Phát triển đất nước ta khỏi nghèo nàn lạc hậu
Ông Nguyễn Trung từ một góc nhìn đối ngoại đã suy nghĩ về con đường phát triển đất nước ta thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu [1]. Ông đã viết đầy tâm huyết rằng phải đổi thay tư duy để có một tầm nhìn mới. Theo ông tầm nhìn là “tất cả nhằm vào hàm lượng trí tuệ cao hơn, hàm lượng công nghệ cao hơn, chất lượng tốt hơn”. Hơn nữa, “muốn đưa đất nước ta đi lên, mỗi người chúng ta – không có một sự phân biệt nào - đều phải đem hết trí tuệ, nghị lực và lòng yêu nước mà phấn đấu như vậy và chấp nhận sự sàng lọc của cả nước – không thể gia giảm hay ăn bớt được đối với bất kỳ một ai.”
Một thanh niên đọc bài ông viết xúc động lắm, bảo rằng “tôi muốn đem hết trí tuệ, nghị lực để nâng cao tính công nghệ trong công việc hàng ngày của mình nhưng chưa biết bắt đầu thế nào? Làm thế nào để tôi có thể thay đổi tầm nhìn”. Thanh niên ấy chưa có duyên để được gặp và trao đổi sâu thêm với Nguyễn Tiên sinh, cho nên chúng tôi lạm bàn với anh vài dòng dưới đây.
Trước hết, chúng ta cứ mạnh dạn “luận” chữ của Nguyễn Tiên sinh mà mở rộng vấn đề, dẫu có thể sai, nhưng chắc ông sẽ sẵn lòng tha thứ.
1.Tầm nhìn
Dự báo thời tiết trên radio thường có câu: “Trời nắng, gió nhẹ, tầm nhìn xa trên 10km”. Vậy có thể hiểu chữ tầm nhìn của ông theo ý nên nhìn ra xa chăng. Nhưng nhìn xa rất dễ rơi vào tình trạng nhìn không rõ. Vậy, nếu chưa đủ kiến thức và thông tin để nhìn xa, để nhìn xuyên qua những rắc rối phức tạp của thực tại vốn đầy những quan hệ chồng chéo nhằng nhịt thì có lẽ chúng ta hãy nhìn gần trước đã. Chẳng hạn, chúng ta hãy phân tích sâu thêm ba cụm từ “phát triển”,”công nghệ”, và “kỹ thuật”. Rồi mang ba khái niệm ấy soi rọi vào tâm hồn Việt nam, soi rọi vào công việc hàng ngày của mình, cơ hồ có thể hiểu được khái niệm tầm nhìn của Nguyễn Tiên sinh chăng?
2. Phát triển là gì?
Hiểu rõ cụm từ phát triển hết sức quan trọng. Vì khi hiểu rõ ý nghĩa của “phát triển”, ta sẽ biết hôm nay ta đã bước được mấy bước về hướng sáng sủa hơn. Ta sẽ không chao lòng vì những bông hoa đẹp bên rìa đường như trong câu chuyên ngụ ngôn “rùa và thỏ”.
Theo chúng tôi [2], phát triển là một nhịp điệu bao gồm ba pha (ba quá trình xen kẽ nhau). Pha thứ nhất là tích tụ nguồn lực, pha thứ hai là chế biến nguồn lực thành một dạng thù hình mới (sản phẩm mới, kết hợp mới), và pha thứ ba là phát tán dạng thù hình mới đó ra môi trường xung quanh.
Chẳng hạn, một xí nghiệp tích tụ máy móc, lò quay, băng tải, đá vôi, đất sét,… Sau đó, họ biến đổi đống đất đá đó thành một thứ bột mịn đông cứng sau khi hòa nước. Rồi họ lại đóng bao loại bột mịn đó đem phát tán ra ngoài, thu đổi lấy tiền mang về. Nếu các quá trình ấy hoàn toàn trơn tru, số tiền họ đổi bột mịn mang về ngày càng nhiều thì quá trình đó được gọi là phát triển một nhà máy xi măng. Hoặc giả, một cụ râu tóc bạc phơ, hàng ngày ra thư viện, lên mạng tìm kiếm tài liệu để hiểu sâu sắc thêm về các vấn đề văn hóa dân tộc. Rồi ông lại đối chiếu, so sánh, lập các luận cứ,… Sau đó, ông viết một cuốn về “Đặc trưng văn hóa Việt nam”. Cuốn sách ấy được phát tán ra, nhiều bạn đọc hoan nghênh, thậm chí các học giả ngoài nước cũng tìm dịch cho dân họ xem. Quá trình đó gọi là phát triển văn hóa. Suy rộng ra, mọi quá trình phát triển đều là hậu quả của sự phát tán các giá trị vật thể hoặc tinh thần vào môi trường từ một điểm tích tụ nào đó. Nhưng trên thực tế, khi nói về phát triển chúng ta nhấn mạnh đến sự phát tán hơn sự tích tụ hoặc sự biến đổi tạo tác [2].
Thực ra, tầm quan trọng của ba pha trong quá trình phát triển là ngang nhau. Vì chỉ có tích tụ mới có cái mà biến hóa. Rồi, chế biến tạo tác phải giỏi, mới có sản phẩm tốt và nhiều. Sau đó, mới có thể phát tán. Tuy vậy, pha giữa, pha biến đổi tạo tác đóng vai trò trung tâm. Gốc của sự biến đổi tạo tác nằm trong ý chí sáng tạo cá nhân. Một người, ăn no vác nặng, chỉ đâu làm đấy, không thích sáng tạo thì khả năng biến đổi kém. Một người, mà chỉ bằng mấy cái máy tiện máy phay cũ kỹ, có thể chế tạo được các linh kiện chất lượng cao được hãng xe ô tô Nhật Bản chấp nhận là nhà cung cấp các sản phẩm phụ trợ là người có khả năng sáng tạo lớn. Pha thứ ba của sự phát triển chính là khâu thương mại mà chúng ta hay nói, phải giỏi marketing, phải xây dựng thương hiệu, phải biết mềm dẻo trong qui luật cung cầu.
Do đó, doanh thu của một xí nghiệp (hay nói rộng ra GDP của một nước) chỉ là thước đo biểu kiến bên ngoài của sự phát triển. Doanh thu cao chỉ ra rằng tích tụ giỏi, chế biến hay và phát tán tốt. Nhưng nếu không phân tích rõ trọng số của 3 pha trên trong doanh thu thì có thể lâm vào tính trạng phát triển không bền vững. Giả sử một tay cò đất, vay mướn ngân hàng buôn bán mấy lô đất, đạt doanh thu rất cao. Nhưng anh ta không có khâu chế biến, hơn nữa nếu anh ta chỉ đi vay ngân hàng thay cho khâu tích tụ nguồn lực, thì sự nghiệp buôn đất của anh chắc lắm lúc chông chênh.
Hình 1. Mô tả khái niệm phát triển. Ba pha của quá trình phát triển cứ luân chuyển nhau thành một vòng. Vòng này ngày càng mở rộng. Phát triển không phải là sự đẩy mạnh hoặc tăng cao của GDP hay doanh thu. Trong pha tích tụ và pha biến đổi hình như GDP biểu kiến bị co hẹp lại. Trong pha phát tán thì doanh thu tăng. |
Sự phát triển của một quốc gia cũng vậy. Nếu tỉ lệ khâu tích tụ, bồi dưỡng nguồn lực, và khâu biến đổi nguồn lực thành sản phẩm mới mà thấp thì quốc gia đó khó lòng phát triển bền vững. Vì không có nhiều sản phẩm chất lượng cao để phát tán.
Phát triển cá nhân là cơ sở cho mọi sự phát triển. Hơn nữa, vì chúng tôi tập trung trả lời câu hỏi của vị thanh niên đang đọc bài của Cụ Nguyễn Trung, nên có thêm đôi dòng bàn về cá nhân. Nhà Phật có một từ rất hay khuyên các phật tử trên đường tu tập là mỗi ngày phải tinh tiến, rời bến mê, dần dần về bến ngộ. Vậy một cá nhân làm thế nào để phát triển. Câu trả lời sẽ nằm ở phần sau, khi chúng ta đã thảo luận hết cả 3 cụm từ “phát triển”, “công nghệ” và “kỹ thuật”. Đến đây chúng ta chỉ cần nắm kỹ phát triển là một quá trình ba giai đoạn: tích tụ, chế biến và phát tán.
3. Công nghệ
Công nghệ theo tiếng nước ngoài là technology. Ngày nay, chúng ta thường có thêm từ công nghệ cao (từ cao gắn vào công nghệ là một phép gắn từ nguy hại, chúng tôi sẽ bàn một dịp khác). Chúng ta có thể hiểu đơn giản công nghệ là thực hiện một chuỗi công việc, có tính nghề nghiệp ở mức độ nghệ. Những từ đó, công việc – nghề nghiệp – nghệ, đối với tiếng Việt vô cùng thân quen và giàu bản sắc. Nếu bạn làm một nghề nào đó ở mức cao thì được gọi là nghệ tinh, đôi khi được gọi là nghệ nhân. Bạn chỉ nắm được nghề khi biết rõ mọi quá trình (bên trong, và bên ngoài nữa) ảnh hưởng đến sự biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm mới. Vậy, bất cứ làm việc gì cũng cần đến công nghệ. Không nên hiểu chỉ có những nghề nào dùng nhiều máy móc tinh xảo mới là công nghệ. Có công nghệ lọc dầu mỏ, mà lại còn có công nghệ “giáo dục” nữa. Công nghệ chính là sự tập hợp một loạt các hiểu biết, máy móc trang bị, nguồn lực để thực hiện pha biến đổi tạo tác trong quá trình phát triển. Do đó, để pha biến đổi, khâu thứ hai của phát triển, có tỉ lệ cao trong nền kinh tế, nhất thiết phải có những nghề nghiệp tinh, và nhiều người đạt mức nghệ tinh. Chúng ta không nên chú trọng mở mang những nghề nghiệp (công nghệ) làm hao hụt nguồn lực, mà ngược lại cần những nghề nghiệp bồi dưỡng nguồn lực và sự sáng tạo cá nhân.
Tất nhiên, trước mắt chúng ta vẫn khuyến khích những nghề yêu cầu lao động đơn giản (đạp máy khâu, bấm nút trên bàn điều khiển), vì giải quyết được nhiều việc làm. Hiện nay, trên thế giới có nước Ấn Độ mạnh về công nghệ biến đổi dòng thông tin, còn Trung Quốc là nước sở hữu nhiều công nghệ chế biến vật liệu sơ cấp thành những sản phẩm thông dụng.
Xét nước Việt nam ta, thì thấy rằng chúng ta còn thiếu rất nhiều công nghệ. Ví dụ, theo khảo sát của Nhật Bản về công nghiệp phụ trợ, thì nước ta còn thiếu hàng ngàn nghề chế tạo linh kiện. Hơn nữa, trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, do tâm lý muốn làm nhanh, nên nhiều khi chúng ta làm ẩu. Vì vậy, chúng ta mới nắm được vỏ của công nghệ, mà chưa nắm được cốt lõi của nó.
Mở rộng ra, mỗi một nghề, mỗi một dạng hình biến đổi nguồn lực (một trong ba pha của quá trình phát triển) đều cần một công nghệ. Mà đẳng cấp của công nghệ thì khác nhau rất lớn. Công nghệ luôn luôn là một cuộc thi tâm-tài bất tận. Vì một khi anh đã đạt đến mức nghệ tinh, nghệ nhân thì anh đã ở trên đỉnh cao của công nghệ. Nhưng đỉnh cao ấy là tạm thời, vì thiên hạ không tồn tại một “đệ nhất kiếm” cho muôn thời.
4. Kỹ thuật
Theo chúng tôi cụm từ kỹ thuật là cụm từ trung tâm của quá trình phát triển. Nhân loại phát triển từ văn minh đồ đá, đồ đồng cho đến văn minh điện tử ngày nay chính là nhờ kỹ thuật. Không hiểu rõ khái niệm kỹ thuật chắc chắn chúng ta còn lâu mới phát triển đất nước được. Kỹ thuật có mặt khắp nơi. Thực vậy, ta có các khái niệm về kỹ thuật điện; kỹ thuật mài, tiện, phay; kỹ thuật điều chế đồng, nhôm; kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn, kỹ thuật mổ gan khô, kỹ thuật ghép giác mạc; kỹ thuật ly tâm làm giàu urani, kỹ thuật chế tạo tên lửa vượt đại châu; kỹ thuật rung vuốt trên đàn ghi ta, đàn tranh; kỹ thuật làm thơ Đường, kỹ thuật viết văn nghị luận, kỹ thuật làm câu đối… Theo các định nghĩa chuyên môn đó, cơ hồ kỹ thuật liên quan đến mọi hoạt động của con người. Kỹ thuật là cốt lõi của nghề nghiệp. Mức độ phổ quát của kỹ thuật bao trùm mọi thao tác của con người. Kỹ thuật không chỉ là một cụm từ dùng trong lãnh vực gia công chế tạo máy móc, nó còn được dùng trong hết thảy các lãnh vực khác, từ xã hội, nhân văn đến tâm linh, bói toán, hành chính, quản lý, âm nhạc, nghệ thuật…. Vậy chúng ta cần hiểu sâu, hiểu rõ, lột tả cái hồn của cụm từ “kỹ thuật”, để loại bỏ nếp nghĩ thông thường rằng kỹ thuật chỉ tồn tại trong cơ khí, điện lực,…
Tiếng Việt là tiếng đơn âm, nó cho phép chúng ta “luận” khái niệm kỹ thuật thành ra hai từ riêng biệt “kỹ” và “thuật”. Các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử nói rằng loài người bắt đầu văn minh khi biết dùng lửa, hay khi nắm được “thuật” giữ lửa. Họ thấy sét đánh cháy một cái cây to. Họ lại thấy cái cây sau khi cháy biến thành khối than hồng hồng âm ỉ. Thế là, họ học từ thiên nhiên “thuật” giữ lửa. Và cũng từ đấy văn minh nhân loại cứ đời này qua đời khác dần dần tiến bộ cho đến tận ngày nay (văn minh điện tử). Do đó, có thể nói mọi phát minh sáng chế của loài người đều xa gần là con đẻ của tự nhiên, hoặc ít nhất được tự nhiên kiểm định.
Sét đánh tạo ra lửa là một hiện tượng phơi bày một cách bình đẳng trước mắt muôn loài. Tại sao con trâu, con ngựa không học được thuật giữ lửa, mà chỉ có con người. Vậy “thuật” nhất định phải là cái gì đó phát tiết trên nền tảng “tố chất tinh anh” của loài người. Hay nói khác đi “thuật” có mẹ là “tố chất tinh anh” và cha là “các bài học” mà con người thu lượm được trong cuộc sống, trong trải nghiệm.
Có những người thợ đến già mới đạt bậc 4/7, lại có những người khác chỉ ngoài 30 đã hết bậc 7/7. Hai người đó có “thuật” khác nhau. Nhưng nếu nắm được định nghĩa trên thì nhiều người sẽ mau chóng luyện được “thuật” để tiến bộ trong nghề nghiệp của mình. Bởi vì, ngay khi chào đời, với tư cách một con người, bạn đã được Trời phú cho tố chất tinh anh hơn hẳn muôn loài. Thậm chí, tố chất tinh anh của bạn chỉ kém chút xíu so với nhà Đại Bác học Einstein. Vì chính Ông Einstein đã nói “thiên tài chỉ có 1% thông minh, còn 99% là lao động cần mẫn”. Chúng ta hãy dùng cái tinh anh Trời cho công thêm với sự tích lũy không mệt mỏi các bài học thâu lượm từ môi trường sống thì chắc chắn “thuật” sẽ phát tiết ra, và ta sẽ thành công trong nghề nghiệp.
Ví dụ, một học sinh lớp 9 học kém, bị cô giáo chê nhiều, điểm các môn đều dưới trung bình. Nhưng chơi điện tử thì rất giỏi. Từ trường về đến nhà, cậu ta quăng cặp sách vào góc phòng, rồi lao ngay vào bàn máy tính, ngồi lỳ hàng giờ liền. Cậu có thể bắt chéo hay tay, mà mười ngón vẫn thoăn thoát điều khiển 22 cầu thủ của hai đội bóng đấu với nhau trên màn hình. Khi đó, mắt, tai, chân tay cậu được tập trung toàn bộ cho cuộc chơi. Cậu dồn toàn bộ cái tinh anh trời cho vào “game” điện tử. Cậu đã chơi game bằng “thuật”. Cái “thuật” ấy chính là “năng lực” thu lượm, xử lý và chọn lựa thông tin, để ra các quyết định điều khiển từng ngón tay, từng cơ bắp trên lưng trên mặt cậu một cách vô cùng nhanh nhạy, kịp thời và chính xác. Toàn bộ quá trình trên lại được tập trung trong thời gian ngắn (những giờ phút gắn mình vào bàn chơi game điện tử), cho nên tinh lực dồn vào khoảng không thời gian nhỏ đó đạt mật độ cao.
Vậy, “thuật” phát ra khi nào? Cơ hồ “thuật” phát tiết ra khi chúng ta dồn toàn bộ tinh lực của mình vào một khoảng không thời gian nhỏ để xử lý một lượng thông tin lớn. Mật độ của tính lực lúc đó phải rất cao. Để trải nghiệm được thuật phải “luyện phép dồn tinh lực đạt mật độ cao” trong một công việc cụ thể nào đó. Số lần luyện tập ấy nhiều ít tùy người. Nhưng nhất định “có công mài sắt có ngày nên kim”. Để luyện phép “dồn tinh phát thuật”, bạn hãy lựa chọn một công việc yêu thích để thực nghiệm. Khi “thuật” đã phát ra bạn sẽ trải nghiệm cái cảm giác sờ nắn, ôm ấp “thuật”, thậm chí bạn có thể ngửi mùi và nghe bước đi của “thuật” nữa. Khi đó, bạn hiểu “thuật” là gì, biết được các đặc tính linh ảo của “thuật”. Rồi, bạn có thể ứng dụng “thuật” vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Bạn sẽ thu được thành công nghề nghiệp. Cũng như cậu bé lớp 9 kia, đã ứng dụng thuật chơi game vào việc học toán. Cậu đã tiến bộ trông thấy sau vài tuần dùng phép “dồn tinh phát thuật”.
Những người làm xiếc, các nhạc công, những cầu thủ tenis, là những người làm việc với “thuật” thường xuyên. Trong khi thực hiện các công việc trên, nếu khí chất tinh anh của họ chỉ xao nhãng chút xíu là hỏng tiết mục xiếc, làm “phô” nhạc điệu hoặc chệch hướng bóng.
Những nghề nghiệp khác có tốc độ di chuyển chậm hơn cũng cần đến “thuật” để đạt hiệu quả cao. Ví dụ, một người thợ tiện một con ốc. Tùy vật liệu và qui cách bước răng, anh ta có thể điều khiển tốc độ máy tiện sao cho phù hợp để con ốc đạt tiêu chí kỹ thuật của bản vẽ. Công tác tiện một con ốc có thể học được trong trường nghề. Cho nên, chúng ta thường dùng cụm từ kỹ thuật cho các công việc cơ điện,… (Những công việc có thể được đào tạo thông qua giáo trình). Theo cách hiểu đó, nội dung của cụm từ kỹ thuật bị nghèo đi rất nhiều.
Thực ra “thuật” là cái chỉ có thể hiểu được bằng cách dồn toàn bộ tâm trí vào công việc. Sự dồn nén ấy phải rất cao để cái “tố chất tinh anh” bắt buộc phải tiết phát ra. Khi nào mà “tố chất tinh anh” luôn song hành với quá trình biến đổi tạo tác sản phẩm thì “thuật” xuất hiện. Do đó, để phát tiết ra “thuật” phải “kỹ”. Chữ “kỹ” hàm ý rằng không được bỏ qua những yếu tố, dù là nhỏ nhặt mà liên quan chặt chẽ đến quá trình biến đổi. Chữ “kỹ” chỉ có thể thu được qua nhiều lần thực nghiệm thất bại. Cho nên, không một ai biết “thuật” chỉ sau vài lần thử nghiệm. Không một công nhân, kỹ sư, bác sỹ, họa sỹ, nhạc công nào có thể làm tốt công việc chỉ sau một lần nghe giảng và sau một lần thao tác nghề nghiệp. Họ chỉ có thể rèn luyện được kỹ năng qua hàng chục lần, thậm chí hàng ngàn hàng vạn lần thao tác sai hỏng. Mỗi lần thử nghiệm và sai hỏng, họ thu lượm kinh nghiệm từ thất bại. Họ dần dần hiểu sâu chữ “kỹ”. Khi đã nắm được “kỹ” thì mới đạt đến mức độ biết được phần “xác” của quá trình biến đổi tạo tác sản phẩm. Còn “thuật” chính là phần “hồn” của quá trình ấy.
5. Phát triển kỹ thuật và công nghệ
Đến đây, chúng ta đã khái lược về “thuật” và “kỹ”. Hiển nhiên rằng chỉ có thể nắm được một nghề nghiệp khi mà dùng “kỹ thuật” để thực hiện một chuỗi công việc nối tiếp nhau. Chuỗi công việc nối tiếp nhau đó gọi là “công nghệ”. Như vậy, rõ ràng phát triển công nghệ chính là dùng “thuật” và dùng “kỹ” để làm nghề.
Bất luận nghề nào, từ nghề trông lúa, chăn vịt, đến nghề chế tạo vi mạch điện tử, hoặc quản lý một phường xã đều cần đến “kỹ thuật”, thậm chí cả nghề làm ra luật pháp nữa. Có lẽ nghề khó nhất và phức tạp nhất mà trí tuệ nhân loại vấp phải cho đến thời điểm hiện tại chính là nghề quản lý xã hội, phát triển đất nước, cho nên người ta đã phát minh ra từ “kỹ trị”.
Tuy nhiên, tại bài này chúng tôi không đi sâu vào lĩnh vực “kỹ trị”. Chúng tôi muốn người dân thường dùng được “kỹ thuật” trong việc phát triển nghề nghiệp của mình. Việc trị quốc là của các đấng cao cấp.
Một người dân bình thường, dù là đang buôn bán hay làm nghề nào đó mà hiểu kỹ thuật thì anh ta luôn luôn dính kết “tố chất tinh anh” Trời cho trên từng thao tác nghề nghiệp. Do đó, sản phẩm của anh ta nhất định đạt chất lượng cao đến mức tam khả (khả hấp: có thể được hấp thụ bởi khách hàng; khả cảm: có thể gây cảm hứng nơi người sử dụng; khả kích: có thể kích thích sáng tạo) [3]. Khi đã đạt chất lượng cao thì sản phẩm của anh ta có sức cạnh tranh mạnh, sự nghiệp của anh ta phát triển. Nói rộng ra, một xã hội có nhiều cá nhân phát triển thì xã hội ấy nhất định phát triển. Mà sẽ phát triển bền vững, vì sản phẩm của xã hội ấy luôn có chất lượng cao.
Hơn nữa, vì pha cuối cùng của phát triển là phát tán sản phẩm đã biến đổi ra môi trường (chúng tôi tránh dùng từ thị trường), cho nên người dùng kỹ thuật để phát triển sản phẩm phải luôn nghĩ đến người sử dụng sản phẩm. Họ phải nghĩ đến quyền lợi của nhân quần trước khi nghĩ đến lợi lãi của riêng mình. Đó chính là quá trình phát triển “tâm”. Tâm tĩnh thì tập trung được tinh lực, tâm sáng thì “thuật” phát tiết ra. Do đó, muốn có tầm nhìn xa trước hết lại phải thu tầm nhìn về gần, nhìn ngay vào lòng mình. Lòng mình mà tĩnh tại, lại sáng trong thì không cớ gì lại không đạt đến “thuật” cao trong nghề nghiệp, không cớ gì không phát triển được công nghệ.
Nếu có một trường nghề dạy cho sinh viên hiểu về ba cụm từ trên thì cơ hồ chỉ bằng những máy móc trung bình chúng ta có thể biến đổi tạo tác ra những sản phẩm có chất lượng rất cao, mà lại đạt qui mô rất lớn, số lượng rất nhiều nữa. Đó chính là phát triển nhanh và bền vững. Chứ nhất quyết không thể dùng phép đi tắt đón đầu để phát triển. Và chúng ta sẽ không những đuổi kịp mà còn sánh vai, rồi vượt lên hàng đầu nữa.
Tài liệu tham khảo:
[1] Nguyễn Trung.“Suy nghĩ về phát triển đất nước từ góc nhìn đối ngoại: Thân phận công dân thế giới hạng hai!”.
[2] Thu San Nguyễn Thế Hùng. “Ngũ hành nhịp điệu sáng tạo”.NXB Văn hóa thông tin, Hà nội 2008..
[3] PhD Nguyễn Thế Hùng. “Hoa Anh Đào Nhật bản và cô hàng bánh rán bán rong” hay một triết lý giáo dục mới.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành