'Nhân nào quả ấy' - phiếm luận của Vương Trí Nhàn
Xem thêm:
“Ngoài trời lại có trời”, “Nhân nào quả ấy” (và sắp tới là “Cánh bướm và đóa hướng dương”) là các tập sách tiểu luận phê bình vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ cho in lại. Đó là những quyển sách khá quen thuộc mang “nhãn” nhà phê bình Vương Trí Nhàn, một viết về văn học nước ngoài, một bàn về văn hóa đương thời.
Vào thời buổi sách hay như củi quế gạo châu, sách phê bình lại càng hiếm, những trường hợp như thế quả đáng quý. Nó chứng minh một điều, độc giả không bao giờ quay lưng lại với sách hay, dẫu có thuộc loại “khó nhai” như sách phê bình đi nữa.
Từ trước tới nay trong làng văn, các nhà phê bình luôn phải sống trong thành kiến. Người ta cho rằng họ là những người khắt khe, tác phẩm tâm huyết của người này người kia bị họ đưa ra cân đong đo đếm, mà hình như chê luôn nhiều hơn khen. Rồi còn có một số ít các “đại gia” phê bình luôn áp đặt quan điểm nhận định của mình lên tác phẩm, “lái” người đọc hiểu tác phẩm, tác giả theo hướng chủ quan của mình (trên thực tế, mức độ thuyết phục của các “đại gia” này khá cao, đủ để ức chế sự suy nghĩ khác đi của một số đông độc giả). Nghề phê bình đòi hỏi kiến thức sâu rộng, luận lý thuỷ chung, khoa học, nên có lúc, cảm giác như họ “bắt nạt” được người sáng tác vốn ngẫu hứng, được chăng hay chớ… Nói tóm lại, các nhà phê bình ít khi được chào đón mặn mà, trái lại, còn luôn bị dè chừng, nghi kỵ.
Cuộc sống hiện tại trăm nghìn lo toan, ai hơi đâu lo chuyện người khác, cũng chả dại gì rước phiền toái vào thân mà đi khen chê này nọ. Thế nên, bảo sao không vắng bóng phê bình, phê bình im hơi lặng tiếng, ít tác phẩm phê bình hay, ít nhà phê bình giỏi. Không như sáng tác, viết phê bình rất dễ khô khan, không hấp dẫn, lại hay dẫn giải dài dòng, đọc dễ mệt, dễ nản. Thời đại bùng nổ thông tin, cả thế giới nằm sau một cú nhấp chuột, ít ai để tâm nghiền ngẫm một cuốn sách khô khan, mà nhiều khi đọc xong lại thấy không hợp ý mình, lại càng chán. Phải đổi mới thôi, để thuyết phục thời đại mới. Phê bình phải bám sát thời sự, cả hình thức lẫn nội dung.
Với Nhân nào quả ấy, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đáp ứng đòi hỏi rất thiết thực đó. Ông đã có những cuốn sách được tái bản nhiều lần, như: Cây bút đời người, Những cánh hoa dại, Cánh bướm và đóa hướng dương, Ngoài trời lại có trời… viết về đời sống văn học trong và ngoài nước, tự cổ chí kim, nhưng chủ yếu bám sát văn học cận hiện đại. Mỗi người một tạng. Khác với phần lớn các nhà phê bình chú tâm nghiên cứu học thuật, thi pháp, cấu trúc…, Vương Trí Nhàn thiên về nghiên cứu khám phá những khía cạnh rất “người” ở mỗi nhà văn, từ đó khúc xạ sự nghiệp sáng tác của họ. Vì thế, ông không quá lệ thuộc vào phương thức nghiên cứu giáo điều, duy lý ngay từ những ngày xưa cũ khi ông quyết định bước chân vào nghiệp viết lách. Cái ngả ông chọn khá hấp dẫn, có thể nói hấp dẫn nhất trong các ngả nghiên cứu phê bình: con người và văn hóa. Ông phân tích tâm lý nhà văn khi sáng tác, soi rọi những ngõ ngách trong tâm hồn nhà văn, rồi từ đó tìm đường dẫn quy chiếu ý nghĩa thực chất tác phẩm của họ. Muôn mặt đời văn đã được ông “theo dõi”, “bắt chụp” những góc độ thú vị, ít ai ngờ tới, với hệ quả kéo theo là rất nhiều nhận định sâu sắc, mới lạ về tác giả tác phẩm, về vị trí vai trò của họ trong văn học sử. Diện mạo văn học đương thời được ông phác thảo khá hồn cốt, có thể thiếu sức nặng của sự công phu, nhưng luôn công tâm và thuyết phục. Đồng thời, những trang viết của ông thấp thoáng hướng về một tầm nhìn văn hóa.
Ý định đó của ông hé lộ trực tiếp trong Nhân nào quả ấy. Đó là tập hợp các bài viết của ông về các hiện tượng trong đời sống, không cao xa lạ lẫm gì, vẫn là những sự việc vẫn diễn ra quanh ta, là một phần cuộc sống thường nhật, và mỗi người đều ít nhiều thường xuyên nhắc đến chúng. Về những ngày đã qua (Nỗi niềm những người muôn năm cũ), về những thói quen thành nếp (Nếp sống nếp nghĩ), về phương thức tổ chức vủa người Việt Nam và những hệ lụy xung quanh nó (Di sản và lễ hội), về Muôn mặt đời thường trải dài từ nông thôn đến thành thị... Gần gũi lắm, những bực mình về giao thông mắc cửi, bức xúc điểm lại các thói hư tật xấu của con người lẫn những cái tạp nham kém chất lượng của sản phẩm. Nhưng nếu hầu hết chúng ta chỉ biết than phiền và tặc lưỡi chấp nhận, để mình quen dần đi đến mức bàng quan mà không để tâm suy xét đến căn nguyên của vấn đề, để mình dần thành một bộ phận trong cái guồng máy xã hội vô tri vô giác – thì Nhân nào quả ấy thực sự là một liều thuốc đắng nhắc nhở ta nhìn lại mình, nhìn lại thực tại mình đang sống. Hình thức phiếm luận của cuốn sách là một mảnh đất hào phóng giúp tác giả mặc sức bày tỏ những suy nghĩ, đánh giá của mình về văn hóa đương thời, quan trọng hơn, nó là cái cách hiệu quả để ông phác thảo những vấn đề then chốt từ những lượm lặt ý tưởng chi tiết mà tránh được sa vào lối thuyết giáo định hướng nặng nề. Ông dẫn ra các hiện tượng, chỉ ra mặt khách quan, kiểu như Đời là thế, tôi theo thế, anh theo thế, và cuối cùng cả xã hội thế này đây. Hãy xem lại những gì đang diễn ra xung quanh anh, mà anh cũng tham gia vào, và hãy tự hỏi ta đang ở đâu, đang ở tầm nào, đang có vai trò gì trong cuộc sống; và nếu ta như thế, thì dân tộc ta, văn hóa ta ra sao? Nhân nào quả ấy, đó là một lời cảnh báo, hay lời kêu gọi từ bỏ thái độ bàng quan thỏa hiệp, để tự làm mới mình, nỗ lực vì một xã hội văn minh, có bản sắc!
Sẽ có không ít người phải giật mình với quyển sách này, trăn trở với những gì viết ra trong đó. Có thể có người cho rằng tác giả của nó có quan trọng hóa vấn đề lên chăng, bởi chúng ta vẫn sống, xã hội ta nhìn chung được xem là đang phát triển tăng vọt, đời sống cải thiện rõ rệt. Song nếu là một công dân có trách nhiệm, thì ta phải nhận rằng kinh tế thì ăn no mặc ấm tiến tới ăn ngon mặc đẹp; còn văn hóa, chính là hội nhập thế giới với tâm thế tự trọng, tự hào. Quả thực còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều việc phải xếp đặt lại, vì một nền văn hóa tiên tiến, có hậu.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm Quỳnh