Nên bất đồng thế nào?

Phan Phương Đạt dịch
10:05 CH @ Thứ Ba - 28 Tháng Mười Một, 2017

Lời người dịch:

Ít nhiều ai trong chúng ta cũng xem và tham gia tranh luận trên mạng. Thỉnh thoảng, khi ai đó bày tỏ sự bất đồng, ta nghe thấy các nhận xét như “ngụy biện” hay “công kích cá nhân”. Rốt cuộc, có bao nhiêu cách bày tỏ bất đồng, hay dở thế nào và nên làm gì với chúng? Xin giới thiệu với các anh chị em bài viết năm 2008 của Paul Graham về vấn đề này.

Việc viết lách trên mạng đã biến thành đàm thoại. Hai mươi năm trước, người viết thì viết và người đọc thì đọc. Web đã giúp người đọc phản hồi, và họ làm thế ngày một nhiều – trong các comment, diễn đàn hay blog của mình.

Nhiều người phản hồi để bày tỏ sự không đồng ý với điều gì đó. Đó là điều dễ hiểu. Mọi người thích bất đồng hơn là bày tỏ đồng ý. Khi bạn đồng ý thì không có gì nhiều để nói. Bạn có thể mở rộng chủ đề, nhưng thường thì tác giả đã khai thác những chỗ hay nhất. Khi phản bác, bạn đi vào khu vực mà tác giả chưa khám phá.

Kết quả là, có rất nhiều ý kiến bất đồng đang được thể hiện, nhất là nếu đo bằng từ ngữ. Điều đó không có nghĩa là mọi người đang tức giận hơn. Chỉ riêng việc cấu trúc giao tiếp của chúng ta đã thay đổi cũng đủ tạo nên điều đó. Nhưng, dù không phải sự tức giận là nguyên nhân tạo ra bất đồng, thì có một nguy cơ là nhiều bất đồng quá sẽ khiến người ta giận dữ hơn. Nhất là online, khi ta dễ nói ra nhiều thứ hơn so với trao đổi trực tiếp.

Nếu chúng ta muốn bất đồng nhiều hơn, ta phải chú ý để làm tốt việc đó. Thế nào gọi là biết cách bất đồng? Đa số có thể dễ dàng chỉ ra sự khác nhau giữa việc gọi người đối thoại là đồ nọ đồ kia và một lời phản bác đấy đủ lý lẽ, nhưng tôi nghĩ là nên chia nhỏ hơn nữa các cấp độ bất đồng. Và đây là hệ thống cấp bậc mà tôi đề xuất (DH – disagreement hierarchy):

DH0. Réo tên đồ nọ đồ kia (name calling)

Đây là cấp độ thấp nhất của bất đồng, và có lẽ là phổ biến nhất. Ta đều từng thấy các comment kiểu “mày là đồ ngu!”. Cần lưu ý là các câu réo tên hoa mỹ hơn cũng chả làm tăng trọng lượng, ví dụ câu “tác giả là một tay gà mờ cố tỏ ra nguy hiểm”về bản chất chẳng hơn gì câu trên.

DH1. Công kích cá nhân (ad hominem)

Công kích cá nhân hơi khác so với réo tên. Nó có thể có trọng lượng hơn. Ví dụ, nếu một nghị sỹ viết bài báo nêu quan điểm rằng lương nghị sỹ phải tăng, ai đó có thể bảo “Tất nhiên ông ta sẽ nói vậy. Ông ta là nghị sỹ mà”. Câu này không bác được luận điểm của tác giả, nhưng ít ra còn liên quan đến nó. Nhưng đây vẫn là cấp bất đồng rất yếu. Nếu ông nghị sỹ nói gì sai, bạn phải chỉ ra, còn nếu ông ta nói đúng, thì việc ông ta là nghị sỹ có can hệ gì?

Nói rằng ai đó không có thẩm quyền viết về gì đó là một hình thái của công kích cá nhân, và rất vô nghĩa, bởi vì các ý tưởng hay ho thường đến từ người ngoại đạo. Điểm quan trọng là tác giả nói đúng hay sai. Nếu việc thiếu thẩm quyền khiến anh ta sai, thì hãy chỉ chỗ sai. Nếu không, thì chẳng có vấn đề gì.

DH2. Đáp lại giọng điệu (responding to tone)

Từ cấp độ này trở đi, ta sẽ thấy các phản ứng đối với nội dung chứ không phải với tác giả. Hình thái thấp nhất ở đây là đáp lại giọng điệu của người viết. Ví dụ “tôi không thể tin nổi là tác giả đã gạt bỏ thuyết thiết kế thông minh với thái độ kiêu ngạo như vậy”. Dù tốt hơn so với công kích cá nhân, cách này vẫn rất yếu. Việc tác giả đúng hay sai quan trọng hơn giọng điệu của anh ta. Nhất là khi rất khó phán xét về giọng điệu. Người dễ nổi xung về một chủ đề gì đó dễ cảm thấy bị xúc phạm bởi giọng điệu mà người khác thấy bình thường.

Như vậy, nếu điều ghê gớm nhất mà bạn có thể nói về cái gì đó là phê phán giọng điệu, thì bạn chẳng có gì mấy để nói. Có thể tác giả xấc xược, nhưng đúng? Còn hơn là từ tốn và sai. Còn nếu tác giả sai ở đâu đó, thì hãy chỉ ra.

DH3. Cãi lại (contradiction)

Ở cấp độ này, rốt cuộc ta có phản ứng về những gì đã nói chứ không phải việc nó được nói ra thế nào hay bởi ai. Hình thái thấp nhất của việc phản ứng một luận điểm là phát biểu điều ngược lại, mà không có hoặc có ít bằng chứng hỗ trợ. Cái này thường được kết hợp với DH2, ví dụ “tôi không thể tin nổi là tác giả đã gạt bỏ thuyết thiết kế thông minh với thái độ kiêu ngạo như vậy. Thiết kế thông minh là lý thuyết khoa học chính thống”. Cãi lại có thể có chút ít trọng lượng. Đôi khi chỉ cần nhìn thấy điều ngược lại được phát biểu ra rõ ràng là đủ thấy nó đúng. Nhưng thường sẽ cần bằng chứng.

DH4. Phản luận (counterargument)

Ở cấp độ 4, ta có hình thái đầu tiên của việc bất đồng một cách thuyết phục: phản luận. Các hình thái trước đó thường bị bỏ qua vì chẳng chứng minh được gì. Phản luận có thể chứng minh gì đó, nhưng vấn đề là rất khó nói chính xác là gì.

Phản luận là cãi lại kèm theo luận chứng và/ hoặc chứng cớ. Nếu hướng đến luận điểm ban đầu, nó có thể rất thuyết phục. Nhưng đáng tiếc là thực tế thường phản luận lại hướng đến thứ gì đó hơi khác. Nhiều khi hai người tranh cãi say sưa về điều gì đó lại đang nói về hai thứ khác nhau. Đôi khi thực tế là họ đồng ý với nhau, nhưng vì quá bị lôi cuốn vào tranh cãi nên không nhận ra.

Có thể có lý do chính đáng để tranh cãi về gì đó hơi khác so với cái mà tác giả nêu ra: đó là khi bạn thấy họ bị nhầm lẫn về thứ trọng yếu nhất. Nhưng khi làm vậy, bạn cần nói rõ là bạn đang làm.

DH5. Bác bỏ (refutation)

Hình thái thuyết phục nhất của bất đồng là bác bỏ. Và cũng là hiếm nhất, vì tốn công. Thực tế là các cấp độ của bất đồng tạo nên một cái tháp, mà càng lên cao càng ít thấy các ví dụ cụ thể.

Để phản bác ai đó, thường bạn phải trích dẫn họ. Bạn phải tìm được “khẩu súng còn bốc khói”, một lối đi vào cái điểm mà bạn không đồng ý và thấy sai lầm, rồi giải thích tại sao nó sai. Nếu bạn không tìm thấy được một trích dẫn mà bạn bất đồng, có thể bạn đang tranh cãi với hình nộm.

Trong khi bác bỏ thường cần trích dẫn, thì ngược lại trích dẫn chưa chắc đã đi cùng bác bỏ. Một số người cũng trích dẫn để trông có vẻ giống bác bỏ chính thống, sau đó thì thốt ra những lời thấp kém kiểu DH3 hay thậm chí DH0.

DH6. Bác bỏ điểm trung tâm (refuting the central point)

Sức nặng của bác bỏ phụ thuộc vào cái mà bạn bác bỏ. Hình thái mạnh nhất của bất đồng là bác bỏ luận điểm trung tâm của tác giả.

Ngay cả ở DH5 ta vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy sự lươn lẹo có chủ ý, khi ai đó nhặt một vài ý phụ của một luận điểm và bác bỏ chúng. Đôi khi cái cách mà việc bác bỏ được thực hiện khiến nó giống như một hình thức công kích cá nhân tinh vi hơn là bác bỏ thực sự. Ví dụ, sửa lỗi chính tả hay nhay đi nhay lại lỗi nhỏ kiểu nhầm tên hay con số. Trừ phi những cái đó là phần quan trọng của phản luận điểm, không thì mục tiêu của chúng chỉ là nhằm hạ thấp đối thủ.

Để thực sự bác bỏ điều gì đó, bạn phải bác bỏ được luận điểm trung tâm hoặc một trong số chúng. Và điều đó có nghĩa là bạn phải nêu rõ điểm trung tâm đó là gì. Do đó, một sự bác bỏ hiệu quả thường sẽ như sau: “Dường như luận điểm chính của tác giả là x, vì anh ta phát biểu . Nhưng điểm đó sai vì những nguyên nhân sau …”

Đoạn trích dẫn mà bạn chỉ ra là sai lầm không nhất thiết phải chính là đoạn nói về điểm chính của tác giả. Chỉ cần bác bỏ điều mà điểm chính kia phụ thuộc vào.

.

Các điều nêu trên ích lợi gì?

Bây giờ ta đã có một cách phân loại các hình thái của bất đồng. Ích gì cơ chứ? Một điều mà hệ cấp độ bất đồng KHÔNG cho ta biết là không biết ai thắng. Các cấp độ DH chỉ mô tả hình thái của phát biểu, chứ không biết chúng sai hay đúng. Một phản bác mức DH6 vẫn có thể sai hoàn toàn.

Nhưng, trong khi các cấp DH không chỉ ra giới hạn dưới của tính thuyết phục của một lời phản bác, chúng lại chỉ ra giới hạn trên. Một lời đáp mức DH6 có thể không thuyết phục, nhưng lời đáp DH2 hay thấp hơn thì luôn không thuyết phục.

Lợi ích lớn nhất của việc xếp loại các hình thái của bất đồng là nó sẽ giúp người ta đánh giá những gì họ đọc. Đặc biệt, nó sẽ giúp họ nhìn thấy những luận điểm không trung thực. Một diễn giả hùng hồn có thể tạo ấn tượng đả bại đối thủ chỉ vì sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ. Thực tế, đấy là tính chất cơ bản của mị dân. Bằng cách đặt tên cho các hình thái bất đồng khác nhau, ta đã trang bị cho người đọc có tư duy độc lập một cái kim để chọc thủng mớ bóng bay kia.

Những cái tên này cũng có ích cho người viết. Đa phần họ không cố ý sử dụng những hình thái thấp. Một người đang tranh cãi về giọng điệu của điều gì đó có thể tin là mình đang nói gì đó ý nghĩa. Việc phóng to lên và nhìn thấy vị trí mà họ đang đứng trong thang bất đồng có thể tạo động lực cho họ tiến lên phản luận (DH4) hoặc bác bỏ (DH5).

Nhưng lợi ích lớn nhất của việc biết cách bày tỏ bất đồng không phải là làm cho đàm thoại chất lượng hơn, mà là làm cho những người tham gia vui vẻ hơn. Nếu bạn xem các đoạn đàm thoại, bạn sẽ thấy nhiều sự thô lỗ ở DH1 hơn là DH6. Bạn không cần phải thô lỗ khi bạn có ý gì đó để nói. Thật ra, bạn cũng không muốn vậy. Nếu bạn thực sự có gì đó để nói, thì sự thô lỗ chỉ cản trở bạn.

Nếu việc leo lên các cấp độ bất đồng khiến mọi người bớt thô lỗ, nó sẽ giúp đa số họ vui vẻ hơn. Đa số mọi người không thích thú gì khi thô lỗ, họ tỏ ra thô lỗ chỉ vì không có cách nào khác.

Nguồn:Blog
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thói tật và vượt qua thói tật trong tranh luận

    23/06/2019Nhà văn InnasaraDo quá ham thắng, hay phần nào đó – do sợ bẽ mặt trước đám đông, lắm lúc người tham gia tranh luận trở thành ngụy biện, từ đó đẩy cuộc tranh luận vào ngõ cụt, khi quay sang tấn công cá nhân đối phương...
  • Nghĩ về một thái độ tranh luận

    27/06/2018Trần Văn ChánhTrong sinh hoạt học thuật-tư tưởng, tranh luận dưới hình thức phản biện giúp làm sáng tỏ các lẽ phải trái, hoặc sự kiện đúng sai, từ đó các bên tham gia và những người quan sát bên ngoài có thể điều chỉnh lại nhận thức ban đầu của mình cho những vấn đề đang được xem xét...
  • "Văn hóa tranh luận là kết quả của một quá trình lâu dài"

    27/05/2018Khi tham gia tranh luận, mà người ta chỉ cố gắng huy động mọi thủ đoạn để “hạ gục đối thủ” thì giá trị học thuật là một khái niệm xa xỉ. Đừng trông đợi giá trị học thuật từ một cuộc tranh luận văn học mà ở đó có quá nhiều bài viết dựa trên suy đoán cảm tính, hồ đồ trong tiếp nhận và xử lý tài liệu, rồi chụp mũ, dựng hiện trường giả, đoạn chương thủ nghĩa...
  • Khi tranh luận không dựa trên tri thức

    28/06/2017Văn ĐoànKhông một ai chịu nhận ra rằng chúng ta cần học hỏi thêm gì để bước vào một cuộc tranh luận, chỉ trích và cũng không một ai dám nhận diện chính mình là một phần cấu thành một cộng đồng hễ cứ bàn về triết học thì ai cũng nghĩ mình là Jean Paul Sartre, Schopenhauer…
  • Tản mạn về tranh luận

    24/04/2017Nguyễn Thị HậuTự do bày tỏ chính kiến còn là nhân cách người trí thức. Khi quan điểm, cách nhìn khác nhau thì tôn trọng sự khác biệt, tranh luận vì mục đích tìm chân lý chứ không hơn thua “lấy ngôn đè người”, không bao giờ cố có tiếng nói cuối để làm “người thắng cuộc” trong sự hãnh tiến. Không nấp vào số đông để đàn áp ý kiến thiểu số...
  • Kỹ năng tranh luận - Đánh giá từ các huấn luyện viên của Hồng Kông

    24/10/2014Ariel ConantMặc dù như thư ký Carrie Lam ChengYuet-ngor bình luận rõ ràng rằng “nó không phải là 1 cuộc tranh luận”, Young Post đã thu thập ý kiến từ những người có kinh nghiệm trọng tài để nghe các ý kiến của họ xem ai là người chiến thắng nếu buổi nói chuyện là cuộc tranh luận thông thường...
  • Tự do ngôn luận để khích lệ thảo luận hoặc tranh luận

    23/10/2014Nguyễn Trần BạtTrên các diễn đàn, các ý kiến đóng góp vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI đang diễn ra phong phú. Đây là một hoạt động mang tính dân chủ tạo cơ hội để người dân, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động chính trị, xã hội tranh luận, thảo luận nhằm góp ý cho sự nghiệp Đổi mới lên một tầng cao mới...
  • Nhân tranh luận tại Quốc hội, tản mạn về lập luận

    21/10/2013GS. TS. Nguyễn Đức DânMột nguyên lý sư phạm cho nền giáo dục tiên tiến: cấp cần câu chứ không cho cá. Cái cần câu cấp cho người học là phương pháp độc lập tư duy, đánh giá, phát hiện và giải quyết vấn đề. Trước hết, đó là phương pháp tư duy phản biện mà cốt lõi là lý thuyết lập luận. Khi có thói quen tư duy phản biện, hiện tượng được nhìn nhận, đào sâu tới gốc rễ của nó. Hơn ai hết, giới nghị sĩ phải rèn luyện về lập luận...
  • Không nên tranh luận với kẻ cố tình câm điếc!

    03/09/2011Hà Văn ThịnhChị cho
    rằng lớp trẻ thời nay đang tố Trung Quốc, bài Trung Quốc hơi nhiều. Nói
    cách khác, chị đã vơ tất cả những ai chống chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc
    vào trong cái rọ có tên gọi là thế hệ 8X. Phải chăng chị
    muốn nói rằng những ai chống lại việc giao đất rừng đầu nguồn cho người
    nước ngoài, chống lại việc nhân nhượng quá đáng ở Biển Đông…, đều thuộc
    vào thành phần trẻ người non dạ? Sự hoang tưởng đôi khi làm mờ mắt nhận thức nhưng hoang tưởng đến mức nghĩ rằng giới trí thức của một nước lại thiển cận và u mê hơn một người thì quả là quá đáng.
  • Tranh luận

    25/06/2011Nguyễn Tất ThịnhXưa nay những cuộc tranh luận đều là một nhu cầu sinh hoạt rất cần thiết trong đời sống xã hội, như một nhu cầu tự thân của xã hội xử lý đúng hơn với chính những nội dung khác nhau trong chủ đề được tranh luận đó, cùng với đó là nhu cầu phát triển nhận thức của những người tham gia( đặc biệt là những học giả hay những người có hiểu biết, có quan tâm khác nhau... )
  • xem toàn bộ