Từ tật xấu của người Việt nghĩ về xã hội văn minh

10:31 CH @ Thứ Ba - 22 Tháng Tư, 2014

Để diệt tận gốc, cải tạo tính xấu của người dân xứ sở mình thì cần phải nghĩ về một xã hội văn minh, hiểu về xã hội văn minh và biết cách làm thế nào để hình thành một xã hội văn minh...

Bởi lẽ, nghĩ về cái tốt và hình thành cái tốt luôn là cách hữu hiệu nhất để đẩy lùi và triệt tiêu cái xấu.

Fukuzawa Yukichi - nhà khai minh vĩ đại của Nhật Bản thời Duy Tân Minh Trị, người đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nền móng cho sự thịnh vượng và văn minh của nước Nhật sau này - cho rằng một xã hội chỉ được xem là văn minh khi đạt được cả tiện ích vật chất lẫn sự phong phú trong đời sống tinh thần con người. Nhưng cái tạo ra tiện ích vật chất và đời sống tinh thần của con người lại chính là trí tuệ và đạo đức.

Đạo đức: "tòa án lương tâm" mới là đáng sợ

Trước hết, ta thử tìm hiểu về khái niệm “đạo đức”. Có thể nói đạo đức vừa là “chân thắng” ngăn chặn hành động của ta và cũng là “chân ga” thôi thúc ta hành động. Thứ ngăn ta lại là thứ làm cho ta sợ hãi và thứ thôi thúc ta hành động là thứ làm cho ta cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Và đây chính là hai thứ chi phối hành vi của con người ta nhiều nhất và mạnh mẽ nhất. Vậy người ta sợ hãi cái gì và người ta hạnh phúc vì điều gì?

Đối với một người có đạo đức, họ cũng sợ sự trừng phạt của nhà nước nếu làm trái pháp luật và sợ điều tiếng của xã hội nếu làm gì trái đạo lý. Nhưng đó không phải là điều đáng sợ nhất. Điều đáng sợ nhất đối với một người có đạo đức là sự giày vò bản thân khi mình làm những chuyện đi ngược lại lương tâm của chính mình, phản bội lại lẽ sống và nguyên tắc sống mà mình muốn theo đuổi và có cảm giác đánh mất chính mình.

Như vậy, đối với người có đạo đức, “tòa án lương tâm” còn đáng sợ hơn cả “tòa án nhà nước” và “tòa án dư luận”. Họ thường đối diện với lương tâm và phẩm giá của bản thân, đối diện với con người bên trong của mình để hành động hơn là đối diện với sự răn đe của luật pháp hay sự phán xét của dư luận bên ngoài. Khi được lương tâm dẫn dắt, con người sẽ trở nên hướng thiện và hướng thượng hơn.

Do đó, họ sẽ khó có thể làm việc xấu, việc sai, ngay cả khi việc xấu, việc sai đó rất có lợi cho mình và nếu có làm thì cũng không sao cả, vì việc xấu, việc sai đó đã trở nên phổ biến và bình thường với mọi người.

Chẳng hạn, một người có đạo đức khi vào làm cho một công ty mà ai cũng chăm chỉ thì họ cũng chăm chỉ, nhưng nếu làm ở một nơi mà ở đó ai cũng làm biếng thì họ vẫn cứ làm việc hết mình, vì con người của họ vốn dĩ là như thế.

Họ làm vậy vì phẩm giá của họ và vì lương tâm chức nghiệp của họ. Ngược lại, nếu không được sống đúng với con người của mình, với sự tự trọng, họ sẽ xin nghỉ việc và tìm một nơi khác, chứ không chấp nhận sự thỏa hiệp đến mức phản bội chính mình để rồi mình không còn là mình nữa.

Hay như một ví dụ khác, “tôi từ chối nhận phong bì vì tự tôi cảm thấy khó chấp nhận được điều đó, dù rằng tôi đang rất cần tiền và nếu tôi có nhận phong bì thì cũng không sao, vì ở đây ai cũng nhận phong bì cả”.

Và đối với một người có đạo đức, họ cũng rất hạnh phúc khi có sự ghi nhận, sự mến trọng hay sự ngưỡng mộ của người khác dành cho mình, nhưng đó không hẳn là hạnh phúc lớn nhất. Hạnh phúc lớn nhất của một người có đạo đức là niềm tự hào sâu kín và riêng tư từ bên trong con người của họ về những việc mà họ làm, về những điều mà họ theo đuổi.

Với niềm tự hào sâu kín này, người có đạo đức thường rất tự do khi hành động (được dẫn dắt bởi nội tại hơn là bị chi phối từ bên ngoài), họ cũng sẵn lòng làm điều tốt, điều đúng mà không hề để ý đến chuyện có ai biết hay ghi nhận việc mình làm hay không.

Chẳng hạn, có hai chị em, cô chị 18 tuổi và cậu em 10 tuổi. Hai chị em được một người cho hai cái bánh rất ngon, một cái lớn và một cái nhỏ. Cô chị biết nếu được chọn trước thì cậu em sẽ chọn cái bánh lớn, như thế sẽ biến em mình thành một người tham lam. Thêm nữa, cô chị cũng rất muốn nhường cái bánh lớn nhưng lại không muốn cậu em e ngại vì được nhường.

Với nhận thức và suy nghĩ như vậy, cô chị đã lén lấy cái bánh nhỏ để ăn và để lại cái bánh lớn cho cậu em. Khi thấy cậu em ăn cái bánh lớn một cách ngon lành, cô chị thầm hạnh phúc và rất tự hào vì đã làm được điều gì đó rất hay ho cho cậu em thân yêu của mình.

Niềm tự hào sâu kín này, hạnh phúc bên trong này chắc hẳn còn lớn hơn cả hạnh phúc nếu như cậu em biết và ghi nhận.

Trí tuệ văn hóa là tay lái

Và bây giờ ta thử lạm bàn về khái niệm thứ 2, đó là “trí tuệ”. Trí tuệ có thể được chia làm 2 loại, đó là trí tuệ về văn hóa và trí tuệ về chuyên môn. Trong đó, trí tuệ chuyên môn (là trí tuệ để làm việc, làm nghề: như kiến thức của bác sĩ, kỹ sư, kiến thức quản trị của doanh nhân…) thì dễ hình dung hơn là trí tuệ văn hóa (còn gọi là trí tuệ để làm người).

Trí tuệ văn hóa thường liên quan tới 3 câu hỏi hơi triết học, hơi luân lý một chút nhằm minh định bản chất sự việc là “cái gì? tại sao? và để làm gì?”, còn đạo đức lại thường liên quan đến câu hỏi có tính lựa chọn hơn, đó là “nên hay không?”.

Với cách hiểu về trí tuệ và đạo đức như vậy, và nếu ví con người là một cỗ xe thì ta có thể nói rằng đạo đức là “chân thắng” và “chân ga”, còn trí tuệ văn hóa sẽ là “tay lái” và trí tuệ chuyên môn là “con đường dài”.

Nếu chân thắng hỏng thì có nguy cơ lao xuống vực sâu, còn nếu chân ga hư thì không thể vượt qua đèo cao. Nếu tay lái hỏng thì dù chân ga và chân thắng đều xịn (luôn muốn sống tốt, sống thiện) thì vẫn lầm đường lạc lối. Và dù có chân ga, chân thắng và tay lái tốt, nhưng nếu không có con đường dài thì cũng không thể đi xa.

Như vậy, cả trước mắt cũng như lâu dài, trí tuệ và đạo đức là giải pháp căn cơ nhất không chỉ để triệt diệt thói hư tật xấu của cá nhân và cộng đồng, mà còn giúp hình thành nên con người văn minh và khi có nhiều con người văn minh thì sẽ hình thành nên xã hội văn minh.

Con đường duy nhất để hình thành trí tuệ và đạo đức đó chính là giáo dục, bao gồm cả giáo dục của gia đình, giáo dục của nhà trường, giáo dục của xã hội và nhất là giáo dục tự thân. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng không phải thứ giáo dục nào cũng có thể hình thành nên con người đạo đức và trí tuệ.

Chỉ có thứ giáo dục khai phóng mới có thể hình thành nên con người khai minh với đầy đủ đạo đức và trí tuệ, từ đó mới có thể sống một cách tự do và đầy trách nhiệm. Còn giáo dục u minh thì sẽ tạo ra con người u minh hay vô minh (ấu trĩ, ngộ nhận, dốt mà không biết mình dốt, sai mà không biết mình sai, xấu mà không nghĩ mình xấu).

Việc khai phóng và cải tạo bản thân sẽ do mỗi người tự chịu trách nhiệm. Giáo dục khai phóng trong gia đình sẽ do ông bà, cha mẹ quyết định và giáo dục khai phóng trong nhà trường hay cơ quan sẽ do người thầy hay người sếp quyết định.

Còn để có giáo dục khai phóng cho toàn xã hội thì cần phải có một công cuộc canh tân văn hóa - giáo dục sâu rộng và dài lâu. Điều này chủ yếu lại nằm trong tay của các nhà quản trị quốc gia, đồng thời cũng tùy thuộc nhiều vào cái công nghệ quản trị quốc gia mà mình lựa chọn.

Nguồn:Tuổi trẻ
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chỉ văn minh phần xác

    26/01/2021Lâm ViệtNhững vật vô tình đã dần làm chúng ta mất đi nhân tính. Chúng ta nâng niu chúng nhưng lại quay lưng vô cảm với đồng loại. Đó là mặt trái của công nghệ, hay đó là một câu trả lời thật đơn giản: Nếu không lấy văn hóa làm nền tảng, con người sẽ sống ngày càng man rợ!
  • GS Chu Hảo: Một nửa văn minh là... không văn hóa!

    05/07/2016Hoàng Hạnh (thực hiện)Người ta thường hay nói, một nửa cái bánh mỳ vẫn là cái bánh mỳ, còn một nửa sự thật có khi là sự giả dối,. “Một nửa văn minh” ở đây chắc là cái gì đó còn tệ hại hơn. Đó là thói ích kỷ, vô trách nhiệm, thiếu văn hóa. – GS Chu Hảo thẳng thắn.
  • Học từ “văn minh hóa” của người Nhật

    26/06/2016Vu GiaLãnh đạo các phong trào Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục… đều đánh giá cao sự nghiệp “văn minh hóa” của Nhật Bản, coi đó là tấm gương cho Việt Nam trong sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí, hướng tới cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc...
  • Văn minh tân học sách - Cương lĩnh hành động của Đông Kinh Nghĩa Thục

    20/11/2015Chương ThâuTrước đây, trong công trình nghiên cứu VĂN THƠ CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX (Nxb Văn hóa, Hà Nội 1961) Giáo sư Đặng Thai Mai có viết: “Những thi ca do Đông Kinh Nghĩa Thục phát động và phổ biến có một ý nghĩa rất quan trọng...
  • Để phân biệt người Hy Lạp văn minh với người man di mọi rợ

    20/05/2015Nguyễn An NinhNền văn minh hiện nay quả thật là một sự đáng xấu hổ. Cho tới bây giờ loài người luôn luôn rêu rao lên như một điều chân lý: con người khác với con vật vì hơn con vật ở chỗ có khối óc biết suy nghĩ và có trái tim biết thương cảm, trong khi thật ra con người khác với con vật vì lẽ giản dị là con người nói láo, con vật thì không nói láo...
  • Vì hạnh phúc Người Việt: Cần cam kết một “khế ước văn minh”

    08/06/2014Võ Thị HảoSau một phần tư thế kỷ thực hiện chủ trương Đổi mới, thực hiện mở cửa, thể chế quản lý xã hội và sự đa phương hóa của chúng ta đã được cải thiện. Sự thay đổi này cũng có thể đánh giá như một hành vi khai sáng ban đầu được áp dụng ở tầm quốc gia...
  • Văn minh hại người

    20/10/2014Tâm Hòa (Theo N and M số42/09)Tại sao chúng ta mắc bệnh? Theo các nhà khoa học chuyên nghiên cứu tiến hóa, đa số bệnh tật hành hạ chúng ta không chỉ vì lý do cơ thể chúng ta không thích nghi với thế giới hiện đại. Thế nhưng nếu ai đó giảm thiểu tình trạng không thích nghi đó bằng hoạt động thể thao, áp dụng chế độ dinh dưỡng thích hợp và tránh giữ vệ sinh thái quá - có thể kéo dài đáng kể tuổi thọ.
  • Chúng ta đang "thừa" văn minh, thiếu văn hóa?

    02/08/2014Bùi Đình PhongPhân biệt văn minh với văn hóa chỉ là tương đối, vì đây là những khái niệm, tuy không đồng nhất, nhưng gần gũi, có liên quan mật thiết với nhau. Ngày nay người ta nói tới văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Còn thông thường, nói tới văn minh người ta thiên về giá trị vật chất, còn văn hóa chứa cả giá trị vật chất và tinh thần. Văn hóa là nói tới phương thức sử dụng và giàu tính nhân bản. Văn minh hướng tới kỹ thuật, sự tiện lợi trong cuộc sống...
  • Nghĩ về thứ văn hóa mà không thể hướng tới văn minh

    22/04/2014Nguyễn Tất ThịnhRất nhiều người cùng chung thứ văn hóa ‘làng xã’ đó mà tranh chấp, chửi đánh nhau bể đầu, rất khó dung nạp nhau, khó hòa hợp vào các chuẩn mực chung, mà lại có khuynh hướng bài xích, tẩy chay những người khác họ. Trong khi có nhiều người ở một thứ văn hóa khác thế, nhưng sống trong xã hội văn minh, lại biết tôn trọng, dung nạp, hòa hợp...
  • Tản mạn về văn minh và văn hoá

    24/02/2011TS. Phạm Duy NghĩaNgày xưa các cụ thường bảo người Tây chỉ hơn ta vì họ giỏi cái văn minh cơ khí, chứ còn phương Đông nghìn năm thâm trầm và huyền bí, nền văn trị, dùng văn để giáo hoá con người, tức là văn hoá của ta chẳng dày gấp mấy lần xứ họ...
  • Văn minh Chính trị

    23/08/2010Nguyễn Tất ThịnhNhư tôi từng viết : một cá nhân, cộng đồng, xã hội có thể có văn hóa cùng bề dày lịch sử của nó, nhưng không có nghĩa sẽ dẫn đến được sự văn minh. Tôi cũng đã viết rằng bản thân Chính trị không tự giác văn minh mà trình độ phát triển xã hội buộc nó phải văn minh lên…
  • Đông Á, Tây Âu hai văn minh có thể dung hòa được không?

    13/01/2010Phạm QuỳnhSong sự dung hòa ấy có thể làm được không?- Người mình có thể kén chọn trong hai văn minh cái gì hay thì lấy, cái gì dở thì bỏ, để bắt chước lấy những phương thuật khéo, máy móc tài của Thái Tây, mà vẫn giữ được cái tinh thần cũ, luân lí xưa của nòi giống?
  • Văn minh luận

    21/10/2009Phạm QuỳnhVăn minh là đối với dã man. Chữ “văn minh” là một chữ mới. Tuy trong kinh Dịch đã có câu, nhưng dùng theo nghĩa mới để dịch chữ Tây civilisation thời mới bắt đầu tự người Nhật Bản. Người Nhật dùng trước (đọc là bunmei), người Tàu theo sau, rồi người ta bắt chước, ngày nay thành một chữ rất thông dụng.
  • xem toàn bộ