Tác phẩm Nguyễn Hiến Lê 'đơn sơ mà sâu thẳm, cũ kỹ mà rất hiện đại'

03:26 CH @ Thứ Hai - 14 Tháng Giêng, 2019

Sáng 12-1, tại Đường sách TP.HCM, hai bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Chấn Hùng cùng chuyên gia Hán ngữ Trần Văn Chánh đã có buổi nói chuyện thú vị về một trí thức đáng kính của Việt Nam - học giả Nguyễn Hiến Lê...


.


Từ trái qua: Nhà hán ngữ Trần Văn Chánh, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng trong buổi giao lưu - Ảnh: HỒ HUY SƠN

Qua đó, chân dung của học giả Nguyễn Hiến Lê hiện lên hiền lành, giản dị, trên hết là sức làm việc đáng nể, để lại nhiều tác phẩm hữu ích cho các thế hệ sau.

Rất đông bạn đọc đã đến với buổi nói chuyện Nguyễn Hiến Lê - Con người và Tác phẩmnhân tập sách cùng tên (nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP.HCM) vừa ra mắt độc giả. Ngoài 3 diễn giả trên sân khấu chính của Đường sách, những người được biết đến nhiều trong giới làm khoa học và báo chí như nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nhà khảo cổ học - tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng… cũng có mặt.


Rất đông bạn đọc đến với buổi nói chuyện Nguyễn Hiến Lê - Con người và tác phẩm - ẢNH: L.HẠNH

Tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê như "bùa hộ mạng"

Với 120 tác phẩm (kể cả sáng tác và dịch) bao gồm văn chương, triết học, sách học làm người, khảo luận, tuỳ bút, du ký… và gần 300 bài báo đăng trên nhiều tạp chí, 23 lời tựa cho các tập sách mà Nguyễn Hiến Lê để lại, không ngạc nhiên khi nhiều người nói rằng họ đã có những ảnh hưởng rất lớn từ các cuốn sách của ông.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ: "Những tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê dẫn đường cho tôi, giúp cho tôi dễ thành công". Ông cũng thừa nhận mình chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Nguyễn Hiến Lê, ở trong sách cũng như cách sống ngoài đời.

Bác sĩ may mắn có mối quan hệ thân tình với học giả Nguyễn Hiến Lê nên có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ông Đỗ Hồng Ngọc kể, hồi mới đậu tú tài 2, ông băn khoăn vì muốn học cả 3 trường: Văn Khoa, Sư phạm và Y khoa, ông Nguyễn Hiến Lê đã hiến kế nên học Y khoa để giúp người, giúp đời một cách rõ ràng hơn, nếu học giỏi và có năng khiếu viết lách thì sau đó có thể trở thành thầy giáo và nhà văn. Chàng trai Đỗ Hồng Ngọc khi ấy quyết định học Y khoa và sau này đã trở thành bác sĩ, thầy giáo, đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách.

Một kỷ niệm khác cũng được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc kể lại tại buổi trò chuyện: "Ngoài 60 tuổi, ông Lê băn khoăn hỏi tôi có nên viết hồi ký không, tôi nói nên. Ban đầu, ông dự định viết hồi ký chừng vài trăm trang, cuối cùng là 3 tập như hiện nay".

Dù ông Nguyễn Hiến Lê không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng nhiều người tự nhận là học trò của ông. Trong số ấy, có bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng. Từ sự giới thiệu của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng cũng trở thành một người bạn trẻ thân thiết của học giả Nguyễn Hiến Lê.

Những năm tuổi trẻ, các cuốn sách Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống đã trở thành "bùa hộ mạng" cho vị bác sĩ tài hoa này. Ông mong rằng, nhiều tác phẩm của "ông thầy" mình trở thành "bùa hộ mạng" cho nhiều độc giả trẻ.

Qua lời kể của bác sĩ Hùng, doanh nhân Lý Ngọc Minh - giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long - làm nên cơ ngơi như ngày nay cũng nhờ sớm ảnh hưởng cuốn Tổ chức công việc theo khoa học của Nguyễn Hiến Lê.

Học để viết - Viết để học

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ về quá trình học giả Nguyễn Hiến Lê viết lời tựa cho một số tác phẩm của mình - Ảnh: LAM HẠNH

Học giả Nguyễn Hiến Lê dành cả đời để đọc, nghiên cứu và viết sách. Với ông, học và viết phải đi song song trên con đường học thuật. Đây cũng là "phương châm" được các diễn giả "bắt chước".

Sinh thời, ông Nguyễn Hiến Lê có nói với bác sĩ Ngọc: "Một đề tài nào cháu thích mà chưa rõ lắm thì hãy viết. Muốn viết cái gì ta phải tập hợp tài liệu và phải đọc rất nhiều. Đó cũng là quá trình học vậy". Không ngừng học và viết, học giả Nguyễn Hiến Lê luôn truyền tải kiến thức đến độc giả một cách khoa học, rõ ràng, dễ hiểu…

Cả ông Đỗ Hồng Ngọc và ông Nguyễn Chấn Hùng đều tiết lộ, Nguyễn Hiến Lê làm việc cực kỳ khoa học, giống như một công chức, mỗi ngày ngồi vào bàn viết 8 tiếng. Một "bí kíp" mà hai ông được người bạn lớn của mình truyền lại là không có hứng viết cũng phải ngồi vào bàn viết, viết nửa tiếng thì tự nhiên ý tứ, chữ nghĩa ùa đến.


Bạn đọc xin chữ ký của ba diễn giả, cũng chính là các tác giả góp mặt trong tập sách Nguyễn Hiến Lê - Con người và Tác phẩm - Ảnh: L.H.

Ông Trần Văn Chánh nhận định Nguyễn Hiến Lê là một học giả quan tâm nhiều đến nhân sinh. Ông viết mấy trăm bài báo ưu tư với những vấn đề hệ trọng của đất nước thời ông sống. Những vấn đề được ông đặt ra từ hơn 60 năm trước đến nay vẫn còn tính thời sự và vẫn chưa giải quyết được.

Ông Chánh kết luận: "Chúng ta xem Nguyễn Hiến Lê là một trí thức vì ông không bao giờ có lòng căm thù cá nhân. Ông chỉ phê bình chính sách chứ không "đánh" vào từng cá nhân".

Có thể tóm tắt về tinh thần các tác phẩm của học giả Nguyễn Hiến Lê như nhận định của bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng: "Thấy đơn sơ mà sâu thẳm, thấy cũ kỹ mà thật ra rất hiện đại".

"Ông Nguyễn Hiến Lê có một điều rất lạ. Ông dạy người ta đủ thứ về xuất bản và viết văn, cách làm hợp đồng, di chúc… Tuy nhiên, theo chỗ tôi biết, ông Lê không để lại di chúc gì cả.

Do đó, tất cả đều cậy vào người bạn tâm phúc là bác Lê Ngộ Châu (tổng biên tập tạp chí Bách Khoa), dường như có một lời ông dặn vợ, đại khái: "Tôi mà chết thì bà bàn tất cả mọi chuyện với anh Châu". Tất cả đều chỉ nói bằng miệng. Có một số nhà xuất bản vì trước kia không biết đường dây liên hệ bản quyền nên đã in đại.

Ông Nguyễn Hiến Lê cao thượng ở chỗ mặc dù tạo ra một sự nghiệp lớn lao vậy nhưng ông xem giá trị đấy nhưng cũng phù du đấy, không cần bám lấy.

(Nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh nói trong buổi nói chuyện)

Bản quyền tác giả của sách Nguyễn Hiến Lê được giao cho ông Lê Ngộ Châu. Sau khi ông Châu qua đời, việc trao đổi bản quyền, hợp đồng xuất bản các tác phẩm của ông được thông qua chỗ tôi.

Hiện nay, hơn 50 tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê đã được Công ty Sách Mc Book mua bản quyền trong 10 năm. Ông bà Nguyễn Hiến Lê có một người con trai duy nhất nhưng người thừa kế tác quyền hiện nay là người con nuôi tên Vũ Thị Kim Liên.

(Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng)

Nguồn:Tuổi Trẻ
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguyễn Hiến Lê - người cải chính nhiều sự hiểu nhầm về lịch sử Trung Quốc

    28/12/2018Vương Trí NhànHai cuốn sách quan trọng của Nguyễn Hiến Lê làm theo hướng này là bộ Sử Trung Quốc, và bộ đôi Khổng Tử - Luận Ngữ.
    Cái nhìn của ông là từ bên ngoài và không phụ thuộc vào cách giải thích của chính người Trung Quốc...
  • Về sách “Học làm người” của Nguyễn Hiến Lê

    15/07/2017BS Đỗ Hồng NgọcĐáp lại câu hỏi của một “hâm mộ”: “… nhờ đâu từ thuở “mồ côi cha” với đàn em gái bé bỏng, níu áo bà quả phụ trẻ sống lay lắt với bà con bên nội bên ngoại ở thị xã Phan Thiết; mà từ tuổi 12 đã có ý chí sắt đá tự lập miệt mài học tập để có thành công như ngày nay?"
  • Tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê

    24/11/2015Trung Thu“Mộ Nguyễn Hiến Lê hả? Chị không biết. Chị chưa nghe cái tên này bao giờ” - chị D. lắc đầu. Nhìn sâu vào mắt chị, tôi biết chị nói thật. Tôi cứ nghĩ một học giả tài đức vẹn toàn như cụ thì ai từng cắp sách đến trường đều biết. Huống hồ chị - người công tác trong lĩnh vực văn hóa...
  • Nguyễn Hiến Lê - một người Hà Nội

    10/10/2015Ngô Thế OanhBút danh Lộc Đình được nhà văn hoá của dân tộc Nguyễn Hiến Lê dùng ký dưới một bài văn ngắn từ hồi trẻ… Lộc là ngõ Phất Lộc, còn Đình là cái đình ấy…
  • Nguyễn Hiến Lê và không khí của văn hóa VNCH

    14/10/2014Hoàng Anh TuấnNgày 8 tháng Giêng năm nay đánh dấu ngày sinh nhật 100 năm của Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), học giả nổi tiếng của thế kỷ 20. Với khoảng 100 tác phẩm phát hành trong thời chiến, cụ Nguyễn Hiến Lê có thể là tác giả viết nhiều, in nhiều, và được đọc nhiều nhất trong thời kỳ 1950-1975 ở miền Nam. Lại có khoảng 20 bản thảo của cụ được in sau ngày thống nhất quốc gia, phần lớn là sau khi cụ qua đời.
  • Nguyễn Hiến Lê - hai mươi năm, một trăm cuốn sách

    02/08/2014Phan QuangTừ miền Trung đi thẳng vào Sài Gòn, ngay sau khi thành phố vừa giải phóng, một trong những mong ước đầu tiên của tôi là gặp gỡ một số trí thức và văn nghệ sĩ từng nghe tiếng...
  • Nguyễn Hiến Lê, người trí thức chân chính

    29/09/2013Nhà văn Nguyễn Hiến Lê trong con mắt của những người đồng thời và của lớp hậu sinh thường được nhìn nhận như là một học giả có sự nghiệp trứ tác đáng nể về đủ mọi phương diện khảo cứu, biên soạn, dịch thuật với 122 tác phẩm để đời mà hầu như tác phẩm nào cũng có một giá trị riêng biệt đáng được nhắc nhỏ, mà ít ai nhấn mạnh đầy đủ đến khía cạnh ông là một trí thức chân chính thể hiện ở thái độ yêu nước thương dân chân thành,lúc nào cũng bận bịu việc đời, trăn trở với những nỗi thăng trầm của dân tộc cũng như về những vấn nạn của thế giới mà số phận của dân tộc không thể tách rời...
  • Nguyễn Hiến Lê viết về nghề văn

    31/01/2012Nguyễn Ngọc ĐiệpTrong sự nghiệp nghiên cứu và sáng tác của mình, Nguyễn Hiến Lê đã để lại bốn trước tác có nội dung trực tiếp nói về công việc viết văn...
  • xem toàn bộ