Tâm linh, ý nghĩa sống còn của nhân loại (phần 2)

10:48 CH @ Thứ Tư - 10 Tháng Tám, 2022

Xem phần 1:

Công cuộc nghiên cứu cận hiện tượng còn góp phần làm sáng tỏ Tâm Linh là cái chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây.

TÂM LINH

Các hoạt động của con người, dù có biểu hiện trực quan hay không, đều được quy về sự chỉ đạo của hệ thần kinh động vật và thực vật, của hệ nội tiết. Đến lượt nó, hệ thần kinh được quy về các hiện tượng hoá-điện mà cấu trúc, cơ chế ngày được phát hiện rất chính xác, rất tinh vi do đó rất thuyết phục. Thuyết Não Luận (célébro-centrisme) cơ hồ sẽ độc quyền tài phán về cái gọi là “tinh thần”. Nhưng chính khoa học, vật lý, sinh học, nguyên tử học, v..v.., trên đường phát triển đã dần dần “ngộ” ra rằng mọi việc không thể dừng ở não luận, nhờ đó Tâm Luận (psychocentrisme) bắt đầu vươn lên tranh dành địa vị lãnh đạo với não luận. Thêm nữa, tâm luận sở dĩ mạnh thế phần quan trọng cũng là nhờ sự hỗ trợ “khách quan”, không có chủ tâm của các công trình nghiên cứu cận hiện tượng, từ đó Tâm Linh cũng được “ăn theo”.

Thực vậy, Tâm chỉ cái vô hình điều hành mọi hoạt động của con người như một đạo diễn ẩn diện, một nguyên lý động lực học. Não luận chủ trương Tâm ấy chỉ là phương diện tác dụng của não có cấu trúc phức tạp từ vỏ não đến các tuyến nội tiết, mà rồi ra con người có thể hiểu được trọn vẹn, tâm luận lại gán cho Tâm một tư cách tự thể chẳng những riêng biệt mà còn điều hành chính cái não ấy, từ đó Tâm có những khả năng vượt ra ngoài tầm với của não luận mà sự mô tả cơ chế, cấu trúc còn in đậm dấu vết của thời Newton. “Vượt ra ngoài” chủ yếu nhờ vào tính Linh của nó: Linh là phẩm chất gán cho mọi tác động có hiệu năng vật chất thuộc đủ tầng cấp, nhưng nguồn gốc của hiệu năng ấy lại không thể giải thích bằng tri thức thế tục, gồm cả tri thức khoa học lẫn kinh nghiệm. Tác động “linh” dù đến từ một vị thần, một vị thánh, một phù thuỷ, một “con ma”, hay gì gì đi nữa thì vẫn xem là đến từ cái vô hình có tên chung là Tâm. Tóm lại, Tâm Linh là cái tâm, hiểu ngầm là một tác nhân không có cấu trúc lý-sinh, hoá-sinh nhưng lại có hiệu ứng “linh”, hiểu ngầm là không thể giải thích bằng tri thức thế tục.

Cái tâm ấy có quan hệ thế nào với cái “quen thuộc” là Hồn, là Vía không?

Dân gian ta vẫn thường nói đến Ba Hồn, Chín Vía (hoặc bẩy cho nam giới), vậy hồn là gì? vía là gì?

Là sinh thể trước hết phải có thụ cảm mà thất tình là những biểu hiện “chủ quan đặc thù” của thụ cảm hay “thái độ đối với thụ cảm”. Điều đặc biệt lý thú là thất tình có hình hài và màu sắc hẳn hoi, biến thiên theo chủng loại và cường độ thụ cảm, tháI độ đối với thụ cảm, đôi khi mắt thường trông thấy được (ta thường gọi là ngoại cảm), “người” nói thì ta không tin, nhưng đến khi “máy”nói, (thí dụ các trang thiết bị chụp hình mà người đi tiên phong là Kirlian) thì ta mới thật, ít ra không dám phản bác giản đơn như trước kia nữa. Hình hài của thất tình nay được mang một danh xưng khoa học là thân thể năng lượng học (corps énergétique), hoặc thân thể ête (corps étherien) vì được xem là cấu tạo bởi một thể “á vật chất” gọi là ête, mà ta có thể liên hệ đến một giả thuyết gần đây về năng lượng hạt siêu nhẹ, hoặc cơ thể sinh tú (corps astral), hoặc là trường sinh học (champ biologique), trường plasma sinh học (corps bio- plasma), hình quang học (aura), v..v.. Thân thể này chính là Vía theo quan điểm của chúng tôi, nó mới đích xác là con người, là cái ngã, là thực ngã của mỗi chúng ta hơn nhiều lẫn cái thể xác luôn luôn “biến dạng” bởi vì nó mang nhiều thông tin đặc thù cho mỗi người ở mỗi lúc: Có thể căn cứ vào nó mà người ta có thể nhận biết một cá nhân cụ thể nào đó chẳng những đang mà còn đã hoặc sẽ ở trong trạng thái nào như khoẻ mạnh hay bệnh tật, lo buồn hay vui sướng, may mắn hay bất hạnh, v.. v.. Vì vía cấu tạo bằng ête á-vật-chất nên có phần chắc ête, một dạng năng lượng “thuần tuý” hơn năng lượng vật lý, rất có thể vẫn tồn tại sau khi thân thể cấu tạo bằng vật chất phân rã. Nhiều hiện tượng như “trải nghiệm ngoài thân xác” (out of body experience), bành trướng ý thức, ta quen gọi là du hồn, “người lữ hành kép” (doppelganger), phân thân, … đều chứng minh rằng cơ thể ête có thể tồn tại độc lập với thân xác, nghĩa là không cần phải “gá” vào nó như một giá đỡ, giống như trường không cần đến một cố thể làm chỗ xuất phát. Nếu hiểu vấn đề vía như thế thì các hồn ma, các polstergeist có khi “trông thấy, nghe thấy” được, các vong hiện lên trong các buổi cầu cơ, gọi hồn, … đúng phải là vía chứ không phải là hồn. Nếu vía có cấu trúc ête thì, với tư cách á vật chất vía không thể trường tồn, nhưng, cũng như và cùng với mọi hữu thể khác, với tư cách một “tập con” của tập mẹ là Thông Tin thì vía, với tính năng thông tin, sẽ vĩnh hằng như trường thông tin vậy. Cụ Nguyễn Trãi-ête có thể nay đã sang một cõi giới khác, chẳng còn dây mơ rễ má, đồng bào thân thích gì với chúng ta hiện đang sống đây; nhưng cụ Nguyễn Trãi - thông tin thì vẫn còn đó hệt như lúc sinh thời và chúng ta tha hồ mời mọc, van vỉ, thúc bách cụ hiện về qua các biện pháp như gọi hồn, cầu cơ, con lắc cảm xạ, quả cầu pha-lê, v..v.. để trả lời một số thắc mắc của chúng ta.

Khác với vía là đặc trưng cá nhân, Hồn là một Thực Thể Vô Ngã; không có truyện hồn của tôi, của anh/chị, của nó. Phải xem hồn là đạo diễn ẩn diện của vía, là người tổ chức hay đúng hơn là nguyên lý động lực học của vía, không có hồn thì không có vía. Để dễ hiểu, hồn được phân làm ba loại, đúng hơn phải nói là ba chức năng, đó là Sinh Hồn, Giác Hồn và Linh Hồn. Cho tiện chúng ta có thể quan niệm một cách sơ lược chủ nghĩa, sinh hồn là nguyên lý động lực học của hệ thần kinh thực vật, giác hồn là của hệ thần kinh động vật và linh hồn là lãnh đạo tối cao, tối thượng của mọi biểu hiện sống của sinh thể bất kỳ. Linh hồn sẽ quyết định hình thái vận hành của các chức năng sinh hồn và giác hồn cho mỗi chủng loại và mỗi cá thể của chủng loại. Quyết định tuỳ tiện chăng? Không! Quyết định dựa trên nguyên lý nhân quả: Mỗi cá thể qua giác hồn “của mình”- giác hồn bản chất là vô ngã giống như nước, nhưng vì “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” nên vẫn có thể nói đến “của mình” - mà có hành vi ứng sử thế này thế nọ thì sẽ nhận lãnh hình thái sinh hồn, giác hồn thích hợp kế tiếp sau thời lượng sinh hoạt hay kiếp sống trong một loại hình sinh hồn và giác hồn nào đó.

Ba chức năng này của hồn đều được nói đến trong những nền văn minh khác nhau.

Cái tâm - citta -theo thuyết yoga gồm ba cấp: ý thức, tiềm thức và siêu thức. Ba thức này nằm trên thân xác vật lý và nằm dưới “tinh thần”, tức là Đại Ngã Brahman. Mỗi thẩm cấp lại được cấu trúc hoá bằng những tầng kosa’s mà tầng thấp nhất chính là cơ thế hữu hình gọi là Amnamaya Kosa’s “làm bằng thực phẩm”; tầng Ka’mamaya Kosa’s cấu tạo bởi hay sản sinh ra dục vọng vốn là “linh hồn”của ý thức; tầng Manomaya Kosa’s chủ về tiềm thức, nơi cư trú của tư duy, ký ức, mộng mị, … tham gia vào hầu hết hoạt động hàng ngày của chúng ta. Riêng ký ức, có hai loại: Ký ức nội não, gồm cả những ký ức về những việc có thật nhưng bị quên hẳn và chỉ được gợi lại bằng thôi miên hoặc kích thích điện như Raikov hoặc W. Penfield đã làm. Ký ức ngoại não lưu trữ các sự kiện trong tiền kiếp có thể nổi lên trên bề mặt ý thức, tỷ như khi được “soi kiếp”bởi những người có công năng đặc dị về mặt này như E. Casey. Tầng thượng ý thức Atima’nasa Kosa’s (supramental mind) là nấc đầu tiên của thẩm cấp siêu thức chuyên trách các hoạt động trực giác, sáng tạo, mộng triệu, tâm tác, tâm thụ (gọi chung là PSI), … Trên tầng này là tầng tri giác siêu việt (subliminal mind) Vijna’namaya Kosa’s của siêu thức, có lẽ đây tương ứng với cái tâm “ưng vô sở trụ”, cứu cánh thể nhập của thiền Phật giáo. Tầng cuối cùng của siêu thức là Hiranyamaya Kosa’s được hình tượng hoá bằng kim loại vàng, có lẽ để hàm ý rằng nó vẫn chỉ là một bộ phận của tâm citta là cái còn chưa tích nhập vào Đại Ngã Brahma.

Người Do Thái Cổ Đại, dựa theo huyền học Ai Cập cũng quan niệm hồn gồm ba lớp: Lớp thấp nhất Nephesch hay hồn bản năng, rõ ràng là tương ứng với sinh hồn, lớp cao nhất là hồn thiêng liêng Nashamah, tương ứng với linh hồn, coi là người chủ điều hành mọi biểu hiện của con người qua phương tiện trung gian là giác hồn Rouah hay hồn của ý chí và dục vọng. Như vậy hồn trong quan niệm của người Do Thái là những chức năng vô ngã, phi đặc thù tính cá nhân. Hình như họ đã không bàn tới cái gì quyết định hình thái chủng loại cho sinh hồn và hình thái cá tính cho giác hồn. Có thể họ hàm ý trong việc chi tiết hoá mỗi lớp ra thành ba tiểu lớp Nephesh, Rouah và Nashamah, thành thử tổng cộng có đến chín lớp.

Với người Cổ Ai Cập, hồn có cấu trúc chín lớp là Khat, Ka, Khaibit, Ab, Ba, Sekhem, Ru, Sahu và Akhu. Khat liên hệ mật thiết với thân xác vật lý và khi thân xác này phân rã thì Khat là “đại diện”cuối cùng của hồn còn nấn ná trú lại ở xương nên nó còn gọi là “cái thần của xương”. Có vẻ như hiện tượng động mồ, động mả liên quan tới Khat. Lớp Ka, lực sinh học hay từ tính toả ra từ mỗi phần tử của nhân thể, có vẻ tương ứng với “khí”; lớp Khaibit, bản sao của thân xác sinh học tạo hình từ ête. Cả ba lớp này từ thô đến tế có thể gộp trong hồn Nephesh, nó liên thông với Akhu tương ứng với Nashamah thông qua Ab là năng lực tri giác; Ba đặc trưng cá nhân; Sekhem tác nhân cố kết Ba; Ru thực hiện một liên tục tính nào đó giữa con người đang sống và con người ấy sau khi chết. Bốn lớp này tương ứng với giác hồn Rouah. Sahu, vỏ ngoài của Akhu, cả hai gộp lại tương ứng với linh hồn Nashamah.

Khái niệm “tâm linh”mà chúng ta quen dùng có dáng dấp của Khaibit, mang đặc tính của Ru như trong trường hợp B. H. trông thấy và nói truyện với hồn ma, và năng lực tri giác của Ab trong linh tính, mộng triệu, “biết rõ hay đoán ra” quá khứ, tương lai. Hoặc tâm linh là hình thái biểu thị của tầng tiềm thức Manomaya Kosa’s và tầng thượng ý thức Atima’nasa Kosa’s.

Đối với nền văn hoá Việt Nam quen thuộc của chúng ta, đơn giản lắm, Tâm Linh chính là Thần. Thần nói chung không nhìn thấy được, nên Thần là Tâm, Thần nhiều phép thuật lắm, không thể lường hết được: “Biến hoá mạc trắc vị chi Thần”, nên Thần là Linh. Nói chung không nhìn thấy, nhưng cũng có lúc, trong điều kiện đặc thù nào đó của hoàn cảnh, Thần xuất hiện với đầy đủ “đầu, mình và chân tay”, bình dân nhất là thần cây đa, thần Hà Bá, thần núi Tản,... trước những cặp mắt sùng bái của phàm nhân, nghĩa là của những con người “phổ thông”, có điều, do sự cẩu thả mà con người phổ thông hay mắc phải về ngôn ngữ nên thường có sự lẫn lộn Thần với Thánh. Chúng ta cần minh định rõ: Thần khi nói đến hiệu ứng Linh, do đó Thần còn ham “biểu diễn” quyền năng; trái lại Thánh nặng về mặt Tuệ, do đó Thán thích lối sống nhiều phẩm hạnh.

Điều bất ngờ là Tâm Linh rất gần gũi với Thần khi xem xét vấn đề dưới giác độ khoa học: 

Trong khoa học hiện đại, cái vô hình, cái phiếm hình giống như Tâm chính là Năng Lượng. Vì năng lượng làm ra đủ thứ trong vũ trụ, nên năng lượng là Linh. Một nhà bác học lớn của Pháp đã nói thẳng điều này: “Năng lượng tượng trưng cho hình thái nguyên thuỷ của Chất Liệu phổ biến; mọi năng lượng, về bản chất, là Tâm Linh”. Tuy phiếm hình, năng lượng, rất nhiều khi, ít nữa trước nhục nhãn thế gian, lại xuất hiện trong muôn hình tướng trực quan, đó là Vật Chất, là “năng lượng tụ lại đến cực điểm”.

Một bất ngờ khác cũng rất thú vị, nó dẫn dắt Tâm Linh từ con lắc của khoa cảm xạ đến nguồn gốc nguyên thuỷ là Vô Thức. Các công trình nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc, dựa trên những sự kiện không thể phản bác về mặt “hiện tượng”, đã đi tới kết luận con lắc, thay vì chỉ là một vật thể vật lý giao động dưới hiệu ứng hấp dẫn, lại là một chỉ dẫn, một thông tin rất phong phú. Thông tin về nhiều phương diện của hiện thực, từ hiện thực tự nhiên, “vô tri” như mạch nước ngầm, mỏ kim loại, mỏ dầu, những vật cất kín trong lòng đất,... đến hiện thực nhân sinh như bệnh tật, rủi may, số phận,... trong quá khứ, hiện tại và tương lai của một cá nhân, thông tin không chỉ qua kênh trực tiếp tiếp xúc với đối tác mà còn gián tiếp từ xa (khoa cảm xạ từ xa - téléradiesthésie). Jacques Bersez cho rằng hiệu ứng thông tin của con lắc chính là và chỉ là hiệu ứng của cái Tâm được đặt vào tình huống cảm xạ, tức là “quán tưởng”.

Chúng ta đã biết rằng trường điện từ cấu thành thời-không vũ trụ, trong đó mỗi hữu thể vật chất chỉ là kiến trúc thượng tầng phức hợp của các sóng điện từ. Khoảng 15 tỷ năm trước, khi sóng điện từ bắt đầu sáng tạo thế giới thì trong tiềm thế, nó đã là tập hợp tất cả những hàm số sóng khả hữu của thế gian này nên nó đã mang, trong tiềm thế, toàn bộ thông tin toán học khách quan của thế gian; là tập hợp, trong tiềm thế, tất cả những mô hình toán học của mọi vật thể, mọi sự việc khả dĩ của thế gian. Tại sao lại “toán học”? Giao động sóng được biểu diễn trong toán học bằng các hàm số sin, vậy mà giao động ấy lại cấu thành thế giới hiện tượng nên có thể nói các hàm số này là toàn bộ nền toán học phức của thế giới. Đi sâu hơn, vì vũ trụ được xây dựng từ trường Thông Tin, mà thông tin lại lộ hình toàn đồ (mỗi thông tin đều hàm dung mọi thông tin khác) qua giao động sóng điện từ. Mỗi phương diện nhất định của “toàn đồ” đều có thể “đọc được”, giải mã được bằng cách biến đổi hàm số sóng ra thành chuỗi Fourrier, vậy nên toàn bộ vũ trụ xuất sinh từ Thông Tin Toán Học. Thông tin ấy lại được con người “thức” một cách nào đó, thí dụ bằng con lắc, thực ra là bằng cái Thức hoàn toàn vô ngã gọi tên là Vô Thức Toán Học. Cái đứng sau, cái chỉ đạo việc giải mã bằng hình thức toán học là vô thức toán học. Vì có rất nhiều cách giải mã thông tin khác nữa, thí dụ bằng con lắc, bằng quă cầu pha lê,..., cái đứng sau, cái chỉ đạo việc giải mã bằng hình thức “dị đoan” ấy gọi là Tâm Linh.

Nếu Lực đóng vai trung gian giữa thế giới của hiện tượng thô cư trú bởi cố thể và cai trị bởi Nhân-Quả và thế giới của hiện tượng tế gồm những thành viên phiếm hình xuất thân từ trường Chân Không Vật Lý và chìm trong Bất Định của cái Diệu Hữu, thì cũng có thể nói rằng Tâm Linh làm môi giới cho sự chuyển tiếp từ Thân Xác chế ngự bởi nhu cầu vật chất của những cá ngã khác nhau, do đó triền miên xung đột sang Như-Như là cội nguồn nguyên thuỷ của những “ảo nhân”đã quên mất tính Đồng Thể của chúng.

Tóm lại tâm linh, dù rất “linh”vẫn thuộc về giác hồn, cái hồn của phàm phu, do đó rồi ra cũng sẽ tiêu vong, dù muộn sau rất nhiều sự phân rã của thân xác, tiêu vong về mặt ý chí và dục vọng của một con người đã từng hiện hữu trên Trái Đất này, nhưng không hẳn tiêu vong về mặt thông tin vốn dĩ hoàn toàn Vô Ngã.

Niềm tin vào Tâm Linh có ý nghĩa gì với nhân loại?

Nếu con người tin vào tính hiện thực của Tâm Linh, của cái Tâm vẫn tồn tại sau khi chết, có những hiệu năng “linh” kỳ vĩ mà không thể giải thích bằng các tri thức thế tục, và, với tư cách bộ phận của một cái “Hồn”là cơ chế cho sự tiếp tục “sống” trên vòng luân hồi theo luật nhân-quả; mặt khác cái Tâm ấy chỉ “linh” khi có sự tu luyện song song với một chế độ trì giới nhất định, tức là một mức độ hạn chế dục vọng nhất định thì đời sống nhân loại sẽ tránh khỏi những thảm kịch gây ra bởi, hoặc niềm tin duy vật chủ nghĩa cho rằng ngoài vật chất không có gì khác và chết là hết, do đó sống là sống tranh thủ, tranh thủ bằng mọi cách, mọi thủ đoạn; hoặc tuy bán tín bán nghi nhưng không đủ sức cưỡng lại sức lôi cuốn “hiện sinh chủ nghĩa”của dục lạc thế gian mà hành động như thể ngoài dục lạc ra “còn lại chỉ là truyện phù phiếm” (Le reste n’est que vanité-Diderot).
Hoặc bởi quá thiên trọng khoa học, việc này không chỉ gây ra, qua tay kỹ thuật sản xuất, những đe doạ sinh thái hết sức trầm trọng, mà còn góp phần tích cực vào thái độ coi nhẹ tâm linh như một đối thể khả nghi của khoa học vạn năng, từ đó phần nào và gián tiếp tiếp tay cho “cái lý”của lối sống vô đạo lý, lối sống không có đạo đức hay “sự bất lực trong hành động”, lại càng gia tăng phản bác lối sống thanh đạm mà tu dưỡng tâm linh yêu cầu, do đó đẩy nhanh cuộc chạy đua trong xã hội tiêu thụ - Khoa học chính là như vậy trong thực tiễn nhân sinh.

Đương nhiên cũng không phải chỉ là như vậy. Y nghĩa tinh tuý nhất của khoa học là Hiểu Biết. Nhưng hiểu biết để làm gì? Hầu như mọi người đều nhất loạt khẳng định để phục vụ con người và ai nấy xoa tay khoan khoái vì đã xong rồi một câu trả lời đanh thép và sáng ngời chính nghĩa. Và chính lịch sử hiện thực chứng thực cho câu trả lời ấy trên cả hai vế của nó, tức là “con người” và “phục vụ”.

Vì mỗi con người cụ thể đều thuộc vào một cộng đồng nào đó, được ràng buộc bởi nghề nghiệp, quyền lợi, huyết thống, dân tộc, …Trên lý luận, thí dụ đấu tranh giai cấp, chủ nghĩa sô-vanh, thuyết không gian sinh tồn, …và trên thực tế lịch sử ở mọi nơi, vào mọi lúc, cụm từ “phục vụ con người” quy định trong khuôn viên ấy tương đương, không một ngoại lệ và không một hưu tức, với Xung Đột, Chiến Tranh và Áp Bức. Thậm chí “phục vụ con người” kiểu ấy, và tiếc rằng đến nay cũng chưa thấy kiểu nào khác từng chiếm giữ, dù chỉ một thời lượng ngắn ngủi, một vị thế ít nhiều được nể trọng, càng “cao đẹp” bao nhiêu thì con người càng đê tiện bấy nhiêu, càng “nhân đạo” bao nhiêu thì xung đột xã hội càng dã man bấy nhiêu. Khá hiển nhiên rằng con người trong tất cả những hình thái tư tưởng trên đều được quan niệm, trên mặt cấu trúc nhân tính, thiếu hẳn hay bỏ quên thành phần “người” nhất, tức là Tâm Linh. Không một hy vọng “cứu rỗi” nào hết đến với nhân loại trong thế kỷ này nếu Tâm Linh không được khẳng quyết tính hiện hữu của nó trong đời sống mỗi người. May thay, khoa học, trong đà phát triển hiện nay của nó, cùng với cận tâm lý, lại hỗ trợ cho nhu cầu khẳng quyết ấy một cách hết sức thuyết phục và sáng rõ theo cung cách của “ngón tay chỉ Trăng”.

Cũng vì quan niệm con người theo cách trên, thực chất là đạo đức giả, là mánh lới gian manh, là u minh trong dối trá hoặc dối trá trong u minh, nên “phục vụ”không có nội dung nào khác hơn “nâng cao đời sống”, trước hết và sau hết, đời sống vật chất. Ai chẳng biết và ai chẳng thừa nhận “Có Thực mới vực được Đạo” và ai chẳng nói và ai chẳng cố dành bằng được cái đối tượng của “nâng cao”ấy, bao giờ cũng toả ánh hào quang trong mọi đấu tranh chính trị là Quần Chúng, là Nhân Dân. Vì ai cũng nói và ai cũng cố từ “vô thỉ” trong hiện thực của cái mà thuộc tính bản chất được xác định là gian dối, bạc ác, bất nhân, cái ấy là Chính Trị nên phải có một nguyên nhân thường hằng, bất biến nào đó chứ? Nguyên nhân ấy vẫn là và chỉ là sự mờ nhạt, nếu không muốn nói là sự lãng quên, sự bỏ mất Tâm Linh trong sinh hoạt hay trong hoạt động trí tuệ. Nếu mọi người, đặc biệt nhà chính trị thời đại này, xác tín rằng “trong” cái thân xác vật lý chắc thật này còn có một cái chắc thật hơn nhiều lần vì trường tồn và có hiêụ năng kỳ vĩ hơn nhiều lần, ngoài ra gián tiếp qua sự có thực của nó, đang chờ kia một Tưởng Thưởng hay một Trừng Phạt còn chắc thật nhiều lần hơn cái thân xác vật lý chắc thật ấy, cái đó là Tâm Linh thì làm gì còn nữa “cuộc chiến tranh của tất cả chống lại tất cả” hoặc “người là chó sói của người”.

Tâm linh ấy là đối thể của thân xác và cái gắn liền với nó, nhu cầu khoái lạc giác quan. Tuy tâm linhvẫn có đó “trong” ta và “của” ta, nhưng đâu hiện rõ “đầu, mình và chân tay” cho ta kính yêu và phục vụ. Để nó hiển lộ, để ta nhận diện được nó, nghĩa là nhận diện chính ta thì, vì nó, do bản chất, không “ưa”gì khoái lạc giác quan nên ta cũng phải theo gương mà, ít nữa sống thanh đạm một chút.

Một cuộc sống thanh đạm do yêu cầu của cái đầy quyền uy và hứa hẹn là Tâm Linh vẫn là, trong suy nghĩ và sẽ là trong hiện thực, mô hình sinh hoạt tất yếu cho một xã hội lý tưởng nhất, an toàn nhất, trí nhất mà con người có thể hình dung được.

27/12/2001

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đời sống tâm lý quan trọng mức nào?

    09/08/2021Bà Elizabeth H. Blackburn, người đoạt giải Nobel sinh học đã chỉ ra rằng người ta sống thọ hay khỏe mạnh không phải do Ăn Uống tẩm bổ hay Vận Động tích cực; mà là do giữ được Tâm Lý Cân Bằng...
  • Những quy luật Tâm lý về Sự Tiến Hóa của các Dân tộc

    28/05/2017Gustave Le BonCuốn sách “Những quy luật tâm lý về sự tiến hóa của các dân tộc”, hay đúng hơn có thể gọi tắt là Tâm lý học các dân tộc, hẳn là cuốn sách gây nhiều chỉ trích nhất, gây nhiều chống đối và bất bình nhất trong mọi cuốn sách của Le Bon, và đó là một trong những lý do mãi đến hôm nay, sách mới ra đời...
  • Các nhà tâm lý học có thể giúp đỡ mọi người tìm thấy điều làm cho họ hạnh phúc

    21/03/2017TS. Đào Thị OanhSự giàu có về vật chất không làm cho cuộc sống của con người hạnh phúc. Và, các nhà tâm lý học cần phải làm rõ xem điều gì làm cho con người hạnh phúc...
  • Giới trẻ - cái tôi và những căn bệnh tâm lý

    07/06/2016Minh Anh (thực hiện)Thế giới của giới trẻ Việt Nam hiện nay khác rất xa với thế hệ cha mẹ của họ. Nhu cầu vật chất cao hơn, đời sống tiện nghi hơn và cái tôi của họ cũng phô bày thô bạo hơn. Giải thích và phân tích xu hướng này từ góc độ tâm lý học là một phần nội dung cuộc trò chuyện giữa KH&ĐS với TS Tâm lý học Lương Cần Liêm.
  • Hiện tượng tâm linh dưới các góc nhìn

    29/03/2016GS, TS Nguyễn Ngọc KhaTa chỉ có thể cảm nhận được các hiện tượng "tâm linh" mà không thể suy luận chứng minh cơ chế cụ thể. Do chỉ cảm nhận được các hiện tượng "tâm linh” dưới dạng hoạt động của "logic trực giác xuất thần" nên xoay quanh vấn đề tâm linh người ta đã có nhiều ý kiến ở các góc độ khoa học khác nhau...
  • Tâm linh trong khoa học: Các nhà khoa học nổi tiếng nói gì?

    27/07/2015TS. Đỗ Kiên CườngTrong một bài viết trên Epoch Times, tác giả Tara MacIsaac (được Quý Khải biên dịch trên Đại kỷ nguyên Việt Nam) cho rằng: “Một số người có thể coi khoa học và tâm linh là hai phạm trù không thể đồng thời tồn tại, nhưng một số nhà khoa học vĩ đại nhất thời hiện đại đã nhìn nhận chúng là hai thứ không thể tách rời...”. ..
  • Tâm là gì? Sự nối dài của não bộ hay là một thực thể độc lập? Những gì xảy ra khi ta chết?

    22/05/2015Tâm Hà Lê Công Đa chuyển ngữTâm là gì? Trong chúng ta chắc có nhiều người đã từng được nghe giai thoại Thiền học liên quan đến câu chuyện "an tâm" giữa Bồ Đề Đạt Ma và Tổ Huệ Khả. Khi Tổ Huệ Khả thỉnh cầu Bồ Đề Đạt Ma, “Xin Thầy an tâm cho con.” Bồ Đề Đạt Ma bảo, “Ngươi đem tâm của ngươi ra đây để ta an cho.” Tổ Huệ Khả bối rối, “Nhưng con không thể tìm ra nó.” Bồ Đề Đạt Ma cười bảo, “Thì ta đã an tâm cho ngươi rồi đó.”...
  • Tâm linh hay duy lợi?

    15/04/2015Đoàn Khắc Xuyên“Tâm linh”, “nhu cầu tâm linh”, “truyền thống tâm linh”… chưa bao giờ người ta nghe nhắc đến hai từ “tâm linh” nhiều như bây giờ, giữa lúc mà đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng hơn bao giờ hết...
  • Những lầm lẫn tai hại về thuật ngữ Tâm linh

    01/12/2014Đỗ Kiên CườngTrên ChungTa.com ngày 17/09/2014 có đăng lại bài viết của Hà Yên “Tâm linh: Sự lẫn lộn và thảm họa”, với rất nhiều lời lẽ đao to búa lớn. Tuy nhiên, thầy Trần Quang Đại, Trường THPT Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh, đã viết một bài bình luận và phản biện rất thuyết phục. Xin được trân trọng cảm ơn thầy! Và tôi xin tiếp lời thầy Trần Quang Đại, nói rõ nguyên nhân của những lầm lẫn tai hại về thuật ngữ tâm linh...
  • Thử tìm hiểu về tâm linh

    17/09/2014Bạch Tầm XuânTâm linh là một cụm từ ai cũng biết, nhưng nó xa xôi và hư ảo, các nhà khoa học gọi là Cận Tâm Lý. Thực ra tâm linh diễn ra hàng ngày, từ chính chúng ta và môi trường xung quanh, từng giờ từng phút... Nhưng Tâm linh (cận tâm lý) là gì? Tôi muốn truyền đạt một phần nhỏ bé mà tôi biết được, để các bạn trẻ thử tìm hiểu tâm linh.
  • Không có cái gọi là "Chủ Nghĩa Duy Vật Tâm Linh"

    30/07/2014Đỗ Kiên CườngMột cách ngắn gọn, về mặt triết học, tôi cho rằng không thể có cái gọi là “chủ nghĩa duy vật tâm linh” với tư cách là một triết thuyết có thể sánh vai với các triết thuyết khác. Về mặt khoa học, có vẻ Hồ Bá Thâm muốn cổ vũ cho sinh lực luận, một quan niệm triết học - khoa học đã chết từ năm 1828, khi ông đang muốn tin linh hồn có thật dựa trên các hiện tượng đầu thai hoặc luân hồi...
  • Nhận thức lại bản chất của ý thức và tâm linh

    30/07/2014Hồ Bá ThâmTrước sự tác động của khoa học hiện đại cũng như các hiện tượng tâm linh đang tạo ra những nhận thức về ý thức, về bản chất của ý thức và tâm linh, thậm chí có thể dẫn tới thay đổi nhận thức khá quan trọng, có tính cơ bản về vấn đề này...
  • Về Uri Geller, nhà tâm linh “lừng danh thế giới”!

    29/03/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngTại sao Uri Geller trở thành nhà tâm linh nổi danh nhất lịch sử là một vấn đề thú vị cần được giải thích rõ ràng trong lĩnh vực dị thường học. Trong 40 năm qua, đây là chủ đề thu hút sự chú ý chưa từng có của dư luận.
  • Tâm linh dưới cái nhìn của Phật giáo

    04/02/2014TT Ts Thích Phước ĐạtMục đích của đạo Phật là giới thiệu cho mọi chúng sinh về con đường đoạn trừ khổ đau, thành tựu giải thoát ở đời này và đời sau. Từ tâm linh theo Phật giáo được hiểu là cuộc hành trì nội tâm; con đường trở về với tự thân tu tập, tự thân chứng ngộ, thành tựu Niết bàn...
  • Kinh nghiệm cận kề cái chết

    29/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngKinh nghiệm cận kề cái chết được quan tâm vì nó hàm ý khả năng tồn tại sau cái chết. Vấn đề gây tranh cãi nằm ở chỗ, đó thực sự là dấu hiệu của khả năng tồn tại sau cái chết hay chỉ đơn giản là trải nghiệm của bộ não đang chết...
  • Trị liệu tâm linh

    29/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngTrị liệu tâm linh là bất cứ phương pháp điều trị nào không dùng các tác nhân vật chất. Nó có nhiều tên gọi khác nhau: trị liệu tâm linh, trị liệu tinh thần, trị liệu niềm tin, trị liệu dị thường, trị liệu (đặt) bàn tay... Khí công, nhân điện, yoga, khí công Bùi Long Thành, dưỡng sinh tâm thể, chữa bệnh qua truyền hình của Kaspirovski hay liệu pháp Dzhuna (Liên Xô) đều có thể xếp vào loại hình này.
  • Các hiện tượng dị thường là gì?

    28/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngCác hiện tượng dị thường hay các hiện tượng lạ là tập hợp nhiều hiện tượng phức tạp, từ các chủ đề tín ngưỡng - tôn giáo (như thần thánh, ma quỉ, thiên đường, địa ngục…) cho tới các lý thuyết khoa học mới mà ban đầu người ta chưa hiểu nên bị xem là dị thường. Xin giới hạn chủ đề trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đang gây tranh cãi là cận (hay ngoại) tâm lý (parapsychology)...
  • xem toàn bộ