Từ chuyện “chôm” của công đến ý thức cộng đồng

09:52 SA @ Thứ Tư - 20 Tháng Chín, 2006

Vụ trộm hơn 3,4 tấn thép trụ cầu Vĩnh Tuy của nhóm thanh thiếu niên mới đây được ưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng có vẻ như không mới. Đơn giản là vì những vụ trộm cắp tương tự như vậy cũng đã xảy ra và số tiền mà bọn trộm thu được không lớn nhưng hậu quả về mặt kinh tế thì thật khó lường...

Chuyện nhỏ?

Không chỉ ở riêng công trình giao thông mà rất nhiều công trình công cộng, kể cả các công trình trọng điểm quốc gia khác như điện lực, đường sắt... vẫn liên tục có những vụ trộm "nho nhỏ" như vậy. Mấy năm trước, đường dây 500 KV Bắc - Nam, một công trình quốc gia bị kẻ gian vặn ốc vít đế bán sắt vụn. Hai cột điện cao thế 110 KV lưới điện lên Móng Cái bị mất 7thanh giằng, cột điện bị xoắn rất nguy hiểm. Rạng sáng 7/5/2005, Công an huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, bắt quả tang Nguyễn Văn Siêu (1971) đang tháo trộm thanh giằng rầm cầu Đồng Vai (km 30+819 đường Hồ Chí Minh). Nạn rải đinh nhằm "đánh bẫy" người tham gia giao thông rộ lên từ Bắc đến Nam, những kẻ kiếm tiền vô nhân tính đã đang tâm làm những việc tàn nhẫn mà không cần biết hậu quả của nó. Rồi nạn trộm cắp thiết bị an toàn giao thông trên tuyến đường PhápVân - CấuGiẽ. Tổng cộng ở địa bàn huyện Thường Tín, kẻ gian đã lấy đi 13.753m dây thép gai, 30 cột bê tông xi măng, 32 đệm U, cột tôn sóng, 22 ống nước, đai thép. CầuBính (HảiPhòng) mất hơn 1.000 ê-cu ngay sau ngày cắt băng khánh thành. Trước đó không lâu trên một đoạn đường mới khánh thành, bao nắp cống bị lật đập nát cũng để... lấy sắt vụn. Cầu Chương Dương Hà Nội bị kẻ gian treo mình dưới gầm, tháo đến hơn 70 thanh giằng, bán sắt vụn...

… mà hậu quả không nhỏ

Ngày xưa ăn cắp bị phạt đánh đòn

Ở các vụ trộm trên. những thứ bọn trộm cắp thu được chẳng đáng là bao, nhưng hậu quả của việc đó quả là không nhỏ chút nào. Ai cũng biết, cốt thép trong bê tông là thành phần chính để chịu lực khi cấu kiện làm việc. Việc cắt những cốt thép trong trụ cầu là hành động phá hoại lớn, nhất là ở những công trình huyết mạch quan trọng của đất nước. Điều gì sẽ xảy ra, nếu những công trình đó hư hỏng sụp đổ khi đang vận hành với hàng loạt người đang tham gia giao thông trên đó nếu sự việc trộm cắp trên không được phát hiện và khắc phục kịp thời? Thật là một hiểm họa khó lường.

Việc rải đinh trên đường cao tốc có thể họ được lợi một vài chục ngàn đồng của người điều khiển phương tiện khi đính phải. Nhưng khi phương tiện đang tham gia giao thông với tốc độ lớn, thì tính mạng con người bị đe dọa nghiêm trọng. Đơn giản hơn, những tấm nắp hố ga, những chiếc nắp cống, những thiết bị an toàn giao thông bị lấy đi không được sử dụng đúng mục đích của nó. trị giá không lớn khi bị biến thành sắt gang vụn nhưng hậu quả của những việc làm trên đến đâu cho xã hội khi vì thiếu những thiết bị đó mà tai nạn xảy ra?

Chưa nói đến những hậu quả sau này nếu những hành động đó không được khắc phục triệt để mà ngay cả khi đã bị phát hiện, việc khắc phục những hành động trộm cắp đó cũng không dễ dàng: Những trụ cầu Vĩnh Tuy bị cắt cụt thép phải đập bỏ các dầu trụ bằng bêtông cường độ cao để hàn nối lại. Việc hàn nối cũng không đơn giản vì nguyên tắc không thể cho phép hàn cùng trên một tiết diện khi bị cắt cụt bằng chằn chặn. Như vậy ngoài hàng chục triệu đồng để khắc phục, chất lượng công trình ít nhiều bị ảnh hưởng, tiến độ thi công bị chậm lại mà chậm một ngày đưa vào sử dụng với những công trình huyết mạch, là một sự lãng phí tiền bạc và nhiều thứ chi phí cơ hội đi theo.

Đâu là trách nhiệm với cộng đồng

C.Mác đã từng nói: "...Chỉ có loài lang sóimới quay lưng lại vớinỗi đau của đồng loại để chăm sóc cho bộ da của mình...".Thái độ và nhận thức coi là bình thường với các hiện tượng trộm cắp của công bất chấp hậu quả, chỉ vì những cái lợi nhỏ nhoi ích kỷ cho riêng mình là điều đáng báo động. Tìm hiểu những vu việc trộm cắp gây hoặc có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Vì những mối lợi nho nhỏ mà chúng bất chấp tất cả, không cần biết hành động của mình sẽ gây hậu quả như thế nào cho cộng đồng.

Không chỉ là những kẻ đã đang tâm trộm cắp, phá hoại những tài sản công cộng, mà những hành động coi thường kỷ cương đã được thế hiện bằng luật pháp, bằng những ước lệ, truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng là điều không thể thờ ơ. Việc vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông, việc không thực hiện những nếp sống văn minh nơi công cộng, nơi dân cư, không giúp đỡ người khi hoạn nạn... Rất hiếm những cảnh nhường chỗ cho người già cả, phụ nữ có con nhỏ trên xe buýt hay đấu tranh triệt để chống nạn trộm cắp của công hoặc của cá nhân, mặc kệ nạn nhân mà không cần can thiệp. Những hành vi đó đều là những vấn đề có liên quan với chính những nét văn hóa của mỗi người trong việc nhận thức về ý thức cộng đồng của họ.

Hiện tượng đó không chỉ là một con người riêng lẻ, mà nhiều khi còn là cả một tập thể, một cơ quan Nhà nước hẳn hoi cũng thiếu đi những điều đó.

Nhiều lần đi trên những đoạn đường thi công dở dang, chúng tôi đã chứng kiến nhiều tai nạn do việc đơn vị thi công làm xong 1/2 con đường, phần còn lại giữa đường cũ và dường mới là một con chạch như một cái bẫy. Một nhà máy hằng ngày phun bụi khói vào khu dân cư, người dân bị ô nhiễm nặng nhưng không ai xử lý, đó là những hành động coi nhẹ ý thức cộng đồng.

Đất nước ta có hàng ngàn năm văn hiến, biết bao nhiêu truyền thống tốt đẹp được vun đắp, được đào luyện thành lẽ sống, thành những nếp văn hóa của dân tộc. Hiện tượng thờ ơ, quay lưng lại những lợi ích chung của cộng đồng là điều trái với truyền thống. Từ xa xưa, những lời dạy của cha ông: Giấy rách phải giữ lấy lề. Đóicho sạch, rách cho thơm...và những hành động bị lên án: Cháy nhàhàng xóm bình chân như vại…nhằm giáo dục con người phải có ý thức cộng đồng trong mọi mặt cuộc sống.

Rất nhiều những vụ trộm tài sản công cộng, những vụ việc vi phạm các qui định, những tập tục tết đẹp có thủ phạm là các trẻ nhỏ. Thậm chí những vụ án mạng, những vụ trộm cắp động trời tài sản công dân và tài sản Nhà nước được thực hiện bởi những băng "trộm nhí".

Những vấn đề nêu trên buộc chúng ta liên tưởng đến một yêu cầu đặt ra không nhỏ: Giáo dục ý thức cộng đồng cho công dân, mà trước hết là lớp trẻ. Nền giáo dục nước nhà đã trải qua nhiều cuộc cải cách, môn giáo dục công dân đã được đưa vào trường học từ khá lâu Thế nhưng điều không thể phủ nhận là hiện tượng xem nhẹ và thiếu ý thức cộng đồng ngày càng xuất hiện nhiều, phải chăng đây là một nghịch lý? Tất nhiên, việc giáo dục một con người không thể chỉ "khoán trắng" cho nhà trường, cạnh đó còn môi trường gia đình và xã hội.

Môi trường gia đình và xã hội, cách hành xử của những người lớn là những tấm gương lớn cho lớp trẻ noi theo hơn bất cứ một bài giảng nào. Thật đáng tiếc đã có quá nhiều tấm gương làm cho hình ảnh người lớn trong tâm trí trẻ thơ bị xấu đi nghiêm trọng. Trong xã hội hiện nay, khi mà tệ nạn tham nhũng ăn cắp của công là một quốc nạn, việc giáo dục ý thức cộng đồng cho công dân càng khó khăn bội phần. Không thể dạy dỗ trẻ em trong sạch, khi chính mình là người ăn cắp của công. Khó có thể giáo dục các em có cuộc sống lành mạnh, khi chính người lớn làm nhiều điều đi ngược lại với những truyền thống tốt đẹp. Tính trung thực, tự giác, lòng tự trọng của mỗi con người là điều hết sức cần thiết và đáng qúy cho ý thức cộng đồng phát triển..

Xin được dẫn một câu chuyện để suy ngẫm: Một cô gái điếm bán thân nuôi miệng, tội lỗi của họ cũng chỉ là những cuộc mua bán trái pháp luật lấy một vài trăm nghìn và họ là người hứng chịu hậu quả nhiều nhất. Nhưng họ còn biết xấu hổ khi bị bắt, bị chụp ảnh, ghi hình họ còn lấy tay che mặt. Vậy mà những ông quan tham nhũng, làm hại đến hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng ngàn tỷ đồng của nhân dân, vẫn cứ nhơn nhơn, khệnh khạng đi lại, nói năng như thời vàng son của mình trước tòa án. Bệnh liệt kháng về sự xấu hổ và lòng tự trọng đã phát triển đến mức đó, thì việc giáo dục cho lớp trẻ là điều không dễ dàng.

Không có ý thức cộng đồng, đó là điều không bình thường trong một xã hội văn minh có truyền thống văn hiến. Đừng để những hành vi không bình thường đó trở thành những điều "bình thường" trong xã hội chúng ta.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: