Đối mặt với nữ quyền

07:18 CH @ Thứ Sáu - 06 Tháng Ba, 2009

Một người phụ nữ đẹp nói về quyền phụ nữ để đàn ông nghe. Có vẻ như là một sự quá đỗi bình thường. Bình thường đến độ, có thể, đàn ông sẽ tặc lưỡi, lại là chuyện đàn bà đòi quyền lợi. Hoặc giả là, gớm chết những bà, những cô, suốt ngày nhảy tưng tưng lên đòi đấu tranh, đòi bình đẳng giới. Chả ra cái thể thống gì, đàn bà cứ học đòi giống đàn ông...

Nhưng hình như người đàn bà này có khác. Như vẻ ngoài vô cùng nữ tính nhưng lại thừa sự mạnh mẽ ở mái tóc tém siêu ngắn giống đàn ông. Một giọng nói nhẹ nhàng, êm như ru, dường như chả thể quát to bao giờ nhưng lại có ánh mắt cương quyết cuốn hút. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội. Tại sao là Đồng Viện trưởng? Vì còn có thêm một ông Viện trưởng nữa, là chồng của chị. Có vẻ như vấn đề bình đẳng giới được quán triệt chính xác trên từng cen-ti-mét ở cuộc sống của người phụ nữ này. Ừ thì thử xem người phụ nữ này nói gì, thêm một lần lắng nghe người khác giới, âu cũng chẳng quá phiền.

Bình đẳng ư? Mệt nhỉ!

Hôm nay chúng ta nói về nữ quyền và bình đẳng giới, mà là nói để đàn ông nghe, chị có nghĩ là phải nói cho nó khác kiẻu một chút không?

Đàn ông ư. Họ chẳng bao giờ thích nói về nữ quyền hay chuyện đấu tranh giành quyền lợi của phụ nữ đâu. Họ không thích những bà vợ, một hôm nào đấy bỗng nổi hứng và nói, em có quyền không làm cái này, không làm cái kia, em chỉ làm cái em thích.

Tại sao đàn ông không thích phụ nữ đạt đến quyền bình đẳng?

Vì họ sợ mất quyền. Họ sợ phải chia sẻ thói quen quyền lực mà từ bao đời nay họ đã có được. Có điều, quyền lực không hẳn nằm hoàn toàn trong tay đàn ông. Bởi nếu thế, thì chẳng có phong trào đòi quyền bình đẳng nào hết, và cũng chẳng bao giờ tồn tại cả một thời kỳ dài của lịch sử dưới chế độ mẫu hệ. Sự tồn tại trong thế giới nào là đàn ông và đàn bà. Hai thế giới ấy vẫn đang đấu tranh quyền lực với nhau.

Nhưng dường như phụ nữ cũng "ngại" đấu tranh giành quyền lắm. Bằng chứng là trong các gia đình, phụ nữ vẫn đang tận tụy phục vụ đàn ông. Hình như chỉ có những tổ chức, những viện nghiên cứu, và đôi khi là báo chí, đang phát động và thúc đẩy phụ nữ nên giành quyền cho mình, trong khi tự họ thì không. Liệu cuộc đấu tranh này có "phù phiếm" quá không nhỉ?

Cũng đúng. Vì tâm lí, cá nhân phụ nữ không muốn có sự xáo trộn trong gia đình mình. Họ được bà, được mẹ dạy cách phục tùng và chấp nhận từ nhỏ. Nếu có một điều gì diễn ra trong gia đình khiến họ không thích, khiến họ thấy mình một quyền bình đẳng với chồng, ví dụ như là chuyện chồng được quyền đi giải trí sau giờ làm, còn vợ thì phải về nấu cơm chẳng hạn, thì người vợ vẫn phải làm việc nhà dù họ thích đi shopping hoặc spa hơn. Vì họ được dạy đấy là nghĩa vụ của người vợ. Lại nữa, chẳng người phụ nữ nào muốn làm căng vấn đề, tự nhiên lại khiến gia đình căng thẳng, mâu thuẫn, thà nhịn tí còn hơn. Tôi thấy, họ rất khó khăn khi lựa chọn và đòi quyền bình đẳng mà phải hi sinh sự yên ổn của gia đình mình. Còn các tổ chức xã hội, hàng ngày hàng giờ, họ đang hoạt động để thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, giành thêm quyền lợi cho phụ nữ. Vê mặt xã hội, nó có ý nghĩa to lớn, dù chỉ là một thay đổi nhỏ.

Chưa rõ đường đi

Một trong những nguyên nhân khiến đàn ông không thích chia sẻ quyền lực với phụ nữ và khiến cho phong trào này có vẻ "lận đận", chưa về đích, là vì, ngay phụ nữ cũng đang mỗi người đòi hỏi "quyền" một kiểu. Mối người nói về bình đẳng một kiểu nên cuộc đấu tranh mới phức tạp, rối bời hơn?

Bình đẳng giới là chia đôi cơ hội. Người phụ nữ được quyền bình đẳng khi họ được làm những gì mình thích, đúng khả năng và được người khác tôn trọng.

Đúng là đấu tranh thì ai cũng rõ là phải đấu tranh, phải đòi hỏi. Nhưng tôi đồng ý là hiểu biết về bình quyền của phụ nữ đang mỗi người một kiểu. Cuộc đấu tranh đã có từ thế kỷ 19 nhưng ở nhiều nơi đang tiếp nhận nó, trong đó có Việt Nam, nó vẫn tạo cảm giác mơ hồ, chung chung về quyền của phụ nữ. Gần đây, chúng ta thấy nổi lên một khái niệm là bình đẳng về mặt cơ hội. Tôi cũng tán thành quan điểm này. Nhưng trong cuộc sống, trong từng hoàn cảnh cụ thể, công việc cụ thể thì nói bình đẳng cơ hội lại cũng không có hồi kết. Chẳng hạn như với sự tiến bộ của khoa học ngày nay, đàn bà có nên bình đẳng cơ hội theo kiểu rằng, tôi đẻ con được thì anh cũng phải đẻ con được, tôi cho con bú được thì anh cũng phải làm thế được, tôi rửa bát thì anh cũng phải rửa bát… Có nên đấu tranh như thế hay không? Bởi vì vấn đề sinh sản của phụ nữ dẫn đến rất nhiều vấn đề phát sinh về quyền lợi và cơ hội giữa đàn ông và đàn bà.

Đàn ông không thích phụ nữ đạt đến sự bình đẳng

Đàn bà trong mỗi gia đình cũng không dám trả giá dù điều đó mang lại lợi ích cho họ. Dường như phong trào nữ quyền, tuy đã hình thành từ thế kỷ 19 nhưng vẫn còn gian nan lắm. Mà có lẽ phải nó là hơi vô vọng?

Tất nhiên là khó khăn lắm nhưng không vô vọng. Nhưng có thể thấy có nhiều chuyển biến lắm chứ. Ngày xưa ai dám tưởng tượng chuyện phụ nữ lái máy hay. Ở xã hội Việt Nam cũng thế, cách đây hai chục năm, đố người đàn ông bình thường nào dám mặc áo hồng, áo tím. Nhưng giờ, ranh giới giữa hai giới rõ ràng đã thay đổi nhiều.

Lại nói chuyện phụ nữ lái máy bay hay bay vào vũ trụ. Phụ nữ bay vào vũ trụ cũng khiến báo chí thế giới ầm ĩ, vì đó là một bước tiến. Chứng tỏ, thế giới cũng nhận thức chuyện phụ nữ bay được vào vũ trụ là bất bình thường. Coi đó là bất bình thường, cũng chính là phân biệt giới và thái độ này hàng ngày đang diễn ra không ngừng nghỉ, chả riêng gì Việt Nam?

Đó rõ ràng là bước tiến, là sự khác thường của loài người chứ không phải là sự khác thường về giới tính. Nhưng cách nhìn nhận của truyền thông về sự việc sẽ thể hiện về cái nhìn có bất bình đẳng giới hay không. Nếu người ta nhìn nhận rằng, giá phụ nữ có cơ hội sớm hơn thì chắc chắn họ đã có thể bay vào vũ trụ trước đó. Vấn đề của bình đẳng giới không phải là phụ nữ có thể hay không thể làm gì, mà là họ cần có được cơ hội ngang bằng với đàn ông.

Mắc bẫy . . .

Nhưng nói gì thì nói, chức năng của phụ nữ từ ngàn đời nay vẫn là chăm lo cho gia đình. Nêu điều đó không đúng, không dễ gì nó lại tồn tại đến ngàn năm như vậy?

Nếu phụ nữ có sở thích và có sở trường chăm lo cho gia đình, họ cứ việc làm. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ có phải đặt việc đó lên hàng đầu hoặc là mục tiêu duy nhất trong cuộc sống của họ. Xã hội ngày nay mang đến cho phụ nữ nhiều mong muốn hơn. Họ muốn được bay nhảy, muốn được đi du lịch, muốn được kinh doanh ra nước ngoài. Nhưng, một người đàn bà thành đạt mà gia đình tan vỡ sẽ bị dư luận chê trách, giàu mà không giữ được gia đình thì vứt. Mọi cố gắng, nỗ lực và khả năng của phụ nữ sẽ bị "cancel" (bỏ đi) nếu họ không có một gia đình hạnh phúc.

Vấn đề này lại trở về chuyện gia đình và sự nghiệp. Dường như báo chí và dư luận đã "định hướng" cho con đường đi của một phụ nữ hoàn hảo là phải "giỏi việc nước, đảm việc nhà" - một điều quá khó ngay cả với đàn ông?

Vâng, phụ nữ đang mắc bẫy giữa hai cái đầu, hiện đại và truyền thống. Họ vừa phải thành đạt, kiếm ra tiền, vừa phải là người vợ, người mẹ hoàn hảo. Người mẹ hoàn hảo tức là phải làm tròn chức năng giáo dục và chăm sóc con cái. Nhà nước không muốn hoặc không có khả năng bỏ tiền ra để xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội tốt để chăm sóc, giáo dục trẻ em, thành thử, mọi gánh nặng được chuyển giao cho người phụ nữ hết sức ngoạn mục và kín đáo.

Còn với gia đinh chị, cụ thể là việc hai vợ chồng cùng chia sẻ vai trò Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xá hội, đây cũng là một kiểu bình đẳng?

(Cười) Thực tế thì hai người cùng gánh vác công việc sẽ nhẹ đi rất nhiều, đó là chưa nói đến việc chia sẻ tư tưởng, sáng kiến trong công việc. Trong gia đình chúng tôi chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng thụ cuộc sống. Rất may, có thể nói, chúng tôi là một đôi hợp cạ.

Cuộc đối đầu sẽ căng thẳng

Chị có nghĩ rằng, cuộc đấu tranh bình đẳng giới sẽ càng ngày càng trở nên mạnh mẽ bởi một xã hội cởi mở, hiện đại hơn sẽ "uy hiếp" những giá trị gia đình truyền thống với vai trò lãnh đạo của đàn ông hay không?

Vâng. Xu hướng tất yếu là xã hội sẽ hiện đại hơn và nhận thức của phụ nữ về giá trị, thân phận mình cứng rõ hơn nên cuộc dấu tranh đòi bình đẳng giới chắc chắn sẽ mạnh mẽ. Nếu nhìn hẹp, giá trị gia đình truyền thống với sự cầm trịch của đàn ông sẽ phải nhượng bộ dần trong không chỉ là "mồi" mà còn là thực tế.

Nói đi nói lại, cũng nên quay về mục tiêu ban đầu của chúng ta. Nếu phụ nữ đòi được quyền bình đẳng, đàn ông phải được gì chứ? Thử cho họ một cái "mồi" đẹp đẽ để họ nhường bớt cho chị em tí quyền chứ?

Đàn ông được rất nhiều. Họ được chia sẻ. Họ không phải đảm nhiệm những gánh nặng là trụ cột của gia đình. Thực ra, đàn ông rất khổ. Không phải chỉ phụ nữ mới rơi vào tình trạng bất bình đẳng giới mà chính đàn ông cũng sa lầy chẳng qua họ không biết mà thôi. Tại sao đàn ông cứ phải đóng vai làm trụ cột gia đình? Nếu kinh tế gia đình khó khăn, đàn ông chịu áp lực lớn lắm, vì họ cho rằng đó là trách nhiệm của mình. Để vợ con thiếu thốn, họ cho rằng mình bất tài vô dụng. Bạn thấy đấy, mỗi khi bị phá sản đàn ông tự tử vì tiền chứ có mấy người đàn bà tự tử vì tiền đâu. Đàn bà chỉ tự tử vì tình thôi. (cười)

Đấy là trong gia đình. Hoạt động xã hội hay chính trị cũng vậy. Ai bảo một người đàn bà tham gia vào quản lý đất nước hay chia sẻ trách nhiệm với quyền lực lại không đem đến những thay đổi lớn lao. Đàn bà có khả năng riêng cũng như giữa những người đàn ông với nhau, mỗi người cũng có một năng lực khác biệt. Vấn đề là cho họ cơ hội.

Nếu bình đẳng giới đem đến nhiều lợi ích thế cho đàn ông, tại sao họ vẫn không thích nhường bớt quyền, nhất là trong gia đình. Người đàn ông đang ở thế trên, vợ chỉ biết dạ vâng, bây giờ tự nhiên cho quyền để vợ tranh luận hoặc không đồng ý với ý kiến của chồng. Tự nhiên ai lại dại thế?

Vì đàn ông chưa biết đến lợi ích mà bình đẳng giới đem lại cho họ. Và vì, họ chưa bao giờ biết nó là gì thì họ không thể thích nó được. Nếu có sự chia sẻ trách nhiệm về mọi gánh nặng trong gia đình, không phải đau đầu vì tiền nữa. Họ sẽ thoải mái hơn trong khó khăn vì có vợ hỗ trợ.

Chuyện “dạ vâng” hay có sự “tranh cãi” cũng vậy. Ở với một người vợ chỉ biết phục tùng và lệ thuộc hay một người vợ có lý luận, có bản lĩnh để tranh cãi để đưa ra quan điểm xây dựng gia đình mà cả hai cùng đồng tình. Tôi dám cá là người đàn ông nào cũng thích thú cuộc sống nhiều hương vị hơn.

Mà cũng nên nói đến một vấn đề nữa. Hễ cứ nhắc đến bình đẳng giới là người ta nghĩ đấu tranh, là sự chia đều, là nghĩ đến người phụ nữ thô thiển, làm hùng hục như một người đàn ông. Nên đàn ông dị ứng, khó chịu và bài trừ bình đẳng giới ra khỏi đầu mình, ra khỏi cuộc sống gia đình mình. Nhiều người phụ nữ cũng nghĩ như vậy. Một số người cổ vũ phong trào bình đẳng cũng quá khích khiến đàn ông sinh tính tự vệ.

Nhưng, nên nhớ, bình đẳng giới chẳng phải là điều gì to tát. Nó đơn giản có nghĩa là đều cơ hội cho cả hai giới. Người phụ nữ đạt được quyền bình đẳng khi họ được làm được làm những gì mình thích, đúng khả năng và được người khác phái tôn trọng.

Vâng, xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi này!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thời đại "đàn bà con gái"

    06/03/2015Thời Trang TrẻLà đàn ông, ai cũng biết tai hoạ kinh khủng nhất đối với thế giới đàn ông là gì. Xếp hạng nhất là tai hoạ: nam giới phải phục tùng phụ nữ...
  • Gửi vợ ngày cuối năm

    16/01/2014Bá PhùngVợ yêu! Tích lũy mãi cuối cùng thì anh cũng có đủ dũng khí để viết thư cho em. Một lá thư đường đường chính chính như những ngày tháng cũ chứ không phải là những tờ trình đề nghị cấp kinh phí bổ sung ăn sáng, giấy báo hư dép, tờ khai thanh toán tiền xăng xe... nhăng nhít.
  • Đàn bà là khổ?

    31/05/2008Hà ThịLàm đàn bà đã khổ, làm đàn bà Việt Nam càng khổ. Lý do kể ra thì nhiều, đất nước mấy nghìn năm phong kiến lạc hậu, thế nên tâm lý trọng nam khinh nữ tồn tại có lẽ cả nghìn năm nữa may ra mới hết. Rồi chiến tranh liên miên nhiều đời, từ đời cụ của cụ sang đời bà đời mẹ chúng em, đàn bà Việt Nam chẳng lúc nào đó thời gian làm đàn bà một cách an nhàn, để mà trau dồi tam tòng tứ đức, sửa sang công hạnh ngôn dung...
  • Phỏng vấn một vị “trụ cột gia đình”

    18/03/2006Ba BêDù phụ nữ đã được coi là bình đẳng với nam giới và rất nhiều chị em thành đạt, nhưng các đấng mày râu cũng như toàn xã hội vẫn coi đàn ông - tức người chồng, người cha là “trụ cột gia đình"...
  • Phụ nữ là gì?

    06/03/2006Giáp SơnChừng nào cả nhân loại còn cùng tìm câu hỏi "Phụ nữ là gì?" thì còn tranh luận nữa và chắc nam giới chưa chịu buông quyền trượng ra đâu. Trả lời được câu hỏi ấy, thì câu hỏi "Chúng ta là ai?"
  • Ngợi khen phụ nữ

    11/02/2006Sơn TrầnMặc dù trên cương vị Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội (VPQH) Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng vẫn có thể “dốc bầu” về mọi chuyện trong cuộc đời, từ sự nghiệp đến tình ái...
  • Sự bình đẳng giới tính

    02/08/2005Ngay cả trong Vườn Địa đàng, phụ nữ cũng chỉ là người phụ trợ của người đàn ông, và rõ ràng họ bị đặt dưới quyền cai trị của đàn ông vào lúc bị trục xuất khỏi Vườn Địa đàng. Thánh Paul ra lệnh phụ nữ phải phục tùng chồng họ và áp đặt sự im lặng cùng tính thụ động lên họ trong những vấn đề thuộc học thuyết và hệ thống lãnh đạo Giáo hội. ...
  • Vị trí của phụ nữ trong xã hội

    02/08/2005Văn hóa phương Tây đã khởi nguồn trong một kiểu xã hội phụ quyền, dựa trên nguyên tắc sự thống trị của nam giới trong gia đình và cộng đồng. Việc thảo luận về vai trò phụ nữ trong những tác phẩm cổ thường phản ánh bối cảnh phụ quyền này, nhưng vẫn có những ngoại lệ đáng kể. Ngay cả trong thời đại xa xưa một số tư tưởng gia đã đi đến những kết luận về thân phận phụ nữ trái ngược với trật tự đương thời. ...
  • xem toàn bộ