Trưởng thành từ phong trào cách mạng

03:40 CH @ Chủ Nhật - 20 Tháng Sáu, 2010

"Nghề báo rèn cho mình thói quen ghi chép, tích lũy và lưu giữ tư liệu cẩn thận" - nhà báo Hồng Hà đã tâm sự với tôi như vậy vào một ngày trung tuần tháng 6. Với nhà báo Hồng Hà, công tác báo chí, ngoại giao, hay lý luận luôn đan xen, bổ sung cho nhau. Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; và như ông tự bạch: chính nghề báo đã giúp ông rất nhiều để trưởng thành.

Căn phòng làm việc của ông nằm trong một biệt thự trên phố Nguyễn Cảnh Chân (quận Ba Đình, Hà Nội), dường như được bao bọc bởi những giá sách. Ông cẩn thận mở tủ lấy ra những cuốn sổ ghi chép, tài liệu, album ảnh quý giá đã được lưu giữ hơn nửa thế kỷ. Rồi ông mở chiếc túi đựng các hiện vật đặc biệt mà sẽ có ngày ngành Bảo tàng phải tìm đến ông: những chiếc bảng hiệu ghi tên, chức danh của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam và một nước bạn trong cuộc gặp gỡ lịch sử, được chính ông giữ lại và bảo quản suốt nhiều năm qua.

Đến với nghề báo

Tuổi ngoại tám mươi nhưng giọng nói của nhà báo Hồng Hà nghe vẫn sang lắm, khúc chiết và đầy truyền cảm. Tôi từng được nghe ông nói chuyện ở một số diễn đàn, hay trong những dịp bảo vệ đề tài khoa học của các Bộ, ngành. Ông là một cộng tác viên thân thiết của Báo CAND từ rất lâu. Hầu như các dịp Tết hay lễ trọng, ông đều có những bài chính luận, tư liệu đứng trang trong nhiều ấn phẩm của Báo CAND. Năm nào ông cũng tới dự buổi gặp mặt cộng tác viên và dành những lời nhận xét, góp ý chân thành nhằm giúp Báo CAND nâng cao chất lượng, giữ vững uy tín trong bạn đọc...

Gần bảy thập kỷ làm báo, là một trong những cây bút chủ lực của nhiều tờ báo cách mạng sau Tổng khởi nghĩa thành công năm 1945, nhà báo Hồng Hà từng là Tổng Biên tập Báo nhân dân, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương...

Với tôi, thật may mắn và vinh dự khi được gặp và trò chuyện với nhà báo Hồng Hà, trong một ngày cận kề kỷ niệm 85 năm Báo chí cách mạng Việt Nam. Chuyện đời, chuyện nghề và nhiều thông tin vô giá từ một nhà báo lớn được chứng kiến, tham dự vào những sự kiện trọng đại của đất nước, khiến tôi hiểu biết nhiều điều.

Chỉ tay vào chiếc laptop trên bàn làm việc, ông cười rổn rảng: "Mình vẫn làm việc hằng ngày, sử dụng Internet phục vụ công việc. Thời bây giờ, điều kiện làm việc của các bạn thuận lợi thật!".Khi tôi mạn phép hỏi ông về cái buổi ban đầu đến với nghề báo, nhà báo Hồng Hà tâm sự: "Mình vẫn đam mê nghề báo, vẫn viết đều. Mình còn giữ thẻ nhà báo, và là hội viên Hội Nhà báo, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam".

Nhà báo Hồng Hà (tên thật là Hà Văn Trường) là em ruột nhà báo Thép Mới (Hà Văn Lộc). Quê gốc Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), nhưng hai anh em Lộc - Trường sinh ra và lớn lên ở thành phố Nam Định. Tuổi thơ hai anh em gắn với Thành Nam đất học... "Người giác ngộ cách mạng cho mình chính là ông Thép Mới. Hai anh em đều học Trường Thành chung Nam Định; ngôi trường này cũng là nơi nhà cách mạng Trường Chinh và các anh Mai Chí Thọ, Nguyễn Cơ Thạch... từng theo học".

Cậu học trò Hà Văn Trường đến với nghề báo từ năm 1943, khi dịch, gửi bài cho Báo Nam Cường ở Hà Nội. Đó là tác phẩm "Túi khôn" - mà bây giờ được phiên thành "Đắc nhân tâm", dịch từ tiếng Pháp. Nhớ lại cái thuở ban đầu ấy, ông cười rạng rỡ: "Nhận được tờ báo biếu gửi từ Hà Nội, thì mừng lắm!"... Từ đó, Hồng Hà đã gắn bó với nghề báo suốt bảy chục năm trời; sau này, dù ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng ông vẫn luôn là một nhà báo theo đúng nghĩa của từ này.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồng Hà được tổ chức đưa về làm phóng viên thời sự Báo Cứu Quốc do đồng chí Xuân Thủy vừa làm chủ nhiệm, vừa làm chủ bút. "Anh Xuân Thủy nhắc chúng mình, người làm báo của Việt Minh phải viết đúng nhất, hay nhất, nhanh nhất, có lượng thông tin nhiều nhất, có tính chiến đấu và sức thuyết phục" - nhà báo Hồng Hà nhớ lại.

Về bút danh Hồng Hà, ông kể: "Khi mình viết những bài báo đầu tiên, các đồng chí biên tập Báo Cứu Quốc hỏi lấy bút danh là gì? Mình chợt nhớ, ông Thép Mới có bí danh là Hồng, hai anh em được sinh ra bên dòng sông Hồng, nên mình lấy chữ Hà ghép lại thành Hồng Hà".

Có lẽ, một lí do để nhà báo Hồng Hà luôn dành tình cảm sâu sắc với lực lượng Công an nói chung và Báo CAND nói riêng, là bởi ông đã chứng kiến sự ra đời và những chiến công đầu tiên của CAND Việt Nam. Trong vụ án kinh điển "Số 7 Ôn Như Hầu" tháng 7/1946, là phóng viên thời sự địa bàn Hà Nội, Hồng Hà có mặt ngay khi vụ án được khám phá. Ông đã chụp ảnh những xác người bị bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách bắt cóc, sát hại. Nhớ lại những ngày nước sôi lửa bỏng ấy, ông kể: Có những vụ ám sát chúng gây ra trên đường phố Hà Nội, khi phóng viên chúng tôi đến nơi xảy ra còn thấy những mảnh giấy do chúng viết ghim trên xác người nhằm thách thức chính quyền cách mạng.

Lăn xả vào thực tế

Trước đây, tôi từng được đọc những bài viết của nhà báo Hồng Hà, nhiều phóng sự, ký sự và đặc biệt là mảng tư liệu với những vấn đề độc đáo mà chỉ những người trong cuộc mới viết được. Ở Hội nghị Quân sự Trung Giã giữa Việt Nam và Pháp năm 1954, Hồng Hà là một cây bút thời sự, chính trị sắc sảo của Báo Cứu Quốc, được giao phụ trách công tác báo chí của hội nghị... Tôi được nhà báo Hồng Hà cho xem cuốn album ảnh khá dày dặn, với những bức ảnh gốc đen trắng chất lượng còn tốt; phản ánh một cách chi tiết và toàn cảnh về Hội nghị Trung Giã, trong đó, chắn chắn có nhiều bức chưa từng được công bố. Thấy tôi chăm chú ngắm bức ảnh chiếc xe Zeep có dòng chữ "Xe của tướng Đờ Caxtri - Chiến lợi phẩm Điện Biên phủ"; ông kể lại: Ngày khai mạc hội nghị Trung Giã, anh Văn Tiến Dũng ngồi trên chiếc xe Zeep cắm cờ đỏ sao vàng, hai bên thành xe sơn dòng chữ "Xe của tướng Đờ Caxtri - Chiến lợi phẩm Điện Biên Phủ". Sau phiên khai mạc Hội nghị Trung Giã, Đại tá Lennuyơ bên phái đoàn quân sự Pháp gặp riêng Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, nói nhỏ nhẹ: "Thưa Thiếu tướng, chúng ta đều là quân nhân, ai cũng có quyền tự hào về chiến thắng của mình. Nhưng Thiếu tướng dùng chiếc xe có dòng chữ "Xe của tướng Đờ Caxtri - Chiến lợi phẩm Điện Biên Phủ" thì chúng tôi lấy làm nhục nhã, đau đớn quá". Hôm sau, anh Văn Tiến Dũng vẫn đi chiếc xe này, nhưng có băng vải ghi một khẩu hiệu khác đã được che lấp dòng chữ nhạy cảm; và Đại tá Lennuyơ đã cảm ơn đoàn Việt Nam về cử chỉ lịch thiệp đó".

Lăn xả vào thực tế là tố chất toát lên từ nhà báo Hồng Hà. Đến bây giờ sau gần 60 năm, nhiều bậc cao niên ở đất Tiên Lãng (Hải Phòng) vẫn nhắc tới nhà báo Hồng Hà bằng tình cảm trân trọng. Với kí sự "Trên đất Tiên Lãng", nhà báo Hồng Hà đã phản ánh chân thực cuộc sống, chiến đấu của quân và dân Tiên Lãng. Kí sự này được đăng trên Tạp chí Văn nghệ, số ra tháng 10/1953.

Nhà báo Hồng Hà (ngồi hàng đầu, ngoài cùng bên trái) cùng các nhà báo và văn nghệ sĩ sau khi kết thúc Đại hội lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam năm 1951.

Nhà báo Hồng Hà kể, cánh phóng viên chúng mình vẫn có những chuyến đi táo bạo vào vùng địch hậu để phản ánh cuộc chiến đấu can trường của quân và dân ta. Ở Tiên Lãng năm ấy, xã mình về là một trong những xã chống càn bình định khá ác liệt. Trong kí sự, ông đã mô tả chi tiết, sống động: "Một thằng Pháp chỉ vào dãy tường đất mà đồng bào khoét để thông hơi, bảo bọn ngụy binh: Chúng mày xem, kiểu nhà lạ không này! Toàn là lỗ châu mai". Hay những cảnh hội họp ban đêm: Đại bác địch chốc chốc bắn về. Tất cả nằm rạp trên sân, đợi im tiếng súng lại ngồi lên họp... Địch muốn gieo trên Tiên Lãng một không khí căng thẳng, khiếp sợ, tang tóc. Nhưng trong ánh chớp và tiếng nổ choang choác của đại bác địch, tôi thấy như vẫn hiện lên hình ảnh cuộc họp của phụ nữ làng Sa Vĩ...". Ký sự đặc sắc này đã khiến người dân Tiên Lãng coi nhà báo Hồng Hà như một người con của quê hương, bởi ông đã rất hiểu đất, hiểu người và phản ánh đúng thực tế sinh động.

Lâu nay, mỗi dịp kỉ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh, chúng ta lại được xem những thước phim tư liệu đặc sắc và duy nhất về Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Thế nhưng, không nhiều người biết về quá trình tìm kiếm cuộn phim tư liệu này. Lần đó, nhà báo Hồng Hà dẫn đầu một đoàn công tác gồm đạo diễn điện ảnh Phạm Kỳ Nam và nhà quay phim Như Ái sang Pháp, Tây Âu để tìm kiếm, đồng thời dựng phim tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Nhà báo Hồng Hà nhớ lại: "Anh Trường Chinh gặp và giao nhiệm vụ cho đoàn. Anh khẳng định: "Tôi dự mít tinh Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày mùng 2/9/1945. Tôi trông thấy rõ có người quay phim"; điều này luôn thôi thúc các thành viên trong đoàn quyết tâm tìm bằng được...

Chúng tôi sung sướng đến trào nước mắt khi nhà điện ảnh nổi tiếng Giô-rít I-ven dẫn chúng tôi đi khắp Paris, tìm thấy trong một gia đình người Pháp bộ phim quay Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba đình. Chúng tôi điện ngay về Hà Nội báo cáo với đồng chí Trường Chinh và đồng chí Tố Hữu. Hai đồng chí điện trả lời bày tỏ vui mừng khôn xiết.

Từ Paris về Hà Nội, chúng tôi mang theo hai hòm sắt to đựng những tài liệu, tư liệu, hiện vật về Bác Hồ mới tìm được. Ngoài bộ phim về ngày 2/9/1945, còn có bộ phim Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp năm 1946 do họa sĩ Mai Trung Thứ, một Việt kiều ở Paris, quay và tặng chúng tôi.

Không nhiều người có được may mắn trong đời làm báo khi chứng kiến và trực tiếp tham dự vào những sự kiện trọng đại mang tính bước ngoặt của đất nước. Nhà báo Hồng Hà từng tham dự Hội nghị Quân sự Trung Giã năm 1954 đàm phán với Pháp những vấn đề đình chiến ở Đông Dương.

Gần 20 năm sau, với tư cách một nhà báo, nhà ngoại giao, ông lại có mặt trong phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam, đàm phán với Mỹ gần 5 năm trời... Sau này, trong quá trình đổi mới của đất nước, đảm đương những trọng trách mới do Đảng, Nhà nước giao phó, nhà báo Hồng Hà đã trực tiếp tham gia vào quá trình bình thường hóa, kiến tạo quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc…

Lớn lên trong bão táp cách mạng, với những kiến thức và kinh nghiệm đã tích luỹ, nhà báo Hồng Hà từng được Trung ương giao trọng trách Ủy viên Thường trực tổ biên tập Văn kiện Đại hội IX, Đại hội X của Đảng và nguyên là Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương,

Với nhà báo Hồng Hà, công tác báo chí, ngoại giao, hay lý luận luôn đan xen, bổ sung cho nhau. Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; và như ông tự bạch: chính nghề báo đã giúp ông rất nhiều để trưởng thành.

"Tháng 7/1946, chúng tôi lấy tư liệu viết bài tố cáo vụ thảm sát do bọn Quốc Dân đảng gây ra ở số 7 Ôn Như Hầu, một trong những hang ổ của chúng ở Hà Nội. Tôi vẫn nhớ hình ảnh các chiến sĩ Công an ta đào đất tìm hố chôn người do bọn Quốc Dân đảng bắt về ngôi nhà này để tra tấn và thủ tiêu. Người dân Hà Nội đến xem rất đông và càng nghê tởm bọn đảng phái phản động".

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà báo - nhà văn, viết văn - viết báo

    21/06/2016Văn GiáMấy năm gần đây, thỉnh thoảng trong báo giới và văn giới của ta lại thấy vẩn lên câu chuyện: Nhà báo viết văn và nhà văn viết báo. Vế thứ nhất gần như mặc nhiên và được xem là thuận chiều, không có gì cần bàn lắm. Chủ yếu là ở về thứ hai. Có một số nhà văn tuyên bố ra miệng rằng: viết báo đối với họ chẳng qua là nghề tay trái, là “lấy ngắn nuôi dài”, là lo cái chuyện độ nhật... mà thôi.
  • Cách mạng tháng Tám: những con người làm nên lịch sử

    01/09/2014Đoan TrangCách mạng tháng Tám 1945 là một cuộc hồi sinh vĩ của một dân tộc đoàn kết: thực sự đoàn kết, biết đoàn kết và đoàn kết đúng lúc, kịp thời. Hồi tưởng lại những tháng ngày sôi sục khí thế đấu tranh đó, chúng ta không thể bỏ qua vai trò lịch sử của những con người đã góp phần hội tụ của các nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc tại thời khắc bước ngoặt lịch sử...
  • Lãnh đạo phi cách mạng

    18/10/2010Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupLịch sử phát triển của nhân loại đã trải qua những bước chuyển mình đầy ý nghĩa như là hệ quả của rất nhiều cuộc cách mạng vĩ đại và tất yếu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người ta đã buộc phải nhìn lại vai trò của những cuộc cách mạng bằng một đầu óc tỉnh táo và một con mắt khách quan hơn, toàn diện hơn. Điều này phản ánh những thay đổi về chất không chỉ của thế giới mà cả của tư duy lãnh đạo...
  • Bản lĩnh và trí tuệ thao lược của Cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại còn sống động mãi hôm nay

    21/08/2009TS. Hồ Bá ThâmBài học lịch sử dù là bài học thành công hay thất bại thì từ chiều sâu của nó, nếu chúng ta biết phân tích, vận dụng sáng tạo thì luôn luôn là áng sáng soi đường cho hiện tại và tương lai. Bài học Cách mạng Tháng Tám là bài học thành công có nghĩa như thế...
  • Cách mạng, văn hóa và giáo dục

    17/07/2009Nguyên NgọcGần đây có người hỏi tôi muốn nói cụ thể điều gì khi nhấn mạnh yêu cầu tự trị đại học? Tôi hiểu tự trị đại học theo đúng tinh thần đó. Cách mạng, chính trị là vô cùng quan trọng. Nhưng chỉ có văn hóa, chỉ có văn học nghệ thuật, chỉ có giáo dục mới xây dựng nên được con người thật sự tự do. Giáo dục có tính độc lập của nó, sau cách mạng và chính trị. Nếu không thì sự “cởi trói” mà cách mạng và chính trị đem lại … cũng chẳng để làm gì. Xin nhắc lại: Đây chính là ý của Hồ Chí Minh.
  • “Dân chủ là một hiện tượng văn hóa”

    10/04/2009Hoàng Ngọc HiếnGiữa thế kỷ XIX, Alexis de Tocqueville (1805 - 1859) xuất hiện như là
    "lương tâm" của trung thế kỷ; ngày nay hai công trình cơ bản của ông Về
    dân chủ (De la democratie) (1835 - 1840) - bản dịch tiếng Anh có nhan
    đề là "Về dân chủ ở Mỹ", "Chế độ cũ và cách mạng" (L'ancien regime et la
    revolution) (1856) được nhìn nhận là những tác phẩm khoa học có giá trị
    kinh điển. Đặc biệt công trình "Về dân chủ" chứng tỏ tác giả có cách nhìn
    khoa học sâu sắc và sáng suốt lạ thường trong việc nghiên cứu xã hội Mỹ
    cũng như trong suy tư triết học về viễn cảnh chế độ dân chủ và lý tưởng
    dân chủ.
  • Cuộc cách mạng tâm lý Gnosis

    27/01/2009Samael Aun WeorTrong xã hội hiện đại, khoa học kỹ thuật phát triển gần như đột biến, lượng của cải vật chất được sản xuất mỗi lúc một nhiều, giá rẻ và vô cùng tiện lợi, khiến cho con người dễ bị cuốn hút vào vòng xoáy của những tiện nghi vật chất. Vào gần cuối thế kỷ XX, xuất hiện một hiện tượng, mà các triết gia đặt cho nó cái tên là "Chủ nghĩa tiêu dùng"...
  • Đổi mới, cải cách và cách mạng

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtThời đại trước, phương pháp lãnh đạo bằng cách mạng đã từng đóng một vai trò rất quan trọng, thậm chí một số nước còn tuyệt đối hóa vai trò của nó trong việc thúc đẩy tiến bộ xã hội. Thế giới ngày nay đã có những thay đổi cơ bản và việc lãnh đạo bằng phương pháp cách mạng không còn phù hợp nữa, cần phải phát triển bằng một phương pháp lãnh đạo mới, phương pháp lãnh đạo phi cách mạng...
  • Phản thân trong Lịch sử

    12/11/2007SorosTôi đã diễn giải các thị trường tài chính như một quá trình lịch sử không thuận nghịch; vì thế diễn giải của tôi cũng phải có tính thoả đáng nào đó đối với lịch sử nói chung. Tôi đã phân các sự kiện thành hai loại: các sự kiện buồn tẻ thường nhật không gây ra một sự thay đổi về nhận thức, và các sự kiện lịch sử, duy nhất ảnh hưởng đến thiên kiến của người tham gia và, đến lượt nó, dẫn tới thay đổi về những cái căn bản
  • Đi tìm cái tôi đã mất

    26/09/2007Tuỳ bút chính trị Nguyễn Khải, 27/5/2006Sang tuổi 70, mọi hoạt động của con người đều chậm, đều kém, riêng cái chuyện viết lách của tôi vẫn giữ được phong độ gần như xưa, vẫn viết rất nhanh, riêng cái nhìn thì trào lộng nhiều hơn, ngậm ngùi nhiều hơn. Nó là thứ hương vị thơm ngát chắt ra từ hơn bảy mươi năm được làm người...
  • Truyền thông đang “xâm lấn” báo chí

    20/06/2006Lê ThăngTháng 5 vừa qua, Đại học Tự do Bruxelles đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Các nhà báo thời kỳ công nghệ thông tin và truyền thông (ITC): Những thách thức về đạo đức báo chí”. Tham dự hội thảo này có các nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí từ châu Mỹ, châu Phi, châu Âu và châu Á (PV Báo Lao động tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo)...
  • Tôn Trung Sơn – Nhà cách mạng, nhà triết học

    16/03/2006Nguyễn Băng TườngTôn Trung Sơn nêu lên cương lĩnh của chủ nghĩa Tam dân: dân tộc, dân quyền và dân sinh. Năm 1911, ông lãnh đạo cách mạng Tân Hợi, cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở Trung Quốc...
  • Cách mạng thông tin – công nghệ và nền văn minh

    12/12/2005PGS, TS. Phạm Thị Ngọc TrầmKết quả của quá trình biến đổi vật chất, năng lượng, thông tin do trí tuệ và lao động được định hướng bởi trí tuệ đó của con người đã tạo nên các cuộc cách mạng thông tin - công nghệ và cùng với chúng là sự thay đổi của nền văn minh nhân loại...
  • xem toàn bộ