Tham mưu: Kiến thức và trung thực
Gần đây, trong một số sai sót cả về chính sách lẫn điều hành ở tầm mức ảnh hưởng không hay đến xã hội, dư luận có nhắc một tác nhân - những người tham mưu. Tất nhiên, cách đánh giá nào đó sẽ không thực sự công bằng bởi lẽ cũng có những ý kiến tham mưu - ta hiểu, những ý kiến đóng góp cho người ra quyết định cuối cùng - mang lại hiệu quả không nhỏ, thậm chí rất lớn nữa.
Ngay khi bắt đầu xây dựng đường dây 500 KV, công trình quốc gia vào loại hàng đầu này bị cho là do người ra quyết định, ở đây, Thủ tướng Chính phủ - bấy giờ là anh Võ Văn Kiệt - quá nghe tham mưu. Lời nặng tiếng nhẹ đôi khi dẫn đến những cuộc tranh luận khá gay gắt trong cơ quan lãnh đạo cao. Song, khi đường dây 500 KV chứng minh hiệu quả rõ ràng, kể cả hiệu quả thu hồi nhanh vốn đầu tư, người ta đã nói thêm những đường dây 500 KV nữa mà không rút lại nhận xét về những người, những ý kiến tham mưu cho Thủ tướng. Chúng ta biết, đó là chuyện bình thường, nhất là đối với những công trình chưa có tiền lệ ở nước ta. Nó sẽ không bình thường khi, trên hiệu quả đạt được, chưa có cách nhìn những ý kiến tham mưu, những người tham mưu một cách rạch ròi, công thì thưởng, tội thì trừng, như thông lệ mọi nơi, mọi lúc. Biết bao nhiêu công trình đạt hiệu quả và cũng biết bao nhiêu công trình không đạt hiệu quả, lịch sử thì cân phân, còn phán xét của Đảng và Nhà nước lại bỏ nửa chừng.
Trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước vào thời kỳ giao tiếp giữa hai cơ chế như đang diễn ra ở nước ta, hết sức cần nhiều ý kiến tham mưu, nhiều hiến kế với nhiều giải pháp khác nhau qua nhận thức và kinh nghiệm của từng người, từng nhóm người liên quan tri thức mà những người ấy, những nhóm người ấy thu nhận từ những trường phái kinh tế - xã hội nào trước khi chúng ta định hình được cái cốt lõi Việt Nam của riêng mình. Đó là một quá trình mày mò, trao đổi, phản biện, công nhận và bác bỏ liên tục, tất cả đều là những phương án - tôi nói những phương án nghiêm chỉnh - ở dạng khả năng mà cuối cùng cơ quan lãnh đạo cao nhất, người lãnh đạo cao nhất phải dũng cảm chịu trách nhiệm, bằng không, chúng ta chẳng làm được cái gì cả. Hễ có "bàn vào" thì có "bàn ra", với đủ cả tri thức lẫn động cơ, kinh nghiệm. Giá như lật tới lật lui như thế đối với chủ trương hợp tác hóa, công nghiệp hóa thời kỳ sau ngày đất nước giải phóng hoàn toàn và thống nhất thì có thể đường lên của chúng ta đã thong dong hơn một mức. Ngày nay, danh dự của đồng chí Kim Ngọc - Bí thư Vĩnh Phú, được khôi phục, song nếu quan điểm khoán sản phẩm nông nghiệp của đồng chí được đặt ra rõ ràng, thu nhận nhiều ý kiến thuận nghịch thì sự khôi phục danh dự kia không cần thiết và quá trình cải cách quản lý nông nghiệp không quá muộn màng.
Tuy nhiên, một mặt khác cần được lưu ý thỏa đáng là tổ chức tham mưu, thu nhận ý kiến tham mưu. Sở dĩ tôi đặt vấn đề như thế bởi quả có những sai sót, người chịu trách nhiệm dù là người lãnh đạo có quyền quyết định, vẫn chịu tác động của tham mưu, thậm chí tác động ngược lại với thực tế và cho hiệu quả xấu. Cái này thì nhiều lắm, ở cấp vĩ mô cũng như ở cấp thực hành. Tôi rất mừng, gần đây Quốc hội và Chính phủ, sau khi nghe rất nhiều ý kiến tham mưu, vẫn đối chiếu và chọn lựa như tham mưu đề xuất tăng giá điện, gas, than... nhưng Chính phủ không chấp nhận. Tất cả chúng ta sẽ mừng hơn nếu sự cân nhắc theo hướng bác bỏ những cái không phù hợp đồng hành với xu hướng thừa nhận cái đúng, cái cần làm. Đây là một cân đối trong điều hành việc nước, việc Đảng.
Lúc sinh tiền, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thường bực dọc về cái mà đồng chí gọi là "quân sư quạt mát" thay cho "quân sư quạt mo". "Quân sư quạt mo" trong dân gian đã thành hình tượng trên sân khấu, những người "dựa bệ ăn lương" cho ý kiến lia lịa, can thiệp lia lịa vào đủ thứ chuyện của triều đình và là những ý kiến nếu không sai về định chuẩn khoa học thì cũng xuất phát từ những động cơ, nói trắng ra, tầm bậy. Người ta gọi đó là những tay "nịnh". Với những người tham mưu dù "quạt mo" hay "quạt máy", dân gian ta đánh giá đó là những "thầy dùi". Tham mưu mà thành "thầy dùi", chẳng hay ho gì. Cuối cùng rồi, có thể có những tham mưu đúng nghĩa như Gia Cát Lượng làm quân sư cho Lưu Bị và cũng có những tham mưu đặc sệt "thầy dùi" kiểu Bàng Hồng... Song, cái bản lĩnh của người lãnh đạo là cân nhắc và quyết định, bản lĩnh ấy được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Nói cho cùng, không thể không có tham mưu, đồng thời hết sức cần có một chọn lọc tham mưu theo hai tiêu chuẩn: đủ kiến thức và đủ trung thực.
Đó là vấn đề thời sự của chúng ta...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015