Hãy nhìn xem thảm trạng của Cao Ly mất nước! *

Chương Thâu (Dịch theo nguyên bản chữ Hán)
08:53 CH @ Thứ Năm - 07 Tháng Sáu, 2018
Bài này là bài thứ ba trong tập sách in "Văn Minh Tân Học Sách (Kế sách xây dựng nền học mới để đạt tới văn minh)" của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục (năm 1907), hiện còn ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Nhật Bản là một nước nhỏ ở châu Á, Cao Ly 1) cũng là một nước nhỏ ở châu Á. Một bên thì mạnh lướt thế giới, một bên thì ngã xuống bị mất. Bảo rằng người giống da vàng chúng ta không thể trỗi dậy ư? - Chúng tôi muốn cùng các người xem nước Nhật Bản! Bảo rằng người giống da vàng chúng ta không thể mất được ư? - Chúng tôi muốn cùng các người xem nước Cao Ly!
.
Lịch sử nước Cao Ly luôn dựa vào người khác mà không thể tự lập được. Về lịch sử trước kia thì khoan bàn đến. Nhưng mới ngày trước năm Giáp Ngọ 2) gần đây thì vẫn là nước phên giậu của chúng ta. Từ khi Lý Hồng Chương đính ước với Nhật Bản, trong ấy có điều: “Hai nước phái quân đến Cao Ly để xem xét lẫn nhau. Coi Cao Ly là của chung hai nước Trung-Nhật”. Nhưng khi Trung Quốc bị thua trận năm Giáp Ngọ, thì Nhật Bản giả lấy tiếng độc lập trả cho Cao Ly, mà cùng đánh nhau với nước Nga. Người Nga lúc ấy muốn sinh chuyện, không chịu để cho Cao Ly mất hẳn với Nhật Bản. Rồi hai con cọp xâu xé nhau, cho nên bảo Cao Ly là độc lập thì chỉ có vỏ trống bề ngoài thôi. Từ đấy Cao Ly lại là của chung hai nước Nhật - Nga. Nay thì hoàn toàn là của Nhật Bản. Đấy là lịch sử thống khổ của Cao Ly gần mười năm lại đây.

Trước đây ở Thượng Hải có điện tin rằng: Vua Cao Ly tuy bị người Nhật uy hiếp, nhưng không chịu ký tên, đóng ấn vào điều ước nói “Cao Ly phải chịu sự bảo hộ của Nhật Bản”, sau quan Nhật tự cướp lấy ấn mà đóng vào, phao lên rằng “điều ước tất phải tuân theo”. Nghe nói có vị đại thần Cao Ly đã tự tử. Đại sứ của Nhật là Y Đằng trú tại Hán Thành, bị người xung quanh lấy đã ném bị thương. Xem thế thì biết vua Cao Ly không phải không biết mất nước là đau khổ, nhưng làm sao được với cường quyền?

Ngày xưa vua Hán Hiến Đế bị quyền thần o ép mà có câu than thở: “Không biết chết sống khi nào…”. Nay vua Cao Ly bị địch kiềm chế mà có cái thảm cướp ấn. Những ông vua ngu ngốc có thể lấy đó làm gương vậy. Bề tôi nước Cao Ly không phải không biết mất nước là tủi nhục, nhưng bỗng chốc tự tử thì có ích gì! Dân nước Cao Ly cũng không phải không biết mất nước là đau đớn, nhưng đến nay mới chỉ ném đá thì cũng thật đã quá muộn!

Nghe nói Nhật hoàng đã đánh điện đến Hán Thành, khen ngợi Y Đằng về việc hòa ước thành công. Lại nghe nói Nhật Bản đã công bố văn kiện bảo hộ Cao Ly, các nước đều đã thừa nhận. Vả lại sắp sửa bãi bỏ hết thảy các nhà sứ quán ở kinh đô Cao Ly, còn các công sứ cũng đều lục tục về nước hết.

Than ôi! Chịu người ta bảo hộ, kết quả đến như thế!

Gần đây, có lệ chung là những nước bị mất, vua khỏi phải tù, lăng miếu khỏi phải phá mà thôi. Chứ bảo hộ tức là mất nước vậy. Ngày nào bị người ta bảo hộ, tức ngày ấy là ngày kỷ niệm mất nước. Thế mà Chính phủ Mãn Thanh mờ mịt không biết gì, nghe người ta bàn đến việc bảo hộ lãnh thổ thì hớn hở vui mừng hiện ra sắc mặt. Vui ư? Buồn ư? Ta sợ sẽ lại làm Cao Ly thứ hai nữa!
Trận chiến tranh Trung - Nhật là vì tranh nhau Cao Ly mà sinh ra.

Sau chiến tranh kết liễu, trong hòa ước có nói rằng: “Đem chủ quyền trả lại cho Cao Ly” còn sờ sờ ra đó. Cuộc chiến tranh Nga - Nhật 3) là vì tranh nhau Mãn Châu mà sinh ra. Sau chiến tranh kết liễu, trong hòa ước có nói rằng: “Lấy đất đai Mãn Châu trả lại cho Trung Quốc” cũng vẫn còn sờ sờ ra đó. Chưa biết kết quả ngày sau của Mãn Châu ra sao, chứ ngày nay, nếu lấy gương Cao Ly mà đối chiếu, thì ai không rợn gáy mà run sợ.
Đế quốc Nga và Đế quốc Nhật Bản tranh giành quyền kiểm soát Mãn Châu và Triều Tiên năm 1904-1905. Cuộc chiến diễn ra tại Nam Mãn Châu thuộc Trung Quốc, đặc biệt là khu vực xung quanh bán đảo Liêu Đông và Phụng Thiên, và các khu vực biển quanh Triều Tiên, Hoàng Hải và Nhật Bản.

Chúng tôi dám nói quả quyết rằng: từ nay về sau, nếu chiến tranh không xảy ra ở Trung Quốc thì thôi, chớ nếu có xảy ra nữa, thì nhất định lại chồng lên vết bánh xe đổ của Cao Ly, không cần hỏi thầy bói mà cũng biết được vậy.

Than ôi! Cao Ly mất rồi! Cao Ly bỗng chốc làm phên giậu của nước ta, bỗng chốc ngang hàng với nước ta, lại bỗng làm phên giậu cho nước khác, mà rồi sẽ lại là người đồng bệnh đáng thương xót của nước ta. Vì hòa ước Mãn Châu ngày nay để người Nhật nắm hết lợi quyền, nên ngườiNga tranh, người Pháp tranh, mà các nước cũng đều lên tiếng ủng hộ,viện cớ rằng “lợi ích phải đều nhau”. Cái nguy bức trước mắt là như thế đó. Chưa bàn đến sau này nước ta là một con vật khổng lồ nằm kềnh ratrên cõi đất Á Đông này, rồi sẽ là còn, là mất, ranh giới mắt còn xa nhau không đầy sợi tơ, sợi tóc. Nước ta sẽ là Cao Ly ư? Sẽ là Nhật Bản ư? Cáiđó là ở nơi quốc dân chúng ta!.

*Bài này rõ ràng là tút từ một tờ Tân Văn nào đó của Trung Quốc, nhưng tác giả chưa rõ là ai. Tuy vậy, nội dung của nó nhằm tuyên truyền giáo dục tư tưởng yêu nước, tự cường... nói chung là tư tưởng dân tộc độc lập, nên Trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã không ngại dùng làm tài liệu giảng dạy cho học sinh.

Chú thích:
1)Cao Ly: tên cũ của nước Triều Tiên
2)Giáp Ngọ: tức năm 1894
3)Chiến tranh Nga- Nhật: diễn ra 1904-1905 tại Nam Mãn Châu thuộc Trung Quốc
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đường lối giáo dục cứu nước của Đông Kinh Nghĩa Thục

    23/09/2018Nguyễn Hải HoànhGiáo dục cứu nước (GDCN) là lựa chọn quan trọng nhất của các sĩ phu sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) khi họ quyết định đường lối đấu tranh giải phóng nước nhà của tổ chức cách mạng này. Trước đó, tất cả các cuộc đấu tranh chống Pháp đều theo đường lối bạo động vũ trang.
  • Đông Kinh Nghĩa thục: Học Nhật Bản chấn hưng đất nước

    26/07/2017Mai ThụcNhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Trung tâm Văn Miếu Quốc tử Giám và Trung tâm Minh Triết Việt đã Tưởng niệm 100 năm các nhà giáo Đông Kinh Nghĩa thục. Họ là những sĩ phu yêu nước thắp sáng tư tưởng Chấn hưng - Duy Tân - Dân tộc, là những bậc thầy góp sức đặt nền móng xây dựng một triết lý giáo dục Tự lập, tự nguyện, học Tinh Hoa dân tộc và thế giới để dạy nên những con người Việt Nam hiện đại...
  • Đọc lại văn thơ Đông Kinh nghĩa thục

    02/03/2017Nguyên AnTrong kho tàng văn chương - văn hoá Việt Nam mấy trăm năm nay, có lẽ không có một nhóm tác giả, một tao đàn, một phong trào nào tồn tại ngắn ngủi mà lại có tiếng vang tốt đẹp, lâu dài như phong trào Đông Kinh nghĩa thục.
  • Văn minh tân học sách - Cương lĩnh hành động của Đông Kinh Nghĩa Thục

    20/11/2015Chương ThâuTrước đây, trong công trình nghiên cứu VĂN THƠ CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX (Nxb Văn hóa, Hà Nội 1961) Giáo sư Đặng Thai Mai có viết: “Những thi ca do Đông Kinh Nghĩa Thục phát động và phổ biến có một ý nghĩa rất quan trọng...
  • Đông Kinh Nghĩa Thục, thử nhìn từ một góc độ khác

    02/07/2015Nguyên NgọcCó một tư liệu có lẽ có thể cung cấp cho chúng ta một câu trả lời độc đáo và thuyết phục, hoặc ít nhất, một gợi ý rất đáng để tiếp tục suy ngẫm, không chỉ để hiểu một quá khứ lịch sử quan trọng, mà còn có thể giúp ta suy nghĩ về những vấn đề đang đặt ra trong phát triển của chính chúng ta hôm nay...
  • Các cụ xưa đã khai dân trí qua sách vở "Đông Kinh Nghĩa Thục" năm 1907 như thế nào?

    23/06/2015Sưu tầmĐông Kinh Nghĩa Thục đã tạo nên một bão táp trong tư tưởng và hành động của sĩ phu đương thời. Học sinh dồn dập đến trường và các trí thức uyên bác được tập hợp lại, cùng nhau giảng dạy, viết giáo trình, tổ chức hội thảo, diễn thuyết, cổ động từ nơi này qua nơi khác… Phong trào mang tính cách mạng rầm rộ về văn hoá và tư tưởng...
  • 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục: Trong cái nhìn hôm nay

    21/10/2011Cái nhìn của một số trí thức thời nay về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngẫm chuyện xưa để nói chuyện nay - con đường phát triển dân tộc...
  • xem toàn bộ