Họa sĩ Việt Nam - giàu lên hay nghèo đi?

06:02 CH @ Thứ Tư - 09 Tháng Sáu, 2010

Ở thời điểm bây giờ, nói về chuyện một lớp họa sĩ Việt Nam giàu có nhờ bán tranh cũng chẳng có gì mới. Nhưng tướng là chuyện cũ, chuyện của những năm đầu Việt Nam mở cửa, hoá ra lại không cũ tý nào. Bởi cho đến hôm nay, vẫn còn đó những họa sĩ Việt Nam đang phất lên nhờ bán tranh. Dù rằng, việc bán tranh cũng muôn hình muôn vẻ, và việc “phất lên”cũng là muôn hình muôn vẻ. Điều dáng nói chính là từ một vài năm trở lại đây, thị trường mĩ thuật Việt Nam dường như bắt đầu một động hướng mới với một dòng khách hàng mới: khách hàng trong nước, chủ yếu là những doanh nhân cũng mới nổi trong nền kinh tên thị trường.

Họa sĩ "đại gia " - họ là ai?

Xin được nói ngay, cụm từ "đại gia" ở đây không phải để chỉ đẳng cấp nghệ thuật của họa sĩ ở đâu cũng vậy, thị trường không phải là thước đo giá trị nghệ thuật. ở các nước có nền mĩ thuật phát triển, yếu tố thương mại góp phần quan trọng thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong hoạt động sáng tạo và tôn vinh các giá trị văn hóa. Nhưng ngay cả ở các nước đó, bên cạnh nhiều họa sĩ nổi tiếng, thành công trong nghệ thuật đồng thời với việc trở nên giàu có, vẫn có không ít những họa sĩ tài năng nhưng chưa được thị trường nhìn nhận, phải làm đủ nghề để có thể theo đuổi việc sáng tác.

Tuy nhiên, cùng với nền kinh tế thị trường trỗi dậy, việc người nước ngoài bắt đầu để mắt đến hội họa Việt Nam từ những năm đầu 90 của thế kỉ XX đã góp phần tạo ra một làn sóng các họa sĩ sống được bằng bán tranh và nhiều người trở nên giàu có. Họ được gọi là những họa sĩ thập niên 90. Lớp họa sĩ này, được coi như những phát hiện góp phần xác lập ý tưởng: "Việt Nam cũng có một nền mĩ thuật sau một thời kì dài chỉ với những tên tuổi Nghiêm, Liên, Sáng, Phái...". Bán được tranh, họa sĩ trở nên nổi tiếng. Và nổi tiếng được xem như một tiêu chí của thành công. Người nước ngoài mua tranh của các họa sĩ Việt Nam thường tìm đến những họa sĩ nổi tiếng qua các phương tiện truyền thông, quảng cáo... Khi có khách hàng, các gallery bắt đầu làm quen với những hoạt động tiếp thị, và nắm bắt những mảng thị hiếu của người mua để rồi đặt hàng các họa sĩ “ăn khách".

Sự khởi sắc của thị trường tranh đã khiến thời các họa sĩ phải cạy cục với vài ống sơn dầu ký cóp mãi mới mua được, phải vẽ trên giấy báo, bìa carton... nhanh chóng đi qua. Thời các họa sĩ ngồi với nhau bàn chuyện nghệ thuật một cách say sưa chỉ với mấy chén trà, chung rượu trắng và đĩa lạc rang cũng dần biến mất. Một số họa sĩ "thức thời" trở thành "đại gia", đi Mercedes, tậu biệt thự, chơi đồ cổ.. Đôi khi, chuyện một họa sĩ giàu lên chưa hẳn đã nhờ việc bán tranh - ngay cả với những tin đồn thổi bức tranh này giá mấy chục nghìn đô, bức tranh kia vài chục cây vàng - mà chỉ là nhờ bán được tranh, anh ta cay cái "vốn " ban đầu ấy qua đất đai nhà cửa, hoặc sự phất lên có thể đến từ nhiều nguồn khác, cũng không còn làm ai ngạc nhiên? Ranh giới giữa những tài sản kếch xù nhờ bán tranh và nhờ bán những thứ khác... kèm tranh cũng cực kì mờ ảo. Và dĩ nhiên chẳng họa sĩ nào lại "dại dột" nhận rằng mình giàu có không phải từ tiền bán tranh, nhất là một khi, ở ta, thu nhập do "bán tranh" cũng đã được mặc nhiên đồng nghĩa với thành công về nghệ thuật.

Chính từ những ranh giới rất mờ ảo kia, nhiều họa sĩ đã xác lập "vị thế nghệ thuật" của mình. Nhưng dù thế nào đi nữa, những Đỗ Quang Em, Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Trần Lương, Phạm Quang Vinh, Lê Thiết Cương, Thành Chương, Quách Đông Phương, Đinh Quân, Hoàng Hồng Cẩm, Nguyễn Xuân Tiệp, Đỗ Minh Tâm, Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường, Bùi Hữu Hùng, Đào Hải Phong, Phạm Luận, Lê Thanh Sơn...đã tạo nên bức tranh đa sắc của thị trường mĩ thuật nước ta những năm cuối thế kỉ XX. Có thể xem đây là một thời kì "hoàng kim" của đời sống hội họa giá vẽ, góp phần tạo nên những khởi phát nghệ thuật của một số tên tuổi xứng đáng được ghi vào lịch sử mĩ thuật Việt Nam hiện đại.

Những dòng tranh được ưa chuộng

Thị trường nào cũng sẽ sản sinh ra những chuyện rất...thị trường, nghĩa là rất "chợ búa". Cái thật và cái giả, cái đẹp và cái xấu, cái giá trị và cái vô giá trị... khi bị rao bán xô bồ trên sân khấu quảng cáo tiếp thị, đã gần như vùi lấp các tiêu chuẩn nghệ thuật thật sự. Khó mà nói được trong số các họa sĩ đi xe hơi xịn, uống rượu Tây như nước lã , ở biệt thự đắt tiền hiện nay, ai là người thực sự thành công trong nghệ thuật, ai tạo được phong cách, giữ được "bản lai diện mục " nghệ thuật của mình? Và ai chỉ nhờ trúng một món hàng "ăn khách" sau đó cứ thế mang nó ra “nhân bản vô tính", sản xuất hàng loạt những bức tranh na ná nhau, và nỗ lực sáng tạo ban đầu ngày một thui chột? Những họa sĩ loại sau, tiếc thay không phải là số ít. Họ trở nên giàu có và càng ngày càng ít tìm tòi đầu tư nhưng vẫn được công chúng tìm mua, mua bằng... tai chứ không phải bằng mắt.

Vì được mua bằng... tai, nên những loại tranh đang được ưa chuộng, được khách hàng nước ngoài ưa thích, tìm mua hiện nay cũng dễ xác định: Dòng "tranh phố" với đặc trưng chủ yếu là những hình ảnh mang hơi hướng phố cổ Hà Nội (mô phỏng phong cách Bùi Xuân Phái) nhưng màu sắc rực rỡ, tươi tắn, bắt mắt. Dòng "tranh thiếu nữ áo dài " theo phong cách tả thực, màu sắc nhẹ nhàng mờ ảo. Dòng "tranh motif văn hóa cổ " vẽ cảnh cung đình (chủ yếu sử dụng chất liệu sơn mài, với hiệu ứng sơn son thiếp vàng), hoặc cờ phướn, đình chùa, sư sãi... Dòng “tranh giả vờ ngây thơ" với hình ảnh các cô bé cậu bé được vẽ nguệch ngoạc, ý tưởng giả vờ ngẫu nhiên, "cưa sừng làm nghé ". Dòng "tranh văn hoá làng" với các hình ảnh nông thôn Việt Nam "đậm đặc": trẻ mục đồng, con bò, đống rơm, chợ quê, cây đa, giếng nước... Đó chỉ là các dòng"tranh”, chứ không phải là các "trường phái", bởi không tìm được từ nào thích hợp hơn.

Cho đến bây giờ, ở Việt Nam, vẫn rất ít người có thú chơi tranh, chưa bàn đến chuyện đẳng cấp chơi tranh, khả năng chơi tranh, chơi như thế nào và chơi đến đâu. Một số “đại gia" là doanh nhân hoặc một số người giàu có do nhiều nguồn tài sản, được gọi chung là “thế hệ nhà giàu mới", bắt đầu tham gia vào việc sưu tập tranh, nhưng vẫn là con số khiêm tốn. Và hầu hết họ đều mua tranh bằng...tai, sưu tập tác phẩm thuộc các dòng tranh kể trên, nghĩa là những dòng tranh “đại chúng", dễ hiểu và cũng không quá đắt giá. Có đôi ba người cố gắng sưu tầm tranh của các danh họa, nhưng vì không "sành", không đủ kiến thức và khả năng thẩm định, nên mua phải tranh giả. Đó cũng là chuyện…thị trường! Tuy nhiên, lịch sử mĩ thuật Việt Nam đã ghi tên tuổi và công lao của một số nhà suy tập đúng nghĩa, có cái tâm với nền mĩ thuật Việt và có khả năng “chơi” tranh (khả năng thẩm định tác phẩm cũng như khả năng tài chính) và những bộ sưu tập của họ rất có giá trị. Bên cạnh bảo tàng quốc gia, chính từ những tên tuổi như Đức Minh, Lâm “café”…trước đây đến những nhà sưu tập trẻ hay “được gọi là trẻ” hiện nay, gia tài hội họa Việt Nam đã được lưu giữ một cách tương đối cẩn thận và đầy đủ. Gọi là tương đối vì những thất thoát của gia tài ấy hay bệnh “chảy máu tác phẩm” vẫn là vấn nạn của tất cả các nước đang phát triển. Nhiều nhà sưu tập đến thời điểm này vẫn theo đuổi và “dám chơi” tranh của các họa sĩ hiện đại, mặc dù thời kì “hoàng kim” của thị trường tranh Việt Nam, giai đoạn bán chạy nhất của các họa sĩ đó, gần như đã lụi tàn.

Trong số các họa sĩ đã thành danh và từng bán rất nhiều tranh, hiện nay nhiều người vẫn tiếp tục giữ được “đẳng cấp”. Đỗ Quang Em, Đỗ Hoàng Tường, Lê Thiết Cương, Hồng Việt Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Đào Hải Phong, Bùi Hữu Hùng, Lê Thanh Sơn…,tùy theo “kênh” của mỗi người, ở gallery trong nước hay ngoài nước, mà giá tranh và số lượng tranh bán được cũng như chất lượng nghệ thuật trong tác phẩm của họ cũng thể hiện “đẳng cấp” đó. Hoặc “đẳng cấp” về giá tranh, về số lượng tranh bán được, về tốc độ bán, về “vùng phủ sóng” thị trường…thôi thì thượng vàng hạ cám! Và dù như thế nào thì nói như họa sĩ Lê Thiết Cương, so với chính thời kì “bán được” nhất, giá tranh và số lượng tranh bán ra hiện nay cũng không thể cao và nhiều như ở thời kỳ “hoàng kim” đã qua chừng 10 năm trước. Con số ước đoán giá tranh của nhưng họa sĩ “bán được” ấy, cao nhất khoảng 10.000 USD và thấp nhất cũng 1.000USD. Tất nhiên là những tin bên lề có thể đưa ra các con số “bèo” hơn hoặc “chóng mặt” hơn!

Dù là họa sĩ “ăn khách” hay họa sĩ đang phải làm nhiều nghề khác nhau để sống, họ đều có chung nhận xét rằng, các “đại gia” nhà giàu của ta bây giờ thừa tiền để tậu xe hơi, mua biệt thự, có thể bỏ cả chục nghìn đô tậu một cái tivi plasma đời mới nhất để trang trí nội thất nhưng ít người “đủ sức” mở hầu bao mua một bức tranh nghệ thuật. Trong các khách sạn, các biệt thự, các văn phòng, các khu nghỉ dưỡng cao cấp với trang thiết bị hiện đại, sang trọng tại các khu đô thị cũ và mới hiện nay, ta thường gặp những bức tranh nằm trong số các dòng tranh được ưa chuộng kể trên, bên cạnh "văn hóa" chơi tranh thảm, ảnh chụp phong cảnh phóng lớn trên nylon của Thái Lan, Trung Quốc, ... những sản phẩm decor thuộc một "gu” thẩm mĩ mà nếu gọi là trung lưu cũng hơi khiên cưỡng!

Và chừng nào vẫn còn thứ thị hiếu nghệ thuật phổ thông như thế thì dù các họa sĩ Việt Nam có giàu lên, phất lên nhờ bán tranh bao nhiêu đi nữa, chừng đó vẫn còn những băn khoăn buồn nản, của những người ưu tư với nền mĩ thuật Việt và của chính các họa sĩ, rằng không biết chúng ta đang giàu lên hay nghèo đi - giàu lên về tiền bạc và nghèo đi về đời sống nghệ thuật?

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 10 họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20

    31/10/2013H.L. (theo The Times)Pablo Picasso, danh họa người Tây Ban Nha, đứng đầu top 200 nghệ sĩ tạo hình lớn nhất thế giới thế kỷ 20 do tạp chí The Times, Anh, công bố. Cuộc bình chọn thu hút sự tham gia của 1,4 triệu người.
  • Nghệ thuật tương tác có phải là nghệ thuật?

    19/12/2009Hương Lan, ảnh nghệ sĩ cung cấpSau nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn… gần đây người ta bắt đầu nhắc đến nghệ thuật tương tác (hay còn gọi là nghệ thuật quần chúng) đang như một “thỏi nam châm” với các nghệ sĩ theo đuổi hội hoạ ngoài giá vẽ. Thỏi nam châm này liệu có trở thành một trào lưu mới?
  • Lê Phổ: nghệ sĩ bậc thầy trường phái hậu ấn tượng

    16/09/2009Lan Chi lược dịchLê Phổ sinh tại Hà Ðông trong gia đình thế tộc, cha là kinh lược xứ Bắc kỳ Lê Hoan. Tuổi thơ của ông không hạnh phúc, khi lên ba thì mồ côi mẹ, lên tám thì mồ côi cha. Sống với chị dâu và anh trai, ông luôn phải chịu trách nhiệm về mọi rắc rối do những đứa cháu gây ra. Bà Vaux cho biết: “Ông không kể với con cái về tuổi thơ của mình, ông trầm lặng và sống nội tâm. Ông không nhớ gì về cha mình ngoại trừ việc biết cha mình hút thuốc phiện”.
  • Kỹ tác đặc biệt: Nghệ thuật

    08/09/2009Hoành SơnCon người xưa run rẩy bước trước thiên nhiên rộng lớn lao, kỳ bí và hùng mạnh. Nhưng nó không chỉ thụ động và chịu khuất phục suông. Chẳng những uốn mình theo thiên nhiên để ứng phó với mỗi hoàn cảnh như các sinh vật khác, nó còn dám tác động vào thiên nhiên để biến cải nó cho phù hợp với nhu cầu và cách sống của mình... Rồi vào những thế kỷ gần đây, khám phá thiên nhiên bằng khoa học và chế ngự nó bằng kỹ thuật được rồi, con người thực sự cảm thấy mình là ông chủ của nó thay vì như xưa, coi nó là ông chủ của mình khi đồng hoá sấm sét và núi cao, biển rộng với thần thánh.
  • Họa sĩ - vĩ đại và mong manh

    17/08/2009Nguyên HưngĐó là một họa sĩ bậc thầy! Đó là một đỉnh Thái Sơn trong hội hoạ. Người ta vẫn hay nói về một vài họa sĩ như thế. Phải chăng trong hội họa có những đỉnh cao, đỉnh thấp? Và, cách đặt vấn đề như thế phỏng có lợi ích gì không?
  • Vẻ đẹp người phụ nữ trong mắt các nghệ sĩ

    17/06/2009Chương trình triển lãm mỹ thuật, hội họa và thủ pháp nghệ thuật với chủ đề “Hòa quyện” đã nhận được sự ủng hộ và góp sức của những nghệ sĩ tên tuổi như: họa sĩ Nguyễn Thân, nhiếp ảnh gia - họa sĩ Trần Huy Hoan, nhiếp ảnh gia - họa sĩ Huỳnh Ngọc Dân, họa sĩ Văn Y, nhà thiết kế - họa sĩ Ngô Thái Uyên…
  • Nhìn lại đời sống mỹ thuật Việt 2008, một câu hỏi lớn…

    23/01/2009Dã Quỳ365 ngày đã qua, nhìn lại, dường như mỹ thuật Việt Nam cũng có không ít sự kiện. Nhưng những sự kiện đó có đưa mỹ thuật Việt hiện đại lên được một tầm cao mới.
  • Hội họa của nỗi u hoài

    11/11/2008Diên VỹHọa sĩ Thái Tuấn, một gương mặt lớn của hội họa Sài Gòn, đã ra đi vĩnh viễn ngày 26/09 vừa qua trong căn nhà nhỏ ông đã sống và vẽ từ khi rời Hà Nội vào Nam năm 1954.
  • Về “Hoạ sĩ là ai?”

    11/10/2008Phan Cẩm ThượngBài “Hoạ sĩ là ai?” của Phan Cẩm Thượng đăng trên báo Thể thao và Văn hoá, dường như, đã nhận được sự đồng tình của khá nhiều người trong làng mỹ thuật Việt Nam, và khá nhiều người có chút quan tâm, hiểu biết về mỹ thuật Việt Nam.
  • Tâm tư nghệ thuật của Xuân Phái

    29/09/2005Trần Hậu TuấnBùi Xuân Phái là một trong số ít những họa sĩ Việt Nam, ngoài xây dựng hệ thống tư liệu vẽ cẩn thận còn liên tục ghi nhật ký. Những gì ông viết chỉ là suy tưởng riêng của bản thân, song tất cả đều toát lên những trăn trở về nghệ thuật, những suy tư để làm sao vẽ cho đẹp hơn, đi gần đến bản chất nghệ thuật hơn...
  • Phê bình mỹ thuật Việt Nam

    14/06/2005Nguyên Hưng
  • Họa sĩ THANH TRÍ : giữa thế giới sắc màu tâm ảnh

    24/05/2005Mỹ thuật là nghệ thuật của cái đẹp và họa sĩ là người đem những sắc màu và cảm xúc từ trong tâm thức của chính mình để sáng tạo thế giới: Một thế giới mang tính tượng trưng vừa hiện thực, vừa mơ mộng của cái đẹp.  Do đó, mỗi tác phẩm hội họa là một vũ trụ thu nhỏ tâm ảnh của người họa sĩ.  Mỗi họa phẩm là một mảnh tâm hồn của họa sĩ.  Màu sắc, đường nét, bố cục của mỗi bức tranh, do đó, vừa mang tính khách quan của thế giới hình tướng nhưng cũng vừa mang tính chủ quan sáng tạo của người nghệ sĩ...
  • xem toàn bộ