Đề án giáo dục chỉ nhằm bán máy tính bảng
Không thể chấp nhận việc đặt mọi chuyện vào sự đã rồi để bán máy tính bảng, bán phần mềm và dịch vụ đào tạo giáo viên.
Chiều 18.8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3”.
Từ đó đến nay, những phản ứng mạnh nhất, thuyết phục nhất lại đến từ các chuyên gia công nghệ thông tin, những người hiểu rõ sức mạnh và hạn chế của công nghệ lên con người.
Cái bảng con ngày xưa, các que tính ngày xưa chỉ đơn thuần là công cụ. Nó không phải là trung tâm chú ý. Với chúng tôi ngày đó, trung tâm chú ý là lời giảng bài của thầy cô giáo, là “tương tác” hiểu theo nghĩa đen với bạn bè trong lớp.
Đây là nghĩa của giáo dục, đặc biệt ở cấp tiểu học, nơi tạo ra môi trường cho các em tiếp xúc dần với thế giới đa dạng, phức tạp và khó hiểu bên ngoài.
Cứ tưởng tượng một lớp học mỗi em chúi mũi vào một chiếc máy tính bảng, cứ xoa xoa, bấm bấm thì còn gì là môi trường giáo dục nữa.
Làm sao máy móc có thể thay thế vai trò của thầy cô, với những ví dụ sinh động để giúp các em hiểu ý nghĩa của phép cộng trừ nhân chia.
Đừng tước mất những giờ phút quý báu của tuổi thơ khi bắt các em chúi mũi vào chiếc máy tính bảng vô hồn; hãy để các em ngẩng đầu lên nghe thầy cô, nghe bạn bè và học từ sự tương tác giữa người với người, chứ không phải giữa người với máy.
Giả thử cúp điện, giả thử đường truyền internet bị trục trặc, không lẽ lúc đó thầy trò ngồi chờ? Lúc đó có mơ đến cái bảng con với miếng giẻ lau thì đã muộn!
Nhìn ở góc độ nội dung dạy và học, nếu đọc lại đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014 – 2015” của Sở GD-ĐT TP.HCM, không thể kết luận gì khác hơn là người soạn đề án chỉ nhằm mục đích bán máy!
Mọi thông số từ số học sinh, trường, lớp đến mô tả tính năng máy móc… tất cả đều nhằm mục đích thuyết phục mọi người bỏ tiền ra để trang bị máy móc.
Thế nhưng câu hỏi lớn nhất, máy móc sẽ làm điều gì mà trước đó con người không làm được, tức nội dung “đổi mới cơ bản và toàn diện” như tiêu đề của đề án sẽ như thế nào thì đề án hoàn toàn không có dòng nào cả.
Trong khi đó, lẽ ra người soạn đề án phải xuất phát từ thực tiễn dạy và học ở các lớp 1, 2, 3 xem có phần nào có thể “số hóa” được; phần nào đưa lên máy tính bảng thì đạt hiệu quả nghe nhìn cao hơn.
Phần nào dùng bảng tương tác giảng bài cho học sinh sẽ giúp các em hiểu bài nhanh hơn?, từ đó nội dung chính của đề án là cách thức “số hóa” từ nội dung bài giảng đến phương pháp truyền đạt; các bài luyện tập, các kỹ năng kỳ vọng học sinh sẽ nắm được.
Quan trọng nhất, đề án phải phân bổ được chương trình, cái nào cải tiến theo phương pháp mới, cái nào duy trì như hiện nay; việc đào tạo kỹ năng mới cho giáo viên sẽ được tiến hành như thế nào…?
Thú thiệt, chúng tôi đã vận dụng hết trí tưởng tượng cũng không thể hiểu nổi vì sao phải chi 250 triệu đồng cho mỗi hiệu trưởng để đào tạo trong 4 tuần tại Nhật Bản hay Hàn Quốc, còn giáo viên trực tiếp giảng dạy thì chỉ đào tạo 1 tuần tại chỗ.
Hiện nay nỗ lực số hóa sách giáo khoa các cấp đã được các tổ chức lẫn cá nhân làm khá tốt. Một số phần mềm hỗ trợ học sinh tiểu học dùng trên máy tính bảng đã xuất hiện.
Cách làm tốt nhất là khuyến khích các trường tự thí điểm, mỗi trường xây dựng một lớp để các em thay nhau vào học thử trong môi trường “số hóa”, tương tác với máy; chắc chắn sẽ có nơi sẵn sàng cung cấp miễn phí với hy vọng trúng thầu sau này.
Xong rồi khảo sát kết quả, rút ra kết luận từ đó mới cân nhắc làm đại trà hay không. Không thể chấp nhận việc đặt mọi chuyện vào sự đã rồi để bán máy tính bảng, bán phần mềm và dịch vụ đào tạo giáo viên.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn