Con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại
Nhưng dĩ nhiên, trong các di sản truyền thống, bên cạnh mặt tích cực cũng hàm chứa mặt hạn chế, những phản giá trị. Trên đại thể, những mặt tiêu cực và hạn chế của di sản truyền thống VN cũng bộc lộ khá rõ mà những nét nổi bật nhất là tính cục bộ, địa phương, tâm lý bình quân chủ nghĩa gắn với thái độ “cào bằng”, ghen ghét, đố kỵ những người trỗi vượt hơn mình, tinh thần cầu may, tác phong tùy tiện, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, lối làm ăn nhỏ, manh mún, không biết lo xa và hạch toán kinh tế, chưa tôn trọng con người cá nhân chủ thể, tư duy phân tích, thực nghiệm và luận lý kém. Đó là sản phẩm mặt trái của kinh tế tiểu nông, thiết chế cộng đồng gia đình và xóm làng, của nền văn minh tiền công nghiệp.
Chủ nghĩa yêu nước, ý thức độc lập, tinh thần tự tôn dân tộc đã từng được phát huy cao độ trong chống ngoại xâm, giành và giữ độc lập thống nhất quốc gia, phải được chuyển sang cả lĩnh vực xây dựng đất nước với quan niệm và ý thức coi nghèo nàn, lạc hậu cũng là nỗi nhục không kém gì nhục mất nước. Chúng ta thấm thía câu nói của Hồ chủ tịch: “Nếu nước độc lập mà dân không có hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Ý thức đó khi thấm nhuần vào từng con người và toàn dân thì sẽ trở thành một sức mạnh tinh thần to lớn, một động lực nội sinh của sự phát triển kinh tế – xã hội.
Truyền thống cộng đồng cho đến nay vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tình cảm và quan hệ xã hội của con người Việt Nam. Nhưng trong bản thân truyền thống này hàm chứa cả mặt tích cực và tiêu cực trong tác động đối với sự phát triển hiện nay của đất nước. Đó là mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng. Trong truyền thống cộng đồng do lịch sử để lại, quan hệ và lợi ích cộng đồng mang tính chi phối và bao trùm lên tất cả. Con người cá nhân chỉ được tôn trọng và bảo vệ khi tự ghép mình trong cộng đồng, tuân thủ nghiêm ngặt luật tục với nhiều đẳng cấp và cấp độ cộng đồng chồng xếp lên nhau. Con người cá nhân chưa bao giờ được coi là thực thể độc lập với quyền tồn tại và phát triển nhân cách và tài năng của mình.
Ngày nay trong cơ chế kinh tế thị trường và sự cạnh tranh gay gắt, những mâu thuẫn đó càng bộc lộ nghiêm trọng đến mức cần nghiên cứu và xử lý một cách khoa học trên yêu cầu phát triển mới của kinh tế – xã hội. Mối nguy hại lớn nhất là người ta nhân danh cộng đồng, tập thể để mưu lợi cá nhân và dùng cộng đồng, tập thể để kiềm chế, vùi dập, thậm chí đè nén, hãm hại cá nhân. Vấn đề cần giải quyết là kế thừa truyền thống cộng đồng trên một cấu trúc và quan niệm mới về mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình và làng nước, trong đó con người phải thực sự được thừa nhận và tôn trọng trong sự phát triển nhân cách, tài năng và những lợi ích chính đáng.
Những truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, tinh thần hiếu học, năng lực trí tuệ, lòng nhân ái, tính cách cởi mở, dễ thích nghi, hội nhập đều là những chỗ mạnh của con người VN trong xây dựng đất nước và giao lưu quốc tế hiện nay, nhưng cũng phải kế thừa và phát huy trên tinh thần đổi mới, nâng cao cho phù hợp yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh chung của thời đại.
Bên cạnh đó, những mặt tiêu cực và hạn chế của di sản truyền thống đang di tồn trong cuộc sống và con người VN hiện nay, là những trở lực, những sức ỳ khá nặng nề cho bước đi lên của đất nước và xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong lịch sử VN, đây là một chuyển biến về chất có ý nghĩa hết sức trọng đại, những di sản tiêu cực của truyền thống càng bộc lộ tính lỗi thời, lạc hậu của nó. Nó tồn tại dưới dạng những thói quen, tập quán, những nếp suy nghĩ, những lề thói làm ăn, những cách ứng xử.. có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử và trong cuộc sống, trong nền sản xuất tiền công nghiệp. Vì vậy, cuộc đấu tranh để cải tạo, khắc phục và xóa bỏ nó rất khó khăn, phức tạp và lâu dài.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm Quỳnh