Sự khác biệt mới làm giàu có tâm hồn

07:56 SA @ Thứ Sáu - 16 Tháng Mười, 2015

“Người đọc có tìm những “khác biệt” để đọc hay còn có những yếu tố khác nữa? Người kinh doanh có quan tâm đến giá trị tinh thần khi lựa chọn “kinh doanh” tác phẩm văn học? Điều gì tạo nên giá trị của tác phẩm văn học Việt Nam?”- đó là những nội dung nhỏ trong buổi trao đổi giữa phóng viên báo điện tử Tổ Quốc với nhà văn Ngô Tự Lập, một nhà văn tiếp xúc nhiều với văn học nước ngoài.

PV: Theo nhà văn, một tác phẩm văn học nước ngoài có những tiêu chí gì sẽ được chọn dịch tại Việt Nam. Và ngược lại, liệu tiêu chí đó có thể áp dụng cho tác phẩm văn học Việt Nam khi được dịch ra nước ngoài không?

Nhà văn Ngô Tự Lập: Tôi nghĩ khi người ta đọc văn học nước ngoài, cái đầu tiên chưa chắc đã phải là giá trị văn chương. Tất nhiên một tác phẩm mà giá trị văn chương rất kém thì người ta sẽ không đọc. Nhưng cái mà người ta tìm kiếm đầu tiên là sự khác biệt. Người ta đọc văn học của nhau bởi vì văn học là thứ nghệ thuật mang trong nó đầy đủ nhất tâm hồn và ký ức của một dân tộc. Và với nghĩa như thế, nền văn học nào cũng đủ giàu có để cho dân tộc khác đọc.

PV: Anh vừa nói rằng sự “khác biệt” là lý do để các dân tộc đọc nhau. Vậy còn sự “tương đồng” thì sao? Ví dụ, tại sao một tác phẩm như “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư lại được một số nước châu Á mà nền văn hoá có những nét tương đồng với Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật dịch?

Nhà văn Ngô Tự Lập: Tâm hồn các dân tộc đều giàu có, nhưng sự quan tâm thì không giống nhau. Người ta đọc tâm hồn của nhau trước hết vì có lý do để đọc, để quan tâm. Chẳng hạn, văn học Hàn Quốc được dịch nhiều hơn vì một phần Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc, khiến thế giới phải quan tâm. Văn học Nhật còn được dịch nhiều hơn nữa vì Nhật đã trở thành cường quốc từ rất lâu rồi. Họ khiến các dân tộc khác phải ngưỡng mộ. Nhưng lịch sử còn có cái ngẫu nhiên, có sự trùng hợp và cả cái duyên nữa. Đôi khi, chỉ vì tình cờ mà người ta chọn một tác giả hoặc một dân tộc này để đọc trước tác giả hoặc dân tộc khác. Bạn vừa nói đến sự tương đồng. Đôi khi tương đồng cũng là một lý do, nhưng thông thường, chính sự khác biệt mới khiến người ta thú vị. Sự khác biệt mới làm giàu có tâm hồn chúng ta. Sự tương đồng cũng có thể là lý do. Ví dụ như khi buồn chúng ta cần sự chia sẻ.

Người Mỹ hay người Pháp chưa dịch Nguyễn Ngọc Tư thì không có nghĩa là họ không dịch. Như trên tôi đã nói, lý do có thể là sự tình cờ, cái duyên. Chẳng hạn, người giới thiệu là ai? Nói thế để thấy rằng chất lượng tác phẩm và sự quảng bá là những lý do ít nhiều quan trọng, nhưng không phải là lý do quyết định.

PV: Xuất khẩu cũng như nhập khẩu văn chương vừa đem lại lợi nhuận- giá trị vật chất, vừa mang lại giá trị tinh thần khi giới thiệu được văn hoá và nhiều thứ khác của một đất nước. Trong hai giá trị ấy thì cái nào được quan tâm hơn?

Nhà văn Ngô Tự Lập: Đã là nhà kinh doanh thì phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Người ta không thể từ thiện mãi được. Tuy nhiên chúng ta không nên tách rời một cách thái quá hai mặt của vấn đề. Lợi nhuận của người làm sách gắn liền với chất lượng sách. Vì chất lượng dở thì sẽ không có ai mua, và cũng sẽ không có lợi nhuận nữa. Đúng là chúng ta phải phân biệt hai khía cạnh nghệ thuật và vật chất, nhưng đồng thời cũng cần phải gắn kết chúng với nhau. Bởi nếu nhà xuất bản không tồn tại được thì sẽ không có bất kỳ thứ văn học nào hết, chưa nói đến hay dở. Hai mặt thực ra nó vẫn là một thôi. Người đứng đắn thì kinh doanh cũng đứng đắn, kinh doanh nghệ thuật cũng đứng đắn.

PV: Nhưng trong quan niệm của nhiều người trong chúng ta thì ngoài văn học nghệ thuật còn có văn học giải trí. Ví dụ như những tác phẩm của Marc Lévy chẳng hạn, nhiều nhà văn nói rằng đó không phải là nghệ thuật, rằng họ khó mà kiên trì có thể ngồi đọc hết một trang. Thế nhưng nhà xuất bản vẫn dịch, vẫn bán, thậm chí lượng phát hành khá cao và người mua rất hào hứng?

Nhà văn Ngô Tự Lập: Cuộc sống rất đa dạng, giải trí cũng có nhiều cách, đối với nhiều đối tượng. Cá nhân tôi cũng không thích những tác phẩm của Marc Lévy. Đối với tôi thì đọc ông không thể coi là giải trí được. Đọc một cuốn sách triết học đối với tôi gần với sự giải trí hơn. Trong khi đó, nhiều người lại thích cuốn sách mà chị vừa nhắc. Sự giải trí của đối tượng này không phải là giải trí với đối tượng kia. Thế thì xã hội cần nhiều hàng, nhiều loại dịch vụ, cho nhiều mục đích và đối tượng khác nhau. Vì thế tôi nghĩ ngay cả cách dùng từ “giải trí” cũng cần phải thay đổi.

PV:Theo nhà văn thì chúng ta nên thay đổi từ “giải trí” là gì?

Nhà văn Ngô Tự Lập: Có thể dùng từ “đại chúng”. Đại chúng chưa chắc đã dở. Đại chúng có thể là một kiệt tác.

PV: Có người nói rằng: “Các tác phẩm văn chương của Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ đâu cần làm gì mà các đối tác nước ngoài ùn ùn hỏi mua về dịch”. Xin được hỏi, là người tiếp cận nhiều với văn học nước ngoài, lý do để các đối tác nước ngoài khác chọn dịch tác phẩm của các nước đó là gì? Có phải văn học của họ có nhiều sự “khác biệt” hoặc là thật sự có “giá trị nghệ thuật”, hay do họ biết cách “quảng bá”?

Nhà văn Ngô Tự Lập: Tôi từng học và làm việc khá lâu ở Mỹ, đọc văn học Mỹ cũng khá nhiều. Thật ra, người Mỹ rất ít đọc sách của nước ngoài. Trong khi đó các nước khác dịch rất nhiều sách của Mỹ, cả sách “đại chúng”, hay như chị nói là “giải trí”, lẫn sách hàn lâm, cao cấp. Tại sao lại như thế trong khi tâm hồn tất cả các dân tộc đều bình đẳng, và mọi trái tim đều bình đẳng? Vì vị trí xã hội không bình đẳng. Như tôi đã nói ở trên, sách của Mỹ được dịch và đọc nhiều vì toàn thế giới ngưỡng mộ họ về kinh tế, khoa học… Việt Nam, thời chiến tranh chống Mỹ, từng được cả thế giới quan tâm. Dù quan điểm chính trị khác nhau, họ buộc phải quan tâm đến Việt Nam.

Về vấn đề quảng bá văn học, nếu chỉ dừng lại ở những biểu ngữ, ở những hội thảo thì không mấy tác dụng. Cách quảng bá hiệu quả nhất chính là phát triển đất nước. Hãy biến Việt Nam thành một cường quốc, một biểu tượng của phát triển. Hãy biến Hà Nội và Sài Gòn thành những thành phố đẹp nhất, sạch nhất thế giới, lúc đó họ sẽ quan tâm tới chúng ta. Cách đó hiệu quả hơn nhiều sơ với việc nói rằng các bạn hãy đọc chúng tôi đi vì chúng tôi hay lắm. Tôi nghĩ văn học dân tộc nào cũng hay.

PV: Ông nói thời chống Mỹ chúng ta được cả thế giới quan tâm, văn học vì thế cũng được nhắc đến. Vậy nếu hiện nay, chiến tranh đã đi qua, giả sử những tác phẩm văn học đề cập đến chiến tranh quá ít. Không lẽ muốn thế giới biết đến văn học Việt Nam chúng ta phải đợi những điều có vẻ thần kỳ như kiểu “Hà Nội đẹp nhất thế giới, Sài Gòn sạch nhất thế giới”sao?

Nhà văn Ngô Tự Lập: Hiện nay Việt Nam cũng đang dần dần trở thành một biểu tượng của sự phát triển đấy chứ. Độc giả nhiều nước như Thuỵ Điển, Pháp, Bỉ… cũng bắt đầu quan tâm trở lại Việt Nam. Ở một khía cạnh nào đó có thể nói rằng, công lao hàng đầu cho việc quảng bá hình ảnh Việt Nam và văn chương Việt Nam sau những năm tháng chiến tranh thuộc về những người nông dân. Người nông dân chứ không phải người viết văn, càng không phải Hội Nhà văn, tôi nghĩ thế. Người nông dân đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo đói thành một nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Và điều ấy làm cho rất nhiều người quan tâm.

PV: Nói như vậy thì việc hô hào nhà văn hãy viết thật hay đi, thế giới sẽ biết đến mình không phải là vấn đề tiên quyết như kiểu “hữu xạ tự nhiên hương?

Nhà văn Ngô Tự Lập: Nhà văn thì vẫn phải viết cho hay. Đó là lẽ sống của họ. Đôi khi “hữu xạ” nó cũng “tự nhiên hương”. Nhưng không thể tách văn chương khỏi xã hội. Văn chương là tâm hồn con người. Mỗi truyện ngắn hay mỗi bài thơ xuất hiện không chỉ nhờ công lao động của nhà văn, mà còn nhờ mảnh đất này, xã hội này. Nó làm nên cuộc sống được các nhà văn, tài nhiều hay ít, mô tả, ghi chép, hư cấu nên. Nhiều khi tác phẩm ra đời như là sự may mắn, thực ra nó được sự gợi ý nhờ cuộc sống. Cuộc sống luôn luôn giàu có hơn trí tượng tượng của nhà văn. Nhà văn phải biết ơn cuộc sống trước hết. Chính cuộc sống làm cho chúng ta có tác phẩm. Nhà văn phải cố gắng, nhưng phải cố gắng cùng dân tộc.

PV: Theo ông thì hiện nay chúng ta có thị trường văn chương ở nước ngoài không?

Nhà văn Ngô Tự Lập: Tôi nghĩ là có, nhỏ nhưng là có. Ví dụ như cuốn thơ “Till: igar” (Cho ngày hôm qua) in tại Thuỵ Điển, giới thiệu 12 nhà thơ Việt Nam được đánh giá khá cao. Một số cuốn sách của chúng ta thực sự thành công ở tầm quốc tế như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, thơ Hồ Xuân Hương bán khá chạy ở Mỹ. Một tuyển tập các truyện ngắn trẻ “Tầng trệt thiên đường” phát hành ở Pháp cách đây 5 năm cũng là một cuốn bán khá chạy.

PV: Trong bối cảnh văn chương hiện nay của Việt Nam thì chúng ta phải “tự tạo thị trường” hay phải “đi tìm thị trường” văn chương cho riêng mình?

Nhà văn Ngô Tự Lập: Như tôi nói thị trường to hay nhỏ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố lớn nhất là vị trí của dân tộc mình. Nhưng chúng ta cũng nên chủ động tìm các cơ hội. Việc chủ động quảng bá cũng sẽ có ích. Trong số việc chủ động đó, có một việc tôi nghĩ khá quan trọng là phải có một tạp chí. Trước đây tôi từng tâm huyết với tạp chí “Việt Nam văn học” bằng tiếng Anh. Nhưng thực ra đó không phải là tạp chí, mà chỉ là 1 số đặc san để phục vụ “Hội nghị quảng bá văn học” đầu năm 2010. Tạp chí đó đến nay vẫn chưa có giấy phép.

Tôi nghĩ một tờ tạp chí không chỉ giới thiệu các tác phẩm cổ điển và đương đại mà cả nghiên cứu - phê bình và các vấn đề liên quan đến đời sống văn học rất cần thiết và và hoàn toàn không phải đắt đỏ gì. Nếu in 1000 bản thì hết khoảng 200 triệu/số. Một năm có 4 số thì hết khoảng 800 triệu. Kể cả khi không bán được cuốn nào và không hề có quảng cáo thì đó cũng là một con số không đáng kể về tài chính. Các bản dịch trên tạp chí hoàn toàn có thể đăng lại trên website. Khi đó sự lan tỏa rất nhanh. Dĩ nhiên, còn nhiều việc khác cần làm, nhưng tôi nghĩ tạp chí là thứ có thể làm được và nên làm ngay.

Xin cảm ơn nhà văn!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tính đa dạng của văn hóa

    24/11/2014Nguyễn Trần BạtVăn hoá là môi trường tinh thần của con người, nó phải đa dạng, và vì nó đa dạng cho nên khi thời đại thay đổi, khi các điều kiện thay đổi thì các yếu tố có khả năng thích nghi trở thành yếu tố trội. Có thể nói, đa dạng tinh thần là đặc trưng quan trọng nhất của một nền văn hoá được hình thành một cách tự nhiên. Chúng ta không có sự đa dạng tinh thần ấy. Chúng ta truyền bá một nền văn hoá lấy tập thể làm cái cốt lõi của đời sống tinh thần. Chúng ta phê phán các khái niệm, các vấn đề liên quan đến đời sống cá nhân và chúng ta làm biến mất cá nhân, làm biến mất các module để hình thành ra cấu trúc xã hội...
  • Khoảng cách thế hệ: có đáng sợ?

    30/08/2013Nguyễn Thị Ngọc HảiKhông phải bây giờ mới có vấn đề này. “Chứng cớ” là từ điển Oxford đã có nó từ lâu với định nghĩa rất khoa học: generation gap là sự khác biệt về thái độ giữa những người khác thế hệ. Trong đó, chữ “thái độ” được giải thích là sự suy nghĩ và cảm nhận như thế nào về một sự việc, một người nào đó.
  • Chinh phục các đợt sóng văn hóa - Những bí quyết kinh doanh trong môi trường văn hóa đa dạng

    23/08/2009Những nhà quản lý thành công phải biết thích nghi với mọi nền văn hoá, vượt ra khỏi vòng quản lý bé nhỏ của riêng mình, cùng nhau hợp thành một hệ thống vận hành chức năng hoàn hảo. Chinh Phục Các Làn Sóng Văn Hoáxoá tan đi những quan niệm rằng chỉ có duy nhất một cách để quản lý và đây là cuốn sách đầu tiên chỉ cho những nhà quản lý chuyên nghiệp cách xây dựng những kỹ năng giao thoa văn hoá cần thiết trong môi trường kinh doanh toàn cầu...
  • Bản sắc văn hoá - tính tương đối của sự đa dạng

    25/08/2005Ngô Tự LậpThế nhưng chúng ta cũng không thể không nói đến niềm hân hoan khi tiếp xúc với những miền đất lạ, những tiếng nói lạ hay những giai điệu xa xôi. Những gì diễn ra trong quan hệ giữa các nền văn hoá vào phút giây gặp gỡ gieo trồng những cảm xúc giống như tình yêu trai gái khi lần đầu ánh mắt giao nhau. Tất cả nói lên điều gì? Bản sắc đóng vai trò như thế nào trong đời sống nhân loại? Và sự đa dạng về bản sắc có cần đạt đến bằng mọi giá hay không?
  • Toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá

    18/07/2005Dương Thuấn, Mai Văn HaiVăn hoá Việt Nam đang có nguy cơ bị văn hoá nước ngoài lấn át và mất dần đi bản sắc dân tộc! Đã có không ít bài viết cảnh báo về vấn đề này và bày tỏ sự quan ngại đó. Thực tế có đáng lo như vậy hay không? Trước tình hình toàn cầu hoá nhanh chóng như hiện nay, hội nhập là tất yếu, không có con đường nào khác nếu muốn phát triển. Để làm sáng tỏ về vấn đề này, chúng tôi muốn nói đến việc toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá.