Lễ, Hội, và Tết

07:53 CH @ Thứ Sáu - 16 Tháng Hai, 2007

Lễ – Hội – Tết lấy tự nhiên, vũ trụ làm trục dọc, và nhân sinh làm trục ngang, hòa hợp cả với trời đất và con người. Và đương nhiên, trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, nhất là cuộc sống hiện đại ngày nay, có những lễ-hội-tết bị làm cho phai mờ đi, và cũng có những lễ-hội-tết được làm cho đậm nét hơn.

Lễ – Hội – Tết là sinh hoạt đặc thù của con người, là nền tảng của đời sống chung từ gia đình, xóm làng, đến đất nước, và toàn cầu. Có thể trong cuộc tiến hóa của chủng loại con người, thoạt kì thủy là những cá thể đơn lẻ kết hợp với nhau thành từng tổ nhóm nhỏ vài đơn vị, đến vài chục đơn vị để quần thể dễ mưu sinh và tự vệ hơn. Hàng triệu năm qua đi và con người nhờ quy tụ được một số điều kiện có một không hai đã bứt khỏi đồng bộ linh trưởng (gồm khỉ, vượn, đười ươi, hắn tinh tinh...) và hình thành nhân loại. Những điều kiện đó hỗ tương tác động lên nhau là tư thế đứng thẳng, di chuyển trên hai chân, giải phóng đôi tay hoạt động tinh tế; ngón cái đối diện với 4 ngón còn lại giúp thao tác đa dạng, chính xác; cặp mắt nhìn ra không gian ba chiều; cổ họng, lưỡi và môi điều khiển âm thanh để hình thành ngôn ngữ; và khả năng nhận thức tự thân và ngoại giới được lưu trữ trong kí ức; hình vẽ và chữ viết bảo tồn và lưu truyền thành quả của các thế hệ làm cơ sở cho văn hóa, văn minh.

Từ Con người lao tác (homo faber) ở gần 3 triệu năm trước tới Con người thông minh (homo sapiens) ở đỉnh điểm khoảng 200.000 năm nay. Trong khi vũ trụ được khai sinh từ Vụ nổ lớn (the Big Bang) khoảng 15 tỉ năm trước, trong một hệ mặt trời gần 5 tỉ năm, và khi trái đất có sinh vật khoảng trên 3 tỉ năm, và bộ linh trưởng khoảng 50 triệu năm. Con người chỉ mới sáng tạo tiếng nói khoảng 100.000 năm nay, và chữ viết từ 5.000 năm nay. Lịch sử chỉ được ghi chép ngắn ngủi như thế đó. Trước nữa là thời tiền sử, chỉ có thể phỏng đoán qua sự thông giải những di chỉ và đồ chế tác bằng khảo cổ học. Tuy nhiên, ngoài những chế tác vật thể còn những thiết chế phi vật thể vô cùng quan trọng, qua đó chúng ta biết được những ứng xử của tổ tiên với tự nhiên, với đồng loại, thể hiện tư tưởng và tình cảm củahọ. Đó là văn minh phi vật thể, trong đó lễ hội chiếm một vị trí trung tâm.
Lễ – Hội – Tết khởi nguồn từ khi con người tự thức về thân phận của mình trong vũ trụ. Có hai lĩnh vực cảm thức chính: một, là cõi tự nhiên, là môi trường sinh hoạt của con người, với bầu trời, mặt đất, và mọi sức mạnh tự nhiên; và hai, là cõi nhân sinh với chiều dọc từ thế hệ này qua thế hệ khác và chiều ngang mỗi đời người từ sinh tới tử, từ quan hệ cơ bản là mẹ con tới quan hệ cha con, gia tộc, bộ tộc, thôn xóm, làng nước...

Cõi tự nhiên với những hiện trường và vận động của nó là cảnh quan bao bọc con người sau khi từ bào thai chui ra. Con người nguyên thủy coi tự nhiên như Bà mẹ của mình trong cả hai mặt hiền và dữ, nuôi sống và bắt chết. Tự nhiên được nhân cách hóa thành bà mẹ lớn lao còn gọi là Mẹ Cả. Mẹ Cả (Great Mother) này có thể khoác nhiều hình thức, như trong tín ngưỡng Tứ phủ của Đạo Nội ở Việt Nam, đó là:

(1) Bà Trời (Thiên Mụ), có tên chữ sau này là Cửu Thiên Huyền Nữ, tức bà mẹ huyền bí cai quản 9 tầng trời. Khi có chế độ nam quyền và quân chủ phong kiến thì vua (tức thiên tử hay con trời), Bà Trời đã biến thành Ông Trời, tên chữ là Ngọc Hoàng Thượng Đế.

(2) Mẹ Đất, có tên chữ là Địa Mẫu, trong chế độ nam quyền thì trở thành Ông Địa. Cuống rốn chưa lìa của Ông Địa còn nhìn thấy trong những chầu hát đồng bóng (bóng rỗi) tại các đình làng cho đến ngày nay, đó là mối tương liên giữa Ông Địa và Nàng (tức hình bóng Địa Mẫu) trong lễ kì yên tức cầu an vào rằm đầu tiên trong năm, tức nguyên tiêu.

(3) Bà Non hay Bà Rú còn gọi là Mẫu thượng ngàn, tức bà mẹ rừng xanh.

(4) Bà Nước, còn gọi là Mẫu thoải (thoải là thủy đọc trạnh, hay đọc chệch đi). Bà Non sau được nam quyền hóa thành Sơn Tinh, và Bà Nước thành Thủy Tinh trong chuyện thần thoại (dựa vào huyền sử) thời Hùng Vương.

Tín ngưỡng tối cổ bản địa của Việt Nam là thời các bà mẹ trông coi 4 cõi, tức Tứ phủ: đó là cõi trời (thiên phủ), cõi đất (địa phủ), cõi núi (sơn phủ), và cõi nước (thuỷ phủ). Và lễ hội chính là những dịp cộng đồng kỉ niệm và cộng thông với những cõi này qua hình tượng nhân cách hóa thành các bà mẹ. Chúng ta không nên bị lừa bởi lớp sơn phủ mới nhất của hệ thống hóa và danh xưng bác học thông dụng từ khoảng 2.000 năm nay, khi giao lưu với Trung Quốc. Cũng như họ của người Kinh, trên 99% vay mượn từ Trung Quốc, và nhiều trong 53 dân tộc khác ở Việt Nam vay mượn họ và tên từ dân tộc Kinh trong tiến trình dung hóa đang diễn ra đến tận ngày nay.

Có hai vòng xoay cho Lễ – Hội – Tết: vòng xoay của tự nhiên và vòng xoay của nhân sinh. Vòng xoay của tự nhiên là tiết điệu của môi trường sống tính theo thiên văn và địa lí. Mặt trời, mặt trăng và các sao là nền tảng then chốt, vận động và khuôn mẫu cho con người hòa điệu với toàn bộ cõi sống cùng cây cỏ và chim muông. Tiết điệu đó là ngày đêm; tuần lễ (xưa tính bằng 10 ngày một, gồm thượng tuần, trung tuần và hạ tuần, họp thành một tháng); bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông) trong đó quan trọng nhất cho lễ hội là xuân và thu, vì đó là hai mùa thu hoạch từ hái lượm, săn bắn, đến chăn nuôi, trồng trọt (xuân thu nhị kì tế lễ), đặc biệt là cây lúa; một năm gồm 12 chu kì mặt trăng, và sự tuần hoàn của trái đất 1 chu kì quanh mặt trời. Chi tiết hơn, 1 năm còn chia làm 24 tiết khí, tức là 2 tiết khí cho mỗi tháng (24 x 15 ngày = 360 ngày), hoặc 72 hậu (75 x 5 = 360 ngày). Khí hậu tức là điều kiện của thời tiết (không gian), tính theo thời gian ngắn hạn chỉ có 5 ngày. Khoa học ngày nay thu thập dữ liệu toàn cầu và cả hệ mặt trời và vũ trụ cũng biết rằng không thể tiên đoán thời tiết khí hậu thật chính xác quá vài ba ngày. Bởi thời tiết là một tổng hợp phức biến (complexity) và hỗn độn (chaos), mà điều kiện tiên khởi chỉ hơi biến thiên qua tình cờ ngẫu nhiên sẽ đưa đến kết quả cực kì khác biệt nhau. Định luật này có thể phát triển ngắn gọn là “sai một li, đi một dặm” – tức là khi bước chân khởi sự chỉ khác nhau 1/1000 thì sau một thời gian sẽ là ngàn trùng xa cách vạn triệu lần đơn vị. Định luật này nếu phát biểu một cách thơ mộng thì như hình ảnh con bướm vỗ cánh ở xích đạo nhưng vẫn có thể tạo dông bão ở hai cực địa cầu – đó là Hiệu ứng Cánh bướm (the Butterfly Effect).

Chu kì của đời người cũng bắt chước theo tiết điệu của tự nhiên và con số chung là 60 năm, tức là thọ trung bình. 60 năm này cũng gồm 4 mùa của con người: sinh ra, trưởng thành, thâu lại, và chôn giấu – tức là xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng – mỗi giai đoạn chừng 15 năm. Lịch pháp cũng tính bằng 10 thiên can (cột trời) là: giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỉ, canh, tân, nhâm, quý. Kết hợp với 12 địa chi (cành đất) là: tí, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi. Bội số chung nhỏ nhất của can và chi là 60 năm, và chu kì này gọi là lục thập hoa giáp. Qua 60 năm tên gọi của mỗi năm lại bắt đầu với giáp tí, sách tướng pháp còn gọi là trở lại thời “hài đồng” (hóa ra con nít). Và con người sống tới 60 là được lên lão (lễ thượng thọ) tức là hết trách nhiệm thế tục với làng xóm, xã hội, nhà nước để chuẩn bị trở về với người mẹ đại tự nhiên (Mẹ Đất) qua cái chết, và giải thoát tâm linh vĩnh hằng.

Lễ – Hội – Tết xây dựng qua những cột mốc chính của một năm, tính theo nông lịch (tức lịch theo mặt trăng, Âm lịch) thích hợp với con nước thủy triều để đi thuyền, làm ruộng. Trong một năm có 8 tiết (tiết = đốt tre; tức giai đoạn thời gian gồm 15 ngày; gọi tắt của 24 tiết khí trong năm) chính. Tứ thời bát tiết, là 4 mùa và 8 lễ tết – tết chỉ là cách đọc trạnh của tiết. 8 lễ tết chính đó là:

1. Tết Nguyên đán (1-1): buổi sáng đầu năm (tính theo Âm lịch).

2. Tết Nguyên tiêu (15-1): đêm rằm đầu tiên trong năm, treo đèn, còn gọi là thượng nguyên.

3. Tết Thanh minh (5-3): rẩy mã, viếng mộ, chơi xuân, hội đố lá...

4. Tết Đoan ngọ (5-5): tết hoa quả, diệt sâu bọ, mừng con nước, đua thuyền...

5. Tết Thất tịch (7-7): hoặc tết Vu lan, xá tội vong nhân, cúng cô hồn (15-7) còn gọi trung nguyên.

6. Tết Trung thu (15-8): thưởng trăng, gia đình đoàn tụ, múa lân rồng...

7. Tết Trùng cửu (9-9): còn gọi là trùng dương, số 9 là con số của trời, cầu trời mưa thuận gió hòa.

8. Tết Hạ nguyên (15-10): tết cơm mới, mừng mùa màng thu hoạch...

Lễ – Hội – Tết lấy tự nhiên, vũ trụ làm trục dọc, và nhân sinh làm trục ngang, hòa hợp cả với trời đất và con người. Và đương nhiên, trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, nhất là cuộc sống hiện đại ngày nay, có những lễ-hội-tết bị làm cho phai mờ đi, và cũng có những lễ-hội-tết được làm cho đậm nét hơn.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lễ hội và sự lên ngôi của thói vụ lợi

    03/02/2020Vương Trí NhànKhông gì xa lạ với văn hóa bằng tinh thần thực dụng. Song đáng tiếc là tinh thần thực dụng ấy lại đang có mặt và chi phối cách tổ chức của một số lễ hội và trong chừng mực nào đó, làm hỏng các lễ hội thiêng liêng ấy...
  • Gia tài văn hóa của Việt Nam

    05/04/2019Phan NgọcTại sao có một bề dày văn hóa mà Việt Nam chưa bao giờ giàu có cả? Bởi vì, bề dày văn hóa như một kho vàng, tuy nhiên phải vất vả đào bới mới có được và từng cá nhân một phải làm cho chính minh. Nhưng trước hết phải có người chỉ cho anh ta thấy kho vàng đã. Do đó, phải có một chính trị sáng suốt của anh ta, cho anh ta và vì anh ta. Và xây dựng những tổ chức để cùng nhau dào bới...
  • Mở rộng không gian lối sống để bảo vệ các giá trị

    03/03/2016Cao Tự ThanhDi sản văn hóa truyền thống bao gồm cả các giá trị vật thể lẫn phi vật thể cũng bị đặt trước nhiều thách thức mới, trong đó nổi bật là tình trạng mất mát chưa từng có so với trong những giai đoạn thời bình trước kia. Đây là một nguy cơ mà nhiều năm qua đã không ngăn chặn được...
  • Sông núi nước nam

    13/02/2007Đỗ Trọng KhơiTổ quốc - Đất nước - Non sông - Quê hương... là những danh từ thiêng liêng, cao quý nhất trong đời sống con người. Sông núinước Nam vua Nam ở...Danh từ sông - núi đã hóa thiêng bởi hồn thiêng con người và hồn thiêng sông - núi cũng đã thiêng hóa trở lại tôn vinh tạo thế trụ sừng sững uy linh cho hồn người....
  • Hoa xuân

    07/02/2007Trần ĐìnhKhoảnh khắc khi xuân đến, đắm mình trong phiên chợ hoa xuân, giữa những khuôn mặt náo nức tràn trề hạnh phúc. Hãy chọn đi, chọn cho gia đình, cho người thân yêu một nhành hoa. Cò thể là cành đào mang hơi thở mùa xuân, một nhành mai tinh khiết, một đóa hoa hồng cho tình yêu bất diệt, hay một bình gốm vỗ về mềm vui xuân...
  • Thèm nghe một tiếng cựa mình của lúa

    25/04/2006Chu LaiVăn hóa Việt Nam còn là dân tộc Việt Nam còn. Sau bao phen nước mất nhà tan, song dân tộc Việt Nam vẫn trường tồn, non sông Việt Nam vẫn không bị thẩm thấu, tàn phai, biến mất như không ít các quốc gia khác cùng chung số phận bị xâm lăng tương tự có lẽ trước hết và trên hết vẫn là chuyện người dân ta vẫn bảo tồn, giữ gìn được nền văn hóa thẳm sâu sau lũy tre làng. Đó là hồn vía, đó cũng là khí phách bất diệt của một dân tộc...
  • Nối lễ hội vào... trụy lạc

    16/04/2006Vương Trí NhànCác cơ quan điều tra vừa phát hiện ra những đường dây đánh bạc khổng lồ, giám đốc nọ quan chức kia đánh bạc hàng triệu đô la. Nhưng có một sự thực tôi nghĩ còn tàn nhẫn hơn, đó là hành động đỏ đen muôn vàn kiểu đang trở nên phổ biến đến mức đáng sợ...
  • Ngày Tết nói chuyện về nguồn

    29/01/2006Vũ HạnhNếu nhiều loài sinh vật quay quắt về nguồn như một thôi thúc từ trong sâu thẳm bản năng, thì người về nguồn là biết đi quanh về nẻo tương lai, bởi với con người không chỉ có mỗi nhu cầu tìm về quá khứ như nhiều loài vật, mà quay về ấy là tìm những chất liệu bồi dưỡng cho những chặng đường dài đi tới.
  • xem toàn bộ