Tình thân bẩm sinh là một nền tảng

10:48 SA @ Thứ Tư - 02 Tháng Sáu, 2010

Để ý trên mặt báo, cứ mỗi lần một chuyện đau lòng xảy ra, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lại xuất hiện với những trang viết khiến người đọc không khỏi day dứt. Còn có người không, Trên tay có đá, Hoang mang đi hỏi ông Trời... như những tiếng kêu nghẹn khi một em bé vài tuổi đời bị đẩy ra vỉa hè “làm mồi” để người lớn kiếm tiền, khi một em bé khác đoạ đày với những hình phạt như thời Trung cổ. Cuộc trao đổi với Nguyễn Ngọc Tư ở chuyên đề này, người hỏi – hỏi; người trả lời – cũng hỏi, hoang mang, không thấy đâu là điểm sáng.

Lướt qua trang báo sáng, nơi những tin tức về bạo hành ngược đãi trẻ em bởi chính người thân, cha mẹ chúng... hay xuất hiện và có lúc gần như xuất hiện thường xuyên, thản nhiên... tôi hoang mang nghĩ những chuyện đau đớn giống vậy, hoặc còn hơn vậy vẫn đang xảy ra đâu đó, nơi truyền thông chưa tìm đến, nơi trẻ con vẫn bị quên lãng, bỏ rơi... Tôi không tin có cơn khủng hoảng nào khiến một bà mẹ bỗng dưng quay quắt đánh đập con mình, núm ruột máu mủ của mình. Chỉ ngờ ngợ biết đâu bà mẹ đó đã từng bị ngược đãi đánh đập. Bạo lực quay vòng tổn thương quay vòng.

Biết đâu là người ta lao lực vì mưu sinh mà chẳng còn bình thường nữa; hay là đầu óc mê muội của sự ít học; hay là sống nơi mà xung quanh con người đều “nguyên thuỷ” như vậy...?

Hay là tất cả nguyên nhân ấy? Hay thật ra chẳng có nguyên nhân nào đủ thuyết phục? Tôi hỏi một bà mẹ ngược đãi con sao chị làm vậy, chị nói thấy nó giống thằng cha bạc tình của nó nên ưa không vô. Chị trả lời rồi mà tôi cảm thấy chưa nhận được câu trả lời nào. Trời đất ơi, rồi tình mẫu tử thiêng liêng mà người đời ca ngợi có hay không có thật?

Bản thân tôi thường cho đó là bệnh lý về thần kinh – cách lý giải tôi cho rằng dễ chấp nhận nhất. Còn chị?

Tôi thì thậm chí không tin vào bệnh lý thần kinh, bởi tôi từng thấy một vài bà mẹ điên dại ngu ngơ gắn bó yêu thương con như thế nào. Và tôi cũng đang cố lý giải như mỗi người đang quáng quàng lý giải theo cách của mình, như nhà giáo dục nói do trình độ văn hoá thấp, nhận thức kém, những nền tảng đạo lý bị phá vỡ. Nhà nghiên cứu văn hoá nói vì dân tộc tính, cô Tấm không bạo lực sao? Tiếng còi xe không kích động bạo lực sao?... Bà ngoại tôi hồi còn sống nghe chuyện người giết người, người ác với người thường nói, chắc ma quỷ nhập vào. Bà không tin và cũng không muốn tin con người có thể hành xử với nhau nhẫn tâm vậy. Tôi học bà, mặc dù nhiều lúc cũng nghĩ mình đổ oan cho ma quỷ quá, thấy có lỗi với họ quá... Nhiều lúc cảm thấy đang viện cớ để tránh né một sự thật: con người đang thoái hoá…

Nói về tình thân giữa những người ruột thịt, theo chị, đó có phải là tình-thân-bản-năng, tình-thân-bẩm-sinh không?

Nghe ba tôi kể ông cố tôi ngày xưa từ Đức Phổ lưu lạc vào Nam, tự dưng tôi thương nơi đó, dù chưa tới dù họ hàng xiêu lạc, nhưng tôi cảm giác Quảng Ngãi thân thuộc như quê mình. Má tôi coi ti vi thấy lốc xoáy ở một huyện ven biển, bà tần ngần nói ông cậu Tám của bây ở đó, tự nhiên thương cái xứ xa xôi kia quá. Một đứa duy – tình như tôi thì hẳn có thứ gọi là tình thân bản năng, bẩm sinh, nhất là khi tôi làm mẹ. Lúc con vẫn còn là một hòn máu đang tượng hình, tôi có nhìn, có chạm vào con đâu mà đã nghe thương quá xá. Tình thân bẩm sinh là một nền tảng. Tôi nghĩ vậy.

Tôi hiểu, cũng như chị nói, số đông thì “thấy móng tay con mình bị xước cũng xót xa”. Vì thế mà, chị nghĩ rằng, tất cả những người kia chắc chắn đã bị “khuyết tật” cái tình thân bản năng ấy?

Chắc chắn là họ khuyết tật, nhưng tôi tin rằng bẩm sinh những ông cha bà mẹ nhẫn tâm đó là những đứa trẻ trong trẻo lành lặn lương thiện. Và hẳn có những tổn thương nặng nề nào đó khiến họ trở thành nông nổi này. Chớ mắng cái anh ném chết đứa con tròn tháng tuổi của mình là “thú tính” thì tụi chó gà nó giận…

Chị trách những người đi qua nhìn đứa trẻ bị chuốc thuốc ngủ trên tay người đàn bà ăn xin, vậy còn những người nghe rồi tỏ lời thương xót (đứa trẻ) và ca ngợi (người giúp đỡ) như một sự tự thoả mãn lòng trắc ẩn của mình? Đáng lẽ người ta đừng coi đó là các bản anh hùng ca, có khi còn đỡ đau lòng hơn...

Trời, nói chơi hoài bạn, có trắc ẩn còn hơn không chứ. Bởi chuyện đương nhiên cần làm chúng ta lắm kẻ không biết làm, chỉ chép miệng xót thương. Thậm chí trong chúng ta còn không biết, làm ngơ với tội ác cũng là tội ác. Trắc ẩn nghĩa là chưa đến nỗi vô cảm vô hồn. Nói gì thì tôi cũng nể người ra tay nghĩa hiệp. Vỗ tay khen một tiếng để động viên cho người này người khác...

Tôi đặt giả thuyết thế này, chị A là một người phụ nữ bình thường, hàng ngày đọc báo và đồng cảm với... chị Tư. Rồi một ngày, chị ấy phát hiện ra gần nhà mình cũng có một trường hợp tương tự, vậy bao nhiêu % khả năng chị ấy sẽ làm một điều gì đó?

Bạn đặt thí dụ là chị... Tư đi cho gọn (tôi cũng phụ nữ bình thường!). Và tôi phát hiện ra bà hàng xóm ngược đãi con bà tôi sẽ kêu lên. Bây giờ thì tôi tự tin lắm đây, vì tôi đọc báo và thấy những hành vi ấy đáng bị lên án, nhiều người trong số họ phải đền tội. Nhờ đọc báo tôi biết đó là tội ác, dù họ là những người mẹ người cha nhẫn tâm với chính con mình. Tôi không thấy chuyện đó là bình thường như đã bình thường hàng bao thế kỷ nay nữa, kiểu nghĩ “con là nợ vợ là oan gia” xưa rồi. Nhưng với nhiều người báo chí chữ nghĩa là xa xỉ. Làm sao để người ta nhận thức và chống trả cái ác, bởi nhiều khi ta ác mà không hay, dù nhỏ nhặt thôi, bắt đầu chỉ là ánh nhìn khắc nghiệt, chỉ là nói hơi nặng lời...

Hình như tất cả chúng ta đang nhao lên chạy, thậm chí không hiểu tại sao chúng ta phải chạy như vậy, vì cái gì, được cái gì... Và đó là lý do khiến tất cả náo động, quá nhiều giá trị bị đảo lộn, quá nhiều giá trị bị lãng quên... Tất cả là một trạng thái “động” mà không có trạng thái “tĩnh” cân bằng. Chị có cảm giác điều đó không?

Chắc có. Nên sách thiền, sách dạy buông bỏ bán chạy kinh khủng. Tôi cũng có mua, mang sách về mà vẫn có cảm giác hình như vụ mua sách này ta cũng... chạy.

Tất cả câu chuyện này, làm tôi cứ muốn quay lại câu chuyện tình thân. Phải chăng, thứ chúng ta cần nhất bây giờ chính là xây dựng những tình thân xã hội ấy? Để tất cả những chuyện như vậy không còn xảy ra nữa...

Tôi nghi ngờ vụ này quá, chắc khó vun đắp tình thân ở một người bẩm sinh không có tình thân. Hoặc có mà bị cướp đoạt mất bởi bạo hành. Hoặc có mà bị chìm lấp dưới mớ tổn thương do người khác gây nên. Hoặc có mà bị sinh kế chà đạp. Hoặc có mà phần con lấn át phần người... Xứ sở mình xưa giờ tưởng đòn roi là vun đắp tình thân, tưởng bạo lực trấn áp là thiết lập được trật tự.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Buổi cơm trong gia đình

    09/08/2019Thái Kim LanDù kinh tế ngày nay có thừa cho thịt bổ rượu ngon, nhưng bỏ đi phẩm chất nuôi dưỡng con người sống “ngon”, sống lành mạnh trong tình thương, có thể làm cho con cái èo ọp hư hao trong tuổi lớn khôn. Chúng ta có thể sắp xếp thì giờ trong ngày cho một buổi ăn chung, thay vì mất nhiều thì giờ ngồi trong phòng đợi khám bệnh xin thuốc chữa dạ dày. Chọn lựa nào là khôn ngoan và có nghĩa cho cuộc sống gia đình?
  • Sự ích kỷ đang lớn dần trong xã hội

    20/05/2016Quốc NamThiện ác có thể xoay chuyển trong gang tấc, nhưng sự vô cảm, từ chối các trách nhiệm tương quan mới khiến chúng ta trở thành người đứng ngoài thơ ơ trước tất cả những vận động của cuộc sống.
  • Nghe Phật dạy về tình yêu

    14/02/2016Hằng NguyễnNày người trẻ, bạn có biết Phật dạy như thế nào về tình yêu? Tôi đã may mắn tham dự một buổi pháp thoại của Thiền sư Nhất Hạnh về tình yêu: mối quan hệ giữa yêu thương và hiểu biết, tình yêu từ bi hỉ xả, tình yêu và tình dục. Ông gọi đó là “yêu thương theo phương pháp Phật dạy”...
  • Nhận diện những hiện tượng phản văn hóa

    27/10/2014Phùng HiểnỞ nước ta, nhiều năm gần đây cùng với sự xuất hiện các giá trị văn hóa mới, những hiện tượng phản văn hóa ngày một gia tăng. Nhận định và đấu tranh với các phản văn hóa không phải một việc đơn giản. Có những phản văn hoá lại nhân danh văn hóa, nhân danh chủ nghĩa nhân đạo tồn tại như những mẫu mực sống của một cộng đồng người nhất định...
  • "Suy dinh dưỡng tâm hồn"

    06/09/2014Phạm Văn Nga (Văn Hoá Phật Giáo)Suy dinh dưỡng hiểu đơn giản là khi người ta không hấp thụ được mọi thứ không phù hợp với thể tạng, cơ địa của mình. Nhưng sự “suy dinh dưỡng tâm hồn” mới thật là trầm trọng và rất đáng quan ngại khi nếp sinh hoạt, lối sống, quan niệm vào đời đều đang bộc lộ tình trạng xuống cấp.
  • Giá trị đạo đức- giá trị bản thân và giá trị xã hội

    11/03/2006Ngô ToànĐạo đức là một hệ thống giá trị, một hiện tượng xã hội mang tính chuẩn mực, thể hiện mệnh lệnh, đánh giá rõ rệt...
  • xem toàn bộ