Tiêu cực trong chuyển dịch văn hóa
Lâu nay, chúng ta thường tự hào, đề cao vai trò của yếu tố cộng đồng trong sự phát triển dân tộc. Quả thật, nếu không có vai trò của cộng đồng, người Việt sẽ không thể xây dựng, bảo vệ được một đất nước liên tục phải đương đầu với thiên tai và ngoại xâm. Hàng nghìn năm, các thế hệ người Việt gắn với cộng đồng từ gia đình đến làng, nước. Cả khi đô thị kiểu phương Tây ra đời, qua sinh hoạt, qua lối quan hệ, cung cách tổ chức cuộc sống, vẫn có thể nhận thấy hình ảnh của “làng trong phố”.
Và thực tế cho thấy, khi cộng đồng được đề cao, giữa vai trò chi phối, con người sẽ khó có thể tích lũy các giá trị để có thể trở thành cá nhân. Họ chỉ là cá thể. Họ khó có thể tồn tại độc lập nếu thiếu cộng đồng làm chỗ dựa. Trong khi đó, không thể phủ nhận được rằng, trongbanr chất sâu xa của mình, mỗi cá thể luôn luôn tiềm ẩn nhu cầu được thừa nhận, được khẳng định, do đó nhiều người phải sống trong nghịch lý: vừa buộc phải dựa vào cộng đồng, lại vừa muốn được thể hiện. Mới sinh ra kiểu quan niệm “con gà tức nhau tiếng gáy”, “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”… dẫn đến sự ra đời của thói háo danh. Hẳn mọi người đều biết, xưa kia, do háo danh mà có người khuynh gia bại sản vì một chức quan viên “hữu danh vô thực”.
Dân chủ làng xã tạo điều kiện để cá thể thể hiện mình và mang lại cho cá thể “ảo giác” về dân chủ, chứ không phải dân chủ thực sự. Sinh hoạt trong “giáp”, sau khi lên hàng “các cụ”, cá thể thấy mình được cộng đồng tôn trọng, được gọi là “cụ”. Nhưng xét đến cùng, sự tôn trọng chỉ là “ảo giác”. Vì, dù được gọi là “cụ” thì vị trí xã hội của cá thể vẫn không thay đổi; bần cố nông vẫn là bần nông, địa chủ vẫn là địa chủ. (giống như với các resort bây giờ, người có thu nhập thấp song biết dành dụm tiền bạc cũng có thể đến để cư ngụ vài ngày. Và cảm giác “đế vương” trong thời gian ở resort chỉ là “ảo giác”, bởi sau đó họ lại trở về với vị trí của “vợ ông lão đánh cá”!). Hệ quả là chỉ khi nào lợi ích cộng đồng bị xâm hại, cá thể mới quan tâm đến trách nhiệm; còn thì thông thường, dấu ấn cá thể khá mờ nhạt, đa số sinh tồn cùng thói ỷ lại, thiếu trách nhiệm, thậm chí nếu ai đó sốt sắng với việc cộng đồng còn bị gán nhãn hiệu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”! Từ ngày tiếp xúc với văn minh phương Tây, các thói tật trên nhanh chóng cộng hưởng với một số “mảnh vỡ” của quan niệm lấy cá nhân làm “bản vị”; và con người cá thể đi một bước từ người tiểu nông tư hữu tới con người ích kỷ, lấy lợi ích, lấy thỏa mãn nhu cầu của bản thân làm mục đích cho hành động. Kiểu con người ích kỷ lên ngôi, làm cho thói vô cảm, cái ác và lòng tham sinh ra nhiều biến thái khác nhau, đồng thời phá vỡ một số nguyên tắc ứng xử trong xã hội, đánh tráo một số giá trị. Tham gia hoạt động kinh tế, kiểu người này sẽ đẩy kinh tế hàng hóa theo lối kinh doanh hoang dã và giả trá. Có mặt trong các lĩnh vực khác, kiểu người này đưa tới sự méo mó, hoặc đẩy đạo đức nghề nghiệp vào tình trạng xuống cấp, chỉ có người lương thiện và xu hướng lành mạnh của xã hội mới là đối tượng hứng chịu hậu quả từ các việc làm của họ.
Những chỉ số kinh tế khả quan. Đầu tư nước ngoài tăng lên. Thu thập bình quân theo đầu người đã bắt đầu được tính theo con số hàng nghìn USD. Nhà cao cửa rộng mọc san sát trong phố xá và dọc theo các tuyến đường. Rồi lễ hội rộn ràng với đủ màu xanh đỏ tím vàng hầu như không vắng bóng trong những chương trình vô tuyến truyền hình. Rồi những khu du lịch thi nhau khai trương. Rồi cái giá ngất ngưởng của mấy cầu thủ “ngôi sao bóng đá vùng trũng”. Rồi mỗi năm hàng triệu người Việt Nam du lịch ở nước ngoài. Rồi khánh thành các resort. Rồi khách sạn năm sao. Rồi, rồi và rồi… rất nhiều con số có thể làm nức lòng những người lạc quan; đồng thời có thể làm đau lòng những ai đặt các con số đó bên cạnh tin tức về tham nhũng, về “cướp, giết, hiếp”, về lừa đảo, về cầu thủ ngang nhiên “bán độ” cả lòng tin, niềm tự hào của người hâm mộ, về làm ăn gian trá, về hàng giả, về hành vi bạo lực ngày càng trầm trọng và dã man, về sự vô cảm trước cái ác, về lâm tặc, về tai nạn giao thông, về trí thức ăn cắp tri thức, về người nông dân bán hết đất tìm ra thành phố với hy vọng đổi đời ở “chợ lao động”… mà ta vẫn gặp, hay đọc trên báo hàng ngày.
Mấy chục năm trước, từ nhận thức về sự mất cân đối giữa văn hóa và phát triển có thể đẩy một xã hội tới tình trạng nguy hiểm như thế nào, Liên Hợp Quốc đã đề nghị các quốc gia cần điều chỉnh chiến lược phát triển của mình. Bởi muốn phát triển bền vững, an toàn, có hiệu quả, chiến lược phát triển của mỗi quốc gia vừa phải bảo đảm tính toàn diện, ý nghĩa nhân văn. Ý thức được điều này, một đề tài khoa học cấp Nhà nước về văn hóa và phát triển do GS Phạm Xuân Nam chủ trì đã được triển khai và đã nghiệm thu. Nhưng vẫn chưa thấy kết quả nghiên cứu của đề tài áp dụng vào cuộc sống, phải chăng vì đề tài mang tính sách vở, thiếu tính thực tiễn? Phải chăng Nhà nước không đủ kinh phí để áp dụng kết quả đề tài? Khó có thể trả lời, nhưng lại hoàn toàn có thể hồ nghi, đó là một nghiên cứu không có khả năng tác động tới thực tiễn? Vì trên thực tế, tình trạng mất cân đối giữa văn hóa và phát triển vẫn xảy ra, và ngày càng trầm trọng. Để rồi, tình trạng văn hóa hỗn tạp như “văn hóa bãi bia” đang thống trị đời sống văn hóa của đất nước. Ở đó, cái tốt đang ẩn mình sau những tiếng thở dài và lời ta thán. Ở đó, cái xấu đang lộ diện với những gì kinh hoàng nhất. Ở đó, nhiều người lương thiện như đang phải thu mình hoặc tự thấy mình bất lực. Ở đó, mấy ông bà trọc phú “giàu xổi” và “văn hóa lùn” cùng mấy tay anh chị lấy đâm thuê chém mướn là nghề kiếm sống đang tung hoành như xã hội là tài sản riêng… Và dường như, các chỉ số văn hóa được công bố một cách tự tin, những lời kêu gọi vang lên hàng ngày, những khẩu hiệu vẫn được trưng bày la liệt dọc ngang bên các đường phố như đã giảm thiểu ý nghĩa khi đối diện với các sự kiện – hiện tượng tiêu cực trong chính cuộc sống?
Ngày 9-4-2010, website bayvut.com.au đăng bài viết nhan đề Sốc văn hóa trên đất Việt, ghi lại ý kiến của “32 người nước ngoài chia sẻ một số phản ứng tương đồng đối với những thực trạng trong cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam”. Xin dẫn lại vài đoạn: “Những chiếc thùng rác nằm ngoài đường vẫn còn sạch sẽ vì chưa đủ rác để làm dơ bẩn bên trong. Anh bạn của tôi đến từ nước khác, một hôm tình cờ đi sau lưng ba thanh niên người Việt đã bất ngờ đạp lên một chiếc bọc nước mía mà họ quăng lại đằng sau. Với ý thức cộng đồng cao, bạn tôi đã cúi xuống nhặt chiếc bọc ấy và băng qua đường (dự) định cho vào một thùng rác thì chiếc bọc thứ hai đã bay ra và đáp vào luồng xe cộ đang lưu thông. Bạn tôi giận quá, quay trở lại để khuyên: “Tại sao các bạn muốn làm cho bộ mặt đất nước mình xấu đi?” thì được trả lời rằng: “Đây là đất nước chúng tôi, chúng tôi muốn làm gì thì làm, xin anh đừng can thiệp!”. Được quyền tự do làm theo ý riêng của mình không có nghĩa là được phép đánh mất quyền tự trọng; can thiệp và khuyên bảo là hai điều hoàn toàn khác nhau… Người Việt tương trợ gia đình và thân nhân rất tốt, đôi khi hy sinh quên cả bản thân. Tuy nhiên khi một tai nạn diễn ra trên đường phố, rất nhiều chiếc xe đi qua đã dửng dưng không đếm xỉa hoặc chỉ đưa mắt nhìn hiếu kỳ. Người bị nạn kẹt dưới xe gắn máy một cách vô vọng nhưng người ta vẫn không mảy may chạy đến giúp, bởi lẽ nạn nhân ấy không phải là người trong gia đình họ. Anh bạn nước ngoài của tôi thấy vậy bèn chạy ra đỡ xe lên rồi đưa người kia vào lề đường. Những chiếc xe khác bị xe gắn máy cản đường bèn bóp kèn inh ỏi như thầm đòi hỏi bạn tôi phải lôi chiếc xe kia vào lề đường cho gọn vì đã giúp sao lại không giúp cho trót. Anh bạn tôi giận lắm, về sau đã nhận xét: “Khi Việt Nam đang làm hết mình để tăng giá trị và hội nhập vào thế giới, lẽ ra người Việt nên giúp đồng bào mình trước khi đóng góp vào công cuộc toàn cầu hóa của nhân loại!”. Thiết nghĩ, tinh thần lớn thường bắt đầu từ việc nhỏ và dân tộc có kỷ luật cao thường biết chú trọng làm những việc bình thường…”. Đọc các ý kiến này, người có ý thức tự trọng dân tộc chắc phải xấu hổ, đơn giản vì, người nước ngoài kia đã nói quá đúng.
Vào mục Pháp luật của baomoi.com, người yếu bóng vía sẽ không dám đọc kỹ, ở đó la liệt các tin tức được tổng hợp từ các báo, đại loại như: Nữ chủ nhà bị trộm sát hại trong đêm, Nguyên phó phòng thi hành án dân sự TP HCM lãnh án, Xe chở gạch đua với xe khách lật nhào trên quốc lộ, Đắc Lắc; Vợ đâm chết chồng; Tố cáo tiêu cực bị… đòi tiền; Giảm án từ tử hình xuống chung thân kẻ giết bố đẻ; Xe máy bỏ chạy sau khi tông chết cụ già; Thực phẩm lậu “qua mặt” cơ quan chức năng; Đi cướp để mua ma túy bao người tình; Công an phường Mai Dịch bị tấn công; Vì vài thước đất, huynh đệ tương tàn, Nữ hướng dẫn viên du lịch chuyển ma túy xuyên biên giới; Hai cảnh sát cơ động bị bắn trọng thương; Tố tụng quan liêu, dân “chết đứng”! Gã chồng hờ man rợ; Phạm trọng tội vì một đôi khuyên tai; Án mạng sau một vụ va quệt giao thông; Phó thanh tra Bộ Giao thông bị xử phạt vì đỗ ô tô sai quy định; Ông Viện trưởng thích… chơi súng và chạy án… Một cuộc sống bất an, đó là sự thật. Bất an không chỉ từ các tin tức dẫn lại ở trên, mà hiện tại, khó có thể phủ nhận một thực tế là có quá nhiều thành viên trong xã hội chúng ta, trong cuộc mưu sinh, trong sinh hoạt hàng ngày, đều ít nhiều cảm thấy bất an. Khi mà đa số người tốt lại không dám bộc lộ mình trong sinh tồn xã hội; khi mà cái xấu, cái ác, cái tiêu cực vẫn nhở nhơ, không sợ bị trừng trị; khi mà quá nhiều người lớn như đã đánh mất khả năng tự nêu gương trước cộng đồng; khi mà mua mớ rau cũng chưa biết rau sạch hay không; khi mà đang nghiêm chỉnh đi trên đường vẫn ngay ngáy lo bị xe khác đâm phải; khi mà sống trong ngay ngôi nhà của mình cũng có thể bị đối xử tàn tệ, chỉ vì đã không đáp ứng yêu cầu vật chất vô lý, vô nghĩa của con cái; khi mà trong quan hệ xã hội, chỉ từ một cái nhìn hay một lời nói không vừa ý là người ta có thể rút dao; khi mà vào bệnh viện là lại phải làm quen với lời mắng mỏ, ánh mắt hằm hằm, tiếng quát tháo của các “lương y như từ mẫu”; khi mà hàng ngày phải cố làm thế nào để kiếm tiền học thêm cho con cái, để nộp đủ mọi loại “phí” do thầy cô nghĩ ra; khi mà chỉ cần vài nghìn đồng là có thể tiếp xúc với vô vàn thói hư tật xấu được phổ biến trên Internet; khi mà “cửa quan” trở thành nơi người dân sợ hãi; khi mà đa số dân chúng chỉ còn biết “kính nhi viễn chi” trước một số quyết sách ở tầm quốc gia và biết không thể tranh luận với những người “luôn luôn đúng”; khi mà chân lý luôn “nằm sẵn trong túi” một số người… thì tâm trạng bất an còn tiếp tục ám ảnh cuộc sống của mỗi chúng ta. Vậy đâu là nguồn cơn của tâm trạng bất an? Có lẽ sẽ ít người phản đối nếu coi căn nguyên của tâm trạng bất an là sự chuyển dịch theo chiều hướng đi xuống của đạo đức xã hội; biểu hiện qua sự tha hóa của một số chuẩn mực sống và khuôn mẫu ứng xử giữa người với người; mà về sâu xa, là do nhiều chuẩn mực được (bị) sản xuất từ thói duy ý chí, bất chấp thực tế văn hóa, tâm lý con người. Hơn thế, là sự thiếu thốn một ý thức pháp luật của số đông dân chúng, của cả một số cá nhân có nhiệm vụ thi hành và giám sát việc thi hành pháp luật.
Đó cũng là chuyển dịch, nhưng là các chuyển dịch nằm ngoài mục đích của quá trình phát triển lành mạnh mà chúng ta mong muốn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn