Cách sống Thùy Trâm
Nhà văn Nguyên Ngọc - người với con mắt tinh đời và tình cảm yêu thương sâu nặng - nói về chất "lửa" trong cuốn nhật ký tình cờ tìm thấy trong đống tro tàn của cuộc chiến tranh...
Những ngày này, chúng ta cứ như đang được sống trong một chuyện cổ tích thần kỳ, một cổ tích hiện đại: một cô gái tuổi 20, mất cách đây đã 35 năm, bỗng như sống dậy sinh động lạ thường và đánh thức trong mỗi chúng ta và trong toàn xã hội không chỉ những cảm xúc nồng cháy mà cả những nghiệm suy sâu xa về lẽ sống, cách sống ở đời buộc mỗi chúng ta bỗng phải giật mình tự nhìn lại, tự soát lại mình rành mạch hơn, thẳng thắn hơn, nghiêm khắc hơn, tự hỏi mình đang sống như thế nào đây, mình sống hôm nay có thật sự xứng đáng không, hay đã để phôi pha mất những gì tốt đẹp nhất mà chính chúng ta, xã hội chúng ta đã tạo nên được một thời. Thậm chí câu hỏi chị nêu ra cho chúng ta hôm nay có thể còn sâu sắc và bức bối hơn nữa: Làm thế nào để cho xã hội ta lại có lại được một thời tốt đẹp như thời chị đã sống và vì nó chị đã hy sinh như thời ấy mà chính chúng ta cũng đã từng sống. Sống và nhớ lại, sống và nhớ lấy...
Tôi không sợ quá lời khi nói điều này: những ngày này, nhật ký Thùy Trâm đang gây ra một cuộc đánh thức đạo đức nghiêm trang trong xã hội chúng ta, trong mỗi chúng ta.
Và còn điều này nữa: không chỉ chúng ta mà cả những người từng ở bên kia trận tuyến một thời từng là kẻ thù sinh tử của chúng ta, họ cũng bị rung chuyển dữ dội. Đến mức buộc từ nay phải nhìn thế giới một cách hoàn toàn khác.
Người cựu chiến binh Mỹ Fred đã nói đúng: Thùy Trâm không định viết cho toàn thế giới, chị chỉ viết cho riêng mình. Đó là một con người có một đức tính rất quý báu mà hình như ngày nay nhiều người trong chúng ta không còn biết và giữ được nữa: sống hết sức tự giác sống và luôn tự hỏi về từng giây phút sống của chính mình, từ cách sống của mình trong từng giây phút đó. Sống luôn đối diện với chính mình, trong từng giây phút từng suy nghĩ, từng hành vi. Chị viết cho nhu cầu tự kiểm soát về đạo đức thiết yếu đó của chính chị.
Nhưng, lạ vậy - hay đúng ra chính vì vậy - mà những trang viết rất riêng tư của chị bỗng có sức mạnh lạ lùng. Nó đã khiến anh trung sĩ thông dịch quân đội Sài Gòn Nguyễn Trung Hiếu thấy "có lửa" ở những trang giấy ghi vội trong đêm và giữa rừng, bằng những nét chữ rất nữ tính ấy.
Còn người mẹ Mỹ của Fred khi cầm trên tay hai cuốn vở lạc đến từ bên kia trái đất đó thì bỗng lo sợ: "Con hãy cẩn thận, hai cuốn vở ấy có thể đốt cháy cả cuộc đời con!". Và nó đã đốt cháy cả cuộc đời Fred thật. Anh ta không thể sống nếu không tìm lại được gia đình người nữ Việt cộng mà chính đơn vị anh đã giết chết, và trao lại cho họ những cuốn nhật ký có sức rung chuyển ghê gớm ấy, nếu anh không gặp được người mẹ Việt Nam kỳ diệu đã sinh ra người nữ Việt cộng ấy và từ nay xin được gọi bà bằng "Mẹ!" và từ nay xin được làm một người con trong gia đình ấy...
Sau bao nhiêu tìm kiếm vất vả, Fred và bạn anh, Ted - cũng từng là một cựu chiến binh ở Việt Nam và cũng bị hai cuốn vở nhỏ nọ chinh phục - đã gặp được những người thân của Thùy Trâm, và cùng họ trở về chính nơi chị đã ngã xuống 35 năm trước. Trong một đêm giao lưu vừa rồi ở Quảng Ngãi, khi được hỏi về "bí mật kỳ lạ của sức mạnh Thùy Trâm" Fred đã trả lời: "Các bạn cần đọc cuốn nhật ký đó, mỗi người cần tự mình đọc cuốn nhật ký đó. Tự nó sẽ nói với bạn tất cả. Anh đã nói đúng. Cần đọc Nhật ký Thùy Trâm. Cần đọc thật kỹ từng dòng chị viết và nghĩ về cách sống của chị, cũng là cách sống của tất cả chúng ta một thời, bởi chính bằng cách sống ấy chúng ta đã đi đến thắng lợi trong cuộc chiến tranh khủng khiếp vừa rồi.
Tôi nghĩ từ nay có thể có một cách gọi: "Cách sống Thùy Trâm". Nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã định nghĩa đó là cách sống "tận tụy làm người". Cũng là một cách cố gắng diễn đạt sâu sắc.
Riêng tôi, tôi hết sức chú ý điều này: ở cô bác sĩ Hà Nội trẻ ấy luôn có một nhu cầu tối đa về tình yêu. Như một vầng mặt trời, nhỏ bé mà sáng chói, đi đến đâu từ cô cũng lan tỏa ra tình yêu mênh mông, thắm thiết, mãnh liệt. Cô có hàng chục người "em nuôi", người nào cũng thân thiết vô cùng, có thể sống chết vì nhau. Cô có hàng trăm người thân khắp các thôn xóm cô đặt chân đến và công tác, vì mỗi người trong số họ cô sẵn sàng hiến cả thân mình bất cứ lúc nào. Cô hầu như không thể sống được nếu không tha thiết yêu mọi người quanh mình. Cả cây cỏ, cả thiên nhiên, cả mầu xanh trên lá rừng sau cơn mưa, ánh nắng vừa bừng lên buổi sáng một góc chân trời vừa chợt hé lên sau đám cây rừng chằng chịt...
Và tất cả những thứ ấy ngay giữa chiến tranh, bom đạn khói lửa, và bao nhiêu nhiêu khê của công việc phức tạp, căng thẳng vô cùng của một bệnh xá trụ giữa một vùng ác liệt bậc nhất của chiến trường. Với tất cả, cô đều yêu một trăm phần trăm không chia sẻ, không chịu dừng lại nửa chừng đối với bất cứ ai, bất cứ vẻ đẹp thoáng hiện nào của cuộc sống. Cô sẽ chết ngạt mất nếu không được ban tỏa tình yêu đến mọi người, mọi vật chung quanh. Thùy Trâm là vậy đấy: cô là một trung tâm tình yêu, nhỏ bé mà nồng cháy và bất tận. Và ngược lại, hay đúng hơn, đồng thời, cô cũng có một đòi hỏi vô cùng to lớn được yêu thương. Cô cần đến tình yêu thương của mọi người, mọi vật quanh mình. Và cũng là một trăm phần trăm tất cả một trăm phần trăm. Cô không chịu bất cứ sự chia sẻ nào cả. Cô đau đớn hằng đêm nhớ mẹ, nhớ các em, nhớ bạn bè, nhớ Hà Nội. Mà lại cũng đau đáu như vậy từng giây phút cô tha thiết nhớ chiến trường, nhớ từng đồng đội, từng người dân dưới các làng, các xóm, từng đứa "em nuôi", từng bà mẹ già Quảng Ngãi, Đức Phổ, từng em bé, từng người em, người chị... Cô nồng nàn nhớ người yêu giận hờn đau khổ dằn vặt vì cô cho rằng anh ấy không dành cho cô tất cả một trăm phần trăm...
Đấy là một người anh hùng rất kỳ lạ: một nữ anh hùng đêm khuya nào cũng ngồi buồn một mình và... khóc, vì nhớ mẹ, nhớ bao người thân, vì giận hờn hình như ai đó chưa dành cho mình một trăm phần trăm tình yêu. Đó là một người nữ anh hùng rất mãnh liệt như lửa cháy, mà cũng hết sức yếu mềm trong tình yêu ở trong cô chứa đựng cái biện chứng kỳ lạ ấy.
Và theo tôi chừng ấy cái biện chứng của những mâu thuẫn kỳ lạ và kỳ diệu đó đã làm nên cái mà bây giờ chúng ta gọi là sức mạnh Thùy Trâm. Cũng là sức mạnh vô địch của chúng ta một thời...
Về hai ngày cuối cùng của Thùy Trâm, ngày 21 và 22-6-1970 và cái chết của chị, theo tôi chắc hơn chúng ta còn phải công phu tìm hiểu thêm qua nhiều con đường tư liệu khác nữa. Chiến tranh và 35 năm trôi qua đã khiến cho việc xác định các sự kiện một cách thật chính xác không dễ dàng.
Riêng tôi, bằng kinh nghiệm của chính mình trong chiến tranh, và bằng hiểu người con gái Hà Nội này qua những nguồn tôi được biết, tôi tin chắc rằng chị đã hy sinh trong khi và để bảo vệ thương binh. Một người con gái có đòi hỏi triệt để đến thế trong tình yêu tất phải có một sức mạnh ghê gớm và một tư thế mãnh liệt lắm trong lúc hy sinh. Tôi biết một anh bạn tôi đang chăm chú lần ngược lại con đường lịch sử cuộc đời của người con gái này.
Thùy Trâm, Thùy, giản dị và đằm thắm như những người thân trong gia đình chị thường gọi và chúng ta cũng mong muốn được gọi như vậy, cuộc đời chị thật ngắn ngủi, chị mãi mãi tuổi hai mươi. Nhưng chính vì sống triệt để, sống đến cùng trong từng giây phút của cuộc đời, sống một trăm phần trăm bất cứ giây phút nào của cuộc đời mình, tận tụy sống, tận tụy làm người nên, vậy đó, cuộc sống của chị lại rất dài, bất tận, bất tử.
Thùy Trâm dạy cho ta cái biện chứng tuyệt diệu ấy của sự sống.
Hôm qua dân tộc ta đã từng sống như vậy đó. Cũng cần sống như vậy hôm nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu