Tâm linh, ý nghĩa sống còn của nhân loại (phần 1)

08:42 SA @ Thứ Sáu - 29 Tháng Bảy, 2022

Lời giới thiệu:

Đây là những suy ngẫm của một tác giả đã qua đời. Người viết bài này không có ý phổ cập quan điểm của mình về Tâm Linh. Tác giả chỉ bộc bạch một quan điểm về cái gọi là Tâm Linh của mình. Thiết nghĩ nội dung này có thể hữu ích cho những ai đang quan tâm, nghiên cứu và tìm hiểu về một thế giới khác với thế giới con người đang “sống”. Mong được chia sẻ với bạn đọc.


Vài nét bổ sung cho tính chính xác khoa học từ TOÁN HỌC.

Chúng ta ai cũng tin tưởng vào tính chính xác của toán học như một kiểu mẫu bất khả kháng, có thể là vì quá sùng bái một Aristote “Toán học là khoa học của cái Tất Yếu”. Khi Cantor tìm ra được thuyết Tập Hợp, giới toán học hết sức vui mừng vì từ nay đã có được một Hoàng đế quy tụ được tất cả các môn hình, đại, lượng, số, … vào một đế quốc thống nhất. Năm 1903, B. Russel nêu lên mâu thuẫn của lý thuyết tập hợp khiến mọi người chưng hửng. Một cuộc hội nghị tập hợp các nhà toán học vĩ đại nhất đương thời được tổ chức nhằm giải quyết vị trí của thuyết tập hợp trong toán học. Kết quả sau một cuộc cãi nhau như mổ bò chẳng đi đến đâu khiến nhà toán học H. Poincarré phải cám cảnh than rằng “Con người có bao giờ hiểu được nhau đâu vì họ có bao giờ nói cùng một ngôn ngữ và vì có những ngôn ngữ làm sao mà học cho đặng”. Rồi ông cùng với những nhà sáng lập thuyết tập hợp như Cantor, Dedekind, Freg đề nghị “Buông trôi nó đi thôi, (nó tức là thuyết tập hợp)”. Tuy nhiên vẫn có những người say mê nó vẫn tiếp tục nghiên cứu, kết quả ngày nay thuyết ấy trở thành một trong ba cột trụ của toán học hiện đại. Những người khác tìm cách né tránh mâu thuẫn. Tựu chung có Russel với logic học, Zermelo với Tiên đề luận, Brower và Heyting với Trực giác luận, D. Hilbert với Số học tiên đề hoá,… Nhưng chẳng có cái nào là không phi tật nọ thì tật kia. Ở đây ta chỉ điểm sơ qua trực giác luận để có khái niệm về tình trạng “tuyệt vọng” của toán học với tư cách tính tất yếu thuần lý: Giả dụ có một đống sỏi mà ta đã biết từ trước là gồm một số lẻ hòn sỏi vì ta đã đếm rồi, nếu chia đống sỏi ấy ra làm hai đống nhỏ thì đương nhiên, theo tất yếu tính thuần lý, ta biết trước rằng một đống có một số lẻ, một đống có một số chẵn. Nhưng theo Brower và Heiting thì không làm gì có tất yếu tính thuần lý để mà biết trước cả; muốn biết chắc, chỉ có một cách duy nhất là chịu khó mó tay vào mà đếm, thế thôi! Cuối cùng toán học nhận một đòn chí tử để vĩnh viễn từ giã tính chính xác được sùng bái quá “vô lối”: Đó là Định Lý Goedel chứng minh rằng dù dựa vào một hệ tiên đề nào thì cuối cùng diễn dịch logic cũng đưa đến một mệnh đề bất khả quyết, nghĩa là chẳng có cơ sở gì nữa để khẳng định hay phủ định nó ngoài cách ôm lấy nó như một tiên đề mới để tiếp tục, rồi lại để “bất khả quyết” khác, và cứ thế cho đến thiên thu. Ngoài ra, như chúng tôi đã nhận định, cột sống của logic là tam đoạn luận, tức là nguyên tắc truyền dẫn, vốn dựa vào một quan sát rất thô thiển: Cái nhỏ nằm trong cái vừa, cái vừa nằm trong cái lớn, Vậy cái nhỏ phải nằm trong cái lớn. Sự hồ đồ ở đây là “trong”, thế nào là “trong”?

Chúng ta thừa hiểu rằng muốn nói trời nói biển gì chăng nữa thì khoa học vẫn duy trì nguyên vẹn sức thuyết phục của nó về Cái Thật của vũ trụ, của Tồn Tại, đặc biệt và trên hết của Con Người, đơn giản bởi vì khoa học ấy phù hợp với kinh nghiệm và nhận thức của, và nhất là phục vụ trực tiếp và hữu ích cho Con Người của tiền ngũ thức là nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt và đặc biệt được lấy làm tiêu chuẩn số Một cho “thực-hư”là Thân. Nhưng “Người” chỉ là thế thôi ư? Nhất là sau khi chúng ta đã hiểu lịch trình tiến hoá của khoa học thực chất là “tiến” từ Hạt Thật đến Hạt Ma, từ Cố Thể đến Trường, từ cái Khách Quan của sự vật ở ngoài con người đến cái Chủ Quan của con người hoà nhập vào sự vật, từ cái khắt khe của Nhân Quả đến cái tù mù của Bất Định.

Và diễn trình ấy đã xảy ra qua môi giới của cái không gì xứng đáng và logic hơn cho chức năng trung gian, đó là Lực. Thực vậy, lực rất thật vì nó là tác nhân của cái thực nhất trên đời là cái cảm thụ; nhưng lực cũng rất hư vì nó vô hình, vô tướng: :Nếu đứng gần một trạm cao thế, người ta có thể bị thương vong dù lực điện ở đấy không hề nhìn thấy. Thực và Hư, ngày nay Lực đã được “chính thức” thừa nhận có hai phẩm chất đó:lực chính là và chỉ là sự trao đổi các hạt ma trong tương tác giữa hai vật thể! 
Cho nên chúng ta không thể hiểu về “Người” chỉ qua những nhu cầu “sinh học”, kể cả xã hội của nó, mà còn phải qua cái đang trở thành đề tài “thời thượng”, tức là Tâm Linh.

Nói tiếp với khoa học, chúng ta hãy cùng nhau xem xét vấn đề này trên một lĩnh vực hoàn toàn trái ngược với khoa học, đúng hơn hoàn toàn bị bài bác nhân danh khoa học bởi những người phần lớn lại hiểu biết rất ít về khoa học. 
Đó là lĩnh vực… Thế giới cận hiện tượng

Chúng tôi hiểu thế giới hiện tượng là tất cả những gì con người biết được bằng năm giác quan, nếu cần có sự hỗ trợ của những dụng cụ có tính năng khuếch đại cái mà giác quan tự nhiên không trực tiếp nhận biết được, và sự sử lý, sắp xếp của ý thức, ở đó kinh nghiệm và trên hết lý trí, đặc biệt tinh thần và phương pháp khoa học là yếu tố chỉ đạo đáng tin cậy. Vì năm giác quan và ý thức là sở hữu vật có “tính cộng nghiệp” của loài người nên nói chung con người, nhất là con người của thời đại khoa học và kỹ thuật này coi thông tin của năm giác quan và thành quả của kinh nghiệm chung, và những dẫn xuất của nguyên lý và định luật khoa học là tri thức duy nhất đúng về thế giới khách quan. Từ đó những “hiện tượng” chẳng những không nằm trong kinh nghiệm “thị giác” mà còn mâu thuẫn với điều mà khoa học khẳng định hoặc với tự thân những nguyên lý, những quy luật này khác thì lập tức được xếp vào loại mê tín, dị đoan, mông muội, ấu trĩ, ảo giác, hoang tưởng, v..v.. Những hiện tượng ấy chúng tôi gọi là Cận Hiện Tượng.

Một điều trớ trêu của Lịch Sử là chính trong lòng thời đại mà khoa học, kỹ thuật và thông tin lên tới những đỉnh cao chưa từng có trước đây thì cận hiện tượng lại dần dần được lúc đầu ngó tới với thái độ ít kỳ thị hơn, tiếp đó được giới “học phiệt” tiếp nhận vào nhiều tháp ngà hàn lâm, đó là điều đã sảy ra với Cận Tâm Lý chẳng hạn. Dĩ nhiên cái gọi là “thận trọng khoa học” còn ngự trị trong đông đảo các nhà khoa học, trong đó đại đa phần lại thiếu cái họ vẫn nhân danh nó để tỏ thái độ dè dặt, tức là thái độ ”thận trọng khoa học”. Trái lại phần đông những đại biểu ưu tú nhất của khoa học lý thuyết, tức là bộ môn “trí thức”nhất của khoa học xem cận hiện tượng như tối thiểu một bổ sung cho sự hiểu biết của con người, thậm chí cho bản thân khoa học nữa.

Tại sao có thái độ đó? Đơn giản bởi vì:

Một là, một nhà khoa học theo nghĩa “khoa học”nhất không thể nhắm mắt trước thực kiện thay vì chúi đầu vào đống cát của những “nguyên lý thần thánh”. Vậy mà vấn đề cận hiện tượng chính là và trước hết là vấn đề thực kiện. Hai là bản thân khoa học. ít nữa trong phần lý thuyết, đã thôi không còn ăn nói khăng khăng như “bố thiên hạ” theo kiểu Laplace. Nguyên lý bất định cho phép mọi thứ quyền hiện hữu, vậy xá chi cận hiện tượng!

Thực ra, với ý nghĩa không hay chưa giải thích được bằng khoa học, trái ngược với kinh nghiệm chung, một tên gọi khác của thói quen, của vọng niệm, cận hiện tượng không quá thần bí như ta tưởng, trái lại không thiếu những tình huống quen thuộc sẩy ra trong đời sống hàng ngày, hoặc ngay trong chính bản thân ta, không giải thích được hoặc khác với kinh nghiệm như các hiện tượng thần đồng, giấc mơ, linh tính, “đốn ngộ”, phản xạ “lạ”, đặc thù của cá nhân, ngẫu hợp đưa đến một bước ngoặt của đời người, v..v..

Nhiều hiện tượng kỳ bí nay đã được mặc nhiên thừa nhận rộng rãi dưới tên gọi là công năng đặc dị, hoặc hiện tượng cận tâm lý, sau khi được kiểm tra chặt chẽ và được “nghiệm thu” một cách quan phương. Thời đại nghe-nhìn ngày nay, qua những phương tiện truyền thông đại chúng nhanh chóng và tinh vi đã đem lại cho ta quá nhiều “người thật, việc thật”để mọi sự phản bác, thậm chí nghi ngờ, dè dặt gọi là “khoa học”, không còn lý do tồn tại, đấy là nói ít nhất.

Không phải ngẫu nhiên gì mà chính ở Phương Tây và Bắc Mỹ, những khu vực quá khoa học, quá hướng ngoại, quá duy vật, thậm chí quá cả “suy đồi đạo đức” như một hoà thượng Việt Nam rất nổi tiếng đã nhận định một cách rất nông cạn sau một chuyến tham quan Canada của cụ, những phép tập “duy tâm” như yoga, khí công, thiền - “Món quá quý nhất mà Phương Đông tặng cho Phương Tây” (Lassalle) -, và những cái khác lại trở thành rất thời thượng và được tìm học rất rộng rãi; hoặc Mật tông Tây Tạng lại hấp dẫn và thách thức trí tuệ Phương Tây một cách mạnh mẽ đến mức không một thứ Phật giáo “đậm tính dân tộc” nào lại so sánh được lấy một vài phân. Đây phải xem là một bằng cứ khoa học và thực kiện nữa ‘’gia cố” cho cận hiện tượng.

Có thể trong một trăm hiện tượng “cận” được loan tải, có đến, cho dù 80% hay90% trường hợp mà điều kiện kiểm nghiệm có phần luộm thuộm, hồ đồ, thiếu tính chặt chẽ của phương pháp thực sự khoa học, do đó thiếu sức thuyết phục khoa học, dĩ nhiên ta loại bỏ những trường hợp bịp bợm (tiếc thay lại có quá nhiều) thì với 20% hay 10% những trường hợp còn lại cũng đủ để ta khẳng định tính hiện thực “trên nguyên tắc” cho mọi cận hiện tượng khác. Cũng có nghĩa là từ nay chẳng còn việc gì là thần bí, là lạ lùng, là bất khả hữu.

Các cận hiện tượng được phân làm hai loại: 
Tâm Tác - Nhiều người có công năng, đặc dị ở chỗ không dùng bất kỳ một công cụ hay phương tiện vật chất hay hữu hình nào mà vẫn tác động đưọc lên vật thể bên ngoài anh ta/chị ta, thí dụ di chuyển đồ vật từ xa (télékinésis), bay lên không trung (lévitation), …, thành tựu cao nhất trong lãnh vực này là “hô phong hoán vũ, đảo hải di sơn”. Tất cả được hiện thực hoá chỉ thông qua cái TÂM của người thi triển công năng, vì thế hiện tượng này được giới nghiên cứu Phương Tây gọi là PK tức Psychokinesis. Vì ở đây cái Tâm là tác nhân duy nhất, cái tâm mà “bản chất là hiện thực hoá được bất kỳ điều gì nó nghí đến với cường độ tập trung đủ mạnh” như Vivekananda từng chỉ rõ, nên chúng tôi gọi hiện tượng này là Tâm Tác.

Tâm Thụ - Nhiều người có công năng, đặc dị ở chỗ tri giác được sự vật ở bên ngoài, dù xa dù gần về mặt không gian, dù trước dù sau về mặt thời gian mà, dĩ nhiên theo tự thân sự việc, không thông qua các cơ quan giác quan thông thường như mắt nhìn, tai nghe, …Thí dụ thần giao cách cảm, chỉ dẫn từ xa, nói truyện với vong, giao tiếp với người âm, xem bói đoán mộng, v..v.. Cận hiện tượng này được giới nghiên cứu Phương Tây gọi là Ngoại Cảm (extra-sensorial perception), tức là cảm nhận thông tin không qua ngả giác quan, còn ở ta, từ này được dùng rất luộm thuộm, lung tung, vô nghĩa trong những tình huống không dính đến thông tin. Cái gì cảm nhận, thụ nhận? Đó vẫn là cái Tâm, nên chúng tôi gọi hiện tượng này là Tâm Thụ.

Nếu như tâm tác thi triển theo phương pháp tập trung cao độ tư duy hình tượng thì cơ chế của tâm thụ lại khó hiểu hơn nhiều.

Trước hết Tâm Tác.

Cái Tâm tạo tác ra mọi sự, vật qua Tư Duy Hình Tượng. Về mặt logic, có thể bắt đầu bằng ám thị học (suggestologie) mà, theo E. Coué “là một sức mạnh mà chúng ta đều có từ lúc mới sinh và nó cất giữ một năng lượng vô biên mà tuỳ theo hoàn cảnh sẽ gây ra những hiệu ứng tốt nhất hay xấu nhất”; mà hiệu ứng y học đã, ít nhất, được thừa nhận qua hiệu ứng Placebo, rồi dần dần chiếm lĩnh một chỗ đứng trong nền y học quan phương dưới danh xưng ám thị liệu pháp; mà hiệu ứng “cơ bắp” thể hiện qua những phát biểu của các nhà vô địch Youri Vlassov, Vasili Alexeyev,... và được áp dụng vào việc huấn luyện các vận động viên thể thao như ở Đại học Colorado, như bởi huấn luyện viên trưởng Leo Pules cho đội tuyển bóng rổ nữ Canada,...; mà tác dụng, hiệu năng giáo dục thuyết phục đến mức ám thị giáo dục pháp của tiến sĩ Lozanov hoặc giáo dục và học tập qua ám thị của Donald Schuster, thuộc Đại học Iowa đã đem lại cho hai ông danh tiếng và uy tín quốc tế được đúc kết trong nhận xét của G. A. Kitaigorovakaya thuộc viện Maurice Thorez ở Mátxcơva “Không có gì phản bác sự thành công của việc áp dụng hệ thống ám thị giáo dục pháp để giảng dạy các môn học khác nhau trong chừng mực các nguyên tắc của ám thị giáo dục pháp được tuân thủ nghiêm chỉnh”; mà các hiện tượng khinh thân, tàng hình,... chỉ là hiệu quả của khí công, của thần công, trong đó, theo Nghiêm Tân tâm pháp hay ám thị hình tượng là cốt tuỷ, thế nhưng khí công, theo Tiền Học Sâm, “Trong tương lai, người Trung quốc muốn so tài với thế giới, chỉ có hai con đường: hoặc nghiên cứu Trung Y, hoặc nghiên cứu khí công”.

Ám thị cũng là nguồn gốc động lực học của Thôi Miên. Đó là dùng trí tưởng tượng của mình áp đặt lên người khác, “áp đặt” không chỉ có nghĩa ra lệnh cho người thụ nghiệm tưởng tượng đúng như mình tưởng tượng, mà có thể làm một việc mà chính người tác nghiệm không có một khái niệm nào. Hiệu ứng của thôi miên đã được kiểm nghiệm quá nhiều khỏi cần nhắc lại, chúng ta chỉ nên lưu ý Thôi miên có thể làm ta thấy cái sự thật lại không có, và không thấy cái sự thật lại có, ngoài ra nó làm thức dậy nơi người thụ nghiệm thực hiện những khả năng siêu việt mà cả người thụ nghiệm cả người tác nghiệm đều không hề có, nhà tác nghiệm nổi tiếng, tiến sĩ Raikov có thể làm anh/chị vẽ tranh, đánh đàn,... y hệt một Raphael, một Chopin,...

Chúng tôi nghĩ rằng cơ chế thao tác của, thí dụ Youri Geller làm hỏng đồng hồ Big Ben, Trương Bảo Thắng lấy những viên thuốc ra khỏi lọ mà lọ vẫn còn đóng xi niêm phong kín như cũ, Vương Lực thò tay vào thùng nấu chì sôi sùng sục để lôi ra một cục sắt trong đó,..., đều thi triển trên cơ sở ám thị, trên cơ sở “cái tâm...” như Vivekananda đã nói. Ngay cả những hiện tượng “võ công” gần đây chúng ta được xem trên màn hinh TV thi triển bởi mấy em thiếu niên Hà Tây cũng không còn “lạ lùng”gì nữa nếu ta thừa nhận như một “Tiên Đề Vũ Trụ”, sức mạnh toàn năng của cái Tâm đặt trong trạng thái nhất niệm hình tượng (visualisation). Tâm tác, tóm lại, là và bao giờ cũng là Như Vậy. Hiện tượng tâm tác không chỉ được nghiên cứu dựa trên quan sát, mà còn được nhiều trung tâm khoa học chủ động “thí nghiệm”, trong đó nổi tiếng là các Đại học Duke, Columbia, Colorado, Princeton,... Các cuộc thí nghiệm đều được theo dõi, kiếm soát rất chặt chẽ để không có một sai sót, khe hở nào phạm phải. Sau thí nghiệm, tất cả các hồ sơ, biên bản được chuyển cho các chuyên gia toán học hàng đầu để đánh giá “hệ số” ngẫu nhiên, nói nôm na, các kết quả thu được có thể xem là “may mắn hú hoạ” đến đâu hay không cách nào được phép coi như vậy.

Và có lẽ huyền diệu hơn hết là thôi miên mở ra, trong lúc thụ cảm thôi miên, một khả năng “toàn tri” rất kỳ bí, nhưng đến đây dường như ta bắt đầu bước sang...

CÕI MỜ TÂM THỤ

Ai trong đời lại không nhiều lần.. “tôi có linh tính là...”. Và cực hiếm người chưa từng “xem bói”.
Một khái niệm tương đương với “tâm thụ” là Thấu Thị, khả năng nhìn, biết cái ẩn dấu trong lòng vật thể, đó là Thấu Thị Không Gian; và cái ẩn giấu trong lòng quá khứ hay tương lai, đó là Thấu Thị Thời Gian. Thấu thị còn có một tương đương là Thần Giao Cách Cảm

Theo thiển ý, tâm có khả năng “thụ” tối ưu khi, giống như một tấm gương được lau sạch bong do đó phản ánh được toàn bộ hiện thực chung quanh một cách tối đa, khi tâm trống rỗng, tịch lặng tối đa thì nó sẽ trở thành Đại Viên Cảnh Trí, tấm gương siêu khổng lồ ôm trọn cả vũ trụ trong lòng nó. Và đó chính là phép thiền Vô Niệm mà hiệu ứng là thành tựu trí tuệ Bồ Đề như thiền sư Lâm Tế nhận định “Mười phương chư Phật chẳng có gì kỳ đặc, chỉ vì các Ngài vào sâu được pháp môn Vô Niệm vi diệu”.

Một trong những hình thức tâm thụ rất quen thuộc mà tất cả chúng ta ít nhiều đều có tin hoặc trực tiếp tham vấn, đó là các môn xem số, bói dịch, bấm độn, gọi mạch thái tố, bói bài tây, bói bài tarot, bói chữ numerologie, v..v.. Rất ít người nghĩ rằng đây lại là thứ mê tín kếch sù nhất so với mọi loại mê tín bởi vì chính nó lại hàm ý quá khứ có trước tương lai, nguyên nhân theo sau hậu quả. Mê hay không mê, vấn đề là và chỉ là Thực Kiện, mà thực kiện thì đâu có thiếu, xa xưa văn kỳ thanh thì có Trạng Trình, Nostradamus, …, gần đây kiến kỳ hình thì có Vanga, Van Don Gène, …

Một hậu quả có thể rất bất ngờ đối với nhiều người, nhưng chúng tôi lại cho là rất logic, ấy là từ chính cận hiện tượng với tư cách là thực kiện, chúng ta rút ra một kết luận tất yếu dù có nghịch lý đến đâu chăng nữa, kết luận khẳng định lại chân lý Phật giáo: Nhất Thiết Duy Tâm Tạo, và vì vậy Phàm Sở Hữu Tướng, Giai Thị Hư Vọng. Và vì vậy mọi phản biện đối với cận hiện tượng nói riêng, mọi tư tưởng duy tâm tôn giáo nói chung chỉ còn là một trò Hý Luận Thế Gian không hơn không kém.

Một trong không nhiều phương hướng phát triển chính cho khoa học, cũng là cho trí tuệ nhân loại trong Thiên Niên Kỷ III này là phải tập trung nghiên cứu cận hiện tượng, cận tâm lý. Chắc chắn rồi ra công cuộc truy cầu ấy sẽ có ý nghĩa cao hơn Tin học và công nghệ máy điện toán mà ít người hiểu được vai trò của nó không chỉ là then chốt trong sinh hoạt nhân loại hiện đại mà là tín hiệu thế tục của Thông Tin hay THỨC có tư cách là hình thức nguyên thuỷ của chất liệu phổ biến, hoặc rốt ráo hơn Vạn Pháp Duy THỨC, Cố Nhất Thiết Duy THỨC. Sự phát triển cùng những khám phá nghịch lý của khoa học lý thuyết trong hơn một thế kỷ nay, như chúng tôi phác thảo phần trên, chưa làm được cái đáng ra phải làm rồi, tức là trực tiếp bầy tỏ ý kiến về cận hiện tượng dưới hình thức tập thể quan phương thay vì mới qua các cá nhân, tuy số người này khá nhiều, gồm cả những bác học đầy quyền uy trong lĩnh vực của họ, đặc biệt viện sĩ (Liên xô cũ) Youri Kovzanov: “Công cuộc nghiên cứu các hiện tượng này có ý nghĩa cao nhất đối với khoa học, và có thể đưa đến những khám phá cơ bản ngang tầm với thuyết tương đối và cơ học lượng tử”. Nhưng dù sao người ngoại đạo khoa học, thậm chí rất đông “trong đạo” nói chung vẫn cho đó là ngẫu nhiên nên khoa học đỉnh cao vẫn chưa thực hiện đưọc chức năng giáo dục của nó về mặt này như đáng ra nó làm được.

Chúng tôi cũng xếp vào cận hiên tượng những sự việc mà trước đây chưa lâu, phần lớn xã hội ta, “nhân danh” khoa học, thực chất là từ sự nghèo nàn của nhìn-nghe và nông cạn của tư duy, vẫn thường cho là hoang đường, bịp bợm như đi chân không trên lửa, xiên lình, đóng đinh vào thân, để ôtô đè lên người nằm trên một lớp mảnh chai, … Những hiện tượng này đều không tương dung với các quy luật và tư duy khoa học, nhưng tất cả, không một ngoại lệ, đều lấy “tâm tác” làm nguyên lý hoạt động y hệt như các hiện tượng PK thuần tuý.

(Xem tiếp)

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Góp thêm một vài suy nghĩ về Lý luận nhận thức Biện chứng Duy vật

    22/10/2018Bùi Thanh QuấtHiện tượng tâm linh trong đời sống xã hội đang thu hút sự chú ý của dư luận. Song, cần phải khẳng định rằng đây là một vấn đề hết sức phức tạp mà cho đến nay cách nhìn nhận, đánh giá và lý giải về nó còn rất khác nhau. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề phức tạp này, Tạp chí Triết học cho đăng bài “Góp thêm một vài suy nghĩ về lý luận nhận thức biện chứng duy vật” của PGS. Bùi Thanh Quất trên mục Trao đổi ý kiến. Bài viết này chỉ là ý kiến riêng của tác giả...
  • Các nhà tâm lý học có thể giúp đỡ mọi người tìm thấy điều làm cho họ hạnh phúc

    21/03/2017TS. Đào Thị OanhSự giàu có về vật chất không làm cho cuộc sống của con người hạnh phúc. Và, các nhà tâm lý học cần phải làm rõ xem điều gì làm cho con người hạnh phúc...
  • Tâm là gì? Sự nối dài của não bộ hay là một thực thể độc lập? Những gì xảy ra khi ta chết?

    22/05/2015Tâm Hà Lê Công Đa chuyển ngữTâm là gì? Trong chúng ta chắc có nhiều người đã từng được nghe giai thoại Thiền học liên quan đến câu chuyện "an tâm" giữa Bồ Đề Đạt Ma và Tổ Huệ Khả. Khi Tổ Huệ Khả thỉnh cầu Bồ Đề Đạt Ma, “Xin Thầy an tâm cho con.” Bồ Đề Đạt Ma bảo, “Ngươi đem tâm của ngươi ra đây để ta an cho.” Tổ Huệ Khả bối rối, “Nhưng con không thể tìm ra nó.” Bồ Đề Đạt Ma cười bảo, “Thì ta đã an tâm cho ngươi rồi đó.”...
  • Những lầm lẫn tai hại về thuật ngữ Tâm linh

    01/12/2014Đỗ Kiên CườngTrên ChungTa.com ngày 17/09/2014 có đăng lại bài viết của Hà Yên “Tâm linh: Sự lẫn lộn và thảm họa”, với rất nhiều lời lẽ đao to búa lớn. Tuy nhiên, thầy Trần Quang Đại, Trường THPT Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh, đã viết một bài bình luận và phản biện rất thuyết phục. Xin được trân trọng cảm ơn thầy! Và tôi xin tiếp lời thầy Trần Quang Đại, nói rõ nguyên nhân của những lầm lẫn tai hại về thuật ngữ tâm linh...
  • Thử tìm hiểu về tâm linh

    17/09/2014Bạch Tầm XuânTâm linh là một cụm từ ai cũng biết, nhưng nó xa xôi và hư ảo, các nhà khoa học gọi là Cận Tâm Lý. Thực ra tâm linh diễn ra hàng ngày, từ chính chúng ta và môi trường xung quanh, từng giờ từng phút... Nhưng Tâm linh (cận tâm lý) là gì? Tôi muốn truyền đạt một phần nhỏ bé mà tôi biết được, để các bạn trẻ thử tìm hiểu tâm linh.
  • Không có cái gọi là "Chủ Nghĩa Duy Vật Tâm Linh"

    30/07/2014Đỗ Kiên CườngMột cách ngắn gọn, về mặt triết học, tôi cho rằng không thể có cái gọi là “chủ nghĩa duy vật tâm linh” với tư cách là một triết thuyết có thể sánh vai với các triết thuyết khác. Về mặt khoa học, có vẻ Hồ Bá Thâm muốn cổ vũ cho sinh lực luận, một quan niệm triết học - khoa học đã chết từ năm 1828, khi ông đang muốn tin linh hồn có thật dựa trên các hiện tượng đầu thai hoặc luân hồi...
  • Nhận thức lại bản chất của ý thức và tâm linh

    30/07/2014Hồ Bá ThâmTrước sự tác động của khoa học hiện đại cũng như các hiện tượng tâm linh đang tạo ra những nhận thức về ý thức, về bản chất của ý thức và tâm linh, thậm chí có thể dẫn tới thay đổi nhận thức khá quan trọng, có tính cơ bản về vấn đề này...
  • Kinh nghiệm cận kề cái chết

    29/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngKinh nghiệm cận kề cái chết được quan tâm vì nó hàm ý khả năng tồn tại sau cái chết. Vấn đề gây tranh cãi nằm ở chỗ, đó thực sự là dấu hiệu của khả năng tồn tại sau cái chết hay chỉ đơn giản là trải nghiệm của bộ não đang chết...
  • Trị liệu tâm linh

    29/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngTrị liệu tâm linh là bất cứ phương pháp điều trị nào không dùng các tác nhân vật chất. Nó có nhiều tên gọi khác nhau: trị liệu tâm linh, trị liệu tinh thần, trị liệu niềm tin, trị liệu dị thường, trị liệu (đặt) bàn tay... Khí công, nhân điện, yoga, khí công Bùi Long Thành, dưỡng sinh tâm thể, chữa bệnh qua truyền hình của Kaspirovski hay liệu pháp Dzhuna (Liên Xô) đều có thể xếp vào loại hình này.
  • xem toàn bộ