Nhân danh công nghiệp hóa!

08:57 SA @ Thứ Tư - 10 Tháng Bảy, 2019

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc lạm dụng hoặc lợi dụng công nghiệp hóa để ồ ạt mở khu công nghiệp là bước đi sai lầm và có thể dẫn đến những hậu quả tai hại cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Cần phải nhanh chóng chỉnh đốn lại tình trạng này và hoạch định việc phát triển khu công nghiệp theo một hướng khác, hiệu quả hơn.

Vì sao ồ ạt?

Tiến sĩ Võ Đại Lược, Chủ nhiệm chương trình trọng điểm cấp nhà nước về các vấn đề kinh tế Việt Nam đến năm 2020, nói rằng ông đã từng báo cáo và kiến nghị lên các cấp cao nhất về những bất cập liên quan đến các khu công nghiệp hiện nay nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh.

Hiện tượng bất thường dễ thấy, theo ông, là “từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, đâu đâu cũng mở khu công nghiệp”. Vấn đề tai hại nằm ở chỗ, các địa phương cứ hiểu công nghiệp hóa là khu công nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn cũng phải đi theo hướng đó. Cho nên, chỉ mới trong mấy năm gần đây đã có trên 200 khu công nghiệp được lập ra trên hầu hết các tỉnh, thành phố của cả nước.

“Đó là điều không thể tưởng tượng được!”, ông Lược bức xúc.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, cũng băn khoăn: “Ngay cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan quản lý về đầu tư cũng thừa nhận số lượng khu công nghiệp quá nhiều mà sử dụng không hết, thậm chí không sử dụng gì cả. Bình quân chỉ lấp đầy 50-60%. Đây là một sự lãng phí cực kỳ lớn nhưng tại sao vẫn cứ để tình trạng này kéo dài?”.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nói: “Tôi nhớ là cách đây sáu, bảy năm Thủ tướng Phan Văn Khải từng có văn bản yêu cầu tạm ngưng và rà soát việc cấp phép thành lập khu công nghiệp nhưng không hiểu sao bây giờ lại có tình trạng như vậy”.

Về vấn đề này, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, bên cạnh mục tiêu chính danh công nghiệp hóa như đã nói, không loại trừ động cơ vì muốn “có tiền cơ sở hạ tầng rót xuống mà có dự án lên tới hàng trăm tỉ đồng và để lấy thành tích “tỉnh tôi có ba khu, năm khu, bảy khu công nghiệp”.

Còn theo TS. Nguyễn Quang A, có trường hợp khu công nghiệp chỉ là “một hình thức biến tướng để bán đất cho một số người kinh doanh bất động sản thôi”. Bởi vậy, nhiều khu công nghiệp được lập nên mà không theo một quy hoạch “đàng hoàng”,có tầm nhìn” nào cả.

Trong khi đó, theo bà Phạm Chi Lan, một trong những nguyên nhân là do thiếu một quy trình minh bạch và giải trình trong việc ra quyết định thành lập khu công nghiệp. Minh bạch là quá trình ra quyết định phải minh bạch và có sự tham gia ý kiến của nhân dân, trong đó có cả những người bị lấy đất, bị thiệt hại; và giải trình là trách nhiệm của người ra quyết định phải rõ ràng, nếu sai phải bị chế tài.

Tôi giả sử nếu làm nghiêm ngặt, đối với những khu công nghiệp lấy đất của dân mấy năm trời mà bỏ hoang thì yêu cầu bồi thường thiệt hại trong những năm đó và trả lại đất cho dân. Đồng thời quy trách nhiệm cá nhân đối với những ai ra quyết định, tư vấn. Nếu được như thế thì sẽ hạn chế bớt tình trạng nhân danh công nghiệp hóa để ồ ạt lập khu công nghiệp” - bà Lan phát biểu.

Tuy nhiên, trên thực tế các quyết định lập khu công nghiệp lại đều không minh bạch, không ai chịu trách nhiệm về việc đó cả và theo bà Lan “dường như việc đó chỉ phục vụ cho lợi ích của một ai đó thôi”.

Nên rà soát lại

Bà Lan cho rằng một nước nông nghiệp như Việt Nam mà tất cả 63 tỉnh thành đều đòi phải có khu công nghiệp, có cảng thì quá bất hợp lý vì điều đó sẽ dẫn đến chia cắt trong phát triển, phá hỏng những chính sách lớn của nhà nước.

Theo bà, trong quy hoạch mới, nên có những vùng chỉ tập trung cao độ cho nông nghiệp và ngược lại nên để cho những vùng khác thuận lợi hơn làm công nghiệp, phục vụ lại cho vùng kia. Tuy nhiên, trước mắt, cũng như đối với sân golf, Chính phủ nên có biện pháp rà soát lại đối với việc lập khu công nghiệp, kể cả trả lại đất cho dân đối với những khu hoạt động kém hiệu quả và bỏ hoang nhiều năm.

Bình luận về con số hiệu suất của sản xuất công nghiệp tính trên đất đã cho thuê đạt khoảng 1,6 triệu đô la Mỹ/héc ta/năm, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng không nên lấy đó làm mẫu số chung áp dụng chung cho tất cả vì không phải chỗ nào cũng làm được như vậy.

Mặt khác, điều quan trọng là lợi ích đó rơi vào ai, có phải cho đất nước hay phần lớn lợi ích đó rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài hoặc một số ít doanh nghiệp trong nước? Hơn nữa, chưa ai tính cái giá phải trả cho những lợi ích đó. Nếu chỉ nhìn vào những con số đó là sai lầm.

PGS.TS. Đào Công Tiến, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, cho rằng việc phát triển khu công nghiệp là hoàn toàn cần thiết và thực tế đã có một số khu công nghiệp, khu chế xuất tương đối thành công, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu của địa phương. Tuy nhiên, việc lập khu công nghiệp phải được đặt trong một quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, còn mạnh ai nấy làm như hiện nay là “trật”.

Hy sinh nông nghiệp để lập khu công nghiệp, hy sinh rừng để làm công nghiệp, bất chấp phá hoại môi trường, điều đó là không thể chấp nhận”, ông Tiến phát biểu. Theo ông, tình trạng mở khu công nghiệp tràn lan xuất phát từ vấn đề quy hoạch, “có nơi thậm chí chưa có quy hoạch nhưng ngay cả khi có rồi thì chất lượng cũng rất kém”.

Theo Tiến sĩ Võ Đại Lược, nếu đối chiếu với mô hình khu công nghiệp hiện đại thì cách thức phát triển của ta gần như “hỏng hoàn toàn”. Quy mô thì nhỏ lẻ, manh mún; công nghệ, máy móc thì lạc hậu; môi trường bị hủy hoại; thu nhập của công nhân quá thấp (vì công nghệ lạc hậu).

Đặc biệt, “khu công nghiệp nào cũng gom vào đủ loại ngành nghề, lĩnh vực mà không hề có một sự phân công, phân bổ nguồn lực”. Ông Lược cho rằng nếu khu công nghiệp vẫn được tiếp tục phát triển với cách thức như vậy thì chẳng những không mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn sẽ dẫn đến những nguy cơ bất ổn về mặt xã hội.

Công nhân bất bình vì lương thấp, nông dân bất bình vì mất đất, giá đền bù thấp, xã hội bất bình vì môi trường bị hủy hoại. Tất cả những mâu thuẫn đó sẽ tạo nên nguy cơ bất ổn”, ông Lược phân tích.

Ông cho biết để giải quyết tình trạng hiện nay, ông đã từng đưa ra kiến nghị: một là tạm thời đình chỉ xây dựng các khu công nghiệp; hai là nếu có cấp phép thì phải cấp phép cho khu công nghiệp từ 1.000 héc ta trở lên; ba là phải có nhà đầu tư chiến lược.

Ông Lược giải thích: “Quy mô lớn như thế sẽ giúp loại bỏ được những nhà đầu tư nhỏ, năng lực kém và đồng thời ngăn chặn tình trạng ồ ạt lập khu công nghiệp hiện nay vì muốn kiếm đất có diện tích rộng không phải dễ. Mặt khác, quy mô lớn thì dễ gắn với việc phát triển mô hình khu công nghiệp-đô thị. Khi đó, phải có những nhà đầu tư chiến lược và vì gắn với đô thị nên việc cấp phép sẽ chặt chẽ hơn và bắt buộc nhà đầu tư phải có các biện pháp để giải quyết hàng loạt vấn đề như ô nhiễm môi trường, liên kết, giá đền bù...”.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hóa và đô thị hóa

    27/03/2016GS. Tương LaiPhải huy động ở mức cao nhất sức mạnh văn hóa, xác định rõ văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp phát triển đất nước. Bằng sức mạnh văn hóa ấy mà đến với thế giới, mà hội nhập quốc tế...
  • Công nghiệp hóa = Đô thị hóa?

    30/03/2015Nguyễn Bỉnh QuânMười năm tăng tốc phát triển liên tục. GDP trên đầu người tiến tới sát mức 1000 USD cái ngưỡng mà nhiều chuyên gia dự báo sẽ xuất hiện những vần đề nan giải mới, sẽ bộc lộ các khía cạnh không bền vững do tăng trưởng quá nóng. Một trong các biểu hiện rõ nhất là vấn đề của các đô thị...
  • Chuyện dài đô thị và nông thôn

    21/10/2008GS. Tương LaiLiệu có người dân thành phố nào không có một gốc gác nông thôn? Người Hà Nội cũng vậy thôi. Chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đã có nhiều công trình nghiên cứu Hà Nội miêu tả và phân tích kỹ về những dấu ấn của làng quê trên gương mặt phố phường Hà Nội, tưởng chẳng phải nói thêm...
  • Một số quan niệm về phát triển

    09/05/2007Đinh Thế PhongCó nhiều quan niệm về phát triển nhưng có thể nói ý muốn "bay lên", "bứt phá", "cất cánh", "đi tắt", những băn khoăn xem ra "lớn hay nhỏ" sẽ là rất tốt để thể hiện nguyện vọng của nhân dân (mặc dù mang nặng tâm lý nóng vội). Nhưng đó không nên là mục tiêu để các nhà hoạch định chính sách kinh tế, những doanh nhân hướng tới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.
  • Công nghiệp hóa - hiện đại hóa và vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

    03/05/2007Nguyễn Văn HuyênC.Mác đã từng khẳng định một cách đúng đắn rằng, một xã hội chỉ có thể phát triển cao với một nền đại công nghiệp. Lý tưởng cao đẹp của toàn Đảng, toàn dân, toànquân ta là xây dựng Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh và văn minh. Để thực hiện lý tưởng đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra: từ nay đến năm 2020 chúng ta phải phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại.
  • Khía cạnh đạo đức của sự nghiệp CNH - HĐH ở nước ta hiện nay

    11/04/2006Phó TS. Nguyễn Văn PhúcVới tính cách là phương thức và trình độ của sự phát triển xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa có quan hệ với đạo đức trên nhiều bình diện và mức độ khác nhau.
  • Triết học với sự nghiệp Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá

    19/11/2005Bùi Quang MinhĐể góp phần tìm hiểu những vấn đề triết học của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, đồng thời tham gia vào việc triển khai nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng vào cuộc sống ; chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách...
  • xem toàn bộ