“Nhân loại bắt đầu có khuynh hướng… chậm lại”

12:33 CH @ Thứ Sáu - 05 Tháng Hai, 2021

Rạng sáng ngày 16/12/2020, qua một người bạn, tôi biết tin nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt đã qua đời sau một cơn đột quỵ. Một cơn choáng váng ập đến; bởi, đúng một tháng trước, tôi vừa có cuộc nói chuyện với ông về chủ đề số báo Xuân Phụ nữ 2021: “Sống”.

“Ông ấy ghê gớm lắm” – tôi vẫn nghe cánh đồng nghiệp kháo nhau như vậy. Kiểu “ghê gớm” của một trí thức tầm cỡ, không từ chối bất cứ câu hỏi nào từ nhà báo; từ kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, văn hóa… đến những câu chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt đang nóng trên mạng; mà câu trả lời nào cũng được ôngbàn đến tận cùng, thậm chí, đến“mạnh miệng”. Kiểu “ghê gớm” của một cá tính sẵn sàng đối thoại, để đưa ra được một kiến giải nào đó.

Còn nhớ hôm đó, khi tôi đặt hai sự kiện: COVID-19, lũ lụt và sạt lở ở miền Trung ở cạnh nhau, xoay quanh câu chuyện sự sống; ông đã liên tục đưa ra “phản đề” “rất Nguyễn Trần Bạt”.Tôi không biết đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông. Bài phỏng vấn, vô tình, trở thành lời tạm biệt ông - một người cả đời làm công việc đối thoại với thời cuộc, một người ham sống, quý trọng sự sống mà tôi biết. Bản thân sự ra đi của ông, vì thế, trở thành một thông điệp mạnh mẽ về sự sống.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt - Ảnh: Tuấn Mark

Đất nước chúng ta nằm trên vách núi

* Phóng viên: Từ cuối năm 2019 đến năm 2020, có hai câu chuyện ảnh hưởng khá sâu sắc trong đời sống xã hội, là đại dịch COVID-19 và lũ lụt và sạt lở ở miền Trung. Dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào thì các sự kiện cũng đều xoay quanh phạm trù “sự sống” của con người. Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, ông có suy nghĩ gì khi đi qua một năm như vậy?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: COVID-19 là vấn đề của sự phát triển. Trong quá trình toàn cầu hóa, khi phát triển một cách không chừng mực, con người có thể vô tình tạo ra môi trường lây bệnh và tạo ra bệnh.

Câu chuyện thiên tai sâu sắc hơn nhiều. Rất nhiều lợi ích bắt đầu từ việc khai thác thiên nhiên, liên quan đến trách nhiệm quản lý. Tôi là người miền Trung, tôi lo lắng cho cả dải miền Trung Việt Nam trong một tương lai vừa bão lũ, vừa ngập lụt, vừa hạn hán, vừa sạt lở. Có nhiều việc mà tính hám lợi của con người đã hoàn thiện quy trình công nghệ làm thay đổi, thậm chí làm biến dạng các điều kiện sống ở dải đất này.

Chúng ta không dễ thoát khỏi hiện tượng COVID-19, nhưng vẫn có thể thoát được. Nhưng vấn đề ở miền Trung là vấn đề rất khó. Chúng ta còn mải mê cãi nhau xem ai đúng ai sai quanh cái hiện tượng mà ai cũng trông thấy. Làm mất sự cân bằng trên quy mô quốc gia, chúng ta xử lý hậu quả này bằng cách nào. Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý không nên tranh cãi với nhau nữa, mà cần xem xét kỹ hậu quả gây ra bởi các yếu tố tham gia vào quá trình “cạo trọc” điều kiện sống ở các tỉnh miền Trung, và nghiên cứu cách thoát ra khỏi tình trạng ấy.

* Ông có bi quan quá không, khi nói về một tương lai không mấy sáng sủa của miền Trung Việt Nam như vậy?

- Nếu để ý, sẽ thấy đất nước của chúng ta nằm trên vách núi. Là quốc gia hình thành trên vách núi, thậm chí hiểu theo nghĩa rộng thì đồng bằng sông Cửu Long cũng nằm dưới chân vách núi. Vì thế, Việt Nam hứng chịu nhiều loại hình tai họa phân bố trên các vùng địa lý rất đặc trưng, như khu vực miền Trung có độ dốc lớn hay các vùng trũng như Đồng Tháp Mười và đồng bằng Sông Hồng.

Từng là kỹ sư công binh của Bộ Tư lệnh 559, tham gia làm đường Hồ Chí Minh kể cả giai đoạn trước chiến tranh và sau chiến tranh, tôi hiểu rằng người Pháp trước đây không làm đường một ở trên cao là vì họ lo nó phá vỡ sự cân bằng của tự nhiên. Trường Sơn là dãy núi trẻ, đất bazan là loại đất của quá trình tạo sơn trẻ. Ở đó, tất cả các vách núi đều không ổn định, hay đều ở trạng thái cân bằng phiếm định của tự nhiên.

Vì thế, đã đến lúc các nhà lãnh đạo phải nhận ra rằng, muốn khai thác thiên nhiên vì những lợi ích cụ thể thì phải có được một tầm nhìn đủ để hình dung ra tai họa. Chúng ta hay lập những kế hoạch 30-50 năm, nhưng chúng ta nên nhớ đối với các tai họa, 30 năm hay 50 năm không phải là thời hạn. Tất cả các công trình thiết kế đều phải tính toán đến độ an toàn. Thí dụ, công trình có thể chịu đựng động đất đến cấp mấy và trong vòng bao nhiêu năm.

Con người hay đánh đu theo các thành tựu

* Nhưng con người thì hay “đánh đu” theo các thành tựu và xem đó là một chỉ số của sự phát triển?

- Đúng vậy. Nhà thì phải thật cao, đập thì phải thật to, và họ treo lơ lửng những tai họa trên đầu con người mà không biết. Cho nên, khi con người muốn làm những việc quá sức, những việc tiệm cận tai họa, bắt buộc phải có tầm nhìn khoa học và tầm nhìn triết học. Phải có tính toán, thống kê rõ ràng, đầy đủ về độ an toàn của công trình. Thí dụ, không nên xây dựng các đô thị quá lớn, có khả năng tập hợp con người đến gần tai họa; hay những siêu thị khổng lồ - nơi tập hợp con người lại để quá trình gieo bệnh thuận lợi hơn. Hoặc khi xây dựng các công trình ở đồng bằng, chúng ta phải nghiên cứu để tránh khả năng lụt lội. Khi xây dựng công trình ở trung du, chúng ta phải tính toán để tránh khả năng sạt lở. Tóm lại, con người buộc phải có kinh nghiệm, có cơ sở học vấn, và phải có tầm nhìn triết học để không phạm phải sai lầm trong những thời điểm khác nhau.

Bão lũ miền Trung trở thành vấn đề nghiêm trọng thời gian qua

* Xin hỏi nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, động lực để Việt Nam bước qua “khủng hoảng” là gì?  

- Là ham sống sợ chết. Có người không thích cụm từ này. Nhưng có lẽ người ta không để ý rằng, ham sống sợ chết là bản năng quan trọng nhất của nhân loại, chỉ có điều người ta xấu hổ nên ít khi công khai nói về nó. Khái niệm đó thường bị khai thác ở khía cạnh chính trị, làm cho nó bị nhìn nhận như một lỗi chính trị chứ không được nhìn nhận như là bản năng đặc trưng của con người.

Đó là bản năng triết học của con người. Con người mà không ham sống thì làm gì có loài người. Ham sống thì gắn liền với sợ chết. Con người mà ù lì, không biết sợ là gì, thì làm thế nào quản lý được. Con người không được quản lý thì không thể có những hành động mang chất lượng người. Tôi không nói khái niệm ham sống sợ chết với nghĩa là khuyết tật chính trị, mà nói với tư cách một bản năng sống.

* Nhưng “ham sống sợ chết” của mỗi cá thể thì có liên quan gì tới động lực thoát khỏi khủng hoảng của mỗi quốc gia hiện nay, thưa ông?

- Con người không ham sống là con người không yêu cuộc sống nữa. Mà không yêu cuộc sống nữa thì làm sao vun xới cho cuộc sống được. Tất cả các quá trình tưới cây, trồng cây là biểu hiện của tình yêu cuộc sống. Mất đi động lực cơ bản là ham sống, thì đồng thời cũng mất luôn nhu cầu vun xới cho cuộc sống. Cho nên, ham sống là động lực cơ bản loài người. Con người không xem ham sống là một năng lực thì không phát triển cuộc sống được. 
Năm nay tôi 75 tuổi, tôi rất yêu công ty của tôi. Tuy rằng công ty của tôi không đem lại nhiều tiền cho tôi đến mức tôi có thể trở thành đại gia, nhưng nó đem lại cho tôi sự thông thái mà có những đại gia không thể có. Khi tôi ham sống thì tôi luôn muốn kiến tạo các yếu tố để sống. Không có yếu tố để sống nào được kiến tạo một cách có ý thức mà lại chỉ dành riêng cho một người. Đó là kinh nghiệm quan trọng nhất của loài người về sự sống.

Ham sống có đi cùng nỗi sợ. Sợ chết, sợ rủi ro, sợ mất mát. Tại sao chúng ta phải xấu hổ trước thực tế là mình sợ chết? Sợ chết là một năng lực của con người chứ không phải nhược điểm. Nếu sợ chết là nhược điểm thì con người lấy đâu ra động lực để bảo vệ sự sống?

Khi ý thức được một cách sâu sắc điều này, từng cá thể người mới mới muốn làm một điều gì đó để bảo vệ cái điều kiện sống của chính mình và những người xung quanh mình.

Đại dịch Covid-19 đang gây nên những tổn thất nặng nề về kinh tế, xã hội…

Sống nhanh là một nguy cơ

* Một năm con Chuột không hề bình yên sắp khép lại; nhưng dư âm của nó vẫn còn đó với nhiều thử thách đón đợi ở năm con Trâu… Ông có một dự đoán gì cho năm 2021?

- Năm 2021 chúng ta dần dần ra khỏi COVID-19. Đầu năm 2021, nhiều loại vắc-xin COVID-19 sẽ dần dần được lưu thông trên thị trường. Con người làm chủ các rủi ro liên quan tới sinh mạng của mình thì con người tự tin hơn, do đó kinh tế sẽ quay trở lại tốc độ phát triển của nó. Điều tôi lo là tốc độ phát triển năm 2021 có điều chỉnh kịp so với kinh nghiệm được rút ra từ dịch bệnh, thiên tai, hay các tai họa khác hay không? Thế giới đã bắt đầu có những lời kêu gọi sống chậm lại.

* Khi nhiều người kêu gọi “sống gấp”, để bù vào cái “lỗ thủng” thặng dư sau một thời gian dài kiệt quệ vì dịch bệnh, bão lũ, ông lại cung cấp một “từ khóa” khác để “giải độc” nền kinh tế - xã hội Việt Nam: sống chậm…

- Tôi nghĩ sống nhanh là một nguy cơ. Giống như đi xe máy, ô-tô hay thậm chí đi xe đạp mà nhanh quá đều có thể gặp nguy hiểm. Tương tự, một đất nước mà đi nhanh quá thì không còn đủ sáng suốt. Cái gì nhanh quá là cũng không sáng suốt.

Trên kênh Discovery có phim nói về con rùa. Người ta dùng con rùa như là mô hình để mô tả các đòi hỏi sinh thái bây giờ. Bởi vì trong tất cả ưu điểm của con rùa có sự chậm rãi. Nhân loại đã bắt đầu có khuynh hướng muốn sống chậm lại. Chậm lại là nhu cầu của sự phát triển, là sự chín chắn của sự phát triển.

Nhưng con người lại phát triển theo bản năng, liệu trí tuệ con người có đủ mạnh để làm nó chậm lại so với động lực bản năng của nó không? Con người ham sống thì nó chạy nhanh về phía trước mà sợ chết thì nó lùi nhanh về phía sau. Ham sống sợ chết cũng có mặt tiêu cực của nó là con người có thể tiến nhanh và lùi cũng nhanh. Lùi mà không suy nghĩ thì rủi ro, tiến mà không suy nghĩ cũng rủi ro. Vậy cái gì là cái vừa phải? Đó là điều nhân loại luôn phải đi tìm. Mỗi một con người đều phải tìm một tốc độ sống hợp lý để tự bảo vệ mình. Tương tự, mỗi một đất nước cũng phải tìm một tốc độ phát triển hợp lý để bảo vệ mình.

* Cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt. 

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sống chậm giữa đời nhanh

    02/07/2010Lê Thiếu NhơnMột người cuống cuồng với miếng ăn chỉ là một người chuẩn bị sống chứ không phải một người đang sống...
  • Viết – sống – và bình an

    24/10/2019Trần Văn ToànViết, với một người bình thường, vì thế, là một buông xả. Để giải thoát cho ngọn lửa trong nội tâm. Viết còn là một tu tập. Để vun đắp cho những tín niệm. Tôi không tin ai đó có thể viết trong sự bình an. Nếu đã thực sự có bình an thì người ta đã hoàn toàn vong ngôn.
  • Tác phẩm “nóng” trong văn chương hiện thời

    28/05/2019Bùi Việt Thắng, Việt YênVậy trong văn chương, tác phẩm nóng là gì, nó phản ánh những gì của đời sống văn chương và xã hội. Rõ ràng là chưa thể có sự thống nhất trong quan niệm và nhận thức, mỗi người mỗi ý...
  • Cuộc sống không phải là cuộc đua

    07/01/2019Aruna Ladva (*)Slow down... and speed up - “Muốn nhanh thì phải từ từ”
  • Cái vội của người mình

    05/01/2018Vương Trí NhànNăm 1982, Larry Dossey, một bác sĩ người Mỹ đã đặt ra thuật ngữ “căn bệnh thời gian” để mô tả một tín điều đang ám ảnh nhiều người. Những người này thường tự nhủ: “Thời gian đang trôi đi, không còn đủ thời gian, và bạn phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa mới bắt kịp nó”.
  • Không thể hiện đại hóa tâm trạng

    30/10/2017Phan Thắng thực hiệnBản sắc dân tộc là những mã số văn hoá ẩn tàng bền vững trong chiều sâu tâm thức một cộng đồng, chi phối tâm trạng con người trong các bối cảnh xã hội khác nhau. Mất bản sắc con người trở nên khắc khoải, bơ vơ về mặt tinh thần, suy giảm năng lượng sống. Do đó, vấn đề phát triển luôn luôn phải gắn liền với vấn đề bản sắc như hình với bóng. Vì người ta có thể hiện đại hoá xã hội, hiện đại hoá hành vi và công cụ, nhưng không thể hiện đại hoá tâm trạng con người...
  • Sự có mặt của những “ngày xưa”!

    14/12/2016Vương Trí NhànCái cảm tưởng ấy đến với tôi sớm nhất là hồi chống Mỹ, khi gần như cả Hà Nội bỏ đô thị để về nông thôn. Chả ai kêu ca gì, thậm chí nhiều người còn tự hào là được trở về với cái gì trong lành hồn nhiên của đời sống ông cha. Nhưng khách quan mà nói, đó là lúc cái nhịp sống chậm chạp tùy tiện của xã hội tiểu nông từ từ quay lại...
  • Dấu hiệu cho thấy bạn nhiễm quá nhiều thói quen của thế kỷ 21

    07/12/2016Sưu tầmBạn gửi thư điện tử cho đồng nghiệp bàn kế bên để hỏi xem người đó sẵn sàng đi ăn trưa chưa; Bạn thường xuyên chat với một người lạ ở Mỹ nhưng cả năm trời nay bạn chưa hề nói chuyện với người hàng xóm; L‎ý do mà bạn không giữ liên lạc với một số bạn bè là vì họ không có địa chỉ thư điện tử;
  • Internet và các vấn đề về ngôn ngữ và tư duy

    07/04/2016Linh Hanyi phỏng vấn nhà văn Hà Thủy NguyênSố đông luôn luôn bị “lôi đi” theo một cách nào đó. Nếu ở thời trước người ta bị “lôi đi” bởi những lời hứa hẹn lý tưởng, những giấc mơ về cuộc sống thiên đường, đến thời đại Internet, việc tương tác liên tục khiến tư duy con người bị phân mảnh, thông tin bị nhiễu loạn kinh khủng, một ngày không biết có bao nhiêu tin tức, nên người ta cần một cái gì đấy đập thẳng vào mặt, thật sốc, thật scandal...
  • Nâng trình độ sống để thích nghi - phát triển

    14/10/2015Phương Loan (thực hiện)Lịch sử ngoại xâm liên miên, người Việt quen sống co lại, ít có khao khát ra với thế giới, hiểu thế giới. Càng co lại ta càng đánh mất đi khả năng phát triển, càng không đủ bản lĩnh để ra với thế giới và hiểu thế giới - nhà văn hoá Vương Trí Nhàn luận giải quá trình phát triển của Việt Nam trong hội nhập dưới góc độ văn hoá.
  • Không ai dạy tôi ước mơ

    23/07/2014Lê Ngọc Sơn thực hiệnThật xấu hổ khi phải nói là hồi nhỏ tôi không có ước mơ. Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nơi đó mọi người thường chỉ chăm chú làm việc đồng áng, mùa vụ từ sáng sớm đến tối mịt mà quên mất những ước mơ. Tôi cũng vậy, như cây lúa, đến ngày đến tháng thì làm đòng, trổ bông. Hết phổ thông, tôi vào đại học.
  • Thấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?

    21/10/2003Trương HiệuCuộc điều tra về giáo dục học tại TP.HCM mới đây đã cho thấy thực trạng: 60% sinh viên sống khép mình, ít tham gia hoạt động xã hội; 10% sinh viên hướng vào vui chơi, hưởng thụ và chỉ có 30% sinh viên say mê học tập...
  • Điều quan trọng nhất

    22/09/2013Việt VănKhi đi gặp các nhân vật của mình, bao giờ tôi cũng hỏi: điều quan trọng nhất trong cuộc sống của họ là gì? Và câu trả lời nhận được không có mẫu số chung...
  • Sống chậm ơi

    04/09/2013Thùy LinhBao giờ thì con người đang sống quanh mình biết sống chậm?
    Nhìn họ mình phát sốt…Quanh họ bủa vây toàn là ảo tưởng; sức ép của thành công; đòi hỏi bất tận về vật chất, sự xa hoa và vô vàn những cạnh tranh…Hầu hết mọi người bị ném vào “cối xay tham vọng” khổng lồ và làm thành món băm viên tròn trĩnh. Chả còn mấy ai đủ sức, có cơ hội thưởng thức cuộc đời.
  • Sống chậm thời @

    10/07/2010Quyền Hồ"Những buổi tối thứ Năm không còn nữa vì Face-book đã giúp cập nhật mọi thứ, từ đĩa nhạc đang nghe, cái áo mới mua, một chuyến đi Thái - Sing, một buổi tiệc tại nhà...
  • Sống chậm

    05/02/2010KTS Nguyễn Trường LưuTrong cuộc sống, mọi người đua nhau phải nhanh hơn. Từ làm nhanh, đi nhanh, ăn nhanh… đến “sống nhanh”, tất cả đều bị tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ thúc giục và gây sức ép. Và, cái gì chậm lâu nay vẫn mang một nghĩa xấu như: chậm hiểu, chậm chạp, chậm tiêu…
  • Người trẻ "sống chạy"?

    19/10/2008Báo Phụ nữKhao khát của số đông bạn trẻ là có sự nghiệp. Nhưng nhiều người, vì hối hả trên đường đua tìm kiếm vật chất, đã bỏ qua nhiều giá trị tinh thần...
  • xem toàn bộ