Sự thật mới là vẻ đẹp chân chính!

11:53 SA @ Thứ Hai - 11 Tháng Chín, 2017

Cuộc thi hoa hậu năm nay đến hồi kết mới xảy ra xìcăngđan nho nhỏ. Nói tóm tắt là hoa hậu Trần Thị Thùy Dung chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc công nhận cô coi như vi phạm các quy chế hiện hành. Mặc dù vậy - vì nhiều lý do tế nhị - ban tổ chức cuộc thi không tính tới chuyện tước vương miện của cô...

Xung quanh sự việc hiện còn nhiều chi tiết cần được làm rõ. Có thể sắp tới người ta sẽ tìm và đưa ra một vài lý do để biện hộ, nhưng nói thật cái ấn tượng bị lừa dối khó đánh bạt được ngay. Nó liên quan đến tình trạng mập mờ chung của nhiều sự kiện trong đời sống, khiến người ta đôi khi phải tự nhủ đừng để ý chỉ mệt!

Một sự kiện văn hóa mà diễn ra thế chăng? Sự minh bạch chẳng lẽ tuyệt diệt rồi chăng? Chuyện gì rồi cũng trở thành trò ú tim chăng?

Tạm giả định các thông tin đang râm ran sang một bên, tôi chỉ xin phép bàn một điều: ban tổ chức cuộc thi lớn như thế này liệu có quyền lúc thì nêu rõ trong điều lệ một yêu cầu nào đó, lúc thì tuyên bố không cần và việc gì đã làm sẽ không bao giờ tính lại?

Nhà sử học Trung Quốc cổ đại Tư Mã Thiên từng ghi lại trong bộ Sử ký một mẩu chuyện: Thời Tần nhị thế, Triệu Cao muốn làm phản liền dâng lên vua một con hươu nhưng lại bảo là ngựa. Vua hỏi quần thần. Nhiều người im lặng. Một số muốn lấy lòng Triệu Cao bảo là ngựa. Nhưng vẫn có một ít người nói thẳng là hươu mặc dù số này sau đó bị Triệu Cao trù, rồi trị tội.

Từ các hoạt động thể thao, các hội diễn nghệ thuật, cho tới vài kỳ thi học sinh giỏi của học trò tiểu học... thỉnh thoảng vẫn thấy vang lên những lời tố cáo về các trò gian lận, móc ngoặc. Một cuộc thi hoa hậu nên làm mẫu cho việc trở lại với tính minh bạch và tinh thần tôn trọng mọi nội quy mà chính mình đã đề ra chăng? Bởi xưa nay từ Tây sang Đông đâu đâu cũng thấy người ta bảo sự thật mới là vẻ đẹp chân chính cần cho mọi cộng đồng, mọi xã hội.


Người lao động)

Tuần qua, đề tài sôi động nhất trên các báo chính là chuyện về... người đẹp! Đó là tân hoa hậu VN Trần Thị Thùy Dung với xì-căng-đan có tốt nghiệp THPT hay không?

Chuyện hoa hậu xưa nay thường gắn với các xì-căng-đan. Mai Phương Thúy, Hoa hậu VN 2007, làm khá tốt trách nhiệm của một hoa hậu, gần hết “nhiệm kỳ”, bỗng “có vấn đề” với ban tổ chức (BTC) cuộc thi Hoa hậu VN, vì “làm từ thiện quá đà”! Thùy Dung vừa đội vương miện hoa hậu đã khốn khổ vì chính cái vương miện đó

Xa hơn, Hoa hậu Hoàn vũ VN 2008 eo sèo chuyện top 10, chuyện chiếc vương miện; Hoa hậu Hoàn vũ quốc tế 2008 tưởng như rất hoàn hảo, cuối cùng bữa liên hoan mừng công lại xảy ra chuyện người nhà BTC đấm vào mặt một nhà báo giữa thanh thiên bạch nhật. Chưa hết, cuộc thi Hoa hậu trang sức với những chuyện lùm sùm, khuất tất đến bẽ bàng; cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN, á hậu lại khai man xuất xứ “dân tộc” lẫn trình độ học vấn... để tranh ngôi với các người đẹp dân tộc. Không chỉ ở VN, ở nước ngoài chuyện hoa hậu bị tước vương miện cũng thường xảy ra. Không biết “trời xanh có ghen phận má hồng” hay không, nhưng xì-căng-đan cứ dính liền với các người đẹp!

Trở lại chuyện Thùy Dung. Chuyện cô gái hoa hậu 18 tuổi này đã tốt nghiệp THPT hay chưa, học bạ thật hay giả, nếu cần cơ quan chức năng xác minh một cách rất dễ dàng. Chẳng lẽ Sở GD-ĐT Đà Nẵng không làm được chuyện này, vậy mà BTC cứ cù cưa mãi, đến cả ngay trong cuộc họp báo ngày 5-9, BTC cũng chưa thể trả lời được hai câu hỏi này! Đó là chuyện lạ. Chuyện “xé rào” quy chế cũng thế. Tại sao BTC áp dụng dự thảo quy chế tổ chức thi hoa hậu khi mà quy chế này chưa ban hành? Hay là một cách biện minh? Tại sao BTC lại như trách dư luận, báo chí rằng thể lệ cuộc thi đã đăng công khai trên báo, nhưng không có bất kỳ ai phản ứng! Hay chuyện tranh cãi với nhau như thế nào là trình độ THPT và tốt nghiệp THPT! Cuối cùng thì BTC kết luận là hoa hậu Thùy Dung không vi phạm thể lệ cuộc thi, còn BTC cần rút kinh nghiệm vì “nhanh nhạy đi trước trong một số vấn đề”.

Theo dõi cuộc họp báo, người ta thấy các nhà báo dường như chưa thỏa mãn với những gì BTC trả lời, bởi những vấn đề khuất tất chưa được làm rõ. Người ta bỗng nhớ câu trả lời của Thùy Dung trước khi đội vương miện, với câu hỏi, vì sao cô chưa thi đại học, Thùy Dung đáp: “Vì em chưa tự tin”. Vậy thì có vấn đề gì khuất tất ở đây, khi mà BTC cũng lảng tránh câu trả lời này và tuyên bố những phát biểu của Thùy Dung, BTC không thể biết hết! Thực chất vấn đề là BTC dường như không dám nhìn thẳng vào sự thật, dù rất dễ nhìn!

Giờ thì Thùy Dung vẫn đội chiếc vương miện Hoa hậu VN 2008 trên đầu nhưng có cái gì đó bẽ bàng cho cả người đội lẫn BTC, lẫn công chúng. Người ta bảo vệ được cái vương miện nhưng thực chất giá trị cái vương miện ấy như thế nào mới là vấn đề đáng nói. Có thể sắp tới đây, với chiếc vương miện này, Thùy Dung đại diện cho đất nước tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới (Miss World) và với trình độ văn hóa như vậy, liệu có xứng đáng đại diện cho sắc đẹp VN?

Hoa hậu – bông hoa đẹp nhất trong các loài hoa, phải có hương lẫn sắc. Đó là cái đẹp. Cái đẹp, dù là người theo chủ nghĩa duy mỹ, tôn sùng sắc đẹp như Donald Trump- ông trùm chân dài, người tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ quốc tế- cũng có chuẩn mực riêng của mình và tôn trọng chuẩn mực của cái đẹp.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giả, dối

    31/03/2008Cấn Thị Phương (Nha Trang, Khánh Hòa)Sáng sớm, nhà đài thông báo trong chương trình thời sự nghe đến giật mình: “Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, 70% mũ bảo hiểm lưu thông trên thị trường là giả!”. Một con số ai nghe cũng sợ, giật mình hỏi: “Ban quản lý thị trường đang ở đâu?
  • Chân thiện mỹ: “Bộ luật tối cao của loài người”

    09/01/2008Trần Văn LýCái quá trình: nhận biết (hiểu), chọn lọc ấy có một số sự vật, sự việc trong thiên nhiên, vũ trụ và trong xã hội: Phù hợp với lợi ích (vật chất, tinh thần), phù hợp với ý thích (quan niệm), phù hợp với khát vọng (ước mơ) của con người thì đó là cái đẹp...
  • Vì một môi trường văn hóa lành mạnh cho cả độc giả nhỏ

    04/08/2006Phạm KhảiĐối với những người viết, có lẽ không gì thiêng liêng hơn là được hướng ngòi bút của mình phục vụ đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi, cũng tựa như có vị lãnh tụ nói rằng ông rất lầy làm xúc động, xúc động hơn bất kỳ cuộc trao tặng huân chương nào khi ông cúi xuống để một em gái thay mặt các học sinh trong trườngquàng chiếc khăn đỏ danh dự lên cổ ông...
  • Hướng các giá trị đạo đức truyền thống theo hệ chuẩn giá trị Chân – Thiện – Mỹ

    27/03/2006TS. Đặng Hữu ToànNền kinh tế thị trường với những nguyên tắc vận hành và phát triển riêng của nó đang có ảnh hưởng sâu sắc cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội, tới hệ thống các giá trị, các quy phạm đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống và nhân cách con người trong một quốc gia, dân tộc. Phát triển kinh tế thị trường không chỉ làm nảy sinh quá trình xâm nhập, bổ sung lẫn nhau giữa các hệ thống giá trị, các chuẩn mực đạo đức, các quy tắc ứng xử truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế...
  • Sự thật

    10/01/2006Hà Văn Thịnh..."Một khi cái giả tràn lan thì xã hội phải được cảnh báo nghiêm khắc về sự xuống cấp và tai hoạ trầm kha của văn hoá"...