Đọc đạo đức kinh của Lão Tử

02:33 CH @ Thứ Ba - 24 Tháng Ba, 2009

Sau một năm khủng hoảng, cùng với mọi người chèo chống vượt qua bao sóng to, gió lớn để đến nơi an toàn, trước thềm năm mới, tôi đọc lại “Đạo Đức kinh” của Lão Tử, chợt thấy có vài điều thú vị, xin được chia sẻ với các bạn như món quà đầu xuân.

Hơn 2.500 năm trước, vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, lịch sử loài người chứng kiến sự ra đời của những tư tưởng triết học cao thâm cùng lúc xảy ra ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Ở phương Tây các nhà triết học Hy Lạp cổ đại mà điển hình là Heraclitus, Thales, Anaximander. Ở Ấn Độ có Ấn Độ giáo với kinh Vệ-đà và Tất-đạt-Ta Cồ-đàm người sáng lập ra Phật giáo. Ở Trung Quốc có Lão Tử và Khổng Tử. Mỗi vị thông qua những cách tu tập, thiền định, quán tưởng, trực cảm khác nhau, cuối cùng đều phát hiện ra cách giải thích của mình về vũ trụ, về quy luật của cuộc sống. Điều đáng ngạc nhiên là những tư tưởng này lại hết sức tương đồng nhau khi hướng về sự hoàn thiện, đó chính là “Brahman” của Ấn Độ giáo, “Pháp thân” của Phật giáo và “Đạo” của Lão giáo. Điều hết sức bất ngờ là những tư tưởng phương Đông vừa nêu lại hoàn toàn tương đồng với những phát hiện mới của vật lý hiện đại nhất là hạ nguyên tử mà Fritjof Capra đã chỉ ra trong tác phẩm “Đạo của vật lý”.

Trong các trường phái triết học phương Đông, có thể nói rằng tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão tử là ngắn gọn nhất, thâm sâu nhất. Thật vậy, chỉ với 81 đoạn thơ, Đạo Đức Kinh đã nêu lên toàn bộ các quy luật vận hành của vũ trụ, của xã hội và của đời sống con người. Chẳng hạn Lão tử nói:

Phản giả đạo chi động.
Nhược giả đạo chi dụng.
Thiên hạ vạn vật sanh ư Hữu
Hữu sanh ư vô.

Dịch nghĩa:

Trở lại với cái động của Đạo.
Yếu, mềm là cái dụng của Đạo
Vạn vật dưới trời sanh nơi “Có”
“Có” sanh nơi “không”.

Lại có câu:

Đạo sanh Nhất
Nhất sanh Nhị
Nhị sanh Tam
Tam sanh Vạn Vật
Vạn vật phụ âm nhi bão dương
Xung khí dĩ vi hòa.

Dịch nghĩa:

Đạo sanh một
Một sanh hai
Hai sanh ba
Ba sanh vạn vật
Trong vạn vật không vật nào mà không cõng Âm và bồng Dương
Nhân chỗ xung nhau mà hòa với nhau.

Những câu dẫn trên rõ ràng là hoàn toàn phù hợp với lý thuyết “Big Bang” về nguồn gốc ra đời của vũ trụ, với các loại của cặp hạt – phản hạt trong lý thuyết hạ nguyên tử, với phạm trù vật chất – phản vật chất trong vật lý hiện đại. Tuy nhiên, để các bạn khỏi phải nhức đầu vì những lĩnh vực khoa học rối rắm, tôi xin chuyển sang lĩnh vực quen thuộc hơn với chúng ta. Đó là việc quản trị (Một đất nước, một tập đoàn, một công ty, gia đình hay chính mình). Như câu trên đã dẫn: “Trở lại là cái động của Đạo, yếu, mềm là cái dụng của Đạo”. Câu đầu nói về luật phản phục: Mọi vật đều phát triển theo một chu kỳ nhất định, mọi thứ đều quay về điểm xuất phát của nó với một hình thái khác. Câu thứ hai là nói ta không nên cản lại quy luật của tự nhiên, phải biết thuận theo đạo mà sống. Cùng một tư tưởng đó, Lão tử khuyên ta:

Thiên hạ chi chí nhu
Trì sính thiên hạ chi chí Kiên
Vô hữu nhập vô gian
Ngô thị dĩ tri vô vi chi hữu ích

Dịch nghĩa:

Cái rất mềm của thiên hạ
Thắng cái rất cứng trong thiên hạ
Cái “không có” xen vào được chỗ không thể xen vào
Do đó mà ta biết được sự lợi ích của “ vô vi”

Cái “ vô vi” của lão tử không có nghĩa là không làm:

Vô vi nhi vô bất vi
Thủ thiên hạ thường dĩ vô sự
Cập ký sự bất túc dĩ thủ thiên hạ.

Dịch nghĩa:

Không làm mà không gì là không làm
Thường dùng “vô vi” thì được thiên hạ
Bằng dùng “hữu vi” thì không đủ trị thiên hạ.

Lão tử lại nói “ Trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên” (Trị nước lớn khác nào nấu cá nhỏ). Trị nước lớn cũng vậy, nếu lấy “vô vi” làm chuẩn thì mọi việc đều êm thấm. “Vô vi” ở đây phải hiểu là không dùng tư tâm, không lấy tư lợi mà xen vào việc của người. “Vô vi” là làm một cách tự nhiên, kín đáo, không dụng tâm, làm theo quy luật, giống như ánh sáng mặt trời làm cho hoa nở. Thêm nữa, Lão Tử nói:

Vi vô vi,
Sự vô sự
Vị vô vị,
Đại tiểu đa thiểu
Báo oán dĩ ức
Đồ nan ư kỳ dị
Vi đại ư kỳ tế
Thiên hạ nan sự
Tất tác ư dị
Thiên hạ đại sự
Tất tác ư tế

Dịch nghĩa:

Làm mà “không làm”
Lo mà “không lo”
Nếm mà “không mùi”
Xem lớn như nhỏ
Coi nhiều như ít
Lấy đức báo oán
Làm việc khó, bắt nơi chỗ dễ
Làm việc lớn, bắt nơi chỗ nhỏ.
Việc khó trong đời, khởi nơi chỗ dễ
Việc lớn trong đời, khởi nơi chỗ nhỏ.

Đó là cách làm rất khoa học nhưng cũng rất khiêm tốn phải không các bạn? Thế nhưng muốn cho việc trị nước (hay quản trị công ty) có mục tiêu hiệu quả thì mục tiêu quản trị phải được xác định rõ. Đó là phải làm theo Đạo trời: “Tổn hữu dư, bổ bất túc” (lấy chỗ dư, đắp chỗ thiếu). Nghĩa là phải từ bỏ những gì thái quá, nâng đỡ cho những gì bất cập, đem lại công bằng cho xã hội. Muốn giảm lạm phát thì phải xem tiền, hàng cái nào thiếu, cái nào thừa. Còn thị trường bất động sản, muốn phát triển bền vững cũng phải xem cung cầu, thu nhập, năng lực sản xuất, nguồn vốn phát triển, hành lang pháp lý, cái nào gia cái nào giảm. Thế còn tham nhũng – cũng từ chữ tham – sân – si mà ra – muốn chống tham nhũng và nâng cao khả năng quản trị, đạo đức của cán bộ thì làm thế nào? Lão tử khuyên: Người muốn trở thành tốt thì hãy sống giống như nước:

Thượng thiện nhược thủy
Thủy thiện lợi vạn vật
Nhi bất tranh,
Xử chúng nhân chi sở ố,
Cố cơ ư Đạo
Cư thiên địa
Tâm thiện uyên,
Dữ thiện nhân,
Ngôn thiện tín,
Chánh thiện trị,
Sự thiện năng
Động thiện trời
Phù duy bất tranh
Cố vô ưu,

Dịch nghĩa

Bậc “thượng thiện” giống như nước.
Nước thì hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh
Ở chỗ mà người người đều ghét,
Nên gần với Đạo
Ở thì hay lựa chỗ thấp
Lòng thì chịu chỗ thâm sâu,
Xử thế thì thích dùng đến lòng nhân,
Nói ra thì trung thành không sai chạy,
Sửa trị thì chịu làm cho được thái bình.
Làm việc thì hợp với tài năng,
Cử động thì hợp với thời buổi
Ôi, vì không tranh
Nên không sao lầm lỗi.

Biết là như thế, nhưng thời nay làm được điều như thế, chắc là không phải dễ. Vậy nên mong ước sao cũng sẽ được như vầy:

Cố thiện hữu quả nhi dĩ
Bất cảm dĩ thủ cường
Quả nhi vật căng
Quả nhi vật phạt
Quả nhi vật kiêu
Quả nhi vật bất đắc dĩ
Quả nhi vật cưỡng
Vật tráng tắc lão
Thị vị bất Đạo
Bất Đạo tảo dĩ.

Dịch nghĩa

Vậy thắng một cách khéo léo
Không dám dùng sức mạnh
Thắng mà không khoe khoang
Thắng mà không tự khen
Thắng mà không kiêu căng
Thắng vì cực chẳng đã
Thắng mà không áp bức
Vật mạnh lớn ắt già
Ấy là trái đạo
Trái Đạo, mất sớm.

“Vật tráng tắc lão” chính là một quy luật tất yếu của tự nhiên, do vậy cần sống sao cho đảm bảo được sự quân bình của âm – dương. Lão tử còn có lời khuyên: “Ngã hữu tam bảo, trì nhi bảo chi; nhất viết từ, nhì viết kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên”. (ta có ba của báu, hằng nắm giữ không buông, một là Từ, hai là Kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ). “Từ” là thương yêu, xem mọi người như mình, không phân biệt người lành kẻ dữ, nên không bao giờ có kẻ thù; “Kiệm” nên không xa xỉ, không khêu gợi lòng tham dục của con người mà làm nên đại sự. “Không dám đứng trước thiên hạ” là người khiêm cung mới có thể cầm đầu thiên hạ. Kẻ có lòng Từ là người đại dũng vì dám xem thù như bạn, có lòng khoan dung rộng lớn. Kiệm thì làm gì luôn luôn cũng có mực độ, lòng dạ quảng đại quang minh. “Từ cố năng dũng, Kiệm cố năng quảng”.

Tìm đến triết lý Lão tử, tôi lại nhớ đến Lời dạy cụ Hồ, bậc hiền triết đáng kính của nước nhà, khi cụ dặn dò cán bộ cũng bằng 8 chữ: “Cần – Kiệm – Liêm – Chính, Chí – Công – Vô – Tư”. Trong khuôn khổ có hạn của bài báo, tôi chỉ xin điểm qua vài nét trong kho tàng “cách ngôn bằng thơ” vô cùng quý giá của Đạo Đức Kinh – một tác phẩm triết học cổ đại Trung Quốc vẫn còn giá trị đến ngày nay. Mong rằng một mùa Xuân mới sẽ đem lại nhiều hy vọng mới, nhiều tư tưởng đẹp, nhiều niềm vui lớn cho toàn thể mọi người.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hãy thử lấy mắt Đạo Học nhìn Khoa Học

    19/03/2019Thượng tọa Thích Thông Huệ (1)Người ta nghĩ Khoa học chính là nền tảng của tiến bộ, phải là thước đo cho mọi tiến bộ. Người ta lấy mắt Khoa học nhìn vào mọi chuyện để định hay dở, đôi khi phải trái. Thế nhưng, cùng với cao độ của nền kinh tế thế giới nhờ Khoa học, những thống khổ của con người - thương vong và tử vong vì chiến tranh lan rộng, giết chóc, tàn phá, chạy chốn, giam cầm,tra tấn, tù đầy, căm thù, báo oán, đói khổ, phá hoại môi sinh..- vẫn không giảm sút, mà chỉ có chiều hướng gia tăng
  • Nền tảng Nho giáo của tư tưởng xã hội hài hòa (trích đăng)

    20/03/2009Nguyễn Tài ĐôngTìm ra và khẳng định tư tưởng xã hội hài hòa có nền tảng lý luận từ kho tàng triết học truyền thống là đã tiếp sức sống cho tư tưởng này, vấn đề còn lại là, phát triển các kênh đối thoại đa dạng hơn nữa giữa truyền thống và hiện đại mà ở đặc biệt là giữa chủ nghĩa Mác và Nho giáo để tìm ra nhiều lời giải đáp hữu hiệu cho hiện thực xã hội hài hòa.
  • Thuyết nhân, ái thông, hòa của Nho gia

    29/12/2006Mậu Trung GiámLễ kỷ niệm 2550 năm ngày sinh Khổng Tử sẽ được tổ chức long trọng tại quê hương ông - Khúc Phụ vào tháng 10/1999, nhưng từ đầu quý 11, các nhà nghiên cứu đã lần lượt viết bài trên các báo về ý nghĩa, giá trị của Nho học thời đại hiện nay. Bài viết sau đây là một ý kiếm trong số nói trên...
  • Lý học và tượng số của Nho - Lão - Phật giáo

    23/08/2006Đ.H.LTừ khi ra đời và phát triển đến thế kỷ XI là thời điểm Nho giáo thịnh vượng nhất cùng với những tên tuổi lớn như: Âu Dương Tu, Thiệu Ung, Chu Hi...Đồng thời cho đến lúc này, Nho giáo được chia ra thành hai bộ phận: đạohọc và đứchọc, và trình độ triết học của Nho giáo đã được nâng lên cao ngang với Lão học và Phật học...
  • “Nhân” trong luận ngữ của Khổng Tử

    17/08/2006Lê Ngọc AnhNho giáo ra đời vào thế kỷ VI trước công nguyên do Khổng Tử là người sáng lập. Tại quê hương của Nho giáo đã từng có lúc rộ lên "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", nhưng thực tế đã chứng minh, cuối cùng thì Nho giáo vẫn là học thuyết có sức sống lâu bền nhất...
  • Sách triết nhập cuộc

    12/06/2006Đặng Quý YênViệc các đầu sách triết học được đầu tư và đón nhận như hiện nay cho thấy nhu cầu và thị hiếu của độc giả Việt Nam ngày một cao...
  • xem toàn bộ