Hai chuyện cổ điển

10:36 SA @ Thứ Ba - 26 Tháng Năm, 2009

Chuyện ở ga tàu điện ngầm L’Enfant Plaza

L’Enfant Plaza là nhà ga tầm thường bậc nhất New York. Thậm chí người ta không đọc được đúng tên của nó. Chuyện xảy ra cách đây đúng 2 năm nhưng tôi chưa bao giờ quên được nó với nỗi ám ảnh về câu chuyện của người nghệ sĩ hàng đầu của nước Mỹ đứng chơi nhạc cô độc trong ga tàu điện ngầm, giữa hàng nghìn người lướt qua.

Trước hết, phải nói rõ, đó là ý tưởng được tòa báo The New York Post đưa ra, và người nghệ sĩ được nhắc đến ở đây là Joshua Bell.

Joshua Bell được coi là thần đồng âm nhạc một thời, nay ở tuổi 39, anh được biết đến trên toàn thế giới. Anh cũng chính là người chơi bản Soundtrack bộ phim The Red Violin năm 1998. Nhà soạn nhạc Jonh Coriglinao nói, “Anh ấy chơi nhạc như chúa!”. Trước khi có mặt ở ga tàu điện ngầm 3 ngày, anh đã có buổi biểu diễn ở Boston, với giá vé trung bình khoảng 100$. Hai tuần sau, Bell xuất hiện ở Music Center ở Strathmore, Bắc Bethesda, nơi khán giả thậm chí không dám ho, để giữ yên lặng tuyệt đối

Nhưng trong ngày hôm đó, anh ăn mặc giản dị, đứng ở ga tàu điện ngầm, chơi nhạc với hộp quyên tiền trước mặt. Bell luôn sử dụng cùng một cây đàn trong các buổi biểu diễn của mình, và lần này cũng thế. Đó là chiếc Gibson ex Huberman được chế tạo thủ công bởi Antonio Stradivari năm 1713- vào thời kỳ được gọi là “giai đoạn vàng” của nước Ý.

Ga tàu điện ngầm L’Enfant Plaza

Trong suốt 45 phút, tổng cộng 1.070 người đã đi qua, và chỉ có 7 người ngừng việc làm, để ý tới Bell trong khoảng 1 phút, 27 người cho tiền, đa số trong lúc đang chạy, với tổng số tiền là 32$ có lẻ.

Nếu một người nghệ sĩ vĩ đại chơi một bản tuyệt vời, nhưng không ai nghe vậy anh ta có thật sự được coi là tuyệt vời không?

“Đầu tiên”, Bell nói, “tôi chỉ tập chung vào chơi nhạc. Tôi thật sự không chú ý điều gì đang xảy ra xung quanh mình… Khi chơi bản violin, bạn là một người kể chuyện, bạn đang kể một câu chuyện…” Sau đó, anh bắt đầu để ý… “Đó là một cảm giác thật lạ, như mọi người thực sự… ừm… phớt lờ tôi.”

“Trong nhà hát, tôi sẽ bực bội nếu ai đó ho hay để chuông điện thoại kêu. Nhưng ở đây, sự mong chờ của tôi nhanh chóng giảm xuống. Tôi bắt đầu đánh giá cao bất cứ sự chú ý nào, thậm chí chỉ là cái nhìn thoáng qua.”

Nghệ sĩ violin Joshua Bell

Phải chăng con người ta cảm nhận cái đẹp còn dựa trên sự đánh giá của những người xung quanh. Cũng giống như tác phẩm của một danh họa, nếu không được đóng khung đẹp, được treo ở viện bảo tàng, mà được dán lên bức tranh của một nhà hàng nào đó, sẽ chẳng ai để ý đến nó. Hay cuộc sống bận rộn của nước Mỹ khiến người ta thờ ơ với mọi diễn biến xung quanh mình?

Nhưng hãy để ý với những người thật sự chú ý tới buổi biểu diễn đặc biệt này.

John David Mortensen đang trên đường đi làm, khi nghe tiếng nhạc của Bell, anh dừng lại, kiểm tra đồng hồ, Mortensen có 3 phút nữa, và dừng lại, dựa lưng vào bức tường và lắng nghe. Anh không biết chút gì về nhạc cổ điển, nhưng anh thật sự thích thứ nhạc anh đang được nghe. “Nó khiến tôi cảm thấy thật yên bình”. Và thế là, lần đầu tiên trong đời, anh dừng lại nghe một nhạc sĩ dương cầm trên phố.

Khi ra khỏi ga, cũng như những người khác, John Picarello được chặn lại hỏi số điện thoại. Ngày hôm sau người của tòa soạn liên lạc, hỏi anh có thấy điều gì lạ trên đường đi làm không. Trong hơn 40 người được hỏi, anh là người duy nhất nhắc tới người chơi nhạc. “Có một người chơi Violin ở phía trên cầu thang cuốn của ga L’Enfant Plaza”. Picarello là fan của Joshua Bell nhưng không nhận ra Bell. Anh không xem các bức ảnh gần đây, hơn nữa mọi khi đa phần là xem rất xa. Lớn lên ở NewYork, Picarello học violin một cách nghiêm túc, nhưng đã bỏ năm 18 tuổi khi nhận thấy mình không đủ khả năng để hành nghề chuyên nghiệp.

Một người nữa thật sự lắng nghe Bell, đó là Janice Olu. Ngày bé, cô cũng đã từng chơi violin. Cô qua đó khi Bell đang chơi bản Chaconne của Bach, một trong những bản khó nhất dành cho violin. Cô không biết tên bản nhạc nhưng cô biết người đàn ông đang chơi bản nhạc đó thực sự có tài năng.

Chỉ có một người nhận ra Bell, đó là cô Stacy Furukawa, chuyên viên nhân khẩu học. Cô không biết nhiều về nhạc cổ điển, nhưng cách đây 3 tuần, cô đã là thính giả của buổi hòa nhạc miễn phí của Bell. Khi thấy Bell ở đây, chơi nhạc không ai để ý, cô chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. “Ôi lạy chúa, mình đang sống trong cái thành phố kiểu quái gì đây, nơi mà chuyện như thế này có thể xảy ra”. Nhưng dù có lý do thì cô cũng không bao giờ bỏ lỡ cơ hội này. Cô đứng cách xa một quãng, lặng lẽ nghe. Khi bản nhạc kết thúc, cô tới gần Bell, tự giới thiệu về mình, và đặt một đồng 20$ vào đó.

Không kể số tiền của Furukawa, tổng cộng Bell nhận được $ 32.17, quả thật có những người đã để những đồng xu lẻ vào.

Chuyện nhà hát lớn

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Tổ quốc, cuối 2008, nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa đã nói: “Hiện chúng ta đã tụt hậu so với các nước trước đây là học trò của mình (…) Ở nước ngoài hoạt động âm nhạc thường xuyên, tuần mấy lần mà khán giả vẫn mua vé trước cả năm trời. Còn ở nước ta thì mấy tháng mới có một chương trình, không có sự quan tâm, không có kế hoạch, không có đủ tiền đầu tư”.

Trong thực tế như vậy, sự xuất hiện của các dàn nhạc giao hưởng, nhạc trưởng, nghệ sĩ biểu diễn nước ngoài thực sự có ý nghĩa. Họ đưa các tác phẩm nổi tiếng của thế giới đến với công chúng, nâng cao trình độ diễn tấu và hòa âm của các nghệ sỹ Việt, thu hút sự chú ý của báo giới và xã hội, giúp các nhà hát nơi họ biểu diễn đỏ đèn, nhắc nhở rằng nhạc cổ điển vẫn đang hiện diện ở Việt Nam và cổ vũ cho một loại hình nghệ thuật cao quý tiếp tục phát triển. Nếu cách đây 13 năm, khi Hennessy tổ chức chương trình hòa nhạc đầu tiên giới thiệu nghệ sĩ cello huyền thoại người Nga Mstislav Rostropovich, với 2 đêm diễn tại Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh, lựa chọn “khó ăn” này còn là một sự lạ đối với dư luận, thì nay Hennessy Concert Series đã khiến nhiều người học cách nghĩ lại trong hoạt động tài trợ của mình. Tối 6/3 vừa qua, nghệ sĩ cello Julian Lloyd Webber đã đặt chân tới Nhà hát lớn trong Hennessy Concert Series lần thứ 13, mang theo cây cello đã hơn 300 tuổi hiệu Barjansky Stradivariuss.

Nghệ sĩ cello Julian Lloyd Webber

Được nhiều người biết đến như một trong những nghệ sĩ sáng tạo nhất trong số các đồng nghiệp cùng thế hệ, Julian Lloyd Webber là người đã khai diễn khoảng 50 tác phẩm mới được viết riêng cho cello và truyền cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhạc sĩ như: Malcolm Arnold, Joaquin Rodrigo, James MacMillan và Philip Glass. Ông đã có rất nhiều đĩa thu âm nổi tiếng, trong đó có bản “Concerto” của Elgar do Yehudi Menuhin chỉ huy, được đoạt giải thưởng âm nhạc BRIT Anh Quốc và được Tạp chí Âm nhạc BBC bình chọn là phiên bản thu âm tinh tế nhất mọi thời đại. Với đời sống văn hóa nghệ thuật nghèo nàn và im lìm thời gian qua, cũng như số lượng ít ỏi các hoạt động liên quan đến lĩnh vực âm nhạc cổ điển, lại mang đẳng cấp quốc tế với sự xuất hiện của một tên tuổi thế giới, Hennessy Concert XIII đương nhiên trở thành mối quan tâm lớn của báo giới.

“Chương trình của Julian Webber được xây dựng khá đa dạng, bao gồm những tác phẩm cổ điển (Bach), lãng mạn ( Faure, Saint-Saens, Brahms), ấn tượng (Debussy) và hiện đại (Bridge, M. de Falla, Britten, Webber). Khúc Adagio của Bach được Julian Webber mở đầu bằng tiếng đàn tinh tế ngọt ngào, ngay lập tức chinh phục khán giả” (VN Express)

“Nếu ở phần đầu những giai điệu quen thuộc vang lên với những tác phẩm kinh điển, thì ở phần thứ 2 những sáng tác mới lạ mang tính riêng tư của ba cha con người nhạc sĩ với những giai điệu quyến rũ, ngọt ngào mang lại một cảm xúc mới.” (Tuổi trẻ)

“Với tiếng đàn ngọt ngào và mềm như lụa, Julian đã đưa người nghe vào những cung bậc âm thanh tuyệt vời của cây đàn cổ, khiến người nghe ngấm dần (…) Tác phẩm đòi hỏi sự nhạy cảm của tiết điệu và kỹ thuật của bật dây (Pizzicato) của cả tay trái và tay phải” (Lao động)

Tất nhiên là một buổi biểu diễn mỗi năm chỉ diễn ra 1 lần duy nhất, và với vị khách mời đặc biệt như vậy, Hennessy Concert lần này cũng tiếp tục gây lên cơn sốt vé (đa phần là vé mời, nhưng ở chợ đen, cặp vé ấy đã được hét lên tiền triệu). Tôi điểm mặt nhiều người quen trong các buổi biểu diễn trước, những nghệ sĩ của công chúng, cũng như những nghệ sĩ Underground, những người yêu nhạc cổ điển, những vị tham tán các xứ quán…

Khi nghệ sĩ Julian đang say mê biểu diễn thì bên dưới có tiếng chuông điện thoại reo. Chưa đầy năm phút sau có một tiếng điện thoại khác lại vang lên. Tuy ngắn ngủi và nhỏ nhỏ nhưng cũng làm người nghệ sĩ nhăn mặt một thoáng và những người ngồi xung quanh xấu hổ và bực dọc. Người bên cạnh tôi thì bình thản khen đoạn này chê đoạn nọ hay khoe rằng con người mình đánh cũng hay như thế mà chẳng chú ý tới người xung quanh.

Nhà Hát Lớn Hà Nội

Chuyện này thì tôi không lạ. Bởi cũng ở Nhà hát lớn này, trong chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Operetta Vienna nổi tiếng thế giới, bên phải tôi là một vị nam giới trung niên, mà sau mỗi một tác phẩm được trình diễn, vị này lập tức đứng lên, vỗ tay và hú lên như đang đi nghe liveshow của Mỹ Tâm. Còn bên trái là hai cô gái trẻ, hí ửng cầm máy ảnh để quay phim, 5 phút sau lại bật lại đoạn video vừa quay, nguyên tiếng, trong khi sân khấu các nghệ sĩ vẫn biểu diễn. Chuyện tiếng chuông điện thoại, tiếng alô, tiếng bình phẩm… thì như cơm bữa - ở nơi mà, đáng lẽ, người ta còn cảm thấy ngượng nếu cất tiếng ho…

Cũng trong cuộc phỏng vấn đã nhắc ở trên, nhạc trưởng Thiếu Hoa nói, “Hiện nay chúng ta đã làm cho khán giả mắc một thói quen không tốt, chính nó làm hại nền nhạc cổ điển. Đó là hàng năm mới tổ chức biểu diễn một hai lần và phát vé mời. Khán giả đã quen với việc đi nghe nhạc giao hưởng không mất tiền, phải làm cho họ có thói quen mua vé…”

Tôi nghĩ, “lỗi lầm” không phải vé được bán hay được tặng. Cũng không phải việc ai đang trình diễn trên sân khấu, hay thậm chí không phải trên sân khấu mà trong một ga điện ngầm. Trở lại câu hỏi ban đầu với Joshua Bell, một nghệ sĩ tài năng có thật sự tài năng không, nếu không ai nghe anh ta?

Xin thưa, Joshua Bell hay Julian Lloyd Webber, trình diễn ở L’Efant Plaza hay nhà hát lớn, thì chẳng ai có quyền nghi ngờ tài năng của họ, cũng như ý nghĩa của thứ âm nhạc họ đem đến. Chỉ có điều, mỗi dòng nhạc có một đối tượng âm nhạc riêng. Cũng như, trong cùng nhà hát ấy, tôi đã thấy rất nhiều gương mặt tràn ngập xúc động, khi tiếng nhạc từ chiếc cello 300 năm tuổi cất lên.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người lắng âm vọng nhân sinh

    01/04/2014Trân KhanhTận hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật, Trịnh Công Sơn và các ca khúc của ông đã tạo nên một bộ phận giá trị, không thể tách rời trong dòng chảy ca khúc trữ tình Việt Nam thế kỷ XX...
  • Tìm định nghĩa nghệ thuật cộng đồng

    30/03/2009Lê Bá ThanhỞ Việt Nam, khái niệm “nghệ thuật cộng đồng” bắt đầu xuất hiện mạnh mẽ với các dự án gắn liền với cộng đồng của các họa sĩ. Tuy nhiên, những người tham gia vào nó vẫn còn lúng túng khi định nghĩa về nghệ thuật cộng đồng.
  • “Chat với Mozart” có gì mà ầm ĩ ?

    03/02/2007Nguyễn Quang LongNhững đĩa kiểu như "Chat với Mozart" không phải là nhu cầu thưởng thức của giới âm nhạc chuyên sâu mảng giao hưởng thính phòng, bởi vậy sự việc diễn ra đã lâu nhưng chẳng mấy người trong giới quan tâm, nay thì khác, dư luận lại bắt đầu ồn lên...
  • Những khác biệt về thị hiếu

    26/02/2006Nhiều người bất đồng trong thị hiếu. Và không có ý nghĩa gì trong việc tranh luận với một người về cái gì anh ta thích hay không thích. Nhưng vẫn có thể nói với một người rằng anh ta có thị hiếu kém...
  • Nhạc để nghe hay để xem?

    28/12/2005Nguyễn Đình SanViệc lăng xê và tôn vinh quá đáng một số chương trình âm nhạc giải trí cùng một vài tác giả chuyên sáng tác loại bài hát để xem đã khiến người ta ngộ nhận rằng âm nhạc hiện nay phải như thế, và người ta sáng tác nó mới là tài năng...