“Chúng tôi đã để lại cho chính mình một gánh nặng!”

07:43 SA @ Thứ Sáu - 05 Tháng Ba, 2010

Từ năm 2005, GS.TS. Chu Hảo và Nhà xuất bản (NXB) Tri Thức đã bắt tay xây dựng một kế hoạch tham vọng: xây dựng tủ sách Tinh hoa Tri thức thế giới với mục tiêu dịch và xuất bản 500-1.000 đầu sách trong 10 năm. Ý tưởng táo bạo này được hoan nghênh, nhưng ngay GS.TS. Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri Thức, cũng phải thừa nhận dịch và in sách “tinh hoa” ở Việt Nam là con đường gian nan…

TBKTSG: Xin được hỏi kế hoạch xây dựng tủ sách Tinh hoa Tri thức thế giới do NXB Tri Thức khởi xướng hiện nay có suôn sẻ không? Nhiều người không khỏi hoài nghi về khả năng thành công của đề án bởi nhiều lẽ, như văn hóa đọc sách ở nước ta đang phải đối mặt với sức cạnh tranh dữ dội từ Internet, sách mạng...

- GS. CHU HẢO: NXB Tri Thức và tủ sách Tinh hoa Tri thức thế giới chính thức hoạt động từ cuối năm 2005, đến nay đã có khoảng 130 đầu sách thuộc các dòng kinh điển, tri thức mới và dẫn nhập. Xét về mục tiêu 500-1.000 đầu sách trong 10 năm, chúng tôi đã để lại cho chính mình một gánh nặng trong những năm sắp tới. Phải thừa nhận là làm sách tinh hoa không phải một con đường dễ đi, thậm chí nhiều đoạn còn chưa có đường. Chúng tôi gặp khó khăn từ nhiều nguyên nhân: tài chính, đầu ra cho sản phẩm, thói quen đọc sách của đại đa số độc giả… Về Internet và sách điện tử, tôi không coi đó là một đối thủ cạnh tranh, trái lại, đó là người bạn đường, thúc giục, cổ vũ chúng tôi cần đổi mới, hiện đại hơn việc làm sách trong một thời đại tương tác toàn cầu rõ ràng có tên là Internet. Ở nước ngoài, sách điện tử đang được độc giả ưa chuộng. Nhưng sách số hóa chủ yếu là tiểu thuyết hoặc những sách thuần giải trí, sách công cụ vẫn được những người không làm khoa học tìm mua ở các cửa hàng sách một cách bình thường.

TBKTSG: Tủ sách thuộc loại “Tinh hoa tri thức thế giới”, nghĩa là không hề dễ đọc. Ông có lo ngại các tác phẩm kén người đọc này sẽ khó phổ cập? Việc đưa ra thị trường những tác phẩm kinh điển này có thể ảnh hưởng như thế nào đến kinh doanh các tác phẩm khác?

- Các sách tinh hoa tri thức thế giới được chúng tôi phân vào mấy tủ sách: tinh hoa kinh điển, tri thức mới, một số được đưa vào tủ sách tri thức phổ thông và dẫn nhập. Tức là có nhiều cấp độ cho dòng sách này. Đương nhiên có những sách thuộc loại khó với cả những nhà nghiên cứu lớn trên thế giới, nhưng cũng sẽ có cả những cuốn mà người đọc với một trình độ nhất định vẫn có thể tiếp nhận được. Việc sách của chúng tôi kén độc giả là một sự thật và đây chính là điều thúc đẩy chúng tôi khai thác thêm các dòng sách phụ trợ cho việc đọc và hiểu sách tinh hoa nhằm giúp người đọc có định hướng khi tiếp cận sách. Vì sách kén người đọc nên việc tiêu thụ sản phẩm không hề dễ dàng. Tuy vậy, chúng tôi rất lạc quan vì sách tinh hoa có thể không được mua bán ồ ạt nhưng sẽ là những đầu sách mà mỗi thế hệ đều có cho mình.

TBKTSG: Phải cần đến 35 tỉ đồng để dịch và đưa 1.000 cuốn sách này đến với bạn đọc trong 10 năm, trong khi các ông không thể trông chờ nhiều vào khả năng thương mại của chúng, còn hỗ trợ từ ngân sách thì không lớn. Nguồn tài trợ sẽ được huy động từ đâu, và liệu NXB có phải dùng những cuốn sách thuộc dòng thương mại khác để nuôi 1.000 cuốn sách này?

- Dự án của chúng tôi khi ra đời hy vọng có thể huy động được tài chính từ các cá nhân, tổ chức thông qua Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh (nay đổi tên là Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh) nhưng việc vận động này đã không đem lại kết quả khả quan. Và như tôi đã nói, sách tinh hoa không dễ tiêu thụ, thường phải mất một thời gian dài để thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Làm sách công cụ cung cấp tri thức nền cho độc giả Việt Nam là một việc làm lâu dài, chúng tôi rất mong có được sự công nhận, ủng hộ, hỗ trợ thực tế từ Nhà nước, nhưng khi chưa có được sự hỗ trợ này, chúng tôi vẫn tự lực vận động từ nhiều nguồn khác nhau: từ việc kinh doanh các sách khác - đương nhiên vẫn tuân theo tôn chỉ mục đích của NXB, từ nguồn tài trợ của các cơ quan hợp tác văn hóa nước ngoài, và từ việc đẩy mạnh tiêu thụ chính các sách khó tiêu thụ trên bằng cách mở rộng thị trường, tìm đến với từng độc giả - khách hàng tiềm năng.

TBKTSG: Ông từng than phiền rằng, rất khó khăn để kêu gọi các nguồn tài trợ cho việc “xóa đói tri thức cho trí thức”?

- Bản thân tôi cũng tự nhận biết sự hiểu biết mình còn hạn chế. Khi còn là một cán bộ nghiên cứu tiếp xúc với các bạn nước ngoài, tôi nhận ra dù mình được đào tạo tốt, sử dụng được 2-3 ngoại ngữ nhưng hóa ra tôi còn thiếu hiểu biết trong rất nhiều lĩnh vực, nhất là kiến thức nền về triết học, đời sống - lĩnh vực mà các bạn quốc tế được giáo dục từ rất sớm. Trí thức nước ta quá thiếu sách vở, tài liệu để đọc. Hồi ấy, các viện trong Ủy ban Khoa học Nhà nước đều dịch các tài liệu nước ngoài để tham khảo. Nhưng dịch nội bộ thì rất tốn kém mà chỉ một nhóm người đọc được. Tôi nghĩ đã dịch thì nên in cho mọi người đọc. Đừng nghĩ rằng sách công cụ chỉ dành cho các nhà nghiên cứu. Trừ những sách quá chuyên sâu như triết học Kant, Hegel... Với các sách tham khảo, những ai có trình độ phổ thông vững chắc, nếu quan tâm, đều có thể đọc được.

TBKTSG: Thưa ông, có một “bộ lọc” nào để đảm bảo cho các tác phẩm được chọn phù hợp với điều kiện của Việt Nam không?

- Chúng tôi có hai con đường cho việc lựa chọn đầu vào của một tác phẩm dịch. Thứ nhất, thông qua sự cố vấn của hội đồng khoa học và đặt hàng các dịch giả. Thứ hai, chúng tôi cũng nhận đề xuất của các dịch giả. Thực tế, chỉ riêng NXB hay cả hội đồng cũng không thể hiểu rõ về toàn bộ kho tàng tri thức của nhân loại nên chúng tôi nhờ vào sự gợi ý từ phía các dịch giả và các cộng tác viên khác. Họ chính là những nhà tư vấn, những bộ lọc tốt giúp NXB. Đương nhiên những sách được chúng tôi chọn qua hướng này là những tác phẩm phù hợp với tôn chỉ, mục đích của NXB. Chúng tôi may mắn có được một mạng lưới các cộng tác viên là những nhà nghiên cứu, những dịch giả hàng đầu trên nhiều lĩnh vực khoa học, có uy tín cùng tâm huyết với sự phát triển tri thức nước nhà. Họ đã giúp chúng tôi thẩm định việc lựa chọn sách dịch.

TBKTSG: Trước đây đã có tác phẩm về triết học được tái bản khá thành công, vậy ông có đặt mục tiêu này cho tủ sách?

- Hơn bốn năm trước, khi ra mắt NXB Tri thức và Quỹ Phan Châu Trinh, chúng tôi đồng thời ra mắt các cuốn: Bàn về tự do - J. S. Mill, Thế giới như tôi thấy - A. Einstein, Tâm lý học đám đông - G. le Bon. Các sách này cho tới nay đã được tái bản lần lượt với số lượng: 7.500 bản, 6.000 bản và 8.000 bản - đây là những con số đáng mừng. Tôi hy vọng và tin các sách dòng tinh hoa khác cũng sẽ dần đạt được lượng tái bản này.

TBKTSG: Ông có thể nói thêm về việc vận động tài chính để làm sách của Quỹ Phan Châu Trinh?

- Việc huy động nguồn vốn xã hội phục vụ việc dịch và xuất bản sách tinh hoa là điều không hề dễ dàng, chúng tôi đã vấp váp trên con đường này trong nhiều năm qua. Các “mạnh thường quân” thường dễ dàng đầu tư cho các hoạt động xã hội khác hơn là đầu tư vào sách. Đây là một bài toán lớn và khó, khiến chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Như tôi đã nói, Quỹ Phan Châu Trinh được thành lập từ khá sớm, sau một số thay đổi, hiện nay đổi tên là Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, và được mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực văn hóa. Tôi hy vọng trong thời gian tới, cùng với các hoạt động văn hóa - xã hội của mình, quỹ sẽ thu hút được nhiều người quan tâm đến phát triển văn hóa, truyền bá tri thức và hỗ trợ được cho sự nghiệp dịch và xuất bản các sách tinh hoa.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bàn về Tự do

    09/01/2011Bùi Văn Nam SơnCuốn sách đề cập đến một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là quyền của các cá nhân trong mối quan hệ của họ với cộng đồng và với xã hội. Toàn bộ nội dung tác phẩm Bàn về tự do toát lên quan niệm chủ đạo của tác giả cho rằng, tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người khác; rằng, tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân...
  • Gặp lại người "mang internet” về Việt Nam

    04/12/2009Lê Thị Thái HòaTôi gặp nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ- Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hảo ở hội thảo “Người Việt có mê đọc sách?” tại Hội chợ sách TP. HCM. Xin ông một cái hẹn trò chuyện trong ngày, hoá ra không quá khó như hình dung.
  • Nhiệt đới buồn và "tư duy về kẻ khác"

    31/10/2009Linh ThủyNhiệt đới buồn là tác phẩm hội tụ những tư tưởng triết học, nhân học - một tác phẩm chuyên ngành nhưng lại được viết dưới dạng du ký, mang vẻ đẹp và hương vị của một tác phẩm văn học.
  • Đạo đức tin lành và tinh thần chủ nghĩa Tư bản của Max Weber

    23/07/2009Trần Hữu Quang - Bùi Văn Nam SơnQuyển sách mà độc giả đang cầm trên tay bao gồm công trình chính là "Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản" mà Max Weber viết vào năm 1904-1905 (in trong "Archiv für Sozialwissenschaft und Sozialpolitik", tập XX, 1904, quyển 1, tr. 1-54, và tập XXI, 1905, quyển 1, tr. 1-110), và có sửa chữa, bổ sung vào năm 1920.
  • Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học

    30/03/2009Chu Lan ĐìnhCho đến cuối thế kỷ XX, cuốn Cấu trúc các cuộc Cách mạng Khoa học có lẽ là cuốn sách triết học bán chạy nhất ở châu Âu và Mỹ, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và số lượng phát hành bằng tiếng Anh lên đến hàng triệu bản. Cho đến nay, theo thống kê của một số tạp chí, đây là một trong những cuốn sách được các tác phẩm triết học trích dẫn nhiều nhất. Sự ra đời của nó vào năm l962 đã đánh dấu sự cáo chung của những tư tưởng triết học khoa học thịnh hành từ những năm l930 cho tới thời điểm ấy. Nó đồng thời đánh dấu sự mở màn của một tư tưởng triết học mới, ít thiên về phân tích logic và phân tích khái niệm mà chú trọng thích đáng hơn đến lịch sử và xã hội học khoa học.
  • Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản

    29/09/2008Minh Bùi tổng hợpQuyển "Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản" của Max Weber, đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng, và cho đến nay có lẽ là quyển được đọc và thảo luận nhiều nhất trong ngành xã hội học. Tác phẩm này trở thành một tài liệu giáo khoa không thể thiếu trong các phân khoa học xã hội ở các đại học trên thế giới. Trong công trình này, Weber đi tìm nguồn gốc của sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản cận đại Âu châu nơi ethos và nền đạo đức khổ hạnh duy lý Tin Lành...
  • Gặp người “xây” tủ sách cho trí thức Việt Nam

    12/01/2007Nguyễn Văn Ninh (thực hiện)Trăn trở vì người Việt trẻ thiếu sách hay, nhà văn Ngô Tự Lập đã lên “Kế hoạch 500 cuốn sách” thông qua việc xây dựng Tủ sách tinh hoa và Quỹ dịch thuật. Và may mắn thay, anh đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều trí thức ưu tâm với giáo dục nước nhà...
  • Ra mắt Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh

    09/01/2007H.T.Một năm sau khi NXB Tri thức thành lập, quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh được ra mắt và khởi động những dự án lớn với tham vọng hỗ trợ và quảng bá việc dịch thuật các tác phẩm có giá trị thuộc Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới. Bắt đầu từ 2007, giải thưởng dịch thuật mang tên nhà chí sĩ Phan Châu Trinh sẽ được tổ chức thường niên...
  • Sách triết nhập cuộc

    12/06/2006Đặng Quý YênViệc các đầu sách triết học được đầu tư và đón nhận như hiện nay cho thấy nhu cầu và thị hiếu của độc giả Việt Nam ngày một cao...
  • 35 tỉ đồng cho 1.000 cuốn sách

    25/12/2005Thu Hà thực hiệnNgay trong buổi ra mắt, Nhà xuất bản Tri Thức mới toanh đã có một bộ sách dịch thật ấn tượng để giới thiệu với các bạn đọc tiềm năng của mình - các trí thức VN...
  • Ra mắt Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới

    22/12/2005Kiều MinhSáng nay (19/12) tại Hà Nội, NXB Tri thức vừa công bố 3 tác phẩm đầu tiên được dịch và xuất bản trong Tủ sách tinh hoa thế giới tại Việt Nam. Gồm cuốn: Những cuộc đời song hành của Plutarque; Bàn về tự do của John Stuart Mill và Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein...
  • xem toàn bộ