi giá sự lương thiện của mình, không đánh đổi nó bằng bất kỳ cái gì cả, đấy là lời khuyên của một người ngoài 60 tuổi đối với các cháu. Các cháu là những người thông thái, những câu hỏi này có nhiều người có cương vị cao hơn thầy cô của các cháu, cao hơn cả thầy hiệu trưởng của các cháu mà cũng không đặt ra được. Các cháu có quyền tự hào về sự thông thái mà mình có, các cháu có quyền tự hào về sự đẹp đẽ mà mình có, các cháu hãy giữ gìn nó, đừng đánh mất nó. Khổng Tử có một câu “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”, không chơi với người không chính đáng và không cầm bất kỳ cái gì không chính đáng. Tôi không thích mà cách mà người Trung Quốc quan hệ với Việt Nam hiện nay, nhưng tôi không thể không thích một số chân lý mà Khổng Tử nêu lên. Phải nói với các cháu rằng, tất cả vốn liếng của một con người trước khi đi gặp Chúa là sự lương thiện của mình, Chúa không cần những cái còn lại đâu. Có rất nhiều người bỏ ra rất nhiều tiền không phải của mình để xây chùa, xây đền. Vợ tôi vừa mới đi thăm một ngôi chùa khá nổi tiếng. Khi đến đấy, bà ấy hỏi tôi vào chùa mới hay chùa cũ. Tôi bảo vào cái chùa cũ ở trên cái hang núi nho nhỏ ấy. Bà ấy hỏi "thế còn cái chùa to kia thì sao?". Tôi bảo "cái ấy đâu phải là chùa, phật nào mà lại đi ở trong một cái nhà xây bằng tiền ăn cắp."

Cô Chi: Có những bạo chúa để lại những công trình rất đồ sộ, và sau này nhiều lúc người ta không còn biết đến những điều đằng sau những công trình ấy. Có thể bản thân người ấy không có hạnh phúc khi người ta chết, nhưng người ta lại để lại những công trình rất đồ sộ?

NTB: Người ta để lại những công trình ấy cùng với sự lam lũ của hàng trăm triệu người khác cho đến bây giờ. Tôi nghĩ rằng cái đền đài đẹp nhất thuộc về con người, không phải thuộc về các vật kiến trúc do những cơn điên loạn của những kẻ cầm quyền tạo ra. Chúng ta phải yêu lấy con người, phải trân trọng nó, phải tôn thờ nó. Nếu vật kiến trúc to hơn con người, cao hơn con người, tốn kém hơn việc nuôi và bồi dưỡng con người thì nó không có giá trị. Tôi đến tất cả những nơi có những công trình đồ sộ như vậy, cái đấy rất có lợi để các nhà lãnh đạo nói về đất nước của mình, rất có lợi để các công ty du lịch khai thác. Nhưng ở đâu mà công trình kiến trúc càng to, càng vĩ đại, càng cao hơn con người bao nhiêu thì ở đấy con người càng lam lũ bấy nhiêu. Những vùng như vậy con người vẫn lam lũ cho đến thế kỷ XXI. Tôi hỏi các cháu, các cháu thích một ngôi đền to hay thích mình có hạnh phúc?
Con người không chỉ tôn thờ những vật kiến trúc khổng lồ như vậy mà còn tôn thờ cả những thứ nho nhỏ khác như Đỗ Phủ. Rất ít người có tiền để đến xem các vật đồ sộ, nhưng trong khi đó bao nhiêu người khác vẫn âm thầm hàng ngày thưởng thức những tác giả như vậy, vẫn nhấm nháp cái giậu mồng tơi của Nguyễn Bính, vẫn nhấm nháp thơ đường của Đỗ Phủ. Cái gì tôn thờ con người thì cái đấy mới có giá trị. Đêm qua tôi xem trên ti vi có một bộ phim rất hay. Do sự lệch lạc của sự nóng lên của trái đất mà bỗng nhiên hình thành một loại bão điện từ, và nó đánh bay ngọn đuốc trên tay của tượng Thần Tự do ở New York. Tôi xem phim đấy và nghĩ rằng ai bảo người Mỹ là phản động? Họ dám vứt bỏ cả tượng Thần Tự do để mô tả sự vô trách nhiệm của loài người trong việc ứng xử với tự nhiên. Chúng ta cạo trọc hết tất cả Tây Nguyên làm thủy điện mà không biết để làm gì. Không có bất kỳ một lợi ích nào biện minh cho việc coi thường con người, đấy là quan điểm chính trị của tôi chứ không phải quan điểm khoa học hay triết học chung chung. Con người phải được tôn trọng, phải được bảo vệ, phải được bồi dưỡng, phải được chăm sóc, nâng niu. Chúng ta nghĩ thế nào khi thấy người ta có luật để bảo vệ chó, mèo? Nếu chó mèo ở một số nơi có những quyền pháp lý chặt chẽ hơn con người có ở những nơi khác thì đấy là sự sỉ nhục. Các cháu phải phấn đấu cho một xã hội ở đấy con người được tôn trọng.

Thầy Hoàng Văn Hoa: Kính thưa anh Bạt! Trong buổi chiều hôm nay các em sinh viên và các thày cô ở khoa chúng tôi đã được nghe anh nói về triết lý sống, cách sống, cách học và ứng xử của con người. Có các em cũng như anh em chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều. Tôi còn nhớ khi còn là sinh viên mà được nghe những người nổi tiếng nói chuyện là rất thích. Ví dụ giáo sư Trần Quốc Vượng, giáo sư Phan Huy Lê, giáo sư Vũ Khiêu, họ nói rất hay về triết lý cuộc sống. Bây giờ ngoài 50 rồi nhưng tôi vẫn nhớ mãi những bài nói chuyện ấy. Hy vọng rằng những buổi nói chuyện như thế này cũng sẽ đi cùng với các em trong những năm tháng cuộc đời. Khoa chúng tôi rất mong một năm tổ chức được một hai buổi giao lưu giữa anh với sinh viên và cả các thày cô của khoa. Thay mặt các em và các thày cô, xin cảm ơn anh về buổi nói chuyện này.

NTB: Tôi sẵn lòng nói chuyện với các cháu và các anh chị tại đây. Các anh chị và các cháu cứ đến đây, tôi sẵn lòng tiếp đón. Tôi nghĩ rằng từ giờ cho đến khi đi theo Chúa, tôi rất thích truyền những kinh nghiệm sống cho các bạn trẻ. Họ là tương lai của đất nước này. Xin thay mặt tất cả anh em trong công ty cám ơn các thầy cô và các cháu đã đến đây nghe tôi nói chuyện.

Tôi không cám ơn xã giao mà phải nói rằng mỗi lần được nói chuyện với các cháu là gần như tôi trút được những điều làm giảm bớt sự căng thẳng trong ý nghĩ của tôi về cuộc sống.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ý nghĩa cuộc sống

    16/04/2018Albert Einstein (Nguyễn Định và Alpha books dịch)Cuộc đời của mỗi con người trên trần thế chỉ là tạm thời,và người ta sống vì cái gì không ai có thể biết được, mặc dù thỉnh thoảng ta vẫn tự cho là mình có cả m thấy được ý nghĩa đó.
  • Suy ngẫm về giá trị sống

    02/03/2015Matsushita KonosukeNếu ngồi ngẫm nghĩ tại sao chúng ta phải làm việc, có người cho rằng nếu không làm việc sẽ không có gì để ăn, nhưng tôi nghĩ không chỉ là như vậy. Không chỉ vì miếng cơm, mà để cho cuộc sống trong tương lai tốt đẹp hơn, mọi thứ đều phải bắt đầu từ ngày hôm nay. Vì vậy, con người phải lao động.
  • Ý nghĩa cuộc sống

    12/09/2014Phương ThiMẹ Teresa, người đã dành cả đời mình cho công việc từ thiện, được cả thế giới tồn vinh và ngưỡng mộ đã nói về cuộc sống...
  • Bàn về "những giá trị sống"

    13/07/2014Nguyễn Trần Bạt... rất mong ông trò chuyện giúp người trẻ suy nghĩ, nhìn nhận lại, đặt lại vấn đề về các giá trị nền tảng nhất cho cuộc sống. Mong ông cùng chia sẻ với độc giả về những điều họ cũng đang nghĩ, đang đi tìm và có thể chưa tìm ra hoặc tìm sai cho mình...
  • Tìm ý nghĩa cuộc sống

    11/03/2014Bạn Lê Trình T. gửi cho NST một lời kêu gọi hãy giúp bạn ấy thoát ra khỏi những ngày đang sống nhạt nhòa, mất phương hướng. Chúng tôi đăng bức thư ngắn này với hi vọng T. sẽ tìm được nhiều hơn sự chia sẻ từ những trải nghiệm đời người của độc giả...
  • Ý nghĩa cuộc sống: Mi ở đâu?

    24/09/2013Mỹ Quyên“Cuộc sống bây giờ mỗi ngày trôi qua với cảm giác chán ngán. Chán không phải vì cái gì cụ thể mà vì nó vô vị, vô nghĩa rất nhiều. Chúng em sống no đủ về kinh tế thật nhưng tinh thần lại vô cùng trống trải”.
  • Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

    28/12/2011Hoài Khanh dịch và giới thiệu (1972)Các hệ thống dù là giáo dục hay chính trị, đã không được đổi thay một cách huyền diệu, chúng chỉ chuyển hóa khi nào có một sự thay đổi nền tảng trong chính chúng ta. Cá nhân là quan trọng trên hết, chứ không phải hệ thống và bao lâu cá nhân không hiểu biết toàn thể quá trình của mình, thì không có một hệ thống nào, dù là ở phe tả hay phe cánh hữu có thể mang đến trật tự và hòa bình cho thế giới...
  • Bàn về "những giá trị sống"

    29/11/2009Nguyễn Trần Bạt...một trong những nội dung quan trọng nhất trong tư duy của con người chính là lợi ích. Người không làm chủ các tư duy lợi ích, không thiết kế được công nghệ tư duy lợi ích và không biến tư duy lợi ích thành một nghệ thuật sống là người không có bản lĩnh trên thực tế...
  • Bàn về "những giá trị sống"

    25/11/2009Nguyễn Trần BạtTrong quyển "Cội nguồn cảm hứng" tôi có nói rằng Tự do sinh ra con người, không có tự do thì không có con người và tôi đưa ra cả khái niệm tiền con người. Tôi thảo luận với rất nhiều GS trên thế giới về khái niệm tiền con người và rất nhiều ông tá hỏa lên hỏi tôi rằng "Liệu ông có xúc phạm đến một số quá đông không? Bởi vì theo tiêu chuẩn của ông thì thế giới này chưa được 1/3 loài người là con người?"...
  • Những giá trị sống cho tuổi trẻ

    07/05/2009Với mong muốn làm phong phú thêm vốn sống cho các bạn trẻ - học sinh, sinh viên và các đối tượng thanh niên khác - bằng cách trang bị cho họ những giá trị tích cực và kỹ năng sống thiết thực, hữu ích trong hành trình vào đời, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn quyển sách Những Giá trị Sống cho Tuổi trẻ.
  • Giá trị sống

    09/07/2005Nguyễn Thị OanhVài thập kỷ nay trong giáo dục đạo đức cho tuổi trẻ trên thế giới người ta dùng hai khái niệm mới là giáo dục kỹ năng sống (KNS-life skills) và giá trị sống (GTS - living values).
  • xem toàn bộ

Nội dung khác