Phan Bội Châu (1867 - 1940)

10:09 SA @ Chủ Nhật - 18 Tháng Bảy, 2010


PHAN BỘI CHÂU(1867-1940)

PhanBội Châu là một nhà yêu nước lớn, một chí sĩ cách mạng Việt Nam có ý chí tranh đấu, nghĩa khí và hết lòng tận tụy đóng góp cực kỳ lớn lao cho sự nghiệp cách mạng dành độc lập của Việt Nam từ tay thực dân Pháp. Ông đã thành lập phong trào Duy Tân Hội (1904) - chủ trương tôn quân và bạo động đánh đổ đô hộ Pháp để khôi phục nền độc lập, tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm minh chủ và khởi xướng phong trào Đông Du (1905) - vận động người trong nước xuất dương qua Trung Hoa, Nhật Bản du học để thâu nhận kiến thức mới của nước ngoài về giúp nước nhà.
Ông là một tác giả lớn về thơ và tiểu thuyết, với những bút danh Hải Thu, Sào Nam, Thị Hán, Độc Tỉnh Tử,…
.

- Phan Bội Châu sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

- Ông nổi tiếng thông minh từ bé, năm 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết Tam Tự Kinh, 7 tuổi ông đã đọc hiểu sách Luận Ngữ, 13 tuổi ông thi đỗ đầu huyện. Thuở thiếu thời ông đã sớm có lòng yêu nước. Năm 17 tuổi ông viết bài "Hịch Bình Tây Thu Bắc" đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc Kì khởi nghĩa kháng Pháp. Năm 19 tuổi (1885) ông cùng bạn Trần Văn Lương lập đội nghĩa quân Cần Vương chống Pháp nhưng việc không thành.

- Gia cảnh khó khăn, ông đi dạy học kiếm sống và học thi, nhưng thi suốt 10 năm không đỗ, lại can tội "hoài hiệp văn tự" (mang văn tự trong áo) án ghi "chung thân bất đắc ứng thí" (suối đời không được dự thi). Năm 1896, ông vào Huế dạy học, do mến tài ông nên các quan xin vua Thành Thái xóa án "chung thân bất đắc ứng thí". Khi được xóa án, ông dự khoa thi hương năm Canh Tí (1900) ở trường Nghệ và đậu Giải nguyên.

- Trong 5 năm sau khi đỗ Giải nguyên, ông bôn ba khắp nước Việt Nam liên kết với các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Thái Thân... để cùng chống Pháp. Ông chọn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để - một người thuộc dòng dõi nhà Nguyễn - làm lãnh tụ phong trào Cần Vương.

- Năm 1904, ông cùng 20 người họp mặt tại Quảng Nam để thành lập Hội Duy Tân.

- Năm 1905, ông cùng Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc rồi sang Nhật Bản, để gặp gỡ các nhà cách mạng Nhật Bản và Trung Quốc và cầu viện trợ tài chính cho phong trào do ông thành lập. Tại Trung Quốc ông gặp Lương Khải Siêu, và được khuyên nên dùng thơ văn để thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Nghe lời khuyên, ông viết nhiều tác phẩm có tác động lớn với sĩ phu trong nước. Các tác phẩm của ông đã tạo nên một làn sóng mới thúc đẩy nhiều thanh niên yêu nước tham gia phong trào Đông Du, xuất ngoại học tập để tìm đường chống Pháp.

- Năm 1906, Phan Bội Châu đưa Kì Ngoại Hầu Cường Để và một số học sinh người Việt khác sang Nhật. Cũng trong năm đó ông mời được Phan Chu Trinh đến thăm ông tại thủ đô Tokyo. Sau hai tuần thảo luận, hai người không giải quyết được bất đồng chính kiến về cách chống Pháp. Trong khi Phan Bội Châu muốn giữ thể chế quân chủ, Phan Chu Trinh muốn hủy bỏ chế độ này để tạo một quốc gia dân chủ.

- Năm 1907, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Cống Hiến Hội, một phong trào gồm có 100 học sinh du học ở Nhật. Việc này có ý nghĩa tượng trưng vì những học sinh có được cơ hội để cộng tác với nhau với tư cách là những người Việt, không phải người Bắc Kì, Nam Kì hay Trung Kì mà người Pháp đã chia ra. Tuy nhiên, dưới áp lực của Pháp, Nhật Bản đã trục xuất họ trong năm sau.

- Trong năm 1907, trường Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập để huấn luyện các nhà cách mạng chống thực dân Pháp. Các tác phẩm của ông được nghiên cứu và Phan Chu Trinh giảng dạy tại trường này. Nghi rằng Phan Bội Châu có liên quan đến trường này, Pháp đã đóng cửa trường trong vòng gần một năm. Họ cũng cho rằng ông có trách nhiệm trong các cuộc biểu tình chống thuế tại các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng như tại Huế vào đầu năm 1908. Ngoài ra, họ còn cho rằng ông có dính líu đến một cuộc nổi dậy bị thất bại tại Hà Nội vào tháng 6 năm 1908. Pháp đã xử tử 13 người tham gia cuộc nổi dậy này và bỏ tù hàng trăm người khác tại Côn Đảo (trong đó có Phan Chu Trinh).

- Tháng 3 năm 1909, Phan Bội Châu bị Nhật trục xuất theo đề nghị của Pháp. Sau đó, ông đến Hồng Kông, Bangkok và Quảng Châu. Trong những năm này, các tác phẩm cách mạng của ông ảnh hưởng đến phong trào chống Pháp ngay tại Việt Nam.

- Năm 1912, nức lòng vì thành quả của cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc của Tôn Dật Tiên, Phan Bội Châu cùng một số nhà cách mạng quốc gia Việt Nam lưu vong tại Quảng Châu thành lập một tổ chức cách mạng thay thế cho Hội Duy Tân. Tôn chỉ của tổ chức mới với tên Việt Nam Quang phục Hộilà đánh đuổi người Pháp ra khỏi đất nước, khôi phục chủ quyền của Việt Nam, và thành lập "Việt Nam Cộng hòa Dân quốc". Trong thời điểm này, Phan Bội Châu đã thay đổi chính kiến của ông về thể chế quân chủ. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì Kì Ngoại Hầu Cường Để trong vai trò chủ tịch chính phủ lâm thời Việt Nam Quang Phục Hội.

- Nhằm gây tiếng vang, tạo ủng hộ trong quần chúng quốc nội, năm 1913 ông cho tổ chức ám sát và đặt chất nổ phá hoại nhiều nơi trong nước. Chính quyền Pháp đã nhờ chính quyền Trung Quốc bắt giam Phan Bội Châu cùng các đồng chí.

- Năm 1917, Phan Bội Châu được phóng thích. Ông lưu lạc tại Trung Quốc suốt tám năm sau đó, ông học tập và viết báo sinh nhai ở Hàng Châu, làm biên tập viên của tờ Bình sự tạp chí, nhưng không còn trực tiếp ảnh hưởng đến các cao trào cách mạng tại Việt Nam. Trong thời gian từ 1921 đến 1924, sự kiện Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), liên minh Quốc - Cộng tại Trung Quốc... đã có ảnh hưởng lớn đến Phan Bội Châu. Ông tìm hiểu về cuộc Cách mạng Tháng Mười, và viết báo tôn vinh Vladimir Ilyich Lenin. Giữa năm 1924, phỏng theo Trung Quốc dân đảng của Tôn Trung Sơn, ông đã cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành Việt Nam Quốc dân đảng.

- Ngày 30 tháng 6 năm 1925, ông lại bị Pháp bắt tại Hàng Châu, ông bị dẫn giải về Hà Nội và xử án chung thân khổ sai, về sau, bản án được đổi lại thành án quản thúc tại gia do phản ứng mạnh mẽ của toàn dân đối với nhà cầm quyền Pháp.

- Từ năm 1926, ông bị đưa về sống ở Bến Ngự, Huế, cho đến khi mất vào năm 1940. Lúc đó ông được gọi là Ông già Bến Ngự. Trong thời gian này, tư tưởng chống Pháp của Phan Bội Châu đã ôn hòa hơn. Vào tháng 3 năm 1927, trong dịp kỉ niệm ngày giỗ một năm của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu đã viết:

"Than ôi! Ông có thứ cho tôi chăng? Lúc ông [từ Nhật Bản] về nước [1906], tôi tiễn chân ông đến Hương Cảng, ông cầm tay tôi dặn mấy lời sau hết: ‘Từ thế kỉ 19 về sau, các nước tranh nhau ngày càng dữ dội, cái tính mạng một nước, gửi trong tay một số người đông, chứ không thấy nước nào không có dân quyền mà khỏi mất nước bao giờ. Thế mà nay Bác lại còn dựng cờ quân chủ lên hay sao?’ Ông nói thế, lúc bấy giờ tôi chưa có câu gì đáp lại, nay đã hơn 20 năm rồi, lời ôn càng lâu, càng nghiệm. Tôi mới biết cái óc suy nghĩ cùng cái mắt xem xét của tôi thiệt không bằng ông! Phỏng ngày nay ông còn sống thì cầm cờ hướng đạo cho chúng ta, hẳn phải nhờ tay ông mới được. Than ôi! Ngày nay những kẻ cúng vái ông, kính mến ông, có phải là chỉ ngắm tượng ông, đọc văn ông góp nhặt năm ba câu làm bộ ái quốc, ái quần đầu miệng mà thôi ư? Phải biết rằng ông Hi Mã mà được danh tiếng lưu truyền với sử xanh là vì ông có chủ trương thiệt, tinh thần thiệt."

- Phan Bội Châu mất ngày 29 tháng 12 năm 1940 tại Huế.

Quan điểm sáng tác

-Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư", gồm 5 phần:
1. Nói về những điều sỉ nhục vì nước mất, quyền mất, thảm họa tương lai
2. Mở mang dân trí
3. Chấn động dân khí
4. Vun trồng nhân tài
5. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.


Sách biên khảo, thi ca đã xuất bản

Kí niệm lục (19??)
Vấn đề phụ nữ (19??)
Luận lí vấn đáp (19??)
Sào nam văn tập (19??)
Hậu Trần dật sử (19??) – Hà Nội: NXB Văn hóa-thông tin, 1996
Khổng Học Đăng (19??) – Houston, TX: NXB Xuân Thu, 1986
Phan Bội Châu Niên Biểu (19??) – Sài Gòn: Nhóm nghiên-cứu Sử Địa, 1971
Phan Bội Châu Toàn Tập (19??) – Huế: NXB Thuận hóa: Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2001
Trùng Quang Tâm Sử (19??) Hà Nội: NXB Văn học, 1971


Các tác phẩm cách mạng

Việt Nam Quốc sử khảo (1909)
Ngục Trung Thư (1913) – Sài Gòn: NXB Tân Việt, 1950
Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư (19??)
Việt Nam vong quốc sử (1905)

Việt Nam Quốc sử bình diễn ca (1927)

Cao Đẳng Quốc Dân Di Cảo (19??) – Huế: NXB Anh-Minh, 1957

Chủng diêt dự ngôn(19??) – Hà Nội: NXB Khoa hoc xã hội, 1991

Tân Việt Nam (19??) – Hà Nội: NXB Cục lưu trữ nhà nước, 1989

Thiên Hồ Đế Hồ (19??) – Hà Nội: NXB Khoa học xã hội, 1978

Khuyến quốc dân du học ca (19??)

Hải ngoại huyết thư (1906)

cửu niên lai sở trì chủ nghĩa (19??)

Hà thành liệt sĩ ca (19??)

Truyện Lê Thái Tổ (19??)

Tuồng Trưng nữ vương (19??)

Gia huấn ca (19??)

Giác quần thư (19??)

Nam quốc dân tu tri (19??)

Nữ quốc dân tu tri (19??)

Truyện Chân tướng quân (1917)

Truyện tái sinh sinh (19??)

Truyện Phạm Hồng Thái (19??)

Mười thang thuốc chữa bệnh cho dân tộc Việt(1927)


Các bài viết khác


Phan Bội Châu - nhà văn hóa lớn

100 năm nhìn lại Duy Tân hội và phong trào Đông Du của Phan Bội Châu (Đinh Kim Phúc)
Về Phan Bội Châu tiên sinh: mấy vấn đề xin được bàn lại... (Nguyễn Đình Chú)
Phiên tòa lịch sử xét xử Phan Bội Châu
Cụ Phan Bội Châu đóng phim ở Huế năm 1926
Thử nhìn lại vị trí của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong hành trình dân tộc vào thế kỷ XX
Ảnh hưởng của “Tân thư” trong tư tưởng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh
Quan niệm của Phan Bội Châu về dân quyền
Chủ nghĩa dân tộc của Phan Bội Châu dưới nhãn quan triết học
Ảnh hưởng triết học phương Tây trong quan niệm của Phan Bội Châu về con người
Quan niệm của Phan Bội Châu về bản tính của con người

Quan niệm giáo dục “Tự Tân” của Phan Bội Châu
Phong trào Đông Du, một trăm năm trước

- Bài thơ Chúc Tết Thanh Niên (Phan Bội Châu)

Dậy ! Dậy ! Dậy !
Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng?
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi lẻ đã từng bao chua với xót
Trời đất may còn thân sống sót
Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh
Thưa các cô, các cậu lại các anh
Trời đã mới, người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé tay vào xốc vác cựu giang san
Ði cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Dây đoàn thể quyết phen thành nghiệp lại
Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi
Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần
Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn
Ðúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng để rửa vết dơ nô lệ
Mới thế này mới là mới hỡi chư quân
Chữ rằng: nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân.





LinkedInPinterestCập nhật lúc: