"Người hiện đại khó chấp nhận toàn ăn chay, không lấy vợ"

04:04 CH @ Thứ Năm - 07 Tháng Tám, 2014

Con người hiện đại phần dương tính quá mạnh. Đó là những chia sẻ và cũng chính là lý do ông viết "Đội gạo lên chùa" - cuốn tiểu thuyết vừa nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhân dịp này, KH&ĐS đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh xung quanh đề tài đạo Phật trong văn hóa của người Việt Nam.Trong mỗi người đều có Phật tính...


Xin chúc mừng ông vừa nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết "Đội gạo lên chùa"?

Cảm ơn bạn.

Đây là cuốn tiểu thuyết về Phật giáo. Khi đọc tôi cứ hình dung tác giả chắc phải có thời gian sống ở chùa?

(Cười) Tôi chưa sống ở chùa bao giờ. Nhưng bắt đầu nghiên cứu về đạo Phật từ lúc còn thanh niên. Chủ yếu là tự đọc sách, chứ cũng không học với nhà sư nào cả.

Đạo Phật ngày càng hấp dẫn với nhiều người, theo ông vì sao vậy?

Sức hấp dẫn lớn nhất của đạo Phật là lòng từ bi. Con người thấy rằng, nếu cứ đối xử hoàn toàn vị kỷ thì thế giới sẽ nhiều va chạm, xung đột.

Trong đạo Phật có sự bình đẳng giữa mọi người, người giàu cũng như người nghèo, sang, hèn, người yếu, kẻ mạnh, tất cả đều chung một lòng từ bi. Đạo Phật cho rằng, không phải đấng tối cao tạo ra hay mang lại hạnh phúc cho con người.

Mà con người sung sướng, hạnh phúc, tốt hay xấu đều do tự bản thân mình. Phật giáo khuyên người ta phải tự tin vào sức mạnh của bản thân mình, tự tu dưỡng mình, có khả năng bỏ những cái xấu trong bản thân. Trong mỗi người đều có Phật tính, là cái phần tốt đẹp, người nào cũng có.

Nhưng cũng có ý kiến cho sự từ bi khiến con người yếu đi?

Tôi cũng thấy đạo Phật có phần nhu quá. Con người gồm hai phần: Dương tính và âm tính. Đạo Phật là phần âm tính. Phần âm tính thì bao giờ cũng mềm mại, chịu đựng, nhẫn nhục, nhưng tạo ra một tiềm năng ẩn ngầm, khi nó bùng nổ thì rất ghê. Đạo Nho là dương tính, nó năng nổ, tích cực hoạt động, tích cực xông vào đời.

Đạo Phật không có những lý thuyết về chính quyền, về cai trị... vì họ không chủ về những cái đó. Đạo Nho lại có những lý thuyết về cuộc sống hằng ngày.

Cả 2 yếu tố đó đều cần thiết cả. Ông cha ta ngày xưa cũng thấy phần nhu quá của đạo Phật, nếu chỉ có phần âm tính thôi thì không chống lại được ngoại xâm nên phải hài hòa bằng cách đưa thêm phần dương tính vào, đưa đạo Nho vào.

Ông có cho rằng ngày nay phần dương tính lại nhiều hơn?

Trong thời đô thị hóa, phương Tây hóa này, phần dương tính trong từng con người khá mạnh. Nó có cái tốt là năng động, chú ý tới phần vật chất nhưng lại yếu ở chỗ không chú ý đến phần tinh thần của con người.

Tôi nghĩ ta phải cân bằng lại. Cũng may dân tộc ta luôn có sự điều chỉnh, bổ sung để hài hòa hai phần này.

Thời Trần Nhân Tông sau 3 lần đánh quân Nguyên xong, phần dương tính quá mạnh, nên cụ lại phải chấn hưng lại đạo Phật, cụ lên Yên Tử đi tu. Người lãnh đạo tối cao phải luôn tìm cách để hài hòa hai phần dương, âm.

Phải sống hết mình với cuộc đời này

Cái đặc biệt của đạo Phật ở Việt Nam là rất gần gũi với đời sống. Trong tiểu thuyết của ông cũng vậy, nhà sư vẫn đi bộ đội hay một người giang hồ cũng có thể trở thành sư...

Dân ta có câu: Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ 3 tu chùa. Đạo Phật vào Việt Nam đã được Việt hóa. Dân tộc mình rất thực tế chứ không phải chép y nguyên đạo Phật của Ấn Độ, Trung Quốc.

Quy luật văn hóa là như thế, một yếu tố văn hóa nào vào một dân tộc nào thì phải qua cái lăng kính của dân tộc ấy. Văn hóa ấy phải biến động tùy thuộc vào tâm lý, yếu tố văn hóa nội sinh của dân tộc ấy.

Vì vậy, đạo Phật ở Việt Nam rất nhập thế, không lý thuyết mấy và nặng về cái hành xử hằng ngày ở đời. Vua đi đánh giặc, đánh giặc xong rồi đi tu. Thầy dạy của vua Trần Nhân Tông cũng là một cư sĩ chứ không phải nhà sư, ông ấy vẫn có vợ con, vẫn ăn thịt, chỉ đọc sách Phật.

Như vậy là có thể kết hợp một cái rất là vật chất ở thời hiện đại này và cái rất tinh thần của đạo Phật?

Phật giáo hiện đại kết hợp giữa cái rất trần tục với cái cao siêu, hai cái kết hợp với nhau thì mới hấp dẫn được con người hiện đại chứ. Nếu toàn ăn chay, không lấy vợ... thì con người hiện đại không chấp nhận đâu.

Họ chỉ chấp nhận những cái thực, những cái mang lại cho con người hạnh phúc thực sự trên cõi đời này chứ không phải đi sang tận Niết bàn nào, kiếp nào mới được hưởng. Phật giáo còn là lối sống. Người ta phải được sống về tinh thần thì đạo đức, tử tế, về vật chất thì hạnh phúc no đủ ở ngay thế gian này.

Riêng tôi nghĩ con người chúng ta không cần phải tu thành Phật. Tôi không tu thành Phật nhưng những yếu tố của Phật giáo thì tôi rất trân trọng.

Đó là những yếu tố gì thưa ông?

Tôi chỉ cần tu mấy chữ Từ - Bi - Hỉ - Xả. Phần vật chất thì ta sống hết mình với cuộc đời này. Ta sống ở cõi đời hiện đại thì phải tùy duyên, phải làm việc cho hết mình, yêu thương hết mình, sống một cái cuộc sống thật no đủ về mặt vật chất và làm cho mọi người đều sung sướng.

Đó là lý tưởng của Bồ Tát, làm cho mọi người xung quanh đều sung sướng. Về tinh thần chỉ cần Từ - Bi - Hỉ - Xả. Từ là phải có lòng thương với tất cả mọi sinh vật từ cây cỏ đến con vật, con người...

Bi là đối với người gặp khó khăn, khổ sở, gặp bất hạnh, phải luôn cứu giúp. Hỉ là đối với những người thành công ta cũng phải vui với họ không được ghen tị, kèn cựa... Còn Xả là tất cả những gì thành công, thất bại ta đều coi là bình thường.

Tôi có được cái giải thưởng này nọ thì nó cũng thế thôi, có gì hạnh phúc ghê gớm lắm đâu. Dĩ nhiên là mình không coi thường nó nhưng đừng lấy thế làm cái gì ghê gớm quá, bình thường thôi. Hoặc khi thất bại thì cũng đừng bi quan quá, phải ngẩng cao đầu mà sống.

Đừng đạp lên người khác
Thời hiện đại, tính cạnh tranh rất cao. Nhiều khi người ta phải dẫm đạp lên nhau, dùng thủ đoạn với nhau để đạt được mục đích của mình?

Cạnh tranh thời hiện đại cũng phải có đạo lý, có văn hóa đấy, đừng đạp lên người khác. Khi nào làm đau khổ người khác là không được rồi.

Có thể họ thất bại vì năng lực, tiền bạc... của họ kém, còn nếu mình dùng mưu mẹo, thủ đoạn để chơi xỏ người ta là không được. Làm gì thì cũng phải giữ được 4 nguyên tắc Từ - Bi - Hỉ - Xả.

Thế thì quả là khó quá

Phải xác định đó là cái mình hướng tới thôi chứ sao mà đạt ngay được. Có lúc mình cũng nóng vội, cũng ghen tị, bực bội... nhưng phải cố gắng buông xả, cố gắng hướng tới những cái cao thượng tối cao.

Có lẽ tuyệt đối thì không được, nhưng tương đối thì có thể. Theo tôi con người hiện đại cũng phải nghiên cứu đạo Phật để dẹp bớt phần dương tính hiện đang lên cao quá. Chính vì vậy tôi mới viết “Đội gạo lên chùa”.

Đấy cũng là tùy duyên, thưa ông?

Tùy duyên là ý của cụ Trần Nhân Tông: Cư trần lạc đạo thả tùy duyên (hãy ở cõi trần này vui với đạo và tùy theo duyên).

Xin cảm ơn ông và chúc ông mạnh khoẻ để viết tiếp những tác phẩm mới!


Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Thiếu niên Tiền phong. Ông viết tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện thiếu nhi, phê bình văn học... Đặc biệt, thời gian gần đây bộ ba tiểu thuyết "Hồ Quý Ly - Mẫu Thượng Ngàn - Đội gạo lên chùa" đã mang lại cho ông danh tiếng và nhiều giải thưởng.
Nguồn:Bee.net.vn
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đi lễ chùa, nhiều người chưa hiểu gì về đạo Phật

    22/02/2018Thạc sĩ Trần Văn PhươngĐến chùa cầu tiền tài địa vị, thậm chí còn phân biệt Đức Phật ở chùa nào thiêng hơn…
  • Chúng ta đang "thừa" văn minh, thiếu văn hóa?

    02/08/2014Bùi Đình PhongPhân biệt văn minh với văn hóa chỉ là tương đối, vì đây là những khái niệm, tuy không đồng nhất, nhưng gần gũi, có liên quan mật thiết với nhau. Ngày nay người ta nói tới văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Còn thông thường, nói tới văn minh người ta thiên về giá trị vật chất, còn văn hóa chứa cả giá trị vật chất và tinh thần. Văn hóa là nói tới phương thức sử dụng và giàu tính nhân bản. Văn minh hướng tới kỹ thuật, sự tiện lợi trong cuộc sống...
  • Tiêu cực trong chuyển dịch văn hóa

    24/07/2014Nguyễn HòaLâu nay, chúng ta thường tự hào, đề cao vai trò của yếu tố cộng đồng trong sự phát triển dân tộc. Quả thật, nếu không có vai trò của cộng đồng, người Việt sẽ không thể xây dựng, bảo vệ được một đất nước liên tục phải đương đầu với thiên tai và ngoại xâm. Hàng nghìn năm, các thế hệ người Việt gắn với cộng đồng từ gia đình đến làng, nước. Cả khi đô thị kiểu phương Tây ra đời, qua sinh hoạt, qua lối quan hệ, cung cách tổ chức cuộc sống, vẫn có thể nhận thấy hình ảnh của “làng trong phố”...
  • Khi U80 đội gạo lên chùa

    08/02/2012Toan ToanNhà văn Nguyễn Xuân Khánh lại vừa nhận Giải thưởng văn học 2011 với cuốn tiểu thuyết dày hơn 800 trang - 'Đội gạo lên chùa'.
  • Ông Phật văn Nguyễn Xuân Khánh

    03/02/2012Phạm Xuân Nguyên... Lấy ngay cuốn tiểu thuyết mới nhất của lão là “Đội gạo lên chùa” mà xem. Đọc xong cuốn đó, tôi thấy mình như được xông hương...