'Nhắm mắt nhìn trời' - bi kịch của trí thức thời nay
Tiểu thuyết mới của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy dựng lên một xã hội nhốn nháo, nhộm nhoạm, trong đó trí thức bị giằng xé giữa giá trị văn hóa, đạo đức và đời sống thực.
Tên sách: Nhắm mắt nhìn trời
Tác giả: Nguyễn Xuân Thủy
Nhà xuất bản Trẻ
Tác phẩm mở đầu bằng những trang văn miêu tả đẹp như thơ. Một không gian tịnh yên, lành sạch hiện ra dễ khiến người đọc đồ đoán cuốn sách là thiên lãng mạn. Nhưng những trang tiếp theo của tiểu thuyết đã bày ra sự thật trần trụi của cuộc sống. Thì ra phong cảnh đẹp đẽ chỉ là sự tưởng tượng của Nguyễn. Trên thực tế, anh nhà văn kiêm nhà báo chỉ có một phòng trọ 15 m2 và giấc mơ con về một tấc đất cắm dùi.
Tiểu thuyết Nhắm mắt nhìn trời.
Nguyễn và Thành vừa viết văn vừa làm ở một tạp chí văn nghệ có tên Đất ấm. Nếu Thành nhanh nhẹn, thức thời, thì Nguyễn lại là người "cù lần", luôn đau đáu nỗi niềm văn chương. Thành rủ Nguyễn mua một miếng đất ruộng, làm nhà tạm để chờ thời cơ chuyển đổi thành đất thổ cư. Không chỉ có Thành, Nguyễn, những người nông dân dường như chạy đua dai dẳng và chơi bài "lỳ" khi quyết tâm biến đổi đất nông nghiệp thành đất ở. Nguyễn, dù biết việc mình làm là lách luật, vẫn cứ thực hiện, bởi giấc mơ nhà cửa ám ảnh anh. Tâm lý của Nguyễn là "lo thì có lo, sợ thì có sợ nhưng cái cảm giác sắp được sở hữu một căn nhà nhỏ đã nhanh chống chiếm hữu toàn bộ tâm trí Nguyễn. Nhỏ thì cũng là của mình. 'Nhà anh ở chỗ nào?' 'Nhà tôi ở chỗ ấy, chỗ ấy...'. Nguyễn có thể trả lời hiên ngang tự tin như vậy chứ không phải kiểu chung chung giải trình, tôi đang ở nhờ chỗ này, hoặc tôi đang thuê tạm chỗ kia...".
Để có được hai ngôi nhà tạm cạnh nhau, Nguyễn và Thành đã gặp bao chuyện khóc dở, cười mếu. Họ gặp, tiếp xúc, ngồi cùng mâm, làm nhiều việc với đủ các thành phần tại ngôi làng Liên Minh. Cũng bởi thế, truyện mang đến đủ thành phần, chân dung tiêu biểu trong xã hội. Hơn ba trăm trang tiểu thuyết họa lại bức tranh đời sống nhộn nhạo ngày nay. Giống như một nồi lẩu thập cẩm, cuộc sống ấy dậy lên đủ thứ mùi vị, trong đó có mùi chữ của Thành, của Nguyễn, mùi phân của Nhợn cứt, mùi bia hơi đặc sản cá nhệch của Tâm cá mặt quỷ, mùi lô đề của chị Thiện lác, mùi "bựa" của Trí đền bù, mùi phấn sáp rẻ tiền của Hiền cave...
Nguyễn Xuân Thủy không hề nói quá, nói vống lên điều gì. Tất cả chi tiết trong truyện khiến người đọc có cảm giác như đã gặp ở đâu đó, hoặc đã đọc trên tin tức hàng ngày. Nhưng cái tài của anh ở chỗ sử dụng những "chuyện thường ngày ở huyện", cắt đặt, sắp xếp theo một logic; đặt vào hành động, lời nói của một nhân vật để dựng lên những chân dung điển hình. Tác giả kể lại hiện thực đời sống với một giọng điệu tỉnh queo, hài hước, còn người đọc thì cảm thán cho cái xã hội mà nhà văn dựng lên.
Trong Nhắm mắt nhìn trời, giữa sự lộn xộn của một xã hội đang trong quá trình đô thị hóa, nổi lên những kiểu nhân vật, những câu chuyện của làng văn. Chuyện làm sách lậu, quy trình biến một cuốn sách thành best-seller ra sao được thể hiện rõ qua câu chuyện của nhân vật Nậu sếch. Rồi những nhà văn lắm mánh lới như Minh Long, nhà thơ Hát đọc thơkhi đi chơi gái... được kể sinh động, hài hước.
Không xuất hiện quá nhiều, không phải tình tiết nào, chương nào cũng nhắc tới, nhưng nhân vật nhà văn Nguyễn trở thành tâm điểm của tiểu thuyết. Sống giữa những con người mà ai cũng gặp bi kịch, thì Nguyễn còn mang bi kịch của một người viết, một người không thể vô tâm. Anh nhìn thấy bi kịch của một xã hội mà đâu đâu cũng là cái ác, cái xấu, cái buồn. Không những thế, Nguyễn còn bị cuốn vào guồng quay của cái xấu ấy. Bất lực trước thực tại, bi kịch của Nguyễn chính là bi kịch của người cầm bút, bi kịch của lương tâm con người.
Tác giả đặt những trí thức, nhà văn, nhà báo ngang hàng với tầng lớp dưới đáy xã hội. Kết quả cho thấy họ cũng chẳng hơn gì những người cần lao. Những cô gái làng chơi, bà đồng nát, người nông dân mất đất chỉ gặp bi kịch là sự khổ, còn người trí thức, bên cạnh cái khổ là phần đau. Người trí thức được ăn học, được giáo dục về lương tâm, đạo đức, có hiểu biết, nên họ đau cho chính mình, cho người xung quanh, và đau cho cuộc đời.
Nếu như tiểu thuyết mở ra bằng một không gian rộng rãi, bao la thanh sạch, thì nó khép lại với một không gian tù túng: nhìn qua cái giếng trời của một biệt thự bỏ hoang. "Nguyễn nhắm mắt... Khi nhắm mắt, bầu trời chỉ là một màu đen kịt. Hai chân Nguyễn co lên, tay thu trước ngực như hình một bào thai. Mọi thứ ngừng lại, kể cả hơi thở. Và giấc ngủ đậu xuống. Nguyễn đã thực sự trở lại với hình hài nguyên sơ trong một vũ trụ u minh tự thuở sinh thành".
Cuối cùng, Nguyễn đã nhắm mắt để nhìn đời, nhìn bằng sự chiêm nghiệm, bằng những tổn thương mà một xã hội bất tín đã tạo ra. Việc Nguyễn xin rút khỏi Hội nhà văn, tâm trạng của Nguyễn có lẽ cũng là cách phản ứng của người trí thức với những bất ổn của đời sống ngày nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn