Tri thức – Tư tưởng
Tri thức, có thể nói, là bộ phận quan trọng nhất của văn hoá. Tri thức bao trùm nhiều lĩnh vực: lao động sản xuất (công, nông nghiệp), chính trị, giáo dục, văn học, nghệ thuật, y tế, xây dựng, luật pháp, giao thông, giao tiếp, chinh phục thiên nhiên, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc... Đó là những hiểu biết khoa học, những kinh nghiệm và sự khôn ngoan mà con người tích luỹ được trong quá trình lao động sản xuất, đấu tranh và thích ứng với thiên nhiên cũng như với xã hội nhằm duy trì và phát triển cuộc sống của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng người trong quá trình lịch sử lâu.
Trong thời đại ngày nay, tri thức còn quan trọng hơn bao giờ hết. Nó đang dần dần trở thành lực lượng lao động trực tiếp quan trọng nhất. Điều đó dẫn đến những thay đổi lớn lao không chỉ trong quản lý và sản xuất kinh doanh, mà còn làm đảo lộn cuộc sống con người, thay đổi các quan niệm, các thói quen, các thước đo giá trị. Báo chí đang nói rất nhiều về một nền kinh tế tri thức, nhưng theo chúng tôi, như.vậy chưa đủ. Ngày nay, đã đến lúc phải nói đến một xã hội tri thức, trong đó tri thức sẽ quyết định các thước đo giá trị không chỉ của mỗi cá nhân mà còn của cả một dân tộc.
Tất nhiên, tri thức chỉ có thể trở thành một bộ phận của văn hoá nếu như nó định hướng và được định hướng cho các ứng xử của con người và cộng đồng người. Vai trò định hướng ấy thuộc về đạo đức, mà gốc rễ là cái thiện, một trong ba giá trị phổ quát nhất trong đời sống tinh thần của nhân loại (chân, thiện, mỹ).
Marx đã có một định nghĩa rất hay, rằng con người là tổng hoà của các quan hệ xã hội. Con người chỉ có thể là con người xã hội, trong đó các cá nhân, ở những mức độ khác nhau, đều được xã hội hoá. Họ sống, làm việc, hành động theo những qui tắc ứng xử đã hình thành trong xã hội. Như thế, chúng ta có thể nói rằng, mỗi cá nhân đã tiếp nhận một hệ thống các qui luật và các thước đo văn hoá và thể hiện chúng trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Những thước đo này về bản chất là những tiêu chuẩn lý tưởng mang tính chất qui ước mà mỗi cá nhân cần phải tuân theo, nhưng thực tế chỉ có thể được tiệm cận đến mà thôi.
Một lĩnh vực vô cùng quan trọng của tri thức là khoa học, kỹ thuật. Tuy nhiên, có lẽ quyết định nhất lại là tư tưởng. Hệ thống tư tưởng là sản phẩm mà con người có quyền tự hào trước hết. Tất cả mọi sự sáng tạo về khoa học và công nghệ là hệ quả của tư tưởng. Có một thời chúng ta đã đồng nhất giữa những nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên với các nhà triết học, gọi là triết học tự nhiên.Newton có thể được xem là một nhà triết học. Einstein cũng có thể được xem như một nhà triết học. Lev Tolstoy cũng vậy Triết học là khoa học để tạo ra cho con người những công cụ nhận thức thế giới, nhận thức chính bản thân con người. Tư tưởng là một sản phẩm vô hình, là sản phẩm tinh thần. Vì thế, nếu con người đối lập mình với người khác, và không phải đối lập bằng tư tưởng mà lại bằng những công cụ vật chất, chẳng hạn để tổ chức các cuộc xung đột, thì đấy là một sai lầm to lớn. Cái đầu tiên mà con người cần phải khắc phục để làm chủ được mình là sự đối lập về tư tưởng. Nhiều cuộc chiến tranh đã không thể tránh khỏi do sự xúi giục của những khác biệt về nhận thức hay khác biệt về hệ tư tưởng. Chính nhân danh sự đối lập về tư tưởng mà người ta tổ chức những sự đối lập khác, về kinh tế chẳng hạn. Tôi cho rằng con người đã vô tình làm mất danh dự của các sản phẩm tư tưởng. Các sản phẩm tư tưởng, cũng như các nhà tư tưởng, vô tư hơn, trong sáng hơn, và có lẽ cũng trong sạch hơn. Họ đóng góp cho nhân loại công cụ để nhận thức để rồi nhân loại sử dụng nó để xung đột. Tôi không tin các nhà tư tưởng xung đột với nhau. Họ chỉ cãi nhau mà thôi. Chỉ có việc sử dụng tư tưởng với những động cơ không trong sạch mới tạo ra sự xung đột. Cho nên sự xung đột về tư tưởng là kết quả của sự vận dụng sai trái tư tưởng chứ không phải là kết quả trực tiếp của các nhà tư tưởng.
Sự nâng cao dân trí, sự tiến bộ của nhân dân là thước đo trình độ phát triển của các quốc gia, đồng thời cũng là nguồn gốc của những đòi hỏi ngày càng cao, ngày càng khắt khe hơn đối với những nhà chính trị. Họ buộc phải có những phẩm chất cao hơn, đặc biệt là phải có trí tuệ cao hơn. Thời đại của những phương pháp cai trị ngu dân đã qua. Ngày nay, họ không còn cơ hội, cũng không thể kìm hãm dân trí để có thể cai trị một cách dễ dãi. Các nhà lãnh đạo, hơn bao giờ hết, phải thực sự là đội ngũ tiên phong, phải xứng đáng là người đại diện cho nhân dân cả về trí tuệ lẫn quyền lợi. Nói cách khác, họ phải phản ánh ngruyện vọng và ý chí của nhân dân. Theo chúng tôi, dân trí là một khái niệm triết học và chính trị học cực kỳ quan trọng, là một trong những đấu hiệu quan trọng nhất để xác định một xã hội phát triển.
Dân tríbao gồm rất nhiều thứ: tư tưởng, khoa học, kỹ thuật, luật pháp, nghệ thuật...Nhưng quan trọng nhất và bao trùm lên tất cả là ý thức của người dân về thân phận của mình. Khi người dân chưa ý thức được về thân phận và vai trò của mình trong xã hội thì không thể nói đến một xã hội phát triển cao.
Vì thế, dân trí gắn liền với dân chủ. Trong tất cả những mặt khác nhau của khái niệm dân trí, mặt quyết định là giác ngộ chính trị. Dân chủ là mức cao nhất của sự giác ngộ chính trị. Chế độ dân chủ làm tăng cường dân trí, có nghĩa là tăng cường số lượng các nhà tư tưởng. Cuộc sống dù ở mức thấp hay mức cao đều là sự chung sống giữa các luồng tư tưởng hay, các nhà tư tưởng. Các nhà tư tưởng ấy ít nhất cũng lý giải bản thân và lý giải cuộc sống. Một người nhận thức có hệ thống thì trở thành nhà tư tưởng, ít nhất cũng là một nhà tư tưởng đối với những vấn đề của chính bản thân mình. Một xã hội trong đó mọi người đều thông thái, đều có khả năng lý giải các vấn đề của mình để tồn tại và phát triển, chắc chắn sẽ phát triển với tốc độ lớn hơn. Chính vì lý do đó dân chủ sẽ thắng thế. Vì vậy một chế độ chính trị buộc người ta tôn thờ một loại tư tưởng và hạn chế tính đa dạng tư tưởng trong phạm vi quốc gia là chế độ phản động về mặt văn hoá, bởi vì nó hạn chế chính năng lực cạnh tranh của cả dân tộc.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchTôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)