Tổng thống Obama và vị trí của Mỹ trên chính trường thế giới

03:27 CH @ Thứ Sáu - 21 Tháng Mười Một, 2008

Ngày 4/11/2008, một người Mỹ da màu với cái tên lạ thường là Brack Hussein Obama - lớn lên không có cha, sống với ông bà ngoại, gia đình không giàu, không có thế lực - đã được bầu làm tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ.

Sự đắc cử của ông Obama không chỉ nói lên bản lĩnh của ông ta, nói lên sự khát khao của người dân Mỹ cho một cuộc đổi thay, mà thật sự nó còn nói lên một giá trị lớn của xã hội Mỹ: đó là đất nước Mỹ vẫn còn là nơi mà ai cũng có thể hy vọng vào một ngày mai tốt hơn, và người dân Mỹ có quyền lực, khả năng và sự dũng cảm để chấp nhận đổi thay, để tìm một hướng đi mới, khi họ nhận thấy xã hội họ trở nên quá co cụm, bảo thủ, phân hóa, trì trệ. Và đa số họ đã phải vượt qua rào cản tâm lý của chính họ để bầu cho một người da màu. May mắn cho họ, họ có ông Obama để họ tin tưởng gửi gắm trách nhiệm đổi thay cho một ngày mai tốt đẹp hơn cho nước Mỹ.

Sẽ là một trong rất ít tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Mỹ (47 tuổi, so với Kennedy 44 tuổi và Clinton 46 tuổi khi đắc cử), ông Obama cũng như Kennedy và Clinton có tri thức cao, có tài hùng biện và một sự thu hút rất mạnh quần chúng. Nhưng hơn thế nữa, người dân Mỹ còn thấy được ở ông Obama qua gần hai năm tiếp cận với cử tri là một con người chững chạc, có khả năng quyết đoán, thật sự tin vào sức mạnh và những ước mơ của người dân Mỹ, vào những lý tưởng truyền thống về nhân quyền và lấy dân làm gốc của xã hội Mỹ, và như ông đã nói: "Tôi biết tôi hay cái gì, dở cái gì, biết cái gì, và tôi cũng nghĩ tôi biết cái gì tôi không biết", điều này chứng tỏ ông là một con người có nội tâm ổn định. Ông Obama đã tạo được niềm tin ở người dân là ông ta thật sự ý thức rằng ông ta từ dân, biết là ông ta do dân và ông sẽ lãnh đạo vì dân.

Có lẽ chưa có một vị tổng thống nào sẽ phải đối đầu với nhiều thử thách lớn lao khi nhậm chức như ông Obama. Người ta có thể nghĩ đến Tổng thống Lincoln phải đối đầu với cuộc nội chiến và một xã hội chia rẽ. Tổng thống Roosevelt với cuộc Đại suy thoái của những năm 1930. Nhưng hôm nay, Obama đang thừa hưởng một nền kinh tế suy thoái chưa từng có trong hơn 70 năm qua, một cuộc chiến tranh tốn kém ở Iraq và Afghanistan mà vẫn chưa thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm", một thế giới ít thân thiện với Mỹ so với mười năm trước vì họ đã mất lòng tin vào giá trị chính thống trong vai trò đầu tàu của Mỹ, từ kinh tế đến chính trị. Đó là chưa kể một loạt các thế lực khác đang manh nha lợi dụng sự thoái trào của Mỹ để vẽ lại bản đồ quyền lực thế giới có lợi cho họ - từ Trung Quốc, Nga, đến ngay cả những "đồng minh" truyền thống của họ như cộng đồng Âu châu, Nhật Bản.

Về mặt đối ngoại, nếu nhìn lại lịch sử tranh cử tổng thống Mỹ thì thấy có một yếu tố nổi bật, đó là sự bất cập thường xuyên giữa những gì ứng viên tổng thống nói và muốn làm, so với những gì ông ta làm sau khi đắc cử. Chỉ trong vòng một tuần qua từ khi đắc cử, ông Obama có lẽ đang phải đánh giá lại một số chính sách mà ông ta đã nêu ra khi là một ứng cử viên, sau khi nhận được những báo cáo tình báo siêu mật chỉ dành cho tổng thống về tình hình thế giới mà trước đây ông không được biết. Một số "thực tế" sẽ "bó cái khôn" của ông khi trở thành người lãnh đạo của siêu cường Hợp chủng quốc.

Sự cố ngày 11/9/2001 đã gây ra một tâm lý hoảng loạn cho người dân Mỹ, đặc biệt là những người có trách nhiệm lãnh đạo. Chưa bao giờ họ cảm thấy bị "xúc phạm" đến thế (kể cả vụ không quân Nhật bất ngờ tấn công Mỹ ở Trân Châu Cảng, ở đảo Hawaii vào năm 1944), khi các trung tâm đầu não chính trị và thương mại của Mỹ như tòa nhà Lầu Năm góc của Bộ quốc phòng Mỹ ở bên kia bờ sông thủ đô Washington và tòa tháp đôi ở New York bị tấn công. Chính phủ Bush một phần vì tự ái, một phần lớn hơn là cảm thấy thiếu trách nhiệm trước nhân dân Mỹ nên đã có thái độ "quyết liệt giải quyết vấn nạn khủng bố tận gốc", để một sự cố tương tự không thể xảy ra. Có lẽ một chính phủ nào cũng có một phản ứng tương tự như Tổng thống Bush mặc dù phương thức có thể khác.

Một siêu cường như Mỹ phải có những giá trị cốt lõi và truyền thống trong quan điểm đối ngoại, và dù ai làm tổng thống đi nữa cũng bị giới hạn trong định hướng chính sách đối ngoại của họ. Tất cả sách lược của Mỹ đều phải nằm trong những ý thức hệ nảy sinh từ cái nhìn của người Mỹ về chính họ và về sự liên hệ của họ với thế giới bên ngoài.

Ba gien chủ chốt của người Mỹ

Trong dòng máu văn hóa - chính trị của người Mỹ có ba cái "gien" rất mạnh nhưng không lẫn lộn, đó là khuynh hướng cô lập (isolationism - chỉ biết lo thân mình, chuyện ai mặc họ); khuynh hướng lý tưởng (idea lism - ai cũng phải như Mỹ, phải có tự do, dân chủ, nhân quyền) và khuynh hướng thực tiễn (realism - quyền lợi quốc gia là trên hết). Mỗi hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội trong nước Mỹ có tác động riêng đối với từng khuynh hướng. Vì vậy người nước ngoài rất khó hiểu được khi nào nước Mỹ "lên cơn" gì và tại sao.

Tìm hiểu sâu hơn ba "gien" đó, ta sẽ thấy những điều thực chất.

Gien cô lập

Khuynh hướng cô lập: Đây là bản chất của người Mỹ. Đất nước họ nằm giữa hai đại dương. Phía Bắc giáp giới với Canada, một nước có cùng văn hóa Anglo-saxon, giàu có, chỉ có hơn 20 triệu dân, thân thiện với Mỹ. Phía Nam là Mexico - một nước nghèo, hoàn toàn lệ thuộc vào kinh tế Mỹ. Với địa lý chính trị như vậy, người Mỹ không hề bị đe dọa bởi cường quốc láng giềng nào như nhiều nước khác. Người dân Mỹ thật sự ít quan tâm đến chuyện ngoại giao quốc tế, chỉ lo làm ăn và lo chuyện của mình là chính.

Gien lý tưởng

Nước Mỹ được xây dựng trên nguyên tắc tôn trọng những quyền cơ bản của công dân và lý tưởng tự do dân chủ. Họ hãnh diện và tự hào về con người của họ. Họ cho rằng nước Mỹ là một hiện tượng tuyệt vời vì con người làm chủ được số phận của mình trong những điều kiện nhân quyền lý tưởng nhất. Từ đó họ phát sinh một tâm lý chủ quan là ai cũng nên giống họ, trong một thế giới đồng nhất.

Tổng thống Kennedy trong bài diễn văn nhậm chức đã phát biểu hùng hồn là nước Mỹ sẽ "chấp nhận bất cứ gánh nặng nào, bất cứ ở đâu, cho lý tưởng tự do dân chủ". Và lại tương tự như trên, Tổng thống Bush đã đổi hướng 180 độ, từ cô lập sang "giải phóng các dân tộc Trung Đông thoát ách độc tài, chuyên chế" vì chỉ có như vậy mới giải quyết được vấn nạn khủng bố tận gốc".

Gien thực tiễn

Người Mỹ có khuynh hướng cô lập từ bản chất, nhưng cũng có đôi lúc mơ mộng, khoác áo ông cha truyền đạo, can dự vào chuyện người khác, nhưng rồi thực tế quyền lực thường đưa chính sách của Mỹ trở lại khuynh hướng thực tiễn; theo đó, quyền lợi quốc gia là trên hết; họ chỉ tham dự khi nào và ở nơi nào mà quyền lợi của họ bị ảnh hưởng rõ ràng và đã rạch ròi lời lỗ phân minh.

Tổng thống Clinton lúc đang vận động ứng cử có vẻ chống Trung Quốc, nhưng sau khi đắc cử lại hồ hởi cổ động phát triển quan hệ ngoại giao, ngoại thương và đưa Trung Quốc vào quỹ đạo thế giới, cũng chỉ vì quyền lợi kinh tế, nhu cầu địa lý chính trị và chiến lược của Mỹ trong khu vực Đông Á. Sau kinh nghiệm chiến tranh Việt Nam, dân chúng Mỹ quá chán chường với cái giá họ phải trả khi tham chiến ở nước ngoài. Năm 1976, họ bầu cho Tổng thống Carter, một người ít ai biết đến trước đó chỉ vài năm (như trường hợp của ông Obama) và là một mục sư Tin lành. Tổng thống Carter đại diện cho khuynh hướng cô lập (và một phần lý tưởng), chủ trương co lại, ưu tiên lo chuyện trong nhà. Ông ta cắt ngân sách quốc phòng, chủ trương hòa hoãn, dùng ảnh hưởng ngoại giao để đem lại hòa bình thế giới. Vậy mà đến năm 1979, lại tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ.

Ông Obama có vẻ là một người đang theo khuynh hướng lý tưởng, chủ trương hòa hoãn hơn, và sẽ ưu tiên dùng ảnh hưởng ngoại giao và "thế lực mềm" (soft power - là thế lực dựa trên giá trị văn hóa, lý tưởng nhân quyền, công bằng xã hội . . .) để tái khẳng định vị trí lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ, tương tự như chính sách của Tổng thống Carter khi mới đắc cử. Tuy nhiên, thế giới còn phải chờ xem tổng thống Obama có đủ bản lĩnh để bình tĩnh xử lý tình huống khi bị các đối thủ nắn gân thử thách hay không, hay ông ta cũng sẽ bị “sốc” như Tổng thống Carter khi Liên Xô tiến quân vào Afghanistan, hay Tổng thống Kennedy khi phải đối đầu với sự kiện tên lửa của Nga ở Cuba.

Dù gì đi nữa, Tổng thống Obama cũng phải ưu tiên ổn định những vấn đề nội bộ của nước Mỹ trước mắt là cuộc khủng hoảng tài chính đang làm suy thoái trầm trọng nền kinh tế Mỹ và gây ra nạn thất nghiệp nghiêm trọng nhất trong vòng 15 năm qua. Ngoài việc đối diện với rủi ro khủng hoảng kinh tế kéo dài đưa đến nhiều bất ổn xã hội - chính trị, Tổng thống mới Obama chắc hẳn còn nhận thức rõ ràng là Hoa Kỳ sẽ không còn khả năng gây ảnh hưởng đến cục diện thế giới như từng có, nếu họ không phục hồi nội lực, không giải quyết được khủng hoảng kinh tế nội bộ trong một thời gian ngắn nhất.

Ông Obama may mắn là đang có một số vốn chính trị rất lớn: đang được lòng dân; đang có sự hậu thuẫn của quốc hội (đảng Dân chủ của ông đang nắm quyền ở lưỡng viện); đang được cảm tình của đa số cộng đồng thế giới . Và với khả năng thuyết phục, tính quyết đoán, tài tổ chức và nghệ thuật dùng người, như đã thể hiện qua quá trình tranh cử, ông Obama có xác suất thành công cao như người dân Mỹ đang mong đợi.


Xem thêm:

Thế giới hy vọng vào tổng thống mới của Mỹ

Cả thế giới sau tám năm dài không ngừng hoài nghi và mệt mỏi với chính sách của chính quyền George W. Bush cuối cùng đã được thỏa mãn với một trang sử mới cho nước Mỹ bắt đầu từ ngày 4/11 vừa qua. Không chỉ 140 triệu cử tri Mỹ cảm thấy hài lòng về kết quả của một cuộc bầu cử được xem là một sự "lột xác" cho đất nước mình, rất nhiều tiếng nói trên toàn cầu đã hướng đến tân tổng thống nước Mỹ Barack Obama vơi niềm hy vọng to lớn. Từ Cổng chào Brandenburg ở Berlin cho đến ngôi làng nhỏ Obama tại Nhật Bản, mọi người đều hào hứng chào đón sự khởi đầu mới mẻ cho nước Mỹ. Tại Đức, nơi từng có hơn 200 ngàn người tụ tập lắng nghe bài diễn thuyết của tân tổng thống Mỹ vào mùa hè qua, những kênh truyền hình trực tiếp, tiêu đề các nhật báo và website đều đầy ắp các hình ảnh, tư liệu và lời lẽ ủng hộ dành cho Obama trước, trong và ngay sau ngày ông đắc cử. Trên đại lộ Champs-Elysees, hàng trăm nghìn người dân Paris đã chuẩn bị cho buổi dạ tiệc thâu đêm hôm 4/11 để ăn mừng ngay khi tin chiến thắng của Obama được tung ra bên kia bờ Đại Tây Dương.

Cơn sốt mang tên Obama đã vượt ra khỏi phương Tây và xuất hiện một cách ấn tượng tại thế giới Hồi giáo, nơi người dân hy vọng rằng sắp tới sẻ là những cuộc đối thoại với Mỹ thay vì đối đầu. Thời báo Al-Anbaa tai Kuwait đăng lời ca ngợi việc chiến thắng của Obama là "bước tiến lịch sử để thay đổi diện mạo một chính quyền Hoa Kỳ kiêu căng thành một chính quyền được chấp nhận lông kháp hơn trên toàn thế giới".

Tai Kenya, người dân vốn dĩ tự hào về "đứa con da màu" có cha đẻ là công dân một quốc gia Đông Phi tin tưởng rằng dù chiến thắng của Obama không thể thay đổi cuộc sống của họ, nhưng điều đó không thể ngăn chặn họ vẽ hình ông trên những chiếc minibus hoặc bán ra những mẫu áo có hình và tên ông. Ở lraq, dẫu những hoài nghi về sự thay đổi trong chiến lược quân sự của Mỹ vẫn còn, nhưng cư dân Baghdad vẫn hy vọng rằng vị tân tổng thống Mỹ sẽ mở ra một trang mới cho đất nước họ.

Tuy vày, giới quan chức các nước vẫn tỏ ra ngờ vực về khả năng vị tỏng thống trẻ mới đác cứ của nước My liêu có đủ sức cải thiên tình cảnh kinh tế suy thoái như hiện nay khi bối cảnh chính trị vẫn chưa thực sư rõ ràng. Ban lãnh đạo lsrael, vốn là đồng minh thân cận và quan trọng nhất của Mỹ tại Trung Đông, dù không công khai lên tiếng ủng hộ ai nhưng đều tỏ sự e dè dành cho Obama. Thậm chí, tại châu Âu, các báo chí vẫn đều đặn đưa tin về nguồn gốc Hồi giáo của ông. Nhưng xét cho cùng, với những gì đã diễn ra, người ta vẫn tin rằng một hiện tượng mới đã được tạo nên trong lịch sử nước Mỹ, và đó cũng là tâm sự của Thủ tướng Anh Gordon Brown trong cuộc chuyện trò vừa qua với Đài truyền hình Al-Arabiya nhân chuyến đi đến vùng Vịnh.

Thống Kiên theo AP

Đâu là vấn đề cấp bách nhất ở Mỹ hiện nay?

Tình hình kinh tế ảm đạm của Mỹ đã góp phần quyết định vào cuộc bầu cử tổng thống vừa qua và chắc chắn sẽ chiếm nhiều thời gian của vị tổng thống vừa đắc cử Obama ngay trong những ngày đầu nhậm chức.

Hệ thống tài chính Mỹ tuy đã rời được khỏi bờ vực thăm nhưng vẫn còn nhiều rắc rối. Nhà ở vẫn tiếp tục giảm giá và nhiều người trở nên nghèo đi do không trả được nợ vay mua nhà, gây ảnh hưởng xấu đến ngân sách các bang. Ngành công nghiệp ô tô khổng lồ vẫn còn nguy cơ sụp đổ.

Hiên tượng người tiêu dùng đã sử dụng thẻ tín dụng quá mức nay co cụm lại đang tạo mối lo lớn cho động lực phát triển kinh tế. Tỷ lê thất nghiệp có thể tăng lên 8% (từ mức 6,1%) sẽ càng khiến mức cầu bị giảm đi.

Đâu là vấn đề cấp bách đang thách thức chính phủ mới của Mỹ? Trước tiên, phải nhanh chóng thông qua chương trình thúc đẩy kinh tế (cấp bách hơn cả chương trình giảm thuế mà ông Obama tuyên bố trong quá trình vận động tranh cử). Quốc hội có thể thông qua chương trình kích thích kinh tế trong tháng này nếu ông Obama muốn có cuộc họp trước khi nhậm chức. Có lẽ một chương trình vừa phải, không quá cao sẽ được tán thành để tránh sự chống đối của chính quyền Bush. Sau khi nhậm chức, Obama có thể yêu cầu bổ sung ngân sách để kích thích kinh tế.

Trước ngày bầu cử, lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã bàn việc triệu tập cuộc họp để thảo luận một dự luật bơm 150 đến 200 tỉ USD vào nền kinh tế tiếp sau 170 tỉ kích thích, chủ yếu là các chi phiếu do miễn giảm thuế gửi cho hàng triệu người dân Mỹ. Vì vậy, biện pháp trước mắt có thể là thông qua kim ngạch 60 tỉ USD để hỗ trợ tem phiếu thực phẩm, trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp cho các bang để hạn chế ảnh hưởng của việc giảm chi. Vấn đề là tổ chức họp để thông qua việc đó ngay trong thời điểm này (có thể bị chính quyền Bush phủ quyết) hay chờ đến sau ngày ông Obama nhậm chức tổng thống.

Thiên Bảo theo IHT 11/08

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những giấc mơ từ cha tôi

    22/05/2016Chiến thắng của Barack Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng cũng là sự khẳng định thị trường xuất bản VN quả rất nhạy cảm với thời sự chính trị của... Hoa Kỳ: hiện có ba tập sách về Obama vừa được thực hiện ngay trước khi có kết quả chính thức bầu cử ở Mỹ. Công ty Vina Book đã phối hợp với NXB Văn Học tung ra tập sách của Obama: Những giấc mơ từ cha tôi ngay từ tháng 10...
  • Diễn văn chiến thắng của ông Barack Obama

    09/11/2015Thượng nghị sỹ Barack Obama đã có diễn văn tuyên bố chiến thắng trước các ủng hộ viên vào đêm 4/11/2008...
  • Chặng đường dài của người Mỹ gốc Phi

    18/11/2008Theo AFPÔng Barack Obama đã cho người da màu ở Mỹ thấy rằng "cơ hội thay đổi đã đến và giờ là lúc phải bắt tay vào thực hiện". Tuy nhiên, để đi vào lịch sử chính trường nước Mỹ, những người Mỹ gốc Phi từng là nô lệ đã phải vượt qua một chặng đường dài với nhiều nỗi nhọc nhằn.
  • Hoài bão đích thực và một nhân hiệu của Barack Obama

    14/11/2008Hubert RampersadCó một hoài bão đích thực và một nhân hiệu liên quan là một tài sản vô cùng quan trọng trong thời đại ngày nay, thời đại của internet, của thực tế và của cá nhân. Đó là những điều cốt yếu tác động đến thành công cá nhân. Nó có vị trí chiến lược bên cạnh những người thành công nhất thế giới, như Barack Obama....
  • Bình luận về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2008

    13/11/2008PV Vietnamnet phỏng vấn ông Nguyễn Trần BạtNước Mỹ là một vấn đề của thế giới, nó ảnh hưởng một cách trực tiếp, một cách sống còn trước hết đến nền kinh tế thế giới và sau đó là ảnh hưởng đến các khuynh hướng chính trị của thế giới. Đấy là một thực tế khách quan, bất chấp việc chúng ta thích hay không thích nước Mỹ, thích hay không thích tổng thống mới của nước Mỹ thì chúng ta cũng buộc phải nghiên cứu chuyện này.
  • Địa vị của nền kinh tế Hoa Kỳ và các chính sách kinh tế của tân Tổng thống Obama

    13/11/2008PV Vietnamnet phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt"Tất cả các giải pháp về nền kinh tế Hoa Kỳ trước hết phải bắt đầu bằng việc tổ chức lại nền kinh tế tài chính của Hoa Kỳ, việc này không chỉ đơn thuần là xây dựng lại một số chính sách trước mắt." - Ông Nguyễn Trần Bạt trả lời phỏng vấn của báo Vietnamnet ngày 6/11/2008
  • Hy vọng táo bạo

    12/11/2008Trong khi tại Mỹ, tổng thống mới đắc cử Barack Obama vừa đánh dấu tên tuổi mình vào lịch sử nước Mỹ thì tại Việt Nam, cuốn sách Hy vọng táo bạo của ông cũng vừa được ấn hành. Tác phẩm thể hiện sự táo bạo của Barack Obama trong cách nhìn nhận những vấn đề của nước Mỹ...
  • Từ "hiện tượng Obama" đến những chuyển biến mang tính thời đại

    09/11/2008GS Tương Lai"Hiện tượng Obama không chỉ là một sự kiện của một quốc gia dù cho đó là một siêu cường, mà là một hiện tượng mang tầm vóc nhân loại ở thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI với những biến động dồn dập." - GS Tương Lai nhận xét.
  • “Đây là lý do anh nên làm tổng thống”

    05/06/2008Gia BảoKết thúc vòng bầu cử sơ bộ, ông Barack Obama đã giành được sự ủng hộ của hơn 2.118 đại biểu, qua đó trở thành ứng cử viên tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Kaith Olbermann, nhà bình luận của kênh truyền hình Mỹ MSNBC, thậm chí so sánh chiến thắng này là một cột mốc giống như sự kiện nhân loại lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng…
  • Về cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ

    14/04/2008TS. Ngô thanh NhànHồn Việt đã có cuộc phỏng vấn về chủ đề này đối với một số bạn đọc Hồn Việt tại Mỹ và ngay lập tức, TS Ngô Thanh Nhàn (New York University) và GS. Sophie Quinn - Judge (Temple University) đã trả lời. Các vấn đề mà hai vị đặt ra rất sâu sắc và mới...
  • xem toàn bộ