Kìa, họ đang theo dõi bạn

02:26 CH @ Thứ Tư - 27 Tháng Năm, 2009

Chúng ta đang sống trong một thế giới bất an bởi thực tế, dù muốn dù không, bao quanh chúng ta biết bao cặp mắt, đôi tai đang nhìn ngó… nghe ngóng. Bạn không thể trốn thoát đâu! Một thiên la địa võng đang trùm lên bạn.

Những chiếc camera trên các ngã tư đường phố, tại các gian hàng siêu thị, trong phòng làm việc của bạn để thủ trưởng xem nhân viên làm ăn ra sao, của một thám tử tư chợt thấy bạn giống như người mà thân chủ của anh ta thuê tìm tung tích. Có thể cả chiếc camera gắn cổng nhà một VIP hoặc một đại gia nữa không chừng.

Bạn học tập hay làm việc trong cái thế giới số này tránh sao khỏi đánh bạn với chiếc máy tính, ở văn phòng thì máy công ty còn ở nhà thì máy của chính bạn đặt ở phòng làm việc mà nhà chật thì đặt ngay đầu giường. Nếu không nối mạng thì máy tính đã mất đi 3/4 công dụng của nó. Nghĩ thế nên bạn đã tháng tháng bỏ tiền ra nuôi sống các nhà dịch vụ mạng chẳng mấy tận tâm với khách hàng. Thế là chính bạn đã tự nguyện rước vào tận nhà một tên do thám nữa. Bởi lẽ không ít chiếc PC bị bí mật cài những phần mềm gián điệp mạnh vào một thời điểm nào đó. Biết sự có mặt của chúng, bạn đã dùng các chương trình diệt virus của các đại gia rất lớn tiếng khoe khoang mà không trục xuất nổi. Bạn lại liên tục chát chít với bạn bè và lập cả blog phải không? Lại thêm một lần “chết” đó!

Lại nữa, chắc chắn trong túi bạn nằm thu lu một “con dế”, thường xuyên ỉ eo mà lỡ nó có lạc đi một phút là bạn đã ngẩn ngơ, mất tự tin và cảm thấy mình cô đơn, lạc lõng như bị vứt ra khỏi thế giới. Dĩ nhiên bạn đã trải lòng mình qua nó. Những thầm kín ấy của bạn được chuyên chở đến một nơi trước khi đến người bạn định tâm sự. Thật quá dễ nếu tại đây, ai đó muốn ghi âm...

Bạn thấy chưa? Nào mình có tự do đâu! Trong cuộc sống hiện đại bị bao nhiêu kẻ nhúng mũi vào các chuyện riêng tư.

Cười đi, bạn đang được quay phim đấy

Kể từ ngày Mỹ bị khủng bố bằng hai chiếc máy bay lao thẳng vào Toà nhà Trung tâm Thương mại ở New York (11/9/2001), các camera quan sát trở thành mặt hàng bán chạy nhất ở khắp các thành phố lớn. Nó được bố trí ở những chỗ tập trung đông người, những nút giao thông, các siêu thị, các ngân hàng, thậm chí trước cổng các tư gia. Lý do chính là để bảo đảm an ninh. Chiếc camera của cảnh sát nối liền với máy tính có chương trình nhận dạng có thể phát hiện một tên tội phạm bị truy nã vô tình xuất hiện trước đám đông, lập tức phát tín hiệu báo động và sau đó là việc của cảnh sát. Chiếc camera nơi ngân hàng không ít trường hợp đã giúp truy tìm thủ phạm của những vụ cướp nhà băng...

Quả là camera đã bị lợi dụng thái quá. Bạn biết không, ở Pháp 24/24 giờ trong ngày có 1.500.000 chiếc camera, bố trí trên khắp lãnh thổ, chủ yếu tập trung tại 185 thành phố, đang hoạt động. Riêng Paris xấp xỉ 400.000 chiếc. Trong vài năm nay, doanh số bán ra các camera của Pháp đạt 300 triệu euro/năm. Vậy mà số máy vẫn tăng, chứng tỏ nó vẫn được... ưa chuộng với tư cách một phương tiện biến mọi người thành nghi can của một vụ việc nào đó, trong số đó có chính bạn.

Song London mới là một mô hình mẫu về sử dụng camera quan sát. Trong số 2.500.000 chiếc camera rải rác trên Đất nước sương mù, 150.000 chiếc “cắm” tại London. Ít hơn Paris, nhưng camera London lại đạt hiệu quả cao. Chỉ 800 chiếc dùng trong ngành giao thông, nhưng nó đã kiểm soát được 250.000 chiếc xe qua lại mỗi ngày, ghi lại số xe và gửi về Trung tâm lưu trữ. Theo thống kê, một người dân London hàng ngày đi làm, ghé siêu thị mua thực phẩm, dừng lại quầy mua tờ báo, lên xuống xe buýt thì trung bình 300 lần rơi vào góc quay của các camera.

Nhưng chẳng cứ Paris hay London, thành phố lớn nào ở châu Âu cũng bố trí một mật độ máy quay phim tương tự ở vị trí công khai hay bí mật.

Vậy nếu có dịp đi tham quan, du lịch châu Âu, bạn hãy tập cười sao cho có một nụ cười thật xinh, thật quyến rũ nhé. Hãy tâm niệm bên tai bạn luôn có một lời nhắc nhở:

- Cười đi, cười nữa đi, cười đến mỏi miệng thì thôi... bạn đang được quay phim đấy.

Tên chỉ điểm rình mò ngay trong phòng ngủ

Thời buổi này, “mù máy tính” khác nào mù chữ. Dù ở cơ quan bạn đã liên tục ngồi trước màn hình đến toét mắt, nhưng tại nhà, bạn cũng như hầu hết gia đình khác, có một máy tính cá nhân. Nhà rộng thì đặt tại phòng làm việc, nhà chật thì tại phòng ăn mà tiện hơn, đưa ngay vào phòng ngủ. Thành thói quen, ngày ngày hai vợ chồng cứ thay nhau lướt web. Nếu báo điện tử đã lợi dụng giờ hành chính đọc tại văn phòng thì về nhà cũng tranh thủ dowload một bài hát top hit trong tuần đang được bàn tán, tìm những địa chỉ shopping không mục đích, gửi chiếc email chúc sinh nhật bạn bè hay chat chít đôi câu với bồ ruột.

Mỗi lần đưa ngón trỏ click chuột, vô tình tạo một điều kiện để một chú virus nào đó lọt vào chiếc PC của bạn rồi. Trong số những kẻ đột nhập bất hợp pháp này, nếu không phải loại virus đầy ác ý, xoá những gì bạn đã lưu trong máy, can thiệp vào chương trình khác khiến chúng mất chức năng hoặc làm máy bị treo thì phổ biến nhất vẫn là spyware và adware. Spyware là một phần mềm gián điệp, một con ngựa thành Troy chui sâu vào khoảng không gian nội thất riêng tư vẫn được coi là nội bất xuất ngoại bất nhập. Tất nhiên tên chỉ điểm này chẳng nằm yên mà từ chỗ mai phục, nó lặng lẽ thu thập những thông tin về bạn. Nếu bạn đã tạo thêm một blog làm nơi giao lưu, trao đổi giữa nhóm bạn bè khép kín, thì càng nguy hiểm. Nó sẽ lấy được ảnh của bạn và những người thân, sẽ biết bạn là người thế nào, hoàn cảnh ra sao, có quan hệ với những ai, hay chia sẻ với bạn bè tâm tư gì, thường xuyên lo lắng về những chuyện gì, sở thích của bạn là gì, có gì làm bạn đang buồn bực... Nếu tò mò hơn nữa, nó còn qua email, vào kho tư liệu bác sĩ riêng của bạn để biết tình trạng sức khỏe của bạn thế nào, đang mắc bệnh gì. Với những tư liệu nó chuyển về cho “chủ”- có thể là một tổ chức mafia, hay chí ít cũng là các công ty kinh doanh thì tay chủ mưu đó, nếu muốn, có thể lập ra một hồ sơ khá đầy đủ về bạn. Còn những con virus adware thì sẽ mò ra password của bạn, đổ vào hộp thư hàng núi thư rác, bực mình nhất là thư gạ gẫm bạn mua Viagra, thuốc kéo dài “thằng cu tí” thêm vài centimet...

Tệ hại hơn, các spyware còn dò được mật khẩu của bạn, mã thẻ tín dụng, séc du lịch... để moi tiền của bạn gửi ở các ngân hàng và không ít món tiết kiệm, tưởng đặt vào nhà băng là yên tâm nhất bỗng chốc bay hơi.

Theo Webroot, một công ty sản xuất phần mềm chống virus thì 87% máy tính cá nhân bị nhiễm spyware. Công cụ tìm kiếm Google với thuật toán mạnh, bộ lưu trữ dung lượng lớn Gmail càng tạo điều kiện cho những tên chỉ điểm thu thập được nhiều dữ liệu cá nhân để phục vụ ai đó muốn tìm hiểu toàn diện về bạn... Có dư luận cho rằng Google thường cho phép giới chủ vào Kho lưu trữ để lập hồ sơ về các nhân viên làm công cho mình. Cuộc sống thời @ tại nước phát triển (mà ta trước sau thì cũng thế thôi) trao cho mỗi công dân của mình biết bao nhiêu loại thẻ có gắn chíp, từ chiếc chứng minh thư, bằng lái xe đến thẻ bảo hiểm y tế, thẻ đi xe bus hoặc metro... thì mỗi sản phẩm của nền văn minh ấy càng dễ cho kẻ tò mò ( chưa nói đến có ý đồ xấu) liên kết chúng lại, vẽ lên một bức chân dung cực kì tỉ mỉ và toàn diện về cá nhân bạn.

Công nghệ hiện đại phản bội chúng ta

Chỉ trên chục năm gần đây, những chiếc điện thoại di động đã xuất hiện và tăng nhanh một cách khủng khiếp. Dùng điện thoại di động đã trở thành thói quen không thể thiếu mà nếu quên con dế điện tử này ở nhà, hoặc bị đánh mất nhiều người bỗng cảm thấy cô lập khỏi thế giới và mất hẳn tự tin.

Với chúng, từ khi ngủ dậy, gọi một cú “têlêphôn” đầu bạn đã rơi vào chiếc bẫy vô hình của mạng lưới theo dõi. Cú điện của bạn sẽ không đi ngay mà bị ghi lại số của chính mình, của người nhận, thời gian nói chuyện. Đó là điều thông thường để tính cước phí, nhưng bao nhiêu thông tin đã được ghi nhận: ít nhất là 2 số điện thoại và địa điểm của hai người. Nếu chiếc máy di động của bạn bị một kẻ gắn vào một con rệp nhỏ (kích thước và độ dày vừa là một con rệp thật, thì ôi thôi, mọi điều sâu kín nhất bạn đã bị lộ bem rồi.

Một nhà quản lý được cử đi nước ngoài đàm phán một hợp đồng kinh doanh, nếu hàng ngày gọi di động cho Tổng giám đốc xin ý kiến chỉ đạo và báo cáo công việc… chiếc điện thoại rất “luých” trong túi đã biến thành một tên gián điệp kinh tế lợi hại bí mật tiết lộ cho công ty đối thủ biết bạn được cử đi đâu, làm việc gì, kết quả ra sao để phá hoại hay bóp chết một vụ đánh quả khi nó còn trong trứng.

Bạn còn nhớ một sự kiện tháng 4 năm 1996 chứ? Thủ lĩnh phiến quân ly khai Dudaiev của Tresnia là cái gai trong mắt LB Nga, quân đội đã lùng sục hàng năm trời không thấy tung tích, nhưng chỉ một sai lầm nhỏ và duy ít trong đời của ông ta là gọi di động cho thuộc hạ. Còn đang nói chưa dứt câu chuyện trong 2 phút thì một quả tên lửa từ Nga phóng tới nổ tung cách ông ta chưa đến 3 mét. Sức ép mãnh liệt khiến ông ta tan xác cùng với chiếc điện thoại di động, lúc này hiện nguyên hình là tên phản bội vốn là đứa con của công nghệ cao. Quân ly khai như rắn mất đầu và nhờ thế Nga ổn định được tình hình Tresnia.

Chiếc điện thoại di động càng tân tiến, nó càng giống chiếc máy tính và đang trở thành một “PC bỏ túi” với đủ chức năng khi nối mạng, nhưng còn hơn PC ở chỗ ghi lại cả lộ trình của chủ nhân trên đường công tác và địa điểm đang hoạt động.

Thái độ của bạn

Dù biết được mình có bị nghe lén, nhìn lén, bị theo dõi từng hành động, từng lời nói nhưng chẳng lẽ vì thế mình từ chối những tiện nghi của nền văn minh mang lại, thu mình trong một vỏ ốc khép kín? Không đời nào!!! Những tiện nghi ấy nối dài cặp mắt, đôi tai để bạn nhìn ra bốn phương, tám hướng, đón nhận những âm thanh mới lạ của cuộc sống, giọng nói của người thân, là nơi trải lòng mình ra cùng bè bạn... bỏ chúng sao được! Đành chấp nhận với thái độ thản nhiên. Bạn sẽ phải tự an ủi: Mình chỉ là một người bình thường, một người lương thiện, sống tử tế trong thế giới này, không thù không oán với ai. Chẳng ai hơi đâu mà lợi dụng những thông tin về mình để làm một chuyện gì xấu xa, ác độc.

Giả sử mình là một tội phạm quốc gia, một chuyên gia vũ khí bí mật, một chiến lược gia kinh tế, một nhà khoa học hàng đầu nắm trong tay hàng trăm phát minh, một ngôi sao ca nhạc chẳng hạn thì đó lại là chuyện khác. Lúc đó mình sẽ trong tầm ngắm của cơ quan cảnh sát điều tra trong nước hoặc Interpol, của Cục Tình báo quân sự, của các Tập đoàn kinh tế, của Tổ chức săn đấu người hoặc của một đại gia “nghìn vàng đổi lấy nụ cười như không”. Kẻ chủ mưu trong những trường hợp này hoạt động có bài bản, có phương tiện tối tân gấp bội chứ sá gì “ba cái đồ lẻ tẻ”này. Lúc đó mình sẽ có biện pháp tương ứng.

Còn bây giờ... Ồ, thỉnh thoảng nhận được một tờ quảng cáo “rất tâm lý”, toàn những thứ mình ưa thích, đỡ mất công “trinh sát”; sắp đến ngày sinh ông xã nhận một email từ một tiếp thị viên nào đó, tư vấn cho đàn ông thích tặng phẩm gì, kèm theo một list tặng phẩm có ghi giá tiền để lựa chọn... thì chao ôi, có sao. Một sự cấm tù không đến nỗi quá khó chịu!

Song xin đừng thái quá! Chính cái này mới là chuyện muốn nói. Thái quá, có nghĩa là xâm phạm cuộc sống riêng tư, là vi phạm luật nhân quyền là tọc mạch vô lối vào những điều người khác muốn giữ kín... Và lúc này phải có ý kiến thôi.

Chính vì thế ở nhiều nước đã thành lập những Ủy ban chống vi phạm cuộc sống riêng tư và được rất nhiều người hưởng ứng. Nếu ở nước ta có những tổ chức tương tự, chắc hẳn bạn cũng xin đăng ký làm thành viên.

Còn nếu như không muốn bị những đôi mắt, cái tai bí mật và hỗn hào chọc ngoáy, bạn hãy cảnh giác ngăn chặn đường vào của những kẻ đột nhập trong mức độ có thể. Không mở những email lạ, không linh vào những website đáng ngờ, đặt tường lửa và những phần mềm chống virus các loại. Sử dụng điện thoại di động hạn chế và đừng “buôn dưa lê” từ chuyện này sang chuyện khác để hạn chế tiết lộ thông tin bất lợi cho mình.

Song cũng nên nhớ dù sao, việc tự vệ trên chỉ có hiệu quả giới hạn mà thôi!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Có nên tin vào mạng cộng đồng?

    28/11/2016PC World MỹCác vấn đề về tính riêng tư nảy sinh từ dịch vụ Beacon của Facebook mới chỉ là những quan ngại đầu tiên: người dùng mạng cộng đồng đang bị theo dõi...
  • Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam

    08/08/2008Bùi Hoài SơnCó thể nói rằng, các phương tiện truyền thông mới như điện thoại di động và Internet đã làm thay đổi thế giới và cách tư duy của con người đến mức bản thân chúng ta cũng không thể hết khả năng vô cùng của nó. Trong một thời gian tương đối ngắn, những tác động của các phương tiện truyền thông mới đã tạo ra những biến đổi về văn hóa - xã hội sâu sắc ở mọi ngõ ngách của trái đất nơi chúng ta đang sống...
  • Bill Gates: "Công nghệ sẽ ảnh hưởng lớn đến giáo dục!"

    04/02/2007Đỗ Dương (Theo CNET)"Công nghệ sẽ có ảnh hưởng lớn tới việc lựa chọn trường học của công chúng trong tương lai!" Đó là phát biểu của chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gates tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo chính phủ châu Âu - Microsoft 2007 tại Scotland hôm 31/1...
  • Bảo vệ gia đình trong thế giới online

    06/07/2006Triệu Tú Vân (tổng hợp)Những đứa trẻ lớn lên trong thời đại Internet đều không xa lạ với những ngôn từ đặc trưng của thế hệ @: Bluetooth, ipods, MSN, lướt web, chat, webcam...
  • Sống chung với “bầy thú điện tử”

    22/02/2006Chu HảoNếu có ai trong số các “đại gia” Việt Nam (ở mọi thành phần kinh tế quốc dân) sớm gia nhập vào “Bầy thú điện tử” này thì càng tốt...