Phẩm hạnh là giá trị quan trọng nhất của nhân lực
"Chuyên môn không phải là tất cả sự hấp dẫn của con người. Giá trị văn hoá, hiểu biết văn hoá, sự duyên dáng trong hành vi cũng như ứng xử của các bạn chiếm vào khoảng 50% giá trị thương mại của các bạn. Trình độ chuyên môn chỉ có giá trị khoảng 15% khi các bạn tìm công việc". Kinh nghiệm của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.
"Văn hoá" háo danh
- Cạnh tranh toàn cầu rõ ràng cần nguồn nhân lực có chất lượng, như cách nói của ông, sự phát huy nguồn nhân lực tạo nên sự phát triển của một quốc gia. Nhưng nền giáo dục Việt Nam còn rất nhiều vấn đề. Theo ông đâu là nguyên nhân sâu xa?
Tôi không thích lắm thái độ xã hội đối với vấn đề giáo dục, đó là đổ vạ toàn bộ khuyết tật của nền giáo dục Việt Nam lên đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo. Xã hội thích hư danh, thích bằng cấp, đấy có phải lỗi của Bộ đâu.
Bộ đôi khi còn hạn chế cả cái khát vọng thích bằng cấp của nhân dân bằng các chỉ tiêu đào tạo. Như vậy rõ ràng là Bộ hạn chế tính hư danh của xã hội chứ có khuyến khích đâu. Khuyết tật của nền giáo dục Việt Nam là khuyết tật có chất lượng văn hoá của xã hội chúng ta.
Tôi nghe đài nói về chuyện chúng ta thích học đại học. Chúng ta không đào tạo nghề, chúng ta không có các trường dạy nghề, chúng ta xem các trường dạy nghề như là một trạng thái nghỉ khi chúng ta không đỗ đại học, khi nào đỗ đại học là chúng ta bỏ ngay việc học nghề. Đấy là khuyết tật xã hội chứ không phải là lỗi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Có thể lỗi của hệ thống chính trị là không nhận ra khuyết tật ấy của dân tộc, nhưng tạo ra trạng thái ấy cũng không phải là lỗi của hệ thống chính trị, bởi vì trước hệ thống chính trị này dân ta vẫn thế, vẫn thích chữ nghĩa.
Vợ thì còm cõi "quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng", còn chồng là phải đi thi. Thi trượt thì trở thành một ông chồng khác, bất đắc chí, gàn dở. Thi đỗ thì bà vợ có thể trở thành nạn nhân của tính thích vinh hoa. Bao nhiêu truyện trong dân gian Việt Nam đã mô tả rằng nếu ông chồng mà không thành đạt thì bà vợ phải gánh một anh chồng gàn dở và bất đắc chí, nếu mà đỗ đạt thì bà vợ có một ông chồng chuẩn bị lấy công chúa... Nền văn học của chúng ta phản ánh cái trạng thái tinh thần ấy từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa có, chuyện "Tống Trân, Cúc Hoa", "Lưu Bình, Dương Lễ" có từ lâu rồi.
Cho nên khuyết tật của hệ thống chính trị hiện đại của chúng ta là không phát hiện ra nhược điểm ấy của dân tộc để mà hạn chế chứ không phải họ tạo ra thói xấu của dân tộc chúng ta.
Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi thấy xã hội cứ đổ bừa lên đầu mấy ông Bộ trưởng. Đấy là trạng thái đánh bùn sang ao, là đổ thừa, đấy là khuyết tật của nền văn hoá Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, háo danh, hư danh, thích bằng cấp.
Hôm nay, tôi có một vị khách đến chơi, ông ta viết một quyển sách gọi là "Hành trang vào đời". Ông ta tặng tôi một quyển và tôi vừa mới giở xem mục lục quyển sách. Quả thật quyển sách ấy cũng có nhiều thứ thật, nào là mục ăn uống thế nào, giữ sức khoẻ thế nào, học hành thế nào... Trong lời tựa của quyển sách, ông ấy nói rằng sau thất bại trong việc khai thác 105 hecta đất ở Đồng Nai thì ông mới có thì giờ để viết quyển sách.
Không ai phê phán một người thất bại trong mặt này rồi lại làm mặt kia cả, nhưng hành trang vào đời của thế hệ trẻ là cái cách bày cho nó phải thành đạt chứ không phải là bày để cho nó tồn tại. Nếu bày cách để tồn tại thì chẳng ai bày nó cũng vẫn tồn tại.
Đừng để "bay lên" theo cách thống kê, thành tích
- Vậy chúng ta sẽ ra khỏi trạng thái đó bằng cách nào, thưa ông?
- Tôi đã viết quyển Cải cách trong đó cải cách giáo dục được xem là cuộc cải cách tạo ra sự đột phá có chất lượng cách mạng của đời sống phát triển Việt Nam. Nếu chúng ta muốn bay lên như là chương trình mà VietNamNet đang làm thì phải hiểu rằng sự bay của Việt Nam là kết quả sự bay của từng con người cụ thể của Việt Nam.
Nếu giáo dục đủ tiên tiến để giúp mỗi người Việt có khả năng, có trí tuệ, có cách thức để bay thì VN mới có thể bay được. Còn nếu không thì chúng ta đành phải bay theo cách thống kê, cách đó là tạo ra thành tích, và thành tích khi đó chỉ là kết quả của sự thống kê thôi.
Sự bay lên phải thể hiện ở chỗ hàng hoá có sức cạnh tranh; chất lượng, giá trị và hình thức sản phẩm phải đặc biệt so với Trung Quốc. Chúng ta chỉ bay nếu có cái nhìn khác, phù hợp với quy mô, kích thước và đặc điểm của VN.
Số phận tạo ra một thực tế là chúng ta sống cạnh nước Trung Hoa. Chúng ta không bắt chước họ bay lên được mà chỉ bắt chước để nhiều nhất là bằng họ nhưng không bằng được. Chúng ta không bắt chước Mỹ được bởi Mỹ xa quá, cao quá, chúng ta muốn bay còn họ thì lơ lửng trên trời từ mấy thế kỷ rồi. Cho nên cần phải cụ thể, chi tiết hơn.
Cần khẳng định hạt nhân của bay lên Việt Nam là giáo dục đào tạo bởi chúng ta có cải cách chính trị đến mấy thì cũng không thể cất cánh được nếu nhân dân vẫn là một nhân dân chậm phát triển về mặt văn hoá, chính trị và học thức.
Bay lên, chúng ta cần làm bằng cách tạo cho nhân dân có khả năng bay, khả năng ấy được tạo ra bởi giáo dục. Tất nhiên, còn nhiều thứ khác nữa. Chúng ta không thể lấy lịch sử, không thể lấy quá khứ làm thước đo, làm cái huân chương đeo trên ngực.
Tất cả những cuộc cải cách mà tôi đã viết trong cuốn "Cải cách và sự phát triển" chính là điều kiện cơ bản để xã hội Việt Nam bay lên. Nếu không có những điều ấy, đừng có hy vọng, chúng ta sẽ lại quay về với những thành tựu có chất lượng thống kê.
Thiên tài là thứ mà người sở hữu nó là người cuối cùng biết đến nó
- Mươi năm trở lại đây, người ta nói nhiều đến thuật ngữ Head-hunting, nói một cách nôm na là săn tìm người tài, tìm cách lôi kéo những người có năng lực về làm với mình. Là doanh nhân, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này?
- Câu hỏi rất hay. Head-hunting là thuật ngữ chỉ bộ phận tuyển dụng cán bộ, bộ phận nhân sự của tất cả các tập đoàn kinh tế trên thế giới. Nó trở thành thuật ngữ phổ biến trong việc săn tìm nhân tài trên toàn thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Bộ phận nhân sự của Ngân hàng HSBC họ gọi là Head-hunting Department.
Để trở thành một team leader thì phải có các phẩm hạnh, mà phẩm hạnh quan trọng nhất là sống với mọi người được, tập hợp mọi người được, lao động cùng với mọi người được và chia sẻ cùng với mọi người được. |
Suy cho cùng, chúng ta đi làm để làm gì? Quan hệ bản chất giữa người lao động và công ty là tiền lương và sức sáng tạo hay sức lao động của người làm việc, đó là quan hệ trao đổi. Quan hệ ấy không bao giờ được nấp dưới bất kỳ danh nghĩa gì, dưới bất kỳ mỹ từ gì để che đậy bản chất cơ bản của nó. Cho nên, một người lao động muốn được quý trọng, muốn bán sức lao động của mình một cách đắt giá thì người lao động ấy phải là người lao động có giá trị sáng tạo.
Mỗi người lao động hãy chuẩn bị cho mình loại hàng hóa như vậy, loại năng lực như vậy. Không ai cấm các bạn được. Tuy nhiên, tài năng của con người thường được phát hiện bởi người khác.
Trong một quyển sách tôi đã viết "thiên tài là thứ mà người sở hữu nó là người cuối cùng biết đến nó". Cho nên, tôi nghĩ rằng cái mà bạn nghĩ là tài năng của bạn thì chưa chắc là cái tôi cần. Cái tôi cần ở bạn có thể không phải là cái bạn nghĩ.
Cho nên, tài năng của một người lao động là do người đó xác định, người đó chuẩn bị, nhưng giá trị của nó là do người sử dụng lao động phát hiện. Đôi lúc hai cái ấy không trùng nhau, cho nên mới tạo ra một khái niệm thứ ba được gọi là sự may mắn. Bạn cứ sống hồn nhiên, cứ học hành một cách tích cực và thế nào cũng có một ai đó đủ tinh khôn để phát hiện ra cái mà bạn có.
Những người như tôi chẳng hạn, trong cuộc sống không hiếm gì, nếu tôi nói với các bạn rằng những người như tôi hiếm lắm thì có nghĩa là tôi không trung thực. Biết bao con người sống rất thành công mà có cần đến tôi đâu. Biết đâu Thủ tướng phát hiện ra tài năng của bạn thì sao.
Cho nên, bạn cứ mạnh dạn chuẩn bị cho mình, số phận sẽ dẫn bạn đến với một người nào đó có đủ tài hoa để phát hiện ra và biết sử dụng tài năng thật của bạn. Bạn phải tin như thế. Còn nếu như bạn muốn làm cho tôi thì bạn cứ đến và tôi phải nói với các bạn là tôi không bao giờ khắt khe một cách thái quá đối với người lao động xét về phương diện nghề nghiệp cả. Bởi vì năng lực nghề nghiệp khi các bạn ở trường ra là chưa đủ để làm việc cho tôi. Ít nhất phải qua ba năm, tức là phải có ba năm đầu tư vào con người thì người đó mới bắt đầu làm ra các giá trị thương mại.
Phẩm hạnh là giá trị quan trọng nhất
- Vậy dưới góc nhìn của người tuyển dụng, ông sẽ ưu tiên cho những tố chất nào?
- Tôi không khắt khe về chuyên môn, nhưng tôi cực kỳ khắt khe về sự lương thiện. Nếu một người nào đã trót không lương thiện thì không qua mặt tôi được. Tôi không bao giờ tiếp nhận người không lương thiện, nếu cấp dưới của tôi có nhầm lẫn thì tôi cũng tìm cách loại bỏ. Lương thiện là phẩm chất quan trọng nhất để tôi chọn hay không chọn một cán bộ. Nếu có một người được việc nhưng không lương thiện thì người đó không phát triển.
Ở chỗ tôi, tăng lương có nghĩa là tăng địa vị, tức là người đó phải điều khiển được một nhóm lao động, gọi là team leader. Để trở thành một team leader thì phải có các phẩm hạnh, mà phẩm hạnh quan trọng nhất là sống với mọi người được, tập hợp mọi người được, lao động cùng với mọi người được và chia sẻ cùng với mọi người được. Đối với phẩm hạnh tôi rất khắt khe. Còn khả năng thì tôi phải nói rõ là tôi buộc phải đào tạo, buộc phải cung cấp các điều kiện.
Tôi không khắt khe về chuyên môn mà tôi khắt khe về phẩm hạnh vì tôi biết ai đi xa được, ai không đi xa được. Tất cả những người mà tôi đã từng đề bạt lên Giám đốc, Phó Giám đốc... khi họ không còn làm việc cho tôi nữa họ giữ địa vị rất cao trong đời sống kinh tế của đất nước.
Trợ lý của tôi trước kia bây giờ là Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, có người từng giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn, có cả những luật sư tốt nghiệp ở đây ra bây giờ làm việc cho Baker & McKenzie, White & Case... Tôi không giữ khi họ có đủ tài năng để có thể tìm kiếm những chân trời rộng hơn tôi, tôi luôn luôn trân trọng điều ấy. Tôi không phải là người ích kỷ tìm cách để giữ cán bộ trong vòng tay của mình, mặc dù vòng tay của mình đã bắt đầu hẹp và ngắn so với kích thước thật của họ. Vì thế, người của tôi rất có uy tín trong thị trường lao động Việt Nam.
Chuyên môn không phải là tất cả sự hấp dẫn của con người. Giá trị văn hoá, hiểu biết văn hoá, sự duyên dáng trong hành vi cũng như ứng xử của các bạn chiếm vào khoảng 50% giá trị thương mại của các bạn. Trình độ chuyên môn chỉ có giá trị khoảng 15% khi các bạn tìm công việc thôi.
Sức hấp dẫn của các bạn, sự duyên dáng của các bạn, tính chín chắn của các bạn, lòng tốt của các bạn là những đại lượng có giá trị thương mại đối với người lao động thực sự. Đấy là lời khuyên của một người đã có kinh nghiệm dày dặn trong đời sống thị trường Việt Nam, mà không phải chỉ Việt Nam, tôi còn là người có kinh nghiệm về thị trường lao động có lẽ trong phạm vi cả những nền kinh tế phát triển trên thế giới.
Ý kiến trao đổi
"Thay đổi nhận thức qua bài viết này"
Vũ Huy Đoàn, Láng Thượng, Hà Nội, email:[email protected]
Tôi là một sinh viên trường Kinh tế Quốc dân. Qua bài viết này, tôi hiểu thêm được nhiều vấn đề giúp tôi nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề việc làm cho những sinh viên mới ra trường qua phân tích của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt. Tôi rất đồng ý với ý kiến này. Tôi là một sinh viên không khá về mặt học tập song những kiến thức cơ bản thì cũng không thua kém những người trong lớp. Nhiều người trong lớp thấy thế có vẻ như họ không thích và theo tôi là họ ghét những người học "dốt". Tôi thì thấy họ học theo cách như "mọt sách", không thấy tìm hiểu những vấn đề xã hội. Tôi không khâm phục họ. Qua bài viết, tôi thấy nó thật sự có ích cho những sinh viên như chúng tôi có thể hiểu nhiều hơn về yêu cầu của trị trường tuyển dụng. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến chuyên gia Nguyễn Trần Bạt vì đã có những lời khuyên rất có ý nghĩa, nó làm cho tôi thấy tự tin hơn.
Phúc Huy, email:[email protected]
Tôi là một sinh viên năm ba, tôi rất thích bài phỏng vấn này. Sau khi đọc xong thì có một chút hơi đắn đo: có bao nhiêu người trong xã hội vào thời điểm bây giờ nghĩ được giống như bác Bạt đây... Theo tôi được biết, đa số các công ty nhà nước và cũng không ít công ty tư nhân, trang sức đầu tiên của bộ hồ sơ xin việc là tấm bằng đại học loại khá trở lên, còn không thì phải quen biết. Như vậy, lấy đâu ra cơ hội để được đánh giá phẩm hạnh hay những thứ tương tự như thế khi mà anh còn không có cơ hội để bước vào công ty.
Không thể bay lên cùng những khuyết tật
Nguyễn Thái Đức, Quảng Trạch, Quảng Binh, email:[email protected]
Thành tích là gì? Thực ra, chỉ ở nước ta mới có kiều tôn vinh thành tích như vậy. Còn ở các nước, người ta chỉ quan tâm đến những gì anh làm được và tôi thấy anh làm, không có kiểu nhìn trên giấy rồi khen nhau như ở ta.
Võ Anh Hoá, Trường ĐHSP Huế TP Huế, email:[email protected]
Vẫn còn đó những vấn đề cần giải quyết, chẳng hạn như "học nghề là trạng thái nghỉ của việc không thi đỗ đại học". Đó là những khuyết tật của xã hội. Và đó cũng là đơn đặt hàng của xã hội cho giáo dục. Chúng ta muốn bay lên nhưng không thể bay lên cùng những khuyết tật được. Giáo dục cần thực hiện tốt chức năng của mình. Như vậy không thể nói "khuyết tật xã hội không phải là lỗi của Bộ Giáo dục và Đào tạo".
Nguyễn Duy Hiển, Hải Dương, email:[email protected]
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng: "Người có Tài mà không có Đức là người vô dụng. Người có Đức mà không có Tài làm việc gì cũng khó" và câu nói của Người ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Rõ ràng, là người có đức nếu chịu rèn luyện ắt sẽ sinh ra tài. ngược lại nhiều người có tài mà chủ quan thì khó có đức. Đức và tài giống như gốc và ngọn của cây. Chỉ có gốc mới sinh ra ngọn. Ngọn chỉ hỗ trợ cho gốc mà thôi. Thực tế lịch sử đã chứng minh những con người làm nên sự nghiệp có ích cho nhân loại đa số là người có đầy đủ đức và tài. Nhưng trước hết, họ đều có đức. Nếu như họ không phải sinh ra từ gia đình có truyền thống giáo dục thì chí ít họ cũng có lý tưởng làm cho cuộc sống tốt đẹp. Và trong công cuộc đổi mới ngày nay hay trong mọi ngành nghề cũng đều cần có đức và tài. Vẫn phải ưu tiên đức trước. Họ dễ là những người học hỏi nhanh nên dễ sinh tài. Còn những kẻ có chút tài dễ kiêu căng khó tiếp thu để tiến bộ. Đó là một chân lý dễ hiểu!
Trần Kiệt, Bến Tre, email:[email protected]
Đọc bài nói chuyện của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi cách phân tích của ông. Nhân đây, tôi cũng xin họa thêm chút hiểu biết của mình với bài nói chuyện của ông. Có thể nói, nếu một người có bằng cấp cao sẽ được mọi người chú ý, nhưng cách xử thế của anh ta mới làm người khác kính nể. Trong cuộc sống ngày nay,nhiều người luôn tìm mọi cách để được thăng quan, bằng mọi giá kể cả triệt hạ đối thủ, ai giỏi "miệng lưỡi" thì thuận lợi trong công việc. Làm sao bay lên đây khi những tài năng thật sự biết bay thì bị những kẻ như thế níu lại. Theo tôi, người Việt Nam phải bỏ được tính ích kỷ như thế mới mong bay lên được.
Trần Thiên Phương, Tp Mỹ Tho, Tiền Giang, email:[email protected]
Lời đầu tiên xin cho tôi được cám ơn ông Nguyễn Trần Bạt và phóng viên đã có bài phát biểu và bài viết rất hay này! Đúng là chỉ có kiến thức chuyên môn thôi thì chưa đủ, nhưng chỉ có phẩm hạnh thôi thì bạn cũng sẽ không làm được gì. Nhưng phẩm hạnh là điều đáng quan tâm nhất. Cuộc sống luôn thay đổi và phát triển, tôi hy vọng là giá trị đạo đức của con người sẽ không thay đổi theo chiều hướng khác!
Đừng lấy câu chuyện dân gian để đả kích tính hiếu học của dân tộc
Van Dung, Nam Định
Tôi không thích kiểu ngụy biện của tác giả vì cái hư danh đổ thừa cho khuyết tật dân tộc. Đừng lấy câu chuyện dân gian để đả kích tính hiếu học của dân tộc, tính tự hào dân tộc của tác giả đánh mất rồi sao? Vì sao tinh thần tôn sư trọng đạo hiện nay mất, có nhiều nguyên nhân song, nguyên nhân cơ bản hiện nay là thầy không ra thầy, trò không ra trò. Thầy dạy không tận tâm, phương pháp giảng dạy "cải lùi" đó là trách nhiệm của ai? Không của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay đó lại là khuyết tật dân tộc vì còn những kiểu thầy như kiểu thầy đồ trong chuyện dân gian. Hãy đánh giá, phân tích cho đúng bản chất vấn đề, gọi tên cho đúng, không quy chụp linh tinh. Đừng để lặp lại các hành vi thầy bán chữ, trò mua điểm mà làm hỏng cả nhiều thế hệ. Đất nước, dân tộc sẽ thụt lùi.
Nhuat, HCM
Tôi không đồng ý với tác giả lắm khi cho rằng, những phẩm chất của người Việt Nam là hoàn toàn do lịch sử để lại chứ không liên quan gì đến hệ thống chính trị. Xin thưa rằng, người Trung Quốc Đại lục và người Trung Quốc ở các nước khác như Đài Loan, Hồng Kông hay Singapore đều chung một nền văn hoá gốc nhưng rõ ràng, hiện nay, người dân ở các nước này có một trình độ phát triển và trí thức rất khác nhau . Hệ thống chính trị, cơ cấu tổ chức xã hội là những yếu tố rất quan trọng trong việc định hình tính cách của người dân và sự phát triển của xã hội.
Không nên đổ vạ
Hà Vũ Hiển, Hai Bà Trưng, Hà Nội, email:[email protected]
Một trong những nguyên nhân khiến khoảng cách giàu nghèo gia tăng là những bất công xã hội. Chống khoảng cách giàu nghèo (gia tăng) do nguyên nhân này, tức là thực hiện công bằng xã hội, chống tham nhũng... vì vậy là thực sự cần thiết và là trách nhiệm của cả xã hội. (chứ không phải ru ngủ người ta bằng một "cảm nhận không đau khổ" như cách diễn đạt của ông).
Đọc bài phỏng vấn của ông với tiêu đề "Phẩm hạnh là giá trị quan trọng nhất của nhân lực", tôi thực sự có ấn tượng nhất là cái tiêu đề này và thực sự điều tôi chia sẻ duy nhất với ông trong toàn bộ những gì ông nói cũng chỉ dừng lại ở cái thông điệp rất gọn gàng đó thôi. Nếu ông "không thích lắm thái độ... đổ vạ toàn bộ khuyết tật của nền giáo dục Việt Nam lên đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo" thì tôi cũng cực kỳ không thích thái độ của ông đổ vạ điều ấy cho cái mà ông gọi một cách liều lĩnh rằng đó là "khuyết tật của dân tộc".
Tôi không đồng ý với những ý kiến đề cao một chiều những bản tính hay truyền thống văn hoá tốt đep của dân tộc. Thực ra, người Việt có rất nhiều thói xấu đang cản trở sự hội nhập của chúng ta với thế giới. Nhưng nếu đem cái truyền thống hiếu học của người Việt (cho dù không chỉ người Việt mới có truyền thống này) ra bôi bác, gọi nó là một thứ "văn hoá háo danh", là "khuyết tật của dân tộc" thì nghe chừng không lọt tai
Người Việt Nam có cả một kho tàng truyện tiếu lâm tự chỉ trích về những thói xấu của mình và trong đó cũng có những câu chuyện chỉ trích thói hư danh như ông trích dẫn. Nhưng những câu chuyện tiếu lâm ấy chỉ chứng minh được một điều là người Việt Nam xưa nay có thói quen tự giễu cợt và tự chỉ trích những thói xấu trong cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là một bản sắc văn hoá của người Việt.
Tuy nhiên, việc lấy những câu chuyện tiếu lâm này làm dẫn chứng để chứng minh một luận đề "tầm cỡ" như vấn đề ông nêu thì e rằng chưa đầy đủ. Trong kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam, chúng ta có thể phân loại được các chủ đề khác nhau như các truyện tục liên quan đến quan hệ nam nữ (dâm) hoặc quan đến chuyện ăn uống (tham ăn)... còn nhiều hơn những câu chuyện chỉ trích về thói háo danh. Nếu cứ mang những câu chuyện này ra để chứng minh theo cách của ông Nguyễn Trần Bạt thì ngoài thói háo danh, chúng ta còn có nhiều "truyền thống" khác nữa như tham ăn, dâm dục... Nhưng đó có phải là những đặc trưng văn hoá tiêu biểu của người Việt?
Tóm lại, tôi không bình luận là có nên "đổ vạ" toàn bộ khuyết tật của nền giáo dục Việt Nam lên đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hay hệ thống chính trị hay không mà chỉ muốn nói rằng nếu ai đó lại muốn "đổ vạ" những cái đó cho đặc tính của dân tộc thì cũng không thuyết phục. Thái độ đúng đắn là không nên "đổ vạ" cái gì cho ai cả mà trước hết phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra những nguyên nhân gây bệnh thật xác đáng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập