Hiện đại hóa và cái bằng dỏm

09:14 SA @ Thứ Sáu - 09 Tháng Bảy, 2010

Là giám đốc sở, nếu ông không biết cái bằng tiến sĩ mà ông đã bỏ 17.000 đô la để mua từ cái công ty “Đại học Nam Thái Bình Dương” ấy là bằng dỏm thì điều ấy chứng tỏ ông rất thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, và như vậy liệu có xứng đáng làm giám đốc sở văn hóa ở đất nước đang muốn xây dựng “xã hội học tập” này?

Là giám đốc sở, nếu ông biết đó là bằng dỏm mà vẫn mập mờ đánh lận con đen, báo với tổ chức như đó là bằng thiệt và dùng nó để thăng quan tiến chức thì ông đã gian dối với tổ chức và với mọi người, và càng không xứng làm giám đốc sở văn hóa ở đất nước ngàn năm văn hiến này.

Là giám đốc sở văn hóa mà làm như ông, sao có thể trách học sinh cứ đến mùa thi lại chạy đến các “chợ phao”, sao có thể dẹp được các “chợ luận văn” phục vụ cho những kẻ muốn có bằng mà không muốn học?

Và nếu không bị phát hiện, hẳn rồi ông cũng sẽ được mời, với tư cách tiến sĩ, tham gia hoặc đứng đầu hội đồng khoa học này, ủy ban thẩm định kia và đưa ra những lời vàng ngọc về đủ thứ giá trị, trong khi cái giá trị căn bản là sự trung thực, tấm bằng thiệt và tri thức thiệt thì ông không có.

Đó là nói riêng về ông giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ. Nhưng, như mọi người đều biết, sử dụng bằng cấp dỏm hoặc bằng thiệt mà học dỏm đâu chỉ có ông giám đốc sở văn hóa-thể thao và du lịch ở Phú Thọ.

Không ít quan chức ở nhiều địa phương khác cũng đã và đang bỏ tiền mua bằng cấp để có điều kiện tiến thân cao hơn hoặc ít nhất cũng để chứng tỏ “giá trị” của mình. Chính ông giám đốc sở này cho biết có một số cán bộ ở Hà Nội, Thái Nguyên cũng “học” để lấy bằng như ông.

Giải thích về hiện tượng hay vấn nạn này, nhiều người đã phân tích về tâm lý sính bằng cấp, sính ngoại của người Việt Nam; về nghịch lý bằng cấp và chức vụ (được “cơ cấu” trước, có chức trước rồi mới lo “chạy” bằng); về quy trình tuyển chọn, đề bạt quan chức. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nó còn nói lên một cái gì đó sâu xa hơn vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội Việt Nam. Đó là, trong khi chúng ta hô hào hiện đại hóa thì cái tâm lý xã hội thâm căn cố đế của chúng ta, kể cả trong một bộ phận của bộ máy công quyền, vẫn chuộng hình thức, hư học, hư danh hơn là thực chất, thực học; chuộng bằng cấp, dù là bằng cấp dỏm, hơn là tri thức thiệt, năng lực thiệt. Hà Nội chẳng đã từng dự định buộc 100% cán bộ cốt cán phải có bằng tiến sĩ đó sao?

Nhưng làm sao có thể hiện đại hóa đất nước, hiện đại hóa xã hội bằng tri thức dỏm, bằng cấp dỏm, bằng những thứ hư danh? Có thể bỏ 17.000 đô la để mua cái bằng dỏm nhưng làm sao có thể bỏ tiền để mua tri thức thiệt nhằm hiện đại hóa đất nước nếu không đổ mồ hôi, sôi nước mắt học, học và học? Rồi đất nước sẽ đi về đâu, nền học thuật nước nhà sẽ đi về đâu nếu đất nước đầy rẫy những ông tiến sĩ có bằng dỏm hoặc bằng thật mà học dỏm? Hiện đại hóa chắc chắn là không, mà đất nước sẽ ngày càng đi đến chỗ lụn bại vì làm gì có tri thức thiệt, tầng lớp trí thức thiệt để tiến hành hiện đại hóa? Bởi hiện đại hóa, nhất là hiện đại hóa xã hội, là sự thay đổi từ bên trong, trên nền tảng tri thức tiếp thu được chứ làm gì có thứ hiện đại hóa vay mượn, càng không thể có thứ hiện đại hóa dựa trên tri thức dỏm, bằng cấp dỏm mua được bằng tiền.

Nền tảng tri thức của một đất nước, một xã hội như cái vốn để phát triển. Thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia cho thấy nó còn quan trọng hơn cả tài nguyên và những nguồn lực vật chất khác. Nghĩ tới một ngày nào đó người chủ của đất nước này kiểm tra lại lưng vốn của mình nhằm chuẩn bị đầu tư lớn và nhận ra, thay vì những đồng tiền vàng lại chỉ là một mớ giấy lộn, lúc ấy chắc chỉ còn biết khóc ròng.

Để không có cái ngày ấy, đã đến lúc xã hội chúng ta cần đoạn tuyệt với cái tâm lý chuộng hư danh, hình thức để theo đuổi những giá trị thực, bắt đầu bằng học thiệt, tri thức thiệt, bằng cấp thiệt.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Một góc nhìn khác về bằng cấp

    22/03/2016Tạ Thị Ngọc ThảoCó nhiều nguyên nhân khiến người ta không thể tìm đến trường để học: không trang trải nổi chi phí học tập, bận nuôi sống bản thân mình và lo cho nhiều người khác... Nhưng cũng có những người sau khi làm bài toán so sánh họ chọn con đường tự học, tự đào tạo. Theo họ, lợi ích thu được từ việc đến trường không bằng cơ hội, thời gian, tiền bạc… mà họ phải mất đi....
  • Muốn có mỹ hiệu "tiến sĩ", cứ nộp đơn thi Hội, thi Đình

    29/12/2009Linh ThủyNhững nhà khoa học nào muốn nhảy sang làm cán bộ quản lý hành chính, để có những mỹ hiệu “tiến sĩ”, thì cũng có thể nộp đơn xin dự thi Hội, thi Đình kiểu mới, nhưng đừng về làm nhiễu các trường đại học và viện nghiên cứu nữa. - GS Bùi Trọng Liễu
  • Bằng cấp và năng lực

    09/11/2009Diệp Văn SơnÐể xem xét việc đòi hỏi công chức lãnh đạo có bằng cấp tiến sĩ có hợp lý hay không, nên tìm hiểu thêm về phương thức quản lý công chức trên thế giới và cũng đang được tiến tới áp dụng ở nước ta. Đó là, hệ thống chức nghiệp và hệ thống theo việc làm hay còn gọi là theo vị trí.
  • Năng lực và bằng cấp - Chuyện của ông thợ mộc và thợ cơ khí

    13/09/2009Xuân AnNhân dịp khai giảng năm học mới 2009 - 2010, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc trả lời trực tuyến về các vấn đề liên quan đến giáo dục nước ta hiện nay. Một trong những câu nói của ông được báo chí khai thác nhiều: "Năng lực thực sự bước vào đời mới là vốn quý...". Nhân câu nói của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tôi xin đưa ra một số dẫn chứng thực tế mà tôi đã trải qua liên quan đến vấn đề năng lực & bằng cấp ở nước ta.
  • Có nên sưu tầm bằng cấp?

    14/07/2006Lê Ngân (Careers)Nhiều người mới tốt nghiệp đã nhanh chóng vỡ mộng vì cuộc sống đi làm, họ thấy mình không đi đến đâu, chán ngán với công việc, buồn chán với những quy định cơ quan, và nghĩ rằng cách duy nhất để cải thiện hoàn cảnh đó là đi học...
  • Học để có kiến thức, không vì bằng cấp

    06/08/2005Tiến sĩ Phan Quốc ViệtQua cách học và cách dạy hiện nay ta có cảm tưởng rằng mục tiêu của sinh viên là học để lấy bằngvà mục tiêu của các trường cũng là dạy để cấp bằng. Thực trạng đào tạo hiện nay phản ánh khá rõ cách hiểu sai về mục tiêu đào tạo. Vì hiểu mục tiêu đào tạo là có bằng nên hiện nay các trường chỉ cố gắng cung cấp một số lượng kiến thức nhất định đủ để cấp được bằng cho sinh viên...
  • Nạn bằng giả đâu khó giải quyết

    09/07/2005Tiến sĩ Nguyễn Quang ANạn bằng giả là một câu chuyện nhức nhối ở nước ta. Từ tháng 10 đến tháng 12. 2004, cục hải quan TPHCM phát hiện 120 văn bằng chng chỉ giả, xử lý kỷ luật trên 100 cán bộ; 73 cán bộ Sở thương mại Hà Nội dùng văn bằng giả; trong số 1,28 triệu trường hợp được Bộ GDĐT kiểm tra phát hiện 7.425 (0,58%) văn bằng chứng chỉ không hợp pháp. Nếu tính chi phí xã hội cho việc kiểm tra văn bằng chắc không nhỏ. Nếu tính cả tác hại do người có bằng giả gây ra thì có thể rất khủng khiếp, đó là chưa nói đến ảnh hưởng băng hoại đạo đức nó gây ra cho toàn xã hội.
  • xem toàn bộ