Qua "Mãi mãi tuổi hai mươi" và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" – nghĩ về văn hóa đọc

09:50 SA @ Thứ Tư - 07 Tháng Chín, 2005

Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã lập một kỷ lục về phát hành sách và làm cho những ai đang quan tâm tới “văn hóa đọc” ở Việt Nam hôm nay phải suy ngẫm, vì hình như…

Sự tràn lấn của “văn hóa nghe - nhìn", sự thờ ơ với sách văn chương khi mỗi cuốn chỉ in trên dưới một nghìn bản mà vẫn chỏng chơ trên quầy sách, rồi sự thiếu vắng các cuốn sách đạt tầm cỡ "gối đầu giường", sự thiếu hụt tri thức văn học của lớp trẻ...: Đó là những nguyên nhân lâu nay thường được viện dẫn mỗi khi ai đó muốn chứng minh "văn hóa đọc” ở Việt Nam đang xuống cấp.

Rồi để kéo người đọc đến với văn chương, nhiều thủ pháp tiếp thị nhằm “đóng đinh" một hay vài ba tác phẩm nào đó "vào đầu” người đọc đã được triển khai.

Hệ quả là các bìa sách ngày càng hiện đại và sang trọng; giấy in tốt hơn, ngôn từ được sử dụng để "lăng-xê" tác phẩm - tác giả cũng trở nên hoành tráng, quyến rũ và cũng... "đại ngôn" hơn.

Còn về phía tác giả, tình hình vẫn chưa thấy sáng sủa, bởi các "trò chơi hình thức" ngày càng trở nên rắc rối, bởi có nhà văn cố vượt qua chính mình và qua đó hy vọng vượt qua đồng nghiệp bằng cách "xông" vào các bi kịch có pha chế thêm chút "sexy” cho mùi mẫn, có nhà văn lại "tìm tòi sáng tạo" bằng lối viết một tác phẩm mà trong đó câu chữ hoàn toàn không có dấu, như khi người ta chat hoặc gửi email cho nhau... Nghĩa là theo tôi, hiện tại đang có cây bút văn chương đang viết như một cách "tự lừa dối mình" chứ chưa say mê sáng tạo; nghĩa là có những cây bút đang viết vì "danh", chứ không vì văn chương...

Vậy mà "đùng" một cái, sự có mặt của Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm lại làm xôn xao dư luận, và nếu tính về số lượng phát hành thì tác giả của hai cuốn sách - anh Nguyễn Văn Thạc và chị Đặng Thùy Trâm, những người viết cho chính bản thân mình - hiện lại đang ở thế "thượng phong" so với hàng nghìn cây bút viết văn đương thời.

Xét từ tính mục đích, Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm viết nhật ký cho mình và chỉ cho mình mà thôi . Anh Thạc, chị Trâm không viết cho bạn đọc, và hiển nhiên không nghĩ tới một ngày nào đó cuốn nhật ký sẽ được xuất bản.

Họ ghi chép công việc hàng ngày, ghi chép những sự việc, những con người đã gặp, đã biết trên dặm đường chiến tranh, và họ gửi vào dòng nhật ký những tâm tư, suy nghĩ sâu lắng nhất về bản thân mình, về gia đình, về cộng đồng... Vì thế người đọc "bị" hai cuốn nhật ký lôi cuốn trước hết không phải do các yếu tố văn chương, mà do tính chân thực, sự trong sáng của tâm hồn, cốt cách và bản lĩnh của người viết...

Qua mỗi trang nhật ký, hình ảnh về hai con người sống có lý tưởng trong thời đại của họ đã hiện ra rõ nét và hấp dẫn, đến mức họ trở thành những con người - nhân vật.

Có một lý do không thể phủ nhận, hai cuốn nhật ký trở thành best-seller là do được báo chí quảng cáo rầm rộ.

Về phần mình tôi cho rằng, nếu hai cuốn sách không thật sự có ý nghĩa, thì dù quảng cáo thế nào cũng không thể lôi cuốn người đọc đến với chúng, nhất là trong điều kiện người đọc đã có bước phát triển trong năng lực tiếp nhận và thụ cảm thẩm mỹ. Họ không dễ dàng bị lóa mắt trước những "giá trị giả", những "hư cấu chủ quan"...

Thiết nghĩ, nếu có thể coi "Mãi mãi tuổi hai mươi" và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" là hiện tượng cho thấy văn hóa đọc ở Việt Nam hình như “chưa xuống cấp", thì có thể đưa ra một gợi ý: phải chăng muốn lý giải vì sao người đọc thờ ơ với văn chương thì trước hết cần đi tìm nguyên nhân từ người viết? Và nếu có thể coi tác phẩm văn chương cũng là một loại hàng hóa thì hãy xem “hàng hóa - văn chương” ấy là loại hàng hóa có chất lượng như thế nào và nhu cầu trình độ của "người tiêu thụ - bạn đọc" ra sao?

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 2 cuốn nhật ký: Có thể so sánh với Sống như Anh

    07/09/2005Giám đốc NXB Hội Nhà văn, nhà văn Nguyễn Phan Hách khẳng định hiệu ứng của nhật ký Đặng Thùy Trâm chỉ có thể so sánh với sức sống mãnh liệt của “Sống như Anh” (Thái Duy), “Người mẹ cầm súng” (Nguyễn Thi) thời chống Mỹ...
  • Giá trị đích thực của lẽ sống tuổi trẻ VN

    07/09/2005Nguyên Tổng bí thư Lê Khả PhiêuNguyên Tổng bí thư LÊ KHẢ PHIÊU cho biết: "Khi trên báo Tuổi Trẻ trích đăng nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, tôi đã đọc, cắt và đóng lại theo tập. Sau đó, tôi chuyển cho vợ, các con và các cháu tôi cùng đọc. Vợ tôi nói “hay quá, cảm động quá”. Chuẩn bị chuyến đi công tác miền Trung khá dài ngày, tôi cứ Io sẽ không được đọc tiếp.Nhưng trước khi đi, tôi được tin nhà xuất bản đã cho in cả hai tập nhật ký của hai liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc...
  • Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm

    03/08/2005Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, tiếp theo cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - Mỗi ngày một cuốn sách xin trân trọng được giới thiệu đến bạn đọc, những người yêu thích sách tập "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" của tác giả Liệt sĩ Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, vừa được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành.
  • Nguyễn Văn Thạc - Tình yêu và hạnh phúc

    06/07/2005Chưa đầy 20 tuổi, Nguyễn Văn Thạc khoác ba lô vào chiến trường, chỉ mười tháng tuổi quân, chàng sinh viên khoa Toán - Cơ, đại học Tổng hợp Hà Nội, từng là học sinh giỏi văn nhất miền Bắc một thời đã viết hàng trăm trang thư, nhật ký và nhiều bài thơ có giá trị về chuyện đời, chuyện người… Quãng thời gian ngắn ngủi ấy, Nguyễn Văn Thạc đã viết lên đời mình và mãi để lại cuộc sống này một dấu ấn đẹp về tình yêu và hạnh phúc...
  • Mãi mãi tuổi hai mươi - một cuốn nhật ký đáng đọc

    05/07/2005Nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" - của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc 1952-1972 (viết từ ngày nhập ngũ 2.10.1971 đến ngày 24.5.1972) do NXB Thanh Niên vừa giới thiệu (ảnh) chiều 4.5.2005 là cuốn nhật ký dày dặn và khá hoàn chỉnh đầu tiên được xuất bản. Nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng cùng với việc biên soạn "Những lá thư chiến tranh", đã làm được một việc tốt đẹp - nhiều khi còn có ích hơn cả việc sáng tác - khi sưu tầm giới thiệu tập nhật ký này..