Học “lễ”?

09:48 SA @ Thứ Bảy - 03 Tháng Mười, 2009

Hẩu lốn: Khẩu hiệu tư sản và châm ngôn phong kiến

Nước ta trước năm 1945 được Hồ Chí Minh coi là xứ “thuộc địa, nửa phong kiến” vì thực dân Pháp - thế lực xâm lược của giai cấp tư sản - vẫn duy trì chế độ vua quan ở Việt Nam. Bức tường trước mặt học sinh bậc tiểu học thường có 2 khẩu hiệu của cách mạng Pháp: Cần Lao - Gia Đình - Tổ Quốc và Tự Do - Bình Đẳng - Bác Ái. Có những bài văn vần, dễ thuộc, giúp cho trẻ em hiểu được phần nào ý nghĩa. Ví dụ, bài 8 câu, 32 chữ, về Cần lao, Gia đình, Tổ quốc:

“Siêng năng công việc; Để mà mưu sinh. Yêu quý gia đình; Để mà giữ giống. Muốn còn, muốn sống; Ở trên hoàn cầu; Ta phải cùng nhau; Phụng thờ tổ quốc”.

Còn tường hai bên và phía sau của lớp học là những câu châm ngôn giáo dục của đạo Nho, không quá khó hiểu với tuổi thơ vì đã được thầy giảng sơ sơ:

- Ngọc bất trác, bất thành khí (ngọc không mài, không thành đồ);
- Nhân bất học bất tri lí (người không học, không biết lẽ);
- Ấu bất học lão hà vi (trẻ không học, già làm gì?);
- Tiên học lễ hậu học văn (học lễ trước, học văn sau)...
- ... vân vân.

Chúng nêu lên tầm quan trọng của sự học, nhưng học “lễ” trước hết, rồi mới tới “văn”. Mà cái “lễ” đầu tiên là ứng xử với thầy, với câu Nhất tự vi sư bán tự vi sư. Hạnh kiểm là yếu tố hàng đầu để sau này “nên thân người”. Học sinh lớp bét đã thuộc câu: Con ơi, muốn nên thân người. Lắng ta nghe lấy những lời mẹ cha... Như vậy, chuyện “học làm người” ngày nay đâu có gì mới? Hồi đó, có cả một môn học dạy “lễ” (môn Luân Lý – Morale; mỗi tuần một bài, học trong 3 năm), giúp trẻ em ứng xử “phải phép” trong xã hội, cụ thể là trong Ngũ Thường (năm mối quan hệ). Một câu ca dao kết thúc bài Đạo Làm Con, trong sách giáo khoa: Cá không ăn muối, cá ươn; Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.Cha mẹ nói bất cứ gì, cấm cãi. Cãi thầy: chắc “chết”. Cãi vua: tất chết. Có cả những qui định rất nghiêm để áp dụng “lễ”: Khi nói với thầy phải khoanh tay trước ngực, thưa bẩm; gặp thầy, phải đứng chắp tay, vái chào kính cẩn... Rốt cuộc, trẻ em hiểu... hạnh kiểm đại khái là ngoan ngoãn, lễ phép, “gọi dạ, bảo vâng”, “đi thưa, về gửi”, răm rắp tuân lời và làm vui lòng người lớn. Tấm gương nêu trong sách giáo khoa: Cụ Lai (bên Tàu) đã 70 tuổi vẫn mặc áo đỏ, múa hát, làm trò (như trẻ em) để làm vui lòng cha mẹ già 90 tuổi.

Quả vậy, những học sinh đạt chuẩn “ngoan” dưới thời phong kiến là đã được chuẩn bị rất tốt về tâm lý để tiếp thu nội dung sách thánh hiền, sẽ nhất nhất tuân theo lời sách dạy. Ra đời, sẽ trở thành những “thần trung, tử hiếu”, biết hành xử theo “lễ”, do vậy sẽ có địa vị cao trong xã hội; lại còn được coi là tấm gương cho đương thời và hậu thế. Lịch sử nước ta ghi lại tên tuổi biết bao danh nhân như thế. Chính do vậy, phương châm “tiên học lễ” (và các phương châm khác) được xem là chân lý một thời, do vậy mà trường tồn. Quả thật, chúng đã tồn tại và phát huy vai trò suốt cả ngàn năm, giúp cho chế độ phong kiến được vun đắp và thịnh trị. Có thể nói “tiên học lễ...” đã làm trọn nhiệm vụ lịch sử của nó, nay có thể tự hào bước vào khu di sản văn hoá của dân tộc, nhường chỗ cho những giá trị tinh thần mới do giai cấp tư sản kiến tạo nên, hợp thời hơn. Ngay thời nước ta thuộc Pháp, “tiên học lễ” đã bộc lộ rất rõ sự lỗi thời, tương xứng với vai trò bù nhìn của triều đình Huế.

Sẽ là thần dân hay công dân?

Ở ba năm đầu của bậc tiểu học, trẻ em học môn Luân Lý để vâng lời Thầy và Cha Mẹ, khi lớn sẽ trở thành những thần dân lý tưởng của chế độ phong kiến; một lòng thờ vua. Nhưng ở ba năm cuối, chúng lại được học môn Giáo Dục Công Dân (instruction civique) để sống mẫu mực trong xã hội pháp trị tư sản. Càng học lên cao xu hướng thứ hai càng thắng thế, nhất là khi đi du học. Do vậy, ý thức hệ trong mỗi con người “có học” phụ thuộc rất rõ vào trình độ học vấn. Cụ Phạm Quỳnh, dù rất am hiểu đạo Nho, làm quan đến chức thượng thư, nhưng đã sang Pháp nên có tư tưởng rất tiến bộ. Dường như cụ chưa bao giờ khen “tiên học lễ” nói riêng, và các mục tiêu giáo dục phong kiến nói chung.

Chẳng ai dại dột nghĩ rằng chế độ tư bản không có văn hoá ứng xử. Có, và được dạy kỹ. Đây là cách ứng xử hợp với nền văn minh mới – văn minh công nghiệp, cao hơn hẳn văn minh nông nghiệp. Từ thái độ lễ phép quá mức cần thiết, thậm chí khúm núm - sản phẩm của “tiên học lễ” - con người có giáo dục ở xã hội tư bản vẫn khiêm nhường, nhưng chững chạc, tự tin, đàng hoàng, dù trước mặt là cha, thầy hay quốc trưởng. Họ chỉ “thượng tôn pháp luật”.

Lại quay về “tiên học lễ”. Đổi giữa hai thái cực?

Sau tháng 8-1945, cả khẩu hiệu tư sản lẫn phương châm phong kiến đều biến mất dạng - suốt nửa thế kỷ - để thay bằng những khẩu hiệu đầy tính chiến đấu và hừng hực khí thế, nhằm giáo dục tinh thần cách mạng. Dạy lập trường và quan điểm thay cho dạy đạo đức. Mỗi bài học, dù thuộc môn nào, đều phải tìm cách lồng vào “tính tư tưởng”. Đây là một thái cực.

Rồi, sau 30 năm chiến tranh đổ máu và 10 năm “đêm đen”, khi cả nước vẫn kiên định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, thì... một số quan điểm lại từ quá khứ hiện về, đồng hành với phong trào Đổi Mới. Tuy nhiên, chỉ có “Tiên học lễ” là được đề cao đặc biệt. Nó nhảy lên ngự trị ở những vị trí dễ thấy nhất và trang trọng nhất tại trường phổ thông - hầu như trong cả nước. Đây là thái cực khác.

Điều này liệu có phải do xã hội ta vẫn là phong kiến trá hình, hay do nội dung và biện pháp giáo dục đạo đức mới của ta không hiệu quả?

Do gì không biết, nhưng dứt khoát không phải chúng ta thiếu quan tâm giáo dục đạo đức, kể cả đạo đức cách mạng cho trẻ em. Nào là Đội, Đoàn, Hội; nào là 5 điều Bác dạy; nào “Dạy tốt, Học tốt”; rồi “Hồng trước, Chuyên sau”“Mình vì mọi người”... đủ thứ hết. Nhưng phải chăng, chúng kém hiệu quả tới mức phải cầu viện cả “Tiên học lễ, hậu học văn” của một thời xa lắc? Các thế hệ học sinh từng tâm niệm “tiên học lễ” tới nay đã chiếm nửa dân số; vậy mà, mỗi khi dự lễ khai giảng, ví dụ năm 2009, các nhà lãnh đạo nước ta vẫn nhấn mạnh “học để làm người”. Để “làm người”, cần “tiên học lễ” hay cần trau dồi nhân cách?.

Biết rồi: học “lễ” trước. Nhưng nó là cái gì?

“Tiên học lễ, hậu học văn” là danh ngôn của chính Khổng Tử. Ngài huấn thị học “lễ” trước, nghĩa là Ngài coi mọi người biết rõ “lễ”“văn” là gì. Nhưng đó là chuyện ngàn năm trước. Còn thời nay khác: Chúng ta chưa rõ “lễ”là gì, mà cứ hô hào học nó trước, thì đành để mỗi người tự suy ra – dù có cơ sở hay không.

Khi chính thầy và trò nói về “lễ”

Một tờ báo đã chọn phỏng vấn những người trực tiếp dạy “lễ”, học “lễ” và hô hào học “lễ” (thầy, trò, nhà quản lý giáo dục) để biết Chữ 'lễ' thời nayđược hiểu ra sao. Té ra, nội dung trả lời khá... lung tung, tuỳ tiện.

- Một vị hiệu trưởng trường tư thục nói thẳng: chữ lễ trong “Tiên học lễ, hậu học văn” thời nay không còn phù hợp nữa, nó xưa quá rồi. Trường ông không đặt vấn đề “tiên học lễ”.
- Vị phó giám đốc sở GD của thành phố lớn nhất nước cho rằng: Nếu thầy trò “sống có trách nhiệm là đạt được phần lớn chữ lễ”.
- Vị phó hiệu trưởng của một đại học quốc gia quan niệm rằng Ngày xưa, trò đối với thầy là kính và sợ, ngày nay chuyển thành kính và phục. Đó là lễ.
- Thầy trưởng khoa Lý luận, Phê bình và Sáng tác của ĐH Văn hóa: Một chữ lễ chung cho cả thầy và trò thời nay là dạy tử tế, học tử tế. Ấy là chữ lễ đấy (!).
- Một sinh viên lớp Xã hội học 8B ĐH Công đoàn: Lễ trong trường học chính là thái độ ứng xử của trò đối với thầy sao cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Một cựu sinh viên khoa Triết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Lễ là một từ chỉ cái đạo của trò đối với thầy cô giáo. Nói chung, các sinh viên khác khi được hỏi đều coi “lễ” chỉ là thái độ ứng xứ với thầy, cô...
Tóm lại, dù với nghĩa rất hẹp, thì cách hiểu về “lễ” đã rất khác nhau. Và nói chung, chữ Lễ chỉ thu hẹp trong quan hệ thầy – trò.

Khi suy nghĩ để viết ra

Dẫu sao, ở trên vẫn là những câu trả lời ứng khẩu. Còn khi được viết ra một cách bài bản, thì “lễ” là gì? Tra cứu trên mạng cụm từ “Tiên học lễ hậu học văn” ta được trên 30 ngàn kết quả, trong đó hàng ngàn bài ít nhiều giải thích khái niệm. Qua số bài, ta thấy đây là vấn đề được quan tâm vì cách hiểu chưa thống nhất.

- Nhiều người dựa vào lập trường, quan điểm hiện nay để suy ra nội dung chủ yếu của “lễ”. Nói khác, chữ “lễ” của đức Khổng Tử dường như chỉ còn là cái vỏ để chứa những nội dung mới và... chưa thống nhất.
- Nhiều người nghiên cứu nghĩa gốc trong sách thánh hiền, chọn ra những nội dung tương đối phù hợp với thời nay và giải thích thêm, coi đó là “lễ”.
- Nhiều người dùng cả hai cách. Chính do vậy khái niệm đưa ra càng tản mạn.
Tóm lại, ở mức chung chung nhất (nghĩa là đại khái nhất, lơ mơ nhất) mọi người tương đối dễ thống nhất. Khốn nỗi, để giáo dục trẻ em lại cần thật cụ thể.

Xin tham khảo một bài bàn luậntương đối đầy đủ về chữ Lễ. Nếu nội dung Lễ như trong bài thì có thể nói: Tất cả các trường hoàn toàn chưa dạy chút nào về “lễ” – ngoài việc chủ yếu là kẻ những khẩu hiệu to tướng để học sinh tự luận nội dung. Thật là kém xa, quá xa, cách dạy môn Luân Lý thuở xưa (có chương trình, sách giáo khoa, đưa vào thời khoá biểu, có thực hành và có cho điểm). Thử hỏi, từ thượng cổ có ai dám giáo dục nhiều thế hệ trẻ, hàng chục triệu người, chỉ duy nhất bằng khẩu hiệu mà hy vọng thành công?

Mấy điều chắc chắn

Nếu các trường đề nghị Bộ Giáo Dục đưa văn bản chính thức về nội dung “lễ”, chắc chắn không vị lãnh đạo nào dám tự ý viết ra, mà đành thành lập Hội Đồng. Chắc chắn sự tranh luận trong Hội Đồng sẽ không ít gay cấn. Và chắc chắn sẽ càng gay cấn, khi Hội Đồng mời mọi người góp ý vào bản dự thảo.

Nếu (giả sử) nội dung “lễ” đã được xác định rất cụ thể với sự đồng thuận cao thì vẫn có hai điều chắc chắn: 1) Nó sẽ quá xa khái niệm gốc do đức Khổng Tử đề ra, khiến mọi người thắc mắc: Hà cớ gì phải mượn chữ “lễ” của thánh nhân để gọi một khái niệm hoàn toàn mới mẻ?; 2) Chắc chắn Bộ Giáo Dục chẳng dại gì mà đưa vào chương trình phổ thông để dạy cho kỳ được mục tiêu “lễ”. Thế thì tại sao cứ “tiên học lễ” lấy đươc?

Những “ngọn cờ” giáo dục từng được giương cao một thời

Đức và Tài; Hồng và Chuyên; Lễ và Văn. Đó là 3 “ngọn cờ” giáo dục tư tưởng cho trí thức - sinh viên, rồi học sinh, đã lần lượt được giương cao, rồi bị thay thế. Mất nửa thế kỷ. Có dự đoán: “ngọn cờ” thứ tư sẽ là “học làm người”?.

Có một số thống nhất giữa 3 “ngọn cờ”.

Trước hết, có chỉ thị thống nhất cái gì là gốc và cần được giáo dục trước. Đây là sự tiếp thu quan điểm đức Khổng Tử.

Thứ hai, đó là sự tóm tắt rất cô đọng quan điểm cơ bản; do vậy nghe rất “vĩ mô, hoành tráng”, dễ nhớ, dễ tạo ra khẩu hiệu.

Thứ ba, khi cụ thể hoá (để thực hiện) thì tranh luận bất tận – vì khó thống nhất.
Vậy mà, để giáo dục trẻ em thì nội dung giáo dục phải rất cụ thể. Và thống nhất.

Về Lễ và Văn

- “Văn” tương đối dễ hiểu, vì khá cụ thể; nhưng vẫn bị tán rộng quá mức. Có người “tán”: Văn là chuyên môn, lễ là chính trị (!). Xin hãy hiểu đơn giản thôi. Ngày xưa, không có các môn khoa học, các cụ chỉ học văn, luyện văn. Mục tiêu là “văn hay, chữ tốt” (để chép và bàn Tứ thư, Ngũ Kinh, rồi khi làm quan thì soạn văn bản). Ngày nay, tất cả các môn mà học sinh phải học, phải thi, đều bị nhét vào cái rọ “văn”. Thế thì môn Thể Dục, Kỹ Thuật, Quân Sự chả lẽ cũng là “văn”?. Tóm lại chữ Văn chỉ là cái để chứa một nội dung rất phức tạp so với nghĩa gốc. Nhưng chúng ta thiếu gì từ ngữ thích hợp, mà cứ phải dùng “văn”?

- “Lễ” khó hiểu hơn. Sơ sài nhất, người ta coi “lễ” là... lễ phép, lễ độ (chủ yếu với thầy); và thực tế, ta cũng chỉ nẹt học sinh có vậy. Mở ra chút nữa, “lễ” là sự giao tiếp sao cho có văn hoá. Tán rộng, nhiều người coi lễ là đạo đức (gồm cả đạo đức cách mạng). Xa nữa, có quan niệm coi “lễ” là mọi đức tính cần rèn luyện. Vậy thì, dũng cảm, năng động, nhiệt tình, dám phản biện... cũng là lễ?

Đạo Khổng chứa trong Tứ ThưNgũ Kinh, dài tới trên chục ngàn trang, trong đó “thư” là sách. Sách nào thật hệ thống, thật kinh điển, mới được gọi là “Kinh”. Sách có thể sửa, chứ Kinh thì bất biến. Kinh Lễ là một trong Ngũ Kinh. Tuy nhiên, kinh Lễ là sách thực hành ứng xử. Chữ “lễ” có gốc từ sự thờ cúng Trời Đất, Thánh Thần. Thái độ ứng xử đương nhiên là kính cẩn, khúm núm. Sách dạy: Đối với quỷ thần, phải “kính nhi viễn chi” (kính cẩn, nhưng tránh xa). Lễ phát triển thành các lễ nghi trong xã hội để người “có học” ứng xử cho có trên-dưới và khuôn-phép. Lễ cũng quy định ứng xử trong Ngũ Thường (gồm năm mối quan hệ: Vua Tôi; Cha Con; Chồng Vợ; Anh Em và Bạn Bè). Ví dụ, vợ-chồng thì được dạy “tương kính như tân”– nghĩa là suốt đời kính nhau như mới., Về quan hệ Bạn Bè, hãy xem hai bậc túc nho khi gặp nhau: các cụ giữ “lễ” bằng cách vái dài nhau, đầu và lưng đều cúi rất thấp; và cố ý nhường người đối diện ngẩng lên trước... Nếu mọi người trong xã hội đều tự biết “giữ lễ”, xã hội sẽ an hoà. Tóm lại, “Lễ” có vai trò giữ trật tự, ổn định, cho xã hội phong kiến.

Một chương khác của kinh LễNhạc Ký, ghi rõ: “Lễ là cái lý không đổi được”. Nếu vậy, khi áp dụng “Tiên học lễ” thì không được tự ý thay đổi những gì đã quy định trong kinh Lễ. Điều này, thời nay làm sao thực hiện nổi?

Xin thôi học “lễ”

Nhiều lý do khiến cần bỏ “tiên học lễ” như đã đề cập ở trên, nhưng lý do bao trùm và cơ bản là nó thể hiện một triết lý giáo dục quá cũ kỹ, lạc hậu. Cần minh định rằng, bản thân “tiên học lễ” không có lỗi gì (cũng như cái cối xay lúa thời xưa không có lỗi gì), nhưng nó không còn vai trò tích cực như dưới thời phong kiến và văn minh nông nghiệp nữa. Trong khi đó xã hội cần những con người có suy nghĩ độc lập. Xã hội, dù ở thế kỷ XXI nếu còn nặng căn phong kiến, thì “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn được luyến tiếc.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: