Kế sách xây dựng nền học mới để đạt đến văn minh (1)

Đặng Thai Mai dịch
09:22 CH @ Thứ Bảy - 05 Tháng Ba, 2016

Giới thiệu:

Trước đây, trong công trình nghiên cứu Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (NXB Văn hóa, Hà Nội 1961) Giáo sư Đặng Thai Mai có viết: “Những thi ca do Đông Kinh Nghĩa Thục phát động và phổ biến có một ý nghĩa rất quan trọng. Tuy vậy, sau khi nhà trường phải đóng cửa, các chủ não bị tù đày, thì toàn bộ văn thơ của Đông Kinh Nghĩa Thục đã bị tịch thu, và cấm không được lưu hành, tàng trữ. Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp cũng không hề để ý bảo tàng thứ thơ văn đó. Cho nên ngày nay, các tập sách giáo khoa bằng chữ Hán của Đông Kinh Nghĩa Thục cũng chỉ còn lại vài, bốn bộ mà thôi”.

Văn Minh Tân Học sách là một trong số đó còn được lưu giữ tại đây (nay đã chuyển về Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Sách in theo bản khắc gỗ mang ký hiệu A.567 và đã được Giáo sư Đặng Thai Mai lần đầu tiên dịch ra tiếng Việt và in toàn văn trong công trình nghiên cứu của mình.

Văn Minh Tân Học Sách (Kế sách xây dựng nền học mới để đạt đến văn minh) ngay từ tên gọi đã tự cho mình vai trò của một tuyên ngôn, một cương lĩnh nhằm xây dựng một nền giáo dục và một nền học thuật mới, chìa khóa của tiến bộ quốc gia và dân tộc. Và tên tác giả của tác phẩm này, đến nay chúng ta cũng chưa được rõ, nhưng dựa theo nhiều chỉ dân, Đặng Thai Mai cho rằng luận văn này được viết trước năm 1904, mặc dù đến 1907-1908 mới được Đông Kinh Nghĩa Thục ấn hành. Trong tác phẩm nghiên cứu của mình cùng với bản dịch sang chữ quốc ngữ, Đặng Thai Mai còn dành nhiều trang phân tích Văn Minh Tân Học Sách.


Văn Minh Tân Học Sách nhấn mạnh: "Văn minh là chủ nghĩa mở mang trí khôn cho dân" và "chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, mở rộng dân quyền, cải thiện dân sinh".

Điều đáng lưu ý ở Văn Minh Tân Học Sách là cùng với việc nêu lên những biện pháp cụ thể, tác giả đã phát biểu những quan điểm lý luận làm cơ sở cho những biện pháp thực hiện. Cho đến nay những quan điểm này vẫn chưa được chú ý đúng mức trong những công trình nghiên cứ, thậm chí còn bị lướt qua nữa, bất lợi cho việc nhận thức giá trị của tác phẩm.

Có thể nói từ Văn Minh Tân Học Sách đã toát lên quan điểm cơ bản là đối với mỗi quốc gia – dân tộc, sự hiện hữu và sự trường tồn của nó phải được khẳng định bằng nền văn minh do người trong quốc gia ấy tạo dựng nên. Nhưng tạo dựng cho được một nền văn minh của quốc gia – dân tộc không phải là “chuyện một sớm, một chiều” mà là kết quả của một quá trình lâu dài kết hợp sáng tạo (tư tưởng) với cạnh tranh, một quá trình trong đó có những giá trị giành được gắn liền với những hy sinh mất mát: “Văn minh không phải là có thể mua bằng giá trị mà thôi, mà còn phải mua bằng đau khổ nữa”. Do đó, văn minh phải được nhận thức như là sự vươn lên không ngừng, qua những quá trình tiếp nối nhau không bao giờ dứt, nhằm giải quyết những cản trở, bế tắc cũng ngày càng phức tạp hơn thì quốc gia – dân tộc mới có thể không ngừng tiến lên cùng với thời đại.

Một điểm khác về mặt lý luận quán xuyến trong Văn Minh Tân Học Sách từ đầu đến cuối, đó là tầm quan trọng của dân trí, tức là trình độ học thức của nhân dân trong một nước, đối với nền văn minh của nước đó. “Văn minh với dân trí, hai đàng cùng làm nhân quả lẫn nhau”. Do đó trong thời đại ngày nay “muốn cầu cho văn minh, không thể không lo mở mang dân trí”. Dân trí được mở mang sẽ là cái nguyên động lực của tư tưởng và cạnh tranh, cái nguyên động lực của văn minh, bởi vì “… trình độ dân trí được đề cao dần thì sức bành trướng của văn minh cũng sẽ lớn lên, và nền tảng văn hiến sẽ bền vững lâu dài vậy”.

Từ những quan điểm trên, nhìn lại Việt Nam, tác giả của Văn Minh Tân Học Sách khẳng định “Nước Đại Nam ta vốn là một nước lớn văn mình” và “Á châu vẫn là ngọn nguồn của văn minh đấy”, “người da vàng chúng ta có kém gì người da trắng đâu”. Tuy nhiên vì bị lệ thuộc quá lâu về tinh thần và văn hóa vào Trung Hoa nên nhân dân ta đã nhiễm phải những bệnh trầm trọng về tư tưởng là: “nội hạ, ngoại di”, “quý đạo vương, khinh đạo bá”, “cho xưa là phải, nay là quấy”, “trọng quan, kinh dân”, thiên về văn chương phù phiếm, về những giá trị tình, dưỡng tính hơn là chú trọng đến thực nghiệp, mưu sinh. Do đó nền văn minh mà quốc gia – dân tộc chúng ta đã đạt được qua mấy ngàn năm xây dựng là một nền văn minh tĩnh, ít biến đổi. Đó là “nguyên nhân khởi điểm” dẫn đến tình trạng lạc hậu, yếu kém của đất nước tá so với thế giới. Nay đã đến lúc chúng ta không nên giữ mãi như cũ được mà phải thay đổi; vì thời buổi đã đến lúc phải “biến”, “thông” và “thông thì lâu dài”.

Vấn đề được nêu lên là phải cấp bách học theo văn minh phương Tây, nắm lấy những bí quyết thành công của họ, những bí quyết giúp cho họ chiến thắng: “Người Âu súc tích tâm tư, tài lực có mấy nghìn, mấy trăm năm nay, làm nảy ra được cuộc văn minh, bành trướng không ngừng, lần lượt tràn vào các nước châu Á. Ấy thực là một ánh sáng rực rỡ giữa đám tối tăm”. Một trong những bí quyết ấy là nền khoa học – kỹ thuật của phương Tây, những môn học thực dụng, những nghề nghiệp thiết thực, đi sâu vào khám phá những bí mật trong tự nhiên, phát hiện ra những miền đất mới, khai thác những tài nguyên từ lòng đất, trau dồi kỹ năng, kỹ xảo… phục vụ cho những nhu cầu ngày càng phong phú của đời sống con người và xã hội.

Hơn nữa, phải nhìn thấy ở sức mạnh của phương Tây, một động lực khác không kém phần quan trọng, đó là nền dân chủ của họ. Một số trước tác triết học như Dân ước luận của Lư Thoa, Tiến hóa luận của Tư Tân Tắc (Herbert Spencer (1820-1903) không biết “Tiến hóa luận nhưng cũng là một nhà tiến hóa luận đã chủ trương rằng xã hội tư bản là tất nhiên, hài hòa và cân xứng…), Dân quyền thiên của Mạnh Đức Tư Cưu; nêu lên những thiết chế chính trị - xã hội như chính thể Cộng hòa hoặc Quân dân Cộng hòa (tức Quân chủ lập hiến), Nghị viện, Hiến pháp, Báo chí… đề cập đến những quyền của công dân như quyền bầu cử, quyền tự do ngôn luận… nhằm đưa tư tưởng tinh thần dân chủ vào đời sống xã hội, đời sống công dân. Tính năng động sáng tạo, tinh thần phiêu lưu, mạo hiểm, dám chấp nhận gian khổ, thử thách để phát hiện cái mới, cũng là một đặc tính của người phương Tây, làm cho họ luôn vươn lên phía trước…

(GS. Chương Thâu)


Kế sách xây dựng nền học mới để đạt đến văn minh

(Văn minh tân học sách)

(Phần 1)

Thiết nghĩ: Văn minh là một danh từ đẹp đẽ không phải do sự hào nhoáng màu mỡ mà làm nên; các môn học văn minh là những phúc tốt lành, không phải chuyện một sớm, một chiều có thể lấy được. Muốn làm nên và lấy được là nhờ có một chủ nghĩa lớn. Chủ nghĩa gì thế? Ấy là chủ nghĩa mở trí khôn cho nhân dân.

Kể các nước trên mặt địa cầu này, nước này còn là dã man, nước kia đã bán khai, nước nọ thì văn minh. Ấy là tùy theo chỗ dân trí từng nước thông hay tắc, nhiều hay ít, chóng hay chậm mà khác nhau.

Câu nói của nhà học giả phương Tây: “Văn minh không phải là có thể mua bằng giá trị mà thôi, mà còn phải mua bằng đau khổ nữa”. Giá trị là gì? Tức là tư tưởng. Đau khổ là gì? Là cạnh tranh. Càng tư tưởng thì càng cạnh tranh, càng canh tranh thì càng tư tưởng. Rồi do đấy, hết thảy các khoa thanh học, quang học, trọng học, điện học, khoáng học, thủy học, khí học, hóa học, địa dư, thiên văn, toán pháp và cơ khi, không môn học nào là không phừng phực nảy ra. Lý do để đi tới chỗ cực điểm của văn minh là bởi thế đó.

Văn minh với dân trí, hai đàng cùng làm nhân quả lẫn nhau. Nhưng muốn mở dân trí, trước hết phải tìm cho thấy bế tắc là ở chỗ nào và sự phát đạt bắt đầu từ đâu, bấy giờ mới có thể bắt tay vào việc được. Bằng không, thì chỉ có thể nhìn biển cả mênh mông rồi than thở mà thôi.

Từng xét thánh nhân đời thượng cổ đã chế được đủ đồ vật để dùng, lập thành khí cụ để cho thiên hạ tiện lợi. Khoa học cách trí đã thấy tản mát ở`bộ Chu quan 1), các sách Quân tử 2), Mặc tử 3): Á châu vẫn là ngọn nguồn văn minh đấy. Nước Đại Nam ta vốn là một nước lớn văn minh. Nói về vị trí thì ở vào giữa khoảng nhiệt đới và ôn đới. Đất tốt, khí hậu điều hòa, thóc lắm, tằm nhiều, các nguồn lợi miền núi, miền biển hơn cả thiên hạ. Dân trong nước làm ăn dễ dàng. Trải các triều đại, vua thánh, tôi hiền, cùng nhau làm cho thịnh vượng lên, rực rõ thêm, to tát ra. Trong bài Tựa của Lao Sùng Quang đề đầu tập Phong nhã thống biên 4) có nói ta được các nước trong ngoài đều khen là nước thanh danh, văn vật. Cái đó đã đành rồi.

Nhưng nay thì sao? Của báu núi rừng, nguồn lợi đó, ta không được hưởng. Trăm thứ hàng hóa, quyền lợi đó, ta không được nắm. Cho đến các hàng vóc nhiễu, nhung, len, vải, lụa, giày, dép, khăn tay, mục kỉnh, dù che, dầu hỏa, đồ sứ, đồ pha lê, đồng hồ, phong vũ biểu, hàn thử châm, ống nói, kính hiển vi, kính ảnh, bút giấy, son tàu, mực tàu, kim chỉ, khuy, các phẩm nhuộm, xà phòng, nước hoa, diêm, bánh sữa, kẹo mứt, dược phẩm, thuốc lá, chè, rượu, v.v... không mua của Tàu thì mua của Tây cả. Thứ lấy cái bảng kê số xuất khẩu, nhập khẩu trong một năm mà tính, thì sẽ thấy rằng một khi gánh vàng đi đổ... ra ngoài rồi, thì không sao mong châu về Hợp Phố nữa! Của nước như thế thật đáng tiếc!

Nông học có hội: người ta đương cạnh tranh về nghề nông đấy! Còn ta thì vẫn như cũ! Hỏi ta có cày máy để giúp việc cày, điện khí để làm cho lúa tốt, các phương pháp mới để cứu hạn hán, trị sâu keo không?

Thương chính có sở: người ta đương cạnh tranh về nghề buôn đấy! Còn ta thì vẫn như cũ! Hỏi có hạm đội để hộ thương, thị trường để thông thương, công ty lớn do chính phủ và nhân dân góp cổ phần lại để lập nên không?

Công nghiệp có xưởng: người ta đương cạnh tranh về công nghệ đấy! Còn ta thì vẫn như cũ! Hỏi trong công nghệ có ai trổ khéo, phô tài ngày một mới, tháng một lạ, như Oát (Watt), như Êđixơn (Edison) không? Tài của nhân dân như thế, thật đáng hãi hùng!

Kìa những kẻ ham mê đàn sáo, đầu hồ, bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ, số tướng, địa lý, phù thủy, ngày ngày dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, sống say chết mộng, thì chả kể làm gì. Những hạng cao hơn, đỗ đạt lên một tý, được cái tiếng quèn, đã vội khủng khỉnh ta đây là kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thế đạo, ngày ngày khoe câu văn hay, khư khư ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ thầy học với văn minh! Hạng kém thua nữa thì nghe có vấn đề thăng quan lên mấy bậc, cất nhắc lên mấy người, chứ không hề biết đến vấn đề nào khác! Có một ông nào đã nói với các bạn hậu tiền: “Các thy mun ra làm quan thì phi cn thn, ch có đc sách mi, xem báo mi”. Ôi, nếu không biết đến sách báo mới thì thôi; chứ đã biết đến mà lại bưng bit che lấp đi, làm như không nghe, không thấy chuyện gì, để tự mình lại củng cố trong mình một căn tính nô lệ, nhân cách như thế, thật nên lấy làm đau đớn!


Logo phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

Nghĩ lại văn minh nước ta có cái đặc tính luôn luôn tĩnh như vậy; văn minh Âu châu thì có tính luôn luônđộng như kia. Cái đó ai cũng biết.

Nhưng vì sao lại như thế?Ấy là bởi có ảnh hướng tương phản và nguyên nhân khởi điểm đấy. Nay xin lần lượt kể ra.

Thế nào là ảnh hướng tương phản? Xét ra các nước châu Âu: trên có nghị viện duy trì quốc thị 5), dưới có báo quán, để đạo đạt hạ tình 6). Đại trước tác thì có Dân ước luận của Lư Thoa 7), Tiến hóa luận của Tư Tân Tắc 8), Dân quyền thiên của Mạnh Đức Tư Cưu 9). Suy rộng ra, nào diễn thuyết, nào thi ca, đều cốt để phát huy cái chủ nghĩa yêu nước, yêu nòi giống. Nước ta có thế không? Làm văn sách thì chỉ e sự phạm húy, dâng thư cho người trên thì chỉ e phạm tội vượt phận nói leo, chỉ chừng đó là đã khác hẳn với (các nước) không cấm (nhân dân) bàn bạc. Huống chi nào chuyện chích quái, nào chuyện truyền kỳ 10) thơ bao nhiêu quyển, văn bao nhiêu tập, văn hóa lòe loẹt thì có, còn nói về mở mang trí khôn cho dân thì không hề có gì! Đó là điều ta trái với người về giới tư tưởng.

Người châu Âu đặt giáo dục chia làm ba bậc: tiểu học, trung học và đại học, cứ bốn năm là một kỳ 11). Khi vào học, lấy những môn văn tự nước nhà ngày nay, cổ văn La Mã, văn tự, tiếng nói ngoại quốc, toán học, địa dư làm những môn học đầu tiên. Khi học đã mãn khóa, lần bậc tiến lên, thì cứ tùy theo năng khiếu của học sinh, hợp với môn học nào thì dạy cho môn học ấy: chia ra luật học, thiên văn học, võ bị học, y học, cách trí học, v.v... Học thành tài rồi sau mới dùng, dùng làm có được việc thì sau mới thăng chức. Nước ta có thế không? Những môn ta học và nhớ ấy chỉ là sách Tàu; những bài ta chú thích ấy chỉ là lời của cổ nhân; những thứ ta thi ấy chỉ là kinh nghĩa, thơ ngũ ngôn, biền ngẫu tứ lục! Đó là điều ta trái với người v gii giáo dc.

Người châu Âu, họ tổ chức chính quyền trong nước có chính thể lập hiến, có chính thể quân dân cộng hòa. Cứ số bao nhiêu người dân thì cử một người làm nghị viên. Hễ bàn đến một việc gì thì trước phải khai hội: kẻ bàn, người nói, sớm sửa đi, chiều sửa lại, cốt làm cho đúng chân lý, hợp với tình hình. Nước ta có thế không? Hành chính thì cấm thay đổi, sửa sang; dùng người thì quý im lìm lặng lẽ; chiếu theo lệ cũ, nhưng lệ không nhất định; luật cũng có ban bố đấy, nhưng dân gian không được đọc luật! Đó là điều trái nhau về gii kinh tế12).

Người Âu cho nước và dân là có quan hệ mật thiết với nhau. Cho nên có chính thể cộng hòa, mà quốc thể tức là gia thể 13); có tục thượng võ, mà quốc hồn tức là gia hồn; có lệ hỗ trái 14), mà quốc mạch tức là gia mạch: có lối kiêm biện 15), mà quốc sự tức là gia sự: có phái tự do, mà quốc quyền tức là gia quyền. Nước ta có thế không? Ngoài văn chương có gì là quý; ngoài áp chế, không có gì là tôn chỉ; ngoài phục tòng, không có gì là nghĩ xa! Đó là sự trái nhau về gii tính tình.

Người Âu trọng du lịch, xem thường hiểm trở gian nan, Ma Tây 16) dời đi Già Nam 17) có 40 năm; Kha Luân Bố 18) bằng hoàng ở Đại Tây Dương cũng có đến vài mươi năm; Lợi Mã Đậu 19) lặn lội ở Tàu cũng đến 19 năm. Ngoài ra như đi thám hiểm Băng Dương, đi vòng quanh địa cầu, đều là những việc thường thấy. Nước ta có thế không? Môn học thực dân, ta chưa hề nghĩ đến; thị trường tiêu thụ hàng hóa, ta chưa hề đi tìm. Lìa nhà mươi dặm đã bùi ngùi những mưa gió hoa vàng? Ở lữ thứ vài năm đã than thở quan hà đầu bạc! Nói gì đến đất Tiêm La, Miến Điện, Nam Chưởng, Cao Miên là đất nước hẻo lánh quê kệch, không ai chịu đặt chân tới; nhưng đến ngay Trung Hoa, đối với ta, vẫn là chỗ cùng tộc loại, cùng đạo giáo, cùng lễ giáo, văn học, cho đến phương diện giao tế cái gì cũng giống nhau, thế mà người Tàu thì ở nhan nhản khắp nơi kinh kỳ, đô hội bên ta, còn người nước ta thì chưa từng mời ai đến thành Ngũ Dương 19) cả! Đó là sự trái nhau về gii phong tc.

Thế nào gọi là nguyên nhân khởi điểm?

Một là khởi ở cái điểm nội hạ ngoại di 20), không thèm hỏi đến chính thuật và kỹ năng của nước khác.

Hai là khởi ở cái điểm quỹ đạo vương, khinh đạo bá 21) , không thèm giảng đến cái học phú cường cơ xảo của nước ngoài.

Ba là khởi ở cái điểm cho xưa là phải, nay là quấy, không chịu xem xét kiến thức và những sự suy nghĩ bàn luận của người sau.

Bốn là khởi ở cái điểm trọng quan và khinh dân, nên không thèm kể đến tình hình hay dở ở chốn hương thôn.

Bốn điểm này chính là mở đầu cho năm giới 22), năm giới ấy cũng tức là kết quả của bốn điểm. Thành thử mấy nghìn năm nay, văn minh tiến hóa của ta mới có cái tính tĩnh mãi mà không có cái tính động mãi. Thật cũng là đáng ngậm ngùi buồn bã vậy.

Vậy thì sống ở đời nay mà muốn cầu cho văn minh, không thể không lo mở mang dân trí. Nay dân có trí, là cải công lệ thiên diễn. Người da vàng chúng ta có kém gì người da trắng đâu. Có điều là tai mắt chưa thấy qua, thì chưa thể phát triển; hình thức có cái còn thiếu, thì không biết bắt chước vào đâu: vốn liếng chưa dồi dào thì không thể làm nên được. Vậy không nhờ người đại biểu để mở mang cho thì quyết là không thể được.

(Còn nữa)

Chú thích:

1)Chu quan: tên một tập sách Trung Quốc nói về quan chế nhà Chu (1134-771 trước Công nguyên), cũng gọi là Chu lễ.
2) Quản tử: tên một tập sách Trung quốc, tương truyền là của Quản Trọng, một nhà chính trị có tiếng thời Xuân Thu viết.
3) Mặc tử: một bộ sách triết lý của Mặc Định, nhà học giả nước Lỗ, thời Chiến Quốc
4) Phong nhã thống biên: một tuyển tập thơ Việt Nam làm dưới thời Tự Đức. Có một bài tựa do sứ Trung Quốc là Lao Sùng Quang viết. Hiện còn chép lại trong phần II tập Sứ trình yếu thuật khúc của Bùi Ngọc Quỹ. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm: A.1312.
5)Quốc thị: kỷ cương mà cả nước thừa nhận là phải (hiến pháp, pháp luật)
6) Hạ tình: những điều mong muốn của quần chúng, nhân dân
7) Lư Thoa (Jean Jacques Rousseau), (1712-1778) - nhà đại văn hào và đồng thời cũng là một nhà triết học Pháp. J. J. Rousseau là nhà lý luận của chủ nghĩa dân chủ thế kỷ XVIII nước Pháp.
8) Tân Tư Tắc: Herbert Spencer (1820-1903) - nhà xã hội học đồng thời cũng là một nhà triết học duy tâm nước Anh, theo xu hướng thực chứng chủ nghĩa (posivitisme). H. Spencer không viết "Tiến hóa luận", nhưng cũng là một nhà tiến hóa luận đã chủ trương rằng xã hội tư bản là tất yếu, hài hòa (harmonie) và cân xứng. Với học thuyết đó, Spencer là một tiền bối của xã hội phản động bên Mỹ gần đây.
9)Mạnh Đức Tư Cưu: Montesquieu (1689-1755) - nhà văn thế kỷ XVIII của nước Pháp, đại biểu cho ý thức hệ dân chủ tư sản Pháp hồi đó. Dân quyền thiên đúng tên là L'esprit des lois, cũng dịch là Vạn pháp tinh lý hay Hiến pháp tinh lý
10) Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ
11)Ngày nay ta nói là một cấp
12) Kinh tế; ở đây tức là chính trị của một nước, khác với nghĩa của danh từ ta dùng ngày nay
13) Ý nói: nước cũng là của chung mọi người
14)Cho vay
15) Ma Tây: Moise, một nhân vật vĩ đại trong Kinh Thánh (phần Cựu ước) đã hướng dẫn nhân dân Do Thái (hồi đó bị vua Ai Cập chinh phục bắt về làm nô lệ) trong cuộc di chuyển bốn mươi năm để thoát khỏi ách kẻ thống trị, về tới xứ Canaăng
16)Già Nam: Channan, tức Palestine - dấu thánh địa của dân Do Thái
17)Kha Luân Bố: Christophe Colomb (1451-1506) - nhà thám hiểm người Gênes đã tìm ra châu Mỹ
18)Lại Mã Đậu: Mattéo Ricci (1552-1610) - một nhà truyền giáo Ý đã ở Trung Quốc đến mấy chục năm
19) Tức là tỉnh thành Quảng Đông, cũng gọi là Dương Thành
20)Nội hạ ngoại di: gần gũi với người trong nước, khinh bỉ người ngoài mà mình chê là mọi rợ
21)Các nhà Nho vẫn cho đạo Nghiêu, Thuấn, Khổng, Mạnh là đạo làm vua. Vương đạo: là giáo chỉ của các thánh vương, sẽ vĩnh viễn ngự trị trong thiên hạ, còn lối làm cho nước giàu mạnh của Âu - Mỹ chỉ là thủ đoạn khéo léo như cánh các bá chủ đời Xuân Thu ngày trước. Bá đạo dầu có thắng lợi trong một thời gian thì rút cục cũng nhất định sẽ thất bại.
22)Tức là tư tưởng, giáo dục, kinh tế, tính tình và phong tục nói trên kia
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đường lối giáo dục cứu nước của Đông Kinh Nghĩa Thục

    23/09/2018Nguyễn Hải HoànhGiáo dục cứu nước (GDCN) là lựa chọn quan trọng nhất của các sĩ phu sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) khi họ quyết định đường lối đấu tranh giải phóng nước nhà của tổ chức cách mạng này. Trước đó, tất cả các cuộc đấu tranh chống Pháp đều theo đường lối bạo động vũ trang.
  • Hãy nhìn xem thảm trạng của Cao Ly mất nước! *

    07/06/2018Khuyết danhBảo rằng người giống da vàng chúng ta không thể trỗi dậy ư? - Chúng tôi muốn cùng các người xem nước Nhật Bản! Bảo rằng người giống da vàng chúng ta không thể mất được ư? - Chúng tôi muốn cùng các người xem nước Cao Ly (Triều Tiên)...
  • Nhìn lại phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

    05/07/2017Nguyễn Trọng TínBỏ lối học từ chương khoa cử, tập trung cho thường thức và thực nghiệm, dạy cả tiếng Việt, Pháp và Hán văn. Chủ trương này lại xuất phát từ tầng lớp nho gia cuối cùng của Việt Nam. Không chỉ thế, chấn hưng công thương, khai mỏ, lập đồn điền, cắt tóc, xuất dương du học… cũng là chủ trương của họ. Dù chỉ tồn tại trong 9 tháng (5.1907 – 1.1908), nhưng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thực sự là đỉnh cao của cuộc cách mạng xã hội to lớn đầu thế kỷ 20 có tên là Duy Tân
  • Cáo hủ lậu văn

    02/02/2016Đông Kinh Nghĩa Thục, Ngô Vi Lâm dịchCáo hủ lậu văn là bài thơ của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nhằm mục đích đả kích lối học cũ và tư tưởng lạc hậu của các nhà Nho bảo thủ, một trở ngại cho phong trào Duy Tân hồi bấy giờ...
  • Văn minh tân học sách - Cương lĩnh hành động của Đông Kinh Nghĩa Thục

    20/11/2015Chương ThâuTrước đây, trong công trình nghiên cứu VĂN THƠ CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX (Nxb Văn hóa, Hà Nội 1961) Giáo sư Đặng Thai Mai có viết: “Những thi ca do Đông Kinh Nghĩa Thục phát động và phổ biến có một ý nghĩa rất quan trọng...
  • Đông Kinh Nghĩa Thục, thử nhìn từ một góc độ khác

    02/07/2015Nguyên NgọcCó một tư liệu có lẽ có thể cung cấp cho chúng ta một câu trả lời độc đáo và thuyết phục, hoặc ít nhất, một gợi ý rất đáng để tiếp tục suy ngẫm, không chỉ để hiểu một quá khứ lịch sử quan trọng, mà còn có thể giúp ta suy nghĩ về những vấn đề đang đặt ra trong phát triển của chính chúng ta hôm nay...
  • Các cụ xưa đã khai dân trí qua sách vở "Đông Kinh Nghĩa Thục" năm 1907 như thế nào?

    23/06/2015Sưu tầmĐông Kinh Nghĩa Thục đã tạo nên một bão táp trong tư tưởng và hành động của sĩ phu đương thời. Học sinh dồn dập đến trường và các trí thức uyên bác được tập hợp lại, cùng nhau giảng dạy, viết giáo trình, tổ chức hội thảo, diễn thuyết, cổ động từ nơi này qua nơi khác… Phong trào mang tính cách mạng rầm rộ về văn hoá và tư tưởng...
  • Một thiếu sót trong văn học sử Việt Nam: Đông Kinh Nghĩa Thục

    16/06/2015Nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978)Văn học sử Việt Nam có nhiều biến cố quan trọng. Chữ Nôm xuất hiện là một biến cố quan trọng. Chữ quốc ngữ ra đời cũng là một biến cố quan trọng... Như thế cũng là bỏ một biến cố quan trọng là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục xuất phát năm 1907...
  • 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục: Trong cái nhìn hôm nay

    21/10/2011Cái nhìn của một số trí thức thời nay về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngẫm chuyện xưa để nói chuyện nay - con đường phát triển dân tộc...
  • xem toàn bộ