Gìn giữ và phát huy những giá trị nhân văn của văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa

10:44 SA @ Thứ Hai - 30 Tháng Mười Một, 2009

Con đường mà loài người đã đang và sẽ đi chính là hành trình hướng tới các giá trị nhân văn và hiện thực hoá nó trong thực tiễn. Do vậy, giá trị nhân văn luôn có ý nghĩa vĩnh cửu và phổ quát đối với mọi nền văn hoá. Tuy nhiên, chính ở điểm chung này, văn hoá Việt Nam vẫn thể hiện bản sắc không thể hoà lẫn của mình. Từ trong truyền thống, văn hoá Việt Nam luôn tích hợp, tiếp biến các giá trị nhân văn của các nền văn hoá khác, đồng thời tự tin đem cái riêng của mình đóng góp, hoà chung vào dòng chảy bất tận của chủ nghĩa nhân văn nhân loại.

Các giá trị nhân văn, hay cao hơn là chủ nghĩa nhân văn (được hiểu như là một hệ thống các giá trị nhân văn) đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử phát triển của con người. Nó là hệ thống quan điểm thể hiện tình thương yêu con người, coi trọng nhân phẩm, coi trọng quyền được phát triển của con người, coi lợi ích con người là tiêu chuẩn đánh giá các quan hệ xã hội. Nói tóm lại, đó là ca ngợi và tôn vinh các giá trị “Người” của con người.

Chủ nghĩa nhân văn là một bản sắc chủ đạo của truyền thống văn hoá Việc Nam. Chủ nghĩa nhân văn truyền thống của Việt Nam được sản sinh và nuôi dưỡng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, trong một không gian và thời gian của nền kinh tế - xã hội theo phương thức sản xuất châu Á, nằm trong nền văn minh lúa nước Đông Nam Á, chế độ phong kiến không điển hình, trình độ kinh tế chủ yếu là tiểu nông… Điều đó đã làm nên những nét riêng của chủ nghĩa nhân văn trong văn hoá Việt Nam. Theo một số nhà nghiên cứu văn hoá, chủ nghĩa nhân văn ở Việt Nam trong lịch sử có đặc điểm là thường thiên về chủ nghĩa nhân văn hành động, đậm tính hiện thực, ít có tính lý thuyết, luận lý, nhập thế nhiều hơn, ưu trội hơn nhưng lại không bài bác hay kình địch những giá trị tâm linh xuất thế. Cho nên, chủ nghĩa nhân văn Việt Nam là chủ nghĩa nhân văn mở, bao dung và hoà đồng. Chủ nghĩa nhân văn này vừa bình dân vừa bác học; bác học mà vẫn thông dụng với mọi người, vừa sâu sắc vừa bình dị. Biểu hiện của các giá trị nhân văn trong văn hoá Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, chúng ta có thể khái quát trên hai nét chính sau:

1. Tình yêu thương con người sâu sắc, rộng lớn

Do luôn phải đương đầu với những thử thách khắc nghiệt của tự nhiên cũng như kẻ thù xâm lược nên một cách rất tự nhiên, những con người trong cùng một cộng đồng dân tộc Việt Nam đã hình thành lối sống nhân ái, vị tha, nương tựa, đùm bọc lẫn nhau. Phương châm xử thế của người Việt Nam là “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… tình yêu thương ấy trước hết dành cho những con người trong cùng một bọc trứng do mẹ Âu Cơ sinh ra, cùng chung một hoàn cảnh, như câu ca dao từng khuyên nhủ: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”; đồng thời, cũng dành cho cả những người từng lầm đường lạc lối, nhưng đã biết ăn năn hối cải để nâng đỡ họ, giúp họ trở về với lẽ phải, với chính nghĩa. Khi ấy, tình yêu thương con người đã trở thành lòng khoan dung, độ lượng. Người Việt Nam có câu: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”. Sau này, Hồ Chí Minh vẫn luôn nhắc nhở mọi người kế thừa và phát huy truyền thống cao đẹp đó của dân tộc: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại đội” (1). Lòng khoan dung ấy thật bao la, rộng mở. Sự đối xử của người Việt Nam sau các chiến thắng chống ngoại xâm từ những ngày đầu xây dựng quốc gia phong kiến trung đại luôn thể hiện tính nhân đạo, như nhà Trần đối với quân tướng Nguyên Mông, nhà Lê đối với quân tướng nhà Minh, v.v... Đến lịch sử đương đại, chính sách hàng binh và tù binh khoan dung nhân ái trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam là những minh chứng rõ ràng cho truyền thống khoan dung, độ lượng của dân tộc. Mặc dù đế quốc Mỹ đã từng tìm cách “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, nhưng khi kết thúc chiến tranh, với truyền thống khoan dung, Việt Nam sẵn sàng “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Sau chiến tranh, chúng ta không chỉ tích cực giải quyết vấn đề tù binh, mà còn đẩy nhanh tiến trình tìm kiếm, trao trả hài cốt những quân nhân Mỹ mất tích. Hôm nay, người Mỹ đến Việt Nam vẫn nhận được những nụ cười thân thiện từ những người dân của một đất nước mà họ đã từng gây chiến. Chính phẩm chất độ lượng, khoan dung rất cao cả của người Việt đã “cảm hoá” được những kẻ đã từng gieo rắc bao tội ác. Điều đó cũng chứng minh tại sao Việt Nam không hề có chiến tranh sắc tộc trong suốt chiều dài lịch sử, dù nước ta là một quốc gia nhiều thành phần tộc người . Đó là chiều sâu của nhân cách văn hoá dân tộc Việt Nam, một nét nhân cách văn hoá không phải nước nào cũng có. Trên thế giới ngày nay còn tồn tại biết bao nỗi hận thù dai dẳng giữa các tộc người. Cần phải khẳng định rằng, “khoan dung” là một trong những giá trị nhân văn của văn hoá Việt Nam mà chúng ta có thể đóng góp làm giàu cho văn hoá nhân loại.

Cũng thật kỳ lạ, một đất nước mà hơn hai phần ba lịch sử của mình phải đối mặt với chiến tranh lại chính là dân tộc yêu chuộng hoà bình hơn ai hết! Dân tộc ta vốn yêu chuộng sự yên ả, hoà bình; chiến tranh đối với chúng ta là điều bất đắc dĩ. Đúng như Hồ Chủ tịch đã từng nói trong cuộc kháng chiến chống Pháp: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng...” (2). Nhân dân Việt Nam luôn cố gắng hết sức mình để tránh xảy ra những cuộc chiến tranh. Chúng ta chỉ đứng lên chống lại sự xâm lăng của kẻ thù khi không còn con đường nào khác để giữ gìn hoà bình cho đất nước mình. Tinh thần yêu chuộng hoà bình, ghét chiến tranh của dân tộc ta thực chất cũng bắt nguồn từ truyền thống yêu thương con người. Bởi hơn ai hết, mọi người đều hiểu rằng chiến tranh luôn đi liền với chết chóc, với đổ máu. Dù máu của ta hay của địch phải đổ xuống thì đó cũng là điều không muốn đối với một dân tộc có truyền thống yêu thương con người. Chính vì lẽ đó mà trong lịch sử, dù dân tộc Việt Nam đã phải nhiều lần chống sự xâm lược, thống trị và nô dịch của các nước lớn phong kiến, tư bản, đế quốc và đều giành thắng lợi, nhưng mỗi lần chiến thắng, dân tộc Việt Nam đều nêu cao chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn giữ: quan hệ hoà hiếu, thân thiện với những quốc gia, dân tộc đã từng xâm lược, thống trị mình với tinh thần “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Ngày nay, để đảm bảo hoà bình vĩnh viễn ở Việt Nam và giữ hoà khí với các nước, chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình. Đường lối đối ngoại Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhất quán triển khai, thực hiện sâu rộng và liên tục trong mọi thời kỳ, trên mọi lĩnh vực . Đó là sự tiếp nối từ trong truyền thống nhân văn cao cả của dân tộc.

2. Thái độ tôn trọng, đề cao con người và những giá trị tốt đẹp của con người

Nền văn hoá Việt Nam thấm đẫm tinh thần nhân văn trước hết vì nó luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, luôn coi con người là sự kết tinh những gì tinh tuý nhất của tạo hoá. Rất nhiều câu tục ngữ của ông cha ta đã thể hiện tư tưởng này, như “người ta là hoa của đất”, “người sống đống vàng”, “một mặt người bằng mười mặt của”… Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, nhiều triều đại phong kiến Việt Nam độc lập trong lịch sử đã “lấy dân làm gốc” trong việc ban hành các chủ trương, chính sách từ kinh tế, xã hội, văn hoá, pháp luật đến an ninh, quốc phòng, ngoại giao. Triều Khúc Thừa Dụ có chính sách “khoan, giản, an, lạc”, triều Lý có chính sách “ngụ binh ư nông”, triều Trần chủ trương “Khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, sâu rễ”, triều Lê có quan niệm “dân như nước có thể đẩy thuyền, lật thuyền”. Vị trí, vai trò của người dân còn được luật hoá trong bộ luật Hồng Đức, điều 294 có ghi: “Trong kinh thành và phường ngõ, làng xóm có kẻ ốm đau mà không ai nuôi, nằm ở cầu điếm, nhựa quán thì xã quan ở đó phải dựng lều lên mà chăm sóc họ cơm cháo, thuốc men, cốt sao cứu sống họ. Nếu không may mà họ chết thì phải trình quan trên và tổ chức chôn cất, không được để lộ thi hài. Nếu phạm tội này thì quan làng xã bị tội biếm hay bãi chức”. Chính vì những tư tưởng tiến bộ này mà TS. PieRisa Feray, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và sưu tầm về Á Đông ngày nay (CERAC) của Pháp trong chương I của tập “Nước Việt Nam từ cội nguồn xa xưa đến ngày nay” đã nhận định: “Các vua Lê đã thể nghiệm và xác định được vị trí con người Việt trong tổng thể các quan hệ xã hội”. Sự tôn trọng con người còn được thể hiện một cách thiết thực hơn bằng việc quan tâm tới lợi ích của người dân. Luôn chăm lo đến dân đã trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá một ông vua có phải là minh quân hay không. Đúng như Nguyễn Trãi từng viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, làm sao để trong thôn cùng ngõ hẻm không có một tiếng hờn giận, oán sầu.

Không chỉ coi trọng những “dân đen, con đỏ”, trong văn hoá Việt Nam còn có một truyền thống rất đáng quý là đề cao người phụ nữ. Ở một đất nước chịu ảnh hương sâu sắc của Nho giáo (một học thuyết coi rẻ người phụ nữ, coi họ là tiểu nhân), truyền thống này có thể coi là đỉnh cao của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Từ cái gốc của một nền văn minh lúa nước, chúng ta có thể giải thích được tại sao văn hoá Việt Nam lại thiên về tính nữ, đề cao người phụ nữ. Và chúng ta cũng không khó để nhận ra những biểu hiện rất đa dạng của truyền thống này. Nhiều danh từ của Việt Nằm chẳng hề có giới tính mà vẫn được gán chữ “cái” ở trước: cái bàn, cái ghế, cái nhà, cái cửa… Ngoài mạo từ, chữ “cái” còn được dùng như một tính từ để chỉ những gì có vẻ lớn, quan trọng, chính, trung tâm, như con sông lớn gọi là sông cái, đường lớn gọi là đường cái, cửa lớn gọi là cửa cái. Trong một trò chơi, người làm chủ gọi là người cầm cái. Sự sản sinh ra các loại hình nghệ thuật, nghề nghiệp, phần nhiều vẫn do phụ nữ đảm nhiệm. Nghề ươm tơ dệt vải là một nghề truyền thống lâu đời nhất ở Việt Nam, có thể có cùng lúc với nghề cấy lúa. Tổ tiên của nghề này cũng là một người phụ nữ. Ngay cả nghề mộc cũng do một người nữ chỉ dạy. Việc làm nhà do nữ thần mộc dạy cho. Trong một tô canh phần xác gọi là phần cái, để đối lại với nước. Về nghệ thuật sâu khấu hát quan họ được xem như đặc trưng của Việt Nam và có truyền thống lâu đời hơn hát bộ miền Trung và cải lương miền Nam. Người sản sinh ra hát quan họ, dù có nhiều truyền thuyết nhưng nói chung vẫn là phụ nữ. Và có lẽ, cũng ít có một dân tộc nào có đối tượng tín ngưỡng là phụ nữ nhiều như ở Việt Nam. Đi suốt từ Bắc chí Nam, gần như ở địa phương nào cũng có một đền thờ Bà hoặc Cô. Truyền thống đậm chất nhân văn này vẫn được tiếp tục phát huy ở các triều đại phong kiến Việt Nam vốn rất nặng tư tưởng Nho giáo. Điều đó thể hiện rõ nét nhất trong Bộ luật Hồng Đức của nhà Lê. Bộ luật này đã cải thiện một cách khá căn bản địa vị của người phụ nữ trong xã hội khi quy định người vợ có quyền quản lý tài sản của gia đình (khi chồng chết) và có quyền thừa kế như nam giới, hình phạt cho phạm nhân nữ bao giờ cũng thấp hơn so với phạm nhân nam. Những tiến bộ vượt trước thời đại này là minh chứng thuyết phục cho chủ nghĩa nhân văn trong văn hoá Việt Nam.

Văn hoá Việt Nam sáng ngời chủ nghĩa nhân văn còn vì dân tộc ta là một dân tộc luôn coi trọng đạo đức nhân phẩm và các giá trị người. Văn hoá Việt Nam cũng rất chú trọng đến tính thiết thực, đến các giá trị vật chất (Có thực mới vực được đạo), song luôn đặt các giá trị tinh thần ở vị trí hàng đầu. Nhiều đạo lý làm người luôn được dân tộc tôn vinh, ca ngợi.

Đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, xưa kia đối với những người có công với nước, với làng thì dân tôn thờ làm thành hoàng làng, hàng năm làng mở lễ hội xuân để tưởng nhớ, đối với tổ tiên thì mỗi gia đình đều có bàn thờ, ngày rằm, mồng một hương khói thờ phụng. Ngày nay, chúng ta có đài liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Cha ông ta vẫn truyền tụng: “Người ta sống vì mồ vì mả. Không ai sống vì cả bát cơm”. Đó là đạo lý sống thuỷ chung, trọng tình, trọng nghĩa: “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, hàng xóm “tối lửa, tắt đèn” có nhau. Đó là lối sống cao đẹp luôn giữ trọn phẩm hạnh trong mọi hoàn cảnh “chết vinh còn hơn sống nhục”, “đói cho sạch, rách cho thơm”, “giấy rách phải giữ lấy lề, mà những “bông sen Việt Nam”, “cây tre Việt Nam” chính là biểu tượng cho nhân cách, tâm hồn thanh tao đó. Biểu hiện cao nhất trong các giá trị làm người chính là lòng yêu nước, sẵn sàng xả thân vì hạnh phúc của đồng bào ta hôm nay và mai sau. Có lẽ vì vậy mà chủ nghĩa nhân văn Việt Nam luôn đồng nghĩa với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Và chủ nghĩa yêu nước ấy đã trở thành một giá trị bền vững và cao quý trong chủ nghĩa nhân văn của dân tộc ta.

Ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hoá về nhiều mặt, trong đó có văn hoá, chúng ta cần thiết phải giữ gìn những giá trị nhân văn tốt đẹp mà tổ tiên đã để lại. Bởi lẽ, ngoài mặt tích cực, quá trình toàn cầu hoá chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn phức tạp, trong đó ẩn chứa những nguy cơ có thể làm phát triển phiến diện con người. Hội nghị G8 gần đây đã nhắc đến sự cần thiết phải thực hiện một quá trình toàn cầu hoá mang tính nhân văn”. Hơn nữa, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, khi cá nhân và lợi ích cá nhân được đề cao, thậm chí phát triển thái quá thành chủ nghĩa cá nhân cực đoan... thì những giá trị nhân văn trong văn hoá truyền thống nêu trên không tránh khỏi những thách thức. Quan trọng hơn, gìn giữ và phát huy các giá trị nhân văn trong văn hoá Việt Nam thực chất là để bồi dưỡng và phát triển nhân tố con người Việt Nam, một nguồn nội lực rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của đất nước và chống mọi sự tha hoá nhân cách. Chính vì vậy, Đảng ta xác định dân tộc, nhân văn, trí tuệ, cách mạng là đích đến của văn hoá, văn học Việt Nam”. Chủ nghĩa nhân văn truyền thống dù mang đậm bản sắc dân tộc nhưng trong bối cảnh mới cần phải được phát triển lên trình độ mới để trở thành chủ nghĩa nhân văn hiện đại, kết hợp được những giá trị truyền thống dân tộc với những tinh hoa văn hoá nhân loại và thời đại, tiếp biến các giá trị nhân văn trong các nền văn hoá khác nhau. Trong lịch sử, nhiều giá trị nhân văn ngoại lai đã được dân tộc tiếp thu, cải biến cho phù hợp và dần trở thành các giá trị nhân văn của dân tộc, trở thành văn hoá truyền thống, như lòng từ bi, hỉ xả, cứu khổ cứu nạn của đạo Phật; tinh thần nhân nghĩa, trọng hiếu thảo trong gia đình, dòng tộc... của Khổng giáo; lòng bác ái của đạo Thiên Chúa… Thời cận hiện đã, dân tộc ta cũng tiếp thu nhiều giá trị nhân văn quý báu, phù hợp với truyền thống dân tộc và xu hướng phát triển khách quan của thời đại như tự do, bình đẳng, bác ái… Đặc biệt, hiện nay chúng ta đã và đang tiếp thu, vận dụng sáng tạo và phát huy chủ nghĩa nhân văn triệt để và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê nin, coi đó là nhân lõi của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Thấm nhuần điều đó, trong chiến lược phát triển công cuộc đổi mới theo chiều sâu, Đảng ta xác định gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh” và phát triển con người tự do, toàn diện.

Tìm về quá khứ, nhưng đích đến của cuộc hành trình này không phải ở quá khứ mà là hướng đến tương lai. Nói cách khác việc khảo cứu những giá trị nhân văn trong văn hoá truyền thống chính là quá trình nhận chân những giá trị của dân tộc Việt nhằm giúp chúng ta tự tin hơn về những gì mình đã có, đang có và tiếp tục phát huy nó trong cuộc sống hiện tại.


1. Hồ Chí Minh. Toàn tập, t4, Nxb CTQG, H.1995, tr.246-247
2. Hồ Chí Minh. Sđd. t4. Nxb CTQG, H.1995, tr 480.
3. Hồ Chí Minh. Sđd, t.5. Nxb CTQG, H. 2000, tr.220.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: