Nỗi buồn học tại gia

Tiến sĩ Vật lý
10:49 SA @ Thứ Tư - 10 Tháng Năm, 2017

Đầu năm 2013, gia đình tôi về nước sau hơn chục năm sống ở nước ngoài.

Trước khi về, tôi đưa cả nhà đi xem một bộ phim, trong đó có câu thoại chế giễu nhân vật chính rất ấn tượng, đại ý: Mi không thuộc về đâu nên mi không có sức mạnh. Xem xong, tôi nói với con: Chúng ta sẽ trở về, vì chúng ta không thuộc về đất nước này.

Thế là con gái tôi đồng ý. Và chúng tôi trở về.

Dù đã lường trước những khó khăn, nhưng mọi thứ vượt xa hình dung ban đầu. Nan giải nhất là việc học của con gái tôi. Con tôi lúc đó tiếng Việt không thạo, không có bạn bè, lại không quen với văn hóa ở nhà nên việc hội nhập rất vất vả.

Chúng tôi định cho con homeschooling, tức học tại nhà chứ không đến trường, để giảm bớt khó khăn cho con. Nhưng đây lại là quyết định rất khó khăn của chúng tôi. Liệu sau này con có oán trách? Liệu mình có đủ thời gian và kiến thức để dạy con? Liệu con có thể phát triển bình thường khi không có bạn học? Nếu sau vài năm con chán homeschooling, muốn đến trường thì làm thế nào? Con sẽ hòa nhập với xã hội ra sao nếu chỉ học ở nhà cùng bố mẹ?

Chúng tôi cũng nghĩ đủ cách, như cho con ghi danh học bổ túc văn hóa nhưng không đến trường, đến ngày đến tháng thì đi thi, nhưng cũng thấy có gì đó không ổn. Rồi tôi tìm hiểu và được biết, nếu muốn homeschooling thì chỉ còn một cách: Học bằng tiếng Anh và thi lấy chứng chỉ IGCSE của Anh để đi du học.

Nhưng con tôi cần học bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh. Nếu học bằng tiếng Anh thì việc trở về hóa ra vô nghĩa? Bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Giải pháp lúc đó là tự động viên nhau: Thôi cứ ở nhà vài năm, nếu không hòa nhập được thì lại đi, lo gì. Và mọi việc đã diễn ra trong sự "lo gì" như thế.

Rồi một hôm, con quả quyết: Con muốn trở lại nước ngoài, vì con cũng không thuộc về nơi này.

Tôi lặng trong giây lát, rồi nói cứng: Cuộc đời mỗi người là một câu chuyện mà mình là tác giả. Bố về để viết câu chuyện của bố. Con cũng cần phải tự viết câu chuyện của con. Nếu con muốn đi nước ngoài, hãy tự đi bằng đôi chân của con, chứ không phải bằng đôi chân của bố.

Vậy là con tôi tỉnh ra, không còn oán trách bố mẹ vì đã trở về.

Nhưng rốt cuộc, việc homeschooling của con tôi dừng lại, chủ yếu vì đất Hà Nội này quá chật chội, không có công viên để con chơi, tôi sợ con không có bạn sẽ rơi vào trầm cảm. Mà tiếng Việt của con còn kém, nên con phải đến trường để học đủ các môn bằng tiếng Việt, chứ ở nhà học bằng tiếng Anh thì không ổn. Thế là con được nếm mùi trần ai với nhiều nước mắt. Có những lúc rơi vào trầm cảm, tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng rất may, con đã vượt qua rất nhiều rào cản để về đích xuất sắc.

Qua chuyện đó, tôi hiểu được nỗi khổ của những gia đình và học sinh gần đây đang cân nhắc hình thức homeschooling. Đó là nỗi khổ của kẻ không-được-thừa-nhận. Khi bạn không được thừa nhận, bạn sống như một kẻ bên lề. Bạn có thể rất giỏi nhưng không có cách nào để được công nhận. Bạn cũng không được dự thi để xác nhận trình độ. Rồi một ngày nào đó, nếu không muốn homeschooling nữa, muốn đến trường như các bạn đồng lứa khác, bạn cũng không có cách nào để thực hiện.

Homeschooling ở Việt Nam chưa được thừa nhận. Ở các nước Âu Mỹ, tự dạy con học là một lựa chọn của phụ huynh. Chỉ cần đăng ký với phòng giáo dục rồi cho con học tại nhà theo chương trình tự thiết kế, hoặc chương trình của một trường hay của một công ty giáo dục nào đó, rồi cuối kỳ thì đến một trường gần nhà để thi học kỳ cùng các trẻ khác. Kết quả kiểm tra được ghi nhận.

Về lý mà nói, nếu đã thừa nhận học tập là quyền của trẻ em như nêu trong Luật Giáo dục, thì dù học bằng hình thức homeschooling, khi trẻ muốn trở lại trường, trẻ phải được tiếp nhận. Không tiếp nhận là trái với Luật Trẻ em.

Gian nan là thế, nhưng giải pháp cho homeschooling Việt Nam lại rất đơn giản. Chỉ cần Bộ Giáo dục ban hành một văn bản yêu cầu cha mẹ phải đăng ký với phòng giáo dục địa phương về việc chọn hình thức homeschooling cho con mình, và cho phép học sinh đến cuối kỳ, cuối năm thì được phép đăng ký thi cùng với học sinh bình thường ở một trường nào đó. Kết quả được công nhận như các học sinh bình thường khác. Nếu cha mẹ không đảm bảo thế, sẽ phải cho con đi học theo luật định.

Một văn bản như vậy sẽ cứu vớt được bao nhiêu trẻ vì lý do riêng mà chọn homeschooling, bao nhiêu tài năng tiềm ẩn cần chương trình giáo dục riêng biệt, và bao nhiêu gia đình khát khao được nuôi dạy con theo cách của riêng mình.

Giáo dục tinh hoa của quý tộc châu Âu ngày xưa, và cả châu Á, chính là homeschooling. Con cái quý tộc, hay những gia đình có điều kiện, được học tại gia cùng gia sư. Chỉ đến khi cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0 ra đời, nền đại công nghiệp cần nhiều lao động, cha mẹ đi làm công nhân hết, không có người trông con đành gửi tập trung vào nhà trẻ. Ban đầu chỉ giống như trông trẻ tập trung. Nhưng sau đó nền công nghiệp cần nhiều lao động có kỹ năng, nên thay vì chỉ trông trẻ, nhà trường đào tạo các con thành người mà nền công nghiệp cần, đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội.

Hệ thống giáo dục hiện đại đã ra đời theo cách giản dị như thế. Hệ thống này được thiết kế trước hết để tạo ra những con người đáp ứng nhu cầu lao động, tức một nguồn cung hàng hóa sức lao động theo luật cung-cầu. Vậy nên, nhà trường được thiết kế theo hướng đào tạo hàng loạt, vận hành dưới dạng băng chuyền như nền công nghiệp đang vận hành. Các nhà quản lý giáo dục lại áp thêm các kỹ năng quản trị chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng, lại thêm cả việc kiểm tra chuẩn hóa đầu ra. Nói gọn là sản xuất hàng loạt nhanh - nhiều - tốt - rẻ theo quy trình công nghiệp.

Con người được tạo ra bởi nền giáo dục như vậy xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới. Mục tiêu của một hệ thống giáo dục như thế, tất nhiên sẽ ưu tiên tạo ra những con người công cụ, chứ không phải là con người tự do, mà biểu hiện cụ thể là hướng đến việc tạo ra người làm công, chứ không phải người có khả năng làm chủ.

Nay thời 4.0 đang tới. Xu hướng đào tạo con người công cụ, con người học xong chỉ nhăm nhắm đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội, đang trở nên lỗi thời. Lý do đơn giản là không ai biết xu hướng lao động trong 10-20 năm nữa là gì. Vì thế giáo dục hướng cá nhân hóa, giáo dục để tạo ra những con người tự do, những người có khả năng làm chủ - tạo ra nhu cầu, chứ không phải chỉ nhăm nhắm làm công - đáp ứng nhu cầu. Xu hướng cá nhân hóa giáo dục này đã bắt đầu xuất hiện và đang phát triển mạnh mẽ ở một số nước phát triển.

Ngay như tỷ phú công nghệ lừng danh Elon Musk cũng phải lập một trường riêng để dạy cho các con mình, chứ không tin vào nền giáo dục được đánh giá là tiên tiến của Mỹ.

Nhưng homeschooling rất gian nan, tốn kém và đòi hỏi lòng dũng cảm. Không phải cha mẹ nào cũng có điều kiện để chọn homeschooling cho con mình. Và không phải trẻ nào cũng phù hợp với hình thức giáo dục này. Vậy nên, ở đây cũng thế, homeschooling chỉ dành cho số ít. Số ít đặc biệt. Số ít cá biệt. Số ít dám lựa chọn.

Và dù chỉ dành cho số ít, homeschooling vẫn cần được thừa nhận.

Lý do ư? Chúng ta được quyền khác.

Nguồn:Vnexpress
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tại sao con người cần phải học?

    15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngKhông học, tức thiếu cái “đầu” (tri thức và văn hóa), thì con người sẽ quay trở lại thành con vật, chỉ biết đi kiếm cái ăn. Trong một quốc gia văn minh, người “công dân” học là để biết cách “làm chủ”; còn người “công chức” học là để biết cách “làm thuê”…
  • Hạnh phúc cùng giáo dục hướng tâm

    01/06/2015Huy Lâm thực hiệnNăm qua, xuất hiện nhiều dự án khởi nghiệp xã hội với mô hình giáo dục khai phóng (liberal education). Đó là những lớp học trẻ trung, tiết kiệm, hướng đến niềm vui, tâm hồn người học, như: “Toa tàu”, “Tôi xê dịch”, “Lớp học một tô hủ tiếu”…Các lớp này xuất phát từ những nhóm bạn trẻ và luôn đầy ắp người tham gia...
  • Bởi người lớn “quên” vai trò nêu gương

    10/09/2014Nguyễn HòaNếu trong tầng lớp được coi là “có chữ” của xã hội lại có nhiều người “ít chữ”, nếu việc học hành thi cử chỉ để có bằng cấp cho đủ tiêu chuẩn tiến thân, thì khoa học bị hạ giá sẽ là điều khó tránh khỏi. Sự lên ngôi của thói coi thường tri thức như đang tiềm ẩn trong đó nguy cơ, không chỉ đối với khả năng lựa chọn văn hóa, mà còn là nguy cơ đối với chính sự tồn vong của văn hóa...
  • Học để làm gì?

    06/05/2014Giáp Văn DươngTrọng tâm của giáo dục là việc học, chứ không phải là việc dạy hay nội dung chương trình. Vì thế, mọi hoạt động của giáo dục theo tôi đều phải xoay quanh việc học.
  • Tỵ nạn giáo dục

    31/07/2009Dạ NgânChắc không nhiều những nơi trên trái đất này người ta tiễn con đi học bằng nỗi ngậm ngùi: tôi không vọng ngoại, không sính ngoại, không chơi tiền, tôi chỉ muốn con mình được một chữ học đúng nghĩa.
  • Khủng hoảng giáo dục: Nguyên nhân và lối ra trước thách thức toàn cầu hoá

    09/06/2008GS. Hoàng TuỵBài diễn thuyết của GS Hoàng Tuỵ với chủ đề: "Khủng hoảng giáo dục: Nguyên nhân và lối ra trước thách thức toàn cầu hoá" được trình bày và thảo luận tại Viện IDS ngày 6/6/2008.
  • Học với con

    05/12/2006Gia đình trẻ hiện nay thường ít con, đứa bé trở thành hạt nhân trong hầu hết mọi nhà. Chuyện học hành của con cái bao giờ cũng là đề tài được quan tâm hàng đầu. Nhưng không phải ai cũng đạt được điều mong muốn trong sự học của con dù tốn nhiều công sức, tiền bạc.
  • Tôn vinh thầy cô bằng... tiền bạc?

    20/11/2003Nguyễn Anh DânGần đây, cứ đến tháng 11, nhiều cửa hàng lại tung ra những món quà độc đáo. Có những món quà mà người thu nhập thấp không bao giờ dám mua vì giá của chúng bằng cả tháng lương. Vậy thì ai là người mua những món ấy? Chắc chắn là những phụ huynh hoặc học sinh giàu có. Họ mua để tặng thầy cô giáo nhân Ngày nhà giáo VN 20-11.
  • xem toàn bộ