Phát triển ứng dụng CNTT ở Việt Nam, nên chăng phải được coi như làm Cách mạng?

10:59 SA @ Thứ Hai - 12 Tháng Mười Hai, 2005

Trăn trở

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là PC World B đã có rất nhiều bài viết đề cập đến vấn đề ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị ở Việt Nam không mấy hiệu quả, con đường ứng dụng CNTT ở nước ta dường như quá trắc trở. Đã gần mười năm qua với vài lần chương trình Quốc gia về CNTT, rồi việc Việt Nam nối mạng Internet vào năm 1997, một thời điểm cũng không phải là muộn so với thế giới, thế nhưng nhìn lại quả thật chúng ta thấy ứng dụng CNTT ở nước ta chưa đem lại mấy hiệu quả, chưa muốn nói là việc đầu tư cho CNTT còn rất lãng phí. Có thể thấy rất nhiều các cơ quan, đơn vị đã được đầu tư mua sắm máy tính và nối mạng, nhưng máy tính chủ yếu vẫn chỉ được sử dụng thay thế cho máy chữ, hiện đại hơn là chia sẻ ổ đĩa hay in ấn qua mạng. Điều này quả thật là lãng phí. Và điều nghiêm trọng hơn là đang âm ỉ đâu đó trong một bộ phận người sử dụng máy tính rằng hình như dân CNTT đang “loè” họ, bởi hiệu quả đâu chẳng thấy mà suốt ngày nói đến ứng dụng CNTT, rồi tốn hao tiền của, thời gian… Phản đối họ cũng không dám vì sợ bị chê là lạc hậu, bởi rõ ràng CNTT đang góp phần làm cho thế giới này phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nếu như quá trình ứng dụng CNTT vẫn tiếp tục trì trệ và đặc biệt cụ thể là sau chương trình 112, người dân vẫn chưa thấy được hiệu quả của CNTT thì chúng ta sẽ phải nghĩ tới một sự bùng phát, sự tẩy chay đối với ứng dụng CNTT, đối với dân CNTT… và nếu điều đó xảy ra thì không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể làm lại được.


Tuy nhiên, nguyên nhân do đâu mà có tình trạng như vậy thì gần như lại chưa được đề cập đến một cách nghiêm túc, chúng ta mới chỉ thấy những phàn nàn về khó khăn trong quá trình ứng dụng CNTT. Chưa có một cơ quan, tổ chức nào nghiên cứu và công bố xem căn nguyên của vấn đề là do đâu, để từ đó có những bước đi đúng đắn. Là một người đã có trên dưới 10 năm gắn bó với nền CNTT nước nhà, một thời gian không phải là dài, nhưng lại đúng trong giai đoạn CNTT trên thế giới cũng như ở Việt Nam được quan tâm mạnh mẽ nhất. Tôi tin rằng cũng nhiều người như tôi, cũng như các bậc tiền bối chứng kiến tình trạng như hiện nay, không thể không thấy bức xúc và trăn trở. Tôi xin được mạo muội nêu ra một vài ý kiến như dưới đây và nếu như có nhiều bạn quan tâm tới những vấn đề này, kính mong Ban biên tập có thể mở ra một chủ đề tranh luận về việc tìm nguyên nhân tại sao ứng dụng CNTT ở nước ta chưa được hiệu quả. Hoặc các bạn cũng có thể gửi mail ý kiến của mình cho tôi qua địa chỉ [email protected].

Chỉ thị 58/CT-TW: Vấn đề nào quan trọng nhất?

Để viết ra chỉ thị 58/CT-TW của Bộ Chính trị chắc hẳn đó là sự đúc kết của các chuyên gia hàng đầu, của các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước sau bao trăn trở. Chúng ta đều thấy đây là một chỉ thị rất đúng đắn và kịp thời, nếu chỉ thị 58/CT-TW đi vào cuộc sống, đất nước ta hoàn toàn có quyền hy vọng sẽ thoát khỏi tụt hậu và sánh kịp với các nước phát triển trên thế giới, 3 mục tiêu cơ bản của chỉ thị 58/CT-TW là:

* Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
* Phát triển mạng thông tin quốc gia phủ trên cả nước, với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, giá rẻ; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt mức trung bình thế giới.
* Công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ phát triển hàng năm cao nhất so với các khu vực khác; có tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước ngày càng tăng.

Có lẽ mục tiêu đầu tiên là mục tiêu then chốt của việc phát triển CNTT ở Việt Nam. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực sẽ thay đổi tác phong làm việc, nâng cao năng suất lao động, nâng cao dân trí… Qua đó sẽ hình thành một thị trường CNTT nội địa. Khi đã có thị trường CNTT thì mặc nhiên các công ty CNTT sẽ phát triển mạnh mẽ và với đặc thù của ngành này thì mục tiêu thứ 3 cũng sẽ được thực hiện, lúc đó các công ty CNTT không chỉ cạnh tranh với nhau ở trong nước mà một số sẽ có đủ năng lực để có thể vươn ra thị trường quốc tế. Thị trường CNTT phát triển sẽ làm tăng nhu cầu trao đổi, lưu trữ, tra cứu thông tin, và như vậy không có cách nào khác mạng thông tin quốc gia, mạng trục Internet cũng sẽ phải phát triển theo kịp nhu cầu. Như thế mục tiêu thứ hai cũng sẽ được thực hiện.

Như vậy có thể khẳng định công việc quan trọng nhất đó là đưa CNTT vào cuộc sống trên diện rộng đối với mọi tầng lớp người dân, mọi lĩnh vực ngành nghề, không làm được điều đó thì chỉ thị 58/CT-TW sẽ rất khó thành hiện thực. Để đưa được CNTT vào ứng dụng trên diện rộng như vậy, chúng ta phải làm gì?
Về đầu trang

Phát triển ứng dụng CNTT ở Việt Nam, nên chăng phải được coi như làm Cách mạng?

Việc làm Cách mạng có nhiều điểm tương đồng với việc phát triển ứng dụng CNTT ở nước ta. Bác Hồ đã nói rằng làm Cách mạng thì việc dân vận rất quan trọng. Dân vận là vận động nhân dân, làm cho nhân dân hiểu, nhân dân tin vào Cách mạng, khi đã được giác ngộ thì không cần phải nói, tự nhân dân sẽ theo cách mạng đến cùng và có như thế thì Cách mạng mới có thể thành công được. Quay lại vấn đề ứng dụng CNTT ở Việt Nam, nếu đưa CNTT vào một số ngành đặc thù như ngân hàng, hàng không, thuế… thì có lẽ không quá khó bởi ở những ngành đó, ứng dụng CNTT là một yếu tố sống còn. Nhưng ngược lại, phần lớn các ngành nghề và đối tượng khác lại không hẳn như vậy, và đây mới thực sự là đối tượng cần phải quan tâm. Không có CNTT thì công việc của họ vẫn không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta là giúp họ ứng dụng CNTT để thay đổi phong cách làm việc, tăng năng suất, nâng cao dân trí để từ đó nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, điều này mới là khó. Phải làm sao cho họ thấy được hiệu quả của việc ứng dụng CNTT (làm cho họ “thấy được” chứ không phải chỉ là thuyết phục họ “tin vào”). Điều này không khác gì công tác dân vận khi làm Cách mạng. Khi người sử dụng thấy được (được “giác ngộ”) hiệu quả của CNTT đem lại cho chính họ thì lúc đó không cần phải kêu gọi, cũng tự khắc họ sẽ tích cực ứng dụng CNTT và mục tiêu “Cách mạng” của chúng ta cũng sẽ thành hiện thực.

Nguyên nhân của việc ứng dụng CNTT ở Việt Nam kém hiệu quả.

Để một ứng dụng CNTT đưa vào thực tế thành công cần phải có nhiều yếu tố, nhưng tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất ở Việt Nam hiện nay là chất lượng của phần mềm, điều mà ít thấy được quan tâm khi nói tới những khó khăn trong quá trình ứng dụng CNTT, chúng ta mới thường nhắc tới cơ chế, tới ý thức, sự tích cực của người sử dụng... thay vì xem lại chính chất lượng của các phần mềm ra sao, chất lượng ở đây không chỉ nói tới các nghiệp vụ mà nó đảm đương, mà là việc nó sẽ được sử dụng ra sao, có thuận lợi hay không, có phù hợp hay không.

Trong những năm qua, chúng ta những đơn vị, công ty viết phần mềm trong đó có tôi, cũng như những người đưa ứng dụng CNTT vào cuộc sống đã chưa làm được một điều đó là “giác ngộ” được rộng rãi người sử dụng. Ngược lại có thể còn góp phần làm cho họ có ác cảm với việc ứng dụng CNTT sau một vài lần ứng dụng không thành công. Vậy tại sao lại có tình trạng đó ? Theo tôi thì do đa phần đã không coi việc ứng dụng CNTT vào một đơn vị nào đó là một cuộc “Cách mạng” và như vậy đã không thực hiện như làm một cuộc Cách mạng.

Như trên đã nói, khi đã xác định là làm “Cách mạng” thì vấn đề “dân vận” sẽ được quan tâm hàng đầu, muốn làm được điều đó thì chúng ta sẽ phải “sâu sát” với “quần chúng” (người sử dụng) để biết được họ cần gì, thói quen của họ ra sao, phải nắm được từng đặc điểm nhỏ để từ đó đưa ra được thiết kế phần mềm phù hợp với mục đích trước tiên và bằng mọi giá là “giác ngộ quần chúng”.

Trong thực tế hầu hết các đơn vị viết phần mềm cho người Việt Nam đã chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Hệ quả là sẽ cho ra đời những phần mềm có tính logic rất cao nhưng khô cứng, máy móc và dường như nó dành cho dân CNTT hay cho chính những người viết ra nó thì đúng hơn. Với những phần mềm như thế thì người sử dụng sẽ có cảm giác ứng dụng CNTT vào để ngay lập tức thay đổi họ hoàn toàn, không sớm thì muộn hệ thống như thế sẽ đổ vỡ, người sử dụng sẽ không thể nào thích nghi nổi (lúc đầu họ có thể sử dụng rất hồ hởi, nhưng hệ thống sẽ dần bị lãng quên, bởi nó không phải là trạng thái “cân bằng bền”, người sử dụng chưa được “giác ngộ”) và đó chính là một phần nguyên nhân dẫn đến “cái chết hệ thống” đã được đề cập đến trên PC World B.

Một ví dụ mà có lẽ nhiều người cũng đã được biết đến, đó là cách đây khoảng 7 năm Lotus Notess đổ bộ vào Việt Nam, lúc đó tôi cũng là một trong số những người tích cực nghiên cứu và sử dụng Lotus Notess, phải nói rằng đây là một công cụ mạnh, tôi cũng đã từng viết một số phần mềm thương phẩm trên nền Notes. Từ đó Notes đã đi vào hầu hết các cơ quan nhà nước lớn. Tuy nhiên, như mọi người có thể thấy ở Việt Nam hiện nay các ứng dụng của Notes chỉ còn lại trong việc lưu trữ các văn bản pháp quy, còn phần việc chính của nó là làm việc nhóm thì hầu như không còn được sử dụng. Sở dĩ có tình trạng này là do Notes là hệ thống rất tốt nhưng có lẽ là dành cho các nước phát triển thì đúng hơn (Notes có tốt thì IBM mới mua nó để biến thành sản phẩm của mình và ngày nay trên thế giới Notes vẫn rất phát triển), ở đó ý thức của người sử dụng đã đi vào nề nếp. Khi ứng dụng ở Việt Nam Notes tỏ ra rất cồng kềnh, rất khó sử dụng xét trên khía cạnh thời gian lâu dài, ngoài ra nó vẫn còn chưa được thuần Việt. Cũng có thể những đặc điểm nói trên của Notes là do lỗi của các đơn vị viết phần mềm ở Việt Nam đã không Việt hoá được hoàn toàn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng chỉ biết rằng qua nhiều ứng dụng thất bại của nó, có lẽ đã làm cho người sử dụng ở Việt Nam nản chí, chưa tính đến những bất lợi khác.

Thực hiện “Cách mạng” ứng dụng CNTT ở Việt Nam như thế nào?

Như trên đã phân tích, việc đầu tiên là phải “giác ngộ” được người sử dụng, làm cho họ thấy, họ hiểu và tin vào các ứng dụng CNTT, khi họ đã được “giác ngộ” rồi thì sau đó chúng ta có thể tha hồ đưa các loại ứng dụng CNTT khác nhau vào, cốt là có lợi thì lập tức sẽ được đón nhận nhiệt tình mà không cần phải kêu gọi gì nhiều, vậy “giác ngộ” họ bằng cách nào ?

Dừng lại một chút, chúng ta hãy phân tích một hiện tượng như sau: Điện thoại di động cũng là một chiếc máy tính, cũng có phần mềm, thậm chí phần mềm đó cũng tương đối khó sử dụng, nếu đưa cho một người chưa bao giờ sử dụng điện thoại di động bạn có thể kiểm chứng được điều này. Nhưng tại sao ở Việt Nam nó lại được sử dụng rộng rãi như hiện nay? Cách đây một vài năm còn có thể nói lý do nó là đồ trang sức cho người giàu, nhưng hiện nay thì không phải như vậy, chúng ta có thể thấy điện thoại di động được sử dụng trong mọi tầng lớp người dân, từ những em sinh viên, bác nông dân, công nhân, công chức, các quan chức… Nói tóm lại là nó đã được phổ biến rộng rãi và trở thành công cụ hữu ích cho người sử dụng (Giá như giá cước rẻ hơn nữa thì nó còn phổ biến hơn nhiều ! )

Như vậy, có thể nói điện thoại di động đã làm được cuộc Cách mạng, nó đã “giác ngộ” được “quần chúng”, làm cho “quần chúng” thấy được giá trị của nó và tất nhiên việc sử dụng nó không cần phải được kêu gọi. Sở dĩ, “quần chúng” được “giác ngộ” là do điện thoại di động được thiết kế phù hợp với mọi đối tượng sử dụng và hữu ích. Ban đầu, người sử dụng chỉ cần biết phím CALL là đủ, khi có chuông reo, bấm CALL là nghe được, muốn gọi điện thì bấm số cần gọi rồi bấm CALL là xong. Chỉ riêng việc nghe điện và gọi điện thuận lợi như vậy đã đủ làm cho người sử dụng thấy được sự tiện lợi, hiệu quả của điện thoại di động và lúc đó họ cũng chưa cần biết đến các tính năng hiện đại hơn của nó. Họ thực sự đã được giác ngộ! Tiếp sau đó, theo thời gian, các tính năng còn lại như: ghi danh bạ, chỉ định chuông cho từng nhóm đối tượng, nhắn tin... thậm chí duyệt web, check mail cũng sẽ được khám phá. Chúng ta có thể thấy rằng, chỉ với một sự tiện lợi nho nhỏ, đó là phím CALL mà điện thoại di động đã làm được điều kỳ diệu, giúp cho bất kỳ một đối tượng ở một tầng lớp, trình độ nào cũng có thể sử dụng thành thạo những tính năng phức tạp của chúng.

Quay lại việc ứng dụng CNTT, ngoài việc đa số các phần mềm được các công ty, đơn vị ở Việt Nam thiết kế đều chưa tính tới yếu tố văn hóa, tập quán, tính cách của người sử dụng Việt Nam, các đơn vị viết phần mềm chưa “sâu sát” với người sử dụng như phân tích trên. Thông thường, chúng ta còn có thể thấy các đơn vị viết cũng như triển khai phần mềm thường hay đổ lỗi cho việc ứng dụng CNTT kém hiệu quả là do lãnh đạo cơ quan không tích cực ứng dụng CNTT, không ủng hộ, người sử dụng thì trình độ kém… điều này đi trái với việc làm “Cách mạng”. Bác Hồ đã từng nói : “… nếu quần chúng đã tốt cả rồi, thương yêu đoàn kết nhau rồi, biết học tập, tiến bộ rồi, biết yêu nước thương nòi rồi, thì đâu cần đến cán bộ ta tuyên truyền vận động họ làm cách mạng làm gì nữa? Quần chúng đều tốt cả rồi thì cần gì cán bộ phải đến, nếu có đến thì đến một lúc thôi, cần gì phải đến ở cả một tháng trời?...”. Nếu như tất cả các vị lãnh đạo, tất cả những người sử dụng đều đã nhận thức được hiệu quả của việc ứng dụng CNTT thì có lẽ cũng chẳng cần tới sự tích cực của dân CNTT, của những người tâm huyết với việc ứng dụng CNTT. Chúng ta phải coi đó là một yếu tố tất yếu phải vượt qua. Việc nhiều vị lãnh đạo các cơ quan, nhân viên của họ không tích cực ứng dụng CNTT một phần lỗi do chính dân CNTT đã chưa chứng tỏ cho họ thấy được hiệu quả của CNTT. Nếu kêu ca, phàn nàn về điều này và coi nó là yếu tố cần thiết cho việc ứng dụng CNTT thành công, thì tôi tin chắc rằng có đến 10 năm sau chúng ta vẫn tiếp tục phàn nàn như vậy!

Yếu tố văn hóa, vấn đề quan trọng khi viết phần mềm ứng dụng ở Việt Nam.

Một hệ thống ứng dụng CNTT thường đi kèm nó là một loạt các quy định chặt chẽ và người sử dụng buộc phải tuân thủ nghiêm túc. Nếu như ở các nước phát triển thì việc người sử dụng nghiêm túc làm theo các quy định nói trên là chuyện đơn giản, và theo đó khả năng thành công của các hệ thống là rất cao. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận một điều là ở thời điểm này, người sử dụng ở Việt Nam chưa thể có được tác phong như ở các nước phát triển. Chúng ta bắt buộc phải coi đó là một yếu tố tất yếu, không thể chờ tới khi người sử dụng có được ý thức tốt. Vì vậy một điều tưởng là nhỏ nhưng lại rất quan trọng, quyết định tới thành công của ứng dụng CNTT ở Việt Nam đó là yếu tố đặc thù văn hoá trong các phần mềm viết cho người Việt Nam.

Một phần mềm trước tiên phải đảm bảo tính khoa học chính xác, đáp ứng chuẩn xác những yêu cầu đặt ra mà nó phải đạt được, nhưng như thế chưa đủ, phần mềm còn phải dễ sử dụng, đặc biệt để đưa vào ứng dụng được ở Việt Nam thì yếu tố này càng phải được quan tâm hơn bao giờ hết. Phần mềm có thể hay, nhưng khó sử dụng thì sẽ dẫn đến tình trạng thời gian sử dụng chưa đủ để “giác ngộ” thì người sử dụng đã bỏ cuộc mất rồi và để kéo họ quay trở lại sẽ khó hơn gấp bội, họ đã bị “dị ứng”.

Kết luận

Trước khi làm bất kỳ việc gì, chúng ta luôn phải có những nghiên cứu kỹ về các vấn đề liên quan. Một công ty nước ngoài chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam thì tất yếu là họ sẽ nghiên cứu rất kỹ về thị trường, cơ chế chính sách và cả văn hoá, tập quán của địa phương mà họ sẽ đầu tư. Một giảng viên trước khi lên lớp sẽ phải nghiên cứu kỹ đối tượng sinh viên mà mình sẽ giảng để có phương pháp phù hợp, với sinh viên năm thứ nhất sẽ có cách giảng khác với sinh viên năm thứ 5... Vậy mà, dường như trước khi đưa một ứng dụng CNTT vào thực tế ở Việt Nam, ít khi chúng ta lại làm đầy đủ các bước chuẩn bị như vậy, đặc biệt là nghiên cứu những yếu tố đặc thù trong văn hoá, tâm lý, tính cách và cả trình độ của người Việt Nam, của nền kinh tế xã hội Việt Nam hiện tại. Chúng ta đã coi như cứ có phần mềm là xong, không cần biết chất lượng ra sao, mọi sự thất bại đều đổ hết cho ý thức người sử dụng, cho lãnh đạo cho cơ chế...

Dẫu biết rằng để thực sự giải được bài toán ứng dụng CNTT ở Việt Nam là rất khó khăn, nhưng thiết nghĩ chúng ta cần phải có những nghiên cứu thật bài bản và toàn diện các vấn đề trước khi tiến hành, phải tìm ra được triết lý của vấn đề, chỉ có như thế mới xác định được con đường đúng đắn và tôi tin là chúng ta sẽ làm được mặc dù vẫn còn có quá nhiều những ẩn số vô hình, vô hình như chính bản thân phần mềm vậy.

Bài viết này là những điều mà tôi trăn trở muốn được chia sẻ cùng các bạn, có thể có nhiều điều chưa đúng hay còn thiển cận, nhưng cũng mong các bạn coi như một thông tin tham khảo.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • CNTT Việt Nam: “Thủ phạm” chính gây nên hội chứng thụt lùi?

    07/12/2005Xuân NamHàng năm, Diễn đàn kinh tế thế giời đều công bố những bản báo cáo của mình trong đó quan trọng nhất là báo cáo cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) và báo cáo công nghệ thông tin toàn cầu (Global Information Technology Report).
  • Công nghệ thông tin: thực trạng và giải pháp

    19/11/2005Nguyễn Tuyết MaiBan chỉ đạo công nghệ thông tin quốc gia đã làm một cuộc khảo sát việc ứng dụng công nghệ thông tin tại 217 doanh nghiệp và những con số có được đã khiến mọi người không khỏi bất ngờ.
  • ICT hay IT? Vấn đề nhận thức

    04/11/2005TS. Nguyễn Sĩ DũngỞ nước ta, công nghệ thông tin đang thực sự là một thứ mốt thời thượng. Sự nghiệp "tin học hóa" được triển khai rầm rộ không thua kém gì phong trào bình dân học vụ trước đây. Tuy nhiên, phong trào bình dânhọc vụ có vẻ thiết thực hơn: nó nhắm vào những nhu cầu có thực và những mục tiêu được xác định rõ ràng.Với "phong trào công nghệ thông tin", những điều ở cấp "bình dânhọc vụ” như vậykhông phải bao giờ cũng được làm rõ.
  • Thách thức và triển vọng mới cho CNTT

    25/10/2005Tuyết MaiNhững năm gần đây, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) đang trở nên héo tàn. Nhiều ý kiến cho rằng cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã kết thúc. Một số người còn hoài nghi rằng, lĩnh vực công nghệ đã làm xoay chuyển cả nền kinh tế và nắm bắt những ý tưởng sáng tạo của con người trong nhiều năm nay giờ đây đã trải qua giai đoạn đỉnh điểm của nó
  • Những nghịch lý trong ứng dụng CNTT

    15/10/2005Một cuộc nghiên cứu trên quy mô toàn cầu do tập đoàn khảo sát thị trường IDC thực hiện mới đây cho kết quả đáng kinh ngạc: Mọi đối tượng người dùng phần mềm từ các nhà quản lý cao cấp cho tới những nhân viên "quèn" trung bình chỉ khai thác chưa tới 15% các tính năng của phần mềm
  • CNTT biến đổi xã hội: 9 viễn cảnh và thách thức

    19/07/2005Việc phát triển mạng ở quy mô toàn cầu sẽ đụng chạm đến các mối quan hệ quốc tế khi dòng thông tin vô hình chảy xuyên biên giới và các công ty đa quốc gia sử dụng mạng toàn cầu phục vụ lợi ích riêng. Thách thức lớn nhất cho mọi thành viên xã hội là hiểu được mình cần tận dụng các thành tựu tiên tiến của truyền thông điện tử hiện đại trong giao tiếp như thế nào...
  • Doanh nghiệp ứng dụng CNTT: Chớ theo vết xe đổ!

    18/12/2004Theo kinh nghiệm từ các nước phương Tây, phần lớn các chương trình quản lý ứng dụng công nghệ thông tin (trên 70%) không phải đều đem lại kết quả mong đợi, hay nói cách khác là đã làm người tiêu dùng thất vọng.
  • Thực trạng sử dụng Internet ở thanh, thiếu niên Việt Nam

    08/08/2004Internet có vẻ như đã trở thành một thứ rất quen thuộc đối với đông đảo thanh, thiếu niên, nhất là ở các thành phố lớn. Thế nhưng, sự quen thuộc đó liệu đã mang ý nghĩa tích cực như chúng ta nghĩ lẽ ra nó phải vậy?
  • Nhiều doanh nghiệp lãng phí ngân sách CNTT

    07/08/2004Một điều tra của hãng YouGov đối với 3.000 công ty ở Anh cho thấy các khoản đầu tư vào hạ tầng công nghệ đã được thực hiện mà không có sự ý thức thấu đáo về nhu cầu thực tế...
  • xem toàn bộ