Cần khôi phục truyền thống tịnh hành của dân tộc

08:55 CH @ Thứ Sáu - 19 Tháng Hai, 2021

Từ xưa tới nay, triết học vẫn bị mang tiếng là trừu tượng, khô khan và khó hiểu, nên thường khiến phần lớn bạn đọc, nhất là các bạn trẻ e ngại. Thế nhưng, khi đọc cuốn Trò chuyện triết học – cuốn sách mới của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn tập hợp 92 bài viết đã đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị thì dường như suy nghĩ ấy cần phải thay đổi… Đó là khởi đầu của quá trình phổ cập hóa, biến ánh sáng tri thức, khoa học thành sở hữu của mọi người.

Hỏi: Thưa nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, từ đâu mà ông có ý tưởng nhằm phổ cập hóa, bình dân hóa triết học như vậy và khi thực hiện, có gặp phải những ý kiến trái chiều?


Bùi Văn Nam Sơn: - Tôi thích từ “phổ cập hóa” hơn từ “bình dân hóa”, vì triết học và khoa học nói chung phải trở thành sở hữu chung của mọi người, còn cách phổ cập hóa thì rất đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng ở các mức độ chuyên sâu khác nhau.


Qua quá trình dịch và chú giải một số sách kinh điển triết học thế giới, tôi đã thấy có nhu cầu phải làm cho những tư tưởng quá phức tạp và trừu tượng đến gần với độc giả hơn. Cần góp phần làm cho triết học trở nên rành mạch, vì lâu nay triết học bị mang tiếng là “làm cho khó hiểu những điều dễ hiểu”. (Cười)


Cũng là một cơ duyên khi Trung tâm giáo dục PACE - trong chương trình đào tạo đặc biệt dành cho hạt giống lãnh đạo doanh nghiệp IPL - mời tôi phụ trách môn triết học đương đại. Trong khuôn khổ vài chục tiết giảng, phải làm sao truyền đạt được những điều thật cô đọng nhưng đồng thời đánh thức được sự thích thú của người học. Tiếp sau đó là cơ hội được triển khai thành 92 bài viết vào thứ tư hàng tuần suốt hơn hai năm trên báo Sài Gòn tiếp thị. Không có ý kiến trái chiều nào đáng kể, ngoài việc luôn băn khoăn không biết mình có đảm đương được nổi hay không. 

Một số đầu sách của dịch giả Bùi Vân Nam Sơn


Hỏi:  Nhưng liệu việc này có làm mất đi sự lung linh của tháp ngà triết học không, thưa ông?


- Tùy cách nhìn của mỗi người. Không một truyền thống tư tưởng lớn nào lại không có nhu cầu phổ cập hóa. Ở phương Đông và phương Tây đều như thế cả. Triết học sẽ cằn cỗi nếu nó chỉ mang một lớp hào quang hư ảo. 


Hỏi: Nhưng phải chăng vì ý thức rằng “Tri thức là sức mạnh” như Francis Bacon đã nhận định từ thế kỷ 16, 17, nên đã có những thời kỳ, nó ít được truyền bá?


- Tri thức là sức mạnh, giáo dục là vũ khí, nên quả thật đã có những thời kỳ lịch sử, nó chỉ được dành cho một giới đặc tuyển, một “thiểu số may mắn” (“a happy few”) như một cách nói. Thậm chí, ở phương Tây trung cổ, khi thần quyền còn rất mạnh, việc tìm hiểu những bí mật của vũ trụ, của Thượng đế còn có khi bị xem là bất kính, là… tò mò nguy hiểm nữa! Tuy nhiên, nguyên lý cơ bản của mọi tín ngưỡng, tư tưởng là luôn tìm đường phổ cập đến quần chúng. Ở phương Đông, đạo Nho đúng nghĩa là phải phổ cập cho mọi người, như đức Khổng từng nói : “hữu giáo vô loài”. Đạo Phật còn rộng hơn thế nữa với quan niệm “phổ độ chúng sinh”. Thật ra, có lẽ chính cơ chế xã hội, cơ chế học thuật, tức điều kiện lịch sử cũng như số lượng và chất lượng có hạn của những nhà khoa học, giáo dục đã cản trở việc phổ cập. Tình hình ấy đã được thay đổi rất nhiều trong quá trình hiện đại hóa, và nhất là toàn cầu hóa ngày nay. Vả chăng, bản chất của chân lý khoa học là phổ quát, nó phải dành cho mọi người và mọi người đều có quyền đến với tri thức. Ngay cả những bậc giáo chủ cũng không chủ trương học thuyết chỉ dành cho số ít. Tất nhiên, có những phần cao xa, bí truyền mà người học phải ở trình độ nào đó mới có thể tiếp thu, nhưng, bí truyền không phải là che giấu, mà căn cứ vào trình độ, căn cơ của người tiếp nhận. Thêm vào đó, ngày nay tâm thức hậu-hiện đại không còn quá xem trọng sự lưỡng phân quen thuộc giữa “văn hóa cao” và “văn hóa thấp”, giữa “văn hóa quan phương” và “văn hóa bình dân”. Các chuẩn mực đang được đánh giá lại và pha trộn. 


Hỏi: - Nhưng, sau 2 năm có mặt trên báo Sài Gòn tiếp thị thì chuyên mục Trò chuyện triết học do ông phụ trách lại đột ngột dừng lại, khiến người đọc không khỏi hụt hẫng và nghĩ ngợi…


- Quả thật cũng hơi bất ngờ, nhưng có lẽ chỉ do sự hiểu lầm của một số người làm quản lý khi e ngại điều gì đấy và cho rằng việc đề cập những vấn đề chuyên ngành thì chỉ do tạp chí chuyên ngành đảm nhận. Báo chí các nước, kể cả ở nước ta trước đây, thường rất phong phú, luôn có phần feuilleton văn hóa, giới thiệu văn chương, tư tưởng. Tôi hy vọng vấn đề này sẽ được giải tỏa và bắt đầu lại. Phổ biến tri thức văn hóa và khoa học trên báo chí - không quá chuyên sâu nhưng sinh động, cập nhật và chính xác - sẽ góp phần nâng cao dân trí và tăng sự hấp dẫn của báo chí.


Hỏi: - Một dấu sao (*) trên bìa sách phải chăng là dấu hiệu sẽ còn tiếp tục sau tập 1? 


- (cười) Vâng, vừa như một lời cam kết, vừa như một hy vọng...

Diễn giả Bùi Văn Nam Sơn


Hỏi: - Dịch sách kinh điển, giảng dạy triết học miễn phí cho mọi đối tượng tại trường Đại học KHXH & NV TPHCM, lại thêm viết báo để phổ cập hóa kiến thức, phải chăng theo ông cả ba việc làm ấy đều cấp thiết? 


-Theo nghĩa rộng, nghĩa là trong mọi ngành khoa học, thiết nghĩ cả ba đều cấp thiết như là nỗ lực tiếp nối công cuộc nâng cao dân trí đã bị dang dở từ phong trào Duy Tân một trăm năm trước. Thứ nhất là phải truyền bá tri thức cơ bản nhất và cập nhật nhất trên mọi lĩnh vực, chủ yếu thông qua con đường dịch thuật một cách có hệ thống và bền bỉ. Một nền học thuật quốc gia đúng nghĩa phải có trách nhiệm cung cấp tương đối đầy đủ sách chuyên ngành từ kho tàng tri thức nhân loại chứ không thể chờ đợi đông đảo người đọc thông thạo nhiều ngoại ngữ. Thứ hai, là phổ cập tri thức bằng những sách nhập môn, phổ thông, mở những lớp học tự nguyện, nơi mọi người có thể đến để tiếp thu và trao đổi tri thức một cách nhẹ nhàng, thú vị mà không bị áp lực thi cử, thành tích khiến họ ngán ngại khoa học. Chúng ta còn quá thiếu những buổi diễn thuyết, những cuộc triển lãm khoa học, tổ chức đọc sách, giới thiệu và tranh luận khoa học từ thành thị đến nông thôn, tạo nên không khí hào hứng và yêu thích khoa học trên toàn quốc, thay cho những thú vui vô bổ, và không nên nghĩ rằng đó chỉ là việc của nhà trường. Thứ ba  là phải tổ chức lại giáo dục, nhất là giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả cần được đặt trong một đại kế hoạch nâng cao dân trí trên đường hiện đại hóa và hội nhập.


Hỏi: - Nói về truyền thống học thuật, nghiên cứu của Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nước ta chưa có bề dày truyền thống, thậm chí chưa có truyền thống triết học, và, nhất là việc tiếp thu thường bị động, chưa có hệ thống, từ những nền minh triết phương Đông như tam giáo Nho, Phật, Lão…rồi đến tư tưởng phương Tây gần đây. Ông nghĩ sao?


- Tôi nghĩ cần có cái nhìn công bằng. Số quốc gia có truyền thống tư tưởng lớn thực ra chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Nước ta là một trong hàng trăm nước trung bình, nhưng có cơ hội là chỗ gặp gỡ của nhiều nền văn minh lớn. 

Không thể nói là nước ta không tiếp thu tam giáo, và gần đây, là học thuyết Mác xít một cách không có hệ thống. Chỉ có điều, ta chưa thể biết những gì đã bị mất mát và cướp bóc do chiến tranh hay do các thế lực ngoại xâm.

 Thứ hai, ở Đông Á, không chỉ Việt Nam mà cả Trung Quốc, Nhật Bản… cũng có truyền thống thầy dạy trò là chính chứ không khuyến khích độc lập nghiên cứu, đảo lộn học thuyết, vì truyền thống ấy đặt trên nền tảng xã hội tiểu nông, chuyên chế, trọng sự ổn định. 

Châu Âu cũng có ngót nghìn năm trì trệ, trước khi đi vào quá trình thế tục hóa và công nghiệp hóa. Do ít bị lệ thuộc vào thể chế chính trị và hệ thống thi cử như đạo Nho, nên đạo Phật ở nước ta đã có sự tự do nhất định để độc lập phát triển. Với tư tưởng phương Tây, thực ra nước ta tiếp cận khá sớm, đồng thời với Trung Quốc, Nhật Bản. Nhưng, trong  hoàn cảnh bị mất nước, khó mà có thể tiếp thu chủ động và thoải mái được. 

Vài chục năm trở lại đây, phải thú nhận rằng chúng ta đã đánh mất truyền thống tịnh hành (cùng đồng thời lưu hành và phát triển) của Tam giáo trước đây, rơi vào chỗ thiên lệch, một chiều, ảnh hưởng lớn đến sự tiếp thu toàn diện và phong phú. Ngày nay, nếu hiểu việc hội nhập và toàn cầu hóa một cách nghiêm túc và thực chất, ắt phải khôi phục truyền thống tịnh hành quý báu của dân tộc. 

Muốn thế, theo tôi, phải đào tạo căn cơ và lâu dài, phải có ý thức ủng hộ việc hình thành các trường phái khoa học (khoa học phải có trường phái thì mới phát triển), đẩy mạnh việc công bố khoa học, phải sử dụng công khai tri thức. Muốn đối thoại phải có nhiều trường phái, và muốn đối thoại có chất lượng, cần phải chuyên nghiệp hóa. 

Ngày nay, nếu hiểu việc hội nhập và toàn cầu hóa một cách nghiêm túc và thực chất, ắt phải khôi phục truyền thống tịnh hành quý báu của dân tộc. Muốn thế, theo tôi, phải đào tạo căn cơ và lâu dài, phải có ý thức ủng hộ việc hình thành các trường phái khoa học (khoa học phải có trường phái thì mới phát triển), đẩy mạnh việc công bố khoa học, phải sử dụng công khai tri thức. Muốn đối thoại phải có nhiều trường phái, và muốn đối thoại có chất lượng, cần phải chuyên nghiệp hóa. 


Hỏi: - Trải qua nhiều thời kỳ đứt gãy văn hóa, chẳng hạn sau 1000 năm Bắc thuộc lần thứ nhất, đời sau khó biết rõ về văn hóa Đông Sơn; thời Hậu Lê thì sau 20 năm Bắc thuộc lần thứ hai, bị nhà Minh cướp bóc, hủy diệt, khó biết rõ manh mốiĐinh-Lê-Lý-Trần, rồi 100 năm Pháp thuộc và sự ra đời của chữ Quốc ngữ cũng rứt chúng ta khá nhiều khỏi văn hóa truyền thống. Phải chăng, muốn phát triển cái mới thì phải dựa vào nền tảng là truyền thống và nội lực? Theo ông, tâm thế tiếp thu cái mới để hiện đại hóa nên như thế nào?


- Tôi nghĩ một dân tộc có hàng ngàn năm tồn tại và phát triển như dân tộc ta thì không thể nói là không có nội lực. Nhưng, không có thử thách thì không biết được nội lực. Bản sắc văn hóa cũng chỉ có thể bộc lộ, định hình và biến đổi qua thử thách. Đất nước trẻ măng như Hoa kỳ mới có 300 năm tuổi, nhưng họ mở toang cửa, tiếp nhận và chấp nhận thử thách nên giàu sức sống. Độc lập văn hóa không có nghĩa là toàn thủ (integrism), vì như thế là bảo vệ cái không có thật, cái hư ảo, bởi văn hóa là thành quả của cả quá trình, chứ không phải cái gì có sẵn. Chính trong tiến trình hiện đại hóa, những gì có chân giá trị từ truyền thống tất yếu sẽ bộc lộ. Khái niệm bản sắc văn hóa nếu hiểu không đúng sẽ rất nguy hiểm, lừa dối và phản khoa học. 


Hỏi: - Ông cho biết đã đến với triết học phương Tây đầu tiên do sự tò mò cố hữu, muốn biết người phương Tây “nghĩ gì trong đầu”. Là người theo đuổi và thành danh với chuyên ngành triết học phương Tây, nhìn lại những di sản tư tưởng của cha ông, ông đánh giá ra sao?


- Đánh giá di sản cha ông để kế thừa và phát triển là cách nói dễ dài, vì theo tôi, ta chưa đủ điều kiện và chưa phải lúc “tổng kiểm toán” gia tài cha ông để lại. Nếu làm vội vã thì sẽ bỏ sót hoặc thiên lệch. Nhiều di sản chỉ được soi sáng, thậm chí được phát hiện từ cái mới, cái hiện đại. Với di sản cha ông, tôi nghĩ nên áp dụng thuyết giao thoa. Không có giao thoa thì sẽ có cảnh ngồi vỗ ngực hoặc dày vò. Hãy giao thoa, đối thoại, giao lưu, ta sẽ dễ nhìn ra tổ tiên mình để lại những gì có chân giá trị. Hãy thử đặt vấn đề kiểu khác xem sao! 


Tôi tôn trọng ý định tốt đẹp của nhiều vị đang nỗ lực phát huy minh triết Việt Nam. Điều băn khoăn của tôi là: phải chăng các nước khác cũng rất minh triết khi không bao giờ nghĩ rằng họ có minh triết. Một kiểu khác nữa là của Trung Quốc. Trung Quốc tự hào có nền văn hóa lâu đời, nên khi so sánh với phương Tây, họ thường có xu hướng cho rằng tổ tiên họ đã “nói hết rồi” trong Tứ thư Ngũ kinh! Lối nhìn “Trung Quốc hóa” muốn quy mọi tư tưởng thế giới về gốc  Trung Quốc, trong chừng mực nào đó có giúp tăng cường lòng tự tôn dân tộc, nhưng e không giúp cho sự hiện đại hóa văn hóa. Đó là chưa nói về học thuật là sự xuyên tạc, khi so sánh dễ dãi các truyền thống khác nhau. Hãy để cho mỗi truyền thống tự biến đổi trên mảnh đất của mình, từ cơ sở giao thoa. Xem của người khác là của mình hoặc tự đánh mất mình đều không có lợi, vì không có sự đối thoại đích thực. Không hiểu người khác đến nơi đến chốn thì chính mình không hiểu mình. Phải hiểu người khác đến mức độ nào đó thì mới hiểu mình.


Hỏi: - Sự giao thoa đó có thể coi như tấm gương soi?


- Không chỉ là soi mà là bổ sung để phát triển, là tiếp thu chủ động. Cụ Phan Châu Trinh nói: “không có gì bằng học”. Triết học góp phần vào việc ấy với tư cách là tiền sảnh, âm bản, một khung tư duy, làm cho mình tỉnh thức, biết đặt vấn đề cho đúng hơn là tìm ra giải pháp. Do đó, theo tôi, điều cần thiết hiện nay là sắp xếp và tổ chức nếp sống văn hóa hiện đại, nâng cao mặt bằng dân trí, đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu của thế giới, thay vì ngồi mong chờ những đỉnh cao trên một mặt bằng quá thấp.

Điều cần thiết hiện nay là sắp xếp và tổ chức nếp sống văn hóa hiện đại, nâng cao mặt bằng dân trí, đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu của thế giới, thay vì ngồi mong chờ những đỉnh cao trên một mặt bằng quá thấp.


Hỏi: - Khi dịch Kant - một gương mặt nổi bật của phong trào Khai sáng - mà ông dịch là Khai minh -, ông nhấn mạnh đến điều Kant nói là: “Khai minh là việc con người đi ra khỏi sự không trưởng thành do chính mình tự chuốc lấy”, điều này làm tôi nhớ tới sự gần gũi với cặp phạm trù vô minh và giác ngộ trong Phật giáo. Không rõ như vậy có đúng không?


- Khai sáng, hiểu như một từ Hán-Việt, có nghĩa là mở ra một cái gì mới, chẳng hạn khai sáng một triều đại, một học thuyết… Trong khi đó, từ Khai sáng ta quen dùng (khai + ánh sáng, đúng theo từ tiếng Anh: “en-lighten”) thì thật ra nên là “khai minh” theo đúng quy tắc thành lập từ Hán-Việt. Tôi đề nghị dịch là Khai minh chỉ vì lý do đơn giản ấy thôi. Còn việc liên tưởng đến cặp phạm trù vô minh-giác ngộ như Anh nói là điều tự nhiên và rất lý thú, bởi, theo nghĩa đen, khai minh là mang con người ra khỏi sự tối tăm, ngu muội hay mù quáng. Tuy nhiên, từ tiếng Anh quen thuộc “Enlightenment” bao hàm hai ý khác nhau: sự giác ngộ về tâm linh hay tín ngưỡng (tương đương với từ tiếng Đức: Erleuchtung) và sự khai minh về trí tuệ theo nghĩa thế tục (tương đương với từ tiếng Đức: Aufklärung mà Kant sử dụng). Theo nghĩa tâm linh, sự “giác ngộ” gắn liền với các kinh nghiệm tôn giáo ở Đông Á và Nam Á, được dùng để dịch các từ như Bodhi hay satori trong Phật giáo, hay moksha trong Ấn Độ giáo. Khái niệm này cũng có sự tương đương trong truyền thống Thiên chúa giáo, chẳng hạn truyền thống Kabbalah trong đạo Do Thái, trong huyền học Kitô giáo và trong truyền thống Sufi của đạo Islam. 


Theo nghĩa thế tục, khái niệm này liên quan chủ yếu đến phong trào trí thức Âu Châu vào thế kỷ 17 và 18, vốn nổi danh là “thế kỷ Ánh sáng” hay “thời đại Khai minh”. Khai minh, theo nghĩa ấy, là một thời kỳ quan trọng trong lịch sử văn hóa được đánh dấu bằng việc sử dụng tri thức và lý tính khoa học, thoát khỏi sự mê tín và ỷ lại. 200 năm sau Kant, một triết gia đương đại khác, Michel Foucault, có cái nhìn mới về  vấn đề này. Thật thú vị khi nhìn ra những nét tương đồng giữa Kant và Foucault với cách đặt vấn đề của đức Phật hơn 2000 năm trước. Nơi Kant, đó là sự dũng cảm sử dụng chính lý trí của mình, và chỉ tin vào những gì đã được tự mình thẩm xét kỹ. Nơi Foucault, Khai minh là phải biết đặt tri thức vào trong kích thước lịch sử “đã dẫn ta đến chỗ cấu tạo chính mình như là chủ thể của những gì ta nói, suy nghĩ và hành động”, rất gần gũi với học thuyết của đạo Phật về “nhân duyên”, giúp ta có sự nhận thức sâu sắc hơn về cái hiện tại. Tất nhiên, cũng có sự khác biệt do khoảng cách lịch sử: nơi Kant, đó là yêu cầu phê phán và sử dụng lý tính một cách công khai trong thời đại bùng nổ của nhiều ngành khoa học; nơi Foucault là khảo sát tri thức trong bối cảnh xã hội hiện đại và toàn cầu hóa. Và cũng chính trong bối cảnh ấy, nhiều người thấy cần bổ sung cho sự khai minh theo “bề ngang” của Kant và Foucault bằng sự Khai minh theo “bề dọc” từ yếu tố tâm linh trong các truyền thống tôn giáo. Thuật ngữ mới nhất hiện nay (2012) là “sự Khai minh tiến hóa”, chẳng hạn nơi Ken Wilbes và Andrew Cohen (xem: Andrew Cohen: Evolutionary Enlightenment: A New Path to Spiritual Awakening, New York, Select Books Inc, 2011). Đó là tham vọng tích hợp và bổ sung cho nhau giữa ba viễn tượng khai minh: triết học-khoa học (Kant), xã hội-lịch sử (Foucault), và tâm linh (Đức Phật và các truyền thống tín ngưỡng khác) vào trong một khuôn khổ khoa học chung. Khuôn khổ chung ấy của sự Khai minh hứa hẹn vượt bỏ những phạm trù cứng nhắc như cổ đại, cận đại và đương đại. Và, với tư cách là một khái niệm phổ quát, Khai minh sẽ được hiểu như là một tiến trình dẫn đến sự tự-thức tỉnh và tiến hóa dần dần không những cho cá nhân mà cho cả xã hội. 


Tham vọng tích hợp và bổ sung cho nhau giữa ba viễn tượng khai minh: triết học-khoa học (Kant), xã hội-lịch sử (Foucault), và tâm linh (Đức Phật và các truyền thống tín ngưỡng khác) vào trong một khuôn khổ khoa học chung. Khuôn khổ chung ấy của sự Khai minh hứa hẹn vượt bỏ những phạm trù cứng nhắc như cổ đại, cận đại và đương đại. Và, với tư cách là một khái niệm phổ quát, Khai minh sẽ được hiểu như là một tiến trình dẫn đến sự tự-thức tỉnh và tiến hóa dần dần không những cho cá nhân mà cho cả xã hội.

Hỏi: - Thời xưa, từ Đông sang Tây, những lãnh tụ tôn giáo và những triết gia lớn dấn thân nhập thế để phục vụ cuộc sống, nhưng cũng là cách kiểm chứng lại học thuyết. Vậy khoảng cách từ tháp ngà tới việc dấn thân nên được hiểu như thế nào?


- Đó chỉ là một cách nói, và có lẽ không nên có sự phân biệt cứng nhắc quá. Vấn đề là có đủ sức lực để thực sự dấn thân vào tháp ngà hay cuộc sống? Dấn thân vào… tháp ngà cũng khó vô cùng và cũng thật đáng quí, tùy năng lực mỗi người. Tốt nhất là làm đúng vận mệnh của mình theo sự phân công tự nhiên của xã hội.


Hỏi: - Vậy việc giữ một khoảng cách cần thiết giữa “chợ đời” và “tháp ngà” nên được hiểu như thế nào?


- Theo tôi, đẹp nhất là hình tượng “thiền sư thõng tay vào chợ”. Đó là hình ảnh đẹp nhất và cũng là lý tưởng khó đạt nhất của người trí thức. Hình ảnh đó hóa giải tất cả: tháp ngà, cuộc đời và nhân sinh.

Đẹp nhất là hình tượng “thiền sư thõng tay vào chợ”. Đó là hình ảnh đẹp nhất và cũng là lý tưởng khó đạt nhất của người trí thức. Hình ảnh đó hóa giải tất cả: tháp ngà, cuộc đời và nhân sinh.


Hỏi: - Trong lịch sử thế giới cũng như lịch sử dân tộc, từng có những triết gia, giáo chủ làm vua hoặc vua trở thành giáo chủ, triết gia. Mô hình ấy hiện nay không còn phù hợp, dù rằng ở những nước kém phát triển thì mô hình “quân vương - nhà lập thuyết” có vẻ vẫn được mong đợi?


- Giấc mơ đó nguy hiểm lắm và đã qua lâu rồi! Kant đã thấy rõ điều ấy khi cho rằng triết gia không nên… làm vua vì quyền lực và quyền lợi sẽ làm hỏng sự phán đoán khách quan. Có những trường hợp cá biệt, rất đẹp của một số nhân vật kiệt xuất trong lịch sử như Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông, nhưng theo tôi, không nên phát triển thành định chế xã hội. Ngày xưa, xã hội còn đơn giản, nay, lý tính thời hiện đại đòi hỏi sự phân công cao độ, với phạm vi và quyền hạn riêng biệt của mỗi người, ai làm việc nấy và không can thiệp vào việc của người khác. 


Hỏi: - Xưa nay người trí thức thì thường ưu tư, nhất là khi xã hội có quá nhiều xáo trộn, biến động. Ông nghĩ gì về con người Việt Nam hôm nay?


- Con người là tự do, có quyền thích nở hoặc không nở, có thể muốn làm hoa sen hoặc không làm, và luôn luôn có bất ngờ. Tôi cũng hy vọng là như thế như vẫn thường có cái đột biến trong thế giới sinh học. Có thế cuộc đời mới có ý nghĩa, nếu không, đời còn gì thú vị! Ý chí con người có thể vượt qua số phận và hoàn cảnh lịch sử. Gần đây, người ta hay nói tới bà Aung San Suu Kyi ở Myanmar như một hình tượng điển hình. Nhân duyên sẽ thành tựu từ một tiềm lực văn hóa mạnh mẽ và một nền tảng căn cơ về học thuật, vốn khiến ta không quá bi quan khi nghĩ về con người và xã hội.


- Cảm ơn ông!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tự do học thuật: Sinh lộ của một nền văn minh

    26/01/2019Bùi Văn Nam Sơn"Tư cách người trí thức" theo nghĩa rộng, chỉ những ai được thụ hưởng nền giáo dục đại học và "có năng lực diễn đạt ý kiến dưới hình thức văn bản". Vì thế, môi trường đại học là nơi thể hiện quyền tự do này một cách tập trung và đậm đặc nhất...
  • “Hiện đại thứ hai” và nền văn hóa công luận

    26/11/2018Bùi Văn Nam SơnThế giới kết thúc thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 bằng một sự kiện đặc biệt: hội nghị Copenhagen về biến đổi khí hậu được tổ chức rầm rộ chưa từng có với kết quả... đáng thất vọng! Cái “Realpolitik” (“chính trị thực tế”') vì lợi ích trước mắt của các quốc gia dường như vẫn còn thắng thế trước các mối hiểm họa toàn cầu.
  • Tư tưởng đổi thay số phận

    01/08/2016Bùi Văn Nam SơnNhìn chung, ta vẫn cứ “triết lý” hàng ngày giống như ông Jourdain luôn miệng làm “văn xuôi” mà không tự biết đấy thôi!
  • Đừng để mình lạc hậu về tư tưởng

    12/05/2016Lam ĐiềnThật bất ngờ, hội trường NXB Trẻ sáng 11-5 chật kín các bạn sinh viên và cả học sinh phổ thông đến dự buổi trò chuyện của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn về đề tài triết học...
  • Hạnh phúc ai bán mà mua

    20/03/2016Bùi Văn Nam SơnCamus lập tức liên tưởng câu chuyện riêng của nhân vật thần thoại Hy Lạp Sysyphe đến thân phận hiện thực của “người công nhân ngày nay, suốt tháng ngày trong cuộc đời của mình, luôn phải làm việc với cùng một nhiệm vụ, và cái số phận ấy cũng chẳng kém phần phi lý”...
  • Xây ở suy tư

    08/02/2016Bùi Văn Nam SơnTa xây để ở. Xây là phương tiện, ở là mục đích. Nhưng, nếu ta đơn giản chấp nhận sơ đồ phương tiện-mục đích mà không "suy tư" gì thêm, ta đã khóa chặt tầm nhìn về mối quan hệ căn cơ giữa xây và ở. Bởi, xây không đơn thuần là một phương tiện để tiến đến việc ở: xây, tự nó đã là ở. Sao thế?
  • Nhớ về buổi nói chuyện “Trưởng thành và Khai sáng” ngày 14/7/2011

    05/08/2015Một người trên 18 tuổi thì được coi là trưởng thành nhưng là trưởng thành về mặt sinh học. Một người chỉ được coi là “trưởng thành” về mặt trí tuệ và nhận thức khi người đó được “khai sáng” thông qua “sự học”, “thực học” và “biết học”. Đó là người có suy nghĩ và tư duy độc lập, dám nghĩ và dám tin để từ đó biết lỗi, biết ơn, biết sáng tạo, có khả năng phân biệt đúng - sai, hay - dở, tốt - xấu; biết cái gì đáng khinh, cái gì đáng trọng…
  • “Trà dư tửu hậu” và triết học

    05/05/2015Võ Trần Bình PhươngQuanh năm quay cuồng với chuyện làm ăn, bàn chuyện kinh tế, chính trị, thời sự; cuối năm có lẽ là dịp để mỗi chúng ta chiêm nghiệm, suy ngẫm về cuộc đời... Thử một lần không bàn về chuyện kinh tế, TBKTSG đã “trà dư tửu hậu” với nhà nghiên cứu triết học phương Tây Bùi Văn Nam Sơn...
  • Ngày xuân nói chuyện viễn tưởng: Các mô hình toàn cầu hóa

    10/03/2015Bùi Văn Nam SơnThế giới đang đầy rẫy xung đột, nhưng tiến trình toàn cầu hóa dường như vẫn cứ tiếp diễn. Hai hiện tượng mâu thuẫn ấy sẽ triệt tiêu nhau, sẽ tiếp tục song hành hay sẽ hòa giải với nhau một cách nào đó?
  • Xây ở suy tư

    21/02/2015Bùi Văn Nam SơnThế giới kiến trúc và xây dựng chưa bao giờ bao bọc quanh ta dày đặc đến ngột ngạt như ngày nay, nhưng đồng thời ta cũng bưng tai bịt mắt hơn lúc nào hết trước thông điệp và triết lý của nó (hay là...vô thông điệp và vô triết lý!)...
  • Triết học – sự tinh khiết của ý chí

    11/08/2014Nguyễn Xuân XanhĐọc Trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn người ta có cảm tưởng đang bước lên những bậc thang ngày càng cao của “tháp ngà triết học”, không phải để tách rời khỏi xã hội, mà để nhìn qua các cửa sổ thấy được thế giới nhiều hơn, xa hơn, và để trở lại hiểu xã hội nhiều hơn...
  • Trám “lỗ thủng" văn hóa, đạo đức

    20/01/2014Phạm Vũ ghiNăm 2013, chúng ta đã phải chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn về văn hóa và đạo đức. Trên số báo cuối cùng của năm, Tuổi Trẻ mời các chuyên gia của nhiều lĩnh vực tham gia bàn luận, tìm giải pháp để trám “lỗ thủng” văn hóa, đạo đức nhằm hướng đến năm 2014 tốt đẹp hơn...
  • Một vài ý nghĩ nhân đọc bản dịch tác phẩm "Phê phán lý tính thuần túy“ của Immanuel Kant do Bùi Văn Nam Sơn thực hiện

    01/01/2014Nguyễn Trung LươngTên tuổi Kant tuy được đây đó nhắc đến và tùy theo nhu cầu nhất thời tác phẩm của ông thỉnh thoảng cũng đã được trích dẫn, nhưng thực sự tư tưởng của ông chưa được tiếp thu tương ứng với vị trí của ông trong triết học. Thiếu sót này có nhiều lý do mà một trong những lý do ấy là tác phẩm của ông chưa được dịch sang tiếng Việt...
  • Cứ kiên trì, rồi mùa hoa trái sẽ tới

    23/11/2013Lê Ngọc Sơn (thực hiện)Sau khi kinh tế xã hội rơi vào vòng khó khăn, chúng ta cần nhìn lại để biết đâu là “gót chân Achilles” của chính mình. Sự phát triển và trưởng thành của một dân tộc luôn từ những cuộc tự vấn. Qua câu chuyện với nhà báo Lê Ngọc Sơn, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn có những tâm sự đầu năm với các bạn sinh viên, theo ông, có nhìn lại bản thân mình thì mới sinh tồn được qua những khó khăn phía trước...
  • "Ranh giới cho những khả thể của con người"

    29/09/2012Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Thị Từ HuyÍt có môn học nào khiến người ta dằn vặt như môn triết, bởi có quá
    nhiều đường vào và cách gặp. Những triết gia lớn - qua tiểu sử của họ -
    đến với triết học từ nhiều chân trời rất khác nhau, có khi từ những sự
    cố gây chấn động trong tâm tư...
  • Bàn về Tự do

    09/01/2011Bùi Văn Nam SơnCuốn sách đề cập đến một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là quyền của các cá nhân trong mối quan hệ của họ với cộng đồng và với xã hội. Toàn bộ nội dung tác phẩm Bàn về tự do toát lên quan niệm chủ đạo của tác giả cho rằng, tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người khác; rằng, tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân...
  • Cần biết và cần nghĩ

    24/06/2010Bùi Văn Nam SơnMôn gì cũng cần giải lao huống hồ triết học! Xin bạn đọc tham dự giờ ra chơi của “người kể chuyện” Bùi Văn Nam Sơn, nhân tiện ông sẽ có đôi lời trao đổi cùng “người hâm mộ” về những ý kiến đã nhận được.
  • Triết học không còn là đặc sản của những "thiên tài"…

    01/10/2008Văn Bảy (thực hiện)(TT&VH) - Bùi Văn Nam Sơn sinh năm 1947 tại Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam, từng học khoa Triết, Đại học J. W. Goethe, Frankfurt/M, CHLB Đức. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, khoảng 15 tác phẩm do ông dịch, chú giải, hoặc giới thiệu, chú thích, hiệu đính… được giới học thuật và bạn đánh giá rất cao. Sau ba quyển Phê phán của I. Kant và Hiện tượng học Tinh thần của Hegel, nay ông vừa cho ra mắt bản dịch và chú giải quyển Khoa học Lôgíc của Hegel (NXB Tri thức, 2008). TT&VH có một cuộc trò chuyện đặc biệt với ông.
  • "Tự đóng cửa là tự hại mình"

    23/09/2007Nhật Lệ thực hiệnNhiều năm qua, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn dày công dịch và chú giải ba quyển Phê phán nổi tiếng của nhà triết học Đức I. Kant: "Phê phán lý tính thuần túy" (2004, tái bản 2007), "Phê phán năng lực phán đoán", "Phê phán lý tính thực hành" (2007) và "Hiện tượng học Tinh thần" của G.W.F. Hegel (2006)...
  • Luyện nội công song song với học quyền cước

    11/07/2006Văn BảyBằng cách dịch, chú giải công phu 2 cuốn sách kinh điển trong lịch sử triết học thế giới: Phê phán lý tính thuần túy của I.Kant và Hiện tượng học Tinh thần của Hêgen và những cuốn khác đang hoàn thành… nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đã góp công sức vào tiến trình giáo dục bách khoa tri thức của thế giới vào Việt Nam...
  • xem toàn bộ