Karl Marx dưới con mắt của một trí thức Đông Âu
>> Tải file:(Download .PDF file, 265 Kbytes)
Dẫn nhập1
Tôi e rằng tất cả những gì có thể nói về Karl Marx đã được viết cả rồi. Hàng ngàn bài báo, bài nghiên cứu và hàng trăm cuốn sách đã được xuất bản trong đó có thể thấy đủ mọi thứ từ ca tụng cuồng nhiệt, phân tích khách quan, đến căm thù giận dữ. Cái tôi có thể thêm vào kho tài liệu mênh mông này chỉ là quan điểm cá nhân mà từ đó tôi xem xét công trình của Marx.
Tôi là một người Hungary, một người Đông Âu, sinh năm 1928, tôi bắt đầu trở thành người lớn vào cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Những diễn biến lịch sử lớn đã gây những ấn tượng sâu sắc lên tư duy của tôi: chiến tranh tàn phá đất nước chúng tôi, Holocaust (vụ tàn sát hàng loạt [người Do thái]), giải phóng khỏi ách thống trị Nazi, đảng cộng sản lên nắm quyền với hệ thống xã hội chủ nghĩa của nó, cách mạng Hungary 1956 và việc đánh gục nó, sự khôi phục hệ thống xã hội chủ nghĩa, các cuộc cải cách trong các năm 1960 về chủ nghĩa xã hội thị trường và chủ nghĩa xã hội với khuôn mặt người và sự thất bại của chúng, sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự trở lại của hệ thống tư bản chủ nghĩa, nền dân chủ thế chỗ cho chế độ độc tài, và khủng hoảng tài chính và kinh tế hiện nay. Chỉ chúng tôi, những người sống ở Đông Âu và bây giờ vào tuổi bảy tám mươi, có thể nói rằng chúng tôi đã đích thân trải nghiệm, không phải một vài lần mà tám lần, những thay đổi hệ thống, những sự biến đổi vĩ đại, hay chí ít các bước ngoặt đột ngột tiến và lùi, rẽ sang và quay lại của chế độ chính trị có nghĩa là gì. Đối sánh chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội, so sánh các đặc tính của hai loại hệ thống này, những biến đổi vĩ đại: đấy là những thay đổi có tầm quan trọng lịch sử thế giới mà Marx quan tâm nhất và cố thử để hiểu. Chúng tôi, tuy vậy, không chỉ quan tâm đến chúng về mặt trí tuệ - chúng tôi đã trải nghiệm những thay đổi đó. Có lẽ lượng kinh nghiệm sống này, chứ không phải khả năng phân tích đặc biệt nào đó, khiến cho tôi có thể thêm nét đặc sắc nào đó vào kho tàng tài liệu lớn và có giá trị về Marx.2
Khi các vị chủ nhà Nhật mời tôi trình bày báo cáo này, họ nhấn mạnh rằng có hai sự kiện gắn với nhau. Một là có một hội thảo chuyên môn về Karl Marx, và báo cáo của tôi sẽ được trình bày trong khuôn khổ hội thảo đó. Sự kiện khác là Đại học Kanagawa kỷ niệm tám mươi năm thành lập. Khi họ biết rằng năm nay các nhà kinh tế học Hungary đã mừng sinh nhật lần thứ 80 của tôi, tức là chính xác tôi cùng tuổi với đại học của họ, có lẽ hợp nếu tôi có thể tham gia lễ kỷ niệm thành lập với báo cáo của mình. Đó là một niềm vinh hạnh lớn và tôi rất cảm ơn các vị chủ nhà đã mời. Tôi chào mừng các bạn nhân dịp sinh nhật này với những lời chúc nồng nhiệt và với sự đồng cảm của một người 80 tuổi.
Bởi vì bản thân lời mời có tính chất cá nhân, có lẽ có thể chấp nhận được, nếu giọng bài trình bày của tôi mang tính chủ quan. Tôi không truyền đạt lập trường tập thể loại nào đó của các trí thức Đông Âu, mà tôi kể chuyện cá nhân của chính mình. Cuộc sống của mỗi cá nhân là đơn nhất và khác với cuộc sống của mọi người khác. Thế nhưng, tôi có thể nói thêm rằng từ nhiều khía cạnh câu chuyện của riêng tôi có tính điển hình. Nếu không phải là toàn bộ đường đời của tôi, nhưng các pha khác nhau của nó có thể đại diện cho các pha tương tự của cuộc sống của nhiều người khác. Khi hồi ký tự sự của tôi, cuốn Bằng sức mạnh tư duy, được xuất bản, nhiều người tìm đến và nói với tôi rằng đọc ký sự cá nhân của tôi về một giai đoạn hay giai đoạn khác họ nhận ra câu chuyện của chính họ.3
Tôi hy vọng điều này cũng đúng hôm nay, khi tôi kể về: quan hệ của tôi đã như thế nào với những tư tưởng của Marx trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời riêng của tôi (và của lịch sử mà đã ảnh hưởng rất lớn đến đời tôi).
Tôi chỉ lựa ra vài tư tưởng trong sự nghiệp vô cùng phong phú của Marx. Chỉ để trình bày những nhận xét riêng của tôi liên quan đến mỗi tư tưởng này thực ra cũng cần đến một hai tiểu luận, thế mà trong khung khổ hiện tại tôi chỉ có nhiều nhất vài phút cho mỗi ý đó. Vì thế tôi không thể đưa ra những lập luận phân tích chi tiết. Tôi hy vọng rằng thể loại được chọn – tường thuật câu chuyện chủ quan về mối quan hệ của tôi với công trình của Marx – sẽ cho phép việc thảo luận các đề tài lớn với nhịp độ rất cao.
* Nguyễn Quang A dịch dựa vào nguyên bản tiếng Hungary, “Marx egy ketet-erópai értelmiségi szemével” và bản dịch tiếng Anh, “Marx through the eyes of an east european intellectual”. Có thể tiếp cận cả hai bản tại: http://www.colbud.hu/fellows/kornai.shtml
1Tôi cảm ơn Dániel Zsuzsa, Madarász Aladár, và Nagy Eszter vì sự giúp đỡ quý báu của họ cho việc soạn tiểu luận này. Tôi cảm ơn Brian McLean đã dịch sang tiếng Anh, cảm ơn Collegium Budapest và Đại học Trung Âu đã hỗ trợ nghiên cứu của tôi.
2Tôi chọn ra các công trình sau từ văn liệu gần đây và đương đại: Elster (1991), Foley (1986), Kolakowski (1978), Mandel (2008), Roemer (1986 và 1994) và Tabbit (2006).
3Các sách giáo khoa về lịch sử lý thuyết được dùng ở các đại học phương Tây – hay chí ít các sách giáo khoa được xuất bản trong mười năm lại đây – có nhắc đến các công trình của Marx nhưng thường không phân tích hay đánh giá chúng một cách sâu sắc. Xem, thí dụ, Backhouse (2002) và Vaggi and Groenewegen (2006)
...
Cái tiếp tục sống từ các học thuyết của Marx
Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, quan điểm khá phổ biến trong giới trí thức khắp thế giới rằng các tư tưởng của Marx đã sụp đổ một lần và mãi mãi. Thấy đấy, lịch sử đã phủ nhận điều đó. Không phải một lần tôi bắt gặp những bài viết huyênh hoang hay bài nói ngạo mạn: Marx đã là “passé –quá khứ”, lỗi thời, và không cần quan tâm thêm.
Trong những ngày này, khi khủng hoảng diễn ra, hình thành đúng là tâm trạng ngược lại. Marx lại trở thành mốt. Trong các giới chính trị gia và nhà báo, việc dẫn chiếu đến những tiên đoán mang tính tiên tri của Marx trở nên sang trọng, khi người ta vẽ ra những cảnh tượng kinh hoàng về sự sụp đổ đến nơi của chủ nghĩa tư bản. Đột nhiên Tư bản luậntrở thàng sách bán chạy nhất.
Cả hai trào lưu mốt này đều không có căn cứ. Với công trình của ông Marx đã không chỉ ghi tên mình vĩnh viễn vào lịch sử chính trị và tư tưởng, mà nhiều tư tưởng của ông ngày nay cũng vẫn đứng vững, và giúp cho sự hiểu biết thế giới đương đại. Tôi sẽ quay lại ngay vấn đề này. Nhưng trước đó tôi muốn nói vài lời về sự phục hưng gần đây nhất của Marx. Đúng là Marx thường đưa ra các lời tiên tri được lặp đi lặp lại, theo đó trong chủ nghĩa tư bản có các lực tự hủy diệt hoạt động, các lực đó sẽ dẫn hệ thống đến khủng hoảng chí tử và sụp đổ. Ngay cả một vài trong số các nhà nghiên cứu-Marx, những người khính trọng các tư tưởng của Marx nhất, cũng thừa nhận rằng dòng tư duy giải thích sự sụp đổ cuối cùng là khó theo dõi, bí ẩn, khó hiểu, hay đơn giản là sai lầm.
Tôi không thích tiên tri, và tôi đã học được ngần ấy từ kinh nghiệm riêng của mình rằng những thay đổi có tầm quan trọng lịch sử thế giới nhiều khi lại diễn ra một cách đột ngột không ngờ được. Tôi không biết cơ cấu xã hội sẽ như thế nào trong tương lai. Tôi chỉ có thể nói ngần này: trong tầm nhìn của tôi không xuất hiện sự kết liễu của chủ nghĩa tư bản, và lời tiên tri của Marx về sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội còn ít có khả năng trở thành hiện thực hơn. Theo tôi những nền tảng của chủ nghĩa tư bản tỏ ra vững chắc hơn thế nhiều. Tất nhiên vấn đề sẽ không thể được giải đáp bởi cuộc đấu khẩu, tranh luận giữa các lời tiên tri tranh cãi nhau, mà bởi lịch sử tương lai. Ngày nay chúng ta chỉ có thể khẳng định ngần này với sự chắc chắn hoàn toàn rằng hiện thời chủ nghĩa tư bản đang co giật – nhưng vẫn sống.
Trong báo chí hàng ngày chúng ta có thể đọc thấy những tuyên bố của các chính trị gia và các nhà báo rằng sự “soviet hóa” của thế giới phương tây đã bắt đầu. Bởi vì cái gì khác có thể giải thích cho sự thực rằng chính phủ của một số nước không cho không các khoản cứu trợ, mà thay vào đó đòi quyền sở hữu [các doanh nghiệp được cứu trợ]. (Hãy để tôi nói thêm: muộn hơn chính phủ có thể tư nhân hóa [bán] sở hữu nhà nước này, trừ trường hợp có loại đảng cộng sản nắm được quyền ở Hoa Kỳ và ở Anh mà đảng đó kiên quyết áp dụng mô hình Soviet bằng mọi giá). Những kẻ huyên thuyên về “soviet hóa” và về việc đưa chủ nghĩa xã hội vào, là những kẻ tự bộc lộ về mình rằng họ không những không hiểu Marx, mà cũng chẳng biết gì về lịch sử của Liên Xô và các nét đặc trưng thực sự của hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, đáng nhấn mạnh rằng có thể thấy những nhận xét thiên tài trong tập I và tập III của Tư bản luận về sự bành trướng tín dụng quá đáng lúc này lúc khác và về tác động gây khủng hoảng của nó. Có lẽ ông là người đầu tiên, hay chí ít cũng là một trong những người đầu tiên, chú ý đến hiện tượng rằng bành trướng tín dụng dẫn đến sản xuất thừa (theo thuật ngữ Marxian) như thế nào, tức là dẫn đến sản xuất vượt cầu thực sự, hay là dẫn đến thừa năng lực cần thiết để đạt mức sản xuất quá cao. Và quá trình bành trướng gia tăng này tiếp tục cho đến khi chuỗi cho vay bắt đầu đột ngột đứt tung.
Trong một–hai thập kỷ qua đã có các kinh tế gia hàn lâm và các chuyên gia tài chính thực tiễn nhận ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong việc cho vay vô trách nhiệm, tính toán sai lầm những rủi ro, và trong yếu kém của sự điều tiết hệ thống tín dụng, thậm chí đã đưa ra những kiến nghị để ngăn ngừa tai họa, nhưng người ta đã không lắng nghe họ.
Những lời cảnh báo tỉnh táo này không đến từ các giới Marxist, cũng chẳng đến từ những kẻ thù cấp tiến của chủ nghĩa tư bản, mà đến từ những tín đồ chăm lo bảo vệ chủ nghĩa tư bản, từ các nhà phê phán tập quán cho vay hiện hành, từ các nhà cải cách hệ thống.
Còn bây giờ quay trở lại khung khổ kể chuyện chủ quan, tôi muốn nói vài lời về các tư tưởng đáng làm bài học nhất cho tôi từ những tư tưởng ngày nay vẫn còn đúng của Marx. Nhà bác học thiên tài này đã thực sự làm tràn ngập chúng ta với những dòng thác ý tưởng và các công cụ phân tích. Trong tiểu luận ngắn này tôi đã tranh luận với vài tư tưởng rất quan trọng của ông, và tôi đã ra hiệu rằng về phần mình tôi không chấp nhận chúng. Thế nhưng – nếu tôi vẫn có thể tiếp tục nói nhân danh cá nhân mình – có nhiều đóng góp quan trọng của Marx đối với tư duy khoa học, mà tôi vẫn tiếp tục chấp nhận, và tôi cố gắng sử dụng chúng. Tôi chỉ giới hạn ở vài thí dụ sau đây.
Hầu hết chúng ta thường dẫn chiếu đến Schumpeter, khi nói đến “sự sáng tạo hủy diệt”. Chúng ta nghĩ đến các nhà kinh doanh, các nghiệp chủ, những người tổ chức việc đưa ra các sản phẩm mới, các công nghệ mới, phương thức quản lý mới, chiếm lĩnh các thị trường mới. Và bên cạnh đó chúng ta nghĩ đến sự phát triển tư bản chủ nghĩa do Schumpeter mô tả, nó phá hủy thế giới cũ, tạo ra thế giới của riêng nó, phương thức sản xuất của riêng nó thế vào đó, áp đặt chúng lên xã hội. Tuy nhiên, chúng ta phải nói ngay, Marx và Engels đã mô tả quá trình này, lực lượng tạo ra và lực lượng hủy diệt của chủ nghĩa tư bản, trước rất lâu rồi, trong những dòng đầu tiên đầy quyến rũ của Tuyên ngôn Cộng sản. Theo quan niệm của kinh tế học chính trị Marxian các nhà tư bản có vai trò nổi bật trong tổ chức quá trình đổi mới kỹ thuật.
Trước và sau Marx sự chú ý của đa số các nhà kinh tế tập trung vào các trạng thái cân bằng, mà cụ thể là vào một trường hợp đặc biệt của cân bằng thị trường, khi cầu và cung cân bằng với nhau. Muộn hơn kinh tế học gọi trạng thái cân bằng đặc biệt này là cân bằng Walrasian. Bên cạnh Malthus, Marx là người mở đường của hướng nghiên cứu phân tích các trạng thái lệch khỏi cân bằng thị trường, cụ thể là không chỉ nghiên cứu những thăng giáng ngẫu nhiên xung quanh cân bằng thị trường (Walrasian), mà cả những sự lệch kéo dài nữa. Marx đặc biệt quan tâm đến thị trường sức lao động về khía cạnh này, trong đó cung cao hơn cầu không chỉ tạm thời mà kéo dài. Marx đã không thử đưa ra lời giải thích nhân khẩu học, mà đưa ra lời giải thích kinh tế học khi ông khảo sát hiện tượng mà ông gọi là “nạn nhân mãn [quá nhiều người] tương đối”. Ngày nay cũng tình trạng này, tình trạng dư cung sức lao động kéo dài, được kinh tế học sức lao động gọi là cân bằng thất nghiệp. (Xem thí dụ, Layard-Nickell-Jackman 2005, p. 8 và 11). Ít người nhớ rằng Marx là ông tổ mở đường. Về phần mình, tôi nhấn mạnh, trước hết tôi học từ Marx rằng đáng chú ý nhường nào đến những sự lệch kéo dài khỏi cân bằng thị trường.11
Tôi không biết chính xác lịch sử về khái niệm “chủ nghĩa tư bản” hình thành ra sao và được đưa vào tư duy khoa học như thế nào. Tôi tin, tôi không nhầm, nếu tôi khẳng định: từ lâu hầu hết các chính trị gia, các nhà bình luận và các nhà khoa học xã hội gắn sự đưa vào khái niệm “chủ nghĩa tư bản” với Marx và trào lưu tư tưởng Marxist, và đối sánh hệ thống tư bản chủ nghĩa thực sự hình thành về mặt lịch sử với một thế giới mới, với hệ thống xã hội chủ nghĩa mà trước đó Marx mới chỉ tiên tri và ao ước. Marx không hình dung cái sau (hệ thống xã hội chủ nghĩa) như một sự không tưởng, mà như một thực tế lịch sử chắc chắn sẽ xuất hiện.
Sự tạo khái niệm này gắn mật thiết với học thuyết liên quan đến các phương thức sản xuất kế tục nhau, khác nhau về những đặc trưng quan trọng nhất.
Thành phần quan trọng này của tòa lâu đài trí tuệ của Marx ngày nay vẫn có ảnh hưởng mạnh đến tư duy của tôi. Trong một bài viết của mình tôi gọi cách xem xét này là “khung mẫu hệ thống–system paradigm”, tức là cách xem xét không tách một lát (cắt) duy nhất, phần được giới hạn duy nhất của xã hội, ấy là lĩnh vực chính trị, lĩnh vực văn hóa và tư tưởng hay nền kinh tế, mà tập trung vào cái toàn thể do các phần đó tạo nên.
Nó tập trung chú ý đến các phần khác nhau phụ thuộc lẫn nhau thế nào, những mối quan hệ nào hình thành giữa chúng. Nó không mô tả hệ thống trong bức ảnh tĩnh chụp chớp nhoáng, mà nó cố hiểu động học của hệ thống, như hệ thống diễn ra trong lịch sử. Marx là người mở đường vĩ đại và bậc thầy vô song của system paradigm. Cùng một lúc, trong một cá nhân, ông vừa là nhà kinh tế, nhà xã hội học, nhà khoa học chính trị và nhà sử học. Thời đó, đã chẳng ai dùng từ “liên ngành–interdisciplinary”, nhưng ông đã nêu một tấm gương về làm thế nào để vượt lên trên giới hạn chuyên ngành hạn hẹp và nghiên cứu với tư cách một nhà khoa học xã hội toàn diện.
Người ta thường hỏi, tôi có là nhà Marxist hay không? Câu trả lời của tôi dứt khoát là không.12Những người khác nói: tôi thuộc trường phái Áo, hay tôi là người theo trường phái Keynes, tân cổ điển hay tân tự do, và v.v. Tôi lắc đầu từ chối trong mỗi trường hợp. Tôi không là một tín đồ vô điều kiện của một trường phái hay chủ nghĩa nào cả. Nếu những người khác thử làm việc đó, tôi cũng chẳng để mình bị nhốt trong một cái hộp nào.
Tôi ưa thú nhận rằng các thành tố của tư duy của tôi – mượn các từ châm biếm của Engels – hòa lẫn thành cháo biện chứng của kẻ ăn mày. Nếu tôi có thiện chí hơn với bản thân mình, tôi vui lòng nói rằng tôi cố gắng tích hợp nhiều loại trào lưu tư tưởng. Khi phải nêu tên những người đã có ảnh hưởng nhiều nhất đến tôi, tôi thường nhắc đến tên Schumpeter, Keynes, Hayek, nhưng cùng trong danh sách này tên của Karl Marx luôn đứng ở vị trí đầu tiên.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành