Khi 'triết học' đi ra 'đường phố'

03:41 CH @ Thứ Năm - 19 Tháng Chín, 2013

Một trang web liên quan đến…. triết học lại được tới 35.364 người bấm  “like”. Người thực hiện trang web này còn rất trẻ, và những người bấm “like” đa phần cũng còn rất trẻ. VietNamNet có cuộc trò chuyện với Nguyễn Hoàng Huy, “cha đẻ” của trang web triết học đường phố...

Bà cụ bán rau cũng có thể triết lý

Mới ngoài hai mươi, tại sao anh lựa chọn “món” mà hầu hết người trẻ mới nghe tên đã “dị ứng” này? Và vì sao lại là “đường phố”?

- Triết Học Đường Phố ban đầu được thành lập chỉ là một fanpage trên Facebook vào ngày 1-1-2011. Một con số rất đẹp, dễ nhớ, và đáng nhớ đúng không?

Triết Học  Đường Phố có gì đặc biệt hơn những fanpage khác? Điểm đặc biệt lớn nhất có lẽ là  chúng tôi chủ yếu không copy thông tin từ internet hay những trang khác và chia sẻ đến các bạn, hơn 80% nội dung trong page là do chính các admin đầy nhiệt huyết, tâm huyết tự viết lấy, dịch lấy, làm lấy. Chúng tôi không đi theo xu hướng, chúng tôi tạo ra xu hướng.

Bản thân tôi là một người rất thích đọc và sưu tầm những câu danh ngôn, châm ngôn, triết lý, vì ẩn chứa trong nó là những tinh hoa trí tuệ mà tất cả mọi người đều có thể học hỏi và áp dụng trong cuộc sống thường ngày. Nên tôi đã lập ra một fanpage trên Facebook với cái tên Triết Học Đường Phố chỉ với mục đích chia sẻ những câu nói và hình ảnh hay đó cho những ai có cùng sở thích.

Thoạt nghe qua cái tên có thể là sẽ có nhiều người cảm thấy "dị ứng". Họ dị ứng nhiều khi cũng phải thôi, bởi vì khi nói tới "triết học" hay "triết lý" đa số mọi người đều liên tưởng tới một thứ gì đó rất cao siêu, sâu xa, phức tạp, khó hiểu, và không dành cho số đông.

Tuy nhiên đối với tôi, triết học hay triết lý không nhất thiết là phải như vậy. Nó có thể chỉ là một câu nói rất đơn giản, bình thường. Nó có thể được phát ra từ một bà cụ bán rau, nó có thể được phát ra từ một em bé bán vé số... Bởi vì chân lý không thuộc về thẩm quyền.

Có thể sẽ có người hiểu lầm, trong “Triết Học Đường Phố” thì  "Triết Học" chỉ là phụ, chỉ để gây ấn tượng, "Đường Phố" mới là chính. Bởi vì đối tượng chúng tôi muốn nhắm đến không phải là những bậc tiến sĩ học sĩ trí thức hàn lâm, mà là mọi thành phần tầng lớp gần gũi thiết thực trong cuộc sống thường ngày, để ai cũng có thể tiếp cận được những triết lý mới, tư tưởng mới một cách không quá khó khăn.

Sự khác nhau giữa những bài trên trang web với những triết lý tầm phào?

- Website được thành lập sau hai năm rưỡi hoạt động trên Facebook là  một không gian mở, một sân chơi, một cầu nối cho mọi người có nơi để bày tỏ ý kiến, cảm xúc, cảm nghĩ, tự do ngôn luận…

Để được đăng bài trên trang web, tất cả các bài viết phải đạt được những tiêu chuẩn, chi tiết nhất định, những ai làm việc chung với tôi lâu ngày đều biết tôi là một người rất chú ý tới chi tiết, một dấu chấm, dấu phẩy sai quy tắc cũng khiến tôi khó chịu. Nên những ai không thật sự nghiêm túc sẽ khó có thể đạt được những tiêu chuẩn đó.

Nói như vậy không có nghĩa là tất cả những bài viết trên website bạn đọc sẽ không thấy tầm phào, bởi vì "tầm phào" là một tính từ chúng ta đặt ra để nói về những gì khác với quan điểm của chúng ta. Mà quan điểm khác nhau là chuyện bình thường trong đời. Quan điểm của tôi luôn là hãy cho nhau tự do, hãy nói không với bạo lực.

“Chúng tôi hiểu rằng triết học đích thực phải là những tư tưởng có thể giúp bạn trong cuộc sống thực tế, giúp bạn vượt qua những khó khăn trong đời, gợi ý cho bạn những cách ứng xử khéo léo đối với mọi người, cung cấp cho bạn trí tuệ để thoát khỏi những buồn khổ nếu gặp phải”. Tuy nhiên, những bài viết trên trang là do bạn và nhóm viết. dịch – tức là theo suy nghĩ, quan điểm của chính các bạn. Như vậy, các bạn tự tin rằng mình đúng?

- Không phải là chúng tôi tự  tin rằng chúng tôi đúng. Chỉ đơn giản là  chúng tôi muốn chia sẻ cho mọi người góc nhìn của mình, của những người thành công, những người đã qua nhiều trải nghiệm, những người có trí tuệ. Ai thấy đúng thì tốt. Ai không thấy đúng thì thôi. Chúng tôi không bao giờ muốn áp đặt ai chuyện gì.

Những người thích triết thường hay bị gán với từ… “hâm”. Nhưng tại sao fanpage trước đây và website sau này lại được ưa thích đến vậy?

- Bởi vì những gì mà  chúng tôi chia sẻ đa số ai cũng có thể  hiểu và đồng cảm được. Bạn chỉ "hâm" khi nào bạn cứ nói ra những điều huyễn hoặc, mơ  hồ, khó hiểu.

Hãy dạy cho sinh viên cách tư duy hợp lý

Sau 3 năm hoạt động, có những thất bại nào anh đã vấp phải? Và những bài học được rút ra để phát triển và duy trì thành công trang web đến hiện tại?

- Trong khoảng thời gian gần 3 năm hoạt  động, có một số dự án được đưa ra, nhưng làm được khoảng một thời gian thì đã bị bỏ ngang. Có thể xem đó là những thất bại. Hoặc là cách thức, hình thức, nội dung những bài đăng trên fanpage cũng đã thay đổi nhiều so với những ngày tháng đầu, cách quản lý, trả lời bình luận của thành viên...

Có một kinh nghiệm tôi có thể chia sẻ về cách quản lý bình luận là thường thì những bài đăng có nhiều người đồng ý sẽ không có nhiều người tham gia bình luận bằng những bài viết có nhiều người không đồng ý.

Không biết đó có phải là văn hóa, tâm lý chung của người Việt không hay sao mà người ta thích chê hơn thích khen. Mà khen hay chê là phụ thuộc vào cảm nhận riêng của từng cá nhân, không hề có tính chất tuyệt đối.

Tôi thấy chỉ cần có một người chê đầu tiên là những người đọc sau sẽ bị cái bình luận đó làm cho hoang mang, và thường là sẽ bị cái bình luận đó lôi kéo tư duy của họ, dẫn tới hiện tượng tâm lý bầy đàn. Một hiện tượng rất bất công cho các bài đăng.

Có một đoạn trích dẫn về thành công tôi chợt nhớ tới. "Hành tinh này không cần thêm những người "thành công". Nó vật vã mong cần thêm những người kiến tạo bình an, những người chữa lành, những người kể chuyện, và những người biết yêu thương. Nó cần những người vui sống ở nơi họ sống. Nó cần những người có đủ can đảm và đạo đức để tham gia giúp thế giới tháo gỡ những khó khăn, giúp biến đổi thế giới thành một nơi có tình người và có thể cư ngụ được. Những phẩm chất này có liên quan rất ít đến định nghĩa "thành công" mà xã hội đã đặt ra." - David Orr.

“Triết Học Đường Phố không phải là một thương hiệu, chúng tôi không có sản phẩm để bán cho đến lúc này, mà chỉ có những món quà để tặng|. Nhưng các anh có ý định phát triển lên không, để trở thành một thương hiệu có sản phẩm bán? Theo anh, sự “miễn phí” có đi kèm với “lâu dài” được không?

- Từ lâu tôi đã có ý định đó, hy vọng là một hai năm nữa nó sẽ được hiện thực hóa. Bạn hỏi miễn phí có đi kèm với lâu dài được không, chính xác là miễn phí cái gì mới được?

Đối với tôi, lòng tốt luôn luôn nên miễn phí, tình yêu luôn luôn nên miễn phí. Khi trong người bạn chứa đầy tình yêu thì bạn không thể làm gì khác hơn được là lan tỏa nó ra. Một tình yêu tổng thể bao trùm vô điều kiện.

Điều tôi đang nói tới thuộc khía cạnh tinh thần, vì có thể sẽ có người hiểu lầm, và có thể câu hỏi bạn có ý hỏi về mặt vật chất. Mà vật chất là thứ có hạn, trong khi tinh thần thì lại vô hạn.

Một người biết ý thức là một người biết "bánh quy lại" khi họ được "bánh ít đi". Bởi vì nếu không, một ngày nào đó họ sẽ mất hết những gì họ lấy được từ người khác, tôi nghĩ vậy.

Anh có nói “Chúng tôi hiểu rằng triết học không phải là một cái gì đó khô khan, chán ngấy được dạy trong các trường đại học”. Vậy việc “hiểu rằng” này anh có được từ đâu?

- Có lẽ như một trong những đặc điểm của "triết học" theo lối hiểu của đa số  là một cái gì đó khô khan, chán ngấy.

Bạn có đồng ý với tôi không? Bởi vì sao tôi lại không cho rằng thế? Bởi vì tôi muốn đưa ra một định nghĩa mới của riêng mình cho danh từ "triết học": một môn học về triết lý.

Mà triết lý suy cho cùng cũng chỉ là những quan điểm cá nhân, vì thế nó muôn màu như cuộc sống. Cái "triết học" mà hiện tại đang được giảng dạy ở các trường đại học ở Việt Nam chỉ có một màu, bạn có thấy như vậy không?

Với những gì thể hiện trên trang web, thì triết học đường phố và  triết học hàn lâm cách nhau quá xa. Từ việc thực hiện trang web, anh có cho rằng giáo dục triết học trong nhà trường cần thay đổi để phù hợp hơn với nhu cầu, nhận thức của bạn trẻ ngày nay?

- Nếu có thay đổi thì tôi chỉ muốn đưa ra một ý kiến là hãy giảng dạy một nền triết học tổng thể, đa chiều.

Đừng bảo sinh viên phải học về tư tưởng này, trường phái kia, nhưng hãy dạy cho sinh viên cách suy nghĩ, tư duy như thế nào cho hợp lý.

Đừng chỉ dạy cho sinh viên những thứ đã được biết từ lâu rồi và ép khuôn họ vào đó, mà còn nên biết khuyến khích sự sáng tạo ra những cái mới nữa, khuyến khích họ có được những tư duy độc lập, khuyến khích tinh thần đoàn kết. Triết học hàn lâm không phải là món ăn hằng ngày dành cho mọi người. Rất may là Triết Học Đường Phố không cố gắng chế biến ra món ăn đó.

- Cảm ơn anh.

Tôi ít khi tự giới thiệu bản thân cho người khác biết, vì tôi là một người hướng nội, và cũng không muốn hiều người biết nhiều về mình, trừ những người bạn bè thân thiết. Tôi nghĩ những ai quen thân với nhau sẽ biết nhiều về nhau hơn, nên giới thiệu chỉ là một hình thức đại khái. Vì thế nên tôi xin chỉ được tiết lộ những thông tin cơ bản như tên: Nguyễn Hoàng Huy, tuổi: (ta) con mèo, (tây) con cá (Song Ngư lai Bảo Bình) , sinh năm 1987, là cháu đích tôn trong dòng họ, sinh ra và lớn lên tại TP. HCM cho tới năm 16 tuổi thì sang Mỹ định cư cùng bố mẹ, một chị, và một em trai cho tới nay.

Nguồn:Vietnamnet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Triết học nhẹ nhàng của Trịnh Công Sơn

    23/05/2018John C. SchaferDưới đây là một bài viết về âm nhạc Trịnh Công Sơn qua cái nhìn tinh tế, thấu hiểu của John C. Schafer - một người Mỹ mà qua con đường nghiên cứu và tiếp xúc văn hóa đã trở về với văn hóa Việt.
  • Triết học không thể tách rời khỏi nhân cách và tâm hồn

    02/04/2018Nguyễn Thị Từ HuyNhiệm vụ của tôi là đưa ra ánh sáng điều mà chúng ta phải luôn luôn yêu mến và tôn sùng : bậc vĩ nhân. Như vậy ở đây triết học được nhìn như là biểu hiện và kết quả của nhân cách và tâm hồn. Triết học không thể tách rời khỏi nhân cách và tâm hồn...
  • Đổi mới việc dạy triết học trong nhà trường đại học ở nước ta hiện nay

    29/12/2010Nguyễn Trọng ChuẩnBàn về việc giảng dạy triết học cho các đối tượng khác nhau trong một quốc gia là chủ đề rất lớn. Tôi xin đề cập đến một phạm vi hẹp hơn là việc dạy triết học trong nhà trường đại học vì trong đó người học là đối tượng trẻ và đông đảo vừa mới bước chân vào cổng trường đại học đang rất háo hức tìm hiểu, khám phá kho tàng tri thức đồ sộ của nhân loại...
  • Bộ sách mới về triết học

    13/11/2010Lê HảiNhà xuất bản Tri Thức ra mắt công trình giới thiệu các hệ thống triết học của tác giả Nguyễn Ước, chia thành ba tập sách: Đại cương triết học Tây phương, Đại cương triết học Đông phương, và Các chủ đề Triết học.
  • Tiếu lâm và triết học

    03/03/2010Nguyễn Vạn PhúChuyện tiếu lâm và triết học là hai lĩnh vực rõ ràng không liên quan gì đến nhau; một bên đọc lướt để cười, một bên nghiền ngẫm để giải đáp những bí ẩn của cuộc đời. Thế nhưng hai tác giả Thomas Cathcart và Daniel Klein lại bỏ công viết một cuốn sách nhằm “tìm hiểu triết học thông qua chuyện tiếu lâm” với tựa đề “Plato và Platypus bước vào quán rượu…”.
  • Người ta cần triết học để làm gì?

    17/11/2009Nguyễn Thúy Vân... chính nội dung của những tri thức triết học và chỉ có nó mới làm sản sinh trong năng lực nhận thức của con người cách suy nghĩ và hành động phù hợp với hiện thực được phản ánh. Đó là lý do người ta cần đến triết học.
  • Đối thoại triết học giữa người và chó Léo

    06/11/2009N.V.NThử cất đi bộ mặt suy tư nghiêm trọng để cười cùng triết học khi đọc cuốn sách này. Cuốn sách viết về cuộc đối thoại giữa một con chó tên là Léo và ông bạn triết gia của nó. Câu hỏi lớn bao trùm cuốn sách mỏng này là: Một con người thì khác gì một con vật?
  • xem toàn bộ